Tìm lại nghĩa của một vài từ cổ trong Truyện Kiều


Nghiên cứu các văn bản Truyện Kiều chữ Nôm, chúng tôi thấy còn khá nhiều bản Nôm cổ chép các câu Kiều, có những chữ phạm vào lệnh kiêng húy đời Gia Long ...


1. Thời điểm Nguyễn Du viết Truyện Kiều

Nghiên cứu các văn bản Truyện Kiều chữ Nôm, chúng tôi thấy còn khá nhiều bản Nôm cổ chép các câu Kiều, có những chữ phạm vào lệnh kiêng húy đời Gia Long như:

Tuồng chi là giống hôi tanh (Câu 853)

Tuồng chi những giống bơ thờ quen thân (Câu 1728)

Xuân lan thu cúc mặn mà cả hai (Câu 162)

So vào với thiếp Lan Đình nào thua (Câu 1728)...

Ở các bản Kiều Nôm cổ chữ giống viết bằng chữ Hán: Chủng là tên lúc nhỏ của vua Gia Long, chữ Lan là tên của mẹ cả vua Gia Long, là Huy Gia Từ phi. Từ đó suy ra Nguyễn Du không thể viết Truyện Kiều khi Nguyễn Phúc Chủng đã lên ngôi vua mà tác giả lại dám dùng các chữ đại phạm húy: Chủng, Lan vào trong tác phẩm được. Vậy Truyện Kiều chỉ có thể được Nguyễn Du sáng tác trước khi Gia Long lên ngôi, tức là vào khoảng thời Tây Sơn (1796 - 1801). Do đó trong Truyện Kiều còn nhiều từ cổ thông dụng trong thế kỷ XVIII, phải giải nghĩa bằng các từ điển từ cổ chứ không nên giảng theo các từ điển hiện đại của thế kỷ XX. Sau đây xin nêu một vài ví dụ để chất chính cùng các bậc thức giả và bạn đọc yêu thích Truyện Kiều.

2. Tìm lại nghĩa của từ “trân trọng” trong Truyện Kiều

Ngày nay, từ trân trọng chỉ được dùng với nghĩa: tỏ ý quý, coi trọng. Ví dụ: Xin gửi lời chào trân trọng (Từ điển tiếng Việt - Hoàng Phê) hoặc thường dùng khi gặp gỡ: Xin trân trọng giới thiệu… Nhưng nét nghĩa trên lại tỏ ra không phù hợp trong cảnh Thúy Kiều tiễn Kim Trọng về Liêu Dương chịu tang chú:

Ngại ngùng một bước một xa,

Một lời trân trọng châu sa mấy hàng

(Câu 561 - 562)

Trong Từ điển Truyện Kiều cả học giả Đào Duy Anh cùng giáo sư Phan Ngọc đều giảng: Trân trọng: quý trọng. Lời trân trọng là lời nói quý mến, xem trọng. Cách giải nghĩa này xem ra cũng không phù hợp, vì đôi trai gái này đã phải lòng nhau từ khi Nẻo xa mới tỏ mặt người. Chàng Kim Trọng thì mới Trộm nghe thơm nức hương lân đã bộc lộ ngay tình cảm Những là trộm dấu thầm yêu chốc mòng. Còn Thúy Kiều thì kín đáo hơn một chút Tình trong như đã mặt ngoài còn e. Song họ đã có hai tuần trăng để thầm nhớ nhau và lại có buổi trao kỷ vật Giở kim thoa với khăn hồng trao tay, rồi lại một ngày một đêm tâm tình, thề thốt với nhau:

Tiên thề cùng thảo một chương,

Tóc mây một món dao vàng chia đôi

Vậy đôi trai gái này tuy Chưa chăn gối cũng vợ chồng (lời khẳng nhận của Kim Trọng), lúc chia tay nhau mà lại được hiểu là Thúy Kiều chỉ nói lời trân trọng với ý nghĩa là tỏ ý quý mến, xem trọng là chưa bộc lộ đúng tình cảm của người vợ chưa cưới tiễn chồng, lại không hợp cảnh lưu luyến đầm đìa nước mắt châu sa mấy hàng.

Do vậy khi đã xác định Truyện Kiều được thi hào Nguyễn Du viết từ cuối thế kỷ XVIII, chúng ta phải tìm hiểu thời kỳ đó từ Hán - Việt trân trọng thường được dùng với nét nghĩa nào? Trước đây trong Hán Việt từ điển của học giả Đào Duy Anh (trang 481) đã giảng: Trân trọng: xem quí, xem trọng = Giữ gìn cẩn thận. Các từ điển của Trung Quốc như Vương Vân Ngũ Đại từ điển (tr.221), Hán ngữ từ điển của Lê Cẩm Hy (tr.744) giảng: Trân trọng: Hảo hảo đích bảo trọng, thiện gia bảo trọng chi ý, nghĩa là: Chú ý giữ gìn bảo trọng thân thể khỏe mạnh. Giáo sư Nguyễn Kim Thản trong Từ điển Hán Việt hiện đại (tr. 1224) giảng: Trân trọng: 1) quý mến; 2) giữ gìn sức khỏe. Ví dụ: Lưỡng nhân khẩn khẩn ác thủ, hỗ đạo trân trọng, nghĩa là: Hai người nắm chặt tay, dặn nhau giữ gìn sức khỏe.

Giáo sư Vương Lộc trong Từ điển từ cổ (tr.161) cũng giảng: trân trọng: Bảo trọng. Chú ý giữ gìn sức khỏe.

Như vậy, trước đây từ trân trọng dùng trong lúc chia tay thường được hiểu với nghĩa là: Dặn dò người ra đi chú ý giữ gìn sức khỏe.

Vì vậy trong tác phẩm Nhị Độ Mai khi tả cảnh chia ly cũng có câu:

Dặt dìu sẽ rót chén mồi,

Nghìn câu trân trọng, trăm lời biệt ly

(Câu 129 - 130)

Nhưng điều khẳng định quan trọng và thú vị nhất là chính thi hào Nguyễn Du trong Thanh hiên thi tập tại bài Ký Giang Bắc Huyền Hư tử (Gửi Huyền Hư tử ở Giang Bắc) đã có câu:

Trân trọng hảo tự ái,

Thu cao sương lộ đa

Dịch nghĩa:

Xin trân trọng mà giữ mình cho tốt,

Cuối thu sương móc càng nhiều


Dịch thơ:

Tấm thân gìn giữ kẻo mà,

Càng sang thu tiết sương sa càng nhiều



(Phạm Khắc Khoan - Lê Thước dịch thơ)

Do vậy, từ trân trọng trong cảnh Thúy Kiều tiễn Kim Trọng ở câu thơ:

Ngại ngùng một bước một xa,

Một lời trân trọng châu sa mấy hàng


Không thể mang nét nghĩa hiện đại thường dùng của thế kỷ XX - XXI là Lời nói ý quí mến xem trọng mà nên hiểu theo nghĩa của thi hào dùng từ thế kỷ XVIII là: Lời Thúy Kiều dặn dò Kim Trọng nên chú ý giữ gìn sức khỏe trên đường về Liêu Dương chịu tang chú.

3. Ngõ không phải là lối nhỏ mà là...

Trong Từ điển Truyện Kiều của học giả Đào Duy Anh (1974) và Giáo sư Phan Ngọc (1989) đều thống nhất là trong Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du có 3 câu có từ ngõ và chung một nghĩa (trang 284): Ngõ: Lối nhỏ ở trong phố, trong làng, trong vườn.

Ví dụ:

Sá chi liễu ngõ hoa tường (câu 1355)

Hoa chào ngõ hạnh hương bay dặm phần (câu 2862)

Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời (câu 3122)

Trong Từ điển tiếng Việt cũng chỉ thu nạp được một từ ngõ, nghĩa như sau: “Ngõ, danh từ. 1, Đường nhỏ và hẹp trong làng xóm, phố phường. Ví dụ: Ngõ phố, đường ngang ngõ tắt; 2. (cũ, hoặc phương ngữ): Cổng vào sân nhà. Ví dụ: Bước ra khỏi ngõ. Trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã tường (tục ngữ)” (Hoàng Phê chủ biên, bản in 2004, trang 681).

Khi nghiên cứu các bản Truyện Kiều chữ Nôm cổ của các nhà Liễu Văn Đường 1866, 1871; Duy Minh Thị 1872, 1891; Thịnh Mỹ Đường 1879; Quan Văn Đường 1879; Tụ Hiền Đường 1886; Ấn thư Hội 1896... và hàng chục bản Kiều Nôm cổ khác, chúng tôi phát hiện ra ở 2 câu 1355, 2862 thì cách phiên âm và giảng nghĩa của Từ điển Truyện Kiều là đúng mặt chữ Nôm và đúng nghĩa vì chữ ngõ có bộ thổ bên trái làm nghĩa phù và chữ ngọ bên phải làm thanh phù. Nhưng với câu 3122 thì chữ Nôm ở các bản Kiều cổ nêu trên, phiên âm đúng phải là: Tan sương biết (ngõ) áng mây giữa trời.

Tìm rộng ra thì thấy bản Trương Vĩnh Ký 1875, A.D Michels 1884, E. Nordemann 1897 đều cùng chép là: Tan sương biết tỏ áng mây giữa trời.

Còn câu Kiều 3122 mà hai học giả Đào Duy Anh và Phan Ngọc chọn đưa vào Từ điển Truyện Kiều thì nguyên ủy là từ hai bản Kiều của Nguyễn Hữu Lập 1870 và Kiều Oánh Mậu 1902 chép là: Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời.

Ở hai bản Nôm trên, hai bậc khoa bảng đã tự ý chép chữ (ngõ) để tỏ rõ ý là: Lối nhỏ ở trong phố, trong làng, trong vườn.

Để biện giải cho sự vênh nhau giữa các bản Nôm cổ và các bản Quốc ngữ thông dụng hiện nay, Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn trong hai công trình Tư liệu Truyện Kiều - Bản Duy Minh Thị 1872 (in 2002) và Tư liệu Truyện Kiều - Thử tìm hiểu bản sơ thảo Đoạn trường tân thanh (in 2008) thì trong phần phiên âm là: Tan sương biết ngõ áng mây giữa trời và nêu cách giải thích: “Lúc đầu chúng tôi có ý nghĩ biết, áng đều là những chữ do khắc nhầm mà thành: ngoài nhầm thành biết, cuốn nhầm thành áng, do có tự dạng hơi gần gũi. Và chúng tôi đọc thành Tan sương ngoài ngõ, cuốn mây giữa trời. Nhưng sau nghĩ lại, chúng tôi tôn trọng 3 bản khắc (tức LVĐ 1871, DMT 1872, TMĐ 1879 - NKB chú) và thử gắng hiểu như sau: Tan sương thì mới biết ở ngõ nào, hướng nào thì có mây che giữa trời. Vì trong tiếng Việt xưa, áng có nghĩa là “che” (Từ điển từ cổ). Xin chờ bạn đọc cân nhắc thêm giữa hai khả năng (Bản in 2002, trang 531).

Như vậy GS. Nguyễn Tài Cẩn vẫn hiểu từ ngõ là “Ngõ nào, hướng nào” giống như cách giảng của học giả Đào Duy Anh, ngõ: Lối nhỏ ở trong phố, trong làng, trong vườn. Trong khi từ ngõ ở câu 3122 lại không có bộ thổ biểu nghĩa như ở các câu 1355, 2862.

Đến công trình Truyện Kiều của GS. Trần Nho Thìn và TS. Nguyễn Tuấn Cường in 12/2007, mặc dù hai tác giả đã tham khảo và biết ở các bản Liễu Văn Đường 1866, 1871; Duy Minh Thị 1872 chép là: Tan sương biết ngõ áng mây giữa trời nhưng lại cứ tin vào đa số các bản Quốc ngữ in đông đảo trong thế kỷ XX để chọn chép vào chính văn câu thơ Kiều là: Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời.

Và giảng là: “Trong các câu trước đó, Kiều đã nói đến hoa tàn, trăng khuyết. Vì vậy ở đây Kim Trọng cũng viện đến hoa và trăng để động viên nàng”.

Vậy chữ ngõ ở câu 3122 có nghĩa là gì?

Tìm trong các từ điển cổ, ta thấy Từ điển Việt - Bồ La (1651) của A.D.Rodes có: Ngỏ ngàng: Thận trọng khôn ngoan; Tài ngỏ: Thông hiểu, minh mẫn (trang 164).

Từ điển Đại Nam quấc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Palus Của (1896) có: Ngõ - Nôm - Hầu cho, cho được (tiếng ước về sau).

Khôn ngõ: Khôn ngoan

Hiền ngõ: Khôn ngoan

Tài ngõ: Tài trí

Ngõ ngàng: Thông sáng, sáng láng, đoái đến.

Nghe ngõ: Nghe thấu, nghe tiếng kêu gọi.

Tự điển Việt Nam của Lê Văn Đức (1970) vẫn có ghi: Ngõ: Tính từ: Khôn ngoan, hiểu biết nhiều; Hiền ngõ, tài ngõ (trang 1021). Đến Từ điển từ cổ của Vương Lộc (2001) vẫn còn thu thập được: Ngõ, tính từ: Khôn giỏi, thông minh.Ví dụ: Khen thì nên ngõ chê nên dại/ Mất ắt chăng âu, được chẳng mừng (Bạch vân quốc ngữ thi); Khoe khoang trí ngõ hơn người (Thiên nam ngữ lục); Đua ngõ: Thi nhau về khôn khéo về khôn ngoan (trang 117).

Tra Tự điển chữ Nôm do GS. Nguyễn Quang Hồng chủ biên (in 2006 - trang 775) thì chữ ngõ: a) Hiểu biết thông thạo: Tài tuy chăng ngõ, trí chăng cao (Nguyễn Trãi); b) Tài giỏi, sáng suốt: Khen thì nên ngõ chê nên dại (Bạch Vân quốc ngữ thi).

Trong công trình Truyện Kiều - Văn bản hướng tới phục nguyên - khảo đính và chú giải (Nxb Giáo dục, in 2009) tôi còn cung cấp được một số ví dụ về từ ngõ có nét nghĩa như trên: Có tài có ngõ thì gõ với nhau (Quốc âm thi tập); Khoe trí, khoe tài dầu nó ngõ (Chinh phụ ngâm); Vời vợi kia ngõ chăng hay tá (Chinh phụ ngâm); Cậy ai mà gửi tới cùng/ Ngõ chàng thấu hết tấm lòng tương tư (Chinh phụ ngâm)...

Như vậy, phiên âm đúng theo mặt chữ Nôm của hàng chục bản Kiều Nôm cổ thì lời chàng Kim Trọng khen Kiều nên đọc là:

Như nàng lấy hiếu làm trinh,

Bụi nào cho đục được mình ấy vay

Trời còn để có hôm nay

Tan sương biết ngõ áng mây giữa trời


Và tạm hiểu: Đây là lời đánh giá của Kim Trọng về phẩm hạnh của Thúy Kiều (lấy hiếu làm trinh), tuy lưu lạc 15 năm làm kỹ nữ, con ở... nhưng tấm lòng hiếu trinh không bị vẩn đục. Nay trời cho được đoàn tụ, qua mọi gian khổ, nhọc nhằn (tan sương) vẫn tỏ rõ bản chất trong sáng, tài giỏi (biết ngõ) và như vậy nàng Kiều vẫn xứng đáng như “áng mây giữa trời”.

Qua tìm hiểu, sưu tầm và phân tích như trên, chúng tôi mong được các bậc thức giả yêu Truyện Kiều cùng nhau tham gia góp ý kiến để việc phục nguyên và hiểu văn bản Truyện Kiều bớt đi được một câu Kiều phiên âm và hiểu sai nhiều năm nay.

Tài liệu tham khảo:

(1) Truyện Kiều: 1. Liễu Văn Đường 1866 - 1871; 2. Nguyễn Hữu Lập 1870; 3. Duy Minh Thị 1872 - 1879 - 1891; 4. Trương Vĩnh Ký 1875; 5. Thịnh Mỹ Đường 1879; 6. Quan Văn Đường 1879; 7. A.D Michels 1884; 8. Tụ Hiền Đường 1886; 9. Ấn thư hội 1896; 10. Kiều Oánh Mậu 1902; 11. Chu Mạnh Trinh 1906.
(2) Từ điển Truyện Kiều: 1. Đào Duy Anh 1974; 2. Phan Ngọc 1989.
(3) Từ điển tiếng Việt: 1. Hoàng Phê 2004; 2. Lê Văn Đức 1970.
(4) Tự điển chữ Nôm: Nguyễn Quang Hồng 2006.
(5) Từ điển từ cổ: 1. A.D.Rhodes 1651; 2. Huỳnh Tịnh Paulus 1896; 3. Vương Lộc 2001