Phát huy giá trị của hệ thống bảo tàng: Công chúng giữ vị trí trung tâm


Làm thế nào để "Bảo tàng góp phần thay đổi nhận thức xã hội" là vấn đề được các chuyên gia, nhà quản lý bảo tàng (BT) hàng đầu trong khu vực tập trung thảo luận tại hội nghị lần thứ 4 "Hiệp hội các Bảo tàng quốc gia Châu Á" - diễn ra trong tuần qua, tại Hà Nội. Kinh nghiệm xây dựng và phát triển hệ thống BT ở nhiều quốc gia cho thấy, các BT luôn phải coi công chúng là trung tâm trong mọi hoạt động của mình.

 

Du khách tham quan Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.


"Bắt tay" với du lịch

BT không chỉ là nơi lưu giữ hiện vật, giáo dục truyền thống mà còn là nơi lưu giữ, phát huy tinh hoa di sản văn hóa của mỗi quốc gia, là địa chỉ du lịch hấp dẫn nên có vai trò vô cùng quan trọng. Như Giám đốc BT Lịch sử quốc gia Nguyễn Văn Cường nhận định: "Ngày nay, khách du lịch rất thích đến BT, di tích vì ở đó họ có thể tìm hiểu, trải nghiệm về lịch sử, văn hóa truyền thống của địa phương, quốc gia mà họ đặt chân tới. Nếu biết khai thác, phát huy một cách khoa học thì BT là sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn".

Minh chứng cho nhận định này, Giám đốc BT Chứng tích chiến tranh TP Hồ Chí Minh Huỳnh Ngọc Vân cho hay: "Chúng tôi thường xuyên gặp gỡ các công ty du lịch để lắng nghe ý kiến đóng góp về nội dung và hình thức hoạt động của BT. Nhờ sự gắn bó máu thịt với ngành du lịch nên trong ba năm gần đây, dù giá vé tham quan không đổi nhưng nguồn thu sự nghiệp của BT từ du khách cao gấp 3,5-4 lần ngân sách được cấp. Một số công ty du lịch như Saigon Tourist, Viet Travel, Fiditour, Apex, Asian Trail… thường xuyên đưa khách đến BT Chứng tích chiến tranh nhiều lần trong một ngày, nhiều ngày trong một tháng, trong đó có nhiều người xác nhận họ đến với BT nhiều hơn một lần". Theo bà Huỳnh Ngọc Vân, ngoài nguồn thu, cái được lớn hơn khi khách du lịch đến với BT Chứng tích chiến tranh ngày một đông là bồi đắp truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ, tạo cơ hội để bạn bè quốc tế tìm hiểu, chia sẻ, cảm thông trước hậu quả chiến tranh và những đau thương, mất mát mà nhân dân Việt Nam đã phải chịu đựng. Từ sự hiểu, khách quốc tế thêm yêu, thêm trân trọng đất nước và con người Việt Nam.

Theo Giám đốc BT quốc gia Malaysia Kamarul Baharin A.Kasim: "Khách du lịch thường có xu hướng tìm hiểu nguồn gốc văn hóa, nền văn hóa đa dạng của các quốc gia. Vì thế ở Malaysia, BT là sản phẩm du lịch di sản. Với số lượng du khách đáng kể, hệ thống BT có ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển của ngành công nghiệp du lịch". Ở Trung Quốc, Phó Giám đốc Bảo tàng quốc gia Trung Quốc Huang Zhenchun cho biết: Trung Quốc có 7 kỳ nghỉ lễ chính thức trong một năm. Tận dụng cơ hội này, nhiều BT đã tổ chức các hoạt động ý nghĩa để thu hút công chúng. Điển hình như BT Cố cung đón hơn 10 triệu lượt khách, BT Cách mạng Hồng Nham, Trùng Khánh đón 6-7 triệu lượt khách/năm.

So với con số ấn tượng nói trên, lượng khách tham quan hệ thống BT Việt Nam chưa thấm vào đâu dù hệ thống này đang phát triển mạnh, nay đã có 134 BT cấp quốc gia và cấp tỉnh. Đó quả là điều đáng suy ngẫm.

Phục vụ mọi đối tượng

Giới nghiên cứu BT nhận định, tương lai của BT phụ thuộc vào công chúng. Ngày nay, công chúng đến BT không chỉ với tư cách khách thể, mà còn với tư cách chủ thể sáng tạo giá trị văn hóa mới. Công chúng, từ chỗ tiếp thu những thông tin được BT cung cấp một cách bị động đã chuyển dần sang xu hướng tự khám phá, khai thác. "Tiếc rằng, nhiều BT ở nước ta chưa hiểu biết nhiều về công chúng, về nhu cầu của họ, đặc biệt là sự cảm nhận của họ về sản phẩm mà BT cung cấp" - Giám đốc BT Lịch sử quốc gia Nguyễn Văn Cường trăn trở.

Về vấn đề này, Tổng Giám đốc BT quốc gia Hàn Quốc Kim Youngna chia sẻ: "Để phát triển, BT quốc gia Hàn Quốc đặc biệt đề cao tính chuyên nghiệp, sáng tạo, cởi mở. Ví dụ, trong một lớp học tại BT, học sinh được yêu cầu chú ý hơn tới việc vẽ cây cảnh lên đồ gốm chứ không phải là kỹ thuật và giá trị thẩm mỹ. Sau đó, các em sẽ được khám phá ý nghĩa bằng cách quan sát cây cảnh thực tế tại một khu vườn"… Lấy công chúng làm trung tâm của mọi hoạt động, BT Văn minh Châu Á Singapore đã cung cấp những kinh nghiệm học tập bên ngoài lớp học và cho phép giảng dạy thông qua các hiện vật xác thực. "Với đối tượng trẻ tuổi, chúng tôi giới thiệu những câu chuyện như một cách tiếp cận để tạo ra những chuyến du lịch thân thiện với khách tham quan. Chúng tôi đã kêu gọi sự tham gia của nhiều người kể chuyện địa phương và các học giả nổi tiếng quốc tế" - ông Alan Chong, Giám đốc BT Văn minh Châu Á Singapore tiết lộ.

Tại Thái Lan, Giám đốc Văn phòng các BT quốc gia Thái Lan Amara Srisuchat cho biết: Trước đây, nhiều chương trình học tập về di sản văn hóa được các BT thiết kế nhằm phục vụ thế hệ trẻ. Nhưng, ở thời điểm hiện tại, các BT quốc gia đều cung cấp chương trình giáo dục cho nhiều đối tượng khác nhau, bao gồm cả người khuyết tật và người cao tuổi.

Một vài ví dụ trên cho thấy, BT ngày nay là trung tâm giáo dục, vui chơi, giải trí sống động. Ở nước ta, một số BT đã đổi mới tư duy để thực hiện những chức năng mới mẻ này, nhưng số lượng chưa nhiều. Từ thực trạng đó, Giám đốc BT Lịch sử quốc gia Nguyễn Văn Cường cho rằng: "Đổi mới cả nội dung, hình thức cũng như các dịch vụ phục vụ khách du lịch của hệ thống BT ở nước ta hiện nay là cấp thiết, nhằm đánh thức những tiềm năng vốn có của kho tàng di sản mà các BT đang lưu giữ"