Trong quá trình khai quật, nền móng của 4 công trình kiến trúc phát lộ, cùng 25 hiện vật bằng đá và hơn 100 hiện vật bằng đất nung, mảnh gốm, mảnh ngói có niên đại hơn 1.000 năm đã được phát hiện tại khu di tích khảo cổ Quá Giáng (TP Đà Nẵng).

 

Những hiện vật được phát hiện. Ảnh: VGP/Hồng Hạnh

 

Sáng 4/9, Đoàn khảo cổ của Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng và Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức công bố sơ bộ kết quả của đợt khai quật tại di tích khảo cổ Quá Giáng (thôn Quá Giáng 2, xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng).

 

Khu di tích khảo cổ Quá Giáng phân bố trên diện tích khoảng vài hecta, được các học giả Pháp phát tích từ hơn 100 năm trước. Đã có 3 tượng thần, 35 đầu tượng, nhiều chóp tháp góc, bệ sa thạch… được khai quật từ di tích này đang được bảo quản tại Bảo tàng Chăm Đà Nẵng. Số lượng hiện vật phong phú đã đặt ra yêu cầu di tích cần được nghiên cứu, khai quật đầy đủ hơn.

 

Trước yêu cầu đó, Đoàn khảo cổ do Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng phối hợp cùng các giảng viên Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn tiến hành khai mở 4 hố thuộc di tích Quá Giáng để thăm dò, nghiên cứu trên diện tích gần 180m2.

 

Sau 2 tháng khai quật (tháng 7-8/2014), tại hố 1 đã phát lộ phần nền móng của 2 ngôi tháp nằm song song nhau, cùng nhiều hiện vật điêu khắc đá. Nền móng tháp thứ nhất có bình đồ hình chữ nhật, diện tích 8,3m x 6,92m, vẫn còn rõ dấu vết tường tháp thu giật cấp nhỏ dần lên ở góc Tây Nam tháp.

 

Tại đây, còn phát lộ một tam cấp làm bằng đá nguyên khối được coi là lớn nhất và duy nhất được biết tới từ trước đến nay trong  nghệ thuật điêu khắc đá Champa. Trong 3 bậc, có 2 bậc được đục sâu vào giữa khối đá, bậc dưới cùng được tạo thành hình cánh sen rộng, hai bên thành bậc cấp được trang trí nổi hình thủy quái Makara.

 

Tháp thứ hai chỉ phát lộ một phần do nhà dân đang xây dựng đè lên trên. Tại 3 hố còn lại, hai nền móng khác của phế tích kiến trúc tháp Champa cũng được phát hiện. Tuy nhiên, do di tích hiện nằm dưới nền nhà dân nên vẫn chưa khai quật được tổng thể toàn bộ và chưa thể có một cái nhìn bao quát về cụm di tích này.

 

Ngoài 4 nền móng tháp được phát lộ, Đoàn khảo cổ còn khai quật được nhiều cổ vật giá trị, tiêu biểu như 21 hiện vật bằng sa thạch (đầu tượng thần Shiva, phù điêu người cầu nguyện, chóp tháp góc, vật trang trí góc…); 29 hiện vật là gạch có điêu khắc trang trí; nhiều gạch, mảnh ngói âm dương, ngói móc Champa.

 

Điều đáng lưu ý là niên đại của gạch trong tháp và các tượng trang trí có độ chênh về thời gian. Ông Nguyễn Chiều, người chủ trì cuộc khai quật cho biết, có thể các tượng, gạch điêu khắc trang trí có niên đại cuối thế kỉ IX đầu thế kỉ X được lấy từ các kiến trúc khác, tái sử dụng vào các tháp này.

 

Ngoài các hiện vật thời Champa, tại di tích, Đoàn khảo cổ còn khai quật được gốm Gò Sành, gốm sứ Việt thế kỉ XVII, XVIII; gốm sứ Trung Quốc từ đời Tống-Nguyên. Bên cạnh đó, còn phát hiện lưỡi thuổng sắt bị han gỉ nhưng vẫn còn giữ nguyên được hình dạng và kích thước nằm lẫn với gạch vụn đầm và gạch xây. Trước đó, chưa từng có hiện vật đồ sắt nào được phát hiện tại các di tích Champa. Các nhà nghiên cứu còn đang phân vân đây có phải là di vật cùng niên đại với công trình tháp thờ.

 

Ông Nguyễn Chiều nhận định, những kết quả khảo sát và khai quật bước đầu đã gợi mở và định hướng cho những nghiên cứu chuyên sâu hơn tại di tích khảo cổ Quá Giáng. Với việc phát hiện nhiều tượng thần Isana (Đấng tự tại), Indra (thần sấm sét), Agni (thần lửa)… phải chăng, tại đây từng tồn tại một tổ hợp đền tháp thờ các vị thần phương hướng (Dikpalakas) giống với nhóm tháp A tại di tích Mỹ Sơn?

 

Tuy nhiên, để có thể phát lộ được toàn bộ cụm di tích khảo cổ Quá Giáng, cần thêm nhiều thời gian và sự quan tâm của chính quyền để trả lời câu hỏi lớn về quy mô, vị trí của di tích Champa Quá Giáng trong dòng chảy văn hóa Champa ở khu vực miền Trung Việt Nam ngàn năm trước.

 

Trong khi đó, sự hiện diện của nhà dân và đường vành đai của TP. Đà Nẵng sắp đi ngang qua khu vực là mối đe dọa cho sự tồn tại của di tích khảo cổ Quá Giáng này.