Kim Vân Kiều truyện - cuốn sách quý giá nhất trong tủ sách ông Bửu

 

Sách cổ độc nhất vô nhị ở xứ Thanh


Được đánh giá là tủ sách cổ và độc nhất xứ Thanh - Thư gia Vạn Ninh Đường với gần 600 cuốn sách Nôm, Hán văn, không ít trong số sách đó được in ở thế kỷ XVII. Tủ sách cổ này đang đứng trước nguy cơ bị hư hỏng theo thời gian. Vượt quãng đường hơn 40 km từ thành phố Thanh Hóa xuôi về miền biển, chúng tôi tìm đến nhà ông Lê Mai Bửu, ở thôn Đồng Lạc, xã Hoằng Trạch, huyện Hoằng Hóa - nơi đây còn lưu giữ tủ sách gần 600 cuốn sách cổ với đủ các thể loại được lưu truyền cách đây tới 500 năm.

 
Tủ sách cổ nhất Xứ Thanh

Ông Lê Mai Bửu là một nhà giáo đã nghỉ hưu hơn 20 năm nay, giờ đây, niềm đam mê của ông là giữ gìn và bảo quản “kho tàng” sách cổ của gia đình. Theo quan sát của chúng tôi, phía dưới tủ gỗ nơi ông đang cất những cuốn sách qúy là những đầm vôi bột trắng xóa mà ông Bửu đặt để hút ẩm bảo quản sách cổ.

Điều mà chúng tôi mong đợi bấy lâu bây giờ mới được tận mắt chiêm ngưỡng, và thật sự choáng ngợp với tủ sách Thư gia Vạn Ninh Đường. Ông Bửu cho biết tủ sách này đang chứa gần 600 cuốn sách Nôm, Hán văn với nhiều chủng loại như: Văn, Sử, khoa học, y học cổ truyền Phương Đông.

Đặc biệt, trong Thư gia Vạn Ninh Đường, hơn 60% số sách được in bằng tiếng Trung Quốc, số còn lại là sách Việt Nam được in khắc và viết bằng tay. Trong số 600 cuốn sách này, cuốn có niên đại cổ nhất vào thế kỷ XVII, như cuốn Lã Đường Di Cảo và cuốn sách có giá trị là cuốn Kim Vân Kiều quảng tập truyện, in năm Giáp Thìn đời vua Thành Thái.

Cuốn sách cổ Kim Vân Kiều quảng tập truyện là một trong mười văn bản Truyện Kiều đã được công bố và có giá trị nhất từ trước đến nay. Năm 2007, cuốn sách đã được các nhà nghiên cứu về Truyện Kiều chụp ảnh và dịch ra tiếng Việt.

Chiếm số lượng lớn nhất trong tủ sách Thư gia Vạn Ninh Đường là sách về Y học cổ truyền Phương Đông với số lượng lên tới 300 cuốn, cùng hàng trăm loại sách quý viết về lịch sử phong tục ở các địa phương trong cả nước như: Địa chí Lôi Dương, sách nói về quê hương của Anh hùng dân tộc Lê Lợi khi xưa. Rồi các cuốn: Tam quốc diễn ca viết bằng chữ Nôm in năm Nhâm Tuất triều Khải Định, một số văn thơ của Phạm Lập Trai, Phạm Nghị Trai.

Khi hỏi về nguồn gốc gần 600 cuốn sách cổ này, ông Bửu cho biết, tủ sách Thư gia Vạn Ninh Đường có tuổi thọ hơn 150 năm tuổi, trải qua năm đời trong dòng họ Lê Mai. Theo ông Lê Mai Quảng - đời thứ tư, bố ông Bửu truyền lại, Cụ Lê Mai Bình là một nho học, ngày đêm lo dùi mài kinh sử, để mai này đỗ đạt thành danh phò vua giúp nước nên bao nhiêu gia sản cơ nghiệp, cụ đều dồn vào mua sách. Tiếp đến là đời ông Lê Mai Lễ cũng tiếp tục sự nghiệp mài kinh sử nhưng cũng không thành danh. Và đến đời thứ 3 là ông Lê Mai Đăng, ông không theo hướng đi của bố và ông mà chọn nghề y học, do đó ông đã tìm mua những loại sách có liên quan đến y học. Đến đời ông Bửu nhưng ông là một nhà giáo nên ít tìm tòi tới các cuốn sách cổ này.

Ông Bửu giải thích nguồn gốc tên của tủ sách Thư gia Vạn Ninh Đường. Vạn Ninh Đường có nghĩa là một gia đình in hàn bình lặng được nhiều năm, còn Thư gia có nghĩa là sách của nhà. Thư gia Vạn Ninh Đường có nghĩa là sách của một gia đình bình thường mua lại. Do giá trị trí thức chưa được khi thác trong tủ sách này nên đã có nhiều đoàn nghiên cứu tìm đến nhà ông Bửu hỏi mua nhưng ông không bán.

Gian nan bảo quản sách cổ

Sau khi nhận được thông tin nhà ông Lê Mai Bửu, đang sở hữu một tủ sách cổ, đã có nhiều đoàn cũng như các viện nghiên cứu của Trung ương và Thanh Hoá đã tới xem xét, khảo cứu, đánh giá đây là tủ sách Hán Nôm phong phú về chủng loại, có giá trị nghiên cứu, tìm hiểu văn hoá lịch sử của dân tộc Việt Nam nói chung và lịch sử phong tục địa phương nói riêng.

Do thời gian lưu giữ, cũng như điều kiện bảo quản đặc trưng của khí hậu nước ta đang là vấn đề nan giải trong việc bảo vệ sách. Để bảo vệ sách không bị ướt, ẩm mốc, rách nát, vợ ông Bửu đã phải bọc kỹ rồi bỏ vào tủ gỗ khóa cẩn thận. Trong những ngày chiến tranh ác liệt, không để tủ sách hư hỏng, ông Bửu đã phải đào hầm rồi vãi vôi bột xuống dưới cho khỏi bị ẩm.

Ông tâm sự: “Thời chiến tranh, nhiều người ở tỉnh Thanh Hóa đã đem sách chữ Hán Nôm ra đốt vì sợ mang họa vào thân. Bố con tôi phải đào hầm đưa sách đi cất giấu, cương quyết không để cho bom đạn, kẻ thù tàn phá hay lấy đi cuốn sách nào trong tủ sách của gia đình.

Thời gian đầu chưa biết nhiều về cách bảo quản sách cổ, thỉnh thoảng trời nắng, ông Bửu lại lấy sách ra ngoài phơi. Tuy nhiên, mãi sau này ông mới nhận ra rằng, càng phơi nắng thì sách càng nhanh hư vì giấy sáp không được phơi nắng nhiều, phơi nhiều giấy sẽ nhanh nhàu tát, bay mất chữ. Cũng từ đó ông rút kinh nghiệm, chỉ phơi sách ở những nơi râm mát và che đậy rất cẩn thận.

Hiện tại, Thư gia Vạn Ninh Đường vẫn được ông Bửu cất giữ cẩn thận, nhưng việc bảo quản bằng phương pháp thủ công nên đến bây giờ hơn 70% trong số 600 cuốn sách đã bị hư hỏng, hơn 20 cuốn đã bị mục nát hoàn toàn, mặc dù bị mục nát nhưng ông Bửu vẫn bọc báo rồi cất cẩn thận như một báu vật.

Thời gian vừa qua, có rất nhiều các nhà nguyên cưu, các nhà khoa học, các trường học tìm đến Thư gia Vạn Ninh Đường ngỏ ý mua nhưng ông đều từ chối. Để tiếp giữ tủ sách, ông Bửu đã khuyên người con thứ của ông đi học tiếng Hán Nôm để về tìm hiểu kho tàng trí thức của nhân loại trong tủ sách.

Khi hỏi về tâm tư nguyện vọng của gia đình để lưu giữ tủ sách quý, ông Bửu tâm sự: “Trí thức là trí thức chung của nhân loại, mình chỉ lưu giữ giúp nhân loại thôi, bây giờ gia đình rất mong muốn kho tàng sách cổ này được các nhà kho học, các nhà nghiên cứu về khai thác kho tri thức này, tôi nghĩ nếu không kịp thời khai thác thì số sách quý sẽ bị hư hỏng theo thời gian sớm muộn.

Trong tủ sách này, có tới gần 300 cuốn sách Y học cổ truyền Phương Đông, thế nhưng đến bây giờ những bài thuốc hay vẫn đang còn nằm chất đống trong tủ mà không được nghiên cứu thì tiếc quá! Biết đâu, trong đó có nhiều bài thuốc chữa được các căn bệnh mà y học hiện đại bó tay".