Kiệt tác Truyện Kiều chẳng những được các trí thức, văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu Việt Nam say mê mà đại đa số quần chúng bình dân cũng đều yêu thích. Năm 2004, lần đầu tiên, kiệt tác Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du được dịch và xuất bản tại Hàn Quốc và có thể nói rằng đó là sự kiện để lại dấu ấn sâu đậm cho nhân dân Hàn Quốc về văn học Việt Nam nói chung, văn học cổ điển Việt Nam nói riêng.

 

Truyện Kiều đã tạo nên ở độc giả Hàn Quốc một cái nhìn mới mẻ, một hứng thú về văn học cổ điển Việt Nam ngay ở lần đọc đầu tiên, khiến họ nhận ra rằng dân tộc Việt Nam là dân tộc có một nền văn hóa đặc sắc và là một dân tộc chịu ảnh hưởng sâu của Nho giáo. Xem xét màu sắc tư tưởng Nho giáo trong Truyện Kiều trên cơ sở so sánh sự ảnh hưởng của Nho giáo với văn hóa Hàn Quốc nói chung, văn học cổ điển Hàn Quốc nói riêng, là một việc làm lý thú và có nhiều ý nghĩa. Nguyễn Du, tác giả Truyện Kiều, là người đã được đào tạo bài bản trong nhà trường Nho giáo, từng tham gia thi cử dưới thời Lê và làm đến Cần chánh Điện học sĩ dưới thời Nguyễn, dĩ nhiên là ông có một kiến thức sâu rộng về Nho giáo. Hơn thế, qua tác phẩm của mình, Nguyễn Du còn cho chúng ta thấy, ông thấm nhuần cả Phật giáo và Đạo giáo. Tư tưởng “tam giáo đồng nguyên” luôn không ngừng chảy trong tác phẩm Truyện Kiều của Tố Như. Thông qua việc xem xét biểu hiện của Nho giáo trong kiệt tác Truyện Kiều, một tác phẩm mà người Việt Nam rất tự hào, tác giả bài viết này hy vọng đây sẽ là một góc nhìn quan trọng để việc nghiện cứu thi tài Nguyễn Du cũng như kiệt tác Truyện Kiều có cơ hội được đào sâu thêm.

 

Nhìn chung, nội dung của Truyện Kiều chứa đầy màu sắc Nho giáo.    

                   

Từ năm 111 trước Công nguyên trong thời kỳ Bắc thuộc, năm 938 Ngô Quyền đã đẩy lùi quân Nam Hán tại sông Bạch Đằng cho tới khi lập vương triều độc lập đầu tiên thì trong khoảng suốt 11 thế kỷ Việt Nam đã chịu ảnh hưởng của Nho giáo Trung Quốc. Vua Nhân Tông, vị vua đời thứ 4 của nhà Lý (1009-1225) vào năm 1075 đã thực hiện chế độ khoa cử, tuyển chọn nhân tài ra làm quan theo phương thức của Nho giáo. Có thể nói, đến thời điểm này, tư tưởng Nho giáo đã có những ảnh hưởng rõ rệt trên các mặt của đời sống xã hội Việt Nam.

 

Xã hội Việt Nam và các nước Đông Á, trong một thời kỳ lịch sử kéo dài, đã bị thống trị của hệ thống tư tưởng Nho giáo và cho đến nay, vẫn còn ít nhiều chịu ảnh hưởng. Nho giáo chứa đựng một hệ thống tư tưởng có nhiều nhân tố hợp lý, tuy nhiên do tư tưởng này không thể thích ứng mãi được với sự phát triển của xã hội nên đến giai đoạn lịch sử cận-hiện đại, người ta cho rằng nó đã hoàn toàn lỗi thời. Nhưng do sự tương tác của những giá trị phương Tây làm sinh ra những tác dụng phụ trong xã hội hiện đại cho nên người ta phải suy nghĩ lại về ý nghĩa và các giá trị của Nho giáo. Từ ngày xưa, phương Đông và phương Tây là bạn đồng hành cùng phát triển, đã có ảnh hưởng với nhau. Trong chốc lát nào đó Tây phương đã vượt trội Đông Phương, cổ súy cho giá trị có tính chất Tây phương của mình và thông qua sự thống trị thực dân mở rộng bằng bạo lực và hành động độc đoán, thống trị nhiều quốc gia của châu Á nhưng các giá trị phổ quát của Nho giáo vẫn còn chiếm vị trí to lớn trong khối các nước Đông Á.

 

Những lời đối thoại chứa đựng những minh triết sâu sắc của Khổng Tử (B.C 551 – BC 479) với các đệ tử của Ngài trong Luận ngữ đã thấm sâu trong nhiều tầng lớp xã hội các nước Đông Á từ xưa đến nay. Đặc trưng chính trị trong thời Xuân Thu mà Khổng Tử đã sống, là do sự sụp đổ của chế độ xã hội phong kiến. Chế độ phong kiến Trung Hoa được hình thành từ thời nhà Chu đã sụp đổ và  gây ra một thời kỳ tranh đoạt, loạn lạc kéo dài mà người ta thường gọi là thời kỳ Xuân Thu (B.C 770-B.C 403). Trong thời kỳ Xuân Thu đã xuất hiện sự hợp phân phân hợp của những thế lực chính trị đa dạng hướng về một tâm điểm mới, sự cạnh tranh của những thế lực này rất quyết liệt, có thể nói rằng đây là một trong những tính chất đặc biệt để quyết định nên thời kỳ Xuân Thu. Thời kỳ Xuân Thu là thời kỳ cạnh tranh, nên vào thời đó sự quan tâm của các chư hầu không phải là việc xác lập về quan điểm giá trị, hồi phục tính nhân văn và các giá trị đạo đức cổ truyền mà chỉ còn tập trung chú ý về việc phú quốc cường binh mà thôi. Khổng Tử sinh ra trong thời kỳ cạnh tranh quyết liệt này, chứng kiến sự tàn phá, giết chóc ghê rợn, sự băng hoại của các giá trị nhân sinh, nên ông đã nỗ lực phục hưng các giá trị đạo đức trong sự biến hóa của thời đại. Vì vậy, tư tưởng Lễ - Trí - Tín trong “Trung - Hiếu -  Nhân – Nghĩa - Lễ - Trí - Tín” mà Khổng Tử chủ trương là một mặt đạo đức vô cùng quan trọng. Cũng như đối với một số nước Đông Á khác, tư tưởng Nho giáo của Khổng - Mạnh, Trình – Chu đã có ảnh hưởng sâu sắc đến xã hội Việt Nam. Truyện Kiều, trước hết là tác phẩm của một Nho sĩ, nên tư tưởng Nho giáo được thể hiện trong tác phẩm là đương nhiên, tức là việc xem xét tư tưởng Trung Hiếu Nhân Nghĩa Lễ Trí Tín có thể nói là một phương diện rất quan trọng trong việc tìm hiểuTruyện Kiều  nói riêng, văn hoá cổ truyền Việt Nam nói chung.

 

Bối cảnh Nho giáo được phản ánh trong tác phẩm

 

Trong Truyện Kiều, ngay từ đầu, khi phác hoạ hoàn cảnh gia đình của nhân vật chính, Nguyễn Du đã lấy tiền đề từ bối cảnh Nho giáo. Trước hết, Vương Quan, em trai của Thúy Kiều, là hậu duệ của Nho gia. Ta có thể hiểu câu sau đây trong phần đầu Truyện Kiều đã thể hiện màu sắc Nho giáo. (câu 13-14).

 

Một trai con thứ rốt lòng,

Vương Quan là chữ nối dòng nho gia.

 

Ngày xưa, Nho giáo quy định người đàn ông đã trưởng thành (20 tuổi) thì phải làm đội mũ (Quan lễ) và người phụ nữ đến tuổi trưởng thành (15 tuổi) thì phải làm lễ vấn tóc cài trâm (Kê lễ). Việc thực hiện những lễ nghi như vậy là sự xác nhận tư cách con người trong cộng đồng. Ta có thể cảm nhận được màu sắc Nho giáo trong câu thơ nói về việc chị em Thuý Kiều đã đến tuổi thực hiện lễ cài trâm. (câu 35-36)

 

Phong lưu rất mực hồng quần

Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê

 

Trong Nho giáo có ba điều mà người phụ nữ phải tuân theo gọi là “Tam tòng chi đạo”, đó là người phụ nữ khi còn nhỏ thì theo cha, khi lấy chồng thì phải theo chồng và khi chồng chết thì phải theo con. Nói “xuất giá tòng phu” chính là trong “Tam tòng chi đạo” mà ra. Ta có thể thấy được nàng Kiều tuân theo Tam tòng chi đạo và coi trọng trinh tiết trong câu thơ sau đây trong Truyện Kiều. (câu 505-506, 519-520)

 

Đã cho vào bậc bố kinh,

Đạo tòng phu lấy chữ trinh làm đầu.

Gieo thoi, trước chằng giữu giàng,

Để sau nên thẹn cùng chàng bởi ai?

 

Hình thái của Nho giáo thể hiện một cách mạnh mẽ nhất thông qua chế độ khoa cử. Thông qua chế độ khoa cử mà ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo càng đi sâu và thấm mạnh vào xã hội phong kiến. Trong truyện Kiều thì Kim Trọng và Vương Quan đã thi đỗ khoa cử. Việc thi đỗ khoa cử có nghĩa là việc xây dựng lại gia môn và có ý nghĩa thành công về mặt cá nhân. Kim Trọng cũng nhờ vào thi đỗ mà tái ngộ với Kiều và  do đó truyện Kiều mới có thể kết thúc có hậu như vậy. Nhờ việc thi đỗ mà sự đảo ngược kịch tính của cuộc đời đã hình thành. Cửa trời đã được mở rộng, con đường công danh trở nên thênh thang. (câu 2859-2862)

 

Chế khoa gặp hội trường văn,

Vương, Kim cùng chiếm bảng xuân một ngày.

Cửa trời rộng mở đường mây,

Hoa chào ngõ Hạnh, Hương bay dặm phần.

 

Và ta có thể nói rằng, chế độ khoa cử và sự hiển đạt khoa hoạn của các nhân vật nho sĩ trong Truyện Kiều là những khía cạnh quan trọng tạo nên bối cảnh Nho giáo của tác phẩm.

 

Tư tưởng Trung Hiếu

 

Tư tưởng Trung Hiếu là quan niệm đạo đức được các nước trong khối văn hóa Nho giáo Châu Á như Trung quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản coi trọng một cách truyền thống. Do ảnh hưởng của Trung Quốc từ lâu đời mà văn hóa Nho giáo đã phát triển ở Việt Nam, được thể hiện trong lễ nghi quốc gia và mang tính thống nhất trong xã hội. Trong đó, tư tưởng Trung Hiếu đã đóng vai trò cốt lõi. Tư tưởng Trung Hiếu bước ra khỏi quan hệ cá nhân, với bổn phận hiến thân cho bố mẹ, quốc gia thì nó vẫn là một đạo đức quan trọng kể cả vì khối cộng đồng xã hội quốc gia nữa.

 

Khi người Tây phương đã phát triển trong thời kỳ hiện đại thì người Đông phương đang ở giai đoạn tiền cận đại với một trong những hệ tưởng quan trong nhất của họ là tư tưởng Nho giáo. Trong thời kỳ trung đại ở Đông phương Nho giáo, cá nhân chỉ là sự tồn tại lệ thuộc vào một tập đoàn, quan điểm đạo đức về một nô lệ mất đi tính tự chủ được lan rộng, Hiếu được nhận thức là sự  phục tùng một cách mù quáng vào người chủ gia đình (cha) và Trung nghĩa là hiến thân một cách vô điều kiện cho người chủ quốc gia (vua). Do đó, việc hướng về người Tây phương để xây dựng và phát triển xã hội nhưng với góc độ phủ nhận tư tưởng Trung Hiếu Nho giáo như vậy thì có thể nói rằng đây là sự lệ thuộc máy móc vào quan điểm về giá trị  nhân sinh của người Tây phương mà không hiểu sâu về văn hóa truyền thống Nho giáo.

 

Tư tưởng Trung Hiếu là việc lấy trật tự nhân thân trên dưới của giai cấp làm nền móng để đặt quan hệ thống trị - phục tùng trong xã hội phong kiến có tính gia trưởng ở quá khứ. Hiếu đạo là phải đặt căn bản vào tình cảm, tình cảm của bố mẹ đối với con cái, con cái phải làm trọn chữ Hiếu đối với bố mẹ với một thái độ tôn kính. Tư tưởng Trung Hiếu cùng lúc mang cả hai quan điểm là đoàn kết bên trong và chống đối bên ngoài. Việc này là việc đẩy lùi bất cứ những áp bức và xâm lược từ bên ngoài, vừa là nền tảng tinh thần tự chủ vừa bảo vệ chủ quyền quốc gia, đồng thời vừa giữ gìn hòa thuận đầm ấm gia đình vừa giữ gìn tổ tiên, xa hơn nữa mở rộng, hướng về dân tộc và nhân loại bằng tình cảm nhân đạo. Với đặc điểm này thì có thể nói rằng Truyện Kiều thể hiện nhiều nhất tư tưởng Trung Hiếu trong tư tưởng văn học Việt Nam. Nói rộng ta, tư tưởng Trung Hiếu đã tạo nên tinh thần tự chủ bảo vệ chủ quyền, chống ngoại xâm của Việt Nam.

 

Trong vụ án oan “thằng bán tơ” cả gia đình Kiều bị tan nát, cha và em trai bị bắt và bị tra tấn tàn bạo. Con đường duy nhất để cứu cha và em là phải nộp một số tiền lớn là 300 lượng. Để kiếm được số tiền lớn như vậy, Kiều đành phải bán mình. Việc này làm cho Kiều phải khó xử giữa công ơn nuôi dưỡng của cha mẹ và tình yêu vừa mới chớm nở với Kim Trọng. Phải làm sao đây? Cuối cùng nàng để lại lời thề non hẹn biển với Kim Trọng để làm tròn đạo hiếu của người con. Kiều quyết định bán mình để cứu cha. (câu 601-606)

 

Duyên hội ngộ, đức cù lao,

Bên tình, bên hiếu, bên nào nặng hơn?

Để lời thề hải minh sơn,

Làm con, trước phải đền ơn sinh thành.

Quyết tình, nặng mới hạ tình,

Dẽ cho để thiếp bán mình chuộc cha!

 

Ở đây ta có thấy rằng, sự quyết định này của Kiều đậm chất người phụ nữ Việt Nam. Quan hệ giữa cha mẹ và con cái là thiên luân, Kiều đã chọn lựa hành vi đạo đức khẩn thiết nhất. Mối quan giữa cha mẹ và con cái không phải là chọn lựa và là vận mệnh. Cái gọi Hiếu là hành vì thể hiện một cách tự giác trong vai trò bổn phận con cái đối với công ơn của cha mẹ. Đó là một hành vi tự giác, phát sinh ra từ nhân cách chân thật, thể hiện tấm lòng hiếu nghĩa một cách vô điều kiện mà chính mình cũng không biết rõ là tại sao lại làm vậy. Kiều đã vì thực hiện chữ Hiếu cơ bản nhất của con người mà quyết định một cách khó khăn việc bán thân mình nhưng đó là một quyết định rất cao cả. Ở điểm này thì truyện Kiều có một giá trị lớn về mặt giáo dục. Ở xã hội truyền thống, việc thực hiện tư tưởng Trung Hiếu trong thực tế thì tập thể được coi trọng hơn là cá nhân, không có khuynh hướng nghiêng về khép kín trong gia đình mà có xu hướng mở mang tính xã hội. Sống trong xã hội hiện đại thì tính tự chủ cá nhân và quan hệ bình đẳng giữa con người được đề cao. Vì vậy, Truyện Kiều, một tác phẩm có nội dung thể hiện quan hệ đạo đức “phụ từ tử hiếu” kết nên tình thân ái mang tính nhân loại và do đó, có thể gọi đây là một tác phẩm văn học cổ điển có giá trị lâu dài về mặt đạo đức.

 

Ta có thể nói tư tưởng của Nguyễn Du – một học giả vào bậc đại Nho - được thể hiện trong Truyện Kiều chịu ảnh hưởng đậm nét của Nho giáo. Điều đó là việc đương nhiên, vì do sự thống trị của Trung Quốc tại Việt Nam từ B.C 111 đến năm A.C 938 và do việc sử dụng chế độ khoa cử để  tuyển chọn nhân tài cũng như việc sử dụng mô hình phong kiến Nho giáo Trung Hoa để xây dựng chế độ xã hội phong kiến Việt Nam. Do Truyện Kiều mang màu sắc Nho giáo, nên phần nào đó dễ được người Việt Nam tiếp nhận, ngay trong sinh hoạt bình thường cũng như trong sự kiện chính trị - xã hội trọng đại.  Đối với người Việt Nam, việc coi trọng Trung Hiếu có vai trò trụ cột tinh thần trong việc duy trì xã hội phong kiến và đồng thời làm cho người dân được trang bị đạo đức trong việc giữ hiếu đạo với cha mẹ, trung thành với tổ quốc và duy trì một đạo lý có tính nhân loại. Truyện Kiều đã sinh ra trong bầu không khí xã hội Việt Nam tràn đầy màu sắc Nho giáo như vậy.

 

Với việc khai thác các giá trị có tính Nho giáo như Trung - Hiếu – Nhân – Nghĩa - Lễ - Trí - Tín trong Truyện Kiều có thể có những đóng góp giá trị vào sự phát triển văn hóa truyền thống của xã hội Việt Nam. Nói rõ hơn, thông qua truyện Kiều thì xã hội truyền thống có tính Nho giáo của Việt Nam trước đây sẽ càng trở thành một xã hội đậm nét văn hoá hơn, tư tưởng Trung Hiếu Nho giáo chứa đựng trong Truyện Kiều làm cho Việt Nam càng tốt đẹp hơn, nó trở thành vai trò tinh thần trong việc xây dựng Việt Nam thành một nước đoàn kết với một xã hội văn minh, hiện đại, công bằng và dân chủ.

 

Tài liệu tham khảo

Ahn Kyong Hwan dịch “Truyện Kiều”, Nxb Munhwa Journal, 2004.

Choi Qui Mok dịch “Thúy Kiều Truyện”, Nxb Somyung, 2004.

Đinh Sỹ Hồng, Họ Nguyễn-Tiên Điền và Khu Di tích Nguyễn Du, Nxb Nghệ An, 2005.

Ahn Kyong Hwan, Màu sắc tư tưởng Phật giáo trong Truyện Kiều, Số 330, Văn Hóa Nghệ Thuật, 2011.

Hoài Phương, “Truyện Kiều”, Nxb VHTT, 2005.

Lê Quế “So sánh dị bản Truyện Kiều”, Nxb Hội Nhà văn, 2006.

Mai Phương Chi “Truyện Kiều”, Nxb Hội Nhà văn, 2005.

Nguyễn Du “Truyện Kiều”,  Nxb Hải Phòng, 2006.