Xuân quận công Nguyễn Nghiễm - nhân vật văn võ toàn tài, thân phụ của Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du - là người đặt nền móng đầu tiên cho sự phát triển rực rỡ của dòng họ Nguyễn Tiên Điền từ thế kỷ XVIII trên nhiều lĩnh vực, trong đó có sự nghiệp trước tác học thuật. Ông là nhà sử học, nhà giáo dục, nhà văn hóa và cũng là nhà văn hiến học tầm cỡ. Trong sự nghiệp trước tác của ông, một trong những bài phú Nôm nổi tiếng đương thời là “Khổng Tử mộng Chu Công phú”. Đến nay, mặc dù có nhiều công trình công bố tác phẩm này, tuy nhiên, vẫn chưa có công trình nào tìm hiểu, xử lý và phiên dịch chính xác nó.
Trong quá trình nghiên cứu về di sản Hán Nôm của Nguyễn Nghiễm, chúng tôi đã may mắn tiếp cận được văn bản chữ Nôm của bài phú này. Trên cơ sở khảo cứu văn bản học, chúng tôi - qua bài viết này - mong muốn sẽ trả lại nguyên bản giá trị của “Khổng Tử mộng Chu Công” - bài phú Nôm độc đáo, hấp dẫn và góp phần khẳng định giá trị, vị thế của thơ ca Quốc âm trong đời sống văn hóa của dân tộc.
1. Đặt vấn đề
Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm (1708-1776) là người có đóng góp rất lớn cho lịch sử - xã hội cuối thời Lê Trung Hưng. Ông là bậc huân thần của triều Lê - Trịnh, bên cạnh thành tựu trên con đường võ nghiệp, Hy Tư phủ đã góp phần không nhỏ trong việc đào tạo các bậc hiền tài cho đất nước(1). Đồng thời, ông còn là nhà sử học đầy trí tuệ(2).
Trên phương diện văn nghiệp, mặc dù các tác phẩm của ông bị tản mác và thất lạc khá nhiều, song những thư tịch còn lại cũng thể hiện rõ nét tài năng văn chương của Hồng Ngư cư sĩ. Trong số đó, bài phú Khổng Tử mộng Chu Công là tác phẩm sắc sảo, chứa đựng nhiều “ẩn ngữ” của Nguyễn Nghiễm. Và, trước tác ấy cùng bài Chiêu tổ Khang vương(3) có giá trị không nhỏ trong hệ thống thi phú “Quốc âm”.
Khổng Tử mộng Chu Công từng được chú ý từ đầu thế kỷ XX, với cuốn Truyện cụ Nguyễn Du của Phan Sĩ Bàng và Lê Thước(4). Trong đó, các tác giả đã đánh giá rất cao bài phú với “… nhiều câu hùng kính lực lượng, khí lượng lớn lao, những tay tầm thường chương cú có thể cầm bút không viết nổi”(5).
Học giả Dương Quảng Hàm, trong cuốn Việt Nam văn học sử yếu, chương XIV, mục phú, đã dẫn giải các câu “Cơ mầu vận chuyển, lòng thực cảm thông; Khác thuở điềm xưa Hiên hậu, Lạ chừng giấc mộng Cao Tông …”(6) để dẫn giải làm điển hình cho luật gieo vần như tứ tự, cách cú, song quan… trong thể phú.
Gần đây, giới học giả tiếp tục khẳng định Khổng Tử mộng Chu Công là tác phẩm rất có giá trị(7), đồng thời, có thêm nhiều công trình chép bài phú này như Phú Việt Nam cổ và kim của hai tác giả Tạ Phong Châu - Nguyễn Văn Phú (Nxb. Văn hóa, 1961), Năm thế kỷ văn Nôm người Nghệ do Thái Kim Đỉnh biên soạn (Nxb. Nghệ An, 1995)(8), Từ điển tác gia văn hóa Việt Nam của Nguyễn Q Thắng(9) và Di sản văn chương Văn miếu Quốc tử giám do PGS. Phan Văn Các - PGS.TS. Trần Ngọc Vương đồng chủ trì(10).
Đáng tiếc, các công trình có Khổng Tử mộng Chu Công [phú] trên là chỉ chép bằng Quốc ngữ, không dẫn liệu nguồn gốc tác phẩm.
Trong quá trình nghiên cứu về trước tác Nguyễn Nghiễm, chúng tôi đã tiếp cận và khảo sát Khổng Tử mộng Chu Công của Nguyễn Nghiễm từ văn bản Quốc âm (chữ Nôm). Bài phú Nôm Khổng Tử mộng Chu Công hiện đang được chép hai lần (lần 1: trang 4a-5b; lần 2: trang 59a-60b) trong sách Thi ca phú tạp lục kí hiệu VNb.1 ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
Sách Thi ca phú tạp lục là bản viết tay, không đề tên tác giả, có 176 trang, khổ 21x16 cm. Sách còn được gọi là Trương Lưu hầu phú, tức lấy tên tác phẩm đầu tiên để đặt. Trước tác Khổng Tử mộng Chu Công chép 2 lần, gần như trùng khít với nhau về nội dung. Ở văn bản đầu (trang 4a-6b), dưới phần tiêu đề, có phần chua thêm bằng mực bút bi các chữ 即阮儼 又一本見後 [tức Nguyễn Nghiễm, lại có một bản, xem ở phía sau] sau dòng 仙田左相阮公 [Tiên Điền tả tướng Nguyễn Công]. Những chữ chua thêm ấy có thể là của một nhà nghiên cứu, hoặc thủ thư nào đấy trong thời gian mới đây - nét bút bi chỉ rõ hiện trạng đó. Cả bài phú chép bằng kiểu chữ hành đá thảo. Về tình trạng sách: ở các trang đầu, trong đó có Khổng Tử mộng Chu Công (trang 4a-5b), có nhiều chữ đè lẫn lên nhau, nên rất khó đọc.
Bản chép lại ở trang 59a - 60b ít bị chữ đè hơn, kiểu chữ khải chân phương, nhìn khá rõ. Văn bản được người sau dùng bút bi đánh số ngắt câu (số 1, 2, 3…), có chữ tông宗chép thành tôn尊- chứng tỏ kỵ húy vua Thiệu Trị (trang 59a). Trong những dòng chữ đè đó, chúng tôi đọc được dòng ngang (ngược chữ): “Minh Mạng nhị thập niên bát nguyệt nhị thập lục nhật” 明命貳十年捌月貳十陸日 (ngày 26 tháng 8 năm Minh Mạng thứ 20 - 1839) cùng dấu ấn triện (do bị đè nên không rõ chữ).
Như vậy, căn cứ vào các đặc điểm trên, bài phú được chép đầu (trang 4a - 5b) vào khoảng năm Minh Mạng thứ 20 (1839). Văn bản chép ở trang 59a - 60b được chép lại vào đời Thiệu Trị (từ 1841 - 1847), vì không kỵ húy thời/ thì 時 (của vua Tự Đức).
Chúng tôi khi tiến hành phiên âm, đã đối chiếu song song hai bản, và lựa chọn bản 59a - 60b làm bản nền, vì là bản ưu điểm nhất, để tìm hiểu và phiên dịch.
2. Về bài phú Nôm Khổng Tử mộng Chu Công
2.1. Vài nét về Chu Công, Khổng Tử và đề tài Khổng Tử mộng Chu Công
Chu Công周公: là tước vị của Cơ Đán 姬旦 nhà Chu 周. Ông là con thứ tư của Chu Văn Vương Cơ Xương 周文王姬昌, em cùng mẹ với Chu Vũ Vương Cơ Phát 周武王姬發, chú của Chu Thành Vương Cơ Tụng 周成王姬誦.
Chu Công là công thần khai quốc nhà Chu, có công giúp Chu Vũ Vương lập ra Chu triều (1122 - 256 Tr.CN). Sau đó, trên cương vị nhiếp chính, Chu Công Cơ Đán giúp Chu Thành Vương dẹp loạn, lập 71 nước chư hầu, phát triển nhà Chu thành một nước mạnh mẽ và xây dựng nền văn hóa Trung Hoa rực rỡ, thịnh vượng trong quá khứ. Chu Công Đán có đóng góp công lao rất lớn trong việc hoàn thiện thể chế, xác lập đẳng cấp trong xã hội “Dựa theo chế độ nhà Chu, điều chỉnh lễ của nhà Ân, “chế lễ tác nhạc”, hoàn thiện các điển chương chế độ, được gọi là “Chu lễ” hoặc “Chu Công chi điển” có ảnh hưởng sâu xa đến đời sau” (11). Đặc biệt, những tư tưởng chuẩn mực của ông “trở thành nền tảng chủ trương “đức trị” của Nho gia sau này”(12).
Mặc dầu bị không ít gièm pha, nghi kỵ, nhưng ông vẫn một lòng trung thành và dốc hết tâm huyết phò trợ Chu triều. Tấm gương tài đức của Chu Công cùng với những điển chương, chế độ về lễ nhạc, những nền tảng xã hội do ông thiết lập… chính là “tài sản” quí báu nhất cho thế hệ sau kế tục, phát huy.
Khổng Tử 孔子(551-479 Tr.CN): tên Khâu 丘, tự là Trọng Ni 仲尼, sinh vào thời Xuân Thu, tại ấp Trâu, làng Xương Bình, nước Lỗ (nay là huyện Khúc Phụ, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc). Ông là một nhà tư tưởng, nhà triết học xã hội trứ danh. Triết lý của ông có ảnh hưởng rộng lớn trong nền văn hóa Đông Á.
Khổng Tử sinh ra trong thời loạn, những thiết chế xã hội, lễ nghi tốt đẹp nhất làm nền tảng cho xã hội ổn định của các triều đại trước… đã dần đi vào suy thoái “chư thần lấn át thiên tử, quan đại phu lại giàu có và thế lực hơn vua”(13).
Bởi vậy, Khổng Tử luôn noi theo đạo của Chu Công, thiết lập một xã hội tốt đẹp. Do đó, trong Luận ngữ - cuốn sách tập hợp những lời giảng dạy của Khổng Tử - đã không ít lần nhắc đến Chu Công (14).
Trong thi thư Việt Nam, đề tài Khổng Tử mộng Chu Công là một đề tài khá hấp dẫn với các bậc tao nhân, mặc khách, khanh tướng… trong thời trung đại ở nước ta. Hiện, theo chúng tôi tìm hiểu, đề tài này từng hiện diện trong một số bài thơ, phú như: Khổng Tử mộng Chu Công phú (phú Hán) trong sách Tân phong phú, ký hiệu R.1654 (Thư viện Quốc gia Việt Nam); và bài Khổng Tử mộng Chu Công phú (phú Hán) trong sách Phú nghĩa tập, ký hiệu R.453 (Thư viện Quốc gia Việt Nam); Các bài thơ Khổng Tử mộng Chu Công trong sách Hoàng Lê ứng chế thi (kí hiệu: VHv.664 tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm).
Tuy nhiên, điểm khác biệt của bài phú Nguyễn Nghiễm so với các bài thơ phú cùng đề tài trên chính là: bài phú này dùng bằng Quốc âm (chữ Nôm) - tiếng nói gần gũi, dân dã nhất của dân tộc ta, mà vẫn rất điêu luyện, sắc sảo, lột tả được biết bao nhiêu ý nghĩa hàm súc, đảm bảo sự chuẩn xác và độc đáo từ thể tài phú vựng.
2.2. Bài phú Nôm Khổng Tử mộng Chu Công
Bài phú Nôm Khổng Tử mộng Chu Công là một tác phẩm khá điển hình cho thể loại phú Nôm, được sáng tác bởi một tác giả thông tuệ, tài trí vượt bậc như Nguyễn Nghiễm, nên, để hiểu rõ tính uyên bác, sâu sắc từ trước tác này, chúng tôi xin đưa nguyên bản chữ Nôm, đồng thời phiên âm và chú thích rõ.
孔子夢周公 機牟轉運;��寔感通. 恪課恬初軒后; 語蒸聀夢高尊. 綱常梗��於頭,可��孔子. 夢寐羕朋固意,擼��周公. 裊自:光岳����, ��瀧構氣. 恬肑 ��應��尼山; 德奇擼生廊闕里. 憲章蔑嚢, 祠蹺����興周. 夢想隊番, 群����初冡宰. 烝欺意: 窗梅課永, 壇杏店閒. 凝����箕仕汝, 豌��唸怒皮安. ��几席麻恾,倣樣袞衣��占占. ��宫墻彷彿,羕朋赤舄��寬寬. 義平素渚曾涓属; 聀占包牢窖蘭單. ��謳: 志㐌恨胡; ��彊延妙. 賒吹雖隔����; ����共駆 蔑道. ������,����役; 太平蒙蹺��成周. 奴����,論��秋;場文物議駆 沔豊鎬. 念��坤掣思量; 丕聀夢侈��朕兆. 啻油: ����悶治; 道聖特時. 權政教����拮達; 役國家墨飭施為. 轉����变魯变齊,��候國吏朝 駆 北. ��才��爫王爫帝,鑊成周乙易��西. 時節意鄧功業意;占包尼斐志氣尼. 柰包:窮達����,盛衰默數. 馭車��課飝��,君相涓��眷顧. 吝呂閨茹��客,隴��戈魯駆 宋陳. 蔑蒙��������,坤冘吏成康文武. 女遣:哭麟洡湥,嘆鳳嘵嗷. 時渚及聖人㐌丕,道拯��天下爫牢. ������春秋,買別治平渚易. 斎 ��餘岁月,添��歲索強高. 每餒隴��嘆咀,閉��牢永占包. 雙離: ����秋陽,屯屯泰岳. 合群聖飝 金聲,����方㘇木鐸. ������台權賞罚,功易輸每役勤劳. ��������業太平,才之劎一時制作. 買咍: ��秋蔑圣. ��圣蔑��. 孔子啻周公芾恪.
Phiên âm:
KHỔNG TỬ MỘNG CHU CÔNG
Cơ mầu chuyển vận, lòng thực cảm thông. Khác thuở điềm xưa Hiên hậu(15); Ngỡ chưng giấc mộng Cao Tông(16). Cương thường gánh nặng ở đầu, khá khen Khổng Tử; Mộng mị dường bằng có ý, lọ(17) thấy Chu Công. Nẻo từ: Quang nhạc xuống thiêng, bể sông cấu khí(18). Điềm lành sớm ứng núi Ni Sơn; Đức cả lọ sinh làng Khuyết Lý(19). Hiến chương một dạ, từ theo dấu cũ hưng Chu(20); Mộng tưởng đòi phen, còn thấy đời xưa trủng tể(21). Chưng khi ấy: Song mai thuở vắng, đàn hạnh đêm nhàn(22). Ngưng mặt, lòng kia sẽ nhớ; uốn tay, niềm nọ vừa an. Trên kỉ tịch mơ màng, phỏng dạng cổn y ngồi chắm chắm(23) . Trước cung tường phảng phất, dường bằng xích tích bước khoan khoan(24). Nghĩa bình tố chưa từng quen thuộc; Giấc chiêm bao sao khéo loàn đan(25). Thấy âu: Chí đã hẹn hò, lòng càng dan díu. Xa xôi tuy cách trăm năm; Sau trước cùng về một đạo. Gồm ba vua, ra bốn việc; Nền thái bình mong theo dấu Thành Chu(26). Nọ chín tháng, trọn ba thu; Trường văn vật nghị về miền Phong Cảo(27). Mấy niềm riêng khôn xiết tư lường; Phỉ giấc mộng xảy nên trẫm triệu(28). Ví dù: Lòng trời muốn trị, đạo thánh gặp thì. Quyền chính giáo ra tay cất đặt; Việc quốc gia mặc sức thi vi(29). Chuyển máy thiêng biến Lỗ, biến Tề; Sao hầu quốc lại chầu về Bắc(30). Ra tài lạ làm vương, làm đế; Vạc Thành Chu ắt dễ sang Tây(31). Thời tiết ấy đặng công nghiệp ấy; Chiêm bao này phỉ chí khí này. Nài bao: Cùng đạt bởi trời, thịnh suy mặc số. Ngựa - xe nhiều thuở ruổi rong; Quân - tướng quen lòng, quyến cố. Lẫn lữa quê nhà dặm khách, luống trải qua Lỗ - Vệ - Tống - Trần(32). Một mong sớm gió tối mưa, khôn đem lại Thành - Khang - Văn - Võ(33). Nữa khiến: Khóc lân sùi sụt, than phượng nghêu ngao(34). Thời chửa gặp thánh nhân đã vậy; Đạo chẳng ra thiên hạ làm sao. Hai trăm lẻ Xuân Thu(35), mới biết trị bình chửa dễ. Bảy mươi dư tuế nguyệt(36), thêm buồn tuổi tác càng cao. Mỗi nỗi luống nhiều than thở; Bấy lâu sao vắng chiêm bao(37). Song le: Cháy cháy thu dương; đùn đùn thái nhạc(38). Hợp quần thánh dội kim thanh; Nức bốn phương vang mộc đạc(39). Hai trăm năm thay quyền thưởng phạt (40), công dễ thâu mỗi việc cần lao. Muôn ngàn đời mở nghiệp thái bình, tài chi kiếm nhất thời chế tác. Mới hay: Ngàn thu một thánh, ngàn thánh một lòng. Khổng Tử ví Chu Công nào khác.
3. Thay lời kết
Tác phẩm Khổng Tử mộng Chu Công của Nguyễn Nghiễm vừa thể hiện sự kết tinh về ngôn từ trong “Quốc âm”, vừa khẳng định sức hấp dẫn của văn chương Nôm trong tiến trình phát triển ngôn ngữ của nước ta. Bên cạnh đó, tác phẩm còn là sự “đúc kết” những ước mơ, mong mỏi kín đáo của Nghị Hiên công đối với thời cuộc.
Thời bấy giờ, ở Bắc Hà, chúa Trịnh luôn lấn át vua Lê. Các đời chúa Trịnh, mặc dù có những thái độ và cách đối đãi khác nhau với nhà Lê, song, mọi quyền bính vẫn chủ yếu tập trung trong tay họ. Vua Lê gần như chỉ ngồi làm vì.
Chứng kiến tình cảnh như vậy, phải chăng, Nguyễn Nghiễm sáng tác bài phú Khổng Tử mộng Chu Công nhằm thể hiện những ước mơ thầm kín về thời đại “chúa thánh tôi hiền”: “Ví dù: lòng trời muốn trị, đạo thánh gặp thì; quyền chính giáo ra tay cất đặt; Việc quốc gia mặc sức thi vi” như Khổng Tử mong muốn đem tài đức “kinh bang tế thế” của mình ra để “nối gót nhà Chu”, xác lập lại mọi nền tảng thiết chế xã hội như Chu Công từng thiết lập. Và, hơn thế, có lẽ tác giả muốn ngụ ý rằng: mong sao chúa Trịnh hết lòng phò tá vua Lê (không có lòng khi quân, lấn lướt) như Chu Công Đán đối với Chu Thành vương, để cùng dựng xây một xã hội thái bình, thịnh trị.
Tóm lại, Khổng Tử mộng Chu Công của Nguyễn Nghiễm xứng đáng được xem là một tác phẩm điển hình cho thể loại phú Nôm, và thể hiện rõ nét tài năng văn chương của bậc “tài trí, anh đặc, cảnh lượng” của Hồng Ngư cư sĩ.
Chú thích
(1), (2) Trong các khoảng thời gian ông làm Tư nghiệp (1740), Tế tửu tại Quốc tử giám (tháng 3-tháng 7 năm 1741), đặc biệt là từ năm 1758, với vai trò Quốc sử tổng tài kiêm Quốc tử giám Tế tửu, Nguyễn Nghiễm đã góp công phục hưng nền học vấn. Bên cạnh đó, ông còn chỉnh lý “sử cũ rườm rà” để biên tác ra tác phẩm nổi tiếng Việt sử bị lãm. (3) Bài đầu tiên, chép trong Cố Lê nhạc chương thi văn tạp lục, ký hiệu: VHv.2658 và A.1186, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm. (4) Phó bảng Phan Sĩ Bàng - Giải nguyên Lê Thước (1924), Truyện cụ Nguyễn Du, tác giả truyện Thúy Kiều, Nhà in Mạc Đình Tư , HN. (5) Phan Sĩ Bàng - Lê Thước, Sđd, tr.5. Ở công trình này, mặc dù vẫn đánh giá cao như đã dẫn, song, hai tác giả cũng chưa có cách nhìn nhận chuẩn xác bài phú trên khi cho rằng “Trong bài phú ấy tuy cũng có chữ chưa được thanh thoát” (tr.5). (6) Dương Quảng Hàm (1968), Việt Nam văn học sử yếu, Bộ Giáo dục -Trung tâm Học liệu xuất bản, tr.144. Cuốn sách được Học giả Dương Quảng Hàm hoàn thành vào năm 1941. Từ năm 1968, sách được Bộ Giáo dục lựa chọn đưa vào chương trình học lớp 10 bậc phổ thông. (7) Đỗ Đức Hiểu (Cb) (2004), Từ điển Văn học bộ mới, Nxb. Thế giới, H, trang 1.171, mục Nguyễn Nghiễm có nói “…Về phương diện văn học, [ông] được chú ý nhiều là bài phú Khổng Tử mộng Chu Công. Đây là một bài phú phóng vận”; Những công trình khác vẫn khẳng định giá trị tác phẩm Khổng Tử mộng Chu Công của Nguyễn Nghiễm, như các bài viết của nhiều học giả uy tín đăng trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học Tế tửu Quốc tử giám Nguyễn Nghiễm: con người và sự nghiệp. (8) Tạ Phong Châu - Nguyễn Văn Phú (1961), Phú Việt Nam cổ và kim, Nxb. Văn hóa, H. Thái Kim Đỉnh khi biên soạn Năm thế kỷ văn Nôm người Nghệ năm 1995 (Nxb. Nghệ An) cũng trích dẫn chủ yếu ở sách này. Phú Việt Nam cổ và kim được Nxb. Văn hóa Thông tin in lại vào năm 2002. Đến năm 2008, Nxb. Văn học cho ra cuốn Phú Việt Nam chọn lọc cũng lấy tư liệu ở sách Phú Việt Nam cổ và kim của hai ông Tạ Phong Châu - Nguyễn Văn Phú. (9) Nguyễn Q Thắng (1999), Từ điển Tác gia văn hóa Việt Nam, Nxb. VHTT, H, trang 855-857 chép tác phẩm Khổng Tử mộng Chu Công bằng chữ Quốc ngữ., (10) Phan Văn Các - Trần Ngọc Vương (Cb) (2010), Di sản văn chương Văn miếu Quốc tử giám, Nxb. Hà Nội, H, tr.984-991. Trong sách này, các tác giả vẫn chưa chỉ nguồn gốc văn bản Khổng Tử mộng Chu Công phú. (11) (12) Viện NCHN (2002), Ngữ văn Hán Nôm tập 1, Tứ thư, Nxb. KHXH, H, tr.337. (13) Phạm Văn Khoái (2004), Khổng phu tử và Luận ngữ, Nxb. Chính trị Quốc gia, H, tr.125. (14) Thiên Thuật nhi, VII: “子曰:甚矣吾衰也久矣吾不復夢見周公” (Khổng Tử rằng: Đạo của ta suy lắm rồi. Đã lâu ta không còn mơ thấy Chu Công); Thiên Thái Bá, VIII: “子曰:如有周公之才之美, 使驕且吝,其餘不足觀也已” (Khổng Tử rằng: dẫu tài năng, tốt đẹp như Chu Công, nếu kiêu ngạo, bủn xỉn thì chẳng còn đáng xem nữa)… (15) Hiên hậu 軒后: tức Hoàng đế 黃帝, họ Công Tôn公孙, tên Hiên Viên 轩辕, là một vị vua huyền thoại và anh hùng trong văn hóa Trung Quốc. (16) Cao Tông 高尊(宗): tức Ân Cao Tông Vũ Đinh 殷高宗武丁, họ Tử 子tên Thiệu 昭 (ở ngôi 1250-1192 Tr.CN), là một vị vua hiền (tài) của nhà Thương. Giấc mộng Cao Tông: Thiên Duyệt mệnh thượng 說命上 ở sách Thượng Thư 尚書có đoạn: 夢帝賚予良弼,其代予言.乃審厥象,俾以形旁求于天下.說築傅巖之野,惟肖.爰立作相 (ta mơ thấy Thượng đế cho ta [Cao Tông] một người giúp rập giỏi, người ấy thay lời cho ta. Bèn xét rõ hình tượng, sai người đem hình đi khắp thiên hạ. Ông Duyệt đang đắp đất ở Phó Nham, giống hệt [hình], bèn lập làm tướng). (17) Lọ 擼: (từ cổ) chẳng, không; Lọ thấy Chu Công: chẳng (mơ) thấy Chu Công. Điển tích lấy từ câu ở Thuật nhi VII, sách Luận ngữ (xem chú thích 13). (18) Nẻo từ 裊自: (liên từ nối) Từ lúc/ từ khi; Quang nhạc 光岳tức tam quang ngũ nhạc 三光五岳, chỉ trời đất; cấu 構: cấu tạo nên => cấu khí 構氣: tạo nên khí tượng. (19) Ni sơn 尼山: ngọn núi, vốn có tên là Khâu sơn 丘山, nơi cha mẹ của Khổng Tử cầu tự rồi sinh ra ông. Khuyết Lý 闕里: quê hương của Khổng Tử. (20) Dạ 胣 ở đây ý trỏ bụng dạ (bộ nhục); Hưng Chu: thời nhà Chu hưng thịnh. (21) Đòi phen 隊番: nhiều phen; trủng tể 冢宰: quan Tể tướng. (22) Đàn hạnh 壇杏: Đức Khổng Tử ngồi dạy học nơi gò đất bằng phẳng bên giàn hạnh, nên gọi đàn hạnh (chữ Hán: hạnh đàn 杏壇). (23) Cổn y 袞衣: lễ phục của các bậc đế vương có thêu rồng bay lên, còn gọi là cổn y tú thường 衮衣绣裳; chắm chắm 占占: (từ láy) tập trung không chớp mắt. (24) Xích tích 赤舄: đôi dày của bậc đế vương mang đi tế lễ trời đất. Thiên Dư phục chí hạ 輿服志下trong Hậu Hán thư viết: “赤舄絇屦,以祠天地” (đi hài xích tích, để cúng tế trời đất). (25) Bình tố平素: tình cảm lâu dài, xưa nay; Loàn đan 蘭單: (từ cổ) mạo muội, vượt khỏi khuôn phép. Nguyễn Trãi từng có câu “Loàn đan ướm hỏi khách lầu hồng” (Vô đề); “Ta gìn nhân nghĩa chớ loàn đan” (Bảo kính cảnh giới XII)… (26) Gồm ba vua, ra bốn việc ������,����役: điển tích; Mạnh Tử 孟子, thiên Ly Lâu chương cú hạ: 周公思兼三王以施四事 (Chu Công muốn gồm học các đạo của ba đời (Hạ Thương Chu) để thi hành bốn việc đạo); Thành Chu 成周: tức Chu Thành vương. (27) Nọ chín tháng, trọn ba thu 奴 �� ��,論 �� 秋: Cụm từ phiếm chỉ thời gian; Nghị 議: bàn luận; Phong Cảo豊鎬: đất Phong, đất Cảo. Kinh đô của Chu Văn Vương là Phong kinh豊京, Vũ Vương là Cảo kinh 鎬京. Năm 1126 TCN, Chu Vũ Vương dời đô từ đất Phong về đất Cảo. (28) Mấy : (từ cổ) với; Tư lường思 量: suy tư; nghĩ ngợi; phỉ 丕: ấy; xảy nên 侈��: bỗng nên, chợt thành. Trẫm triệu 朕兆: điềm báo trước việc gì sẽ xảy ra. (29) Chính giáo 政教: Nho giáo; Cất đặt 拮達: xếp đặt; Thi vi 施為: thi hành. (30) Biến Lỗ, biến Tề 变 魯 变 齊: điển tích; Luận ngữ, thiên Ung dã VI, 22: 齊一變至於魯,魯一變至於道” (Nước Tề biến đổi một lần là đến Lỗ, nước Lỗ biến đổi một lần là đến đạo thánh hiền); Sao hầu quốc lại chầu về Bắc��候國吏朝駆北: sách Luận ngữ, thiên Vi chính II, 1 có câu: 為政以德, 譬如北辰,居其所而眾星共之 (Dùng đức để làm chính sự, tựa như Bắc thần ở yên đó mà các sao lại hướng chầu về). (31) Tài lạ 才��: tài năng kỳ lạ; Vạc Thành Chu ắt dễ sang Tây 鑊成周乙易��西: Tương truyền Chu Vũ vương lại dời 9 đỉnh (vạc) sang Lạc ấp ở phía Tây. (32) Lỗ-Vệ-Tống-Trần 魯駆宋陳: bốn nước Khổng Tử đi qua trên hành trình du thuyết. (33) Khôn坤: (từ cổ) sẽ, sắp; Thành, Khang, Văn, Võ 成康文武: tức vua Thành vương 成王, Khang vương 康王, Văn vương文王, Võ vương 武王 của nhà Chu. (34) Khóc lân sùi sụt, than phượng nghêu ngao 哭麟洡湥,嘆鳳嘵嗷: Điển tích. Sách Khổng Tùng tử 孔丛子, thiên Ký vấn 記問 chép: “Năm Lỗ Ai Công thứ 14 thời Xuân Thu, có người bắt được con Kỳ Lân. Khổng Tử xem đó là điềm gở, và khóc rằng: ta đối với người như con lân đối với nước Lỗ vậy, Lân đi ra mà chết, đạo ta suy kiệt rồi”. (35) Hai trăm lẻ Xuân Thu ������春秋: Khổng Tử chép lịch sử thời Xuân Thu được hơn 200 năm. (36) Bảy mươi dư tuế nguyệt 斎��餘岁月: Khổng Tử sống hơn 70 năm (72 tuổi). (37) Câu này lấy tích từ thiên Thuật nhi VII (xem chú thích 13). (38) Cháy cháy ����: (từ láy) cháy rực, cháy bừng sáng rỡ; Thu dương 秋陽: tiết trời Thu dương, lúc ánh sáng mặt trời sáng rõ, huy hoàng, nhất. Thiên Đằng Văn công thượng 滕文公上 ở sách Mạnh Tử có đoạn: 江漢以濯之,秋陽以暴之,皜皜乎不可尚已 (Món đồ đem giặt ở sông Giang, sông Hán, rồi đem phơi dưới áng thu dương, thì trở nên sáng rỡ, không vật gì hơn thế); Đùn đùn 屯屯: tuôn ra, mọc ra nhiều. Nguyễn Trãi trong Bảo kính cảnh giới 43 có câu: “Hòe lục đùn đùn tán rợp trương”; Thái nhạc 泰岳 (泰嶽): tức núi Thái Sơn 泰山 nằm ở tỉnh Sơn Đông phía Bắc thành Thái An. Thái Sơn là núi hùng vĩ, linh thiêng nhất của Trung Quốc. (39) Dội ��: (động từ) đánh vang dội; Kim thanh 金聲: tức chinh thanh 鉦聲 (tiếng chiêng); mộc đạc 木鐸: thứ chuông nhỏ cầm tay lắc, làm bằng đồng. Ngày xưa, dùng mộc đạc để ban bố pháp lệnh ở khắp nơi. (40) Hai trăm năm thay quyền thưởng phạt ������台權賞罚: Nói về lịch sử biến động của thời Xuân Thu, với sự thay thế quyền lực lẫn nhau giữa các nước chư hầu, được Khổng Tử thu thập và biên tập lại thành biên niên sử hơn 200 năm trong sách Xuân Thu. Phụ lục: a/ Trang cuối bản 4a-5b Trương Lưu hầu phú, kí hiệu VNb.1 (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) Vùng khoanh tròn là chữ được người sau thêm vào bằng bút bi b/ Trang cuối bản 59a-60b Trương Lưu hầu phú, kí hiệu VNb.1 (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) Chữ Hán ghi niên hiệu: Minh Mạng nhị thập niên bát nguyệt nhị thập lục nhật (nằm ngang) 明命貳十年捌月貳十陸日cùng với dấu triện (không nhìn rõ). |