Kể từ năm 1960 làm cán bộ nghiên cứu Viện Văn học thuộc Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam, đến lúc hưu trí lại đảm nhận chức vụ Chủ tích Hội Kiều học Việt Nam, hơn một nửa thế kỷ qua tôi đã gắn bó với việc nghiên cứu Truyện Kiều, trong đó có một vấn đề tôi phải thường xuyên theo dõi, tìm hiểu là Truyện Kiều đã được phiên dịch, giới thiệu như thế nào ở các nước trên thế giới.

 

Đối với Hàn Quốc, Truyện Kiều chỉ mới được biết đến trong mấy thập kỷ gần đây. Điều này có liên quan đến quan hệ chính trị giữa hai nước trong thời gian trước đây. Đầu năm 1975 nhân dân Việt Nam hoàn toàn thắng lợi công cuộc đấu tranh giành lại nền độc lập và thống nhất của đất nước. Cuối năm 1992 quan hệ ngoại giao chính thức giữa Việt Nam và Hàn Quốc được thiết lập, từ đó các quan hệ giữa hai nước, trong đó có quan hệ văn hóa, dần dần phát triển. Các khoa tiếng Việt được thành lập từ trước tại các trường Đại học Seoul và Busan hoạt động tích cực, bắt đầu trích giảng các tác phẩm văn học Việt Nam, trong đó có Truyện Kiều. Tuy khởi đầu muộn nhưng nhìn lại có thể thấy việc giới thiệu Truyện Kiều ở Hàn Quốc đã trải qua những bước phát triển căn bản và vững chắc.

 

Sự chuyển biến tình hình nói ở trên đã đưa nhiều đợt sinh viên Hàn Quốc sang Việt Nam học tập, nâng cao tiếng Việt. Nghiên cứu sinh Yang Soo Bae, nay là giáo sư trường Đại học Ngoại ngữ Busan, năm 1994 đã đến trường Đại học sư phạm Hà Nội bảo vệ luận án thạc sĩ và năm 2000 bảo vệ thành công luận án Tiến Sĩ với đề tài So sánh Truyện Kiều và Truyện Xuân Hương.

 

Luận án gồm ba chương chính:

 

Chương I – Bối cảnh xã hội văn hóa thời đại Truyện Kiều và Truyện Xuân Hương

 

Chương II – Nguồn gốc đề tài, cốt truyện, thể loại và phương thức phản ánh cuộc sống của Truyện Kiều, Truyện Xuân Hương

 

Chương III – Thế giới hình tượng nhân vật qua nghệ thuật tự sự và ngọn nguồn cảm hứng sáng tác trong Truyện Kiều vàTruyện Xuân Hương

 

Với phương pháp so sánh, luận án đã chỉ ra những nét tương đồng và dị biệt giữa hai tác phẩm tiêu biểu của hai dân tộc. Truyện Kiều từ nguồn gốc cốt truyện Trung Quốc đã được nhà thơ tài ba Nguyễn Du sáng tạo lại thành một tác phẩm đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam. Truyện Xuân Hương từ loại hình kịch diễn xướng dân gian Phansori của quần chúng được ghi lại thành một tác phẩm văn học viết của Hàn Quốc.

 

Nhân vật trung tâm của hai tác phẩm là hai phụ nữ có tài, có sắc, vì gia biến đã bị rơi xuống những địa vị xã hội thấp kém, đau khổ nhưng vẫn giữ được nhân cách và đạo đức cao đẹp. Cả hai tác phẩm đều được công chúng rộng rãi của mỗi dân tộc qua nhiều thời đại yêu quý đón nhận, tạo nên mối tình gắn bó bền chặt dị thường nối liền toàn thể dân tộc với một kiệt tác vĩ đại của quá khứ.

 

Trong thời gian làm luận án Yang Soo Bae còn tranh thủ dịch Truyện Xuân Hương sang tiếng Việt và nhà xuất bản Khoa học xã hội Hà Nội đã in năm 1994. Đây là bản dịch tiếng Việt đầu tiên của Truyện Xuân Hương được xuất bản ở Việt Nam.

 

Tiếp theo luận án trên, không hẹn mà nên, cùng trong tháng 10 năm 2004, hai giáo sư Ahn Kyong Hwan và Choi Kwi Muk cùng xuất bản hai bản dịch Truyện Kiều sang tiếng Hàn. Tôi không biết tiếng Hàn nên đã phải nhờ bạn Hàn Quốc và Việt Nam am hiểu tiếng Hàn dịch cho những đoạn cần thiết sang tiếng Việt để tham khảo. Vì những phần dịch này chỉ có tính chất của những tư liệu làm việc nên tôi xin không nêu tên các người dịch ở đây nhằm tránh cho các bạn những trách nhiệm không cần thiết.

 

Giáo sư Ahn Kyong Hwan vốn là chủ nhiệm Khoa tiếng Việt của trường Đại học Yong San, Hàn Quốc. Ông đã có hơn 10 năm học hỏi nghiên cứu Tiếng Việt và Văn học Việt Nam, trong đó có 5 năm sống và làm việc tại Việt Nam dự Hội thảo và trao đổi khoa học. Từ rất sớm ông đã có hoài bão dịch Truyện Kiều nhưng chỉ thực sự bắt tay vào công việc này từ đầu năm 2004, rồi miệt mài làm việc liên tục trong 9 tháng và bản dịch được Nhà xuất bản Văn hóa Hàn Quốc ấn hành vào tháng 10 năm 2004. Sách khổ lớn, in song ngữ Việt – Hàn, có kèm theo hang ngàn chú thích về từ ngữ, điển tích. Trao đổi với phóng viên Trang Thu của Tạp chí Hữu Nghị tại cuộc giới thiệu bản dịch tại Hà Nội ngày 20 tháng 12 năm 2004, ông nói: Tôi ý thức sâu sắc rằng công việc tôi làm không chỉ đơn giản là chuyển ngữ một tác phẩm thơ mà còn là chuyển đạt tâm hồn, bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam tới dân tộc tôi, với ước mong đưa hai dân tộc đến gần nhau hơn thông qua cây cầu văn học.

 

Dịch giả thứ hai là giáo sư Choi Kwi Muk trường Đại học Quốc gia Busan, niên khóa 1998 – 1999 ông dạy tiếng Hàn tại Khoa Đông phương học trường Đại học Quốc gia Hà Nội. Trong lời mở đầu bản dịch, ông cho biết: Trong thời gian sống ở Hà Nội, tôi đã cố gắng thu thập các tài liệu cần thiết cho việc dịch Truyện Kiều sau này. Từ mùa đông năm 2001, tôi đã bắt tay vào dịch và giờ đây đã có thành quả. Bản dịch đã được nhà xuất bản Somyong ở Seoul in tháng 10 năm 2004, khổ sách 15x22cm, 317 trang.

 

Về nguồn gốc Truyện Kiều ông viết: Năm 1814 Nguyễn Du đi sứ Trung Quốc, trên đường về có mang theo cuốn Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân và dịch sang tiếng Việt, đó chính là Truyện Kiều. Tuy nhiên điểm độc đáo của bản dịch này là người dịch không diễn đạt theo dạng văn xuôi như nguyên bản mà dịch theo thể thơ, cô đọng hơn và có một bộ phận được người dịch sáng tạo thêm … Vì vậy Truyện Kiều không chỉ là tác phẩm dịch đơn thuần mà đã trở thành một tác phẩm tiêu biểu nhất của văn học cổ điển Việt Nam.

 

Giáo sư Choi Kwi Muk cũng băn khoăn nhiều về tên tác phẩm. Ông viết: Đến nay tác phẩm này đã có rất nhiều tên gọi đa dạng như Kim Vân Kiều, Vân Kiều truyện, Kim Vân Kiều tân truyện, Đoạn trường tân thanh, Vương Thúy Kiều, Thúy Kiều truyện, Kiều truyện, Kiều v.v… và cuối cùng ông đã chọn Thúy Kiều truyện làm tên cho bản dịch của mình.

 

Có thể vì những ý kiến này mà có cả người Hàn Quốc và Việt Nam nghĩ rằng Giáo sư Choi Kwi Muk đã dịch theo một bản Kiềutiếng Trung, nhưng bản nào? Nếu là một bản thuộc loại truyện ký thì cuốn sách của giáo sư Choi Kwi Muk sẽ mỏng hơn, nhưng nếu là Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân thì cuốn sách sẽ dầy hơn rất nhiều.

 

Tôi đã nhờ một bạn Việt Nam am hiểu tiếng Hàn đọc khảo sát hai đoạn, đoạn Kiều gặp Kim Trọng và đoạn Kiều thăm mộ Đạm Tiên, thì bạn đó quả quyết rằng giáo sư Choi Kwi Muk đã dịch sát từng câu, từng ý của một bản Kiều nào đó của Nguyễn Du.

 

Sự thực Truyện Kiều của Nguyễn Du không phải là dịch hay phỏng dịch Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân mà chỉ dựa một cách tổng quát cốt truyện để sáng tạo lại thành một truyện thơ theo thơ lục bát triếng Việt và phong cách nghệ thuật Việt Nam, chính vì vậy mà trong hơn hai thế kỷ qua tác phẩm của Nguyễn Du đã được đông đảo người Việt Nam, từ những người ít học, thậm chí là không biết chữ, cho đến các thế hệ trí thức đều say mê nghiền ngẫm, ngâm nga.

 

Truyện Kiều thoạt đầu mới đọc thì có thể mọi người đều cảm nhận là một tác phẩm hay và bình dị, dễ hiểu, nhưng thực tế lại chứa đựng nhiều giá trị tiềm ẩn, sâu sắc, đã làm tốn nhiều bút mực của các nhà bình luận, nghiên cứu. Truyện Kiều cũng là một tác phẩm rất khó dịch, thậm chí có người cho là không thể dịch nổi, xưa nay đã thử thách tài năng, nghị lực của các dịch giả, người nước ngoài và người Việt Nam.  

 

Bản thân tôi là một cán bộ nghiên cứu, chuyên nghiên cứu văn học dân tộc mình, nhưng cũng giống như các giáo ưu Yang Soo Bae, Ahn Kyong Hwan và Choi Kwi Muk đã phải học thêm một ngôn ngữ và một nền văn học dân tộc khác. Đối với tôi là tiếng Ý và Văn học Ý mà tôi đã học thêm từ 1978, sau đó cũng đã giảng dạy về tiếng Ý và Văn học Ý và cũng đã liều lĩnh dịch một kiệt tác số một của Văn học Ý ở thế kỷ XIV, đó là tác phẩm thơ La Divina Commedia của Dante, dài gấp 4 lần Truyện Kiều của Nguyễn Du. Khi bắt tay vào công việc mạo hiểm này, tôi đã biết câu tục ngữ quen thuộc của người Ý: Người dịch thuật, kẻ phản bội (Tranduttonre, Traditore). Tôi cũng đã biết lời răn dạy của Dante: “Mọi người đều biết rằng: không có cái gì được liên kết bằng mối liên kết thơ ca mà khi bị chuyển đổi từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác lại không mất đi tất cả sự êm ái và hài hòa của nó” (Dante Bữa tiệc, Convivio). Cái mà Dante gọi là mối liên kết thơ ca (legamo musaico) ở đây là bao gồm tất cả các yếu tố cấu thành văn bản thơ như ngôn từ, ngữ nghĩa, âm thanh, vần luật… mà tất cả đều gắn bó máu thịt với một ngôn ngữ dân tộc nhất định. Dịch thuật là một công việc khó khăn, gian khổ, mặc dầu vậy từ xưa dến nay nhiều người đã tự nguyện dấn thân vào công việc này nhằm tạo ra sự giao lưu, trao đổi những thành tựu sáng tạo xuất sắc giữa các dân tộc.  

 

Với tình cảm chân thành của một đồng nghiệp “cùng hội, cùng thuyền” tôi rất thông cảm và cảm ơn các bạn đồng nghiệp Hàn Quốc Yang Soo Bae, Ahn Kyong Hwan và Choi Kwi Muk.