Thơ chữ Hán giữ một vai trò quan trọng trong sự nghiệp văn chương của Nguyễn Du, bởi nó vừa là nhật ký tâm trạng, vừa là nhật ký có tính hành trình của chính đại thi hào trong suốt một thời kỳ dài. Đó là mảng thơ ông sáng tác gần như trọn đời (khoảng trên dưới 30 năm), qua nhiều vùng lãnh thổ khác nhau. Thậm chí, căn cứ vào các địa danh trong tập thơ Bắc hành tạp lục (1813 – 1814), người ta đã vẽ lại con đường đi sứ của Nguyễn Du từ trấn Nam Quan đến tận Yên Kinh (Bắc Kinh). Thơ chữ Hán của Nguyễn Du dường như đã ghi lại một cách trung thành và khá đầy đủ những buồn vui trong suốt cuộc đời của nhà thơ từ lúc rời nhà đến lúc rời nước đi làm nhiệm vụ mà triều đình giao phó. Những buồn vui đó thể hiện qua những điều trông thấy ở trên quê hương ông đến những điều trông thấy ở quê người. Nói là những buồn vui nhưng buồn vẫn là chủ yếu. Buồn vì tóc bạc, buồn vì bệnh tật, ốm đau không có thuốc thang, buồn vì thời thế loạn ly…nhưng sâu sắc nhất, bao trùm nhất, xuyên suốt nhất vẫn là nỗi buồn tha hương, nỗi truân chuyên, chìm nổi của cuộc đời tưởng như vô định.
Đọc toàn bộ thơ chữ Hán của Nguyễn Du, ta như cùng nhà thơ tham gia vào một cuộc đi, một hành trình dài. Hành trình đó, bắt đầu từ những ngày đang tuổi thanh xuân thì gia đình đã phải ly tán, anh em lưu lạc. Bài thơ được đánh số 1 trong Thanh Hiên thi tập (Nguyễn Du toàn tập) 1 là bàiQuỳnh Hải nguyên tiêu, có câu: “Hồng Lĩnh vô gia huynh đệ tán” (Chốn quê Hồng Lĩnh không còn nhà, anh em tan tác). Nguyễn Du lúc này đang “tỵ cư” ở nhà anh vợ tại Quỳnh Côi (Thái Bình). Bài thơ số 2 sau đó (Xuân nhật ngẫu hứng) lại có câu: “Tha hương nhân dữ khứ niên biệt” (Chốn tha hương, người từ biệt năm cũ). Trong bài thứ 3, nhà thơ như tiên nghiệm được cái gian truân lưu lạc ấy là do bản mệnh, do tướng mạo của mình: “Thiên địa dữ nhân truân cốt tướng”. Nên nhà thơ đã hỏi: Cớ sao “càn khôn” lại đố kỵ với kẻ làm văn chương, trong khi đáng lẽ phải giúp người làm văn thay đổi số phận (Bản vô văn tự năng tăng mệnh/Hà sự càn khôn thác đố nhân? Tự thán)
Cái mặc cảm tha hương, lưu lạc đó cứ đeo đẳng nhà thơ suốt cả cuộc hành trình, xuyên thấm qua mọi bài thơ từ Thanh Hiên thi tập, qua Nam trung tạp ngâm đến Bắc hành tạp lục. Có thể nói sự xuất hiện của các câu thơ nói về cảm giác lưu lạc, tha hương là khá đậm đặc: Nhất phiến hương tâm thiềm ảnh hạ (Một tấm lòng nhớ quê dưới ánh trăng/ (Sơn cư mạn hứng); Lưu lạc bạch đầu thành để sự (Bạc đầu chìm nổi vô tích sự, (U cư I), Thập tải phong trần khứ quốc xa (Mười năm gió bụi rời thành đi xa, (U cư II), Dao ức gia hương thiên lý ngoại (Xa nhớ quê hương ngoài ngàn dặm, (Mạn hứng); Gia hương thiên lý nguyệt trung tâm (Ngàn dặm nhớ quê lòng theo trăng, (Xuân dạ). Với tấm lòng da diết nhớ quê như vậy, khi tiễn một người bạn có tên là Nguyễn Sĩ Hữu về nam, cũng là về quê làm việc, nhà thơ đã mừng cho bạn và buồn cho mình. Buồn cho mình là bạc đầu rồi vẫn chưa về được quê, mừng cho bạn sớm được về quê Hồng Lĩnh, nơi trăng trong gió mát, không còn canh cánh nhớ mong, nhìn về chân trời: “Bạch đầu vô lại bất hoàn gia,…Qui khứ cố hương hảo phong nguyệt /Ngọ song vô mộng đáo thiên nha” (Tống Nguyễn Sĩ Hữu Nam qui).
Nỗi buồn nhân thế là một cảm hứng chủ đạo trong thơ chữ Hán Nguyễn Du. Hầu hết các công trình nghiên cứu về thơ chữ Hán đã khẳng định điều này. Nguyễn Lộc cho rằng tâm sự của Nguyễn Du “lúc nào cũng buồn, cũng day dứt”, ngay cả khi ra làm quan với nhà Nguyễn cũng “chẳng vui vẻ gì hơn” (Nguyễn Lộc)2; Mai Quốc Liên giải thích nguyên nhân nỗi buồn trong tâm trạng Nguyễn Du là do thời cuộc: “Nhưng cái buồn của Nguyễn Du, sự thất vọng, tuyệt vọng của Nguyễn Du …không phải chỉ là cái buồn của thân thế, nó còn là cái buồn trước đất nước và thời cuộc” 3. Nguyễn Hữu Sơn cho rằng Thanh Hiên thi tập là “tập thơ bộc lộ nỗi niềm Nguyễn Du trong những tháng năm sống long đong, mất phương hướng, mất lòng tin, thậm chí cả tâm trạng hoang mang, vô vọng với rất nhiều những xót xa về thân phận "chân trời góc bể "… 4.
Cho đến những năm gần đây, nhiều nhà nghiên cứu vẫn tiếp tục khẳng định âm hưởng buồn đau trong thơ chữ Hán Nguyễn Du. Trần Nho Thìn trong Văn học Việt Nam thế kỷ X đến thế kỷ XIX(2012) đã nhận xét về mảng thơ mang cảm hứng chính trị - xã hội là “Nguyễn Du không quan tâm tổng kết nguyên nhân thành/bại, hưng/vong mà ông gửi gắm nỗi u hoài về cuộc đời trăm năm ngắn ngủi, về những cuộc bể dâu, rồi tất cả sẽ rơi vào hư vô” 5 . Nguyễn Thị Nguyệt khẳng định: “Bước đường quan san, gió bụi, tha hương, chân trời góc biển, ốm đau bệnh tật, trăng thu, đêm thu, gió thu lạnh, mùa xuân lạnh, mái tóc bạc, nỗi nhớ quê hương ngoài nghìn dặm, nỗi sầu thế cuộc...tất cả trở đi trở lại, thành nỗi niềm man mác trong suốt cả tập thơ” 6. Phạm Quang Ái còn bổ sung thêm nỗi đau “thất cước”: “Nỗi đau thất cước, nỗi xót xa thân phận, niềm bi phẫn vì cuộc đời bế tắc, tấm lòng ưu thời mẫn thế, điếu cổ thương kim,..Tất cả, như một dàn hợp xướng nhiều bè cùng tấu lên trong suốt 249 bài thơ của ba tập thơ…” 7. Và còn rất nhiều bài viết khác nữa đã nói đến nỗi buồn đau trong thơ chữ Hán của Nguyễn Du mà ở đây chúng tôi không có điều kiện kể hết.
Căn nguyên của nỗi “đau đớn lòng” ấy cũng đã được nhiều người giải thích. Nguyên nhân từ hai phía, phía khách quan, là hoàn cảnh xã hội, là lịch sử đất nước thời bấy giờ. Đây là hướng giải thích chủ yếu, khi muốn nhấn mạnh ý nghĩa tố cáo xã hội phong kiến của thơ Nguyễn Du. Hướng giải thích thứ hai là từ phía chủ quan của nhà thơ. Nào là hoàn cảnh gia đình, nào là bản thân bệnh tật, nào là thái độ chính trị không mặn mà đối với triều Nguyễn, luyến tiếc thời Lê và kinh đô cũ Thăng Long…Cũng có nhiều ý kiến đã kết hợp cả hai loại nguyên nhân là vừa chủ quan vừa khách quan. Như vậy, qua các ý kiến trên, ta thấy có một sự nhất trí khá cao trong việc khẳng định âm hưởng chung của trong thơ chữ Hán Nguyễn Du là nỗi buồn, nỗi đau. Đó là một cảm xúc mạnh mẽ, bao trùm. Có thể coi những bài thơ chữ Hán của Nguyễn Du đã thể hiện một nỗi buồn đau có tính tập hợp, tính cộng hưởng của nhiều nguyên nhân, trong đó, có nỗi buồn do cảm giác lưu lạc, ly tán đem lại.Ở đây, chúng tôi hoàn toàn thống nhất về cách nhìn đa chiều, phối hợp các yếu tố chủ quan và khách quan, và nhấn mạnh thêm về thủ pháp nghệ thuật hay là phương pháp tư duy và thi pháp của thơ trung đại, thơ truyền thống.
Nỗi buồn vì ly tán và cảm xúc lưu lạc được thể hiện trong một biểu tượng đặc sắc mà nhà thơ gọi là “đoạn bồng nhất phiến”: Đoạn bồng nhất phiến tây phong cấp/Tất cánh phiêu linh hà xứ quy (Cỏ bồng một nhánh bay trong gió, Cuối cùng rồi sẽ dạt về đâu, (Tự thán I). Giống như một nhánh cỏ bị đứt rễ, lá lìa khỏi cội, gió bão sẽ cuốn nó bay đi lang thang vô định, chưa biết đến chân trời nào. Hình ảnh ngọn cỏ khô ấy là biểu trưng cho một con người tha hương. Đến bài Mạn hứng II, ta thấy rõ hơn cái ngụ ý biểu trưng của nhánh cỏ bồng: “Hành cước vô căn nhiệm chuyển bồng …Lục xích phù sinh thiên địa trung” (Như ngọn cỏ bồng không rễ chuyển dời bất định …Tấm thân sáu thước sống nổi trôi giữa đất trời). Xuyên suốt cả ba tập thơ, mà rõ rệt nhất là trong Thanh Hiên thi tập, là hình ảnh một con người không an cư, sống gần như vô định, “nay đây mai đó”, trong gió bụi, trong trời đất, lấy trăng sao, sông núi làm bạn. Độc thoại với chính mình, với các cô hồn, các vong linh, các nhân vật quá khứ, chia tay với bạn bè, anh em rồi mỗi người lại đi về phía chân trời góc bể (Hải giác thiên nhai), để lại một nỗi sầu thương…là những dạng thức chủ yếu của chủ thể trữ tình.
Cả hai biểu tượng, ánh trăng quê và nhất phiến đoạn bồng trên đây đều mang tính ẩn dụ. Ẩn dụ này ta đã gặp trong thơ đời Đường (Trung Quốc).Trước Nguyễn Du một ngàn năm, nhà thơ lớn của Trung Quốc, Lý Bạch (701 – 762) cũng đã sử dụng ánh trăng và cỏ bồng để nói lên những năm tháng lưu lạc của mình: “Cử đầu vọng minh nguyệt/Đê đầu tư cố hương” (Tĩnh dạ tư) 8, “Cô bồng vạn lý chinh” (Tống hữu nhân) 9.
Chúng ta không nhấn mạnh tính đặc thù của cái cảm giác không gian vô tận trong thơ Nguyễn Du, bởi nó như là đặc trưng chung của thi pháp thơ cổ, của tư duy nghệ thuật trong thơ chữ Hán nói chung. Chỉ trong một bài thơ Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu (704 – 754) cũng đã có đủ ba yếu tố mà chúng ta đang nói tới: thiên tải, hương quan, sầu: “Bạch vân thiên tải không du du…Nhật mộ hương quan hà xứ thị,Yên ba giang thượng sử nhân sầu” 10. Như vậy, cái cách cảm nhận không gian và thời gian trong thơ chữ Hán của Nguyễn Du là sự kế thừa cách cảm nhận của thơ ca cổ phương Đông. Trước ông hàng ngàn năm, thơ ca đời Đường cũng đã nói về cái thiên lý, thiên niên ấy rồi. Đó chính là sự phản ánh điều kiện lịch sử xã hội của thời trung đại, khi các phương tiện giao thông và liên lạc còn rất hạn chế, rất lạc hậu. Trong thơ chữ Hán của Nguyễn Trãi, ta cũng đã bắt gặp cái cảm xúc tha hương tương tự: Cùng là khách ngàn dặm - Đồng vi thiên lý khách (Tặng hữu nhân); Thu về đất lạ lòng nhiều cảm xúc - Thu việt tha hương cảm khách đa (Loạn hậu cảm tác); Mười năm xiêu dạt ngán bồng bình – Thập niên phiêu chuyển thán bồng bình (Quy Côn Sơn chu trung tác); …Nguyễn Trãi còn nói rõ là Giang hồ lưu lạc mấy mươi niên (Nhất biệt giang hồ sổ thập niên – Hải khẩu dạ bạc hữu cảm)11. Tuy vậy, trong thơ Nguyễn Trãi nhiều bài nói đến biên thùy vô sự, nói đến văn trị, (Văn trị chung tu trí thái bình), nói đến quốc thù (Quốc thù tẩy tận thiên niên sỉ - Rửa nhục quốc thù ngàn năm sạch), chỉnh đốn càn khôn (Chỉnh đốn càn khôn tòng thử liễu)…và tâm thế của Nguyễn Trãi là tâm thế của một bậc khai quốc công thần, một vị quân sư, nên âm hưởng thơ có phần hào sảng hơn. Nghĩa là trong thơ chữ Hán của Nguyễn Trãi có thêm cái nhìn của một kẻ kinh bang (trị nước) mà trong thơ Nguyễn Du không có.
Điều đáng chú ý là Nguyễn Du có cái nhìn của một kẻ bị động, một thân phận bị xô đẩy. Ông đã sử dụng những biểu tượng “đoạn bồng nhất phiến” đi đôi với Tây phong, Thu phong, Đông phong …Rất nhiều gió và bụi (phong trần) trong cả ba tập thơ chữ Hán. Cái thân phận bé nhỏ của con người trước vũ trụ, càn khôn càng trở nên ám ảnh khi khoảng cách thời gian và không gian được nâng lên vô hạn. Cảm xúc tha hương, nỗi niềm lưu lạc ấy như được nhân lên nhiều lần khi nhà thơ sử dụng các khái niệm “thiên lý”, “thiên niên”… để nói về tâm trạng nhớ quê “Thiên lý xích thân vi khách cửu” (Ngàn dặm xa quê làm khách mãi, (Thu chí); “Đạp biến thiên nha hựu hải nha”, (Tạp ngâm), “Vạn lý thu thanh thôi lạc diệp” , (Thu dạ I); “Thiên lý giang sơn tần trướng vọng”, (Thu dạ II); “Tang tử binh tiền thiên lý lệ”, (Bát muộn); “Mang mang hải thủy tiếp thiên khu”, (Dao vọng Càn Hải từ ); “Tứ hải phong trần gia quốc lệ”, (My trung mạn hứng); “Hương tứ tại thiên nhai” (Ký Giang Bắc Huyền Hư Tử): “Thiên lý bất tương kiến” “Thiên lý bất tương văn” (Biệt Nguyễn đại lang)…Cái tâm trạng một đi không biết bao giờ về, không biết sẽ dừng chân nơi đâu là khá phổ biến trong các bài thơ chữ Hán của Nguyễn Du: “Nhất biệt bất tri hà xứ trú…Hải thiên mang điểu thiên dư lý” (Ức gia huynh); “Hải giác thiên nhai hà xứ tầm” (Lưu biệt Nguyễn đại lang). Cái tôi trữ tình trong thơ chữ Hán của Nguyễn Du là một cái tôi đi nhiều, một cái tôi lữ hành. Cái cảm giác “dừng lại đâu trong vòng trời đất thì đó là nhà” là cảm giác thường trực: “Càn khôn tùy tại tức vi gia” (Tạp ngâm). Con người lữ hành ấy không có đích đến, hay nói đúng hơn, đó là một cuộc lữ hành vô định, mà khát vọng ở đây là trở về cội nguồn. Hồng Lĩnh là một nỗi ám ảnh lớn nhất của nhà thơ trong suốt cuộc hành trình.
Cảm xúc xa nhà, xa quê trong thơ chữ Hán của Nguyễn Du càng về cuối tập thơ càng trở nên nhức nhối, mãnh liệt. Mới đầu là tấm lòng theo ánh trăng vời vợi mà về với quê hương, “Gia hương thiên lý nguyệt trung tâm (Xuân dạ), về sau, khi đã xa quê hàng vạn trùng sơn - Cố hương dĩ cách vạn trùng san (Thái Bình thành hạ văn xuy địch), thì gan ruột nhà thơ như bị cồn cào hơn, day dứt hơn. Đáng chú ý là trong bài thơ Ký Giang Bắc Huyền Hư Tử, Nguyễn Du sử dụng hai chữ “hương tứ”:Hương tứ tại thiên nhai (Lòng quê trời một phương – Ngô Linh Ngọc dịch), Thuần lô hương tứ tại thu tiên (Dạ tọa) 12. Trong bài Sơn cư mạn hứng thì Nguyễn Du sử dụng hai chữ “hương tâm” (Nhất phiến hương tâm). Hương tâm có thể dịch là tấm lòng yêu quê, nhưng hương tứ thì vừa có thể dịch là lòng quê, vừa có thể dịch là trí quê hay quê hương trong tâm tưởng. Trong “hương tứ” của thi nhân, Hồng Lam là một vùng quê tuyệt đẹp, ở đó anh có thể thu lượm được nhiều cảnh tình, nhiều cảm xúc để làm thơ, để ngâm ngợi thanh cao: “Lam thủy Hồng Sơn vô hạn thắng/ Bằng quân thu thập trợ thanh ngâm” (Phúc Thực Đình). Có thể nói, núi Hồng sông Lam là một vùng quê đủ cho bạn ngâm vịnh: “Lam thủy Hồng Sơn túc vịnh ngâm” (Tặng Thực Đình). Người ta có thể ngủ yên trong mây trời Hồng Lĩnh: “Lão nạp an miên Hồng Lĩnh vân” (Dạ hành). Những vần thơ có được cảm xúc trong sáng và xanh tươi ấy của cảnh đẹp thôn quê hầu hết đã được nhà thơ sáng tác trong thời gian sống ở quê hương. Giấc hương quan cũng là một biểu tượng được nhắc đến mỗi khi xa quê. “Giấc hương quan luống lần mơ canh dài” (dòng 1266 trong Truyện Kiểu) là nói đến nỗi nhớ nhà, nhớ quê của nhân vật Thúy Kiều. Còn khi Nguyễn Du đi xa quê, thì « giấc hương quan” ấy cũng nặng trĩu tâm hồn, mà màu sắc trong giấc hương quan đó thường ảm đạm, tình cảm trong đó thường là sầu bi, và rất nhiều nước mắt. “Bồi hồi chính ức Hồng Sơn dạ” (Sơ nguyệt); “Nhất lệ thiên nhai sái đoạn bồng” (Ngẫu hứng II), Mộng trung tùng cúc ức quy dư (Lạng Sơn đạo trung). Mặc dù là so với ngày nay, khoảng cách địa lý mà các bài thơ nói đến so với quê Hồng Lam không phải là vô hạn: Gia Viễn Ninh Bình (Sông Quyết) hay phủ Lạng Sơn thì ngày nay chỉ mất nửa ngày là có thể về tới đất Hồng Lam. Nhưng thời Nguyễn Du có thể phải đi cả tháng trời.
Cảm xúc về quê nội Hồng Lam đã xuyên suốt cả ba tập thơ chữ Hán của Nguyễn Du. Mong ước lớn nhất của ông là được trở về sống giữa quê hương, mà không cần cái “tiểu công danh”. Một người tự cho mình mang tướng mạo truân chuyên (truân cốt tướng), không mang cốt cách vương hầu (Hữu sinh bất đái công hầu cốt – Ký hữu), nên Nguyễn Du ước được nằm khểnh bên song cửa sổ, làm bạn với núi rừng, hươu lợn (Vô tử chung tầm thỉ lộc minh) sống “bình cư vô sự”. Nhưng ước muốn ấy về tận cuối đời vẫn không thực hiện được.
Cảm xúc về quê nội do đó đã trở thành một mong mỏi, một sự thôi thúc, thu hút tâm tư của nhà thơ mạnh mẽ đến nỗi trở thành một định hướng trong tư duy nghệ thuật. Trong Nam trung tạp ngâm, khi vào Kinh sư nhậm chức, vừa nhìn thấy sông Hương thì nhà thơ đã liên hệ ngay tới sông Lam: “Hồi thủ Lam Giang phố” (Quay đầu về bến Lam Giang, Thu chí), dạo trên thành sông Nhật Lệ (Quảng Bình), nhà thơ ngoảnh nhìn Hoành Sơn, tưởng tượng quê nội bên kia Đèo Ngang mà cứ thấy xa vời: “Hồi thủ cố hương thu sắc viễn, Hoành Sơn vân thụ chính thương thương” (Ngoảnh đầu nhìn quê nhà, màu thu xa/Chỉ thấy một màu xanh xanh của khói mây cây cối trên dãy Hoành Sơn Giang đầu tản bộ) thường xuyên “Bắc vọng gia hương” mà “thán luân lạc” (Ngóng về phương Bắc mà than về sự luân lạc, trong Tân thư ngẫu hứng). Từ khi làm Cai bạ ở Quảng Bình, Nguyễn Du đã thấy nhớ quê nội rồi, và đã quay đầu về phương Bắc, trông qua dãy Đèo Ngang để vọng cố hương.
Ngược lại, trong thời kỳ đi sứ phương Bắc, (Bắc hành tạp lục) cái nhìn của nhà thơ lại hướng về phương Nam nhiều hơn (nơi quê nội Hồng Lam) để mà thương mà nhớ: “Vạn lý hương tâm hồi thủxứ, Bạch vân Nam hạ bất thăng đa”. (Mai Quốc Liên dịch là: Cố hương muôn dặm quay nhìn lại/Bạt ngàn mây trắng chốn trời Nam - Ngẫu hứng). Điều quan trọng là ở đây hình như hành trình càng dài, càng lâu thì càng xa quê hương, càng xa anh em bè bạn: “Hồng Lĩnh thân bằng nhật tiệm dao” (Lạng thành đạo trung). Cho đến khi gặp những người dân địa phương của “Thượng quốc” (Trung Quốc), thấy họ cười người Nam di: “Hồ tê vi lộ tiếu Nam di (Thương Ngô trúc chi ca V), thì Nguyễn Du mới giật mình thời gian xa nhà đã quá lâu, hồ dễ đã quên đường về. Ông mong sao cho luôn luôn nhìn thấy quê nhà, dù chỉ là trong mộng: “Thập niên dĩ thất hoàn hương lộ, Nã đắc gia hương nhập mộng tần” (Tam Giang khẩu đường dạ bạc). Đến Tam Giang (Quảng Tây) thì cảm thấy như đã quên đường về quê (Thất hoàn hương bộ), nhưng khi đến Hồ Bắc thì dù có “hồi thủ”, “dao vọng” cũng không còn nhận thấy dấu vết gì của quê hương, như đã mất quê: “Dao không thất cố hương” (Tương Giang dạ bạc). Từ đây, quê hương trong tầm ngóng vọng chỉ còn là một chân trời trống không: “Cố hương không nhất nhai” (Đăng Nhạc Dương lâu).
Nỗi nhớ quê của Nguyễn Du không phải chỉ xuất hiện khi ông là “đoạn bồng nhất phiến”, lưu lạc xa quê, mà ngay cả khi ông về với quê mình thì hình ảnh của quê cũ như đã biến mất, chỉ còn lại cái khung cảnh cô liêu, hoang phế. Nguyễn Du nhớ lại thời thơ ấu, trong đó có những kỷ niệm đẹp về một thời phong lưu, hoàng kim của gia đình khi ông còn nhỏ. Đó là thời điểm thân phụ cáo lão về nghỉ, một cảnh tượng thật uy nghi, hoành tráng: “Rồng thần rẽ sóng: thuyền tiên lướt/Hạc núi vờn mây: lọng gấm che” (Tiên chu kích thủy, thần tiên đấu/Bảo cái phù không, thụy hạc phi - Giang Đình hữu cảm). Nhưng giờ đây những thứ ấy đã biến đi như một giấc mộng. Một tổ ấm gia đình lớn nay đã tan tác, những đứa con ông mặt xanh như lá rau, những trận lụt kinh hoàng ở Lam Giang: Bờ sông ầm ầm lở, sóng lớn như quỷ ma, nhà thơ đã muốn đẩy núi Thiên Nhận để lấp đầy hàng trăm dặm sông hung dữ (Nghĩ khu Thiên Nhận sơn, Điền bình ngũ bách lý – Lam Giang).
Tuy vậy, trên hết và trước hết, Hồng Lam trong tâm tưởng Nguyễn Du là một vùng quê thắng cảnh, thiên nhiên hung vĩ, sông núi hữu tình, là nơi du ngoạn thưởng lãm, vui thú của những bậc Bá Di, Thúc Tề muốn xa lánh cuộc đời gió bụi, muốn rũ bỏ áo mũ công danh. Với ý nghĩa đó, Hồng Lĩnh là nơi Nguyễn Du tha thiết nhớ thương và mong muốn trở về. Trở về với nơi cội nguồn phát tích, vứt bỏ mọi danh lợi phù hoa, chấm dứt cái hành trình lưu lạc, “thất cước” mấy chục năm. Bởi vậy, có thể nói, nếu như trong thơ chữ Hán của Nguyễn Du có một giấc mộng, thì đó là giấc mộng lớn Hồng Lam, và giấc mộng đó càng cháy bỏng vì ngày tháng lưu lạc càng dài, tóc càng bạc thêm. Tóc bạc thường đi đôi với giấc “hương quan” nhà: “Hồng Lĩnh cách niên hư túc mộng, Bạch đầu thiên lý tẩu thu phong” (Nhiếp Khẩu đạo trung); Hồng Lĩnh mộng trung hoang xạ liệp/Bạch đầu túc tích biến sơn xuyên (Hàm Đan tức sự), Thiên lý ly gia lữ mộng trì (Đại tác cửu thú tư quy). “Tha hương bạch phát lão bất tử” (Tạp ngâm). “Ngũ canh tàn mộng tục hương quan” (Thủy Liên đạo trung tảo hành). Khi đã xa quê tới tám ngàn dặm, sống làm kẻ “dị hương” nơi “thượng quốc” thì dường như không ai có thể đón xuân: “Du du hương quốc bát thiên lý/…Xuân hà tằng đáo dị hương nhân” (An Huy đạo trung). Biểu tượng hương quốc được Nguyễn Du sử dụng khi ra ngoài lãnh thổ quốc gia, qua khỏi biên ải.
Mặc cảm lưu lạc không phải chỉ có trong thơ chữ Hán, mà thể hiện cả trong Truyện Kiều. Cả hai nhà nghiên cứu Trần Nho Thìn và Trần Đình Sử đều nhất trí cho rằng: “Truyện Kiều của Nguyễn Du là một tiểu thuyết lưu lạc”, “Hoa trôi bèo dạt” là một mẫu gốc được kết đọng trong tâm hồn người phương Đông, bởi lặp đi lặp lại vô vàn trường hợp con người bị bứt khỏi gia đình, quê hương, nguồn cội” (Trần Nho Thìn)13. Nhưng như trên đã nói, thơ chữ Hán được sáng tác gần như trọn đời, mà những bài thơ đầu đời của Nguyễn Du (lúc mới trên dưới ba mươi tuổi) đã nói về nỗi buồn tha hương và cảm giác lưu lạc. Do vậy, có thể nói, số phận lưu lạc của nhân vật Thúy Kiều chính là phản ánh thân phận lưu lạc của chính nhà thơ. Thế là, con người tài hoa như Nguyễn Du đã phải chịu đựng một số phận khá nghiệt ngã. Tài mệnh tương đố do đó không chỉ có trong triết lý Truyện Kiềumà còn biểu hiện cả trong thơ chữ Hán, qua hình ảnh cái tôi trữ tình long đong lận đận bị dứt khỏi cố hương, như một nhánh cỏ bồng bị tây phong thổi gấp, trôi dạt khắp chân trời góc bể.
Nhân vật Thúy Kiều thì có đoạn đoàn viên, sau mười lăm năm lưu lạc, đã có hồi sum họp, tái hợp. Nhưng chủ thể trữ tình trong thơ chữ Hán Nguyễn Du thì không, và không phải 15 năm mà đến ba mươi năm, vẫn chưa có hồi đoàn tụ. Ta vẫn thấy ở cuối cuộc hành trình, một con người đầu bạc, “Đi khắp núi nước Ngô/Qua nhiều non nước Sở, Đã tận cùng núi xanh mà tính theo “kế trình” thì còn phải đi hàng tháng nữa mới đến Yên Kinh: “Ngô sơn hành dĩ biến/Sở sơn lai cánh đa/Đáo đắc thanh sơn tận...Kế trình tại tam nguyệt…” (Hoàng Mai đạo trung). Nghĩa là cuộc đi công cán “Bắc hành” còn chưa đến nơi thì nói gì đến cuộc trở về đoàn tụ. Và rồi sau đó, một cuộc Bắc hành lần thứ hai lại vẫn chờ ông. Nhưng sau đó ông đã về giời mà không kịp “tái Bắc hành”. Một con người tài hoa, thông kim bác cổ về văn, đã khuyên người ta “Nhân sinh vô bách tải…/Hà sự thiên niên kế” (Đời người không tăm tuổi/Tính ngàn năm làm gì - Hành lạc từ I); “Cổ kim hiền ngu nhất khâu thổ/…Khuyến quân ẩm tửu thả vi hoan” (Cổ kim hiền ngu đều hóa đất/Mời anh chén rượu thả hồn vui - Hành lạc từ II). Nhưng rồi bản thân ông không sao vui được. Bởi vì cho đến lúc mất, giấc mộng Hồng Lam vẫn chưa thực hiện được.
Nhưng cũng vì vậy mà tấm lòng của ông đối với quê hương hình như càng sâu nặng lên gấp bội, còn đối với sự thăng trầm của thời cuộc thì thật đáng thương: “Thế sự phù vân chân khả ai”, (Đối tửu).
Chú thích: 1. Nguyễn Du Toàn tập (T. 1, T 2), Mai Quốc Liên và các dịch giả khác, Nhà xuất bản Văn học và Trung tâm nghiên cứu Quốc học, H. 1996. 2. Nguyễn Lộc, Văn học Việt Nam (nửa cuối thế kỷ XVIII – hết thế kỷ XIX), XB GD 2001, 308) 3. Nguyễn Du Toàn tập, Sđd .T1 tr.9 4.http://se.ctu.edu.vn/bmnv/index.php?option=com_content&;view=article&id=168:th-ch-han-nguyn-du-t-coi-h-vo-nhin-li-kip-ngi... 5. Trần Nho Thìn, Văn học Việt Nam thế kỷ X đến thế kỷ XIX, Nxb Giáo dục, H. 2013, tr. 514. 6. Nguyễn Thị Nguyệt, Hội VHNT Hà Tĩnh, Thơ chữ Hán Nguyễn Du - Nhật ký tâm trạng,http://baohatinh.vn/home/truyen-ngan-tho-am-nhac/tho-chu-han-nguyen-du-nhat-ky-tam-trang/ 7. Phạm Quang Ái, Thăng Long và Hà Tĩnh trong thơ chữ Hán của Nguyễn Du 8. Thơ Đường, T.II, Nam Trân tuyển chọn, Trương Chính giới thiệu, Nxb Văn học, in lần thứ 2, H.1987, tr. 46. 9. Thơ Đường, T. II Sđd, tr. 53. 10. Thơ Đường, T. I Nam Trân tuyển chọn, giới thiệu, Nxb Văn học, in lần thứ 2, H.1987, tr. 122. 11. Nguyễn Trãi toàn tập, in lần thứ 2, Nxb KHXH, H.1976, (tr.266 – 346). 12. Nguyễn Du Toàn tập, T1, tr. 223: Tứ (思) hay tư ở đây vừa là tâm, vừa là nghĩ suy (tư lự), vừa là hoài niệm (nhớ). 13. Trần Nho Thìn, Sđd, tr. 525. |