Năm Ất Mùi 2015 sẽ tròn 250 năm năm sinh Đại thi hào dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du. Nhớ về cụ Nguyễn Tiên Điền, không thể không nhớ tới Truyện Kiều bất hủ. |
Kiệt tác Truyện Kiều chứa đựng giá trị nội dung, tư tưởng, nghệ thuật diệu vời đã thấm đẫm trong tâm thức của bao thế hệ con người Việt Nam. Tìm hiểu Truyện Kiều, thậm chí một câu, một chữ đối với những người yêu mến Nguyễn Du và Truyện Kiều thật lý thú biết bao.
Trong bài viết này, tôi xin được trao đổi ý kiến: Tại sao trong phiên tòa đền ơn báo oán, Thúy Kiều lại để lọt tội thằng bán tơ?
Thằng bán tơ là ai? Tội danh hắn gây ra cho gia đình Thúy Kiều là gì?
Trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, thằng bán tơ chỉ xuất hiện một lần qua câu thơ: Phải tên xưng xuất tại thằng bán tơ. Tác giả không giới thiệu tên tuổi, họ hàng thân thích, quê hương bản quán của thằng bán tơ mà chỉ cho biết hắn là một người làm nghề buôn bán tơ - công việc bình thường trong xã hội.
Gã bán tơ bị Nguyễn Du gọi là thằng (đại từ chỉ người, chỉ kẻ dưới có ý coi thường vì tội danh xưng xuất, nghĩa là bị tra tấn mà khai ra; hắn vu oan giá họa cho gia đình Kiều).
Đào Duy Anh trong Từ điển Truyện Kiều (dòng 19 - 27, tr. 387) cho biết: “Theo nguyên truyện (Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân) thì có một tên buôn bán tơ mua đồ mất trộm, bị tra tấn, xưng bậy ra là nó gởi đồ tang vật ở nhà Vương ông, Nguyễn Du tóm tắt câu chuyện vu cáo ấy trong một câu thơ Phải tên xưng xuất tại thằng bán tơ”.
Chỉ có vậy, nhưng thằng bán tơ trở thành nhân vật ấn tượng trong Truyện Kiều. Và hơn thế nữa, nhân vật này đã từ tác phẩm bước ra ngoài đời sống xã hội Việt Nam, hiển hiện qua bao đời. Bởi lẽ xã hội thời nào cũng có thằng bán tơ.
Những người yêu mến Truyện Kiều, thương cảm cho Thúy Kiều - Kim Trọng và gia đình nàng Kiều bao nhiêu thì lại càng oán giận thằng bán tơ bấy nhiêu. Chỉ vì lời tố bậy, khai xằng của hắn đã làm nên cái cớ cho lũ đầu trâu mặt ngựa - cướp ngày xông vào đập phá, cướp vét sạch sành sanh từ đồ tế nhuyễn đến của riêng tây của gia đình Kiều. Cha và em trai Kiều bị trói, bị đánh đập dã man, bị đẩy vào chốn lao tù. Nàng Tố Nga em - Thúy Vân phải làm nghề khâu vá thuê; Tố Nga chị - Thúy Kiều phải bán mình chuộc cha. Để rồi cuộc đời Kiều từ đây phải nếm trải biết bao đau đớn, ê chề hết nạn nọ đến nạn kia.
Rõ ràng thằng bán tơ đã làm lụy đến gia đình Thúy Kiều!
Tại sao trong màn báo oán, Thúy Kiều lại để lọt tội thằng bán tơ?
Tội danh thằng bán tơ gây ra cho gia đình Kiều xét cả về chứng, lý đều đã quá rõ ràng. Có cho quân lính băm vằm hắn làm trăm mảnh máu rơi thịt nát tan tành cũng chưa làm vơi được nỗi đau thương mất mát mà nàng cùng với gia đình phải chịu đựng suốt hàng chục năm trời.
Kiều có chỗ dựa vững chắc là Từ Hải - chồng nàng, cả thế và lực đều rất hùng mạnh: Đại vương; có triều đình riêng gồm hai văn võ rạch đôi sơn hà; có trong tay mười vạn tinh binh… Chỉ vừa nghe Kiều giãi bày chút còn ân oán đôi đường chưa xong, Từ Hải đãbất bình nổi trận đùng đùng sấm vang, nghiêm quân tuyển tướng cấp tốc đạo ra Vô Tích, đạo vào Lâm Tri; tầm nã kẻ có tội, rước mờingười có ơn với Kiều đưa về giữa trung quân, mở phiên tòa đền ơn báo oán. Trên bục cao dành cho quan tòa, Từ sánh với phu nhân cùng ngồi để làm tăng uy quyền cho Kiều trong vai chánh án, toàn quyền báo ân trả oán Từ trao cho: Mặc nàng xử quyết báo đền cho minh.
Thế thì còn có cấn cái gì nữa mà Kiều không cho bắt thằng bán tơ về trị tội? Xin hãy nhìn sâu, kĩ vào bản chất tội danh của thằng bán tơ.
Thằng bán tơ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du vốn không có thù oán gì với gia đình Vương ông. Động cơ nào xô đẩy hắn gắp lửa bỏ bàn tay đổ vấy tội cho gia đình họ Vương?
Thằng bán tơ phạm tội mua đồ ăn trộm có thể chỉ là do vô tình, thấy có người bán thì mua. Nhưng nếu hắn biết là đồ ăn trộm mà thấy hời vẫn mua, mắc tội chứa chấp, tiêu thụ hàng do ăn cắp mà có thì nhà chức trách phải truy nguyên để tóm cổ bọn ăn cắp đem trị tội chứ sao lại tra tấn, ép hắn xưng bậy cho một gia đình lương thiện?
Vấn đề nằm ở chỗ gia đình Vương ông là một gia đình thường thường bậc trung. Một gia đình không thuộc tầng lớp giàu sang, quyền thế trong xã hội. Nhưng cũng chẳng thuộc tầng lớp dưới đáy khố rách áo ôm. Đổ tội cho gia đình giàu có, quyền thế, đừng nói thằng bán tơ mà ngay cả những kẻ có máu mặt cũng quá hiểu là không thể. Vuốt râu hùm có khi còn dám chứ đụng đến giai cấp thống trị phong kiến thời nhũng loạn coi như đi vào cửa tử. Còn trút tội cho một gia đình cùng đinh thì dễ nhưng sẽ kiếm được gì khi họ chỉ là những kẻ trọc đầu? Vậy nên nhắm vào “con mồi” - gia đình Vương ông là một tính toán khôn ngoan cho kẻ cầm quyền muốn vét cho đầy túi tham!
Không cần bằng chứng cũng chẳng cần điều tra truy xét. Chỉ cần cái cớ lời khai bậy của thằng bán tơ là chúng ào ào như sôi xông vào đục nước béo cò hôi của, hãm hại người. Thằng báo tơ chỉ là con tốt được đấm trong cuộc cờ của kẻ cầm quyền tham ác. Mà tham ác mấy khi có điểm dừng! Những đồ tế nhuyễn của riêng tây dù đã sạch sành sanh vét cũng đâu lấp đầy lòng tham không đáy của chúng.
Trong Từ điển Truyện Kiều, Đào Duy Anh có cho biết ông được trực tiếp nghe ông Nguyễn Đình Ngân (Giám đốc Thư viện Bảo Đại ở Huế) nói: “Trước cách mệnh, ông có được thấy một bản Kiều Nôm chép tay tự trong nội các đưa ra”. Theo ông Ngân: “Đó là bản thảo chính của Nguyễn Du trong ấy thấy chữ sai là chữ son đè lên chữ mực là quan và cho rằng: “Nguyễn Du vốn viết quan nhamà vua Tự Đức sửa làm sai nha” (dòng 10 - 24, Tr. 338). Nếu quả đúng như vậy thì lũ đầu trâu mặt ngựa, ruồi xanh giữa thanh thiên bạch nhật xông vào đập phá, cướp bóc nhà Vương ông không chỉ có bọn lệ thuộc ở nha môn để sai phái tức là sai nha mà cả lũ quan nha cũng trực tiếp ra tay hành động! “Cướp ngày là quan”, dân tố không có sai!
Chưa thỏa mãn, cái đích của các ông lớn cướp ngày nhắm tới còn phải sộp hơn nhiều: Ba trăm lạng vàng chạy “tội” của nhà Vương ông kia!
Ông lại già họ Chung giàu lòng thương người từng phục dịch ở cửa quan tỏ tường bản chất hà hiếp dân lành, ăn đút ăn lót của lũ tham quan đã mách đường cho gia đình Vương ông: Tính bài lót đó luồn đây/ Có ba trăm lạng việc này mới xuôi.
Biết bị khép tội oan ức song muốn được quan trên tha thì phải cống đủ ba trăm lạng vàng. Cống cửa nào, cho ai, Nguyễn Du không để ông họ Chung nói toạc ra. Nhưng qua hai đại từ chỉ trỏ đó, đây trong cụm từ lót đó luồn đây, chúng ta có thể khẳng định: Số vàng lớn ấy đi qua nhiều cửa, đến tay nhiều người. Đối tượng nhận hối lộ không thể là ai khác, các quan trên có quyền hành khép tội bắt người và có quyền cởi trói!?
Chánh án Thúy Kiều phải phớt lờ tội của thằng bán tơ bởi tên này là một cái dây trong rừng rậm. Mà rút dây sợ động rừng! Trị tội thằng bán tơ, kẻ mua hàng ăn cắp, lẽ nào không trị tội kẻ cắp? Trị tội thằng bán tơ đổ vậy tội cho người ngay, lẽ nào không trị tội bọn tra tấn, bức cung? Lẽ nào không trị tội bọn sai nha xông vào nhà lương dân cướp phá, đánh bắt người, đẩy họ vào vòng tù tội, oan sai? Lẽ nào không trị tội kẻ chóp bu xử kiện không cần lẽ đúng sai chỉ chú mục ăn chặn cả ba trăm lạng vàng nhà họ Vương, đẩy Kiều vào những chốn bùn nhơ tăm tối?
Ngay cả Hoạn bà, kẻ đồng lõa với con gái, cho đầy tớ bắt cóc Kiều, đốt nhà, đánh thuốc mê, xích chân đưa về nhà nổi trận mây mưa, diếc móc Kiều bằng bao lời cay nghiệt: giống bơ thờ, chẳng phải thiện nhân, phường trốn chúa, quân lộn chồng, mèo mả gà đồng; cho đánh đập Kiều dã man: Trúc côn ra sức đập vào/ Thịt nào chẳng nát gan nào chẳng kinh; đánh cắp cả tên thường gọi, đổi thành Hoa nô; đổi phận nàng từ vợ chàng Thúc thành con ở… Kiều cũng đâu dám đụng đến, phải chăng vì Hoạn bà là vợ quan Lại bộ danh gia Thiên quan trũng tể có bài treo trên?
Đừng quên trên Kiều, trên cả Từ Hải là kiến trúc sư trưởng - tổng đạo diễn của phiên tòa đền ơn báo oán, tác giả Nguyễn Du. Tác giả là cha đẻ của nhân vật trong truyện, là “con mắt, lỗ tai của một giai cấp” (Lỗ Tấn). Nhân vật suy nghĩ, phát ngôn, hành động gì đều bộc lộ thế giới quan của nhà văn và hơi thở của thời đại.
Thời đại, xã hội được nói đến trong Truyện Kiều không phải là thời đại, xã hội thời Gia Tĩnh Triều Minh (1522-1566) của Trung Quốc mặc dù Nguyễn Du dựa vào “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân để sáng tác, sáng tạo nên kiệt tác Truyện Kiều. Ông đã đưa hơi thở của thời đại, hồn cốt của xã hội phong kiến Việt Nam, số phận con người, đặc biệt là người tài hoa trong xã hội thời ông sống vào Truyện Kiều. Vì thế, đọc Truyện Kiều người Việt Nam mãi thương Kiều, mãi thương dân tộc bởi văn Kiều từng thấm giọt máu rơi. Có riêng Nguyễn Du đâu đã bao đời bao kiếp, khóc cô Kiều thương dân tộc điêu linh!
Dân tộc điêu linh, chế độ phong kiến suy đồi, xã hội chất chứa mâu thuẫn. Mâu thuẫn ấy nằm trong giằng xé nội tâm Nguyễn Du. Một mặt ông chán ghét xã hội đầy bất công nhũng nhiễu, đồng tiền tác oai, tác quái, con người, cả những người tài sắc, hiếu hạnh - biểu hiện của văn minh, văn hóa cũng bị rẻ rúng, chà đạp, bị biến thành hàng hóa. Mặt khác, ông lại là một người được sinh ra từ cửa Khổng sân Trình, từ một gia đình quý tộc phong kiến, cha và anh đều làm quan đến chức tể tướng, hưởng ân huệ bổng lộc của triều đình. Mâu thuẫn này đã làm nên luẩn quẩn, bế tắc trong thế giới quan Nguyễn Du. Nhà thi sĩ thừa biết cái xã hội của ông - xã hội phong kiến đã quá mục ruỗng, xấu xa nhưng một xã hội mới chưa hoài thai. Khác với nước ta, ở phương Tây, chủ nghĩa tư bản đã hình thành trong lòng xã hội phong kiến nên họ mới có cả một phong trào văn hóa Phục hưng? Câu hỏi “Tồn tại hay không tồn tại” của nhân vật Hamlet của Sếchxpia đã tha thiết, day dứt vang lên từ thế kỉ XVI.
Còn Nguyễn Du, ông chưa dám đốn tận gốc cái xã hội phong kiến mục ruỗng đó mặc dù ông để cho Từ Hải dọc ngang nào biết trên đầu có ai. Và lại để chính Từ Hải, thiết lập một triều đình mới mang mô hình xã hội phong kiến gồm hai văn võ rạch đôi sơn hà. Phải chăng ông là con đẻ của xã hội phong kiến mà trong đêm trường đó Nguyễn Du chưa đủ một tầm nhìn chính trị mới mẻ, chưa đủ bản lĩnh để làm một cuộc cách tân xã hội? Và phải chăng cũng vì thế mà vụ án của Thúy Kiều để lọt tội những kẻ đáng trị tội trong đó có cả thằng bán tơ?
Kính thưa anh linh cụ Nguyễn Du, ngay ở những năm đầu thế kỉ XXI này, nhà nước pháp quyền của chúng ta vẫn còn có những vụ án oan sai như vụ án Nguyễn Thanh Chấn với tội danh giết người, phải lãnh án tù chung thân, để suốt mười năm trời, biết bao đơn từ kêu oan, người lương dân mới được minh oan, trả lại tự do và nhân phẩm!
So với vụ án Nguyễn Thanh Chấn, trên hai thế kỉ trước, Thúy Kiều có quên đền ơn Mã Kiều, hoặc giả lờ tội Hoạn bà, cắt ngọn oan khiên của gia đình mình từ sự kiện thằng bán tơ xưng xuất để không lôi ra vành móng ngựa bọn bức cung, bọn sai nha, quan nha, lũđầu trâu mặt ngựa, bọn quan xử kiện chỉ chăm chăm đến ba trăm lạng âu cũng là chuyện có thể chấp nhận.
Biết đâu đó là dụng ý của người nghệ sĩ Nguyễn Du? Cụ giả lờ để Thúy Kiều không đền ơn Mã Kiều, giả lờ không bắt thằng bán tơ, để giả lờ quên tội vợ quan lớn có Thiên quan trủng tể để không truy nguyên tận gốc kẻ đại diện cho cha mẹ dân xử vụ Vương ông?
Từ phiên tòa đền ơn báo oán, cụ Nguyễn Du đã để lại cho những thế hệ sau bài học lớn rằng: “Sự trường tồn, sức sống của dân tộc đòi hỏi một cái nhìn văn hóa xa hơn, cao hơn, cái nhìn ruột thịt yêu thương của con người, của con người Việt Nam tha thứ cho nhau” (Cao Huy Thuần - Khi tựa gối khi cúi đầu - Dòng 7, 8, 9. Tr. 70). Có thể khẳng định, Nguyễn Du đã đưa vào Truyện Kiều một phiên tòa mà ở đó Thúy Kiều đại diện cho tài sắc, hiếu hạnh, nhân ái - biểu hiện của văn hóa, văn minh xứng đáng được đền ơn báo oán giữa thanh thiên bạch nhật là khát vọng công lí mà nhân dân ta từ xưa đến nay vẫn cháy bỏng mong ước.
Tâm sự đầy trắc ẩn: Phận rầu dầu vậy cũng rầu/ Những điều trông thấy mà đau đớn lòng - phận buồn rầu rĩ trước những điều mắt thấy tai nghe giữa xã hội đầy bất công ngang trái, dẫu như vậy cũng đành phải phó mặc ấy đâu chỉ là nỗi riêng của nàng Kiều. Đó cũng chính là ngổn ngang trăm mối bên lòng của thi nhân Nguyễn Du và của cả dân tộc một thời đắng cay tủi cực.
Phiên tòa trả ân báo oán dẫu chưa trọn vẹn: trả ân quên Mã Kiều; báo oán để sót tội thằng bán tơ, lũ đầu trâu mặt ngựa, lũ quan trên khép tội bừa để ăn đút ăn lót…, nhưng chút tì vết trong viên ngọc lớn Truyện Kiều không làm giảm đi vẻ sáng lấp lánh. Và, thi sĩ thiên tài Nguyễn Du vẫn mãi bất tử bởi: “Con mắt nhìn thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả ngàn đời” (Mộng Liên Đường).
Tài liệu tham khảo: 1. Đào Duy Anh, Từ điển Truyện Kiều, Nxb. Khoa học Xã hội, 1974. 2. Cao Huy Thuần, Khi tựa gối khi cúi đầu, Nxb. Văn học, 2011.
|