Việc trao quyền kinh doanh, khai thác Di sản cho các doanh nghiệp, tập đoàn trên thế giới hiện nay không hiếm, tuy nhiên hình thức này ở Việt Nam cho đến nay chưa có tiền lệ.
 

 

Những vị khách du lịch này chắc sẽ không quan trọng việc nhà nước quản lý thu phí Di sản hay tư nhân thực hiện công tác này. Điều mà khách du lịch quan tâm là một môi trường du lịch tốt, có chất lượng

 

Góc nhìn từ thế giới

Khác với Việt Nam, các quốc gia trên thế giới kể cả các quốc gia ở Châu Á từ lâu đã cho phép sự tham gia của các doanh nghiệp, công ty, tập đoàn…vào việc thu phí, quản lý hay nói cách khách là kinh doanh các dịch vụ tại Di sản. Ở Việt Nam vấn đề này vẫn còn là điều mới mẻ, thậm chí ngay khi có thông tin UBND tỉnh Quảng Ninh có ý định sẽ giao quyền thu phí, khai thác Di sản Thiên nhiên Thế giới Vịnh Hạ Long cho doanh nghiệp đã lập tức dấy lên một làn sóng lo ngại từ các nhà quản lý, các cơ quan báo chí, cũng như người dân.


Thực chất việc trao quyền kinh doanh khai thác này là tốt hay xấu còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố: cách lựa chọn doanh nghiệp để trao quyền; Doanh nghiệp được khai thác kinh doanh sẽ tổ chức hoạt động như thế nào; Khâu giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước với doanh nghiệp ra sao?...Trong phạm vi bài viết này không đi sâu vào những vấn đề chi tiết  đó mà chỉ nêu lên thực thế việc trao quyền kinh doanh, khai thác Di sản cho các doanh nghiệp đối với một số di sản trên thế giới.


Đầu tiên kể đến là một di sản nổi tiếng thế giới không có ai không biết đến, thậm chí di sản này còn nằm trong danh sách Những kỳ quan thế giới mới đó chính là Tháp Eiffel tại Pháp.


Di sản văn hóa thế giới Tháp Eiffel do hai công ty Mark Inch và Robert Waterland cùng nắm quyền kinh doanh khai thác từ 10 năm trước. Năm 2013, một tỉ phú gốc Việt đã đứng ra mua cổ phiếu của công ty Eiffel ( công ty Eiffel là tổ chức quản lý, khai thác kinh doanh tháp Eiffel. Hai công ty Mark Inch và Robert Waterland nắm số cổ phiếu chính của công ty Eiffel) nhằm toàn quyền kinh doanh, khai thác di sản này.

 

Tờ báo kinh tế danh tiếng của Pháp – Le Monde ngày 27/6/2014 đã đăng bài viết về việc một tỉ phú gốc Việt có tên Chúc Hoàng muốn mua lại công ty Eiffel với tựa đề “Chuc Hoang, nhà triệu phú của tháp Eiffel”. Bài báo đã viết rất chi tiết về quá trình kinh doanh của ông Chúc Hoàng cũng như việc ông muốn mở rộng mô hình kinh doanh của công ty khi quyết định mua lại công ty Eiffel. Mặc dù gặp khá nhiều trở ngại bởi một công ty lớn khác đó là Công ty Bảo hiểm xây dựng và công trình công cộng (SMABTP) cũng nhảy vào cuộc đua mua lại công ty Eiffel. Công ty SMABTP đã đưa ra giá rất cao 344 triệu euro nhằm ép ông Chúc Hoàng từ bỏ việc mua công ty này tuy nhiên ông Hoàng đã không bỏ cuộc và tiếp tục đưa ra giá cao hơn. Cho đến nay, quyền khai thác, kinh doanh tháp Eiffel sẽ được trao lại cho công ty nào vẫn chưa ngã ngũ nhưng theo dự báo của nhiều chuyên gia kinh tế thì khả năng chiến thắng của ông Chúc Hoàng rất cao. Quay trở lại vấn đề chính của bài viết, việc trao quyền kinh doanh khai thác di sản không chỉ diễn ra tại Châu Âu mà ngay tại Châu Á hình thức này cũng khá phổ biến. Cụ thể hơn là một quốc gia láng giềng rất gần Việt Nam đó là Campuchia cũng đang áp dụng cách thức này nhằm mang lại những hiệu quả lớn hơn trong công tác quản lý cũng như những dịch vụ tốt hơn cho khách du lịch.

 

Thật tình cờ, việc quản lý khai thác tại Di sản văn hóa thế giới -  Quần thể Đền đài Angkor Wat của Campuchia cũng được giao cho một tỉ phú gốc Việt. Từ nhiều năm nay, việc kinh doanh khai thác tại Angkor Wat được Chính phủ Campuchia giao cho Tập đoàn Sokimex Invesment Co. Chủ tịch tập đoàn Sokimex Invesment Co là ông Sokong vốn là một người gốc Việt, quê tại Đồng Tháp. Trước đây tập đoàn Sokimex Invesment Co kinh doanh xăng dầu sau đó mở rộng thêm lĩnh vực du lịch và đã tham gia dự thầu việc kinh doanh, khai thác khu Di sản Angkor Wat từ nhiều năm.

 

Với giá vé thăm quan 20 USD cho 1 ngày, mỗi năm việc chỉ tính riêng tiền bán vé, Di sản này đã mang về hàng chục triệu USD cho tập đoàn Sokimex Invesment Co. Theo số liệu báo cáo năm 2013 số tiền bán vé thăm quan đã đạt trên 1 tỉ USD, một con số khiến các nhà quản lý phải kinh ngạc. Điều hay là, nhà tỉ phú gốc Việt rất mềm dẻo trong các thức quản lý và tổ chức khai thác kinh doanh di sản. Ví như, cụm đền Angkor chỉ bán vé khách nước ngoài, miễn phí khách trong nước. Đây là một phương pháp hay để khuyển khích chính những người dân thêm hiểu về di sản để từ đó có ý thức giữ gìn, trân trọng hơn các di sản của họ. Ngoài ra việc đầu tư hạ tầng, đường xá thuận tiện nhưng không làm ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường tại Di sản Angkor Wat này cũng là một trong những nguyên nhân khiến du khách vô cùng hài lòng.

 

Thu phi, khai thác du lịch tại các Di sản ở Việt Nam


Mới đây, Tập đoàn Bitexco thuộc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn kinh doanh xuất nhập khẩu Bình Minh đề xuất với Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh về việc nhượng quyền thu phí và quản lý Vịnh Hạ Long với thời hạn lên tới 50 năm. Thông tin này ngay khi được đưa ra đã khiến dư luận hết sức quan tâm bởi đây là vấn đề trước nay chưa từng xảy ra. Giải thích lý do vì sao tỉnh Quảng Ninh lại có ý định mời gọi các doanh nghiệp tham gia trong việc chuyển đổi mô hình quản lý Vịnh Hạ Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh – Nguyễn Văn Đọc cho biết: Từ 1995 đến nay, việc quản lý Vịnh Hạ Long được giao cho Ban Quản lý Vịnh Hạ Long. Ban này đang thực hiện đồng thời hai chức năng: quản lý Nhà nước về di sản, bảo tồn, phát huy giá trị di sản Vịnh Hạ Long và chức năng tổ chức, quản lý các hoạt động dịch vụ, khai thác, thu phí Vịnh Hạ Long. Mặc dù đã cố gắng hoàn thành tốt những nhiệm vụ được giao nhưng  do công tác quản lý Nhà nước, bảo tồn di sản ngày càng đòi hỏi đáp ứng yêu cầu cao hơn. Đặc biệt trong những năm gần đây, Vịnh Hạ Long phải thực hiện các khuyến nghị của UNESCO tại các kỳ họp 33, 35, 37, 38. Để đảm bảo việc thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước đối với Di sản, tỉnh Quảng Ninh mới có chủ trương tách chức năng, nhiệm vụ dịch vụ, khai thác, thu phí Vịnh Hạ Long ra khỏi Ban Quản lý Vịnh Hạ Long.

 

Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh cũng cho biết thêm: Đối với các chức năng, quản trị dịch vụ, khai thác, thu phí, tỉnh chủ trương xã hội hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng thu từ phí hoạt động các dịch vụ Vịnh Hạ Long; giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Với việc tách bạch hai chức năng này, tỉnh Quảng Ninh hy vọng sẽ đồng thời nâng cao hiệu quả về quản lý Nhà nước đối với di sản, kỳ quan thiên nhiên thế giới, vừa nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch Vịnh Hạ Long lên tầm quốc tế. Vì thế, tỉnh Quảng Ninh đã mời các cơ quan, đơn vị tham gia để quản trị công tác khai thác, dịch vụ, thu phí Vịnh Hạ Long tốt hơn, hiệu quả hơn. Sau một thời gian mời gọi, đến nay Bitexco là đơn vị đầu tiên có đề xuất phương án với Ủy ban Nhân dân tỉnh.

 

Trong cuộc họp ngày 22 tháng 7, Tập đoàn Bitexco trình bày ý tưởng ban đầu trên cơ sở chủ động nghiên cứu báo cáo đề xuất và đã khẳng định rõ quan điểm, định hướng, chủ trương trong việc xã hội hóa dịch vụ, khai thác, thu phí Vịnh Hạ Long.

 

Về phía cơ quan quản lý Nhà nước khi được hỏi về vấn đề này, Ông Phan Đình Tân – Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn của Bộ VHTTDL nói: Hiện trên thế giới không hiếm các mô hình di sản được quản lý bởi các công ty, tập đoàn. Có mô hình thành công nhưng cũng không hiếm mô hình quản lý thất bại. Muốn thành công phải để mắt thường xuyên, phải thắt chặt quản lý, không thể khoán trắng và cũng không phải cái gì cũng áp công thức xã hội hóa. Đặc biệt, trong trường hợp này vịnh Hạ Long không phải là một món hàng trao đổi, có làm bất cứ việc gì cũng phải cần đặc biệt thận trọng và cân nhắc, di sản không phải là món hàng, không phải nhiều tiền là có thể làm được mọi việc. Chỉ nên thử nghiệm trong một vài khâu nào đó. Không thể một lần khoán trắng.  


Còn nhiều ý kiến khác từ các nhà quản lý du lịch, các nhà nghiên, các công ty du lịch nhưng như đã nói ở trên trong phạm vi bài viết này xin không được đề cập đến việc nên hay không nên giao quyền kinh doanh khai thác di sản cho doanh nghiệp cũng như đi sâu vào bàn về vấn đề đó.


Thực tế, dù là nhà nước hay tư nhân, là tập đoàn lớn hay các doanh nghiệp quản lý…cũng đều được. Điều quan trọng là đơn vị nào, tổ chức nào sẽ đảm bảo việc khai thác hiệu quả di sản, mang lại cho khách thăm quan một môi trường thăm quan du lịch sạch, chất lượng nhất và vẫn đảm bảo việc tuân thủ đúng quy định của Nhà nước, của Pháp luật cũng như những khuyến nghị của Unesco, đó mới là vấn đề cần quan tâm hiện nay.