Theo đại diện lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, tuy khó khăn về nhiều mặt, đặc biệt là cơ chế tài chính, nhưng có một số hiện vật cổ thuộc các triều đại phong kiến nước ta, nhất là thời Nguyễn sau thời gian dài bị thất lạc đã được đưa trở về Việt Nam

 

Chiếc xe kéo của Hoàng thái hậu Từ Minh (ảnh: Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế)

 

Mới đây với trường hợp chiếc long sàng của vua Thành Thái và chiếc xe kéo của Hoàng thái hậu Từ Minh (mẹ của vua Thành Thái) lần đầu tiên chúng ta mua lại được và sắp tới sẽ đưa về Huế để trưng bày, lưu giữ 2 cổ vật trên vừa được mua lại trong một cuộc bán đấu giá tại Bảo tàng Guimet (Cộng hòa Pháp). Trong đó, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp được sự ủy nhiệm của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tham gia đấu giá thành công chiếc xe kéo của Hoàng thái hậu Từ Minh; còn chiếc long sàng của vua Thanh Thái thì do một người cháu họ của vua Thành Thái mua lại với mong muốn đưa về lại Huế cũng đã thành công tại cuộc bán đấu giá này.

Ngay sau khi có thông tin về 2 cổ vật trên sẽ được đưa về lại Việt Nam trong thời gian tới, nhiều nhà nghiên cứu cũng đã lên tiếng ủng hộ và công bố giá trị của 2 cổ vật này. Theo Hội sử học và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, 2 cổ vật này có giá trị cả về mỹ thuật, kỹ thuật và văn hóa lịch sử. Trong đó, chiếc long sàng của vua Thành Thái cao 191 cm, dài 212 cm, rộng 140 cm, làm bằng gỗ. Các hoa văn ở các vị trí thành giường, chân giường, khung giường được chạm trổ theo mô-tip cung đình Huế. Đây là một cổ vật thuộc thời Nguyễn, có xuất xứ từ tầng lớp hoàng tộc, với niên đại trên 100 năm (đầu thế kỷ XX).

 

Chiếc long sàng của vua Thành Thái (ảnh: Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế)

 

Còn với chiếc xe kéo của Hoàng thái hậu Từ Minh có chiều cao 136 cm, dài 230 cm, rộng 102 cm, làm chủ yếu bằng kim loại và gỗ. Phần gỗ được thực hiện bằng kỹ thuật sơn mài, khảm xà cừ, một loại hình phổ biến ở các vật dụng bằng gỗ ở hoàng cung xưa. Đặc biệt, các loại hoa văn chạm khảm xà cừ cho thấy đây là các hoa văn thuần Việt và phổ biến dưới thời Nguyễn. Chiếc ghế trên xe kéo được bọc nỉ với phong cách kiểu dáng Luis (như nhiều ghế khác cùng thời, thường gọi là phong cách Tân cổ điển, hiện còn ở hoàng cung Huế). Trong hồ sơ đấu giá cổ vật này, Bảo tàng Guimet xác nhận, đây là chiếc xe kéo do vua Thành Thái tặng cho mẹ mình là bà Từ Minh hoàng thái hậu để dạo chơi trong vườn ngự uyển.