Mở đầu Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi khẳng định “như nước Đại Việt ta thực là một nước văn hiến” tức là Đại Việt là một nước có học hành, có tri thức, có văn hóa và có nhiều bậc hiền tài. Văn là sách vở, hiến là người hiền. Muốn có văn hiến thì luôn phải gắn với sách vở, và người hiền tài được đào tạo qua nhà trường, dẫu đọc “thiên như vạn quyển” đều phải xuất chính, đưa cái tài học ra để giúp ích cho đời thì mới bộc lộ được văn hiến. Như Nguyễn Trãi khẳng định nước Đại Việt văn hiến, nhưng để có được một Đại Việt văn hiến thì trong nước Đại Việt phải có nhiều dòng họ Văn  hiến. Dòng họ Hà (Đông Tỉnh - Tỉnh Thạch) ở Nghệ An xưa (tức Nghệ An, Hà Tĩnh ngày nay) là một trong những dòng họ văn hiến ấy.

 

Tiêu biểu cho dòng họ Hà văn hiến có nhiều nhân vật lịch sử, nhân vật văn hóa. Trước hết phải kể đến Hoàng giáp Hà Công Trình mà ở ông tập trung đầy đủ phẩm chất đạo đức, phẩm chất trí tuệ đạt đến đỉnh cao văn hiến.

 

Con người là tổng hòa các quan hệ xã hội nên trước khi bình luận tôn vinh Hà Công Trình không thể không xét đến hai yếu tố cơ bản góp phần tạo nên thành công rực rỡ của Hoàng giáp Hà Công Trình, đó là hoàn cảnh xã hội, bối cảnh lịch sử mà Hà Công Trình sống, học hành, thi cử, xuất chính giúp vua, giúp đời; đó là truyền thống dòng họ Hà Tỉnh Thạch (nay là xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh). Cố nhiên có hoàn cảnh khách quan thuận lợi mà bản thân không cố gắng thì cũng không thể thành công.

 

Vậy Hà Công Trình sống, học hành, thi cử và gánh vác việc nước trong một hoàn cảnh xã hội, bối cảnh lịch sử như thế nào? Hà Công Trình (1434-1511) sinh ra và lớn lên làm việc giúp nước hầu như trọn giai đoạn lịch sử thời Lê sơ từ sau khi Lê Thái tổ mất (1434). Đây là giai đoạn lịch sử cực thịnh, hoàng kim, của chế độ phong kiến, đặc biệt là dưới thời Lê Thánh tông (1460-1497). Nếu vua Lê Thái tổ (1427-1433) là vị vua anh hùng của sự nghiệp võ công thì cháu nội của Ngài là vua Lê Thánh tông (tức Hoàng tử Tư Thành) lại là vị vua anh hùng của sự nghiệp văn trị.

 

Dưới triều đại Lê Thánh tông, đất nước cường thịnh về tất cả mọi mặt, đặc biệt văn hóa, giáo dục rất phát triển. Hơn ai hết, vua Lê Thánh Tông ý thức rất rõ nguyên lý, chân lý “hiền tài là nguyên khí quốc gia” là nguyên nhân, là yếu tố cực kỳ quan trọng để làm cho quốc thái, dân an. Muốn có hiền tài, muốn đạt đến đỉnh cao trí tuệ, của văn hiến thì phải đào tạo qua nhà trường, phải thật sự đề cao việc học bởi “trường học là lò đúc nhân tài”, phải đề cao khoa cử để chọn lựa được người thực học, thực tài.

 

Bởi vậy ngày rằm tháng Tám năm Hồng Đức thứ 15 (1484) nhà vua sai dựng bia khoa Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo thứ 3 (1442) khắc tên vào bia đá Văn miếu Quốc Tử giám Thăng Long (Hà Nội) những người đỗ thi Hội và thi Đình dưới đời vua Lê Thái tông (1434-1442) để vinh danh khoa cử, đề cao học hành. Người viết bài văn bia này có câu nổi tiếng “hiền tài là nguyên khí quốc gia” là Thân Nhân Trung. Vua Lê Thánh tông rất tâm đắc với bài văn này.

 

Để kén chọn hiền tài, để đạt đến văn hiến thật sự, các khoa thi Hương, thi Hội, thi Đình được mở đều đặn và qua đó, triều Lê Thánh tông đã kén chọn được những người thực học, thực tài. Trong 37 năm ở ngôi, nhà vua đã mở 10 khoa thi Hội và thi Đình từ khoa Quý Mùi, Quang Thuận thứ 4 (1463) đến khoa Bính Thìn, Hồng Đức thứ 27 (1496) lấy đỗ hàng trăm tiến sĩ. Riêng vùng đất Hà Tĩnh ngày nay đã lấy đỗ 25 vị đại  khoa, trong đó có cả Bảng nhãn, Hoàng giáp và Tam giáp đồng Tiến sĩ. Cần phải nói rõ, đây là một tỷ lệ lớn so với tổng số đại khoa của Hà Tĩnh trong hơn 6 thế kỷ tham gia khoa cử Hán học. Trong 6 thế kỷ ấy Hà Tĩnh có 148 vị đỗ đại khoa (kể cả Phó bảng) thì số người thi đỗ của địa phương này dưới thời Lê Thánh tông đã có 25 vị chiếm tỷ lệ 17% tổng số đại khoa của tỉnh. Quả là một tỷ lệ lớn.

 

Những điều trên chứng tỏ, triều đại Lê Thánh Tông không chỉ cường thịnh về mọi mặt, mà còn là thời hoàng kim của sự nghiệp học hành, khoa cử. Bối cảnh lịch sử này đã ảnh hưởng rất lớn đến sự rèn luyện, tu dưỡng nhân cách, bản lĩnh, trí tuệ của Hà Công Trình trong việc học hành để vươn tới đỉnh cao tri thức, vươn tới văn hiến.

 

Điều kiện và yếu tố cơ bản thứ hai rất quan trọng đến với Hà Công Trình giúp ông vượt qua tất cả, không phù phiếm mà tìm tới cái thực học để quyết tâm giành được tên tuổi nơi “bảng vàng bia đá”.

 

Như mọi người đều biết Hà Công Trình xuất thân trong một gia đình thế phiệt, một Cự tộc từ thời Trần. Ông là hậu tuệ  thứ 4 của dòng họ Hà Tỉnh Thạch. Cụ nội, ông nội và bố của Hà Công Trình đều là những nhân vật có tiếng tăm từ thời Trần đến đầu đời Lê sơ.

 

Đó là Hà Mại, người khai sinh ra dòng họ Hà Tỉnh Thạch được triều Trần phong Phụ quốc Thượng tướng quân, Thượng Vị hầu, Trấn thủ xứ Nghệ An…

 

Đó là Hà Tông Chính (tức Hà Dư) ông nội của Hà Công Trình. Hà Tông Chính là con trai của Hà Mại được phong là Hoàng Bảng Đại tướng quân. Xuất thân trong một gia đình quý tộc, yêu nước, Hà Tông Chính theo vua Hậu Trần là Giản Định đế (Trần Ngỗi) kháng chiến chống Minh. Ông cùng con trai là Hà Sản tham gia đánh trận Bô Cô. Sau đó ông còn tiếp tục kiên cường chiến đấu với quân Minh. Ông hy sinh tháng Tư năm Quý Tị (1413) nêu cao nghĩa khí cao cả, tiết tháo của một dòng họ thế phiệt, văn hiến trên đất Nghệ An.

 

Đó là Hà Nho, thân phụ của Hà Công Trình phải mai danh ẩn tích, ở nhà cày ruộng vì thời thế bất lợi, nước mất nhà tan không thể thi thố tài năng giúp đời được, nhưng vẫn nuôi chí lớn chăm chú rèn luyện cho con ăn học chu đáo, đặc biệt là Hà Công Trình, mong ở con một tài năng xuất chúng có thể làm nên sự nghiệp an dân hộ quốc sau này.

 

Như vậy truyền thống danh gia vọng tộc họ Hà đã có tác động rất quan trọng để giúp Hà Công Trình phát huy nối tiếp phấn đấu trong chốn khoa trường trở nên bậc hiền tài thời Lê sơ, thế kỷ XV.

 

Yếu tố thứ 3 cũng rất quan trọng là sự nỗ lực của bản thân Hà Công Trình với ý chí và quyết tâm sắt đá quyết giành cho được đỉnh cao vinh quang ở chốn khoa trường.

 

Đúng là “nhân nào quả ấy”. Khoa thi Hội và thi Đình năm Bính Tuất, niên hiệu Quang Thuận thứ 7 (1466), Hà Công Trình đã chiếm bảng vàng, không phụ lòng mong mỏi của dòng họ Hà thế phiệt và văn hiến, không phụ lòng mong mỏi của phụ thân là Hà Nho. Trước hết phải nói Hà Công Trình là một vị chân Nho, một bậc khoa bảng tài cao học rộng.

 

Khoa thi Hội năm Bính Tuất (1466) lấy đỗ 27 người, tiếp đến thi Đình để xếp hạng trong số 27 vị Tiến sĩ ấy chọn ra được 8 vị Hoàng giáp (Đệ nhị giáp Tiến sĩ) và 19 vị Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ. Trong số 8 vị Hoàng giáp ấy, Hà Công Trình được xếp thứ 4 chen chân, đua tài được cả với sĩ tử, hiền tài Thăng Long, sĩ tử Kinh Bắc vốn nổi tiếng là truyền thống hiếu học, nổi tiếng có nhiều bậc tài cao học rộng. Thật là một vinh dự lớn cho cả dòng họ, cả làng xóm quê hương và cả đất học Nghệ An. Tên tuổi ông được ghi vào bảng vàng, được khắc vào bia đá đặt tại Văn miếu Quốc Tử giám Hà Nội (Bia dựng ngày Rằm tháng Tám năm Hồng Đức thứ 15-1484). Rạng rỡ vẻ vang “bảng vàng bia đá” nghìn thu, chỉ riêng điều đó đủ chứng tỏ Hà Công Trình là bậc tài cao học rộng, đạt đến đỉnh cao của trí tuệ, xứng đáng là dòng dõi một dòng họ văn hiến, một dòng họ quyền quý cao sang và giàu lòng yêu nước.

 

Song điều quan trọng, điều đáng ca ngợi hơn cả là cách hành xử “xuất chính” của Hà Công Trình để đưa tài học ra thi thố giúp vua, giúp đời góp phần xứng đáng vào sự nghiệp văn trị  “an dân hộ quốc” dưới hai triều Lê Thánh tông (1460-1497) và Lê Hiến tông (1498-1504). Hai đức vua Lê Thánh tông và Lê Hiến tông tin tưởng tài cao đức trọng của Hà Công Trình nên đã giao phó cho ông những trọng trách mà lúc bấy giờ không phải ai cũng có thể đảm nhiệm được. Trọng trách thứ nhất là giao cho ông chức Nhập thị Kinh diên có nhiệm vụ giảng sách cho vua và các hoàng tử. Đảm trách cương vị này bắt buộc Hà Công Trình phải rất cẩn trọng, một mặt phải giảng đúng những lý thuyết Kinh điển của Thánh hiền, của Nho giáo, mặt khác lại phải rất năng động sáng tạo, không giáo điều, không làm xơ cứng mọi lý thuyết đạo Nho mà phải khôn khéo hướng nhà vua và các hoàng tử biết vận dụng đúng đắn đạo thánh hiền và việc trị nước, luôn cho quốc thái dân an. Hà Công Trình có một trọng trách rất lớn chẳng khác gì vị tướng soái cầm quân ở chiến trận chỉ có thể thắng, không có thua. Trách nhiệm Nhập thị Kinh diên đè nặng lên vai ông là làm sao biến các giáo huấn lý thuyết của Thánh hiền của đạo Nho thành hiện thực, thành nhận thức và hành động của nhà vua và của các vị hoàng tử. Vận dụng sáng tạo, có hiệu quả vào đạo trị nước.

 

Giáo huấn của Thánh hiền rất đơn giản, gói gọn trong 8 chữ của Đại học và 9 điều trong Trung dung. Vấn đề là ở chỗ đạo làm vua có thực hiện đúng 8 chữ của Đại học và 9 điều của Trung dung vào việc trị nước hay không. Vậy nội dung chữ Đại học là: cách vật, trí tri, thành ý, chính tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ; 9 điều trong Trung dung là: tu thân, tôn hiền (trọng người hiền tài), thân thân (thân với người thân), kính đại thần (kính trọng bậc đại thần), thể quần thần (rộng rãi, bao dung độ lượng, khoan hòa với quần thần), tử thứ dân (coi thứ dân như con), lại bách công (tập hợp người làm ăn trăm nghề), nhu viễn nhân (khoan hòa, đối xử mềm mỏng với người ở xa), hòa chư hầu (luôn tưởng nhớ đến chư hầu).

 

Rõ ràng nếu nhà Vua và Thái tử kế vị, các hoàng tử thực hiện đúng những điều trên đây trong thực tế trị nước thì đất nước sẽ luôn cường thịnh, luôn là đời “trị”, không thể có đời “loạn”.

 

Đối với vua Lê Thánh tông thì mọi người đã rõ là vị vua anh hùng của thời văn trị, còn đối với vua Lê Hiến Tông người kế vị Lê Thánh tông thì sao?

 

Sử thần Vũ Quỳnh cùng thời với Lê Hiến tông nhận xét về nhà vua như sau: “Vua thông minh, trí tuệ hơn người, mà nhân từ ôn hòa, không làm nghiêm trọng sự việc lâu. Thường thì tan chầu lui về hậu cung lại đem các vị đại phu vào hỏi về chính sự, lấy lời nói dịu dàng, vui tươi mà dễ nói ra cho nên biết hết các việc. Cách cai trị nhàn hạ, ung dung, chưa từng lộ sự tức giận ra lời nói, sắc mặt nên thiên hạ đều răm rắp theo mệnh”.

 

Rõ ràng vua Lê Hiến tông đã có cách hành xử bao dung độ lượng trong sự nghiệp trị nước, cách cai trị nhàn hạ, ung dung theo phương châm “tu thân, tôn hiền, kính đại thần …” như giáo huấn của sách Trung dung và sách Đại học nên mới đưa lại kết quả tốt đẹp như vậy.

 

Chắc chắn trong khi giảng sách cho vua, cho Thái tử và các Hoàng tử, Hà Công Trình đã rất nhấn mạnh và tô đậm những điều trên nên đã ảnh hưởng sâu sắc đến vua Lê Hiến tông trong thực tiễn trị nước và điều này có thể coi Lê Hiến tông (1498-1504) là một vị vua sáng thời Lê sơ. Cũng chính thực tiễn này phải ghi nhận công lao to lớn của Hà Công Trình trong trọng trách Nhập nội Kinh diên, trong sự nghiệp giáo dục ở Hoàng cung vua Lê.

 

Việc thứ hai, là phát huy tài học trong thực tế cuộc sống, Hà Công Trình đã đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp giáo dục cuối thế kỷ XV đầu thế kỷ XVI. Khi ông được triều Lê giao trọng trách Tế tửu Quốc Tử giám (tức là Hiệu trưởng trường Đại học Quốc gia). Mặc dầu không trực tiếp đào tạo dạy dỗ để có được 30 tiến sĩ vinh danh trong chốn khoa trường như Thám hoa Nguyễn Huy Oánh ở thế kỷ XVIII, nhưng Hà Công Trình là người đứng đầu lãnh đạo một trường Đại học Quốc gia ở Thăng Long, trách nhiệm của ông rất nặng nề và vinh quang cũng rất rực rỡ trước sự thành đạt của hàng trăm sĩ tử được đào tạo qua Quốc Tử giám. Lại một lần nữa, Hà Công Trình xứng đáng là một ngôi sao sáng trên bầu trời văn hóa giáo dục của nước Đại Việt thời Lê sơ.

 

Một nhân vật lịch sử khác tiêu biểu cho văn hiến họ Hà Tỉnh Thạch là Tiến sĩ Hà Tông Mục.

 

Tiến sĩ Hà Tông Mục (1653-1707) là cháu đời thứ 7 của Hoàng giáp Hà Công Trình. Tài học của Hà Tông Mục nổi tiếng lúc bấy giờ, qua các khoa thi Hội, thi Đình, thi Đông Các, Hà Tông Mục đều được xếp thứ hạng cao. Khoa Mậu Thìn (1688) năm Chính Hòa thứ 9, đời vua Lê Hy Tông (1676-1705) Hà Tông Mục đỗ Tam giáp đồng Tiến sĩ lúc mới 36 tuổi. Lúc vào thi Đình trước sân rồng để xếp thứ hạng, trả lời vua, ông được xếp thứ 2. Năm Quý Dậu (1693), dự khoa thi Đông Các ông được xếp thứ 3.

 

Song điều đáng khâm phục hơn là cũng như cụ tổ 7 đời Hà Công Trình của ông, Tiến sĩ Hà Tông Mục đã đưa hết tài học ra giúp vua, cứu nước, dùng tài ngoại giao “3 tấc lưỡi” mà dẹp yên được những vụ lộn xộn ở Tuyên Quang do người Thanh gây ra. Đó là năm Kỷ Mão (1699) niên hiệu Chính Hòa thứ 20 đời vua Hy Tông, ông được phái đi kinh lược xứ Tuyên Quang. Lúc bấy giờ vùng Bảo Lạc thường bị quân nhà Thanh sang xâm phạm quấy nhiễu. Ông đến nơi liền viết thư cho quân Thanh ở biên giới, lấy đạo nghĩa và lý lẽ mà nói rõ việc làm sai trái ấy. Người Thanh đáp thư nhận lỗi rồi đưa binh về. Rõ ràng phương sách “công tâm” - đánh vào lòng người của Nguyễn Trãi thuở Bình Ngô trong cuộc Khởi nghĩa Lam Sơn (1418-1427) đã được Tiến sĩ Hà Tông Mục nối tiếp, phát huy vận dụng linh hoạt đối với những vụ quấy rối của quân Thanh ở vùng Bảo Lạc - Tuyên Quang năm 1699.

 

Theo Giáo sư Hà Văn Tấn thì sự kiện trên được chép trong Khâm định Việt sử thông giám Cương mục quyển 34, trang 46b như sau: Năm Kỷ Mão (1699), Chính Hòa thứ 20, mùa hạ, tháng 4, sai Hà Tông Mục và Nguyễn Hành kinh lý vùng đất biên giới Tuyên Quang. Bấy giờ Sầm Nghi Phương ở châu Tiểu Trấn Yên của nhà Thanh nhiều lần đem quân lấn chiếm và quấy rối vùng biên giới Bảo Lạc, xứ Tuyên Quang, quân đóng giữ ở đấy không thể chế ngự được, bèn sai Hà Tông Mục và Nguyễn Hành đi Kinh lý vùng đất đó. Tông Mục gửi thư cho Tri (Nghi) Phương hiểu dụ mọi lý lẽ sự việc, Tri Phương trả lời có ý hổ thẹn và tạ lỗi xin rút quân về. Dân biên giới lại yên như cũ. Đến khi về, Trịnh Căn khen tài năng của họ, cất nhắc Tông Mục làm Tự khanh, Nguyễn Hành làm Cấp sự trung[1].

 

Không chỉ tài học xuất chúng, tài chính sự siêu việt, Hà Tông Mục còn là một nhân cách rất lớn ở thế kỷ XVII. Ân đức của Hà Tông Mục thấu tận người dân nơi thôn cùng xóm vắng quê hương ông. Văn bia Sùng Chỉ viết “Đối với Công thì việc gì phải cần đến, nhưng đối với chúng tôi thì có điều chưa thỏa. Một ngọn đưốc ở Hoa Âm còn phải biết trả ơn nữa là ấp chúng tôi được no cơm, ấm áo phần lớn là nhờ Công, dẫu kết cỏ ngậm vành cũng không đủ báo đáp, đành bày tỏ một ngôi đền một tấm bia vậy thôi. Tôi không thể nào can họ được cho nên làm bài ký này”[2]. Một con người thương dân đến mức dân lập đền thờ sống, lập bia để ghi nhớ công ơn như Tiến sĩ Hà Tông Mục thì quả là cực kỳ hiếm thấy.

 

Nếu tôi không nhầm thì dưới chế độ phong kiến Việt Nam chỉ có hai nhân vật lịch sử, đặc biệt được nhân dân lập sinh từ thờ sống. Đó là Hà Tông Mục ở thế kỷ XVII nhân dân quê hương xã Tỉnh Thạch (Tùng Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh) và Nguyễn Công Trứ ở thế kỷ XIX được dân Kim Sơn (Ninh Bình), Tiền Hải (Thái Bình) lập sinh từ thờ ông lúc còn sống.

 

Dưới thời phong kiến, văn hiến họ Hà còn được phát huy nối tiếp vẻ vang với những bậc cao khoa, hiển hoạn những vị đem tài năng thực học thực tài ra giúp vua, giúp nước thực hiện sự nghiệp văn trị, võ công xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

Trong chế độ mới, nối tiếp cha ông tổ tiên, con cháu họ Hà xứng đáng với truyền thống văn hiến của dọng họ với nhiều nhà khoa học tài hoa, quân sự, kinh tế, văn hóa … Trong số đó, nổi bật là giáo sư Hà Văn Tấn, giáo sư đầu ngành sử học đã được Đảng và Nhà nước tặng giải thưởng Hồ Chí Minh.

 

Ngoài truyền thống văn hiến, họ Hà Tỉnh Thạch còn một truyền thống khác cực kỳ quý báu là nghĩa khí.

 

Tiêu biểu cho nghĩa khí họ Hà là cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập. Ông thuộc hàng lãnh tụ của Đảng đã nêu cao khí tiết người Cộng sản “thờ dân nguyền tận hiếu, thờ nước vẹn lòng trung” sẵn sàng xả thân vì nền độc lập tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân. Ông bị thực dân Pháp xử bắn tại Hóc Môn năm 1941.

 

Sau Tổng Bí thư Hà Huy Tập là đồng chí Hà Huy Giáp. Ông là một chiến sĩ Cộng sản kiên cường như Đảng ta đã đánh giá “Hà Huy Giáp - người Cộng sản mẫu mực, một tấm gương kiên trung bất khuất, hiến dâng trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc”[3].

 

Tưởng không cần nói nhiều, chỉ hai tấm gương tiêu biểu cực kỳ sáng chói ấy của đồng chí Hà Huy Tập và đồng chí Hà Huy Giáp đủ để nói lên nghĩa khí họ Hà Tỉnh Thạch, đối với tổ quốc, với dân tộc, với Đảng quang vinh.

 

Ngày nay, con cháu họ Hà đang tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của tổ tiên cha ông trong sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam thái bình thịnh trị.

 

Chú thích:

1. Theo chú thích số 9 bản dịch Hà Tiến sĩ Sùng Chỉ bi ký  (Bài ký bia Sùng chỉ Tiến sĩ họ Hà) của Giáo sư Hà Văn Tấn.

2. Bản dịch Hà Tiến sĩ Sùng Chỉ bi ký (Bài ký bia Sùng chỉ Tiến sĩ họ Hà) của giáo sư Hà Văn Tấn.

3. Trích lời điếu đồng chí Hà Huy Giáp của Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam.