Trong lịch sử giáo dục Hán học thời kỳ cổ trung đại ở nước ta có hai người thầy được học trò suy tôn là Phu tử, đó là Tuyết Giang Phu tử Nguyễn Bỉnh Khiêm (thế kỷ XV- XVI), thuộc xứ Đông (Hải Dương - Hải Phòng) và La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp (thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX), xứ Hồng Lam (Nghệ Tĩnh). Sự ham mê nghiên cứu của Phu tử về lý học và vận dụng chúng vào thực tiễn đời sống, đoán thời thế, hậu vận khiến người ta tâm phục, khẩu phục. Hai ông đều là người thầy mẫu mực, hết sức tâm huyết với việc đào tạo học trò thành tài, phụng sự vương triều và đất nước. Có lẽ đó chính là mỗi đồng thanh tương ứng giữa La Sơn phu tử cùng Tuyết Giang phu tử.

Theo khảo cứu của học giả Hoàng Xuân Hãn cho biết: La Sơn phu tử họ Nguyễn, húy Minh, tự Quang Thiếp. Nhưng đời chúa Trịnh Doanh, chữ Quang là Quốc húy, cho nên lúc đi thi, cụ phải bỏ chữ đệm ấy, và lấy tên Nguyễn Thiếp.

Cụ có chừng mười tên hiệu khác nhau, tự mình đặt lấy, hoặc do người khác tặng. Khi Nguyễn Huệ viết thư mời cộng tác, gọi cụ là La Sơn phu tử, chính thức tặng cụ hiệu là La Sơn tiên sinh. La Sơn phu tử vốn nổi tiếng càng nổi tiếng hơn và được lịch sử ghi nhận.

Nguyễn Thiếp sinh ngày 25 tháng 8 năm Quý Mão, niên hiệu Bảo Thái thứ 4 (1723), đời vua Lê Dụ Tông (1705-1729), tại Mật thôn. Làng này thuộc xã Nguyệt Ao, tổng Lai Thạch, huyện La Sơn, xứ Nghệ An (nay thuộc huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh). Xã Nguyệt Ao nằm giữa một cánh đồng bằng, đất tốt, ruộng nhiều, dân đông; xung quanh có núi bao bọc, gần là núi Nhạc Sạc, còn có tên là núi Phượng, vì dáng núi như hai cánh chim đang bay; xa hơn có các ngọn Thiên Nhận, Nghĩa Liệt, nơi có nhiều danh thắng và lưu lại dấu tích lịch sử.

Thời Lê Thánh Tông, họ Nguyễn ở Mật thôn có một người làm tướng, vì có công đánh Chiêm Thành năm 1472, nên sau khi mất được tặng tước quận công - Lưu quận công. Sau đó họ Nguyễn ở Mật thôn phát đạt nhanh chóng. Cháu nội Lưu quận công là Nguyễn Bật Lãng đỗ Hoàng giáp khoa Đinh Sửu (1577). Từ Bật Lãng về sau họ Nguyễn trở thành một họ vừa có văn học, vừa giàu có. Nhiều người trong họ thi đậu tam trường, tứ trường hoặc nộp thóc để được nhận phẩm hàm.

Đến đời thứ 9, chú của Nguyễn Thiếp là Nguyễn Hành đỗ Tiến sĩ khoa Quý Sửu (1733), là người đỡ đầu, dạy dỗ Nguyễn Thiếp lúc nhỏ.

Thân phụ Nguyễn Thiếp không có gì đặc sắc, chỉ được một hư hàm nhỏ do nộp thóc cho triều đình. Thân mẫu cụ là con gái họ Nguyễn ở xã Trường Lưu, là một họ lớn, từng nổi danh đương thời. Phụ mẫu cụ sinh được bốn trai, ba gái; Phu tử là con trai thứ ba. Các anh em Phu tử đều học hành giỏi. Ấy là nhờ sự chăm nom của mẹ. Sau này trong thi văn Phu tử thường hay nhắc đến người mẹ.

Như vậy, Nguyễn Thiếp sinh trưởng trong một đại gia đinh có học, vừa có của. Với tư chất thông minh, được dạy dỗ từ nhỏ, những điều kiện đủ để Nguyễn Thiếp trở nên một người hay chữ và hiển đạt về sau. Nhưng Nguyễn Thiếp không thích lối sống khuôn sáo, bó buộc thường tình, mà ngoặt sang lối rẽ khác, thực hiện chí của riêng mình theo lẽ xuất, xử của nhà Nho.

Thuở nhỏ Nguyễn Thiếp học trong nhà do chú là Nguyễn Hành dạy. Theo sách La Sơn phu tử: Năm Long Đức thứ 2 (1733), đời vua Lê Thuần Tông (1732-1735), Nguyễn Hành đỗ Tiến sĩ, làm quan đến chức Hàn lâm, Đông các, Hiệu thư. Tuy nhiên ông lấy sách làm vui, không theo uy quyền… Kịp đến lúc Trịnh Doanh (1740-1767) tôn vua Cảnh Hưng lên ngôi (1740), Lê Hiển Tông (1740-1786), chúa bèn tâu cho ông làm Hiến sát sứ ở Thái Nguyên… Năm 1741, Nguyễn Thiếp 19 tuổi, theo chú đến nhiệm sở và tiếp tục việc học tập ở đó. Nhưng chưa đầy hai năm sau, chú mất tại nhiệm sở. Nguyễn Thiếp phải bỏ dở việc học tập. Ông “bị chứng bệnh cuồng dĩ, lưu lạc tại vùng Kim Hoa Lãng (thuộc huyện Kim Anh, Phúc Yên). Tự nhảy xuống ruộng bùn. Có ông họ Nguyễn ở xã Do Nhân, thôn Vệ Hạ đem về nuôi trong một tháng. Người nhà mới tìm về(1).

Tháng 7 năm 1742, Nguyễn Thiếp về đến nhà, bệnh lành, mà lòng thương nhớ chú khôn nguôi, buồn vì việc học dở dang!

Năm sau khoa Quý Hợi (1743), Nguyễn Thiếp đi thi đỗ Hương giải. Theo Hoàng Xuân Hãn, khoa thi năm ấy, trường Nghệ An có bài văn sách hỏi về đạo “tu, tề, trị, bình”. Đầu đề còn chép trong sách “Lê triều hương tuyển”, đặt ra đến 9 câu hỏi cho thí sinh. Bài làm của Nguyễn Thiếp nay không còn, chỉ thấy bài của người đồng khoa là Hồ Sỹ Đính, Phan Khiêm Thụ. Sử Cương mục chép rằng: “Năm ấy trường thi Nghệ An, đến kỳ đệ tam, có kẻ bất đắc chí đốt các vi. Tra ra kẻ cầm đầu, đem xử tử, và cho thi lại kỳ đệ tứ”. Nguyễn Thiếp cũng ghi lại sự kiện đó trong “Hạnh Am thi cảo”, chú thích ở bài thơ “Hoan Châu” có ghi rằng:

Lời xưa nói: “Hồng Lĩnh chon von; Song Ngư bát ngát. Nếu gặp thời minh, Nhân tài đua phát”. Lại năm Quý Hợi, trường thi Hương bị cháy. Quan Giám khảo Nguyễn Đức Lập làm bài thơ rằng:

“Gió thổi sấm rền đưa ngọn bút,

Thi trường giật giải khắp Tây Đông.

Quay nhìn văn rạng chòm Ngưu Đẩu,

Mới biết Hoan Châu sỹ khí hùng”(2).

Bài thơ Hoan Châu, thể hiện tâm sự hân hoan, vinh dự của ông Hương cống trẻ tuổi.

21 tuổi, Nguyễn Thiếp đỗ Hương giải, con đường công danh trước mắt rộng thênh thang; vậy mà không hiểu vì sao ông lại dứt con đường cử nghiệp, chuyển sang ẩn dật. Trong “Hạnh Am ký”, Nguyễn Thiếp có lời tự bạch:

“Năm Quý Hợi, thoắt đậu Hương giải, tuy công việc nhàn rỗi, nhưng nọc bệnh vẫn còn. Đụng làm việc gì thì bệnh phát. Chóng, hai ba ngày bèn thôi; lâu đến hàng tuần, hàng tháng. Ta tự nghĩ rằng: tiên thế ta từng bị tật ấy, mà ta có luôn; chắc là vì khí huyết truyền nhiễm. Ta tự bỏ, từ biệt việc đời mà ẩn trong rừng núi, kẻo sợ bệnh không thôi hẳn. Bởi vậy ta bỏ hết học khoa cử, chuyên đọc các sách Tính lýTứ thư,Ngũ kinh đại toàn. Vui cùng rừng hố. Núi sông miền Nam châu (vùng phía Nam sông Lam), dấu chân có gần khắp”(3).

Theo “Lê mạt tiết nghĩa lục”: “Ông lúc bé học cử nghiệp. Mắc bệnh cuồng. Chú là Đông Các gửi ông cho bạn ở Tiên Điền là Tả tướng Nguyễn Nghiễm. Nhân học chữ mà vui với đạo. Năm Cảnh Hưng Quý Hợi, tuổi 21, đậu Hương giải. Mỗi kỳ Xuân vi (thi Hội) tới, thì cãi nhau không dứt. Tể tướng nói đi nói lại, bảo với ông rằng: “Đỉnh đương còn đó (bổng lộc của quan đại thần). Chỉ một mình không chịu nghe sao? Ông đáp: “Ấy vì đối với hành thạch (làm quan), tôi vốn không có bụng mà thôi”.

“Nhân vì bệnh sẵn chưa thôi, ông tạ tuyệt thế sự, bỏ hết học khoa cử. Chuyên đọc sách “Tính lý,Ngũ kinhTứ truyệnChu lễNghi lễ cận tư lụcChu Tử toàn tập”, với các sách tử sử, không có chỗ nào là không nghiên cứu lấy làm vui. Ông vui cùng rừng hố. Núi sông ở Nam châu, dấu chân có gần khắp”(4).

Lúc bấy giờ Trịnh Doanh chuyên quyền, vua Cảnh Hưng chỉ có danh suông, không có thực quyền, nên Nguyễn Thiếp vin cớ bị bệnh mà quyết định xử là hợp lẽ. Bởi ông không thể xuất để xu phụ Trịnh Doanh. Ông ở nhà nghiền ngẫm sách thánh hiền thấu đáo và tự cho rằng:

Lo chi kế được cùng thua,

Nên danh quân tử chỉ nhờ về nhân”.

Đối với đạo Nho, Nguyễn Thiếp đã trở thành một Giáo sỹ, đúng như nhận xét của Hoàng Xuân Hãn, tuy chưa tới ba mươi tuổi mà ông đã đi khuyến giáo cả các cụ già. Ông làm bài “Dâng Hồ tiên sinh, Tri huyện Thanh Ba”, lấy lẽ phải trái, khuyên hai cha con Hồ tiên sinh hòa giải với nhau. Hoặc ông Huyền Võ ở đất Bố Chánh hay say sưa vì rượu, xin ông làm cho bài “Giới tửu”- răn không uống. Ông còn có bài “Giới sắc”- Răn không say đắm sắc dục. Nguyễn Thiếp lấy đạo đức chữa người, như ông lang dùng thuốc chữa bệnh hiệu nghiệm.

Sau một thời gian khoảng 3 năm, dạy học ở Bố Chánh, thuộc Quảng Bình, Nguyễn Thiếp trở về quê nhà. Năm 1756, lúc 34 tuổi ông ra làm Huấn đạo phủ Anh Đô, thuộc Nghệ An. Năm 1762, ông được bổ Tri huyện Thanh Chương. Trong Hạnh Am ký, Nguyễn Thiếp cho biết: ông ra làm quan là vì nhà nghèo… vì sự ăn mặc bó buộc; ra làm quan để nuôi mẹ già báo đáp đạo hiếu, chứ ông không cầu danh lợi. Có lúc ông tự nhận “Danh hờ làm khổ ta”!

Tuy bất đắc dĩ phải ra làm quan, nhưng với chức Huấn đạo coi việc dạy học ở phủ Anh Đô cũng thích hợp với khả năng của ông. Nguyễn Thiếp muốn chấn hưng việc học bị đình đốn sau nhiều năm loạn lạc. Theo Nguyễn Sĩ Cẩn: ông muốn chủ trương dạy chữ Nôm thay cho chữ Hán ở các lớp khai tâm; bỏ lệ thông kinh (thí sinh nộp tiền là được dự thi, không phải qua khảo hạch), nhằm chấn chỉnh việc thi cử nghiêm túc, công bằng, nhưng không được bề trên chấp nhận. Khi làm Tri huyện, Nguyễn Thiếp xin giảm thuế cho dân mà không được. Ông vốn không muốn làm quan càng thêm chán nản. Đến năm 1768, sau 13 năm làm quan, ông bèn xin từ quan khi mới 46 tuổi.

Theo Hạnh Am ký: Nguyễn Thiếp chọn núi Bùi Phong trên dãy Thiên Nhận, giáp giới hai huyện Hương Sơn và Thanh Chương để đưa các con lên cùng ở đó; cho sửa sang lại nhà cửa cũ, vườn tược “nuôi trâu bò, trồng cây, cày ruộng, dệt vải, đều làm lấy ăn”. Tuy là chỗ tạm cư, nhưng cũng có Vọng vân đình - đình ngắm mây; Giới thạch trai - nhà đá vững để đọc sách và dạy học. Nhà ở được đặt tên Thận tật am - am để dưỡng bệnh. Chủ nhân của núi Bùi Phong tự xưng là Cuồng ẩn hay Điên ẩn, Bùi Phong cư sỹ, Lạp Phong cư sỹ.

Trên núi Bùi Phong, cư sỹ sống những năm tháng nhàn tản. Hàng ngày công việc của ông là đọc sách Nho gia, nghiên cứu về Lý số; dạy học trò. Những lúc rảnh rỗi ông tham gia lao động cùng với người thân, hoặc xuống núi du ngoạn, thăm bạn hữu.

Sách Lê mạt tiết nghĩa lục cho biết: “Cách dạy của cụ là trước học “Tiểu học” để bồi đắp lấy gốc, sau học “Kinh truyện” để hiểu đạt đến ngành. Kẻ theo học đều cảm hóa cả, lại đem điều nghe được về giảng lại cho làng xóm. Cho nên cái luồng gió lễ nghĩa lan khắp cả vùng”(5).

Nghiên cứu của Nguyễn Sĩ Cẩn đã chỉ ra rằng: Nguyễn Thiếp còn để lại khá nhiều thơ văn thuyết minh cho đạo lý giảng dạy của mình: 3 bài thơ tóm lược nội dung các sách Tính lýTứ thư đại toàn, nêu bật hạt nhân đạo lý là “thiện tâm”; 5 bài thơ ca ngợi các bậc tiên Nho và Phu tử tiêu biểu: Chu Hy, Trình Tử, Thiệu Khang.., một bài thơ đề ở nhà học của thôn(6)...

Năm Đinh Dậu (1777), Nguyễn Thiếp trong chuyến ra Bắc du ngoạn và có qua thăm cổ am bên bến Tuyết Giang, nơi ẩn cư của Tuyết Giang phu tử-Nguyễn Bỉnh Khiêm ngày trước. La Sơn phu tử bồi hồi cảm xúc có làm hai bài thơ ngũ ngôn bát cú, trong đó có bài “Qua chùa Trình tuyền”, có những câu:

Trạng Trình xưa đời Mạc.

Nay đến bến Tuyết Kim.

Rêu xanh trùm bia quán,

Mây trắng nhắc lều am...

Am không, bia cũng hư tàn,

Ta nay lưu lạc bên ngàn (bờ) Tuyết Giang.

Bài thơ thể hiện sự đồng điệu của hai tấm lòng thi nhân (Phu tử) - bậc hiền triết - người thầy trước cuộc dâu bể đổi thay của thế sự, nhân tâm…

Năm 1786, nghĩa quân Tây Sơn, hạ thành Phú Xuân, lật đổ chúa Nguyễn, sau đó kéo quân ra Thăng Long tiêu diệt chúa Trịnh, khôi phục nhà Lê. Năm 1789, đại quân Tây Sơn đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược, giành lại non sông gấm vóc. Trong sự nghiệp chính trị của mình Nguyễn Huệ - Quang Trung rất trọng dụng những nhân tài Nho sĩ. Một số Nho Sĩ thức thời như Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Vũ Huy Tấn, Trần Văn Kỷ... đã đứng về phía cộng tác tích cực với Tây Sơn. Trong khi đó phần đông các Nho sĩ Bắc Hà vẫn giữ tư tưởng thủ cựu trung với nhà Lê, chống lại Tây Sơn, hoặc lánh đi ẩn dật như Nguyễn Thiếp.

Vốn được nghe danh Nguyễn Thiếp từ trước, Nguyễn Huệ đã ba lần viết thư mời Phu tử xuống núi cùng hợp tác. Thư mời lần thứ nhất ngày 18, tháng 12, năm Thái Đức thứ 9 (1786).

Nguyễn Thiếp viết thư trả lời ngày mồng 9, tháng Giêng, năm Cảnh Hưng thứ 48 (1787), vin vào ba lý do để từ chối lời mời của Nguyễn Huệ; trong thư có viết: “Trộm nghĩ Tiện sinh này tính chất ngu lậu; tài năng, học thuật không có gì hơn người. Chỉ vì có nhiều bệnh, trộm gửi thân ở chốn lâm tuyền. Bình sinh chỉ giảng tập các sách Tứ thư: Đại họcTrung dungLuận ngữMạnh tử. Còn nhâm, độn, thao, lược, binh pháp, võ nghệ đều chưa học. Quý quốc ở xa, mới nghe tiếng đồn về Tiện sỹ, còn lẽ bởi đâu và thế nào, sợ chưa biết hết sự thực…

Đạo thư mời, năm nén vàng, hai tấm lụa, tôi nhất thiết không dám nhận, xin kính cẩn gửi cho ông Phan Khải Đức (học trò của cụ) đưa giả y nguyên..”(7).

Lần thứ hai, Nguyễn Huệ lại sai người đưa thư đề ngày mồng 10, tháng 8, năm Thái Đức thứ 10 (1787) và lễ vật đến mời Phu tử. Lại một lần nữa Phu tử viết thư đáp từ đề ngày mồng 5, tháng 9, Chiêu Thống năm đầu (1787), đời vua Lê Mẫn Đế (1787-1788), khéo léo xin chối từ và trả lại lễ vật.

Chính Bình vương Nguyễn Huệ lại viết thư mời Nguyễn Thiếp lần thứ ba, đề ngày 13, tháng 9, năm Thái Đức thứ 10 (1787). Thư lần này dài hơn, lời lẽ chân thành, thống thiết, “cách lập ngôn rất là khéo léo”: “Không ngờ nay, trông lên thành Lục Niên có người tài đương ở đó. Ấy là trời để dành Phu tử cho Quả đức vậy. Tuy Phu tử không thèm tới, nhưng lòng dân đen trông ngóng, Phu tử nỡ ngơ lảng được sao?” Nguyễn Huệ sai Thượng thư Thuyên quang hầu Hồ Công Thuyên kính cẩn mang thư lại đón.

Tấm thịnh tình của Chính Bình vương là thế, ba lần viết thư mời đón mà cả ba lần Nguyễn Thiếp đều từ chối. Việc đó đương thời chắc gây nên cuộc bàn luận ở cả hai phía... Năm 1788, trên đường Nguyễn Huệ ra Bắc có viết thư sai Cẩn tín hầu Nguyễn Quang Đại lại mời Nguyễn Thiếp ra đại doanh đóng ở núi Nghĩa Liệt, gần bến Phù Thạch, để được gặp mặt. Sau ba lần thoái thác, lần này Nguyễn Thiếp thực khó từ chối. Bởi lẽ, thư có viết: “Nay thiên hạ khốn khổ. Không cùng Phu tử cứu gỡ thì không biết cùng ai”. Thư đã chạm đến tâm can của Phu tử, vốn nặng lòng với nước với dân.

Sau cuộc gặp gỡ ở bến Phù Thạch, Nguyễn Huệ và Nguyễn Thiếp hai người cùng hiểu nhau hơn. Riêng đối với Nguyễn Thiếp vẫn giữ thái độ dè dặt khi nhận lời cộng tác với Tây Sơn. Bởi ông chưa tin Nguyễn Huệ là một người anh hùng hay chỉ là một kẻ gian hùng thời loạn. Nhưng đối với Nguyễn Huệ vẫn rộng lượng tin tưởng, nhờ Phu tử chọn đất xây dựng thành Phượng Hoàng trung đô ở núi Dũng Quyết (phía Nam thành phố Vinh ngày nay). Khi biết tin quân Thanh đã tràn vào chiếm Thăng Long, Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, rồi nhanh chóng đem đại quân ra Bắc tiêu diệt quân Thanh. Trên đường qua trấn (doanh) Nghệ An, Quang Trung có hỏi Nguyễn Thiếp về kế sách phá quân Thanh. Cuộc gặp gỡ lần này được chép trong sách Lê quý kỷ sự cho biết:

“Ngày 29 tháng 11, năm Mậu Thân (1788), Huệ đến Nghệ An, nghỉ binh. Triệu Nguyễn Thiếp đến hỏi phương lược. Thiếp nói:

- Người Thanh ở xa tới, mệt nhọc, không biết tình hình khó dễ thế nào. Vả nó có bụng khinh địch. Nếu đánh gấp thì không ngoài mười ngày sẽ phá tan. Nếu trì hoãn một chút, thì khó lòng mà được nó.

Huệ mừng lắm trả lời:

- Ông nói chính hợp ý tôi...”(8).

Sau hơn mười ngày lâm trận, đại quân Tây Sơn đã đánh tan 29 vạn quân Thanh, “kinh đô Thăng Long vẫn thuộc núi sông ta”. “Một lời nói mà dấy nổi cơ đồ”; lời tiên đoán của Tiên sinh quả không sai.

Từ sau chiến thắng quân Thanh năm Kỷ Dậu (1789), Nguyễn Thiếp không còn kỳ vọng vào nhà Lê, bởi vận nhà Lê đã hết. Lê Chiêu Thống hèn mọn đã phải chịu nhục mà chạy theo quân Thanh sang Trung Quốc. Phu tử thực lòng tin tưởng vào vua Quang Trung, một người đã trở thành anh hùng cứu nước. Nguyễn Thiếp vào Phú Xuân cộng tác với Tây Sơn, cụ mong muốn đem chút “tài mọn” của mình để giúp vào việc quốc kế dân sinh. Trước hết Phu tử bày tỏ chính kiến và khuyên vua ba điều, trong đó điều thứ ba là luận học pháp. “Học pháp là phép học; học thế nào mới là chính?”; “Ngọc không chuốt không thành đồ; người không học không biết đạo”. Đạo là những lẽ thường theo để làm người. Kẻ đi học là học điều ấy vậy. Nước Việt ta từ khi lập Quốc đến bây giờ, chính học lâu ngày mất. Người ta chỉ tranh nhau đua tập việc học từ chương, cầu công lợi mà quên bẵng có cái giáo tam cương, ngũ thường. Chúa tầm thường, tôi nịnh hót. Quốc phá, gia vong; những tệ kia đều ở đó mà ra.

Cúi xin từ rày, ban hạ chiếu thư cho trường phủ, huyện, khiến thầy trò các trường tư, con cháu các nhà văn võ, thuộc lại ở các trấn cựu triều, đều tùy đâu tiện thì đi học.

Phép dạy, nhất định theo Chu Tử: trước học Tiểu học để bồi lấy gốc; Tuần tự tiến lên, rối đến Tứ thưNgũ kinh, chư sử. Học cho rộng rồi ước lượng cho gọn, theo điều học biết mà làm. Họa may nhân tài mới có thành tựu; Nhà nước nhờ đó mà vững yên. Ấy thật là có quan hệ đến thế đạo nhân tâm đời bấy giờ. Xin chớ bỏ qua.

Sư đạo thành thì người tốt nhiều; người tốt nhiều thì triều đình chính và thiên hạ trị.

Ấy là mấy sự, thành thật xin hiến. Chẳng quản lời nói vu vơ, cúi trông Hoàng thượng chọn lựa cho…

Quang Trung năm thứ 4, ngày mười, tháng 8, (1791)”(9).

Như vậy Phu tử đã vạch rõ cái lợi của chính học và cái hại của học từ chương của sỹ tử, muốn việc học được phổ thông (ở các địa phương nhiều người được đi học); phép học tuần tự từ thấp đến cao. Nhưng, về cuộc hội kiến này Gia phả chép: “Huệ nghe tâu cho là phải, nhưng cũng không theo”. Quang Trung muốn mời Phu tử ở lại Phú Xuân dạy học, nhưng Phu tử lấy cớ tuổi già (lúc đó đã 69 tuổi), cố xin về.

Ít lâu sau, khi lập Sùng chính thư viện tại núi Nam Hoa ở Vĩnh Kinh, trong tờ chiếu Quang Trung năm thứ 4, ngày 20 tháng tám (1791), Quang Trung giao cho Nguyễn Thiếp chức Sùng chính viện viện Trưởng, ban cho hiệu La Sơn tiên sinh và giao cho chuyên coi việc dạy. Nhất định theo phép học Chu Tử, khiến cho nhân tài có thể thành tựu, phong tục trở lại tốt đẹp...

Ông nên giảng rõ đạo học, rèn đúc nhân tâm, để cho xứng với ý trẫm khen chuộng kẻ tuổi cao đức lớn.

Ngày mồng 1 tháng sáu, năm Quang Trung thứ 5 (1792). “Chiếu cho Sùng chính viện viện Trưởng, La Sơn tiên sinh Nguyễn Khải Xuyên được biết:

Nguyên kỳ trước diễn dịch các sách Tiểu học đã đệ tiến nộp. Kỳ này, diễn dịch Tứ thư đã xong. Cộng được ba mươi hai tập; trấn quan đã chuyển đệ về kinh tiến nộp. Trẫm đã từng xem. Tiên sinh giảng bàn, phu diễn, kể đã chăm chỉ. Những viên giúp việc là Nguyễn Công, Nguyễn Thiện, Phan Tố Định, Bùi Dương Lịch đều có công.

Vậy đặc ban thưởng cổ tiền một trăm quan, do trấn quan chiểu theo mà cấp, lĩnh để chung hưởng ân tứ...

Nay chiếu giao Tiên sinh việc giải thích ba Kinh ThiThưDịch. Thể theo kinh văn và tập chú mà lấy từng chữ, từng câu diễn ra Quốc âm: cứu xét tinh tường để đọc cho hay...

Kinh Thi thì dịch gấp đi. Dịch xong gửi trước để tiến nộp. Còn hai kinh ThưDịch sẽ gửi sau.

Cẩn thận chớ chậm trễ.”(10).

Các Triều quan còn gửi La Sơn tiên sinh một tờ truyền thúc giục sao cho hoàn thành việc dịch thuật ba bộ kinh sách đúng như hạn định. “Việc diễn dịch hẹn nội trong ba tháng phải xong. Nhưng phải dịchKinh Thi cho xong trước, đóng lại tiến nộp. Còn Kinh ThưKinh Dịch, theo hạn trên mà dần dần diễn dịch, cho kịp gửi tiến.”

Điều đó cho thấy Quang Trung không chỉ là một võ tướng thiên tài mà còn là một người coi trọng hiền tài, trọng sự hiếu học.

Theo nhận xét của Hoàng Xuân Hãn thì non một tháng Kinh Thi được viện Sùng chính dịch xong và tiến nộp; nhưng Quang Trung đã mất đột ngột vào ngày 29 tháng bảy, năm (1792). Có lẽ triều thần cho đem khắc “Thi kinh giải âm” để dân gian dùng. Muốn giảm bớt công khắc, nên đã bỏ phần diễn âm tập chú đi chăng?

Quang Trung mất, viện Sùng chính cũng ngừng hoạt động. Theo Gia phả: “… cụ bèn trả những lộc được ban trước cho con Huệ là Trát (Cảnh Thịnh). Cụ ở lại trên núi, tự lấy làm vui, không bận lòng đến việc trần ai nữa”. Mặc dù sau đấy Phu tử có giao thiệp với Cảnh Thịnh và chúa Nguyễn Ánh, nhưng chí ông đã quyết vẫn ở lại núi cũ.

Vào ngày 25 tháng Chạp năm Quý Hợi (đầu năm 1804), La Sơn tiên sinh không bệnh mà mất, hưởng thọ 81 tuổi. Các con đưa cụ an táng nơi chỗ nhà thường ở trên núi Bùi Phong. Người dân xã Nam Kim đã dựng nhà thờ trên núi Thiên Nhận để thờ La Sơn phu tử. Ở làng quê Phu tử cũng có nhà thờ Ngài, mặc dầu đã được trong họ tu bổ nhưng vẫn sơ sài.

La Sơn phu tử, bậc trượng phu, tuy đã mất cách ngày nay đã hơn 200 năm, nhưng danh tiếng của Phu tử vẫn mãi mãi được kính trọng. Bởi Phu tử luôn giữ được khí chất thanh cao của một nhà Nho - một người thầy, xuất xử không những hợp với thời mà còn hợp lẽ đời, luôn hướng đến ích Quốc, lợi dân. Phu tử còn là tấm gương hiếu học - học không biết mỏi và dạy không biết chán. Trong những năm tháng sống ẩn dật trên núi Bùi Phong, Phu tử đã dạy được nhiều lớp học trò thành đạt, đem lại sự giáo hóa và muốn thay đổi học phong cho cả một thời Tây Sơn.