1 .

1.1. Hoàng Hạc lâu ở phía tây thành phố Vũ Xương, tỉnh Hồ Bắc, Nhạc Dương lâu nằm bên hồ Động Đình tỉnh Hồ Nam và Đằng Vương các tọa lạc bên bờ sông Chương, tỉnh Giang Tây; đó được coi là "tam đại danh lâu" của miền Nam Trung Quốc. Nếu như gác Đằng Vương gắn liền với bài thơ Đằng Vương các của Vương Bột (650-676), lầu Nhạc Dương nổi tiếng với bài thơ Đăng Nhạc Dương lâu của Đỗ Phủ (712-770), thì lầu Hoàng Hạc "lưu danh thiên cổ" với bài thơ Hoàng Hạc lâu của nhà thơ Thôi Hạo (? - 754). Có thể nói, nếu như lộ trình đi sứ của Nguyễn Du qua cả Giang Tây, thì trong Bắc hành tạp lục hẳn sẽ có đủ cả thơ đề vịnh của ông về ba ngôi lầu nổi tiếng này. Tuy nhiên, dù không trước tác thơ về gác Đằng Vương, nhưng Nguyễn Du đã đề vịnh tới hai bài về cụm danh thắng lầu Hoàng Hạc và một bài về lầu Nhạc Dương. Điều đó đã tạo nên hiện tượng gây sự chú ý của chúng tôi khi đọcBắc hành tạp lục của ông. Trong bài viết này, từ góc nhìn văn hóa và văn học, chúng tôi muốn khẳng định chuyến đi sứ của Nguyễn Du không những là chuyến công cán của một vị sứ thần, mà còn là cuộc hoàn nguyên và đối thoại với môi trường văn hóa, văn học đã ảnh hưởng trực tiếp và góp phần hình thành nhiều thế hệ trí thức xưa của Việt Nam, trong đó có ông. Để tránh cho bài viết không bị dàn trải, chúng tôi đã tập trung sự chú ý tới lầu Hoàng Hạc và những bài thơ đề vịnh về lầu này của Nguyễn Du cũng như các nhà thơ nổi tiếng của Trung Quốc đời Đường như Thôi Hạo, Lý Bạch v.v. Lầu Nhạc Dương và bài thơ đề vịnh về lầu này sẽ là cứ liệu bổ sung cần thiết khi phân tích - so sánh. Cũng như để sử dụng tư liệu một cách khoa học và tôn trọng người đọc, chúng tôi đã làm Phụ lục (ở cuối bài) giới thiệu một số tác phẩm thuộc phạm vi tư liệu trong bài viết (cả nguyên văn chữ Hán, phiên âm đọc Hán Việt, chú giải và dịch nghĩa). Hy vọng cách làm này sẽ thuận tiện và tạo ra sự bình đẳng cho cả người viết và người đọc khi tiếp nhận văn bản tác phẩm.

1.2. Lầu Hoàng Hạc cũng như chùa Hàn Sơn, từ lâu đã trở nên vô cùng quen thuộc đối với người Việt Nam. Tất nhiên, sự nổi tiếng của những danh thắng này bắt đầu từ những danh tác đề vịnh về chúng của các nhà thơ đời Đường, sau đó là sự giao lưu văn hóa, văn học lâu dài, chặt chẽ của hai nước Trung - Việt. Trên phương diện tiếp nhận văn học, ngoài nhà thơ Tản Đà dịch Hoàng Hạc lâu của Thôi Hạo ra, còn có rất nhiều nhà thơ hiện đại trước sau và cùng thời với ông dịch danh tác này. Những câu chuyện liên quan đến lầu này nhờ thế mà ai ai cũng biết, kể cả những câu chuyện kể về người tiên cưỡi hạc vàng xuống nghỉ trước khi bay lên tiên giới, lẫn câu chuyện Lý Bạch đến du ngoạn, nhìn cảnh đẹp muốn đề thơ, nhưng khi thấy "Thôi Hạo đề thi tại thượng đầu", đành phải "đầu bút" bái phục (được ghi chép trong sách Đường tài tử truyện[1]). Đến cả lời đánh giá của Nghiêm Vũ, nhà thi học nổi tiếng đời Tống về bài thơ Hoàng Hạc lâu của Thôi Hạo là "Đường nhân thất luật đệ nhất" [2] (bài thơ thất ngôn luật thi số một ở đời Đường), ngày nay cũng rất nhiều người biết. Nguyễn Du là người tiếp nhận nguồn tri thức này một cách trực tiếp; do vậy, có thể khẳng định, ông biết nhiều hơn và cảm nhận sâu sắc hơn chúng ta. Vì thế, điều đáng chú ý ở đây là, Nguyễn Du mặc dù biết được sự nổi tiếng của cả một nền văn hóa và văn học hội tụ ở ngôi lầu này, thế mà ông vẫn bình đẳng đối thoại và khẳng định được bản ngã của mình.

Từ góc nhìn văn hóa, chúng tôi thấy, đây là hiện tượng giao lưu đặc biệt. Như chúng ta đều biết, Nguyễn Du đã tiếp nhận thành tựu thi ca của Trung Quốc trên đất nước mình và trong dịp đi sứ này, ông có cơ hội được thể hiện khả năng thi ca của bản thân ngay trên mảnh đất được coi là nguồn mạch của dòng sông thi ca vừa lâu đời vừa rộng lớn. Sự trở lại với mảnh đất cội nguồn mà chúng tôi tạm gọi là "sự hoàn nguyên" của Nguyễn Du mặc dù không phải là duy nhất, song lại là sự kiện đặc biệt. Ông đã gặp gỡ và tiếp xúc trực tiếp với những thắng tích và con người của lịch sử Trung Quốc hàng mấy ngàn năm. Bên cạnh một con người sứ thần hướng ngoại, lo toan công việc quốc sự, ở Nguyễn Du lại xuất hiện một con người thi nhân với cái tôi hướng nội trong một quan hệ đặc biệt là đối thoại với một nền văn hóa đã góp phần kiến tạo nên đời sống tinh thần của bản thân mình. Việc ông thể hiện thái độ trong ứng xử văn hóa và thể hiện tài năng văn chương của mình như thế nào thực sự là vấn đề có ý nghĩa sâu sắc. Tất nhiên, vấn đề này đòi hỏi chúng ta phải dõi theo mỗi một xôn xao trong cõi lòng của ông suốt cuộc hành trình được ghi lại trongBắc hành tạp lục, ông không chỉ là ngợi ca, tán thưởng cảnh đẹp, mà còn bộc lộ sự ngưỡng mộ và cảm thông sâu sắc đối với những số phận con người mà nay đối với ông đã trở thành nhân vật lịch sử v.v. Tuy nhiên, bước đầu sự quan sát của chúng tôi xin được dừng lại ở một không gian văn hóa tiêu biểu, đó là không gian mà ở đó, mọi tao nhân mặc khách "buộc" phải bộc lộ cái tôi của mình trước vũ trụ, nhân sinh. Không gian văn hóa siêu thời gian đó chính là những danh thắng như lầu Hoàng Hạc, lầu Nhạc Dương v.v.

1.3. Đăng lâu vịnh cảnh đã trở thành ứng xử văn hóa và thể hiện tài năng văn chương của văn nhân Trung Quốc; không những thế, do sự giao lưu văn hóa - văn học từ rất sớm giữa hai nước Trung - Việt, nên văn nhân Việt Nam cũng tự nhiên hình thành phương thức ứng xử văn hóa và mô thức tư duy của kiểu loại văn học này. Chẳng thế mà tại lầu Hoàng Hạc, không chỉ ghi khắc dấu tích về văn hóa và thi văn của văn nhân Trung Quốc, mà còn lưu lại rất nhiều thi ca của sứ thần - thi nhân Việt Nam trong các dịp đi sứ. Lầu Hoàng Hạc cũng như một số lầu gác, đài tạ khác trở thành điểm hẹn, nơi tao phùng hội ngộ của thi nhân, là nơi kích thích tài năng thơ ca của họ. Do vậy, trên phương diện ứng xử văn hóa, có thể nói không ngoa rằng, thi nhân nào đến lầu Hoàng Hạc (cũng như các danh lâu khác) mà không đề vịnh thì thậm chí còn bị coi là "có vấn đề". Vì thế, trong một vài hướng mở của bài viết này, chúng tôi sẽ thống kê và tiến hành khảo sát toàn bộ các tác phẩm thi văn trước tác về ngôi lầu này (cũng như có thể mở rộng ra các danh thắng "đình các, đài tạ" nổi tiếng khác) của văn nhân Trung Quốc cũng như văn nhân Việt Nam (có thể mở rộng ra các nước đồng văn khu vực Đông á như Nhật Bản, Triều Tiên); đồng thời tiến hành phân tích - so sánh, để từ đó hy vọng có cái nhìn toàn diện và sâu sắc hơn về mối quan hệ "nguyên - lưu", sự giao lưu văn hóa, cũng như sự tiếp biến và sáng tạo văn học. Những công việc đó là cần thiết và thú vị, song trong bài viết này, do điều kiện về thời gian, chúng tôi đành phải gác lại dịp khác.

 

2 .

Những quan sát trên bình diện giao lưu văn hóa - văn học như trên, theo chúng tôi, vẫn chưa đủ độ tin cậy cần thiết; vì vậy, chúng tôi muốn di chuyển điểm nhìn của mình, kết hợp cùng góc nhìn văn hóa, mạnh dạn bước vào ngôi nhà nghệ thuật của các nhà thơ, để từ đó có thể điều chỉnh hoặc củng cố thêm những xác tín ban đầu của mình.

2.1. Quan sát trước hết ở bề ngoài, chúng tôi thấy, đối với những bài thơ đăng lãm[3] trong Bắc hành tạp lục, Nguyễn Du dường như đã lựa chọn đúng thể loại của những danh tác đề vịnh về những ngôi lầu đó; chẳng hạn ông đã chọn thể thất ngôn luật thi để đề vịnh lầu Hoàng Hạc, lại chọn thể ngũ ngôn luật thi để đề vịnh lầu Nhạc Dương và đó chính là những thể loại mà Thôi Hạo và Đỗ Phủ đã chọn để đề vịnh Hoàng Hạc lâu và Nhạc Dương lâu. Các bài thơ của Nguyễn Du và Thôi Hạo, Lý Bạch, Đỗ Phủ đều là loại thơ đề vịnh, cụ thể là thuộc tiểu loại thơ đăng lãm. Điều này có vẻ cho thấy, Nguyễn Du dường như có ý đua tranh tài thơ với cổ nhân; song thực ra, theo suy nghĩ của chúng tôi, qua quá trình tiếp nhận lâu dài, nghiêm túc và nhất là đã từng trải trong quá trình sáng tác của mình, Nguyễn Du đã nhận thức sâu sắc và lựa chọn theo "sự sáng suốt" của cổ nhân. Bởi những thể loại đó trong quá trình phát triển nội tại của mình đã tỏ ra "có duyên" hơn cả với chủ đề vịnh cảnh - trữ tình và như chúng ta đều biết, chính nó đã góp phần không nhỏ giúp Thôi Hạo và Đỗ Phủ đăng lâu vịnh cảnh và đăng quang trên thi đàn. Thể loại thơ đăng lãm có từ thời Lục triều, tiêu biểu là thơ cổ thể của Tạ Linh Vận (Đăng trì thượng lâu), Tạ Dữu (Vãn đăng Tam Sơn hoàn vọng Kinh ấp) và Bão Chiếu (Đăng Phiên Xa nghiễn) v.v. Đến đời Đường, bên cạnh các nhà thơ như Trần Tử Ngang (Đăng U Châu đài ca), Sầm Tham (Dữ Cao Thích, Tiết Cứ đăng Từ Ân tự phù đồ), Lý Bạch (Đăng Thái Bạch phong, Đăng Nga Mi sơnThu đăng Tuyên Thành Tạ Dữu Bắc lâu), Đỗ Phủ (Vọng NhạcĐồng chư công đăng Từ Ân tự tháp phù đồ)[4]Đăng Quán Tước lâu), Mạnh Hạo Nhiên (Vọng Động Đình hồ tặng Trương Thừa tướngDữ chư tử đăng Nghiễn Sơn), Lý Bạch (Đăng Kim Lăng Phượng Hoàng đài), Đỗ Phủ (Đăng Duyện Châu thành lâuĐăng lâuĐăng cao) v.v; liên tục cho đến khi Thôi Hạo sáng tác bài thơ Hoàng Hạc lâu thì dường như tiểu loại này mới thực sự tìm ra cách thức biểu đạt tốt nhất của mình và tìm ra được chủ soái. Thi đàn Thịnh Đường và cả văn giới sau này đều đồng tình với Nghiêm Vũ, cho Hoàng Hạc lâu v.v, vẫn làm thơ "đăng đài", "đăng tháp", "đăng sơn" bằng cổ thể, đã xuất hiện những nhà thơ trước tác thơ đăng lãm bằng thể thơ cách luật (tuyệt cú cách luật và luật thi) như Vương Chi Hoán ( của Thôi Hạo là số một của thể thất ngôn luật thi nói chung và thơ đăng lãm nói riêng. Nguyễn Du lựa chọn thể loại và đặt nhan đề bài thơ giống như thơ của Thôi Hạo là điều rất có ý nghĩa.

2.2. Như chúng ta đều biết, trước Nguyễn Du, đã có rất nhiều thi nhân Trung Quốc các đời đề thơ ở lầu Hoàng Hạc. Tuy nhiên, cả những truyền thuyết và những lời đồn đại hư hư thực thực, lẫn những lời bình luận đầy quyền uy của các nhà thi học đời Đường và các đời sau đó, đều nhất trí xác lập địa vị "Hoàng Hạc lâu chủ soái" cho Thôi Hạo và vị trí "luật thi đệ nhất" cho tuyệt tác Hoàng Hạc lâu của ông. Chúng tôi hướng sự chú ý tới điểm này là bởi ý thức về uy quyền của cái được coi là "kiểu mẫu", nó không chỉ thể hiện trong sáng tác văn chương nói riêng, mà còn trong mọi lĩnh vực văn hóa nói chung của thời cổ đại ở Trung Quốc và thời trung đại ở Việt Nam. Câu chuyện về Lý Bạch "đầu bút" vì "Thôi Hạo đề thi tại thượng đầu" đã nêu ở trên, do vậy theo chúng tôi, sẽ chứa đựng nhiều sự thật hơn là tính chất truyền kỳ hư thực. Bởi trên thực tế, sau khi không đề vịnh trực tiếp bài thơ về lầu Hoàng Hạc, Lý Bạch khi du ngoạn xuống Kim Lăng (thành phố Nam Kinh ngày nay), đến đài Phượng Hoàng, đã mô phỏng Thôi Hạo để trước tác bài Đăng Kim Lăng Phượng Hoàng đài. Qua so sánh với Hoàng Hạc lâu của Thôi Hạo, chí ít ta cũng thấy sự tương đồng thể hiện trên mô thức trữ tình của Đăng Kim Lăng Phượng Hoàng đài:

Phượng Hoàng đài thượng phượng hoàng du,

Phượng khứ đài không giang tự lưu.

Chất liệu huyền thoại

Ngô cung hoa thảo mai u kính,

Tấn đại y quan thành cổ khâu.

Chất liệu lịch sử

Tam Sơn bán lạc thanh thiên ngoại,

Nhất thủy trung phân Bạch Lộ châu.

Chất liệu thiên nhiên

Tổng vị phù vân năng tế nhật,

Tràng An bất kiến sử nhân sầu.

Trữ tình

Đọc bài thơ trên của Lý Bạch, chúng ta dễ dàng nhận ra sự thay đổi về cách sử dụng chất liệu. Nếu như Thôi Hạo trong Hoàng Hạc lâu sử dụng cả bốn câu thơ đầu theo kiểu thức của Nhạc phủ Nam triều, tạo nên hình thức đặc biệt cho luật thi, trong đó ông thực hiện thao tác lưỡng phân kèm theo sự hoán cải (từ phổ biến là hai câu tả cảnh / hai câu trữ tình sang hai câu tự sự / hai câu trữ tình), thì đến Lý Bạch, một mặt ông vẫn giữ nguyên mô thức của liên thơ thứ nhất sử dụng chất liệu huyền thoại, song ông đã thay liên thơ trữ tình của Thôi Hạo bằng liên thơ sử dụng chất liệu lịch sử; tuy vậy, cái khung trữ tình thể hiện ở sự đối lập giữa cảm nhận về thế giới của con người qua cảm hứng về thế sự với triết lý về sự vĩnh hằng của thế giới tự nhiên thì vẫn không thay đổi. Sau Lý Bạch, còn nhiều nhà thơ, với mức độ khác nhau mô phỏng Thôi Hạo. Việc Lý Bạch, người được coi là thi bá văn đàn Thịnh Đường, người trước tác không ít bài ca tụng tài năng, phẩm đức của cổ nhân, nhưng không phải nhiều lần lắm ca ngợi tài thơ của thi hữu cùng thời, vậy mà buộc phải đề thơ bái phục tài năng của danh tác Hoàng Hạc lâu, cùng với việc hầu hết thi nhân các đời vịnh thơ về lầu Hoàng Hạc đều tôn xưng và sử dụng thi liệu trong thơ Thôi Hạo, cho chúng ta thấy, đây thực sự là một hiện tượng và hiện tượng này không phải là cá biệt, mà là phổ quát, mang tính quy luật trong sáng tác văn chương thời cổ trung đại. Bị quy định bởi quy luật đó, cũng như được sáng tác trong môi trường văn hóa thẩm mỹ đó, thi nhân các đời, dường như là trong vô thức, đã trước tác nên những thi phẩm nhìn chung là "đại đồng tiểu dị" và đều hướng về cái "kiểu mẫu" mà họ nhất trí tôn sùng là "đệ nhất". Trong một trường liên tưởng rộng rãi về quá khứ, về cái được coi là mẫu mực, điển phạm, không phải chỉ có riêng cái "kiểu mẫu" đó (tuy rằng đây là cái cơ bản nhất), mà còn có hoặc ít hoặc nhiều những "sự điển" và "ngữ điển" khác nữa thường được thi nhân sử dụng làm chất liệu khi trước tác.

2.3. Đọc một số bài thơ đăng lãm của Nguyễn Du trong Bắc hành tạp lục, chúng tôi thấy, về tâm thái, ông cũng giống như Lý Bạch khi sáng tác Đăng Kim Lăng Phượng Hoàng đài. Điều đó có nghĩa là, Nguyễn Du đã rất khâm phục cổ nhân và rất tự nhiên đã chọn lựa thể cách mà nhờ đó thơ của cổ nhân trở thành "đệ nhất". Nếu như Lý Bạch chỉ mô phỏng cái khung của "kiểu mẫu", thì Nguyễn Du không hề có ý dấu giếm gì khi bày đặt rất thịnh soạn cả người và thơ của cổ nhân vào chỗ trang trọng nhất của bài luật thi, đó là hai liên giữa bài Hoàng Hạc lâu của ông:

Kim lai cổ vãng Lư Sinh mộng,

Hạc khứ lầu không Thôi Hạo thi.

Hạm ngoại yên ba chung diểu diểu,

Nhãn trung thảo thụ thượng y y.

Ngay cả liên thơ đầu, Nguyễn Du cũng đề cập tới câu chuyện truyền thuyết về người tiên cưỡi hạc nổi tiếng, nhưng ta lại thấy, ông đã nói tới nó với một cách thức có khác so với Thôi Hạo:

Hà xứ thần tiên kinh kỷ thì?

Do lưu tiên tích thử giang my.

Thôi Hạo đã rất tài tình khi đưa một câu chuyện truyền thuyết hư hư thực thực về lầu Hoàng Hạc vào trong thơ, lại dùng tới bốn câu thơ đầu, tức là một nửa bài thơ, trong đó có những câu thơ "luật thi đệ nhất" gần như phá vỡ tất cả những quy định về niêm luật[5], để kể với người đương thời về câu chuyện người tiên "dĩ thừa hoàng hạc khứ", kèm theo nhiều tiếng nấc nghẹn ngào thể hiện sự tiếc nuối vô bờ bến của ông, khiến cho người đọc, dù rất xúc động cùng ông, song vẫn nhận ngay ra sự tiếc nuối đó quyết không phải là sự tiếc nuối người tiên với con hạc vàng đã bay lên tiên giới. Quả thật, trong công việc này, Thôi Hạo đã thực hiện quá hoàn hảo, danh tiếng của ông đã nổi như cồn, hậu nhân đến lầu Hoàng Hạc như Lý Bạch, người cùng thời với Thôi Hạo mà còn phải "đầu bút", huống chi thi nhân ở những đời sau.

Như vậy, Nguyễn Du hẳn là không có ý định thi thố tài năng với cổ nhân, song cũng không phải vì vậy mà ông có thái độ "đầu bút" như Lý Bạch. Lý Bạch là người cùng thời với Thôi Hạo, những điều Lý Bạch muốn bày tỏ, Thôi Hạo đã nói cả rồi, mà lại nói đạt đến mức độ "đệ nhất". Lý Bạch đầu bút là đương nhiên. Còn Nguyễn Du, ông là thi nhân của một đất nước còn xa hơn cả vùng phương nam xa xôi của Trung Quốc, hơn nữa ông là thi nhân của một thời đại khác với Thôi Hạo. Đến lầu Hoàng Hạc, một mặt ông mang tâm thái cũng như Đỗ Phủ xưa khi đến lầu Nhạc Dương ("Tích văn Động Đình thủy, kim thướng Nhạc Dương lâu"), chắc hẳn là rất xúc động trước mỹ cảnh và cổ nhân; mặt khác rất tự nhiên, ông muốn bày tỏ sự ngưỡng mộ và sẻ chia cõi lòng trắc ẩn của mình đối với người xưa. Đó phải chăng là lý do ông công khai thể hiện thái độ trân trọng của mình với danh tác của Thôi Hạo, đồng thời cảm thông sâu sắc với nỗi "sầu" của thi nhân đời Đường. Nguyễn Du diễn đạt cái điều mà ông đã biết, đã thẩm thấu từ lâu bằng một câu hỏi rằng: thần tiên ở chốn nào, việc xảy ra đã bao lâu rồi, thế mà nay vẫn còn để lại dấu tích ở bên sông? Đối với liên thơ "họa cảnh" thiên nhiên, Nguyễn Du cũng không thực hiện công việc tạo tác "danh cú" như Thôi Hạo trước đây đã làm ("Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ, xuân thảo thê thê Anh Vũ châu"), mà đơn giản, ông tiến hành đối thoại với cổ nhân và mượn thơ của họ để nói những vấn đề của thời đại mình, nói theo cách hướng tới sự điển nhã và theo kiểu bác cổ thông kim. Điều này cũng thấy khá rõ trong bài đề vịnh về lầu Nhạc Dương của ông:

Nguy lâu trĩ cao ngạn / đăng lâm hà tráng tai!

Phù vân Tam Sở tận / thu thủy cửu giang lai.

Vãng sự truyền tam túy / cố hương không nhất nhai.

Tây phong ỷ cô hạm / hồng nhạn hữu dư ai.

(Đăng Nhạc Dương lâu)

Trong cái khung "vịnh cảnh tư hương" của bài thơ ngũ luật cùng tên của Đỗ Phủ, về sử dụng chất liệu, nửa đầu bài thơ, Nguyễn Du dường như mô phỏng Đỗ Phủ, nhưng ở nửa cuối thì đã có sự thay đổi: một mặt, ông thay liên thơ thứ ba của Đỗ Phủ (nội dung than thở về tình cảnh phiêu dạt tha hương, bặt tin thân hữu, tuổi già bệnh tật), bằng cách đưa thêm vào điển tích về vị đạo sĩ, thi nhân Lã Động Tân đời Đường, cùng với thi liệu "tam túy" (ba lần say) trong câu thơ nổi tiếng của ông ta về lầu Nhạc Dương ("Tam túy Nhạc Dương nhân bất thức / lãng ngâm phi quá Động Đình hồ" - Ba lần uống rượu say ở lầu Nhạc Dương không ai biết / hát vang bay qua hồ Động Đình); mặt khác, ở liên thơ thứ tư, Nguyễn Du đã bỏ câu thơ có nội dung phản ánh chiến tranh loạn lạc trong thơ Đỗ Phủ và mở rộng biên độ trữ tình cho liên thơ này. Sự thay đổi kết cấu ở hai liên thơ trên là việc bắt buộc, bởi nội dung chiến tranh không còn phù hợp với hoàn cảnh của Nguyễn Du khi ấy. Đối với bài thơ này, điều cần lưu ý chính là, điển tích về vị đạo sĩ và thi liệu trong thơ của ông ta đã đến với Nguyễn Du một cách tự nhiên theo một trường liên tưởng đã được xác lập từ trước và chính sự chọn lựa và thay đổi tài tình đó đã tạo nên vẻ huyền ảo cho đối tượng đề vịnh.

Trở lại với liên thơ thứ hai bài thơ Hoàng Hạc lâu của Nguyễn Du. Trong liên thơ này, chúng ta như thấy ông đang chia sẻ cảm nhận về cuộc đời với Thôi Hạo trong câu thơ "kim lai cổ vãng Lư Sinh mộng", song ngay câu thơ sau đó, ta lại thấy ông ngợi ca khẳng định cổ nhân bằng chính cái cách xử lý mối quan hệ đối lập "còn - mất" giữa thế giới con người và thế giới tự nhiên của cổ nhân, sự đối lập được thực hiện ngay trong nội bộ một câu thơ: "Hạc khứ lầu không // Thôi Hạo thi" - theo ông, tất cả đều tiêu tan cùng dòng sông thời gian, song thơ của Thôi Hạo thì tồn tại vĩnh hằng. Điều này chính thi nhân Lý Bạch đã từng khẳng định khi nói về "từ phú" của Khuất Nguyên[6]. Phải chăng sau khi đã trước tác tới năm bài thơ "điếu thương" Khuất Nguyên, những lời ngợi ca của Lý Bạch về Tam lư Đại phu tự lúc nào đã hòa cùng nhịp đập với trái tim Nguyễn Du, khiến ông tự nhiên cất lên tiếng nói của chính thời đại mình, tiếng nói khẳng định tài năng và phẩm đức của con người.

Đối với liên thơ thứ ba, Nguyễn Du đã sử dụng thi liệu từ bài thơ "kiểu mẫu", tái tạo lại cảnh vật trước lầu Hoàng Hạc qua xác nhận của thị giác, từ đó khẳng định tính chất siêu việt thời gian của "yên ba", "thảo thụ", những thứ biểu trưng cho sự vĩnh hằng của giới tự nhiên, sau đó đem đối lập nó với cảm nhận về sự chốc lát, tạm thời của nhân sinh được thể hiện ở liên thơ trước; cách thức đó khiến cho bài thơ có được chiều sâu triết lý, đồng thời cũng thể hiện được tài năng thi ca trên phương diện uyên bác về tri thức, giống như cách ông đưa điển tích về Lã Động Tân trong bài Đăng Nhạc Dương lâu.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý trong bài thơ này của Nguyễn Du lại nằm ở liên thơ cuối. Điểm giống nhau giữa Nguyễn Du và Thôi Hạo là nỗi "sầu" "vô hạn", thế nhưng nếu như nhà thơ đời Đường đã vũ trụ hóa nỗi sầu của mình bằng cách đem lồng khối sầu ấy vào cảnh tượng "yên ba giang thượng", nước trời nhất thể, thì Nguyễn Du ngược lại, ông đã không thể đem nỗi niềm ấy "bằng thùy tố?" - tức không biết chia sẻ cùng ai; hơn thế, ông còn thờ ơ ngay cả với "minh nguyệt thanh phong". Nguyễn Du của chúng ta thật cô đơn, ông cô đơn hơn cả cổ nhân vậy. Nếu như ở lầu Nhạc Dương, Nguyễn Du chia sẻ nỗi "dư ai" nhớ về cố hương với Đỗ Phủ, thì ở lầu Hoàng Hạc, ông như "tự cư" với nỗi "sầu" mênh mang như khói sóng trên sông của Thôi Hạo.

2.4. Nỗi sầu ở lầu Hoàng Hạc vẫn đeo đẳng Nguyễn Du khi ông trước tác Hán Dương vãn thiếu. Trước khi cảm nhận nỗi sầu đó, chúng ta hãy đọc hai liên giữa của bài thơ này:

Quy Hạc lưỡng sơn tương đối ngạn,

Thần tiên nhất khứ chỉ không lâu.

Thi thành thảo thụ giai thiên cổ,

Nhật mộ hương quan cộng nhất sầu.

Một lần nữa, thi liệu trong bài thơ Hoàng Hạc lâu của Thôi Hạo đã được Nguyễn Du đặt vào vị trí trang trọng nhất trong bài Hán Dương vãn thiếu, y như bài thơ Hoàng Hạc lâu ở trên của ông. Tuy nhiên, ở bài thơ này, cùng với việc mô phỏng hình thức bố cục của Hoàng Hạc lâu (ngoài hai liên giữa ra, còn đối cả liên thơ đầu), Nguyễn Du đã có những sáng tạo đột xuất khi ông cải biến mô thức đã quá quen thuộc của bài thơ "kiểu mẫu", thực hiện một kiểu đối ngẫu dị loại mới mẻ trong nội bộ từng liên qua cách thức sử dụng một cách tập trung thủ pháp đối sánh với sự hoán đổi liên tục các dạng thức chất liệu của lịch sử và tự nhiên. Ông xác lập một loạt các mối quan hệ đối lập - thống nhất theo từng cặp tương ứng với từng liên; trong đó, có sự đối lập giữa sự nghiệp của Tây Sở Bá Vương mà nay chỉ còn là dấu tích với dòng sông thời gian vô thủy vô chung đêm ngày cuồn cuộn chảy về đông cuốn theo biết bao số phận anh hùng; có sự đối lập giữa "Quy Hạc lưỡng sơn tương đối ngạn" muôn đời vẫn thế với một thời vàng son, một thời hưng thịnh được biểu trưng hóa bằng hình tượng "thần tiên nhất khứ" mà nay chỉ còn là "không lâu", chỉ còn trong hồi ức, trong nỗi tiếc nuối vô hạn của những người có nỗi niềm "ưu quốc tư hương"; lại có sự đối lập giữa "thảo thụ giai thiên cổ" với nỗi "cộng nhất sầu" tha hương phiêu dạt của biết bao thế hệ thi nhân. Nếu như câu thơ của Trương Nhược Hư trong danh tác Xuân giang hoa nguyệt dạ: "Nhân sinh đại đại vô cùng dĩ, giang nguyệt niên niên chỉ tương tự" (cuộc đời con người từ đời này sang đời khác kéo dài đến vô tận, vầng trăng trên dòng sông năm này qua năm khác vẫn như thế), đem đến cho ta một niềm an ủi về cuộc đời ngắn ngủi của mỗi con người sẽ được nối dài bằng cuộc đời của biết bao thế hệ con người để cùng tồn tại vĩnh hằng với vầng trăng năm này qua tháng khác vẫn cứ treo lơ lửng trên không trung kia, thì câu thơ của Nguyễn Du với khúc điệu liên tục và dồn nén, đã đẩy mối "sầu" của con người lên đến đỉnh điểm, làm cho câu thơ đến đây trở nên chua chát đắng cay lạ thường.

Bài thơ kết thúc bằng sự một sự đối lập nhằm làm nổi bật số phận bất hạnh của con người giống như ở liên thơ đầu, khiến cho thi nhân đầy lòng trắc ẩn của chúng ta trào rơi nước mắt:

Tưởng tượng đương niên xuy địch dạ,

Bạch tần hồng liệu mãn thinh châu.

Ai là người "tưởng tượng" - đó chính là Nguyễn Du, còn ai là người "đương niên xuy địch dạ" - đó chính là Lý Bạch. Lý Bạch năm ấy (758) trên đường bị đày đi Dạ Lang, qua Giang Hạ (tức Vũ Hán nay), đã nghỉ lại bên lầu Hoàng Hạc, đang đêm bỗng nghe tiếng sáo trên lầu vọng xuống, ai đó tấu khúc nhạc Mai hoa lạc, khúc nhạc "kỷ niệm" về một mùa xuân đã "cạn ngày", khiến ông, người chiến binh già nua thất trận trên con đường công danh sự nghiệp, người đang mang thân phận là "thiên khách" (kẻ bị biếm trích, song thực chất còn tệ hơn, bởi ông là kẻ bị đi đày) buồn đến đứt ruột. Nỗi buồn tự ngàn xưa đó làm quặn đau cả nỗi lòng của Nguyễn Du, khiến ông như cảm nhận thấy "bạch tần hồng liệu" cũng tựa "mai hoa" xưa, rụng đầy cả bãi sông. Thiên nhiên cũng tàn tạ cùng tâm can héo hắt của con người.

Bài thơ mở đầu bằng lời than về một số phận anh hùng và được kết thúc bằng nỗi xót xa tê tái về một thân phận tài hoa, hai liên giữa lại nặng trĩu một nỗi "cộng nhất sầu". Có thể nói, cả bài thơ Hán Dương vãn thiếu là một khối sầu. Nó xuyên suốt cổ kim, quyện chặt và bám riết lấy con người. Nguyễn Du đã đồng nhất hóa nhiều số phận ở các thời đại khác nhau, xâu chuỗi tất cả lại bằng khối sầu ấy. Đây phải chăng là nỗi sầu "vạn cổ" như Lý Bạch từng nói trong bài thơ Tương tiến tửu. Ở trong nước, chúng ta đã chứng kiến nỗi bi ai bao trùm trong thơ Nguyễn Du, khi ông đi sứ, chúng ta vẫn thấy nỗi buồn đó trong ông chẳng vợi đi được chút nào.

Lầu Hoàng Hạc đọng lại trong tâm trí của Nguyễn Du là như thế. Ông đã lặng lẽ chiêm nghiệm và đưa ra cách nhìn nhận thấu suốt về cõi đời, cõi người. Nguyễn Du sâu sắc, nhân văn và vĩ đại biết bao. Thơ đề vịnh về cụm di tích lầu Hoàng Hạc của ông, đặc biệt là Hán Dương vãn thiếu, thực sự là danh thiên không hề hổ thẹn với Hoàng Hạc lâucủa Thôi Hạo. Nếu như Hoàng Hạc lâu của Thôi Hạo ngự trị "tại thượng đầu" không chỉ ở thời đại của ông, thì Hán Dương vãn thiếu của Nguyễn Du cũng trở thành đài tưởng niệm cho nỗi đau đời của một trái tim lớn. Thơ của Nguyễn Du xứng đáng được coi là "tập đại thành" của nỗi sầu và khiến buổi chiều ở Hán Dương bên lầu Hoàng Hạc trở thành bất tử. Có thể nói, tinh thần nhân văn và tài năng văn chương của Nguyễn Du đã đưa ông đến được với cổ nhân, cùng ngồi với họ để kể chung một câu chuyện buồn về thế sự và nhân sinh, bộc lộ chung một nỗi niềm "hoài tài bất ngộ", cũng như ôm chung một nỗi hận "thiên nan vấn" mà mãi mãi nhân loại vẫn đang miệt mài kiếm tìm.

*     *    *

Lời kết: Nguyễn Du, đại thi hào của dân tộc ta không chỉ đã hoàn thành một chuyến đi sứ thông thường của một sứ thần; với Bắc hành tạp lục nói chung và với các tác phẩm thơ đăng lãm nói riêng, ông thực sự đã thực hiện một cuộc hoàn nguyên và đối thoại mang tính lịch sử và đầy ý nghĩa. Nguyễn Du không chỉ cho thấy, ông đã tiếp nhận đến mức nhuần nhuyễn nguồn tri thức văn hóa - văn học từ bên ngoài cho mình, hơn nữa, bằng trái tim đầy tình yêu thương và trắc ẩn, ông còn khẳng định được nhân cách văn hóa và tài năng văn chương của mình ở chính nơi được coi là ngọn nguồn của văn hóa - văn học mà ông từng tắm gội. Thơ đăng lãm của ông đã cho thấy thái độ tiếp nhận trân trọng, tầm vóc tri thức uyên bác, khả năng tiếp biến và sáng tạo đặc biệt của ông. Chính những điều đó đã góp phần đưa tên tuổi của Nguyễn Du lên vị trí của một đại thi hào. Tìm hiểu các trước tác của ông khiến chúng tôi, những người nghiên cứu văn học cổ trung đại, rút ra được nhiều bài học quý báu trong công việc hiện nay của mình, ít nhiều tránh được sự hời hợt, bất cập và cả duy ý chí nữa trong quá trình học tập cổ nhân và tiếp nhận các nguồn tri thức từ bên ngoài./.

Tháng 10 năm 2005

 

-----------------------------------------------------------

Phụ lục

(Phiên dịch, chú giải các tác phẩm sử dụng trong bài viết)

Bài 1:

    • Nguyễn Du: Hoàng Hạc lâu(1)

何處神仙經幾時              Hà xứ thần tiên kinh kỷ thì?

猶留仙跡此江湄              Do lưu tiên tích thử giang my(2).

今來古往廬生夢              Kim lai cổ vãng Lư Sinh mộng(3),

鶴去樓空崔顥詩              Hạc khứ lầu không Thôi Hạo thi(4).

檻外煙波終渺渺              Hạm ngoại yên ba chung diểu diểu(5),

眼中草樹尚依依              Nhãn trung thảo thụ thượng y y(6).

衷情無限憑誰訴              Trung tình vô hạn bằng thùy tố?

明月清風也不知              Minh nguyệt thanh phong dã bất tri.

Chú giải:

(1) Hoàng Hạc lâu: xem chú thích (1) bài Hoàng Hạc lâu của Thôi Hạo (Bài 4) ở dưới.

Tên tác giả bài thơ này, chúng tôi đọc theo cách phiên thiết của Quảng vận, sách ghi âm đọc thời Trung cổ, được dẫn trong bộ Hán ngữ đại từ điển (Súc ấn bản, 3 cuốn, Hán ngữ đại từ điển Xuất bản xã, 1997) như sau: 顥,廣韻:"胡老切,上皓,匣 [Hồ lão thiết, thượng (thanh điệu) hạo (vần), hạp (phụ âm đầu)]. Như vậy, tên tác giả bài thơ đọc là Hạo.

(2) Câu này cũng xem chú thích (2) bài Hoàng Hạc lâu của Thôi Hạo (Bài 4) ở dưới.

(3) Lư Sinh mộng: giấc mộng của anh học trò họ Lư, còn gọi là giấc mộng kê vàng. Thiên Chẩm trung ký của Thẩm Ký Tế (truyền kỳ đời Đường) chép rằng, Lư sinh thi hỏng, khi nghỉ trọ ở Hàm Đan, thì được một đạo sĩ cho mượn cái gối. Đêm nằm ngủ mơ thấy mình thi đỗ, quan cao lộc hậu, được sống cuộc đời vinh hoa phú quý. Lúc ngủ, chủ quán đang nấu nồi cháo kê vàng, đến khi tỉnh dậy biết là mình nằm mơ thì nồi cháo vẫn chưa chín.

(4) Thôi Hạo thi: chỉ danh tác Hoàng Hạc lâu của Thôi Hạo.

(5), (6) Yên bathảo thụ: Nguyễn Du sử dụng thi liệu trong bài Hoàng Hạc lâu của Thôi Hạo, đó là câu: "Yên bagiang thượng sử nhân sầu" và câu 5-6: "Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ / xuân thảo thê thê Anh Vũ châu".

Dịch nghĩa:

Lầu Hoàng Hạc

Thần tiên ở xứ nào, trải đã bao thời? [Thế mà nay] vẫn còn lưu lại dấu tích ở bên sông này.

Nay lại xưa qua chẳng khác gì giấc mộng của anh học trò họ Lư; hạc bay lầu trống, chỉ còn thơ của Thôi Hạo.

Khói sóng ngoài hiên vẫn mênh mang mờ mịt; cỏ cây trước mắt vẫn xanh tươi mơn mởn như xưa.

Tình cảm trong lòng dào dạt biết ngỏ cùng ai? Trăng thanh gió mát cũng chẳng hay biết gì.

Bài 2:

     •  Nguyễn Du: Hán Dương vãn thiếu(1)

霸王陳跡屬悠悠        Bá Vương trần tích thuộc du du(2),

漢水滔滔晝夜流         Hán Thủy thao thao trú dạ lưu(3).

龜鶴兩山相對岸        Quy Hạc lưỡng sơn tương đối ngạn(4),

神仙一去只空樓         Thần tiên nhất khứ chỉ không lâu(5).

詩成草樹皆千古         Thi thành thảo thụ giai thiên cổ(6),

日暮鄉關共一愁         Nhật mộ hương quan cộng nhất sầu(7).

想象當年吹笛夜        Tưởng tượng đương niên xuy địch dạ(8),

白蘋紅蓼滿汀洲         Bạch tần hồng liệu mãn thinh châu(9).

Chú giải:

(1) Hán Dương: xem chú thích (3) bài Hoàng Hạc lâu của Thôi Hạo ở dưới.

Âm đọc chữ : có bản đọc "diểu", có bản đọc "diếu". Tuy nhiên, Hán ngữ đại từ điển dẫn Quảng vận ghi duy nhất một cách đọc như sau: : 眺 , 廣韻 : 他弔切 , 去嘯 , 透. [Tha điếu thiết, khứ khiếu, thấu]. Như cách đọc chữ "Hạo" ở trên, chữ này phải đọc là "thiếu". Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh không có chữ ? ở các mục từ "diếu", "diểu", "thiếu"; còn Hán Việt tự điển của Thiều Chửu thì đọc là "thiếu" như phiên thiết của Quảng vận.

(2) Bá Vương: chỉ Tây Sở Bá Vương, tức Hạng Tịch, tự là Vũ, người Hạ Tương (tây nam Túc Thiên, tỉnh Giang Tô nay), là danh tướng nước Sở thời Chiến quốc. Sau khi đánh chiếm được nước Tần, Hạng Vũ không xưng vương ở Hàm Dương mà "đông quy" cố hương Sở quốc, tự lập làm Tây Sở Bá Vương và đóng đô ở Bành Thành (nay là Từ Châu, tỉnh Giang Tô). Sau đó, "tranh hùng" với Lưu Bang bị đại bại, cùng đường phải tự vẫn ở Ô Giang. Nơi đây vẫn còn Ô Giang đình (còn gọi Hạng đình) thờ ông ta, còn bên kia sông là vùng Giang Đông, cố hương của Hạng Vũ. Nguyễn Du khi "vãn thiếu", tức ngắm cảnh chiều ở Hán Dương, đã hồi tưởng lại câu chuyện về số phận của vị anh hùng có sức mạnh "bạt núi", đồng thời nhớ lại "trần tích" (dấu tích xưa) của Tây Sở Bá Vương ở khắp vùng trung lưu về phía nam của sông Trường Giang, cả nơi ông ta dựng đô lẫn nơi ông ta phải tự sát.

(3) Hán Thủy: tên sông, một nhánh của sông Trường Giang.

(4) Quy Hạc lưỡng sơn: tức Quy Sơn và Hạc Sơn, tên hai ngọn núi nằm đối diện bên sông Trường Giang.

(5) Thần tiên nhất khứ: xem chú thích (2) bài Hoàng Hạc lâu của Thôi Hạo.

(6) Thảo thụ: tức "Hán Dương thụ" và "xuân thảo" trong liên thơ thứ 3 bài Hoàng Hạc lâu của Thôi Hạo. Tác giả muốn nói, khi Thôi Hạo làm bài thơ Hoàng Hạc lâu thì cây cỏ ở lầu Hoàng Hạc trường tồn, cũng chính là nói liên thơ đó thành giai cú và bài thơ trở thành danh thiên, lưu truyền thiên cổ.

(7) Nhật mộ hương quan...: thi liệu trong bài Hoàng Hạc lâu của Thôi Hạo, liên cuối: "Nhật mộ hương quan hà xứ thị / Yên ba giang thượng sử nhân sầu".

(8) Đương niên xuy địch dạ: Tác giả sử dụng điển tích nhà thơ Lý Bạch bị đày đi Dạ Lang và thi liệu trong bài thơDữ Sử Lang trung Khâm thính Hoàng Hạc lâu thượng xuy địch của ông làm vào lúc đó. (Xem Phụ lụcBài 5ở dưới).

(9) Thinh: bãi đất cát nhỏ, bằng phẳng ở ven sông. Chữ này có bản đọc là "đinh". Chúng tôi tra Hán ngữ đại từ điển thấy chữ này với nghĩa như trên, tức nghĩa trong bài thơ này,  Quảng vận phiên thiết như sau: 汀 , 他丁切 , 平青 , 透  [Tha đinh thiết, bình (thanh điệu) thanh (vần: ở tiếng Việt đã xảy ra quá trình biến đổi vần inh ? anh), thấu(phụ âm đầu)]. Như vậy, chữ này đọc là "thinh". Chữ ?còn có cách đọc khứ thanh là "thính" hoặc "thịnh" [tha định thiết, khứ kính, thấu] và cách đọc thượng thanh là "đính" hoặc "đỉnh" [Đãi đỉnh thiết, thượng quýnh, định] với ý nghĩa khác với nghĩa chữ "thinh" dùng trong bài này.

Dịch nghĩa:

Ngắm cảnh chiều ở Hán Dương

Dấu cũ của Tây Sở Bá Vương đã thuộc về dĩ vãng xa xôi; nhưng dòng Hán Thủy vẫn cuồn cuộn chảy đêm ngày.

Quy Sơn và Hạc Sơn đối diện nhau bên bờ sông; thần tiên đã đi mất chỉ còn lại lầu không.

[Thôi Hạo] trước tác [Hoàng Hạc lâu] thì cỏ cây ở đây còn lại mãi mãi; chiều tà nhớ quê [cả hai ta] đều có chung một mối sầu.

Nhớ lại [Lý Bạch] năm ấy đang đêm bỗng nghe tiếng sáo trúc; [còn giờ đây] chỉ thấy rau tần trắng, lá liệu đỏ rụng đầy bãi sông.

 

Bài 3:

  :     • Nguyễn Du: Đăng Nhạc Dương lâu(1)

危 樓 峙 高 岸               Nguy lâu trĩ cao ngạn,

登 臨 何 壯 哉               Đăng lâm hà tráng tai!

浮 雲 三 楚 盡               Phù vân Tam Sở tận(2),

秋 水 九 江 來               Thu thủy cửu giang lai(3).

往 事 傳 三 醉               Vãng sự truyền tam túy(4),

故 鄉 空 一 涯               Cố hương không nhất nhai.

西 風 倚 孤 檻               Tây phong ỷ cô hạm,

鴻 雁 有 餘 哀               Hồng nhạn hữu dư ai(5).

Chú giải:

(1) Nhạc Dương lâu: lầu Nhạc Dương, xem chú thích (1) bài thơ Đăng Nhạc Dương lâu của Đỗ Phủ (Bài 7) ở dưới.

(2) Tam Sở: tên khu vực xưa, chỉ đất Sở. Cương vực của đất Sở thời Chiến quốc rất rộng lớn; thời Tần Hán chia làm Tây Sở, Đông Sở và Nam Sở, gọi gộp là Tam Sở. Thơ văn của Trung Quốc đời sau gọi Tam Sở để phiếm chỉ vùng trung du của Trường Giang về phía nam, nay là vùng thuộc hai tỉnh Hồ Nam, Hồ Bắc. Chẳng hạn, bài thơ Quá Trịnh Quảng Văn của Lý Thương ẩn có câu: : 宋玉平生恨有餘 / 遠循三楚吊三閭"Tống Ngọc bình sinh hận hữu dư / viễn tuần Tam Sở điếu Tam Lư" (Nhà thơ Tống Ngọc bình sinh lòng mang đầy nỗi hận / không quản đường xa đến vùng Tam Sở điếu thương Khuất Nguyên).

(3) Cửu Giang: cũng như nói "cửu giang bát hà", tức nhiều dòng sông cùng chảy vào hồ Động Đình; chẳng hạn như sông Tương, sông Tứ, sông Dương Tử v.v.

(4) Tam túy: tức ba lần say, chỉ Lã Động Tân, đạo sĩ, thi nhân, người đời Đường, ông tên là Nghiễm, tự Động Tân, hiệu là Thuần Dương Tử, tương truyền khi qua lầu Nhạc Dương đã làm hai câu thơ: 三醉岳陽人不識 / 朗吟飛過洞庭湖"Tam túy Nhạc Dương nhân bất thức / lãng ngâm phi quá Động Đình hồ" (Ba lần uống rượu say ở lầu Nhạc Dương không ai biết, hát vang bay qua hồ Động Đình).

(5) Hồng nhạn: tên loài chim nhạn. Qua chú thích của Chu Hy trong Thi tập truyện, thì thiên Hồng nhạn trong phần thơ Tiểu Nhã sử dụng thủ pháp hứng, dùng hình ảnh chim hồng nhạn tránh phương Bắc giá rét bay về phương Nam ấm áp, để nói về những người dân lưu lạc đi tìm cuộc sống bình yên. ở đây, Nguyễn Du dùng hình ảnh "quy nhạn nam phi" để bộc lộ nỗi nhớ cố quốc, cố hương của mình.

Dịch nghĩa:

Đăng lầu Nhạc Dương

Ngôi lầu sừng sững tọa lạc trên bờ cao; lên đến lầu này đứng trông cảnh tượng thật là hùng vĩ tráng lệ.

Mây rợp khắp vùng Tam Sở; sông thu từ mọi ngả đổ về [hồ Động Đình].

Chuyện xưa còn truyền lại rằng, Lã Động Tân từng đến lầu này làm thơ nói về ba lần uống rượu say; trông vời cố hương chỉ thấy có đường chân trời.

Đứng dựa lan can hóng gió tây thổi; nhìn chim hồng nhạn nam quy lòng càng sầu não.

 

Bài 4:

    • Thôi Hạo: Hoàng Hạc lâu(1)

昔人已乘黃鶴去         Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ(2),

此地空餘黃鶴樓        Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu.

黃鶴一去不復返         Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,

白雲千載空悠悠         Bạch vân thiên tải không du du.

晴川歷歷漢陽樹         Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ(3),

春草萋萋鸚鵡洲        Xuân thảo thê thê Anh Vũ châu(4).

日暮鄉關何處是        Nhật mộ hương quan hà xứ thị?

煙波江上使人愁        Yên ba giang thượng sử nhân sầu.

Chú giải:

(1) Thôi Hạo (?- 754): còn gọi là Thôi Hiệu, người ở Biện Châu (nay là tỉnh Hà Nam), đỗ tiến sĩ năm Khai Nguyên thứ 11 (năm 723), làm quan đến chức Tư huân Viên ngoại lang.

Hoàng Hạc lâu: lầu này nay ở ghềnh đá đầu cầu Đại Kiều, cầu bắc qua sông Trường Giang, thuộc TP. Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, là danh thắng của Trung Quốc.

(2) Nam Tề thư - Châu quận chí chép, tiên nhân Tử An cưỡi hạc vàng bay qua từng xuống đậu ở đây. Thái Bình hoàn vũ ký thì chép là tiên nhân費文禕Phí Văn Y (Có bản ghi là費文偉Phí Văn Vĩ) trước khi cưỡi hạc vàng bay lên trời từng nghỉ lại ở nơi đây.

(3) Hán Dương: địa danh, cũng nằm ở phía tây Vũ Xương như lầu Hoàng Hạc và cách lầu này không xa, nên khi trời quang mây tạnh, có thể nhìn thấy hàng cây rõ mồn một.

(4) Xuân thảo thê thê: có bản chép là phương thảo thê thê. Sách Sở từ - Chiêu ẩn sĩ có câu: 王孫游兮不歸 , 春草生兮萋萋"Vương tôn du hề bất quy / xuân thảo sinh hề thê thê." (Vương tôn đi chừ chẳng về / cỏ xuân mọc chừ mơn mởn). Anh Vũ châu: chỉ bãi cát ở sông Trường Giang, nằm phía tây nam Hán Dương.

Dịch nghĩa:

Lầu Hoàng Hạc

Người tiên đã cưỡi hoàng hạc bay đi rồi; nơi đây chỉ còn trơ lại lầu Hoàng Hạc mà thôi.

Hoàng hạc một khi đã bay đi không bao giờ trở lại nữa; chỉ có mây trắng tự ngàn xưa vẫn lững lờ trôi.

Trên dòng sông trời quang mây tạnh, rừng cây ở Hán Dương soi bóng trông rõ mồn một; bãi Anh Vũ xa xa, cỏ xuân xanh tươi mơn mởn.

Hoàng hôn buông, quê nhà ở nơi đâu? Nhìn cảnh nước trời mờ mịt càng khiến cho lòng người thêm buồn.

 

Bài 5:

 與史郎中欽聽黃鶴樓上吹笛

Lý Bạch: Dữ Sử Lang trung Khâm thính Hoàng Hạc lâu thượng xuy địch(1)

一為遷客去長沙         Nhất vi thiên khách khứ Trường Sa(2),

西望長安不見家         Tây vọng Tràng An bất kiến gia.

黃鶴樓中吹玉笛        Hoàng Hạc lâu trung xuy ngọc địch,

江城五月落梅花        Giang Thành ngũ nguyệt lạc mai hoa(3).

Chú giải:

(1) Năm 755, khi loạn An - Sử xảy ra, Lý Bạch tham gia quân đội của Vĩnh Vương Lý Lân, sau Lý Lân chống lại Đường Túc Tông bị thất bại, nên Lý Bạch bị liên lụy, bị bắt và đày đi Dạ Lang. Năm 758, trên đường qua Giang Hạ (nay là TP. Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc), Lý Bạch sáng tác bài thơ trên, ghi lại cảm xúc khi cùng một ông quan Lang trung có tên là Sử Khâm (có bản ghi là Sử ẩm) nghe tiếng sáo ở trên lầu Hoàng Hạc.

(2) Thiên khách khứ Trường Sa: dùng điển cố Giả Nghị thời Tây Hán. Thời Hán Văn Đế, Giả Nghị làm Thái trung Đại phu, bị đại thần gièm pha hãm hại nên bị biếm trích làm Thái phó cho Trường Sa Vương. Lý Bạch có ý tự ví tình cảnh của mình như Giả Nghị xưa. Thiên khách: chỉ người khách bị biếm trích. Trường Sa: địa danh, tên nước thời Tây Hán, tương đương với tỉnh Hồ Nam ngày nay.

(3) Giang Thành: chỉ Giang Hạ, tức Vũ Xương, Hồ Bắc ngày nay. Lạc mai hoa: tức Mai hoa lạc, còn gọi Mai hoa khúc (thuộc Hoành xúy khúc ­- dùng cho nhạc cụ thổi ngang), là tên một nhạc khúc của Nhạc phủ đời Hán. Sách Cổ kim nhạc lục giải thích, Mai hoa lạc là một trong số 15 nhạc khúc dùng cho sáo trúc, đó là khúc nhạc sáo của người Hồ. Lý Bạch trong bài Tòng quân hành cũng nói đến nhạc khúc này: "Địch tấu Mai hoa khúc, đao khai minh nguyệt hoàn" (Tiếng sáo tấu khúc nhạc Mai hoa lạc, khai đại đao [đầu chuôi] tròn vạnh như vầng trăng sáng). Về ý nghĩa của "mai hoa lạc", bài thứ sáu Xuân ca trong Nhạc phủ thi tập - Tí dạ tứ thời ca có câu: "Đỗ quyên trúc lý minh, mai hoa lạc mãn đạo" (Chim đỗ quyên kêu trong khóm trúc, hoa mai rụng đầy lối đi); có thể thấy, mai hoa rụng cùng với tiếng chim đỗ quyên ra rả kêu là dấu hiệu của "mộ xuân" - mùa xuân đã sắp tàn. Thơ văn xưa thường dùng hình ảnh này để thể hiện cảm nhận và bộc lộ sự nuối tiếc về thời gian.

Dịch nghĩa:

Cùng ông quan Lang trung Sử Khâm

nghe thổi sáo trên lầu Hoàng Hạc

Bỗng có một ngày [ta] thành kẻ bị biếm trích giống như Giả Nghị xưa bị đày đi Trường Sa;

Trông vời phía tây nhưng chẳng thấy Tràng An đâu.

Tiếng sáo tấu khúc Mai hoa lạc từ trên lầu Hoàng Hạc vọng đến;

Tòa thành bên sông vào tháng năm hoa mai rụng đầy.

Bài 6:

 登金陵鳳凰臺

Lý Bạch: Đăng Kim Lăng Phượng Hoàng đài(1)

鳳 凰 臺 上 鳳 凰 游            Phượng Hoàng đài thượng phượng hoàng du,

鳳 去 樓 空 江 自 流             Phượng khứ đài không giang tự lưu.

吳 宮 花 草 埋 幽 徑             Ngô cung hoa thảo mai u kính(2),

晉 代 衣 冠 成 古 丘             Tấn đại y quan thành cổ khâu(3).

三 山 半 落 青 天 外             Tam Sơn bán lạc thanh thiên ngoại(4),

一 水 中 分 白 鷺 洲             Nhất thủy trung phân Bạch Lộ châu(5).

總 為 浮 雲 能 蔽 日             Tổng vị phù vân năng tế nhật,

長 安 不 見 使 人 愁             Trường An bất kiến sử nhân sầu.

Chú giải:

(1) Kim Lăng: nay là thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô. Phượng Hoàng đài: tức đài Phượng Hoàng, tọa lạc ở phía tây Nam Kinh.

(2) Ngô cung: tức cung điện nước Ngô. Thời Tam Quốc, vua Tôn Quyền nước Ngô đóng đô tại Kim Lăng.

(3) Tấn đại: tức triều Đông Tấn. Triều đại này cũng đóng đô tại Kim Lăng.

(4) Tam sơn: ba ngọn núi nằm ở phía tây nam Kim Lăng.

(5) Câu này có bản chép là "Nhị thủy trung phân Bạch Lộ châu". Bạch Lộ châu: tên một bãi cát ở trên sông Trường Giang, nằm phía tây Kim Lăng.

Dịch nghĩa:

Đăng đài Phượng Hoàng ở Kim Lăng

Trên đài Phượng Hoàng, chim phượng hoàng đã bay đi mất; chim phượng hoàng đã bay đi chỉ còn lầu không và dòng sông mải miết chảy.

Cung điện đình đài của nước Ngô (thời Tam Quốc) xưa, cỏ hoang mọc lấp cả lối đi; phong lưu danh sĩ triều Tấn xưa đã ngủ yên dưới đống gò xưa.

Dãy Tam Sơn một nửa như mất hút trong khoảng trời xanh; bãi Bạch Lộ phân dòng sông (Trường Giang) ra làm hai nhánh.

Chỉ thấy những đám mây đen che khuất cả mặt trời; chẳng nhìn thấy Tràng An đâu cả khiến lòng ta buồn sầu.

 

Bài 7:

     •  Đỗ Phủ: Đăng Nhạc Dương lâu(1)

昔 聞 洞 庭 水             Tích văn Động Đình thủy,

今 上 岳 陽 樓             Kim thướng Nhạc Dương lâu.

吳 楚 東 南 坼             Ngô Sở đông nam sách(2),

乾 坤 日 夜 浮             Càn khôn nhật dạ phù(3).

親 朋 無 一 字             Thân bằng vô nhất tự,

老 病 有 孤 舟             Lão bệnh hữu cô chu(4).

戎 馬 關 山 北             Nhung mã quan sơn bắc(5),

憑 軒 涕 泗 流             Bằng hiên thế tứ lưu.

Chú giải:

(1) Bài thơ này được Đỗ Phủ sáng tác vào mùa đông năm Đại Lịch thứ ba (768). Khi đó, ông phiêu dạt xuống vùng sông Giang, sông Tương, tỉnh Hồ Nam.

Nhạc Dương lâu: là một trong "tam đại danh lâu" ở miền Nam Trung Quốc, thuộc địa phận huyện Ba Lăng (nay là huyện Nhạc Dương, tỉnh Hồ Nam). Lầu này tọa lạc bên hồ Động Đình, do Trương Thuyết xây dựng năm Khai Nguyên (712) đời Đường.

(2) Ngô, Sở: tên hai nước thời Xuân Thu - Chiến Quốc, nằm ở đông nam Trung Quốc. Nước Ngô ở phía đông hồ Động Đình, nước Sở ở phía tây. Sách: chia tách.

(3) Càn khôn: chỉ mặt trời, mặt trăng. Theo thiên Tương Thủy, sách Thủy Kinh chú, hồ này rộng hơn 500 dặm, mặt trời mặt trăng tựa như lặn mọc ở đây.

(4) Lão bệnh: già yếu bệnh tật. Năm ấy, Đỗ Phủ đã 57 tuổi, ngoài bệnh phổi đã mắc từ trước, ông lại mắc bệnh phong thấp, tai bên phải bị điếc. Sau khi xuất Thục, ông chưa hề được sống yên ổn, mà vẫn phải lênh đênh phiêu dạt trên một chiếc thuyền.

(5) Nhung mã: chỉ chiến tranh ở phía bắc vẫn chưa chấm dứt. Năm ấy, Quách Tử Nghi đem năm mươi ngàn quân đóng giữ Phụng Thiên (nay huyện Càn, Thiểm Tây) để phòng bị Thổ Phồn.

Dịch nghĩa:

Đăng lầu Nhạc Dương

Xưa từng nghe tiếng hồ Động Đình; nay mới có dịp lên lầu Nhạc Dương.

(Hồ Động Đình) chia tách nước Ngô và nước Sở thành hai khu vực đông và nam; mặt trăng mặt trời ngày đêm nổi nênh trên mặt hồ.

Người thân và bạn bè bặt tin; một mình già yếu bệnh tật trên chiếc thuyền cô đơn.

Chiến tranh ở phương bắc vẫn chưa dứt; tựa hiên lầu, nước mắt nước mũi chảy đầm đìa.

 

 

Chú thích:

[1] Tân Văn Phòng: Đường tài tử truyện toàn dịch, Hồ Bắc Nhân dân Xuất bản xã, 1995.

[2] Nghiêm Vũ: Thương Lang thi thoại. Dẫn theo Mã Mậu Nguyên, Đường thi tuyển, xem Tài liệu tham khảosố 5 ở dưới.

[3] Thơ đăng lãm: chúng tôi sử dụng khái niệm này của học giả Trung Quốc khi phân loại thơ của Lý Bạch để chỉ một phạm vi khá rộng những trước tác vốn là một tiểu loại thuộc thơ sơn thủy mà về hình thức có thể nhận diện qua nhan đề. Chẳng hạn: một là, các bài nhan đề có động từ đăng + tân ngữ là danh từ hay cụm danh từ: đăng lâu, đăng cao, đăng ... lâu, đăng ... đài, đăng ... sơn, đăng ... khâu, đăng ... các v.v (Lý Bạch: Đăng Kim Lăng Phượng Hoàng đài, Đỗ Phủ và Nguyễn Du đều có bài: Đăng Nhạc Dương lâu) v.v; hai là, các bài nhan đề có các động từ như: lãm, vọng, lâm, thiếu v.v + danh từ hoặc cụm danh từ như trên, hoặc là kèm trạng từ chỉ thời gian như bài của Nguyễn Du: Hán Dương vãn thiếu v.v; ba là những bài nhan đề không có các động từ trên, mà chỉ có tên các vật kiến trúc (Nguyễn Du: Hoàng Hạc lâu), hoặc tên các sự vật thiên tạo, nhưng nội dung vịnh cảnh trữ tình từ một điểm nhìn trên cao v.v, cũng được coi là thuộc tiểu loại thơ này. Như vậy, phạm vi tư liệu trong bài viết của chúng tôi thuộc cả ba tiểu loại thơ đăng lãm kể trên.

[4] Bài thơ này liên quan đến một sự kiện văn chương đặc biệt trong đời sống của văn nhân đời Đường, xảy ra trước sự kiện loạn An Lộc Sơn chỉ vài năm. Khi đó, Đỗ Phủ cùng bốn người bạn là Cao Thích, Sầm Tham, Trừ Quang Hy và Tiết Cứ đăng tháp chùa Từ Ân và cùng làm thơ vịnh cảnh. Hiện nay, Toàn Đường thi vẫn còn giữ được 4 bài (bài của Tiết Cứ đã thất truyền). Trong số đó, bài thơ của Đỗ Phủ được coi là dự báo cho sự sụp đổ của triều đại nhà Đường.

[5] Trong câu thơ thứ ba, bài Hoàng Hạc lâu, Thôi Hạo đã sử dụng tới sáu thanh trắc / câu thơ bảy chữ, còn câu thứ bốn lại dùng ba thanh bằng liên tiếp nhau ở cuối câu, tạo nên nhịp thơ giàu tính tượng hình và biểu cảm. Do liên thơ này có dạng thức thanh luật đặc biệt, nên chúng tôi, theo hướng dẫn của ThS Nguyễn Tuấn Cường đã tiến hành tra cứu Quảng vận được dẫn trong Hán ngữ đại từ điển, để kiểm tra âm đọc của nó ở đời Đường (tất nhiên chủ yếu là khảo âm đọc các chữ như hoàng, khứ, phản, hoặc không du du, bởi các chữ khác trong câu "hoàng hạc nhất khứ bất phục phản" đều có phụ âm tắc nổ ở cuối phần vần, là "nhập thanh", nên đương nhiên theo quy luật ngữ âm, chúng đều là âm trắc). Dưới đây, chúng tôi xin trình bày cụ thể phiên thiết âm đọc bằng - trắc ở đời Đường của một số chữ theo Quảng vận:

 

Chữ Hán và phần Hán Việt

Phiên thiết

Thanh điệu

Vần

Phụ âm đầu

Một số chữ câu trên

Hoàng

胡  光  切

Hồ quang thiết

Bình

Đường, đàng

Hạp

Khứ

丘  倨 切

Khâu cư thiết

Khứ

Ngự

Khê

Phản

府  遠  切

Phủ viễn thiết

Thượng

Nguyễn

Phi

Một số chữ câu dưới

Không

苦  紅  切

Khổ hồng thiết

Bình

Đông

Khê

Du

以  周  切

Dĩ chu thiết

Bình

Vưu

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Theo phiên thiết trên, chúng ta đã đọc đúng thanh điệu những trường hợp đặc biệt trong liên thơ phá cách của Thôi Hạo. Âm Hán Việt mà chúng ta ngày nay vẫn dùng để đọc liên thơ này tỏ ra gần với Đường âm hơn tiếng Trung Quốc đương đại (Câu thơ "hoàng hạc nhất khứ bất phục phản", tiếng Trung Quốc hiện đại đọc 7 âm trắc / câu thơ bảy chữ).

[6] Thơ Lý Bạch: "Khuất Nguyên từ phú huyền nhật nguyệt / Sở Vương đài tạ không sơn khâu" (Từ phú của Khuất Nguyên sáng mãi cùng mặt trăng, mặt trời / cung điện lầu gác của Sở Vương nay chỉ còn là gò đống).

---------------------------------------------------------------------------------

Tài liệu tham khảo

1. Bùi Kỷ - Phan Võ - Nguyễn Khắc Hanh dịch và giới thiệu: Thơ chữ Hán Nguyễn Du, Nxb Văn hóa - Cục xuất bản Bộ Văn hóa, H.1959.

2. Mai Quốc Liên phiên âm - dịch nghĩa - chú thích với sự cộng tác của Nguyễn Quảng Tuân - Ngô Linh Ngọc - Lê Thu Yến: Nguyễn Du toàn tập, Tập 1 (2 tập), Nxb Văn học và Trung tâm nghiên cứu Quốc học xuất bản, H.1996.

3. Nguyễn Thạch Giang - Trương Chính: Nguyễn Du - Tác phẩm và lịch sử văn bản, Nxb TP. Hồ Chí Minh, 2000.

4. Trịnh Bá Đĩnh với sự cộng tác của Nguyễn Hữu Sơn - Vũ Thanh tuyển chọn và giới thiệu: Nguyễn Du - Về tác gia và tác phẩm, Nxb Giáo dục tái bản lần 1 năm 1999.

5. 马 茂 元 选 注 :《唐 诗 选》, 上 海 古 籍 出 版 社 , 1999 年 10 月 第 1 版 , 1999 年 10 月 第 1 次 印 刷。Mã Mậu Nguyên tuyển chú: Đường thi tuyển, Thượng Hải Cổ tịch Xuất bản xã, xuất bản và in lần đầu: tháng 10 năm 1999.

6. [清] 蘅 塘 退 士 编 选 :《唐 诗 三 百 首》(修 订 本), 弘 征 譯 析, 漓 江 出 版 社 出 版, 1995 年 5 月 第 2 版, 1999 年 3 月 第 5 次 印 刷。Hành Đường Thoái Sĩ (đời Thanh) biên tuyển: Đường thi tam bách thủ, Hoằng Trưng dịch tích (dịch ra tiếng Hán hiện đại và phân tích), Ly Giang Xuất bản xã, xuất bản lần thứ 2: tháng 5 năm 1995, in lần thứ 5: tháng 3 năm 1999].