Loading...
|
Bức tranh Truyện Kiều trong Dinh Độc LậpNgày 14 tháng 12 năm 2017
Trong cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử “Biên bản chiến tranh 1- 2 - 3 - 4.75” dày 557 trang được giải thưởng văn học ASIAN 2015 của Nhà báo Trần Mai Hạnh ở trang 253-254 có đoạn tả cảnh Hoàng Đức Nhã cầm bản nghe ghi qua Đài Hoa Kỳ lên báo cáo Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cuộc họp báo của Đại tướng Weyand, tham mưu trưởng lục quân Hoa Kỳ sau khi qua Việt Nam thị sát tình hình tại chỗ cùng Đại sứ Martin trở về Mỹ vận động không thành để Tổng thống G.Ford và Quốc hội Hoa Kỳ thông qua gói cứu trợ cuối cùng cho chính quyền Nguyễn Văn Thiệu.
Tranh sơn dầu của họa sĩ Lê Chánh.
Ở phòng khách Dinh Độc Lập, nay là Hội trường Thống nhất TP. Hồ Chí Minh.
Tác giả viết: (trích đoạn trong sách) Cầm biên bản họp báo, Thiệu không xem ngay mà hỏi Nhã:
- Sao? Weyand không nêu gì về việc quyết tâm của người Mỹ chặn đứng Cộng sản lại ? Không nói cụ thể gì về vụ quân viện ? – Weyand tuyệt nhiên không đả động gì đến một hành động tái can thiệp vũ trang nào của Mỹ ? Thiệu hỏi tiếp Nhã, giọng có phần ngạc nhiên, lo lắng.
- Dạ thưa không.
- Thế có nghĩa… Thiệu không nói hết câu. Thiệu buông lửng ở đó và với tay rút điều xì gà. Nhã xòe bật lửa châm thuốc cho Thiệu. Thiệu rít một hơi, đi đi lại lại một chặp rồi tới cuối phòng nơi có treo bức tranh sơn dầu khá lớn vẽ cảnh chị em Thúy Kiều, Thúy Vân mặc quần áo tân thời, e lệ đứng bên Kim Trọng và Vương Quan đội mũ cánh chuồn mặc áo thụng xanh. Những lúc căng thẳng, Thiệu thường đứng một hồi lâu ngắm tranh cho đỡ nhức đầu (hết trích đoạn trong sách).
Bức tranh Truyện Kiều sơn dầu cỡ đại treo dài gần suốt chiều ngang bức tường phòng khách sát ngay phòng làm việc của Tổng thống trong Dinh Độc Lập. Tranh của họa sĩ Lê Chánh vẽ cuộc “kỳ ngộ” của Kim Trọng với ba chị em Thúy Kiều, Thúy Vân, Vương Quan ở lễ hội Đạp Thanh dịp Thanh Minh tháng ba khi cả ba chị em vừa đi tảo mộ về. Trong phòng làm việc của Tổng thống Thiệu thì chỉ treo có một bức tranh vẽ cảnh vùng Ninh Chữ, quê của Thiệu cách Phan Rang 5 dặm về phía Bắc. Trong tranh có một ngôi chùa lớn được Thiệu cho xây ở lưng chừng núi để mẹ Thiệu thường xuyên lên đấy tụng kinh niệm phật.
Tranh sơn dầu Kim - Kiều gặp nhau của họa sĩ Lê Chánh được tác giả đặt tên theo hai câu thơ số 145-146 của Truyện Kiều: “Chàng Vương quen mặt ra chào/Hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa”. Bức tranh sơn dầu toàn cảnh (panorama)được Lê Chánh diễn đạt trọn vẹn những ý thơ của Nguyễn Du trong cả đoạn 12 câu thơ tả cảnh Kim Trọng gặp Thúy Kiều lần đầu tiên (từ câu 135 đến câu 146):
Trông chừng thấy một văn nhân/Lỏng buông tay khấu bước lần dặm băng. Đề huề lưng túi gió trăng/Sau chân theo một vài thằng con con. Tuyết in sắc ngựa câu giòn/Cỏ pha màu áo nhuộm non da trời. Nẻo xa mới tỏ mặt người/Khách đà xuống ngựa, tới nơi tự tình. Hài văn lần bước dặm xanh/Một vùng như thể cây quỳnh cành dao. Chàng Vương quen mặt ra chào/Hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa.
Chàng Vương quen mặt ra chào,
Hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa
Màu sắc chủ đạo của bức tranh sơn dầu là màu xanh, màu của tuổi thanh xuân, của mùa xuân, của tuổi trẻ với sắc xanh da trời trên tà áo dài truyền thống duyên dáng của phụ nữ Việt Nam của Thúy Kiều, Thúy Vân, màu xanh lam trên khăn chít đầu và áo dài nho sinh của Vương Quan và Kim Trọng, màu xanh biếc của cỏ cây, màu xanh trong của dòng nước chảy dưới chiếc cầu nhỏ bắc ngang, màu xanh sẫm của núi đồi phía chân trời xa xa. Nổi bật trên màu xanh của bức tranh toàn cảnh ấy là màu trắng tuyết con ngựa của Kim Trọng, màu trắng của những cánh én mùa xuân đang vờn bay quanh hai nàng Kiều xinh đẹp và màu đỏ tươi trên áo của “hai thằng con con”, màu đỏ sẫm của cái yên trên con ngựa câu giòn và màu hồng của những nụ đào trên cành thấp thoáng như một bức màn thưa che cho hai nàng Kiều xinh đẹp e lệ nép vào để giấu mặt trước khách lạ.
Nếu những vần thơ thuần Việt, những “lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu” của Đại thi hào Nguyễn Du đã dệt ra cả một bức tranh toàn cảnh đẹp đẽ, tươi sáng về cuộc “kỳ ngộ” của Kim - Kiều bằng thơ thì bút vẽ của họa sĩ tài hoa Lê Chánh đã diễn đạt được trọn vẹn những ý thơ của Nguyễn Du và dẫn dắt chúng ta thấy được toàn cảnh cuộc gặp mặt tình cờ ấy trong một không gian thực với những hình ảnh, những con người, những vật thể đầy màu sắc tươi sáng, sống động mà ta có thể ngắm nhìn được những thứ mà khi đọc thơ Nguyễn Du ta chỉ mới mường tượng thấy ở trong đầu, trong ý nghĩ.
Bức tranh sơn đầu của Lê Chánh vẽ cảnh Kim - Kiều gặp nhau trong kiệt tác Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du là bức tranh toàn cảnh đẹp nhất, hoàn chỉnh nhất, có giá trị nhất trong những bức tranh đã vẽ về Truyện Kiều, xứng đáng là tác phẩm ở tầm di sản văn hóa của quốc gia, xứng đáng được đặt ở một nơi trang trọng bậc nhất ở Thành phố Hồ Chí Minh để mọi người được thường xuyên đến chiêm ngưỡng, đó là Dinh Độc Lập, nay là Hội trường Thống Nhất TP.Hồ Chí Minh.
Bên lề bức tranh tuyệt mỹ Kim - Kiều gặp nhau của họa sĩ tài hoa Lê Chánh cũng có đôi điều phải nói thêm.
I- Về nội dung của bức tranh được tác giả Trần Mai Hạnh diễn tả trong tiểu thuyết tư liệu lịch sử “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75”.
1. Trần Mai Hạnh viết: Chị em Thúy Kiều, Thúy Vân e lệ đứng bên Kim Trọng. Trong tranh, họa sĩ Lê Chánh không vẽ Thúy Kiều, Thúy Vân e lệ đứng bên Kim Trọng. Gia phong, nếp nhà thời ấy không cho phép con gái được đứng bên trai lạ, dù Kim Trọng có là “đồng thân” vời Vương Quan, em của Thúy Kiều, Thúy Vân. Cả Nguyễn Du và cả Lê Chánh đều diễn đạt rất đúng tư cách và tính tình của Thúy Kiều, Thúy Vân là khi gặp khách lạ thì đều e lệ, tránh mặt, không sỗ sàng đứng bên nhau để trò chuyện.
2. Nói Thúy Kiều, Thúy Vân mặc quần áo tân thời là không đúng. Họa sĩ Lê Chánh đã vẽ hai chị em mặc áo dài truyền thống của dân tộc Việt Nam. Trang phục áo dài Việt Nam đã trở thành thương hiệu quốc tế. Thế giới đã công nhận “áo dài” là quốc phục của phụ nữ Việt Nam, là nét đẹp tiêu biểu của trang phục duyên dáng của người con gái đất Việt. Nói quần áo tân thời làm người đọc nghĩ đến những quần áo cách tân hiện đại, những áo dài vai bồng, cổ khoét trễ tận ngực, quần bó, quần loe, những loại quần áo tân thời hở không hở hẳn, rách không rách hẳn, tụt không tụt hẳn của các cô gái tân thời ngày nay.
3. Kim Trọng và Vương Quan không đội mũ cánh chuồn như nhà báo Trần Mai Hạnh viết. Hai chàng trai này mới lớn, đang ở tuổi đi học, là “nho sinh”, là học trò. Họa sĩ Lê Chánh đã vẽ họ chít đầu bằng khăn lam sẫm màu chứ không đội mũ cánh chuồn. Chỉ 15 năm sau, khi hai chàng thi đỗ và được bổ nhiệm làm quan, lúc ấy họ mới mặc áo thụng xanh và có mũ cánh chuồn để đội.
II- Về bức tranh “Hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa” in trong ấn phẩm Truyện Kiều - Khảo, Chú, Bình dày 400 trang của Nhà xuất bản Giáo dục.
Năm 2007, nhâp dịp kỷ niệm 50 năm thành lập (1957-2007) Nhà xuất bản Giáo dục xuất bản cuốn Truyện Kiều (Khảo, Chú, Bình) dày 400 trang do PGS.TS Trần Nho Thìn và ThS.Nguyễn Tuấn Cường biên soạn và cho in tranh Hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa” ở trang 397. Đấy là bức tranh lấy trên mạng xuống từ ảnh chụp một cô gái đứng trước tranh của họa sĩ Lê Chánh khi đi tham quan Dinh Độc Lập. Vì không có ảnh gốc nên họa sĩ biên tập mĩ thuật của Nhà xuất bản đã xử lý bằng cách xóa hình cô gái để chỉ lấy ảnh nền là tranh của họa sĩ Lê Chánh. Ở phần trống trên tranh sau khi đã xóa hình cô gái, họa sĩ biên tập đã tự ý vẽ thêm hoa lá vào thay cho ở bức tranh của họa sĩ Lê Chánh là hình đôi chim én đang châu đầu vào nhau và cùng xòe cánh múa như hai nàng tiên có cánh mà họa sĩ Lê Chánh đã vẽ với nhiều dụng ý đẹp.
Bức tranh lại được tự ý viết hai câu thơ “Chàng Vương quen mặt ra chào/Hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa” đè lên trên bức tranh. Tự ý xóa chữa tranh, tự ý viết chữ đè lên bức tranh và không đề tên tác giả Lê Chánh của bức tranh đẹp là việc chưa tôn trọng quyền tác giả khi một nhà xuất bản lớn có tên tuổi đưa tranh vào sách để xuất bản.
Theo Phan Tử Phùng/kieuhoc.com
Tin tức sự kiện
| Audio GuideTham quan ảo 3D
Thư viện phim tư liệu
Bộ đếm lượt truy cậpLiên kết Website |