Tại miếu Quan Thánh ở phố cổ Hội An (Quảng Nam), đang lưu giữ bức biển khắc bài thơ Sư để Hội An phố, đề Quan Phu Tử miếu của Xuân Qận công Nguyễn Nghiễm khi ông đích thân nam chinh xứ Thuận Quảng (1775).
Đền thờ cụ Nguyễn Nghiễm
Nguyễn Nghiễm là nhân vật lịch sử đã có nhiều công trạng với triều đình nhà Lê. Bằng tài trí, uy vong của mình, ông đã làm thất bại âm mưu chiếm ngôi vua Lê của chúa Trịnh.. Bằng chứng là sau khi xin nghỉ hưu với sự ban thưởng rất hậu của vua Lê và chúa Trịnh, nhưng sau 3 tháng, ông lại được triệu ra làm quan và thăng đến chức Tham tụng (tể tướng). Tháng 5 năm Giáp Ngọ (1774), tình hình Đàng Trong của chúa Nguyễn đại loạn, trong triều thì Trương Phúc Loan chuyên quyền, ngoài quận thì bị anh em Tây Sơn đánh phá dữ dội, Chúa Trịnh bèn thừa cơ sai đại tướng Việp Quận Công Hoàng Ngũ Phúc đem quân thủy bộ hơn ba vạn đi trước đánh chiếm thành Phú Xuân (Thuận Hoá), thủ phủ chúa Nguyễn. Tháng 11 cùng năm, Trịnh Sâm đích thân nam chinh, trong cuộc nam chinh này, Nguyễn Nghiễm phụng chỉ làm Tả tướng quân. Tháng 3 năm Ất Mùi (1775), ông và Quận Việp hợp quân tiến đánh Quảng Nam, khi đưa quân vào chiếm đóng Hội An, Nguyễn Nghiễm đã đến thăm miếu Quan Phu tử (Quan Công) và cảm khái làm bài thơ “Sư để Hội An phố đề Quan Phu Tử miếu” và bài tán “Quan Phu tử miếu tán”. Hai vị tùy tướng là tiến sĩ Uông Sĩ Dư, tiến sĩ Nguyễn Lệnh Tân đã họa nguyên vận bài thơ “Sư để Hội An phố đề Quan Phu Tử miếu" tự tay viết cả ba bài thơ, bài tán rồi sai thợ khắc chạm thành ba tấm hoành phi treo trên bái đường ngôi miếu. Nội dung bài thơ "Sư để Hội An phố, đề Quan Phu Tử miếu" do Trà Sơn Phạm Quang Ái phiên âm và dịch như sau:
Phiên âm: Sư để Hội An phố, đề Quan Phu Tử miếu
Niết ngột viêm đồ khảng khái thân,
Đào viên huynh đệ tức quân thần
Trực tương trung nghĩa sư thiên cổ,
Vô luận anh hùng địch vạn nhân.
Tâm thượng Cao, Quang hoàn nhất thống,
Mục trung Ngô, Ngụy thất tam phân.
Chí kim vạn quốc đồng chiêm phụng,
Phỉ trực nguy nhiên hải thượng thần.
(Cảnh Hưng tam thập lục niên, Ất Mùi, Đoan dương tiết, tứ Tân Hợi khoa Tiến sĩ, đặc tiến Kim Tử Vinh Lộc đại phu, phụng sai Tả Tướng quân nhập thị Tham tụng, Hộ bộ thượng thư Tri Đông các kiêm Tri Trung thư giám, Quốc Sử tổng tài, Đại Tư đồ, trí sĩ khởi phục Trung Tiệp quân doanh, Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm, Hy Tư phủ thư)
Dịch thơ: Hành quân đến phố Hội An, đề thơ miếu Quan Phu Tử
Lo Hán suy tàn, chẳng tiếc thân
Vườn Đào huynh đệ, lễ quân thần
Nêu cao trung nghĩa thầy thiên cổ
Coi nhẹ anh hùng địch vạn nhân
Lòng hướng Cao, Quang bền một mối,
Mắt nhìn Ngô, Ngụy xóa tam phân.
Đến nay muôn nước đều thờ cúng,
Vòi vọi trùng khơi uy đức thần.
Cho đến nay, theo thời gian Nguyễn Nghiễm thân chinh vào đạo Thuận Quảng năm 1775 thì bài thơ trên đã được lưu tại Miếu Quan phu tử trong khoảng thời gian 236 năm. Đây là một trong những bài thơ của vị quan đại thần triều Lê - Trịnh còn được lưu nguyên bản cho đến bây giờ
Về nhân vật Nguyễn Nghiễm, ông là con thứ hai của Lĩnh Nam công Nguyễn Quỳnh, là thân phụ Đại thi hào Nguyễn Du, là công thần trụ cột của triều đình Lê - Trịnh. Ông đỗ Hoàng giáp Tiến sĩ năm 1731, cuộc đời và sự nghiệp của ông đã được chính sử ghi rõ: đảm nhận vai trò Tế tửu Quốc Tử Giám (1741); Thị Lang bộ Công (1746); Thị lang bộ hình (1748)... đảm nhận chức Tham tụng (Tể tướng) năm 1761 và năm 1767 được phong tước Xuân Quận công. Ông tạ thế vào năm Bính Thân (1776) tại quê nhà. Thọ 68 tuổi./.