Cuộc đời Nguyễn Du bắc cầu qua một trong những giai đoạn sóng gió nhất, hay nói theo các thi sĩ của thời ấy, phong trần nhất của lịch sử Việt Nam, là thời tàn Lê với loạn kiêu binh, cuộc nổi dậy của Tây Sơn, rồi nhà Nguyễn ở miền Nam nổi lên không kể sự nhập nội của quân Mãn Thanh trong ba tháng cuối của Mậu Thân (1782-1789).

 

Trong những thời đại loạn như thế, nhất là khi lòng người chia rẽ, ai là người mà không xao xuyến. Các ngọn cuồng phong thổi, khi từ chiều này táp đến, phút chốc đã quật lại, khi xoáy lốc và vút lên cao trăm trượng rồi đổ xuống như trời sập, cùng một mái nhà, anh bị cuốn đi một phương, em đi một phương khác, mà không một ai biết rằng mình sẽ trôi về đâu nếu còn sống. Với người trong cuộc, lịch sử đương thời mù mịt như một con nước vừa xoắn trôn ốc vút lên không trung rỗng không, vừa tiến vùn vụt với một tốc độ lật đổ tất cả những gì trên đường, thiên nhiên hay miếu mạo, sinh vật và văn hóa. Đến khi sóng cạn lặn đi, nếu chưa bị quật chết để thành một chiếc hồn mồ côi phiêu dạt trong những hoang tàn của phong cảnh, thì cũng hoảng hốt bàng hoàng, lạc phương mất hướng.

“Con người chỉ là một vị trí”. Lời tuyên bố ấy tóm lược toàn thể triết học và cuộc đời hoạt động của triết gia Jean-Paul Sartre. Mười cuốn Situations(1), từ 1947 đến 1976, đánh dấu sự hành của ông, theo cái tri(2) mà ông đã viết ra trong những bộ luận triết lý lớn và các tác phẩm văn chương của ông. Sartre lớn lên trong một gia đình trí thức trưởng thành danh vọng, như một thần đồng và ông viết trong cuốn tự truyện chỉ tiểu thuyết hóa nhẹ của ông, cuốn Les Murs(3): “Một đứa trẻ được nuông chiều không buồn; nó chán như một ông vua. Như một con chó”. Đến tuổi đại học, ông vào trường Cao đẳng Sư phạm (Ecole Normale Supérieure) ở đường Ulm và ngang nhiên dám đột lốt và nhạo báng Giáo sư G. Lanson, vị Hiệu trưởng lừng danh của trường, vị thầy của các thầy lớn nhất của Văn khoa Pháp, đến độ ông Lanson phải từ chức về vườn. Rồi Sartre dạy trường Pháp ở Berlin để được học thêm về triết học Heidegger(4) và xây dựng triết thuyết Existentialisme (chủ nghĩa Hiện sinh) của mình. Trở thành ngôi sao sáng của nền trời học vấn Pháp ở một tuổi còn xanh, thì đột nhiên, thế chiến 2 bùng nổ. “Vị trí” đổ xuống như một thác nước. Sartre bị động viên vào “cuộc chiến kỳ cục” (la Drôle de Guerre = chữ của W. Churchill(5) mà Sartre lấy làm của mình), và ra khỏi cuộc chiến như một tù binh rồi được thả ra sau “cuộc thất trận kỳ lạ” (l’Etrange Défaite, chữ của sử gia Marc Bloch)(6). Sartre về lại một Paris bị quân Đức chiếm đóng. Cả một tương lai huy hoàng như đã nắm trong tay bị tan vỡ như một cái bong bóng muôn màu bằng bọt xà phòng. Ông lao mình vào kháng chiến, rồi khi hết chiến tranh tìm đường kết giao (engagement(7) với đảng Cộng sản, thực hiện cái ý chí Tự do (Liberté) trong Phi lý (Absurde)(8) của triết lý Hiện sinh. Từ sự bất đắc chí này đến sự bất đắc chí khác, ông chết năm 1980, để lại một sự nghiệp lớn trong văn chương triết học và cái tiếng là nhà trí thức tả phái cương cường nhất của thế kỷ.

 

Trước Jean-Paul Sartre, Nguyễn Du (1766-1814) chỉ là một hạt bụi. Cả trận phong trần ngập lút nước Việt Nam từ 1782 đến 1789 mà chẳng một nước nào trên thế giới biết đến, cũng chỉ là một ngọn gió luồng bên lề của cuộc Cách mạng Pháp năm 1789, một cuộc rối loạn không người lãnh đạo mà vua Louis XVI, một thứ Lê Chiêu Thống bất lực hơn Lê Chiêu Thống, đã không kềm chế nổi Việt Nam vào thời ấy, đại khái cũng như nước Togo ngày nay, chẳng mấy ai biết ở đâu, có hay là không có.

Nguyễn Du thường được coi là một thi sĩ lớn, và có lẽ với một vài bất đồng nhỏ nhoi nếu không nhỏ nhen, thi sĩ lớn nhất của nền văn chương nước ta. Nhưng đại khái người ta chỉ biết rằng ông là tác giả Đoạn trường tân thanh, mà ai cũng gọi là Truyện Kiều, và một bài thơ khóc một thế hệ chết uổng, mà người ta dùng làm bài văn cúng cháo cô hồn. Các bậc học giả trong nước còn biết của ông hai bài văn tuổi trẻ ngông cuồng chọc gái. Còn thơ chữ Hán của ông thì tuyệt tích, chỉ phong thanh là có vào năm 1924, và chỉ mới nhặt nhạnh được đây một mớ, kia một mớ, nay có, mai mất, từ 1939 đến 1965, nhờ một cuộc phong trần mới trong thời chúng ta. Công lớn trong sự sưu tầm, chỉnh đốn và chú giải những thơ này là của ông Đào Duy Anh, Lê Thước và Phan Sĩ Bàng, Bùi Kỷ, Phan Võ, Nguyễn Khắc Hanh, Trương Chính(9)…

 

Tất cả các thơ đã được phát hiện đều là các thơ chép tay bởi các nhà Nho cùng và sau thời Nguyễn Du. Toàn thể di cảo với thủ bút của Nguyễn Du đã bị thu thập bởi vua Tự Đức, về thư viện riêng của Hoàng gia, tôi nghĩ là để giam cầm đúng hơn là để bảo tồn.

 

Các học giả mà tôi vừa kể tên ở trên đã làm một công việc vĩ đại trước khi cho ấn hành để tái xuất bộ Thơ chữ Hán của Nguyễn Du một cách hoàn hảo, xứng đáng với tầm vóc của một nhà thơ mà chúng ta gọi là “nhà thơ của dân tộc”. Không những các ông đã có công sưu tầm, nghĩa là đem lại ra ánh sáng những mảnh vụn của một tòa điêu khắc cổ đã vỡ nát và bị chôn vùi trong những tối tăm của một quá khứ dày đặc và nhận ra rằng những di tích hoang phế ấy là những gì còn lại của tâm hồn một nhà thơ lớn đã đem lại kiêu hãnh cho dân tộc trước những nền văn chương xán lạn của nhân loại mới; sự khảo phê văn bản từng câu, từng chữ, từng nét chữ của những bản viết tay trên giấy bản mỏng đã cả trăm năm cũ và bị nhòe mực trong khí hậu ẩm thấp mưa nắng phũ phàng của nhiệt đới gió mùa, là một việc mà các vị học giả, người nào cũng ở tuổi hiếm có trên đời, chỉ làm được với một lòng chí thành còn ít có hơn nữa; rồi lại sắp xếp các bài theo thứ tự thời gian để cho ăn khớp với tiểu sử của thi sĩ cũng như lịch sử lớn trong đó thi sĩ đã đau khổ, đã hy vọng, đã suy tư, đã tìm kiếm. Việc dịch và sửa chữa ấn bản tuy cũng đòi hỏi công sức và nhiều khi tế nhị, khó khăn, nhưng cũng không khổ tâm lao trí bằng những việc âm thầm đơn bạc của sự phê khảo. Những người còn được hưởng một chút ánh nắng quái của nền cổ học về chiều phải biết ơn những vị học giả đã trong bom đạn và những tiếng rên la thiên vấn(10) của ngàn vạn đồng bào chết uổng chết oan quanh mình, giương cái kính lão đã mờ lên để mò từng chữ trên những tờ giấy hễ nâng lên là có cơ rụng lả tả xuống đất như những tàn sớ đốt cho người chết.

 

Tôi đã nhờ những công trình trùng tu điêu khắc ấy mà hòa nhập được phần nào vào tâm hồn thanh cao và chìm nổi của Nguyễn Du và hiểu được một chút cái tâm sự và tư tưởng của thi sĩ, và hơn hai trăm năm nay ai cũng nói đến nhưng ít ai hiểu rõ là gì. Cuốn sách nhỏ Tố Như và Đoạn trường tân thanh(11) đã kể lại, trên căn bản các thơ văn của Nguyễn Du, cuộc đời bên trong của ông trước khi ông cầm cây “bút như đao” của ông lên và thành ra Tố Như, tác giả Đoạn trường tân thanh.

 

Cho đến nay, theo chỗ tôi biết, có 249 hay 250 bài thơ chữ Hán đã được nhận là của Nguyễn Du, chia ra:

- Thanh Hiên thi tập: 78 bài (LT-TC), 79 bài (ĐDA)

- Nam Trung tạp ngâm: 40 (LT-TC), 40 bài (ĐDA)

- Bắc hành tạp lục (hay thi tập): 132 bài (LT-TC), 130 bài (ĐDA)

Các bài thơ lại được xếp theo thứ tự trước sau để cho ăn khớp với những gì người ta biết lưa thưa về cuộc đời khốn quẫn, tiêu điều:

Hành cước vô căn nhiệm chuyển bồng…

Lục xích phù sinh thiên địa trung

(Bước chân không rễ tựa ngọn bồng…

Sáu thước nổi trôi trời đất trong) của thi sĩ. Thực là một kỳ công.

 

Tuy nhiên không có một công việc trùng tu nào mà làm vừa ý được hết mọi người trong thiên hạ. Cái bàn tay vỡ nát của pho tượng La Pietà và những bức họa vĩ đại trên trần, trên tường của nhà nguyện Sistine (Michelangelo)(12), cũng như bức bích họaBữa ăn cuối (Le Dernier Souper) của Leonardo da Vinci(13) đã được chắp vá lại và tẩy sạch hương bụi thời gian trong sự chỉ trích của giới khảo cổ và nhiều nghệ sĩ lớn. Ông Đào Duy Anh cũng đã nêu lên vài điểm nghi ngờ về công trình của nhóm các ông Bùi Kỷ và Lê Thước. Trong cuốn Tố Như và Đoạn trường tân thanh, tôi cũng liều lĩnh đã nói lên vài thắc mắc riêng tư về bàiKhổng tước vũ và bài Độc tiểu thanh ký, mà tôi nghĩ rằng phải xếp lại, một bài vào cuốn Nam Trung trong thời thi sĩ làm quan ở Quảng Bình và vào chầu trong kinh, còn một bài thì đặt vào cuối thời Bắc hành, khi thi sĩ đã dự định viết Đoạn trường tân thanh(hay trong Nam Trung tạp ngâm như hiện thời tôi nghĩ, 2014).

 

Một bài thơ, đã được thấy trong một tập di cảo tả tơi của Nguyễn Du, đề trong sách là Dương Phi cố lý (Làng cũ của Dương Phi), đã làm các vị học giả lão thành lớp trước nghĩ ngợi rất nhiều, vì không biết đặt nó vào giai đoạn nào trong cuộc đời của thi sĩ.

 

Đây là một điều quan trọng, vì mỗi bài thơ là một rung động tâm tư của nhà thơ; sự nối tiếp nhau của các bài thơ chính là cái nhịp thở của tâm hồn thi sĩ, phản ánh và phản ứng trước những cảnh trí của cuộc đời. Đời sống bên trong của thi sĩ chính là những thơ mà thi sĩ viết ra.

 

Tiểu sử của một nhà văn hay nhà thơ là một điều mà ai yêu văn thơ cũng muốn biết. Các nhà phê bình của một thời chưa xa lắm đã lập ra cả một truyền thống để quảng bá điều đó. Đại biểu lớn nhất, uyên thâm nhất, của phái văn chương sử là Gustave Lanson, mà Jean-Paul Sartre đã hạ bệ như được nói ở một đoạn trên. Nhưng lịch sử, khi đi qua đời một thi sĩ, phá nát đời thi sĩ, mà thi sĩ chỉ thấy như một biến động bên ngoài, “dâu thành muối” (phù thế kỷ kinh tang lỗ biến). Những chuyện nhỏ nhặt khác, một “cựu khúc tân thanh” hay một cái áo hồng cũ kỹ trên người một cô gái thời xưa đi lấy chồng đã có ba con, thì làm cho thi sĩ thương cảm đến rơi lệ:

Đoạn ngẫu thương tai vị tuyệt ti

Khả lân do trước khứ thì y

(Bắc hành thi tập, bài 4)

(Ngó đứt thương thay, tơ chưa dứt

Đáng thương còn mặc áo thời xưa)

Cựu khúc tân thanh ám lệ thùy

Nhĩ trung tĩnh thính tâm trung bi

Thương tâm vãng sự lệ triêm y

(Bắc hành thi tập, bài 1)

(Khúc xưa tiếng mới thầm rơi lệ

Lắng nghe vào tai, lòng thổn thức

Thương tâm chuyện cũ, lệ thấm áo)

rồi đi đến câu than đứt ruột mở đầu Đoạn trường tân thanh:

Trải qua một cuộc bể dâu,

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.

 

Sự phê bình mới, dùng những phương pháp mà phái cổ không biết, đã chứng minh rằng văn thơ lệch lạc với đời sống bên ngoài của tác giả; một người bề ngoài tầm thường như Anatole France(14) có thể có một bút pháp xuất phàm (Marcel Proust(15) viết về nhà văn Bergotte trong tiểu thuyết Đi tìm lại thời gian đã mất), một đứa bé “ngu xuẩn trong gia đình” như Gustave Flaubert(16) có thể đã vứt bỏ cuộc đời của mình đi và thành một đại văn hào (J.P. Sartre viết về Flaubert).

 

Một thi sĩ lớn như Stéphane Mallarmé(17) có thể gần như không có tiểu sử. Một nhà văn lớn như Marcel Proust có một tiểu sử rất dày nhưng tất cả sự nghiệp văn chương là trong sự từ chối cuộc sống hào nhoáng vô nghĩa để đi tìm, qua nghệ thuật, con người thực của mình vẫn sống nguyên vẹn trong thời gian đã để mất (À la Recherche du Temps Perdu). Sự tìm hiểu cuộc đời bên trong của một văn thi sĩ thành một thách thức lớn cho sự phê bình văn học đương thời (Roland Barthes, M. Blanchot, G. Bataille, G. Deleuze, Julia Kristeva…)(18).

 

Bài thơ đầu đề Dương Phi cố lý là một bài thơ Đường luật tám câu bảy chữ:

Sơn vân tước lược ngạn hoa minh,

Kiến thuyết Dương Phi thử địa sinh.

Tự thị cử triều không lập trượng,

Uổng giao thiên cổ tội khuynh thành.

Tiêu tiêu Nam Nội bồng cao biến,

Mịch mịch Tây Giao khâu lũng bình

Lang tạ tàn hồng vô mịch xứ,

Đông phong thành hạ bất thăng tình.

Cụ Bùi Kỷ và hai ông Phan Võ, Nguyễn Khắc Hanh dịch là:

Mây rừng hoa bến cảnh xinh xinh,

Nghe nói Dương Phi đất ấy sinh.

Trách kẻ đầy triều đồ đứng phỗng,

Oan ai nghìn thuở tội nghiêng thành.

Cỏ cây Nam Nội đà man mác,

Gò đống Tây Giao cũng vắng tanh.

Tìm mảnh hoa tàn đâu thấy nữa,

Dưới thành gió thoảng xiết bao tình.

(Dịch ra văn xuôi là:

Mây núi lơ thơ, bờ sông hoa tươi sáng

Đây là nơi người ta nói rằng Dương Phi đã sinh.

Từ đó cả triều đình đứng im như ngựa gỗ

Nghìn đời đổ oan (cho nàng) cái tội nghiêng thành

Cung Nam Nội cỏ cây man mác mọc

Gò Tây Giao tịch mịch đã thành đất bằng

Tìm đâu cho thấy những cánh hồng tan tác

Dưới thành gió đông thổi chứa chan tình).

 

Câu đầu là tả nơi sinh của Dương Phi. Cảnh nhẹ nhàng thơ mộng nhưng tiêu điều vắng lặng, buồn mang mang. Làng không tên, sông núi cũng thầm lặng. Câu thứ hai giới thiệu đất ấy cũng mơ hồ, phảng phất, vì chỉ là một lời truyền tụng “nghe nói” (kiến thuyết).

 

Câu 3 và câu 4 là nói về lịch sử thời ấy, với nhận xét của nhà thơ, “trách” (không có trong nguyên văn, nhưng có trong ý thơ) và “oan” (uổng).

 

Câu 5 và câu 6 nói hai cảnh vật lịch sử trong truyện đời Dương Phi, nay đã biến đổi. Nam Nội là nơi Đường Minh Hoàng xưa cho xây cung Hưng Khánh để ra đó thưởng ngoạn với Dương Phi; một nơi hoa lệ của hoàng đế có vườn hoa, sông hồ và đài ngắm trăng với cung điện huy hoàng, mà các đạo sĩ dựng lên để tạo ra một Quảng Hàn cung dưới trần, nay chỉ có cây cối um tùm và cỏ bồng mọc hoang che kín mít khắp nơi (Tiêu tiêu Nam Nội bồng cao biến). Còn cánh đồng Mã Ngôi ở ngoài cửa Tây (Tây Giao) của kinh đô (Tràng An), dưới sự reo hò của binh lính và sự đồng tình của cả triều đình, Dương Phi phải nhận tấm lụa từ tay vua để làm con dê tế thần cho mọi người đều nhẹ lương tâm, nay cũng đã san bằng các gò đống, không còn một vết tích (Mịch mịch Tây Giao khâu lũng bình). Cả hai nơi này đều ở ngoại thành Tràng An, xa xôi với tỉnh Thiểm Tây có làng Hoàng Nông, trong huyện Hòa Âm là nơi sinh của Dương Ngọc Hoàn, tức Dương Quý Phi.

 

Hai câu cuối (7, 8) kết thúc bài thơ và nói sự cảm khái thương tiếc của thi sĩ cho một cuộc đời nhan sắc mà bạc mệnh (tàn hồng: “mảnh hoa tàn”).

 

Các học giả đã thấy bài thơ này trong những tàn dư của ba tập thơ của Nguyễn Du đều không nghi ngờ gì rằng đây đúng là bút tích của thi sĩ. Ông Đào Duy Anh còn chú thích rằng “bài này xét hình thức và nội dung cũng có vẻ hợp với phong cách thơ Nguyễn Du”. Nhưng cũng như các ông Bùi Kỷ, Lê Thước, ông xếp bài thơ vào tập thơ làm trên đường đi sứ sang Bắc Kinh và chua giải rằng trên đường lúc đi cũng như lúc về, Nguyễn Du cùng sứ đoàn không đi qua Thiểm Tây và không thể nào đã đến làng cũ của Dương Quý Phi. Ông để bài thơ sinh rơi này vào cuối cuốn Bắc hành tạp lục, và cho nó số 130 trong tập thơ 130 bài.

 

Hai ông Nguyễn Thạch Giang và Trương Chính, trái lại, xếp bài thơ vào số 46 của Bắc hành tạp lục và như thế, có lẽ đã đoán rằng Nguyễn Du, khi đi gần vùng Thiểm Tây nhớ đến Dương Phi, đã viết bài thơ này để tưởng niệm một người đẹp thuở xưa. Nhưng bài thứ 46, đứng sau bài vịnh Triệu Vũ đế (mộ để ở một nơi bí mật tại Quảng Tây hay Quảng Đông, đến nay vẫn chưa biết rõ là ở đâu), còn xa hữu ngạn của Hoàng Hà là nơi sinh của Dương Ngọc Hoàn nhiều lắm.

 

Nói tóm lại, cho đến nay, chưa ai biết Nguyễn Du đã vì cớ gì viết thơ về Dương Quý Phi và viết bài thơ ấy vào lúc nào. Nguyễn Du bị mang tiếng là thích gái đẹp, một phần cũng vì bài thơ này. Người ta chỉ nhìn thấy rằng Nguyễn Du đã bào chữa cho Dương Quý Phi (Uổng giao thiên cổ tội khuynh thành = Oan ai nghìn thuở tội khuynh thành) mà Dương Quý Phi thường được coi là người đẹp điển hình, cao quý nhất trong lịch sử Trung Quốc và có nhiều văn thơ ca tụng nhất (Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị)(19). Trong văn chương Việt Nam, ngay cả đến Nguyễn Trãi cũng nói đến). Tây Thi, Chiêu Quân, Điêu Thuyền là những người đẹp đứng sau.

 

Hồi mâu nhất tiếu bách mị sinh

Lục cung phấn đại vô nhan sắc

(Bạch Cư Dị, Trường hận ca)

(Nàng đưa mắt mỉm cười, trăm vẻ đẹp hiện ra,

Các phi tần trong sáu cung đều thành không nhan sắc)

Cười duyên mắt phượng liếc đưa

Cung phi sáu viện thảy thua diễm kiều.

(Chi Điền Hoàng Duy Từ, Đường thi IV)

 

Nhưng đừng giả đạo đức, hỏi rằng, dưới bất cứ một chế độ nào, có người đàn ông nào nếu không bị liệt vì sách vở hay bệnh tật, mà không động tâm trước một người con gái nhan sắc chưa đáng để theo hầu những người đẹp lịch sử? Tôi không bàn đến những chuyện tầm phào ấy khi nói chuyện văn chương. Truyện Kiều không có, nếu Thúy Kiều không có một chút nhan sắc, không kể đến sự hấp dẫn chính là tài hoa và sự không suồng sã.

 

Vả chăng điều này hoàn toàn ở ngoài đề tài của bài này.

 

Bài thơ không nói về cố lý (làng cũ, tức nơi sinh thành) của Dương Ngọc Hoàn, mà trong Quốc âm thi, Nguyễn Trãi gọi là Thái Chân. Toàn bài nói về cuộc đời của Quý Phi và thời thế trong đó Quý Phi đã sống, đã được yêu, được tôn sùng và đã chết oan uổng một cách thương tâm. Tất cả phong cảnh của một cuộc đời đã được thu lại trong ba câu. Cảnh xưa - ngôi làng, cung Hưng Khánh và cánh đồng Mã Ngôi - đều không được gọi tên và chỉ được gọi lên trong ý, nhưng phàm là người có học (cổ học Trung Hoa) đều biết và đều tưởng ra được sự huy hoàng rực rỡ. Nguyễn Du không nói đến tên làng ngày nay (thời Nguyễn Du), vì qua mấy thế kỷ với sự thăng trầm của các triều đại, làng có thể đã đổi tên; theo truyền thống Á Đông cho đến thời nay (thời chúng ta), triều đại đến sau bao giờ cũng lo xóa bỏ những di tích của triều đại trước, nhất là những tên làng, tên đường, tên tỉnh, như sợ rằng người ta còn nhớ nhung về một thời đã mất. Địa danh sông núi không thay đổi được, nên Nam Nội (bãi đất nội thành ở phía nam) và Tây Giao (cánh đồng ở phía tây ngoại thành) vẫn còn tên, nhưng phong cảnh, cùng với cảnh làng cũ, chỉ còn là những hoang tàn. Nguyễn Du không đến những nơi này, nhưng đối với thi sĩ, khi cung điện xưa đã bị phá đi, các gò đống đời trước đã bị mất, thì tất cả thành tịch mịch, tiêu điều, trống rỗng. Dầu ngày nay có nhà chọc trời được xây lên và phố xá sầm uất, nhưng lịch sử đã thành hoang phế.

 

Tìm mảnh hoa tàn đâu thấy nữa

Dưới thành gió thoảng xiết bao tình.

Nguyễn Du không đặt chân đến làng cũ của Dương Phi, cũng không được đến Nam Nội và Tây Giao; thế thì vì lẽ gì thi sĩ đã viết bài thơ này?

Nguyễn Du không làm thơ nếu tình cảm không dạt dào, tư tưởng không bừng lên, tứ thơ không nổi dậy. Ông không phải là một thợ thơ như Victor Hugo(20), một nghệ sĩ có tài và có khả năng mỗi ngày ngồi vào bàn, viết mấy chục hay mấy trăm câu thơ. Người ta cũng không có bằng chứng rằng ông gò, ông giũa từng câu thơ như Stéphane Mallarmé hay như người đúc ngọc, tính toán từng một phần trăm của độ hoặc ly để cho những phản quang của ánh sáng chiếu được các màu bích của mảnh đá quý thành trong suốt. Những thơ trong Bắc hành thi tập là thơ đề ở dọc đường, trên một cái cột đá, ở thành một con thuyền, hay trong một cái xe ngựa “vó câu khấp khểnh, bánh xe gập ghềnh”. Nếu không có tình, có tưởng, có tư thì tứ không đến, từ không trào ra thành thơ.

Đọc lại bài thơ thấy tình chan chứa ở hai câu cuối:

Tìm mảnh hoa tàn đâu thấy nữa

Dưới thành gió thoảng xiết bao tình.

Sự thương tiếc ấy là do sự tưởng của thi sĩ. Nguyễn Du là một thi sĩ có tâm tưởng lạ lùng mà ông sẽ truyền lại cho Thúy Kiều. Mười lăm năm luân lạc đem lại bao nhiêu nhớ thương, nàng không nhớ, không nghĩ, nàng tưởng. /Tưởng/ có một nghĩa rất mạnh ở thời xưa mà ta còn thấy trong kinh Phật khi Phật dạy ta rằng lúc thiền định(21) thì “tưởng” mất đi, và đến bậc cuối của Thiền vô sắc thì nhập vào Phi tưởng, Phi phi tưởng xứ. Khi tưởng thì người ta thấy như thực. Nguyễn Du tưởng bằng tất cả các giác quan của người thấy trước mặt, bằng mắt, bằng tai, bằng mũi. Cũng như Marcel Proust, khi thấy lại quá khứ, thì tức khắc thấy toàn thể, rõ mồn một, bằng cả vị giác, xúc giác, không những bằng thị, thính và khứu giác, mà thấy được cả chiều thời gian.

Tưởng người dưới nguyệt chén đồng

Tin sương luống những rày mong mai chờ

(1040)

Tưởng bây giờ là bao giờ

Rõ ràng mở mắt còn ngờ chiêm bao (3014)

Bởi lòng tạc dạ ghi vàng

Tưởng nàng nên lại thấy nàng về đây (2856)

 

Trọng tâm của bài thơ Dương Phi cố lý không ở trong tình, chưa ở trong tình, mà ở trong tư, như được nói trong hai câu 3, 4:

Tự thị cử triều không lập trượng,

Uổng giao thiên cổ tội khuynh thành.

(Trách kẻ đầy triều đồ phỗng đứng

Oan ai nghìn thuở tội khuynh thành)

[Đổi “đứng phỗng” thành “phỗng đứng”]

 

Đây là hai lời cực kỳ mạnh mẽ của thi sĩ. Câu trên là câu buộc tội: “Cả triều đình đã thành những con ngựa cảnh đứng sững lúc duyệt binh (lập trượng mã), chỉ co vó lên đạp đất một cái hay hí lên một tiếng là đủ để bị biếm ra khỏi chức vụ dàn cảnh, bày hàng. Câu sau là câu cởi trói: “Từ đó nàng đã phải mãi mãi chịu cái tội oan (uổng giao) là quá đẹp làm cho nghiêng nước”.

 

Sức mạnh của lời thơ đã tăng lên đến cực độ, vì trong tư của thi sĩ cũng có tưởng: thi sĩ đã thấy cả lũ quan lớn trong triều sắp hàng nghiêm chỉnh như bầy ngựa cảnh, trồng răm rắp như gỗ đá và câm như hến “Tự thị” là từ đó cho đến vĩnh cửu về sau. Câu thơ nặng trĩu với bốn thanh nặng (.) đóng khung và ba vần trắc cuối. Câu sau gieo “thiên cổ”, kéo dài thêm cái thời gian ô nhục cho đến vô tận. Và những chữ này áp dụng cho “cử triều” - tất cả cái triều đình. Sự phán xét của lịch sử, trong hai câu thơ, đã bị lật lại, một câu đầy khinh bỉ, phẫn nộ, chình chịch; một câu, ghép chữ “tội” vào với chữ “khuynh thành”, để nhạo sự phi lý khôi hài, của một lời phán nhẹ bỗng, vô căn cứ. Người đã đọc Đoạn trường tân thanh không khỏi nghĩ đến lời nói đầy hối hận của Thúy Vân:

Cơ trời dâu bể đa đoan

Một nhà để chị riêng oan một mình (716)

 

Cận từ(22) /riêng/ tách rời ra và lên đứng sừng sững trước từ diễn thuật /oan/, đã nặng trĩu cảm xúc. /Một mình/ theo sau, làm một cận từ cận diễn thuật (adverbe) vừa đệm nghĩa cho /riêng/, lại làm cho /riêng/ nổi bật lên trong một vị trí không thường.

 

Nhưng tình, hình như chưa phải là chốt của bài thơ. Tư mới là điều chính yếu, khi Nguyễn Du đặt bút xuống viết bài thơ. Minh oan cho Dương Phi là để quy tất cả tội vào cái triều đình phỗng đứng. Và lời kết tội cái triều đình bị thịt của Đường Minh Hoàng vang dội lên, như sấm rền, nổi bật lên, như chớp giật, đanh thép, sắc bén, mỉa mai, khinh bỉ, trước lời cởi cái dây oan trên cổ Dương Phi.

 

Tại sao thế? Nguyễn Du, thi sĩ Việt Nam, có một oán thù gì riêng, nhằm vào bọn mặc áo thụng, đội cánh chuồn của nước Trung Hoa đời Đường không?

- Không.

 

Vậy thì vì lý do gì, Nguyễn Du viết một bài thơ để bình luận, với rất nhiều tình ý chủ quan, về một chuyện đã xa cả gần nghìn năm và cũ kỹ như nước Trung Hoa đời Đường?

 

Một thi sĩ, khi viết về một cái bình cổ, không phải là để tả cái bình mà là để nói quan niệm của mình về sự đẹp của nghệ thuật và đặc biệt là của thơ. Nguyễn Du, viết về chuyện triều chính thời Dương Phi không phải là vì Dương Phi, mà là vì một cái gì khác đang làm lòng mình thao thức; hơn thế nữa, bộc lộ ra một cái gì chứa chất trong tâm mà chính mình không biết, nhưng sẽ lộ ra sáng như nhật nguyệt vào lúc cuối đời.

 

Dương Phi chỉ là một hình dung (une image). Nói theo thuật ngữ phê bình đời nay, là một allégorie (phúng dụ), một métaphore(siêu dụ(23), không phải theo tu từ học (rhétorique) ngày xưa, mà theo những phân tích ngữ lý học của Roman Jakobson(24), những tư duy triết lý của Nietzche(25), Wittgenstein(26), những phê bình của Ezra Pound(27), của Genette, Bataille, Kristeva(28). Trong cái nghĩa đương thời của những danh từ này, sự khác biệt với tu từ học cổ điển của Aristote (384-322 tr.CN) cũng như sự xa cách từ chủ nghĩa atomisme của Démocrite (460-370 tr.CN) đến lý thuyết quanta về atom của N. Bohr (1885-1962)(29) và các nhà khoa học đời nay. Về vấn đề học thuật, tôi là người thời nay. Với một tâm hồn Việt Nam.

 

Nguyễn Du lớn lên là trong thời Tàn Lê. Một triều oai hùng khi Lê Lợi, Nguyễn Trãi, cùng với nghĩa quân từ đất Lam Sơn lên đến khe Chi Lăng, giết Liễu Thăng, đuổi Mộc Thạch và lập nên nền đại định cho Việt Nam; một triều đại thịnh trị khi Lê Thánh Tông ban bố bộ Luật Hồng Đức với tinh thần bình đẳng và nhân đạo; đã băng hoại dần vì những loạn thần và quyền thần đã lũng đoạn sự thanh bình của nước.

 

Nguyễn Du sinh ra là vào thời vua Lê Hiển Tông. Vua chỉ có chức vị mà không có thực quyền. Chúa Trịnh lúc ấy là Trịnh Sâm. Hắn vô tài nhưng ỷ thế và lấn vua ở những quyền rơi rớt, nhỏ nhoi mà đời trước còn cho vua được có. Hắn lấy của công để tiêu vào việc riêng, không cần biết đến ai. Và hắn mê gái. Cung tần, thị nữ kén người đẹp và cả người trông được, đêm ngày vui chơi, không chút dè dặt. Con cả của hắn là do một cung phi, tên Dương Ngọc Hoàn kém nhan sắc mà Sâm chỉ dùng có một lần, một cách bất đắc dĩ. Mười lăm năm sau, hắn mới có thêm một người con trai nữa, do một thị nữ (con hầu) tên là Đặng Thị Huệ sinh ra; thị nữ này đẹp và biết cách quyến rũ, làm cho Trịnh Sâm mê mệt, phạm nhiều lỗi không những về chính trị mà còn về thuần phong mỹ tục mà các quan trong triều không dám cản ngăn. Do đó, sinh ra nạn bè phái đưa đến những âm mưu phản loạn trong đó anh của Nguyễn Du là Nguyễn Khản, có một địa vị trọng yếu trong triều, cũng dính líu. Vấn đề phức tạp, đưa đến loạn kiêu binh (1782, tức Nhâm Dần) làm lung lay quyền chính đến tận cội rễ, trước khi Nguyễn Huệ đem quân ra Thăng Long, quét sạch cái nạn quyền thần lộng quyền trong mấy năm, rồi cả nhà Lê cũng bị diệt vong.

 

Ngày sinh của Nguyễn Du không được chép trong gia phả, nhưng năm sinh là Ất Dậu, tức là cuối năm 1765 hay đầu năm 1766 dương lịch. Khi xảy ra những sự kiện lịch sử long trời lở đất trên thì Nguyễn Du ở vào khoảng 16-19 tuổi và có lẽ đang ở quê nhà để sửa soạn thi. Ông không trực tiếp sống trong cái không khí nặng nề những mưu đồ khuynh đảo của cái xã hội nhỏ hẹp thâm hiểm gọi là chính phủ trong thành Thăng Long, quanh sáu cái cung chứa các vợ lớn vợ nhỏ của Chúa Trịnh. Nhưng nhiều tin tức của thủ đô vẫn được truyền về tai ông, vì ông anh cả Nguyễn Khản là thầy dạy học của Trịnh Tông, con cả của chúa Trịnh Sâm, với chức Tả Tư giảng, đã bị tố là đã giúp Tông trong vụ Canh Tý (1780) và bị ghép tội chết, may mà lại được tha.

 

Nguyễn Du thuở trẻ rất bồng bột, năm 25 tuổi nghe tin vua phải chạy sang Trung Hoa còn cố công chạy theo để bảo giá. Tin tức từ thủ đô nhận được thì không rõ ràng, một phần là vì những chuyện trong cung cấm, một phần là vì những ý đồ bí mật, nhưng nhiều phần có thể tin được là Nguyễn Du ngả về phía Trịnh Tông đã được nhận là thế tử và trong triều cũng như ngoài dân chúng và quân đội, nhiều người không ưa chúa Trịnh mê gái, muốn bỏ trưởng lập thứ.

 

Lý do thứ hai với Nguyễn Du là vì ông anh Nguyễn Khản đứng hẳn về phe Trịnh Tông. Lý do thứ ba, đối với tôi rất quan trọng, là mẹ Trịnh Tông trùng tên, trùng họ với Dương Quý Phi đời Đường: bà tuy không đẹp, nhưng có tên là Dương Ngọc Hoàn, một cái tên tuyệt đẹp với một thi sĩ như Nguyễn Du.

 

Đây là trường hợp một siêu dụ (métaphore) được ghép với một siêu danh (métonymie).

 

Siêu dụ là một giao dịch trong lãnh vực nội dung. Người đàn bà là một vật thể có nhiều tính cách, gọi là nét (feature) hay nghĩa vị (sémantème): là người phái nữ thường mặc đồ đẹp có màu sắc phấp phới, có sắc đẹp, biết cười, biết nói v.v… Bông hoa là một vật thể khác, với một số nét khác và một số nét giống. Dựa vào những nét nội dung, tức là nghĩa vị giống nhau, người ta dùng bông hoa để chỉ người đàn bà, như Nguyễn Du tả Thúy Vân:

Hoa cười, ngọc thốt đoan trang

Hay Sở Khanh gọi Thúy Kiều:

Hoa sao hoa khéo đọa đày bấy hoa.

Và trở lại với bài thơ Dương Phi cố lý:

Lang tạ tàn hồng vô mịch xứ.

Siêu danh là một hình dung tu từ giao dịch cái tên của một vật thể với tên một vật thể khác biểu tượng cho vật thể kia. Như khi ta nói “nước” Việt Nam, thì /nước/ thay cho đất nước, nhân dân và chính phủ. Ta nói “tôi ăn một bát”, là ăn cơm hay xôi hay chè đựng trong cái bát, chứ không phải là ăn cái bát.

 

Ngôn ngữ thông thường đầy những siêu dụ và siêu danh mà chúng ta không để ý tới vì quá quen rồi. Nhưng siêu dụ và siêu danh trong văn thơ là những sáng tạo mà người đọc nhận thấy: đó là hương hoa của văn thơ, làm cho tâm trí mê say, trôi nổi bồng bềnh giữa hai tầng ý nghĩa như đang bơi trong mây trời. R. Jakobson phân tích rằng siêu dụ khai thác một liên hệ về sự tương tự, tương đồng (similitude). Còn siêu danh dựa trên một liên hệ về sự lân cận (contiguity)(30). Hai người con gái cùng hàm oan trong việc nước, là đầu mối của siêu dụ. Hai người lại trùng tên họ với nhau, cùng là Dương Ngọc Hoàn, là một siêu danh.

 

Đối với một tâm hồn thi sĩ, âm thanh gần nhau là một quyến rũ. Đó là gốc nguồn tâm lý của sự gieo vần (rime), của sự láy âm (allitération) như:

 Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông (1308)

 

Đào hoen quện má, liễu tan tác mày (1428) của nhịp (rythme), của điệu (mélodie), của thi thước (mètre), của nhạc trong thơ. Tất cả thơ của loài người bay lượn quanh hai thái cực, một là ngôn ngữ thơ, hai là nhạc của thơ.

 

Nguyễn Du là một nhạc sĩ trong thơ và là một thi sĩ mà tâm là ngôn ngữ:

(239) Ngoài song thỏ thẻ oanh vàng

Nách tường bông liễu bay ngang trước mành

Hiên tà gác bóng chênh chênh

Nỗi riêng riêng chạnh tấc riêng một mình (242)

- Lơ thơ tơ liễu buông mành

 

Và thi sĩ Tố Như suốt đời cho đến cuối đời, yêu người yêu nhất là cái tên mà ông ôm ấp, nhắc ru không lơi:

- Hải đường lả ngọn đông lân

Giọt sương treo nặng cành xuân la đà (176)

- Một sân lầm cát đã đầy

Gương lờ nước thủy, mai gầy vóc sương (1430)

- Tưởng người dưới nguyệt chén đồng

Tin sương luống những rày mong mai chờ (1040)

 

Dương Phi của chúa Trịnh vào trong thơ của Nguyễn Du vì là Dương Phi. Nguyễn Du không cần biết nàng đẹp hay nàng xấu. Nàng không đẹp, nhưng cái tên của nàng đẹp. Nàng có cái tên của người đẹp nhất trong thơ. Siêu danh ghép với siêu dụ thành một lý do tuyệt đối, vĩnh cửu. Cái Đẹp của thơ vượt ra ngoài và lên trên cái đẹp của người đẹp.

 

Đó là Sự Đẹp: A thing of beauty is a joy for ever (J. Keats)(31).

 

(Còn tiếp kỳ sau)

 

_____

(1) Situations: Vị trí. Đầu đề một loạt sách sưu tập các tiểu luận phê bình của J.P. Sartre.

(2) Tri và Hành, chữ của Khổng Tử, là một đề tài lớn của triết học cổ điển Trung Hoa.

(3) Jean Paul Sartre, Les Murs (Những bức tường). Sartre là một triết gia Pháp, lập ra thuyết Existentialisme (chủ nghĩa Hiện sinh) của ông, với cuốn L’Être et le Néant(Bản thể và Hư không).

(4) Martin Heidegger (1889-1976): triết gia Đức, học Hiện tượng luận (Phénoménologie) với Ed. Husserl (1859-1938) rồi lập ra học thuyết riêng gọi là Existenz-Philosophie. Tác phẩm chính: Sein und Zeit, 1927.

(5) Winston Churchill (1874-1963) lãnh đạo nước Anh trong thế chiến 2 (1939-1944).

(6) Marc Bloch (1886-1944): sử gia Pháp cùng với L. Febre lập ra môn phái Annales. Bị Đức xử tử.

(7) Engagement: nghĩa thường là “kết” (kết giao), “đính hôn”, rồi thành “đầu quân”. Sartre dùng trong triết học với nghĩa là kết đời mình vào một chủ nghĩa tranh đấu. Nhiều người dịch là “sự dấn thân”.

(8) Phi lý (Absurde) là sắc thái căn bản cuộc sống hiện sinh. Albert Camus và nhiều nhà văn đã dùng làm đề tài để viết. Sartre đã đưa ra quan niệm Tự do chọn lựa trong cuộc đời phi lý. Đề tài ấy có thể thấy trong Đoạn trường tân thanh.

(9) Thơ chữ Hán Nguyễn Du (1988) của Đào Duy Anh - Nguyễn Kim Hưng, và Nguyễn DuNiên phổ và tác phẩm của Nguyễn Thạch Giang - Trương Chính là hai tập thơ chữ Hán của Nguyễn Du mà tôi hiện đang dùng.

(10) Thiên vấn: Hỏi trời. Thơ Nguyễn Du: Ám tụng thiên vấn chương/ Thiên cao hà xứ vấn? (Thanh Hiên tiền tập, 13: Bất mỵ thính hàn canh).

(11) Trần Ngọc Ninh, Tố Như và Đoạn trường tân thanh, Viện Việt học và Khởi Hành xuất bản, Mỹ, 2005.

(12) Michelangelo Buonarroti (1475-1564): điêu khắc gia, họa sĩ, kiến trúc sư Ý thời Phục hưng. La Pietà là bức tượng Chúa Giêsu mới từ trên câu rút xuống. Các hình vẽ trên trần nhà nguyện Siesta là hình Sáng thế. Trên tường nhà nguyện là hình Ngày xử án cuối cùng. Tượng Pietà bị ném đá vỡ bàn tay Đức Mẹ, phải chắp lại. Hình vẽ bị khói nên ám mờ phải cọ sạch.

(13) Leonardo da Vinci (Leonardo ở làng Vinci) (1452-1519): khoa học kỹ thuật gia kiêm họa sĩ điêu khắc gia Ý, thời Phục hưng. Bức Le dernier Souper vẽ trên tường phòng ăn của tu viện Santa Maria delle Grazie, được cọ sạch.

(14) Anatole France (1844-1924): tiểu thuyết gia Pháp.

(15) Marcel Proust (1871-1922): nhà văn, tiểu thuyết gia Pháp.

(16) Gustave Flaubert (1821-1880): tiểu thuyết gia Pháp.

(17) Stéphane Mallarmé (1842-1898): thi sĩ Pháp, phái Symbolisme.

(18) Gilles Deleuze (1925-1995): triết gia Pháp. Các vị khác là tư tưởng gia, phê bình gia Pháp.

(19) Lý Bạch (Li Po), Đỗ Phủ (To Fu): hai thi sĩ Trung Hoa thời Thịnh Đường, cùng thời với Dương Quý Phi. Bạch Cư Dị (Po Chu Y) thuộc thời Tàn Đường hay Vãn Đường.

(20) Victor Hugo (1802-1885): văn thi sĩ Pháp, thời Lãng mạn (Romantisme).

(21) Thiền: Tiếng Sankrit (Phạn) là Djanna, Hán ngữ phiên âm là Ch’an, ta lại phiên âm lần thứ hai thành Thiền. Ngày trước (thời Nam Phong) ta dịch là “trầm tư mặc tưởng”, tiếng Anh dịch là meditation.

(22) Cận từ (Ad-form) là một loại từ có ba hình thức (và ba chức vụ) : 1. Cận từ cận danh từ (Adjective) để tả hay định tính danh từ ở kế cận. 2. Cận từ cận diễn thuật từ (Adverb) để tả tính cách của diễn thuật từ. 3. Cận từ cận cận từ (Adverb).

(23) Metaphone thường được dịch là ẩn dụ. Tôi dịch là siêu dụ theo Ủy ban soạn thảo Danh từ chuyên khoa của VNCH (1970-1975), là dịch theo từ nguyên. /Meta/ là /siêu/.

(24) Roman Jakobson (1896-1982): nhà ngữ lý học (Linguistics) sinh ở Nga, di cư sang Mỹ 1941, dạy ở MIT.

(25) Frederich Nietzche (1844-1900): triết gia Đức.

(26) L.J.J. Wittgenstein (1889-1951): triết gia Anh, sinh ở Áo.

(27) Ezra Pound (1885-1972): thi sĩ Mỹ, kiêm phê bình gia lập ra phái Imagism.

(28) Genette, Bataille, Kristeva là những phê bình gia của Pháp. Không trường phái nhưng có thể gọi chung là Modernisme.

(29) Niels Bohr (1885-1962): khoa học gia Đan Mạch lập ra trường phái Copenhagen của thuyết quanta, là trường phái hầu hết các khoa học gia hiện nay đều theo.

(30) R. Jakobson và Morris Halle, Two Aspects of Language and Two Types of Aphasic Disturbances; trong Fundamentals of Language, The Hague: Mouton, 1956. Có bản tiếng Pháp.

(31) John Keats (1795-1821): thi sĩ Anh, thời Romantism (Lãng mạn).