Văn tế thập loại chúng sinh hay Văn chiêu hồn của Nguyễn Du với chỉ 184 câu thơ song thất lục bát, đã trở thành một kiệt tác bất hủ trong di sản văn hóa tinh thần của nhân loại. Đúng như nhà sư Thích Nguyên Hiền viết, Nguyễn Du "đã đem từng khúc ruột quặn đau của mình làm bút, trích từng giọt lệ rớm máu của mình làm mực, viết nên một tình tự nồng nàn da diết, nỗi lòng Tố Như hay tiếng ngậm hờn thiên cổ kiếp sống phù du? Ai đó trong cõi mang mang trường dạ hẳn đã nghe ra niềm cảm thông buốt lạnh tồn sinh, rưng rưng kiếp số và thổn thức nhân tình. Chưa bao giờ trong thi ca Việt Nam lại ngậm ngùi đến thế."

 

 

Mỗi người sinh trưởng  ở cõi trần gian, đều có thể thốt lên rằng:"trong khoảng trăm năm cần có tớ" - như thi sĩ Tản Đà. Song, đến lúc từng người phải"nhập thế" để "xuất, xử, hành, tàng", để dấn thân vào cuộc sống thì không đơn giản chút nào! Ở đây với thao tác nghệ thuật ngôn từ hết sức tài tình của Nguyễn Du; mười loại linh hồn ở cõi hư vô đều lần lượt hiển hiện với cuộc sống thực tại mà không hề khiên cưỡng. Mỗi câu thơ như một nốt nhạc thiêng liêng xướng lên từ những âm hồn lay động, du dương, ảo giác, xoáy vào tâm can, máu thịt người đời đang sống ở "cõi dương". Mối cảm thông "âm dương đồng nhất lý" giữa người sống và người chết dường như đã biến thành một hồi chuông cảnh tỉnh mỗi dịp dừng lại lắng nghe. Một chút lắng nghe, nhưng Nguyễn Du nghe thấy: "Lòng nào lòng chẳng thiết tha/Cõi dương còn thế huống là cõi âm."

 

Giá trị nhân văn cao cả của bậc đại thi hào là khi viết về thân phận con người ở mười loại vong hồn: Một là người yểu tử "tiểu nhi tấm bé / Lỗi giờ sinh lìa mẹ lìa cha / Lấy ai bồng bế vào ra / U ơ tiếng khóc thiết tha nỗi lòng.” Hai là người lao động cùng khổ: "kẻ đi về buôn bán / Đòn gánh tre chín dạn hai vai.” Ba là kẻ "bán nguyệt buôn hoa / Ngẩn ngơ khi trở về già/Ai chồng con nấy biết là cậy ai.”Bốn là "những kẻ tính đường kiêu hãnh / Chí những lăm cướp gánh non sông / Nói chi đang thuở tranh hùng / Tưởng khi thế khuất vận cùng mà đau!" Năm là loại quan chức tham ô nhũng nhiễu là: "những kẻ mũ cao áo rộng / Ngọn bút son thác sống trong tay / Kinh luân chất một túi đầy / Đã đêm Quản, Cát lại ngày Y, Chu / Thịnh mãn lắm oán thù càng lắm." Sáu là "nghiệp ca hát / Nghìn vàng khôn chuộc được mình/ Lầu ca viện xướng tan tành còn đâu! Bảy là “Cũng có kẻ nằm cầu gối đất/Dõi tháng ngày hành khất ngược xuôi/Thương thay cũng ột kiếp người/Sống nhờ hàng xứ/ chết vùi đường quan! Tám là những "kẻ rắp cầu chữ Quý / Dấn thân vào thành thị lân la / Mấy thu lìa cửa lìa nhà / Văn chương đã chắc đâu mà thí thân." Chín là" những kẻ màn lan trướng huệ / Những cậy mình cung Quế Hằng Nga / Một phen thay đổi sơn hà / Mảnh thân chiếc lá biết là làm sao! Rồi "Khi sao đông đúc vui cười/ Mà khi nhắm mắt không người nhặt xương! Mười là những vong hồn người lính chết trận:" Cũng có kẻ mắc vào khóa lính / Bỏ cửa nhà gồng gánh việc quan /  Nước khe cơm ống gian nan /  Dãi dầu muôn dặm lầm than một đời / Buổi chiến trận mạng người như rác / Phận đã đành đạn lạc tên rơi / Lập lòe ngọn lửa ma trơi / Tiếng oan văng vẳng tối trời càng thương.”

 

Chọn ra mười loại vong hồn trên đây, Nguyễn Du đã thể hiện tầm nhìn bao quát và phát hiện ra những nét tinh tế nhất trong cõi mưu sinh của cuộc sống loài người. Cái chết là điểm nút cuối cùng trong quy luật vĩnh cửu của vòng đời người. Đó chính là điểm hội tụ mọi biểu hiện thanh lọc tâm hồn, tính cách của thế giới tâm linh, chứa dựng cái thiêng mang tính toàn cầu. Người ta có thể đưa ra những quan điểm cực đoan hay lạc quan tùy theo lăng kính thời đại như: "chết vì tình là đời khốn kiếp / Chết vì miếng ăn là cái chết đê hèn / Chết xông pha vì nước giữa trận tiền / Ôi cái chết ngả ngiêng trong vũ trụ"...chẳng hạn. 

 

Người Việt có câu: - Cái quan định luận - nghĩa là tất cả quá trình tự thân vận động của mỗi người trong giới hạn nhất định của mình, dù anh là nam hay là nữ ở bất kỳ một cương vị quan, dân, thầy, tớ...nào trong xã hội, dù anh có cuộc sống sang, hèn, hơn, kém, no, đói, giàu, nghèo...không kể, nhưng khi sự sống kết thúc vào bất cứ lúc nào, tuổi nào, hoàn cảnh nào thì mới là sự thu hút mọi thể hiện ý thức trang trọng. Và khi tấm ván thiên trên cỗ quan tài đóng lại, người đời đã từng sống xung quanh anh ta, đã từng tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp với anh ta, đã từng "vay trả, trả vay" bằng vật chất, tinh thần dưới mọi hình thức tinh vi, thô nhám, thông thường, thủ đoạn trong cuộc sống cơm áo với anh ta, mới có thể khẳng định đôi điều  về ý nghĩa cuộc đời của con người đó. Đây chính là nét đặc tả trong quan niệm sáng tác của Nguyễn Du, nên chỉ cần một hai câu thơ phác họa cá tính, miêu tả việc làm cụ thể, điển hình của mỗi trang đời đã từng trải là hình ảnh của họ đã làm nổi bật và chứa đựng sắc màu gây ấn tượng với người đọc. 

 

Nói và viết những gì về những người đã khuất, tưởng chừng chỉ là những lời ca ngợi, phản biện dư luận của người sống trước một đồng loại đã kết thúc cuộc đời sinh học bằng cái chết, song thực chất những bài văn tế, những câu văn thơ than khóc tâm huyết đó chẳng phải có linh hồn nào nghe được, hiểu được mà nó chính là triết lý nhân sinh nhắn bảo, khuyên nhủ lẫn nhau giữa những người hiện đang kề vai sánh bước bên nhau, sao cho quan hệ nhân sinh ngày một tốt đẹp hơn. bản sắc dân tộc độc đáo đầy sáng tạo. Cái khó là thông quá ảo thuật ngôn từ, thiên tài thi ca Nguyễn Du đã dùng tiếng nói tri âm của người Việt viết về mười loại vong hồn với một niềm cảm xúc vang dội sâu xa, gợi được nỗi thương cảm đau xót, nỗi chia sẻ ân tình ấm áp


 Vượt ra khỏi biên giới lãnh thổ quốc gia, những câu thơ lay động tâm hồn trong Văn chiêu hồn của Nguyễn Du đã khiến nhiều văn nhân trí sĩ và nhiều bạn đọc ở nhiều ngữ hệ văn tự khác nhau cảm nhận. Bài Cô hồn Mỹ ở đất Việt và Văn chiêu hồn của Nguyễn Du trong sách Hồ sơ văn hóa Mỹ (1995) của Hữu Ngọc cho biết: "Sau khi phát hiện bài Văn chiêu hồn bản tiếng Anh trong cuốn Văn học Việt Nam của Nguyễn Khắc Viện và Hữu Ngọc, nữ giáo sư Mỹ Chsistine White của đại học tổng hợp Hawai rất xúc động. Bà viết: "Tôi mong là thi phẩm viết cách đây hai trăm năm ấy có thể giúp người Mỹ hiểu chủ nghĩa nhân văn Việt Nam và vấn đề người Mỹ mất tích trong chiến tranh (...) Đối với những cựu binh Mỹ, chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam chưa kết thúc, về mặt bệnh lý tâm thần cũng như về mặt tâm lý. Những ký ức chiến tranh ám ảnh đến mức họ không tài nào sống bình an trong hiện tại
 

Việc tìm kiếm hài cốt Mỹ hiện nay là cố gắng giải quyết vấn đề tâm linh bằng những phương tiện vật chất. Tôi không tin là còn tù binh và lính Mỹ mất tích sống ở Việt Nam, nhưng tôi tin chắc là có rất nhiều linh hồn Mỹ đau khổ. Tôi chưa hề  tin là có ma mãi cho đến khi tôi quen một số cựu binh Mỹ. Họ bị ám ảnh bở chiến tranh. Có người từ 20 năm nay không có một đêm yên ngủ vì những giấc mơ khủng khiếp về chiến tranh".(...) "Nhiều người Mỹ sống một thời gian ở Việt Nam tin vào ma quỷ vì chịu ảnh hưởng tín ngưỡng Việt Nam. Trong tiểu thuyết Lính tráng, người kể chuyện là tất cả ma Mỹ phải ở xa quê hương. Tôi nghĩ nếu còn có nhiều ma Mỹ ở Việt Nam thì từ hai chục năm nay, họ chỉ được ăn toàn cháo hoa đặt trong chùa vào rằm tháng bảy, ngày xá tội vong nhân. Nếu bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ, thì những cửa hàng ăn Mc.Donald có thể được mở ở Việt Nam và ma Mỹ có cơ hội được ăn xúc xích Hambuốc.
 

Cái gì có thể làm dịu những cô hồn đói khát và đau khổ đó? Có thể biện pháp của phong trào Mahikri nhằm chữa tâm hồn giải oan và phù hợp. Những người theo phong trào này thắp ánh sáng thiêng liêng ở Trân Châu cảng để làm dịu nỗi khổ đau của binh sĩ Mỹ chết khi Nhật tấn công năm 1941. Họ tin là khi oan hồn nhận được ánh sáng thì oan hồn dần dần thoát được những khổ đau của ký ức cõi trần, rũ bỏ được nỗi đau khổ trần gian gần như siêu thoát của nhà Phật. Tôi hỏi một chị người Việt (từ Hà Nội đến học ở trường đại học tổng hợp Hawai) để biết ở Việt Nam đêm Rằm tháng Bảy người ta cúng gì. Chị trả lời rất hào hứng: - Người ta làm đồ mã, tất cả mọi thứ cần cho con người đều làm bằng giấy, sau đó đem đốt, lấy tro tung xuống nước cho trôi theo dòng xuống cõi âm. Cúng ban đêm, vì đối với ma, đêm là ngày.


 Tôi hỏi chị: - Đêm Rằm tháng Bảy người Việt Nam có nghĩ đến binh sĩ Mỹ chết ở Việt Nam không? Chị bảo: - Có chứ! Chúng tôi còn nghĩ đến cả binh sĩ Pháp và Nhật."Thật là nhân văn hết nỗi, bởi câu trả lời của một sinh viên đang đi du học đã toát lên sự ngấm trải phong tục người Việt của cha ông mình trong ứng xử giữa con người với con người theo lẽ "nghĩa tử là nghĩa tận."Chắc hẳn, nếu những chàng trai trẻ người Mỹ chẳng may tử nạn trong chiến tranh Việt Nam trước năm 1975 sớm biết điều đó trong chủ nghĩa nhân đạo Việt Nam, thì không ai dám bấm tay vào cò súng hay đốt phá xóm làng của họ.


Câu chuyện cảm nhận nghệ thuật, ghi nhận về văn hóa Việt Nam của một trí thức Mỹ khi đọc Văn chiêu hồn của Nguyễn Du bắt nguồn từ những câu thơ Nôm Việt Nam như thế./.