nguyendu.d.webcom.vn
Loading...

Ấn phẩm - Sách

Bộ đếm lượt truy cập

web counter html code

VĂN BẢN TRUYỆN KIỀU NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN


Lời nói đầu

PHẦN MỘT: NGHIÊN CỨU

(ĐÀO THÁI TÔN)

Không có “bản Phường” Truyện Kiều (với nghĩa là  bản do Phạm Quí Thích đưa in)

Không có “bản Kinh: Truyện Kiều do vua Tự Đức sửa chữa đưa in

Tìm hiểu thực chất “bản Tiên Điền” Truyện Kiều

Văn bản Truyện Kiều nhìn từ cuối thế kỷ XX

  •     Biết đâu Hợp Phố mà mong châu về
  •     Cái mới trong một bản Kiều
  •     Nguyễn Du viết Truyện Kiều từ năm 14 tuổi?
  •     Chữ “Xuân” trong Truyện Kiều
  •     “Gạn đục”…một câu Kiều
  •     “Gươm đàn: không phải là “ gươm và cung bắn đạn tròn”
  •     Nỗi đau của những câu thơ qua một chữ dùng trong Truyện Kiều  
  •     Qua ba bài báo về hai chữ “Ngải trương”
  •     Tìm nghĩa câu thơ, thấy thêm một phương ngữ Truyện Kiều
  •     Đọc lại Truyện Kiều, hiểu thêm một chữ: bụi hồng – bông hồng                              
  •     Đỉnh Giáp non thần                                                  
  •     Nhân cầu “Trên các dưới duyềnh”   


PHẦN HAI: THẢO LUẬN

HOÀNG XUẪN HÃN: Học giả Hoàng Xuân Hãn nói về Truyện Kiều

NGUYỄN QUẢNG TUÂN: Một vài nhận xét về việc nghiên cứu Truyện Kiều của cố học giả Hoàng Xuân Hãn.

ĐÀO THÁI TÔN: Nhận một bài “nhận xét” về việc nghiên cứu Truyện Kiều.

NGUYỄN QUẢNG TUÂN: Trả lời

Ông Đào Thái Tôn về bài “Nhận một bài nhận xét về việc nghiên cứu Truyện Kiều”    

ĐÀO THÁI TÔN: Trả lời bài “ trả lời" của Nguyễn Quảng Tuân  

NGUYỄN QUẢNG TUÂN: Hãy trở lại đúng vấn

đề: nhận xét về việc nghiên cứu Truyện Kiều của cụ Hoàng Xuân Hãn   

ĐÀO THÁI TÔN: Nguyễn Quảng Tuân “nhận xét”

phương pháp nghiên cứu của Hoàng Xuân Hãn

VŨ ĐỨC PHÚC: Hoàng Xuân Hãn và việc khôi phục nguyên tác Truyện Kiều

NGUYỄN QUẢNG TUÂN: Về bài “Hoàng Xuân Hãn và việc khôi phục nguyên tác “Truyện Kiều “

VŨ ĐỨC PHÚC: Phương pháp văn bản học

chân chính và lối làm việc không có phương pháp

(Trả lời ông Nguyễn Quảng Tuân)                                                           

PHẦN BA: PHỤ LỤC

NGUYỄN VĂN HOÁN: Trên đường đi tìm nguyên tác Truyện Kiều

NGUYỄN ĐĂNG NA: Đoạn trường tân thanh – một mã khóa vào thế giới nghệ thuật Nguyễn Du                                                                          

PHẠM LUẬN: Về hai chữ “Tân thanh” của Nguyễn Du      

CAO XUÂN HẠO: “Nghỉ” hay “Nghĩ”   

CAO XUÂN HẠO: Nghĩa của mày ngài trong câu thơ “râu hùm, hàm én, mày ngài”

CAO XUÂN HẠO: “Trăm năm trong cõi người ta” nghĩa là gì?

VŨ ĐỨC PHÚC: Sự quan trọng của một chữ một dấu chấm

Lời nói đầu

Cuốn sách này được chia làm ba phần:

-Nghiên cứu

- Thảo luận

- Phụ lục

1. Phần nghiên cứu: tập hợp những bài chúng tôi viết về một số khái niệm văn bản Truyện Kiều mà nó từ đầu thế kỷ XX giới nghiên cứu vẫn dùng để chỉ những văn bản được coi là quan trọng, tiêu biểu. Đó là:

-bản Phường, tượng truyền  rằng do Phạm Quý Thích (1759-1825) đưa in từ sinh thời Nguyễn Du.

- bản Kinh, tương truyền rằng được vua Tự Đức (1848-1883) đích thân sửa chữa, cho in tại Kinh đô Huế.

Đây là hai văn bản truyền rằng gần với nguyên tác, nhưng tiếc rằng đều đã bị mất.

-Bản Tiên Điền là bản chép tay do ông Nguyễn Mai lưu giữ, tương truyền rằng đó là “bản gốc” của Nguyễn Du.

Thực ra thì, ba văn bản tương truyền này, theo dự tìm hiểu của chúng tôi, hai văn bản là không có chứ không phải có mà đã mất, còn “bản Tiên Điền” chỉ là văn bản được có mà đã mất, còn “bản Tiên Điền” chỉ là văn bản được chép lại vào đầu thế kỷ XX chứ không phải là “di cảo”, “bản gốc” Truyện Kiều của Nguyễn Du!

Trong phần này, còn có bài viết Biết đâu Hợp Phố mà mong châu về, giới thiệu bản Kiều Nôm khắc ván in sớm nhất hiện lưu giữ tại Pháp (Kim Vân Kiều tân truyện, Liễu Văn đường tàng bản. Tự Đức nhị thập tứ niên -1871), mà ở đó chúng tôi trình bày về đại thể công việc đã tiến hành từ hai năm qua, bao gồm các việc phiên âm, chú giải, khảo dị…cho in kèm bản chụp Kim Vân Kiều tân truyện).

Chúng tôi cũng đưa vào phần nghiên cứu một số bài viết về cái hay của một câu thơ, một chứ dùng trong Truyện Kiều; trao đổi với đồng nghiệp về một số lầm lẫn trong việc nhìn nhận một văn bản, một cách hiểu một chữ, một câu thơ, một điển cố trong tác phẩm…

Trong phần này, đôi khi, chúng tôi có tu chỉnh lại câu văn, chữ dùng so với bài đã in trên mặt báo. Tuy vẫn giữ nguyên tư liệu, lập luận và kết luận của ba bài viết về “bản Kinh”, “bản Phường”, “bản Tiên Điền”, nhưng từ chỗ xuất hiện trên mặt báo đến khi đưa vào sách sẽ không tránh khỏi sự trùng lặp nào đó. Do vậy, chúng tôi đã sửa chữa, gia giảm sao cho cân đối, hài hòa và bớt đi những chỗ trùng lặp cho cuốn sách được thanh thoát hơn. Đôi khi, chúng tôi thấy cũng cần chua xuống chú thích vài dòng VIẾT THÊM để rõ hơn một số ý mà khi viết báo, chúng tôi không thể viết kỹ.

2. Phần thảo luận tập hợp các bài của nhiều tác giả (trong đó có chúng tôi) tham gia tranh luận về văn bản Truyện Kiều trên tuần báo Văn nghệ, Tạp chí Văn học, Tạp chí Sông Hương…trong mấy năm gần đây.

Lẽ ra, phần này chỉ cần tập hợp những bài tranh luận mà chúng tôi đã in trên các báo, Nhưng , duyên do của cuộc tranh luận này lại được bắt đầu bằng bài của Nguyễn Quảng Tuân trên Tạp chí Văn học số 6 năm 1997 mà ở đó ông kịch liệt phê phán học giả Hoàng Xuân Hãn khi Cụ vừa qua đời, khiến tôi phải viết bài nói lại: từ đó, cuộc tranh luận đã lôi kéo theo một vài người khác. Bởi vậy, chúng tôi thấy cần phải tập hợp đầy đủ các bài tranh luận đáng chú ý, chứ nếu chỉ cho in các bài của chúng tôi thì bạn đọc sẽ rất khó theo dõi, thậm chí hiểu sai vấn đề. Những bài được tập hợp một cách khách quan này lưu ý bạn đọc đến nhiều vấn đề nghiêm túc về học thuật, như sự thật giả của tư liệu, phương pháp nghiên cứu, hiệu đính Truyện Kiều, tức là gợi ra những vấn đề quan trọng chứ không phải là những cuộc cãi vã, những chuyện đuôi co cá nhân.

Ở phần này, chúng tôi đã in lại nguyên văn các loại mà chúng tôi đã in, không sửa một câu, một chữ - nhất là những câu, chữ đã được người tranh luận, trích dẫn; bởi vì, khi in kèm bài viết của người tranh luận làm tài liệu đối chứng để bạn đọc tiện theo dõi, chúng tôi đã giữ nguyên câu chữ của họ và khi cần, đặt thêm lời BÌNH CHÚ để phân biệt với nguyên chú của tác giả.

Chúng tôi nghĩ rằng sự tổ chức bài vở như thế là khách quan, phản ánh trung thực cuộc tranh luận . Như vậy mới có ích đối với bạn đọc. Tuần báo Văn nghệ, Tạp chí Hán Nôm, Tạp chí Văn học, Tạp chí Lịch sử, Tạp chí Sông Hương…và gần đây, cuốn Nghiên bút mười năm của Cao Tự Thanh (Nxb, Văn học, H,1999) cũng đã chứng tỏ lợi thế của việc tổ chức bài vở được in đối chiếu, song song như vậy.

Nhưng, dù đã chủ ý tập hợp các bài cho thật khách quan, chúng tôi thất cũng không cần thiết phải gom nhặt tất cả những bài lặt vặt, chỉ lặp lại một cách không mệt mỏi các “huyền thoại”, tưởng đó là những chứng lý khoa học. Cuốn sách vì vậy sẽ tránh được những tranh cãi vụ vặt, vô lối.

3. Phần phụ lục, chúng tôi đã xin phép các tác giả từng dày công nghiên cứu Truyện Kiều như Vũ Đức Phúc, Nguyễn Văn Hoàn, Cao Xuân Hạo, Nguyễn Đăng Na cho được in bài của các ông. Đó là sự tìm hiểu công phu về tên sách Đoạn trường tân thanh (Nguyễn Đăng Na), cách tìm hiểu về một chữ chưa ai hiểu như thế (Cao Xuân Hạo). Đó là cách ngắt câu thơ khiến tôi phải tự phủ nhận một bài viết từ đầu năm 1995 của mình (Vũ Đức Phúc). Và đó là bài hồi ức Kỷ niệm trên đường đi tìm nguyên tác Truyện Kiều (Nguyễn Văn Hoan) mà tác giả dùng hình ảnh nói khiêm rằng 40 năm qua, ông “ đã đi tìm vàng, nhưng mới mới thu được quặng”!

Chúng tôi xin được bày tỏ ở đây lòng cảm ơn chân thành đối với tất cả các đồng nghiệp kể trên.

Năm nay, chúng ta kỷ niệm 180 năm ngày mất của thi hào Nguyễn Du.

Khi ta kỷ niệm Nguyễn Du

Chẳng ích gì cho Nguyễn

Chả qua chỉ để kẻ yêu thơ khỏi tủi trong lòng

Ông đã hóa mây trắng ngang trời hoài niệm

Hóa ra Kiều cao cấp gấp mấy đời ông

(Chế Lan Viên – Di cảo thơ)

Cuốn sách này thực tình không chủ ý “viết để chào đón lễ kỷ niệm” 180 năm mất của Nguyễn Du. Được hoàn chỉnh bản thảo vào thời điểm ngẫu nhiên trùng hợp này, chẳng qua là một nhân duyên phản ánh việc nghiên cứu văn bản Truyện Kiều qua nhiều thế hệ mà đến lượt chúng tôi – lớp người đến sau, tự đặt cho mình nhiệm vụ chủ yếu là rà soát lại từng khái niệm văn bản Truyện Kiều – công việc mà có lẽ các nhà nghiên cứu trước đây đã lơ đãng bỏ qua.

Hy vọng rằng cuốn sách sẽ có ích đối với việc giảng dạy Truyện Kiều ở các trường Trung học, khoa Ngữ văn các trường Đại học và thêm một tài liệu có ích cho nhà nghiên cứu. Nếu cuốn sách còn góp được một vài khía cạnh nào đó về mặt phương pháp đối với các nghiên cứu sinh, các bạn mới bước vào nghề nghiên cứu văn học, văn bản nhọc nhằn này, thì quả thực đã vượt quá niềm mong ước của chung tôi.

Trong quá trình hoàn chỉnh bản thảo, chúng tôi đã nhận được sự giúp đỡ của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Quỹ sáng tác văn học Hội Nhà văn Việt Nam và sự góp ý tận tình của đồng nghiệp. Chúng tôi xin được bày tỏ lời cảm ơn chân chính.

Chúng tôi đã lao động nghiêm túc trên trang viết nhưng chắc khó tránh được sai sót. Mong được bạn đọc chỉ giáo.