nguyendu.d.webcom.vn
Loading...

Truyện Kiều qua các khuynh hướng phê bình văn hóa, giáo khoa, phân tâm học nửa đầu thế kỷ XX


Đề cao Truyện Kiều về phương diện văn hóa (quốc ngữ, quốc học, quốc hồn - Nhóm Nam phong tạp chí)
 
Với khát vọng xây dựng một nền quốc học như một sự chuẩn bị cho sự nghiệp văn hóa dân tộc, Phạm Quỳnh đã xướng lên một phong trào đọc Kiều và vịnh Kiều như một sự phô diễn sức mạnh tinh thần của dân tộc. Phong trào được đánh dấu bằng bài diễn thuyết của Phạm Quỳnh tại buổi lễ kỉ niệm Nguyễn Du nhân ngày mất của nhà thi hào do Ban Văn học của Hội Khai Trí Tiến Đức mà Phạm Quỳnh làm Tổng Thư kí, tổ chức tại Hà Nội năm 1924.
 
Mở đầu Phạm Quỳnh nói lý do buổi lễ là nhân ngày giỗ cụ Tiên Điền Nguyễn tiên sinh, Ban Văn học của Hội Khai Trí “đặt một cuộc kỉ niệm để cho nhân dân nhớ lại công nghiệp một người đã gây cho quốc âm ta thành văn chương, để lại cho chúng ta một cái “hương hỏa” rất quý báu, đời đời làm vẻ vang cho cả giống nòi”.
 
Phạm Quỳnh nêu địa vị, vai trò của Truyện Kiều đối với vận mệnh nước nhà: “Truyện Kiều là cái “văn tự” của giống nòi Việt Nam ta đã “trước bạ” với non sông đất nước này”. Phạm Quỳnh ca ngợi Truyện Kiều “vừa là kinh, vừa là truyện, vừa là Thánh thư Phúc âm của cả một dân tộc”, là “một thiên văn khế tuyệt bút”, là quốc hoa, quốc túy, quốc hồn của ta, để ta  có thể “ngạo nghễ với non sông, tự phụ với người đời rằng: Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn, có gì mà lo, có gì mà sợ, có điều chi nữa mà ngờ!...” [39, 1802]. Theo Phạm Quỳnh, việc cụ Tiên Điền xuất thế, cụ Tiên Điền viết Kiều, Truyện Kiều được lưu truyền đến ngày nay đó là “phúc duyên” cho nước nhà. Mà so ra thế giới, văn chương Tàu, văn chương Pháp Truyện Kiều cũng lại không có gì sánh bằng.
 
Kết thúc bài diễn thuyết, Phạm Quỳnh một lần nữa nhấn mạnh ý nghĩa cuộc kỉ niệm Nguyễn Du là để bày tỏ lòng biết ơn thành thực của quốc dân đối với vị quốc sĩ nước nhà. Hơn thế, đây cũng là dịp chiêu hồn quốc sĩ về chứng nhân cho lời thề của đồng nhân. Thề rằng: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn, còn non còn nức còn dài, chúng tôi là kẻ hậu sinh xin dầu lòng dốc chí cố gia công trau chuốt lấy tiếng quốc âm nhà, cho quốc hoa ngày một rực rỡ, quốc hồn ngày một tỉnh táo, quốc bộ này một tấn tới, quốc vận ngày một vẻ vang, ngõ hầu khỏi phụ cái chí của tiên sinh, ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây” [39, 1804]
 
Cuộc lễ kỷ niệm Nguyễn Du và tán dương Truyện Kiều này không phải là ngẫu nhiên. Nó là đỉnh điểm của phong trào viết về kiệt tác văn chương của dân tộc trên Nam phong tạp chí của ông chủ bút Phạm Quỳnh và nhiều tác giả khác như : Nguyễn Đôn Phục, Nguyễn Trọng Thuật, Vũ Đình Long, Nguyễn Tường Tam, Nguyễn Triệu Luật … phong trào này nằm trong chủ trương của Phạm Quỳnh muốn thực hiện một cái chủ nghĩa quốc gia về văn hóa và giáo dục để đối lại sự xâm nhập văn hóa từ Pháp quốc. Phạm Quỳnh là người học Pháp, làm việc cho Pháp nên ông biết cái xu thế không thể cưỡng lại là phải du nhập văn hóa Âu, phải tiến theo nền văn hóa ấy. Ông nhận thấy đó là một lẽ tất yếu. Trong bài diễn thuyết của mình, Phạm Quỳnh đã lấy văn chương Pháp làm tiêu chí và nhấn mạnh tính chất “phổ thông” của Kiều. Sử dụng văn học Pháp làm chuẩn mực đánh giá Truyện Kiều, ông muốn đưa tác phẩm thoát khỏi khuôn khổ trung đại và vượt ra ngoài những ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc: “Nhưng mà ngay trong văn chương nước Pháp, tưởng cũng không có sách nào giống hẳn như văn chương Truyện Kiều, vì Truyện Kiều có một cái đặc sắc mà nền kiệt tác trong văn chương Pháp không có. Đặc sắc ấy là sự phổ thông. Phàm đại văn chương, không những ở nước Pháp, ở nước nào cũng vậy, chỉ có những người thượng lưu học thức mới thưởng giám được, kẻ bình dân không biết tới” [39, 1804] hay “Cứ thực thì Truyện Kiều thấm đẫm cái tinh thần của văn hóa Tàu, dẫu là dung hòa những tài liệu văn chương Tàu, mà có cái đặc sắc mà văn chương Tàu không có. Cái đặc sắc ấy là sự kết cấu… xét về cách kết cấu thì văn chương Pháp lại sở trường hơn hẳn”. [39, 1803]
 
Phạm Quỳnh đã vận dụng thao tác, phương pháp phân tích văn học phương Tây một cách sáng rõ, mạch lạc. Ông sử dụng lối phân tích khách quan để tiếp nhận Truyện Kiều. Trong bài nghiên cứu Truyện Kiều trên Nam phong tạp chí, Phạm Quỳnh đã nhận xét: “Văn chương Truyện Kiều quả là một nền văn chương tuyệt bút, có lẽ văn Tàu cũng không được mấy chỗ hay bằng… lời văn rất luyện, ý tứ rất sâu, lời văn luyện cho đến nỗi tưởng không ai có tài nào đặt hơn được nữa, và trong câu không thể nào dịch đi một chữ, đổi lại một tiếng, giọng hồn nhiên như trong ống thiên lại mà ra, ý tứ sâu cho đến nỗi càng đọc càng cảm, càng nghĩ càng thấm, lời lời trầm trọng như mang nặng một gánh tình, thiết tha như kêu oan nỗi sầu khổ, có cái cảm khái vô cùng. Chỗ nào lời văn cung là in với nghĩa truyện, ý tứ hợp với cảnh người, lời ý nào cũng hợp với nhân tình thế cổ, khiến cho nhiều câu trong Truyện Kiều đã thành những lời cách ngôn thiên cổ, dẫu người thường cũng biết dùng trong khi nói chuyện như dùng tục ngữ phương ngôn vậy.” [88] Truyện Kiều không chỉ có sức hấp dẫn mà nó còn có sức ảnh hưởng rất lớn đến người dân Việt Nam từ nội dung đến nghệ thuật, đấy chính là “phổ thông” của Truyện Kiều mà Phạm Quỳnh đã chỉ ra. Ngoài ra ông còn chỉ ra cái khéo trong văn chương Truyện Kiều: “Cái khéo trong văn chương Truyện Kiều thời còn nhiều lắm không sao nói cho hết được, những cái khéo ấy không phải là cái tiểu xảo ở sự xếp câu hiệp vần, đẩy đưa đệm lót, mà phần nhiều ở ý tứ thâm trầm, cảm tình vô hạn.” [88]
 
Đứng trên góc độ ngôn ngữ, Phạm Quỳnh đã đánh giá sự thành công của nghệ thuật xây dựng nhân vật trong Truyện Kiều như cách ông nhận xét về hai chị em Thúy Kiều, Thúy Vân: “Cách tả chị em Thúy Kiều như hai bức tranh khác nhau, rất ý vị. Vẽ người đến thế đã là khéo lắm, nhưng đó là cái lối vẽ chính thức, còn lối vẽ phá bút, chỉ một vài câu dăm ba chữ mà hình dung ra cả được nhân cách một người, như đánh dấu đến thiên cổ không bao giờ sai được” [88]
 
Có thể thấy, khi bàn về nội dung, nghệ thuật Truyện Kiều, Phạm Quỳnh đã thể hiện một trí tuệ sắc sảo. Ông đánh giá Truyện Kiều trên cả hai phương diện văn chương và nghệ thuật. Ông đã khẳng định quan điểm: cần phải đánh giá văn chương bằng chính những tiêu chí nội tại của văn chương, Phạm Quỳnh đã khẳng định giá trị của Truyện Kiều trong di sản văn chương thế giới bằng những tiêu chí thuần túy văn chương như nghệ thuật kết cấu.
 
Có thể thấy với việc đề cao Truyện Kiều, Phạm Quỳnh đã thể hiện niềm tự hào với tiếng Việt và là lời cổ vũ mạnh mẽ cho nền văn chương quốc âm mà ông đang ra sức củng cố: “Lạ thay, tiếng Việt ta nhiều người chê là nghèo nàn non nớt, thế mà Truyện Kiều thời rõ là một án văn chương lão luyện, tưởng có thể sánh với những hạn kiệt tác trong văn chương mà không thẹn vậy” [88]
 
Đặt trong bối cảnh những năm đầu thế kỷ XX, nền văn hóa Việt Nam đang có bước chuyển từ văn hóa phương Đông truyền thống sang nền văn hóa hiện đại với ảnh hưởng rõ rệt của văn hóa phương Tây vấn đề “nền cựu học” được đưa ra bàn luận. Nền quốc học phải được xây dựng trên những nền tảng nào? Tiếng Việt có ý nghĩa gì đối với nền quốc học, nơi mà truyền thống văn hóa vốn nặng về Hán văn, hiện tại đang bị đè bẹp bởi Pháp văn? Thế là nhiều người, nhất là trí thức tân học nghĩ đến vai trò của Truyện Kiều, nghĩ đến tiếng Việt của Truyện Kiều trong đó có Phạm Quỳnh. Trên tờ Nam phong, Phạm Quỳnh ra sức cổ động cho “Chủ nghĩa quốc gia”. Theo ông, muốn xây dựng quốc gia phải bắt đầu từ đấu tranh xây dựng văn hóa, việc này cần thiết hơn đấu tranh chính trị. Ông cho rằng để xây dựng quốc gia, phải bảo tồn, phát triển tiếng Việt. Để phục vụ “Chủ nghĩa quốc gia” một cách hữu hiệu, Phạm Quỳnh còn hô hào xây dựng một nền văn học mới, xây dựng “quốc học”, phát triển “quốc văn”, vận động mọi người cùng học tiếng Việt. Đối với ông, văn chương có vai trò quan trọng trong việc thể hiện “căn tính” dân tộc chính vì vậy việc bình luận, tán dương giá trị Truyện Kiều thực chất là hành động cổ vũ cho “nền quốc học” mà ông đang ra sức xây dựng. Trên tạp chí Nam phong số 164 năm 1931 trong bài “quốc học, quốc văn” Phạm Quỳnh cho rằng: “Quốc học là bản thể, quốc văn là hình chất, quốc học là cứu cánh, quốc văn là phương tiện” không dừng lại ở những lời cổ động, Phạm Quỳnh đã hết lời tán dương Truyện Kiều, coi nó là “Quốc hồn, quốc túy, quốc hoa”, Truyện Kiều là vẻ đẹp, là những tinh thần đặc trưng của một dân tộc. Dễ hiểu vì sao Phạm Quỳnh đề cao Truyện Kiều, ông cho rằng chính Truyện Kiều, đã đánh dấu sự trưởng thành của Quốc âm vì nó đã “trước bạ”với non sông đất nước này.
 
Bên cạnh quan điểm văn chương thể hiện căn tính của dân tộc thì Phạm Quỳnh đưa ra quan điểm văn chương gắn liền với ngôn ngữ. Sự sáng tạo trong văn chương đánh dấu sự thuần thục, trưởng thành của ngôn ngữ dân tộc. Bởi thế Phạm Quỳnh đã viết về công lao của Nguyễn Du: “Nhắc lại cho Quốc dân nhớ công nghiệp một người đã gây dựng cho Quốc âm ta thành văn chương, để lại cho chúng ta một cái “hương hoa” rất quý báu, đời đời vẻ vang cho cả giống nòi” [39, 1801]
 
Từ đó ta có thể thấy rằng một tác phẩm văn chương kiệt tác là tác phẩm đánh dấu sự trưởng thành của dân tộc, đánh dấu việc dân tộc đó khẳng định căn tính của mình như một dân tộc độc lập. Đó là cơ sở để ông cho rằng : “Truyện Kiều là cái “Văn tự” của giống nòi Việt Nam ta “trước bạ”với non sông đất nước này”. Thậm chí Phạm Quỳnh còn đẩy vấn đề xa đến mức cho rằng khi chưa co một tác phẩm văn chương như Truyện Kiều thì dân tộc “Chưa từng có một cái văn tự văn khế phân minh, chứng nhận cho quyền sở hữu chính đáng” [39, 1802]. Đó cũng là cơ sở ông đưa ra tuyên ngôn : “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn” [39, 1802].
 
Sau bài viết của Phạm Quỳnh, trên Nam phong tạp chí xuất hiện hàng loạt những cây bút tiếp tục ca ngợi Truyện Kiều và cổ vũ cho nền quốc âm như: Nguyễn Bá Học, Phạm Duy Tốn, Nguyễn Hữu Tiến, Vũ Đình Long, Nguyễn Tường Tam… Trên Nam phong tạp chí số 81 năm 1924, trong bài Văn chương Truyện Kiều, Vũ Đình Long đã ca ngợi: “Truyện Kiều đáng là một nền văn chương bất hủ, một là vì cái giá trị văn chương, hai là vì cái giá trị luân lý vậy.” [19, 75] Nguyễn Tường Tam trong Mấy lời bình luận về văn chương Truyện Kiều lại cho rằng mỗi lần nghe thấy Truyện Kiều như thấy “cái hồn của quốc dân”, với ông Truyện Kiều chính là hồn dân tộc: “Ở chốn thôn quê, đêm sáng trăng, nghe tiếng võng đưa trong một chiếc nhà tranh với tiếng ru con bằng những câu thơ Kiều: “Trăm năm trong cõi người ta…” dễ ai ai nghe đến cũng có một cảm giác giống nhau, cảm giác chung cho cả một quốc dân vậy.” [19, 102]
 
Đặt trong bối cảnh nền Hán văn của đất nước ta lúc này đã trở nên lỗi thời, thực dân Pháp lại đang gia sức truyền bá Pháp văn với âm mưu nô dịch, đồng hóa người Việt, thiết nghĩ việc đề cao Truyện Kiều của Phạm Quỳnh và các cây viết trên Nam phong tạp chí không chỉ đơn thuần khẳng định Truyện Kiều là một giá trị cổ điển của dân tộc, mà Truyện Kiều đã trở thành phương tiện để các ông cổ vũ cho nền quốc âm. Coi Truyện Kiều là mẫu mực của tiếng Việt, Phạm Quỳnh và các cây viết trên Nam phong tạp chí còn khẳng định vai trò quan trọng của Truyện Kiều đối với sự tồn vong của dân tộc. Tuy những ý kiến của Phạm Quỳnh và nhóm Nam phong tạp chí đưa ra gây nên sự phản đối mạnh mẽ với một số nhà trí sĩ, những người có lập trường tư tưởng chính trị trái ngược với ông như Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng. Nhưng chúng ta không thể phủ nhận công lao của Phạm Quỳnh đối với việc xây dựng cho nền quốc âm của nước nhà cũng như không thể phủ nhận giá trị của Truyện Kiều trong đời sống tâm hồn của dân tộc.   
 
Phê bình Truyện Kiều của các nhà Tây học (Phê bình Giáo khoa)
 
Lý thuyết về Phê bình Giáo khoa và Phê bình Giáo khoa ở Việt Nam
 
Trong thời gian giao điểm giữa hai thế kỉ XIX và XX, Phê bình Giáo khoa đã ra đời giữa một nền lý luận phê bình Pháp năng động, luôn luôn đòi hỏi sự nâng cao không ngừng để tìm kiếm những giá trị mới phù hợp với sự phát triển của thời đại. Phê bình Giáo khoa lúc ấy đáp ứng một cách thoải mái nhu cầu thực tế “phục hưng đại học”, đuổi kịp sự phát triển của báo chí, hòa mình vào dòng chảy chung của những tiến bộ khoa học kĩ thuật và khoa học xã hội nhân văn. Người đặt nền móng cho khuynh hướng phê bình tiến bộ này là Gustave Lanson – một giáo sư nhiều năm có kinh nghiệm đứng trên bục giảng ở các trường trung học, đại học trong hơn bốn mươi thập niên. Phê bình Giáo khoa gắn liền với khát vọng cải cách giáo dục của Lanson, phổ biến và lan rộng khắp các không gian học thuật ở phương Tây từ những năm cuối cùng của thế kỉ XIX đến những năm ba mươi của thế kỉ XX. Người ta nhắc đến tên Gustave Lanson như người tiên phong và thành công nhất với Phê bình Giáo khoa bởi tư tưởng của ông đã “gặp được vận hội của thời đại” với nhu cầu định vị một con đường lý thuyết đúng đắn để nghiên cứu văn học có một hướng đi hiện đại phù hợp với chương trình giảng dạy văn học trong nhà trường, đáp ứng được nguyện vọng của người học và mở ra tầm nhìn phát triển lâu dài cho ngành học.
 
Phê bình Giáo khoa xem tác phẩm văn học như một hiện tượng mang tính hoàn cảnh để phân tích và tìm hiểu. Khuynh hướng phê bình này nghiên cứu văn học trong các mối quan hệ với chính bản thân văn học, đề cao tính ngữ cảnh của văn bản tác phẩm bởi vì “(1) Không hề có thế hệ (chủ thể sáng tạo và chủ thể tiếp nhận) hồn nhiên; (2) Văn học là kết tinh trong cấu tạo của đời sống một thời đại, không thể cô lập và trừu tượng hóa; (3) Đọc văn học không thể chỉ xem xét cái thế nào (le comment) mà không xem xét cái tại sao (le pourquoi).” [95]
 
Bằng những trải nghiệm đặc biệt trên giảng đường, Gustave Lanson đã giúp cho người học rèn luyện được một văn hóa nghiên cứu văn học đích thực thông qua việc đọc tác phẩm cùng với ngữ cảnh của chúng, góp phần giải phóng văn chương ra khỏi những áp chế của tu từ học. Nghiên cứu văn bản tác phẩm trong ngữ cảnh của nó chúng ta sẽ nhìn nhận được toàn cảnh và chi tiết vẻ đẹp vốn có của nó, đồng thời cũng lý giải được cái hay của chính nó. Lanson tuy đã vay mượn lịch sử vào trong phê bình văn học nhưng không quên đảm bảo tính đặc thù của đối tượng, đồng thời liên đới với tính xã hội. Tiếp nhận văn bản trong sự kết hợp cả tính khách quan và chủ quan trong định hướng xem văn học không phải là đối tượng để nhận thức mà là sự thưởng thức. Lanson đề cao trải nghiệm trực tiếp nhưng chống đối lại quan niệm giam mình trong tác phẩm. Ông ủng hộ việc sử dụng những công cụ bên ngoài để bổ trợ cho việc phê bình phân tích tác phẩm văn chương. “Lanson đề xuất ba điểm nhìn cho nghiên cứu văn học: (1) Xác lập căn cứ đánh giá các hiện tượng văn học (cả trong biểu hiện khẳng định và phủ định); (2) Định vị tác phẩm trong lịch sử, phá vỡ ảo tưởng rất đơn giản rằng chúng ta có thể đọc các văn bản của quá khứ như là chúng ta ở trong thời của nó (chú ý tính lịch sử và tính văn chương); (3) Xác định mối quan hệ giữa tác phẩm với thời điểm và với xã hội mà nó được sinh ra, ngoài văn bản, tìm các nguyên nhân sự xuất hiện của chúng. Như vậy phê bình Giáo khoa có một mối quan tâm kép: việc làm ra tác phẩm và các điều kiện xã hội của việc làm ra tác phẩm, vừa chú ý tính khái quát và tính đặc thù. Lanson cho rằng, khi tiến hành công việc, nhà phê bình cần chú ý phân biệt việc đưa ra các tư liệu được thừa nhận và việc đưa ra các giả thuyết, phân biệt sự uyên bác của phán đoán và sự thật của các ý tưởng chủ quan. Bên cạnh đó, ông yêu cầu nhà nghiên cứu phải xem tác phẩm như là nghệ thuật sống động hơn là tư liệu lưu trữ.”  [95]
 
Phê bình Giáo khoa đến với các nhà nghiên cứu văn học Việt Nam và nhanh chóng trở nên phổ biến bởi tính ứng dụng của nó. Một số nhà phê bình nổi tiếng đã áp dụng khuynh hướng này Trần Thanh Mại, Kiều Thanh Quế, Lê Thanh, Dương Quảng Hàm,v.v. Ở Việt Nam, khuynh hướng phê bình này đã giúp cho những bạn đọc “không chuyên” muốn tiến đến con đường chuyên nghiệp (học sinh, sinh viên, người tập tành nghiên cứu,...) có thể dùng những công cụ bổ trợ đắc lực mà đơn giản để tìm hiểu văn chương như ngữ cảnh, hoàn cảnh, thời đại, lịch sử, xã hội,... Phê bình Giáo khoa ở Việt Nam chủ trương đặt tác giả, tác phẩm văn học vào trong văn học bên cạnh việc “cố gắng tìm những chi tiết trong đời sống tác giả, những biến cố trong cuộc đời tác giả, hoặc những hoàn cảnh sống với những người, vật chung quanh tác giả, đã liên quan thế nào đến những ý tưởng, những khung cảnh hay những trình tự tác giả mô tả trong tác phẩm” [60, 129]. Khuynh hướng phê bình đến từ phương Tây nàyđã được các nhà lý luận phê bình Tây học của Việt Nam đón nhận và sử dụng rộng rãi trong nghiên cứu văn chương. Với những ưu điểm của mình, phê bình giáo khoa đã tìm cho nó một chỗ đứng vững chắc trong địa hạt lý luận phê bình nước ta trong những năm đầu thế kỉ XX. Phê bình Giáo khoa ở Việt Nam thường chú trọng khai thác những yếu tố có liên quan đến cuộc đời của tác giả (gia đình, quê hương, hoàn cảnh xã hội,...) trong quá trình để đi tìm hiểu nội dung của tác phẩm, đồng thời vẫn trân trọng những trải nghiệm thực tế từ cảm quan của riêng người đọc.
 
Tiếp nhận Truyện Kiều theo khuynh hướng phê bình Giáo khoa nửa đầu thế kỉ XX
 
Trên cơ sở vận dụng những lý thuyết của Phê bình Giáo khoa, đầu thế kỉ XX, nhiều nhà nghiên cứu phê bình văn học Việt Nam cũng đã đi vào tìm hiểu các khía cạnh khác nhau về tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du. Có thể nói, Phê bình Giáo khoa đã đưa ra một trình tự khá khoa học giúp cho việc tiếp nhận Truyện Kiều được toàn diện và sâu sắc hơn. Một số công trình của Hoài Thanh, Vũ Ngọc Phan, Dương Quảng Hàm,... viết về Truyện Kiều theo khuynh hướng Phê bình Giáo khoa đã trở thành những tư liệu quý giá, đóng góp đáng ghi nhận vào hành trình tiếp nhận một tác phẩm văn chương giá trị của dân tộc.
 
Trong bài viết Nguồn gốc của Truyện Kiều của Nguyễn Du, Dương Quảng Hàm đã trình bày rất nhiều tư liệu về truy nguyên về sự ra đời của Truyện Kiều. Ông cho rằng: “Nguồn gốc của tác phẩm là các tài liệu (sách vở, giấy tờ v.v..) mà tác giả đã kê cứu và căn cứ vào đó để viết thành tác phẩm của mình. Đối với việc văn  học phê bình, có tìm được nguồn gốc một tác phẩm mới định rõ được rằng trong tác phẩm ấy, phần nào là phần tác giả mượn của người trước, phần nào là phần tác giả đã sáng tạo ra, rồi mới định được cái giá trị, cái đặc sắc của tác phẩm ấy.” [39, 567] Về nguồn gốc của Truyện Kiều, Dương Quảng Hàm đặt vấn đề: “Trước giờ ai cũng biết rằng Nguyễn Du tiên sinh đã theo một cuốn tiểu thuyết Tàu để soạn cuốn truyện Kim Vân Kiều. Chính tác giả, ngay đầu quyển truyện (câu 7-8), cũng đã cho ta biết rằng tác giả đã đọc một cuốn Phong tình cổ lục trước khi viết Truyện Kiều:
 
Cảo thơm lần giở trước đèn
 
Phong tình cổ lục còn truyền sử xanh.
 
[...] Vậy cuốn tiểu thuyết Tàu, theo đấy cụ Nguyễn Du đã viết cuốn truyện Nôm, nhan là gì và do ai làm ra? Vấn đề này đến nay vẫn chưa giải quyết và mỗi nhà có một ý kiến khác.” [39, 567]
 
Sau đó nhà nghiên cứu đưa ra sáu ý kiến và bốn bản khảo chứng rồi lần lượt dùng lý luận và bằng chứng để phân tích và truy nguyên vấn đề nguồn gốc Truyện Kiều. Cuối cùng, Dương Quảng Hàm đưa ra kết luận chính: “Tóm lại, nguồn gốc Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du là một quyển tiểu thuyết Tàu nhan là Kim Vân Kiều truyện do một tác giả hiệu là Thanh Tâm Tài Nhân soạn ra vào cuối thế kỉ thứ XVI hoặc đầu thế kỉ thứ XVII do Kim Thánh Phán (1627-1662) bình luận. Quyển tiểu thuyết ấy đã xuất bản ở bên Tàu. Ý hẳn cụ Nguyễn Du, khi sang sứ bên Tàu năm 1813, đem về bên nước ta, rồi người ta theo đó mà chép ra nhiều bản. Sau khi Nguyễn Du đã soạn quyển Truyện Kiều Nôm, một nhà nho ẩn danh nước ta mới dịch quyển truyện Nôm ra Hán văn, tức là quyển Kim Vân Kiều lục đã khắc in nhiều lần ở Hà Nội (1876, 1888, 1896).” [39, 576] Như vậy, nhà nghiên cứu Dương Quảng Hàm đã dày công sưu tầm và tập hợp các nguồn ý kiến lẫn dẫn chứng để tìm ra được kết luận sau cùng về nguồn gốc của Truyện Kiều mà cho đến nay quan điểm của ông vẫn được chúng ta tin tưởng sử dụng trong việc tiếp nhận tác phẩm này của Nguyễn Du. Bài viết của Dương Quảng Hàm giúp người tiếp nhận phân biệt được hai tác phẩm Kim Vân Kiềutruyện và Kim Vân Kiều lục, có cái nhìn khách quan về nguồn cảm hứng giúp Nguyễn Du tạo nên tác phẩm giá trị Truyện Kiều, đồng thời khẳng định mạnh mẽ những sáng tạo văn chương quý báu của đại thi hào dân tộc.
 
Nhà nghiên cứu Hoài Thanh có một bài viết khá công phu về thời đại Nguyễn Du và con người Nguyễn Du, trong đó có đề cập đến những ảnh hưởng của hoàn cảnh Nguyễn Du đối với sáng tác Truyện Kiều. Hoài Thanh cho rằng Nguyễn Du phải chịu sự giằng co giữa hai khuynh hướng, sự mâu thuẫn gay gắt từ trong tâm hồn và đồng thời phải gánh chịu nỗi khổ của tầng lớp mình – ấy là nỗi khổ “Trong nhiệm vụ lịch sử của nho sĩ, nhiệm vụ bảo vệ chính quyền phong kiến tập trung, và cái xu thế tan rã của chính quyền ấy trong xã hội Việt Nam thời bấy giờ.[...] Họ vốn ở trong phe thống trị phong kiến nhưng trong tình trạng hỗn độn của xã hội phong kiến Việt Nam thời bấy giờ thì đồng thời họ cũng là nạn nhân của chế độ.” [39, 20] Từ những am hiểu về thời đại và căn cứ vào các sáng tác của Nguyễn Du, Hoài Thanh cho rằng: “Do những nỗi khổ của mình và tầng lớp mình, Nguyễn Du đã cảm thông được một phần nỗi khổ chung của những con người bị chà đạp dưới một chế độ ngày càng thêm mục nát./ Cố nhiên cũng chỉ cảm thông được một phần thôi. [...] Nhưng cảm thông được một phần cũng đã quý rồi. Nhất là lại nói được mối cảm của mình và do đó nói hộ cho tất cả mọi nạn nhân của chế độ. Những người xuất thân trong giai cấp phong kiến như Nguyễn Du, tuy không bị chế độ chà đạp một cách tàn nhẫn như những người cùng khổ nhưng thường lại hay cảm thấy sự chà đạp kia một cách thấm thía hơn.” [39, 21] Hoài Thanh nhận thấy rõ ràng một dấu ấn sâu sắc của thời đại hiển hiện rõ nét trên từng câu chữ của Truyện Kiều: “[...] trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã vẽ ra được một hình ảnh của cái xã hội ô uế, đã dựng lên được một nhân vật anh hùng, nó là giấc mộng thoát ly của những con người muốn vươn mình ra ngoài cái khuôn phong kiến và một nhân vật thân thế long đong, nó là tiếng oán hờn, tiếng kêu thương của những con người bị đày đọa, bị giày vò trong cái khuôn phong kiến.” [39, 21] Từ một xã hội thực, đến một xã hội được phản ánh lại trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã thực sự nung nấu nỗi khổ, niềm đau, sự câm phẫn và giọt nước mắt thành những từ ngữ tinh tế phát xuất từ một tâm hồn tài hoa. Hiểu được thời đại Nguyễn Du, mới hiểu được xã hội trong Truyện Kiều và thái độ của Nguyễn Du với chính cái xã hội ấy. Hoài Thanh nhấn mạnh: Nguyễn Du thâu tóm xã hội phong kiến đương thời trong hình ảnh nhà chứa - gom góp sự xấu xa, nhơ nhuốc, bẩn chật, vùi dập con người đến tận cùng của khổ đau. Hoài Thanh đặt vấn đề: “Vậy xã hội phong kiến trong con mắt của Nguyễn Du như thế nào? Cái điều mà bất cứ ai cũng có thể nhận thấy ngay sau khi nghe qua câu chuyện nàng Kiều là những nhà chứa. Thật là đầy rẫy. Thúy Kiều vừa ra khỏi nhà cha mẹ là đã rơi vào nhà chứa Tú Bà, Mã Giám Sinh, vừa ra khỏi nhà Thúc Sinh là rơi vào nhà chứa Bạc Bà, Bạc Hạnh. Hình như cứ ra khỏi nhà là rơi vào nhà chứa đĩ. Tú Bà, Mã Giám Sinh, Sở Khanh, Bạc Bà, Bạc Hạnh, cả cái xã hội ghê tởm đó sống nhơ nhuốc dưới ngòi bút Nguyễn Du. Nguyễn Du đã dựng nên nói với những nét thật là sắc.” [39, 1002]
 
Tuy nhiên, Hoài Thanh cũng làm một động thái ngược lại: từ chiều kích của Truyện Kiều mà mở rộng đến chiều kích con người và thời đại Nguyễn Du. Hoài Thanh phân bua thay cho cụ Nguyễn: “Đối với một kẻ sát nhân thì giết nó đi. Đối với một trật tự xã hội sát nhân thì đạp đổ nó đi. [...] Sống trong thời đại Nguyễn Du, trong tầng lớp Nguyễn Du không thể nắm được cái chân lý đơn giản ấy. [...] Nguyễn Du đã dựng nên cái hình ảnh của xã hội mục nát đến tận xương. Nguyễn Du thông cảm với nỗi khổ vô cùng của con người bị chà đạp trong cái xã hội mục nát ấy. Nguyễn Du mơ ước được sống mạnh mẽ, sống phóng túng, được đập phá tan tành như Từ Hải. Nhưng Nguyễn Du không thấy đập phá như thế rồi đi đến đâu.Cái trạng thái nhất thời, Nguyễn Du tin là vĩnh viễn. Cho nên Nguyễn Du cố tiêu diệt cái mộng Từ Hải ở trong mình để sống cuộc sống tầm thường của những người Nguyễn Du cho là lương thiện.” [39, 1009] Với vấn đề Nguyễn Du - thời đại và Truyện Kiều, Hoài Thanh làm công việc nối kết giữa quá khứ – tác phẩm – hiện tại, kết luận rằng: “Nguyễn Du đối với ta vẫn là một kỹ sư tâm hồn. Nguyễn Du vẫn có thể dạy cho ta biết ghét, biết yêu. Ghét những cái bất lương trong xã hội. Yêu những cảnh sống đáng yêu và nhân đó tránh cuộc sống tẻ nhạt, hiu hắt, cuộc sống của cỏ cây. [...] Truyện Kiều chứa chan những mối tình thắm thiết, Truyện Kiều, một sức sống bị gò lại, bị dằn xuống và vì thế từng khao khát sống đầy đủ, sống say sưa, Truyện Kiều ngay giờ đây vẫn còn khả năng cải tử hoàn sinh, vẫn có thể gieo chất nồng say vào cuộc sống.” [39, 1760] Như vậy, chất trải nghiệm trong tiếp nhận văn chương vẫn được Hoài Thanh chú trọng theo quan niệm của Phê bình Giáo khoa. Tất cả những mối quan hệ giữa ngữ cảnh và tác phẩm được Hoài Thanh đặt trong dung môi văn chương đã bổ trợ giải thích và khẳng định giá trị cho nhau. Thao tác lập luận mà Hoài Thanh thực hiện đúng với khuynh hướng của Phê bình Giáo khoa trong những năm đầu phát triển: nối kếtvăn bản và văn cảnh, đọc nội quan và ngoại quan trong phê bình văn học. Hoài Thanh làm công việc nghiên cứu tác phẩm văn học – Truyện Kiều trong ngữ cảnhthời đại ra đời và hoàn cảnh tác giả của nó. Văn cảnh (tiểu sử tác giả, ngôn ngữ văn hóa đương thời, lịch sử, xã hội,...) cùng bao quanh văn bản Truyện Kiều như là một hạt nhân khiến cho việc tìm hiểu và tiếp nhận trở nên nhuần nhị thấu suốt. Từ việc nghiên cứu ngữ cảnh, Hoài Thanh cũng có thêm nhiều bài nghiên cứu về vấn đề phản ánh hiện thực trong Truyện Kiều, hay các nhân vật nổi tiếng trong Truyện Kiều như Thúy Kiều, Từ Hải,... như “Xã hội phong kiến trong Truyện Kiều”, “Nhân vật Thúy Kiều”, “Nhân vật Từ Hải”, “Truyện Kiều đối với các lớp người và qua các thời đại”,... theo phong cách phê bình Tây học hiện đại.
 
PHÊ BÌNH TRUYỆN KIỀU TỪ GÓC NHÌN PHÂN TÂM HỌC.
 
Những năm 40 của thế kỷ XX, nhiều lý thuyết phê bình văn học thịnh hành ở phương tây cũng dội đến Việt Nam. Có lẽ, người tích cực nhất trong việc vận dụng các lý thuyết mới vào nghiên cứu Truyện Kiều là Nguyễn Bách Khoa. Vào cuối thế kỉ XIX, bác sĩ tâm thần học người Áo Sigmund Freud đã đưa ra thuyết Phân tâm học, học thuyết được coi là triết học của tâm lí, mà điểm nổi bật là sự phát hiện ra cái vô thức và tuyệt đối hóa vai trò của nó đối với con người. Trên cơ sở của chủ nghĩa Freud cũng xuất hiện những khuynh hướng phân tâm học trong phê bình văn học ở nước ta. Nguyễn Bách Khoa là người tiên phong áp dụng chủ nghĩa Freud vào trong phê bình văn học của mình.
 
Nguyễn Bách Khoa đã áp dụng phân tâm học Freud để đọc tâm lý nhân vật Thúy Kiều. Phân tâm học cho rằng ẩn ức tình dục luôn là kết quả của sự chèn ép của ý thức đạo đức xã hội, chính ý thức đạo đức ấy đã đầy bản năng dục vọng xuống tiềm thức. Dựa vào việc miêu tả tâm lý, tình cảm của Thúy Kiều sau khi thăm mả Đạm Tiên và gặp gỡ Kim Trọng, Nguyễn Bách Khoa cho rằng ý thức đạo đức Nho giáo đã đẩy Nguyễn Du đến chỗ hành xử không hợp quy luật khi miêu tả đời sống tâm nội tâm của Kiều : "Tôi nghĩ rằng thi sĩ Nguyễn Du đã dụng ý gạt bỏ một phần dài của giấc chiêm bao đêm hôm ấy trong cơn thiu thiu của nàng Kiều [...]. Chiêm bao vốn là sự sinh hoạt của trí tưởng tượng kéo dài từ lúc ta tỉnh sang lúc ta ngủ. Trước khi thiu thiu, trí tưởng tượng của Kiều hầu như chỉ hoạt động xung quanh Kim Trọng, chung quanh tình yêu mê ly, chung quanh cuộc trăm năm mai hậu, nhiều hơn là chung quanh hình ảnh của Đạm Tiên. Theo đúng quy luật phân tâm học, đêm ấy Kiều phải nằm mơ thấy ân ái, thấy trăng thanh gió mát, thấy cành lồng bóng sân, thấy "giọt sương gieo nặng cành xuân la đà". Thấy chàng công tử mặc áo nhuộm mầu da trời đi hài xanh, dắt con ngựa bạch. Không có lý gì Kiều chỉ mê thấy có Đạm Tiên. Nguyễn Du đã cố ý gạt bỏ cái ảo ảnh của chàng Kim và chỉ cho hiện ra người ca nhi họ Đạm một là để chiều theo xu hướng luân lý nho của ông, của đẳng cấp ông, của triều đại thống nhất đầu triều Nguyễn, hai là để làm nổi bật lên từ đầu chuyện mối linh cảm của Kiều về sự lưu lạc sau này " [19, 255]. Nguyễn Bách Khoa cũng phê phán Nguyễn Du đã để cho Kiều từ chối tình yêu sắc dục của Kim Trọng trong cái đêm mà cả nhà đi ăn tiệc bên ngoại chưa về, coi đó là đạo đức - chữ dùng của Nguyễn Bách Khoa là "lương tâm hương nguyện": "Cái lương tâm bịa đặt ấy, trong hình ảnh trăng hoa này, thật có như một âm thanh lỗi nhịp trong cuộc hòa nhạc đang bổng chìm đúng tiết tấu. Nguyễn Du đã gảy sai một tiếng đàn chỉ vì ông không đủ can đảm theo âm nhạc đang rung động, cố tình đánh sai một cung đàn để có thời giờ sửa lại cái tóc bù, cái áo lệnh cho được chỉnh tề, kẻo thính giả nghe cười là không đúng đắn [...]. Tất cả Truyện Kiều là sự sai cung lỗi nhịp dụng tâm ấy. Suốt trong cuộc đời Kiều, ở cảnh ngộ nào, Nguyễn Du cũng cố gắn cho nàng cái lương tâm giả trá kia, chỉ cốt để thiên hạ xem nàng là hiếu nghĩa trung trinh". [19, 261]
 
Áp dụng một cách máy móc chủ nghĩa Freud, Nguyễn Bách Khoa phán xét Truyện Kiều và Nguyễn Du bằng một cái nhìn máy móc. Ông cho rằng Nguyễn Du là người có “cơ thể ốm yếu và thần kinh hốt hoảng”, một con người đa sầu, đa cảm, năng khiếu ảo giác, thần kinh rối loạn. Ông cho rằng Nguyễn Du là một người có căn tạng đa cảm quá độ, điều đó làm cho ông hay lo sợ, hoảng hốt. Việc Nguyễn Du quay về ở ẩn là nguyễn nhân của “thói mơ mộng hoài cổ, ưa chiêm bao, tin thần bí”. Nguyễn Bách Khoa cho rằng sinh lực, lòng ham sống và khí phách cá nhân của Nguyễn Du là di truyền huyết thống và địa phương tính tạo nên, bị ý thức hệ nho giáo của đẳng cấp nho sĩ mà ông là một thành viên dồn ép vào tiềm thức. Vì thế, giữa ý thức hệ và tiềm thức luôn xung đột nhau và làm nên "tấn bi kịch của tâm hồn" tức cũng là tâm sự sầu thảm của Nguyễn Du. Nguyên nhân những vấn đề đó ở Nguyễn Du chính là do sụ xung đột giữa ý thức hệ với tiềm thức. Nguyễn Bách Khoa đã nhìn thấy trong huyết thống của Nguyễn Du đã chịu ảnh hưởng sâu sa: "cái khí tiết hiên ngang không chịu khuất phục" của vùng Nghệ  - Tĩnh, chính cái khí tiết đó đã khiến cho anh em Nguyễn Du đủ sức can đảm, lòng trung hiếu để khởi binh Cần Vương chống lại Tây Sơn, mong khôi phục Lê triều cho trọn đạo quân thần. Nhưng lại bị chen vào một huyết thống địa phương tính của mẹ. Mẹ Nguyễn Du là người Bắc Ninh, đất "phong tình diễm lệ", "đất của ái tình". Sự giao hòa đó đã cấu tạo nên một cơ thể lạ lùng, một bộ thần kinh lạ lùng, một trái tim lạ lùng: thi sĩ Nguyễn Du, "Một con người lúc nào cũng thấy lẩn quất bên mình cái bất lực của đẳng cấp, cái khí phách tàn tạ của cha, cái phong tình ưu du của mẹ". Đoạn trường tân thanh chính là biểu hiện của cá tính và đẳng cấp của tác giả - một con người đa sầu đa cảm, nặng khiếu ảo giác, thần kinh hệ rối loạn... Nguyễn Bách Khoa kết luận Nguyễn Du là một con bệnh thần kinh. Bệnh của ông thuộc về thứ bệnh không có thương tổn về khí quan.
 
Dựa vào phản ứng tâm lý, tình cảm của nhân vật Thúy Kiều khi đứng trước mộ Đạm Tiên, hoặc khi gặp gỡ và tự tình với Kim Trọng, Nguyễn Bách Khoa kết luận: Kiều mắc bệnh uỷ hoàng.
 
Nguyễn Bách Khoa đã phủ nhận hầu như hoàn toàn giá trị Truyện Kiều khi cho rằng: “Yếu tố cơ bản làm nên Truyện Kiều là một ấn tượng đậm đà về sự bị thua” [19, 288] nên khi nhìn tác phẩm âm điệu của lối thơ lục bát cấu tạo nên Truyện Kiều, Nguyễn Bách Khoa “nhận thấy ngày càng cốt cách ốm yếu của nó do một thời kỳ lịch sử dân tộc đẻ ra” [19, 299], “Điệu lục bát hợp với Nguyễn Du là bởi nó đủ điều kiện về âm điệu để biểu hiện chất thơ của tâm hồn thi sĩ và phô diễn chất sầu, chất đêm, chất trăng, chất tuyệt vọng của Truyện Kiều” [19, 301] Nguyễn Bách Khoa lý giải rằng chất thơ hào hùng và trữ tình say đắm trong Truyện Kiều có được là do cá tính Nguyễn Du được cấu tạo nên bởi hai yếu tố thuộc huyết thống là trí cương cường của người Nghệ Tĩnh (từ cha) và tinh thần mẫu hệ của văn hóa Bắc Ninh (từ mẹ).
 
Phê bình khoa học của Nguyễn Bách Khoa bị phản ứng dữ dội từ các nhà phê bình theo lối truyền thống, Hoài Thanh phản bác lại quan điểm Nguyễn Du là con bệnh thần kinh: “Ông dẫn ra một mớ tên các nhà bác học phương tây, cùng một mớ tên các thứ bệnh, rồi ông quả quyết rằng Nguyễn Du là con bệnh thần kinh về loại constitution hypérémotive. Đến khi xét tâm tính nàng Kiều ông thấy nàng mắc phải thứ bệnh ông gọi là bệnh ủy hoàng. Tôi không được thông thái như ông về y khoa nên chẳng thể biết Nguyễn Du quả có bệnh thần kinh hay không, nhưng xem xong bộ sách nghiên cứu của ông, tôi thấy mình cũng có biệt tài về nghề... lang băm" [19, 404]. Nguyễn Bách Khoa lên án “Điệu thơ lục bát chỉ là sản phẩm của một trạng thái nô lệ của dân tộc trong giai đoạn lịch sử (thời Bắc thuộc)  âm điệu lục bát tiến đến chỗ tuyệt diệu là một âm điệu báo tin sự diệt vong vậy” [19, 299]
 
Ta thấy cách tiếp nhận Truyện Kiều theo hướng khoa học của Nguyễn Bách Khoa có những ưu điểm và hạn chế sau: Nguyễn Bách Khoa đã ý thức được phải từ bỏ việc tiếp nhận Truyện Kiều theo lối mòn mà cả trăm năm nay các nhà nho đã dùng nó để tiếp nhận Truyện Kiều. Thứ hai là ông đã bổ sung hướng tiếp cận khác đối với văn bản đó là thao tác Phân tâm học để đọc văn học và bình phẩm văn chương theo lối chủ quan để hướng tới thế giới khách quan trong phê bình văn học. Nhưng bên cạnh đó, ta thấy Nguyễn Bách Khoa mắc phải một số sai lầm đó là quá cứng nhắc trong việc sử dụng lý thuyết phương Tây, ông dùng nó như một công cụ, một bộ "đồ nghề" để làm việc với các hiện tượng văn học Việt Nam, không thấy những giới hạn của phân tâm học Freud khi tuyệt đối hóa vô thức, phủ nhận vai trò của ý thức đối với hành động của con người. Những cách đọc của Nguyễn Bách Khoa rõ ràng là sự hiện đại hóa văn học trung đại. Nhưng ông quên rằng không thể lấy suy nghĩ, hành động của con người ở thời đại sau áp đặt bắt con người ở thời đại trước phải suy nghĩ, hành động như thế. Có người đã ví cách làm này giống như bắt một thiếu nữ ở thế kỉ XVIII giống hệt như người thiếu nữ thế kỷ XX về phương diện văn hóa, tâm lý mà quên mất rằng môi trường văn hóa của xã hội nho giáo nam quyền đã tạo áp lực mạnh mẽ đến cách nghĩ và cách hành xử của người xưa.
 
Tiểu kết
 
Truyện Kiều từ khi ra đời đến năm 1945 đã được nhiều thế hệ độc giả tiếp nhận với nhiều cách nhìn nhận, đánh giá khác nhau. Mỗi độc giả lại mang đến cho Truyện Kiều một cái nhìn hết sức độc đáo. Tuy nhiên giai đoạn này do sự quy định của hoàn cảnh lịch sử nên cách đánh giá Truyện Kiều còn nặng về lối phê bình cũ, phê bình cổ điển. Một số tác giả vẫn dựa trên quan niệm đạo đức của nhà Nho hay theo quan niệm của Phật giáo, một số người lại nặng về lối phê bình bình điểm, đi tìm cái hay của Truyện Kiều trong từng hình ảnh, câu chữ. Bên cạnh đó, thời kỳ này ta thấy bắt đầu xuất hiện những học giả đã bước đầu vận dụng phương pháp khoa học vào nghiên cứu Truyện Kiều như Nguyễn Bách Khoa và một số trí thức Tây học đương thời. Chính việc tiếp nhận Truyện Kiều ở giai đoạn này đã làm phong phú thêm đời sống tiếp nhận văn học ở Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX.
 
 
Theo Phạm Thị Hoa/Khoa Văn học - Trường ĐHKHXH&NV-ĐHQG TPHCM
 

Nghiên cứu thảo luận

Audio Guide

nguyendu.d.webcom.vn

Tham quan ảo 3D

nguyendu.d.webcom.vn

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website