Khi đọc bài Gươm đàn hay gươm cung của Trần Khuê đăng trên Tạp chí văn học số 3-1974, tôi thấy có nhiều ý kiến trong đó cần phải trao đổi. Nhưng mỗi lần nghĩ tới câu nói của anh : " Đáng lẽ cũng chẳng cần chẻ sợi tóc làm tư, làm tám như thế, nhưng do đồng chí Quang Đạm xét chữ nghĩa một cách cụ thể, nên tôi cũng nhân tiện nói thêm", tôi lại do dự, vì rằng đã nói tới "gươm đàn ", thì tất nhiên phải" xét tới chữ nghĩa cụ thể ", mà xét tới chữ nghĩa cụ thể, thì vô tình mình đã rơi vào cái chuyện " chẻ sợi tóc làm tư" Nhưng khi đọc lại đoạn mở bài của anh : "Từ sau bài viết của Quang Đạm (Tạp chí văn học số 4-1966), vấn đề " gươm đàn" đã làm xôn xao giới nghiên cứu Truyện Kiều. Gần tám năm qua, hầu như mọi người đều tán thành phát kiến của Quang Đạm ...Trong các trường phổ thông và đại học, các thày giáo cũng giảng như thế và tất nhiên học trò cũng vẫn chỉ hiểu theo như thế...", thì tôi lại thấy, cái việc "xét chữ nghĩa một cách cụ thể " lại không phải là một việc giản đơn.

Vì đó tôi thấy cần phải viết bài này.

Hai chữ " Gươm đàn " trong câu " Gươm đàn nữa gánh non sông một chèo" của thi hào Nguyễn Du, từ trước tới nay có hai cách hiểu:

1.Các bản dịch ra Pháp văn, ngoài bản Kim Vân Kiều tân truyện của Abel des Michels, xuất bản tại Paris 1884 -1885, chỉ dịch từ " gươm "lược bỏ từ "đàn". Còn các bản như: Kim Vân Kiều của Nguyễn Văn Vĩnh xuất bản tại Hà Nội - 1943. Kim Vân Kiều của Xuân Phúc và Xuân Việt xuất bản tại Pháp - 1961; Kiều của Nguyễn Khắc Việt, xuất bản tại Hà Nội- 1965, đều hiểu " đàn" là cây đàn âm nhạc, và dịch nó là " La guitare".

2.Các bản tiếng Việt, mà tôi được đọc như: Kim Vân Kiều chú thích của Bùi Khánh Diễn (Hà Nội-1926), Truyện Thúy Kiều của Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim (Hà Nội -1925); Vương Thúy Kiều chú giải tân truyện của Tản Đà (Hà Nội -1941) v.v... đều chú thích "đàn " là một cây cung. Riêng bản Truyện Kiều chú giải của Lê Văn Hòe ( Hà Nội -1953) cũng cho " đàn " là cây đàn âm nhạc và chú: " Đi đâu thi quẩy theo một nửa gánh, tức một quẩy gươm và đàn, với một mái chèo, là đủ, không cần mang theo các đồ hành lý tiền bạc kềnh càng... Tác giả cho ta biết Từ Hải không những là một một nhà võ mà còn là một nghệ sĩ, tài tử.." Đây là hai cách hiểu về từ "đàn" của các dịch giả và các nhà bình chú.

Năm 1966, qua bài Vấn đề gìn giữ trong sáng tiếng Việt đối với những người viết báo Việt Nam đăng trên Tạp chí văn học số 4, Quang Đạm đã phân tích trên ba mặt: điển tích, nghĩa từ đàn, hình tượng nghệ thuật, và đi đến kết luận " đàn" là một cây cung. Trong bài Gươm đàn hay gươm cung đăng trên Tạp chí văn học số 3-1974 cũng qua ba điểm đó, Trần Khuê đã bác lại luận điểm của Quang Đạm và đi tới kết luận " đàn" là "cây đàn âm nhạc ". Vậy muốn xét xem luận điểm nào đúng, luận điểm nào sai ta cũng phải phân tích trên ba mặt đó.

1.Về điển tích.

Hoàng  Sào, một " tướng giặc " thời  Đường có câu thơ :

Bán thiên cung kiếm tổng thiên túng 
Nhất trạo giang sơn tận địa duy

Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du viết :

Giang hồ quen thói vẫy vùng
Gươm đàn nửa gánh non  sông một chèo.

Quang  Đạm cho Nguyễn Du có lấy  tám chữ " điển   tích " trong hai câu thơ của Hoàng Sào: " Bán thiên cung kiếm... nhất trạo giang sơn .."Nhưng Nguyễn Du không diễn thành " kiếm cung nửa gánh... " mà diễn thành "gươm đàn nửa gánh.,. ". Với cái dẫn chứng: " bảy chữ tám nghề ", trong khi Thanh Tâm tài nhân miêu tả rất tĩ mỉ, thì Nguyễn Du chỉ lướt qua bằng những câu :      

Này con thuộc lấy làm lòng
Vành ngoài bẩy  chữ, vành trong tám nghề.

Trần Khuê cho là Nguyễn Du đã " sữa điển ", đồng thời anh nêu lên câu hỏi: " Quang Đạm đã căn cứ vào đâu để nói rõ ràng trong trường hợp này không cần thiết sửa đổi. Chẳng lẽ Nguyễn Du chỉ dịch thơ Hoàng Sào?".

Để giải đáp vấn đề này, tôi xin trả lời ngay rằng: hai từ " cung kiếm " hay bốn chữ " bẩy chữ, tám nghề" trong những câu thơ trên không phải là những điển, mà chỉ là những từ chỉ loại võ khi thời xưa và thủ thuật tiếp khách của gái thanh lâu. Vậy Nguyễn Du có " thay đổi", thì chỉ thay đổi từ chứ không thay đổi điển, nghĩa là thay từ "cung" bằng từ " đàn ", với cái dụng ý là làm cho câu thơ khi đọc lên có tính chất âm vang hơn. Điều này ta thường gặp trong Truyện Kiều. Chẳng hạn những câu :

Hiên sau nổi tiếng cầm trăng

hay

Ôm cầm ai nỡ dứt dây cho đành.

Đáng lẽ viết " đàn trăng" hay " ôm đàn " thì Việt Nam hơn, nhưng vì âm hưởng tác giả đã viết thành " cầm trăng" và " ôm cầm "....     Đó là  những thí dụ. Nói như vậy, người ta vẫn có thể bác : " Cầm kiếm" là cặp từ luôn luôn đi đôi với nhau trong văn thơ xưa. Như

Mang huề cầm kiếm cố sơn lai
(Thượng Kinh ký sự)

hay:

Mang huề cầm kiếm xuất đô quan
(Thượng Kinh ký sự)

Điều đó tôi biết: khi dịch tất nhiên phải dịch nó là " gươm đàn ". Nhưng " gươm đàn" trong câu thơ của Nguyễn Du và "gươm đàn" trong câu thơ Lê Hữu Trác hoàn toàn khác nhau. Thanh gươm và cây đàn trong câu thơ họ Lê là hình ảnh tượng trưng cho phong độ của một cao sĩ, nó hoàn toàn có tính chất ước lệ. Còn " thanh gươm " và "cây cung " (đàn) trong câu thơ họ Nguyễn thì nó lại mang tính chất khắc họa tính cách của  một nhân vật. Hiểu là " gươm " và " cung "thì nhân vật có một tính cách khác; hiểu là " gươm" và " cây đàn âm nhạc " thì nhân vật lại có một tính cách khác. Đồng thời nó mang cả tính chất ước lệ, và cũng vì tính chất ước lệ đó, mà nó không thể thay " cây cung " bằng  cây đàn âm nhạc" được.

Người ta còn bác : Trong văn thơ chỉ nói " kiếm cung" chứ chả  ai nói " gươm đàn" với khái niệm là " kiếm cung". Bác như vậy có khác chi nói : Trong văn thơ người ta chỉ quen nói " sương gió ", chứ chả ai nói " sương phong ". Ấy thế, nhưng trong thực tế nữ sĩ Hồng Hà đã viết:

Lại lạnh lùng những chỗ sương phong
(Chinh phụ ngâm)

Như vậy là Nguyễn Du thay từ chứ nhà thơ không " sửa điển " mà đã là điển thì không thể sửa đổi được. Chúng ta biết rằng: điển là những câu chuyện đã thành cái mẫu chung trong văn học xưa. về hình thức, nó rất cô đọng, chỉ biểu hiện bằng đôi ba chữ thôi, nhưng về nội dung thì nhiều khi nó lại rất súc tích, Chẳng hạn như " Liễu chương đài " " ngậm vành kết cỏ " hay " duyên nợ ba sinh" ... mới gọi là điển, còn như " gươm đàn" hay «bẩy chữ tám nghề", ở các câu thơ trên thì hoàn toàn không phải là điển.

Còn bảo rằng Nguyễn Du có dịch câu thơ của Hoàng Sào hay không ?Tôi xin trả lời  rằng: không phải nhà thơ chỉ dịch tám chữ như Quang Đạm đã nói, mà ông dịch trọn cả câu. Nói như vậy không hề hạ thấp giá trị của Nguyễn Du. Vì rằng thời xưa các nhà thơ vay mượn ý của nhao là thường. Chẳng hạn như cuốn Chinh phụ ngâm viết bằng chữ Hán của Đặng Trần Côn, theo các nhà chú thích xưa, thì mỗi câu thơ của họ Đặng có xuất xứ ở trong thơ ca cũ. Mặc dầu vậy, qua tập Sự trác việt của thơ chữ Hán của Việt Nam, ta thấy giáo sư Hoàng Dật Cầu, khi nhận xét tập này đã hết lời thán phục. Riêng câu thơ này, thì nói như vậy thỏa đáng hơn. Nói theo Trần Khuê thì anh cho Nguyễn Du không hề dịch thơ Hoàng Sào, mà nhà thơ " hoàn toàn sáng tác " :" Nguyễn Du không làm công việc dịch.... thơ Thôi Hộ, Lý Bạch, Đỗ Phủ hay Hoàng Sào. Ông luôn luôn bớt đi hay thêm vào tùy theo nhu cầu sáng tác của mình. Ông... không hề nô lệ điển cố hay nguyên tác". Thực là mâu thuẫn! Chẳng ai sáng tác lại đi "nô lệ"vào nguyên tác bao giờ. Nói như vậy, vô hình trung anh đã thừa nhận, Nguyễn Du có dịch câu thơ của Hoàng Sào, nhưng dịch với một nghệ thuật hết sức sáng tạo.

Qua sự phân tích trên, tôi muốn chứng minh rằng: Vì yêu cầu của âm hưởng, Nguyễn Du đã  thay từ " cung " bằng từ " đàn" chứ không hề " sửa điển " và không hề " thêm " cho Từ Hải một cây đàn ầm nhạc, như Trần Khuê nhận định.

2. Về nghĩa từ " đàn "

Quang Đạm cho "đàn và cung vốn là gốc Hán đã được Việt hóa, và căn bản cùng chỉ một loại võ     khi  dùng  để phóng mũi tên hoặc viên đạn bằng cách bật dây ". Theo Trần Khuê thì anh cho là " cái lầm cơ bản của Quang Đạm là đã xét nghĩa từ đàn với tư cách một từ Hán mà đúng lý ra thi phải coi nó là một từ nôm", với cái lý do mà anh đưa ra, đại khái là, một số chữ Hán khi vào hệ thống chữ nôm thi có một nghĩa mới. Như chữ "đàn" chẳng hạn, vốn có nghĩa là " gẩy, gõ", nhưng khi Việt hóa thì nó là một loạt nhạc cụ; rồi anh đối chiếu nó với tất cả các từ "đàn" trong các truyện nôm xưa, trong Truyện Kiều và trong ngôn ngữ hàng ngày. Cuối cùng anh đi đến kết luận: " Kể cả gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo nữa cũng chỉ có chung một nghĩa (cây đàn) và đều được viết chung một mặt chữ ". Nhưng theo tôi thì cái lầm " cơ bản " của Quang Đạm không phải ở chỗ đó, mà ở chỗ anh cho từ "đàn" đã Việt hóa nhưng vẫn có cái nghĩa là " một loại vũ khí đề phóng mũi tên ". Sở dĩ anh bị lúng túng như vậy là vì anh không biết rằng: từ "đàn" ngoài cái nghĩa là "gõ, gẩy", nó  còn  có cái nghĩa là một cây cung.Nếu không hiểu nó theo nghĩa này,       mà  cho là đã Việt hóa hoàn toàn, thì  đúng như ý kiến của Trần Khuê đã nhận xét ở trên, nghĩa là chúng ta không tài nào tìm thấy nó trong tiếng việt với cái nghĩa là một cây cung. Nó cũng tương tự như từ " nhung " trong câu:

Áo nhung trao quan vũ từ đây
(Chinh phụ ngâm)

nếu không xét nó trong hệ thống chữ Hán, mà lại xét nó trong" hệ thống từ vựng chữ nôm" thì ta sẽ thấy trong truyện nôm xưa cũng như trong ngôn ngữ hàng ngày, nó chỉ có nghĩa là "nhung lụa" chứ không hề có cái nghĩa là " lính tráng", thực tế đã có ngưòi hiểu như vậy và dịch nó là "Robe de velonrs".

Chúng ta còn biết rằng: trong văn thơ, khi dùng tiếng đôi như loại "cung kiếm" chẳng hạn, người ta thường thường vận dụng hình thức cân xứng, hoặc cả hai đều là tiếng Việt, hoặc cả hai đều là tiếng Hán. Nhưng vì một yêu cầu nào đó, nhiều khi người ta phải dùng lệch, một Việt một Hán hay ngược lại, như:

Cũng cờ cũng biến cũng cân (Hán) đai (Việt)
(Ông nghè tháng tám — Yên Đổ)

hay:               

Lại lạnh lùng những chỗ sương (Việt hóa) phong (Hán)
(Chinh phụ ngâm)

hay :                          

Đường dong duổi vai đeo cung (Việt hóa) tiễn (Hán)
(Chinh phụ ngâm)      

Vì vậy, " gươm đàn" trong câu gươm đàn nửa gánh  cùng nằm trong trường hợp đó. Cho nên chúng ta không thể đồng nhất nó với những từ " đàn " trong các câu thơ:

Khi hương sớm, khi trà trưa
Bàn vây điểm nước, đường tơ họa đàn


(Kiều)

Rằng : Hoa nô đủ mọi tài
Sẵn đàn thử dạo một bài chàng nghe, v.v...


(Kiều)

Từ « đàn » trong các câu này, chỉ là những trường hợp mượn một âm Hán để viết một âm Việt. Trần Khuê không thấy sự phân biệt ấy, nên anh đã khẳng định : "Trong tiếng Hán cổ không có từ đàn nào lại có nghĩa là thứ vũ khí cùng loại với cung" hay « Giả thử có coi nó là một từ Hán đi chăng nữa, Quang Đạm cũng khó đưa ra một thứ từ nguyên, từ điển nào của Trung Quốc có cái định nghĩa: Đàn là một thứ võ khí cùng loại với cung [.. ]. Và nếu lại chú thích hẳn như Thạch Giang : " Đàn, một loại cung, bắn đạn tròn đi rất xa " thì xin cho phép hỏi: nhà nghiên cứu đã tìm đâu ra định nghĩa lạ đến thế? [...]. Bàn là một cây cung kể đã lạ ! [ ..] lại không bắn tên mà bắn bằng đạn tròn, càng ký lạ hơn! [.. ] ở nước nào [...]? Và hình thù nó ra sao ?" Thật là những câu hỏi đã ép hai nhà nghiên cứu tới chân tường. Nhưng để giải đáp những câu hỏi này, chúng tôi xin lần lượt trả lời anh qua các đoạn trích dẫn :      ,

+ Về nguồn gốc:

Trần Âm trả lời Việt vương rằng: " Cây nỏ bắt nguồn từ cây cung, cây cung bắt nguồn từ cây đàn , cây đàn bắt nguồn từ người con có hiếu thời xưa: Vậy nên có bài ca về cây đàn rằng:

"Chặt tre tiếp tre, phi đất đuổi quạ ".

(Ngô Việt Xuân thu)

+ Về hình thù

Đàn cung: chiếc cung bắn bằng viên đạn,( cánh cung) lấy tre làm nòng,ngoài bện bằng gân trâu và khảm sừng, dài 18 vổ (mỗi vổ bằng chiều cao một nắm tay dựng nghiêng, đơn vị đo cánh cung thời xưa. Trung Quốc gọi là " quyền " — Hỷ chú), cũng có khi làm nòng cánh cung bằng sắt, cho nên còn có tên là cung nòng sắt (thiết thai cung), nhưng chiều dài của nó hơi ngắn so với cung tre. Người tập bắn kéo cánh cung và dây cung cho tới khi nó trở thành một hình tròn làm cữ. Sức cung thì cứ lấy 9 cân 12 lạng làm một độ cứng, người bình thường có thể kéo được hai độ rưỡi  .(Từ  Hải — Bộ cung, trang 505)

+Về thời đại và sách vở.         

Thái tử Hữu biết Tử Tư trung mà không được dùng  thái tể Phi nịnh.Mà chuyên chính, ông bèn dùng cách phúng gián  để  khích động lòng vua,nên sáng sớm tinh mơ, ông mang đạn cấp cung từ lối vườn sau mà tới.

Vua Ngô muốn đánh đất Kinh liền ra lệnh: " Kẻ nào can ngăn sẽ bị chết ". Có người con của một cá nhân muốn can nhưng không dám,nên đã mang đạn cầm cung  nhởn nhơ ở vườn sau tới ba buổi sáng. (Thuyết uyển)

Cầm cung  mà vẫy chim, vung gậy mà gọi chó, muốn nó đến nhưng nó lại chạy đi. (Hoài nam tử)

Bao rằng người có tước vị không tranh chấp với dân, nhưng kìa, bọn công tử vương tôn tay trái cầm cung tay phải nắm đạn... buổi sớm nhởn nhơ ở rừng cây, buổi chiều đắm say trong yến tiệc. (Tân tự)

Tô Tử Chiêm khi bị biếm tới Hoàng châu, áo vải giầy gai, đi lại nơi đường ngang ngõ tắt, ông thường cầm cánh cung  đập xuống nước để làm vui. (Ngọa du lục)

Bức vẽ của nhà ta xưa là bức vẽ " Dương phi lên ngựa ", những người theo hầu không có nghi trượng chi khác, ngoài vài người cắp cung  đi dẫn lối. (Nhàn thoại lục)

Người ở Ngũ lăng Trường an lấy gỗ dâu làm cung lấy hạt trai 1àm đạn  để bắn di sẻ. (Tây kinh tạp ký)

Có lẽ trích dẫn bằng ấy cũng đủ chứng minh rằng: trong sách viết bằng chữ " Hán cổ " có từ đàn với cái nghĩa là " cây cung", mà cây cung ấy lại bắn bằng đạn tròn, thế mới " kỳ lạ " ! Hơn nữa chúng ta còn được biết " hình thù " và xuất xứ của nó nữa. Đến đây chắc chúng ta đã thừa nhận đàn là một cây cung, chứ không phải "đàn vẫn cứ là đàn " như anh Trần Khuê khẳng định.

3. Về hình tượng nghệ thuật

Về điểm này đại khái Quang Đạm viết: Từ Hải gần gũi Kiều lâu nhất, nhưng Nguyễn Du không hề cho thấy Từ quan tâm đến tiếng đàn của Kiều, mà chỉ thấy Từ " hứng thú" với "tiếng loa dậy đất", «trống chầu đại bản doanh"...... cả đến lúc báo hiện bước suy tàn của Từ Hải, ta cũng chỉ thấy Nguyễn Du nói tới " trống canh trễ tràng" mà không nói tới tiếng đàn tiếng sáo bi ai, và anh khẳng định: " Như vậy hình tượng con người Từ Hải " râu hùm hàm én " khoác cả thanh gươm và cây đàn âm  nhạc đi khắp nơi là không thể có được dưới ngòi bút Nguyễn Du ".

Qua đoạn văn trên Trần Khuê cho là Quang Đạm đã suy luận theo kiểu tam đoạn luận đại khái như sau:

-Đã là tri kỷ của Kiều, Từ phải quan tâm đến tiếng đàn của Kiều.

-Đã miêu tả Từ khoác cây đàn thì dứt khoát Từ phải hứng thú với " tiếng đàn tiếng sáo".

Nếu không có hai điều kiện trên, thì cái vật Từ khoác trên vai không thể là cây đàn âm nhạc được.

Theo tôi thì không phải Quang Đạm suy luận một cách hình thức như vậy, mà qua sự nhận định của anh ta thấy anh muốn nói tơsi sự phát triển tất yếu của một nhân vật khi mà những nét chủ đạo về tính cách của nhân vật đó đã được nêu lên, cũng như tính chất hợp  lý trong văn học nghệ thuật.

Chúng ta biết rằng, trong phép làm  văn thời xưa có một phép mà người ta gọi là phép hô khởi. Phép đó là khi  mở  đầu một tác phẩm, một bài văn hay bắt đầu mô tả một nhân vật thì bao giờ người ta cũng nêu lên  những nét chủ đạo một cách hết sức khái quát về nội dung tác phẩm nào đó hay tính cách. nhân vật nào đó qua một vài câu văn hay một vài câu  thơ, rồi lần lẫn những nét chủ đạo đó được phát triển qua sự phát triển của nội dung tác phẩm cũng như qua sự phát triển của tính cách nhân vật. Chẳng hạn như: khi mở đầu Truyện Kiều, Nguyễn Du viết:

Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau

Thế là  qua 15 năm luân lạc của đời Kiều đều được triển khai theo khía cạnh "tài mệnh tương đố". về nhân vật, khi nào tả Kiều, Nguyễn Du viết:

Thông minh vốn sẵn tính trời
Pha nghề thi họa, đủ mùi ca ngâm.
Cung thương lầu bậc ngũ âm
Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một chương
Khúc nhà tay lựa nên xoang
Một thiên bạc mệnh lại càng não nhân

Cũng như trên, thế là tiếng đàn, câu thơ cứ bám riết lấy đời  Kiều như một « nghiệp chướng » qua các bước thăng trầm : nào họa thơ trong giấc mộng "đoạn trường" hay trước sân "công lý",  nào lựa đàn khi mời gặp chàng Kim hay trong nhà họ Hoạn, v. v... cứ thế cho tới ngày tái hợp. Cho nên tiếng đàn của người "nghệ sĩ" họ Từ mà Quang Đạm nêu lên là một điều có lý. Nếu quả thật Từ là một "tráng sĩ — thi nhân" (Le guerrier— poète), thì tiếng đàn của Từ bằng cách này hay cách khác, nhất định Nguyễn Du sẽ cho nó phát triển cùng vời sự phát triển của một- thanh gươm. Không lẽ nhà thơ lại khắc họa cái nét chủ đạo của một nhân vật chỉ bằng một từ «đàn» trơ trụi? Để bù đắp cho chỗ trống rỗng đó, Trần Khuê đã viện dẫn lới " tiếng tơ tiếng trúc" trong một lễ cưới, nhằm minh họa cho Từ cũng là một nghệ sĩ có "tâm hồn". Chúng ta hãy nghe anh nói:

«Đọc lại Truyện Kiều, tôi thấy Nguyễn Du không phải cho nhân vật Từ Hải của mình "hứng thú" với "tiếng loa, tiếng trống", mà với cả"  tiếng trúc, tiếng tơ" nữa. Khi Từ trở về đón Kiều, Từ đã tổ chức lễ đón theo một nghi thức khá long trọng:

Dựng cờ nổi trống lên đường
Trúc tơ nổi trước, kiệu vàng theo sau.

Rõ ràng cái ông tướng này cũng chẳng võ biền đến nỗi chỉ biết hứng thú với "cung kiếm" hoặc "loa trống ", ông ta cũng có "tâm hồn lắm đấy chứ".

Nếu quả thực một người chỉ còn " hứng thú" với " tiếng tơ tiếng trúc" trong buổi lễ cưới, mà cũng đủ trở thành mội nghệ sĩ có « tâm hồn », thì cái anh chàng « Quả niên trạc ngoại tứ tuần; Mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh  bao" cũng là một nghệ sĩ có " tâm hồn" đẫy chứ. Vì khi «tổ chức » đón Kiều, anh ta cũng « hứng thú » vời " tiếng tơ tiếng trúc " :

Kiệu hoa đâu đã đến ngoài,
Quản huyền đâu đã giục người sinh ly.

Lập luận như vậy, nhưng liền sau đó, anh lại nêu lên cho chúng ta một quy tắc: « Đàn trong gươm đàn chỉ có thể có nghĩa là cây đàn âm nhạc, và nên hiểu đây là lối miêu tả ước lệ ". Để cho người đọc dễ hiểu hơn, anh đã nêu lên những câu thơ:

Tạm khước ô cân, lý thảo hài
Mang huề cầm kiếm cố sơn lai

(Thượng kinh ký sự — Lê Hữu Trác)

Tạm bỏ khăn thâm, lại xỏ chân vào dép cỏ
Vội vàng mang gươm đàn để trở lại non quê.

để làm thí dụ, và anh giải thích : « Nếu không hiểu đây là lối nói ước lệ rồi thấy trong tác phẩm, tác giả chỉ nói đến chuyện thuốc men, thơ ca, đàn địch mà không hề có chuyện đấu kiếm, múa gươm ắt hẳn lại không tránh khỏi cái kết luận : kiếm hoặc gươm ở đây là chỉ một loại nhạc cụ nào đó chứ không thể là một thứ vũ khí được», Qua thí dụ trên anh muốn bảo chúng ta rằng: Cũng giống như vậy cây «đàn» trong « gươm đàn nửa gánh » cũng chỉ là "ước lệ", hay nói rõ hơn, nó viết để mà viết, chứ nó chả có tác dụng chi hết, mà thanh gươm mới là chủ yếu trong vai trò «chọc trời khuấy nước » của Từ. Nói như vậy vô hình trong anh đã gạt bỏ những điều mà anh cố chứng minh cho Từ Hải ở trên, ngoài cái tài « côn quyền hơn sức», Từ còn là một con người nghệ sĩ có tâm hồn. Thực là mâu thuẫn ! Đó là điểm thứ nhất tôi muốn chứng minh rằng : Những nét chủ đạo trong một nhân vật, một khi đã được tác giả nêu lên thì tất yếu bằng cách này hay cách khác, sẽ được phát triển, chứ tác giả không nêu nó lên một cách vô ích. Còn điều thứ hai mà tôi muốn nói ở đây là: hình tượng trong văn học nghệ thuật, nó có tính hợp lý của nó, cái tính hợp lý đó người ta gọi là lẽ phải thông thường, sỡ dĩ như vậy là vì tính hợp lý trong văn học nghệ thuật là sự phản ánh tính hợp lý trong đời sống hiện thực. Ngoài điểm đó ra trong văn học nghệ thuật nhiều lúc cũng có cái tính ngược đời, nghĩa là hình thức mâu thuẫn với nội dung. Sơ dĩ có trường hợp này là vì tác giả muốn xây dựng cho mình một nhân vật hài hước.

Giữa hai điều kiện như vậy, ta thử hình dung xem Từ Hải thuộc về điều kiện nào: Hợp lý hay ngược đời?

-Nếu thuộc về điều kiện thứ nhất, thì cái con người (( râu hùm hàm én " chỉ có thể mang bên mình cánh cung và lưỡi kiếm mà thôi.

-Nếu thuộc về điều kiện thứ hai, thì cái con người " vai năm tấc rộng, thân mười thước cao" có thề « khoác cả thanh gươm và cây đàn âm nhạc"đi khắp đó đây, như anh Trần Khuê đã nói. Nhưng tiếc rằng, dưới ngòi bút của Nguyễn Du, Từ Hải lại là hình ảnh một con người: " hơn đời trí dũng, nghiêng trời uy linh", chứ không phải hình ảnh một anh chàng « mua vui trên sân khấu» cuộc đời, nên Từ không thể " khoác cả thanh gươm và cây đàn âm nhạc " đi khắp đó đây được.

Tóm lại, qua ba mặt mà chúng tôi vừa phân tích, có thể có đủ " cơ sở" để nói chữ đàn trong gươm đàn nửa gánh... của Nguyễn Du chỉ là một cây cung, chứ không phải là một cây đàn âm nhạc. Một là Nguyễn Du không hề "sửa điển ", mà ông chỉ thay từ cung bằng từ đàn, vì yêu cầu âm hưởng. Hai là, chữ đàn trong "từ vựng nôm " thì nó hoàn toàn không có nghĩa là một cây cung, nhưng trong chữ " Hán cổ " thì rõ ràng nó lại có nghĩa là một cây cung, mà cây cung lại bắn bằng đạn tròn thực sự. Ba là, về phép hành văn của thời xưa, cũng như tính hợp lý trong văn học nghệ thuật không cho phép chúng ta thừa nhận một hình tượng « râu hùm hàm én», ngoài thanh gươm ra, bên vai còn khoác thêm một cây đàn âm nhạc đi khắp đó đây được. Do đó ta có thể kết luận: đàn là một cây cung, chứ không thể " đàn vẫn cứ là đàn" như anh Trần Khuê đã kết luận.

" Đàn cung " là một từ đôi, vì xu hướng giản hóa hay một yêu cầu nào đó, nên trong khi viết văn người ta chỉ dùng một chữ " đàn " mà lược bớt chữ " cung ". Cũng như muốn chỉ một người lính thời xưa, người ta phải viết " binh sĩ ", " binh nhung " hay " binh tốt " thì mới hoán toàn đúng, vì một chữ " binh "chỉ có nghĩa là một chữ vũ khí nhưng khi viết văn người ta thường dùng một chữ " binh " mà lược bỏ những chữ sau.

Hai chữ « ước lệ », Trần Khuê dùng ở đây hoàn toàn không đúng chỗ. Vì, nếu miêu tả theo lối ước lệ thì " túi đàn", " cặp sách" chỉ dùng cho văn nhân chứ không thể dùng cho vũ tướng. Qua đoạn văn Trần Khuê giải thích về lối hiểu  ước lệ mà tôi trích tiếp ở dưới đoạn này, thì ta thấy anh muốn nói « đàn » trong « gươm đàn » chỉ là một từ đưa đẩy, chứ không có tác dụng gì mấy: nhưng anh lại cho nó là lối "miêu tả ước lệ ". Thực là lầm lẫn.