nguyendu.d.webcom.vn
Loading...

Thơ vịnh Kiều của Phạm Quý Thích


Thơ vịnh hay Đề từ
 
Nhiều bản in ván khắc chữ Nôm Truyện Kiều ở ngay đầu sách đều có bài thơ chữ Hán của Phạm Quý Thích mở đầu bằng câu “Giai nhân bất thị đáo Tiền Đường” (sau đây viết tắt là bài Giai nhân bất thị).
 
 
Ở cuốn Đoạn trường tân thanh (tên chính thức của Truyện Kiều do Nguyễn Du đặt), năm Thành Thái Nhâm Dần (1902) ở đầu sách Kiều Oánh Mậu, bản in có bài Đề từ kèm tên Phạm Quý Thích. Ở những dòng đầu “Mười điều lệ ngôn Kiều Oánh Mậu ghi Phạm Quý Thích người làng Hoa Đường có đề từ” (Truyện Kiều - Nguyễn Thạch Giang khảo đính và chú thích, NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1973 - Phụ lục, tr.487).
 
Bài thơ cũng được gọi là “Đề từ” trong Hợp tuyển thơ văn Việt Nam tập 3 (NXB Văn học, 1978, tr.505-506), trong Thơ Vịnh Kiều do Nguyễn Văn Y sưu tập (NXB Lạc Việt, Sài Gòn, 1973, tr.309).
 
Trong Từ điển Nhân vật lịch sử Việt Nam của Nguyễn Duy Thắng và Nguyễn Bá Thế (NXB Văn hóa, 1993) cũng như trong Từ điển Văn học (bộ mới) (NXB Thế giới, 2004) đều ghi ở mục Phạm Quý Thích: ông là bạn thân của Nguyễn Du, là người đầu tiên làm bài thơ tổng vịnh Truyện Kiều “Đoạn trường tân thanh đề từ” rồi lo việc ấn hành.
 
Về các sách Kim Vân Kiều in trên ván khắc chữ Nôm, rất tiếc tôi không có điều kiện xem hết kho tàng khá phong phú tại các thư viện, đặc biệt tại kho sách Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Hiện trên tay tôi có 3 tập bản in ở 3 thời điểm: 1. Bản Kim Vân Kiều tân truyện, Tự Đức Nhâm Ngọ (1882); 2. Bản Kim Vân Kiều quảng tập truyện, Thành Thái Giáp Thìn (1894) có in kèm trích đoạn Kim Vân Kiều truyện chữ Hán của Thanh Tâm Tài Nhân; 3. Kim Vân Kiều tân tập (Thời hiền thi tự), Thành Thái Bính Ngọ (1906) có bài tựa và chùm thơ vịnh chữ Hán của Chu Mạnh Trinh.
 
Cả ba tập đều in ở đầu sách bài thơ Giai nhân bất thị với tên tác giả “Lương Đường Phạm tiên sinh” có chữ tiếp liền sau, ở bản Quảng tập là chữ “đề”, ở hai bản kia là chữ “soạn”. Như vậy có thể cho rằng, riêng bản Quảng tập coi bài thơ là Đề từ còn ở hai bản kia chỉ coi như những bài thơ vịnh.
 
Nhà nghiên cứu Vũ Thế Khôi cho biết, trong quá trình tìm hiểu nghiên cứu về hoạt động văn hóa Thăng Long - Hà Nội thời kỳ cuối Lê đầu Nguyễn đã thấy trong Lập Trai tiên sinh di thi tục tập bài thơ này dưới đầu đề Thính Đoạn trường tân thanh hữu cảm (Cảm xúc khi nghe Đoạn trường tân thanh) (Xem: Lê Thành Lân, Thi hào Nguyễn Du viết Truyện Kiều, báo Tiền phong chủ nhật, 13-9-2001).
 
Thực chất Đề từ cũng là một bài thơ vịnh, chỉ khác ở chỗ là tên bài thơ do chính tác giả đặt để tôn vinh tác phẩm và đặt ở đầu sách. Như vậy, tự động dùng tên Đề từ đặt cho một bài thơ đã có tên chính thức được ghi trong thi tập là việc nên tránh. Bài Giai nhân bất thị chỉ nên ghi là một bài thơ vịnh Kiều trong hàng loạt các bài thơ vịnh khác về sáng tác của Nguyễn Du. Tuy nhiên, hợp lý hơn cả là thay đầu đề Thơ vịnh Kiều bằng tên chính thức của bài thơ ghi trong Lập Trai tiên sinh di thi tục tập của Phạm Quý Thích: Thính Đoạn trường tân thanh hữu cảm như đã nói ở trên.
 
Bài thơ này đã được giới thiệu cụ thể, phiên âm, dịch nghĩa, chú thích trong Hợp tuyển thơ văn Việt Nam (tập 3, NXB Văn học, 1978, tr.503-506), trong Từ điển Nhân vật lịch sử Việt Nam (NXB Văn hóa, 1993, tr.758) cũng như đã được phiên âm và dịch ở sách Truyện Kiều của Nguyễn Thạch Giang (NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1973, chú thích tr.85).
 
Trong Thơ vịnh Kiều của Nguyễn Văn Y (NXB Lạc Việt, Sài Gòn, 1973, tr.306-311) giới thiệu, phiên âm bài thơ với 6 bản dịch trong đó có bản dịch chữ Nôm tương truyền của Phạm Quý Thích, 5 bản dịch theo thể thơ Đường và thể thơ lục bát của các tác giả khác.
 
Bài viết sau đây nhằm góp phần giải quyết một số chỗ không thống nhất giữa các bản dịch, tìm hiểu thêm về bài thơ vịnh Kiều nổi tiếng này, cho thấy nhận định của một nhà giáo dục lớn thời cuối Lê đầu Nguyễn về tuyệt tác của nhà đại văn hào đương thời.
 
Dịch thơ chữ Hán:
 
佳 人 不 是 到 錢 塘 半 世 煙 花 債 未 償玉 面 豈 應 埋 水 國冰 心 自 可 對 金 郎 斷 腸 夢 裏 根 緣 了 薄 命 琴 終 怨 恨 長一 片 才情 千 古 累 新 聲 到 底 為 誰 傷
 
Phiên âm:
 
Giai nhân bất thị đáo Tiền Đường
 
Bán thế yên hoa trái vị thường.
 
Ngọc diện khởi ưng mai Thủy quốc,
 
Băng tâm tự khả đối Kim lang.
 
Đoạn trường mộng lý căn duyên liễu(*),
 
Bạc mệnh cầm chung oán hận trường.
 
Nhất phiến tài tình thiên cổ lụy,
 
Tân thanh đáo để vị thùy thương?
 
(*) Dị bản: “Đoạn trường mộng tỉnh căn duyên liễu”, xem Kim Vân Kiều quảng tập truyện và Đoạn trường tân thanh.
 
Dịch xuôi:
 
Người đẹp phải đâu tới Tiền Đường(1)
 
Món nợ nửa kiếp gái lầu xanh chưa được trả(2)
 
Mặt ngọc sao nỡ vùi nơi đáy nước(3)
 
Lòng băng tuyết tự thấy xứng đáng với chàng Kim(4)
 
Nỗi đau đứt ruột trong mộng, căn duyên nay đã hết(5)
 
Khúc đàn bạc mệnh chấm dứt, oán hận còn dài lâu(6)
 
Một mảnh tài tình tự ngàn xưa mang lụy cho người(7)
 
Cuối cùng, tiếng mới dành cho ai nỗi đau thương?(8)
 
Chú thích:
 
(1) “Tiền Đường”: tên sông, nơi coi như kết thúc đời sống của Thúy Kiều, theo lời Đạm Tiên hiện lên nói với Thúy Kiều khi nàng vừa tự vẫn tại nhà chứa của Tú Bà. “Hãy xin trọn kiếp liễu bồ/ Sông Tiền Đường sẽ hẹn hò về sau” (câu 999-1000). Câu thơ để hiểu đúng phải thêm mấy chữ, cả câu sẽ là: “Gái đẹp đã chẳng phải khi đến Tiền Đường” (để nhận cái chết theo số mệnh).
 
“Phải đâu” (nguyên văn “Bất thị”: không phải, không đúng). Kiều tới Tiền Đường không phải để nhận cái chết như lời Đạm Tiên, vì sau đó đã được cứu sống và đoàn tụ với người thân.
 
(2) “Yên hoa”: hoa trong sương, cảnh đẹp thiên nhiên; thơ Lý Bạch: “Yên hoa tam nguyệt hạ Dương Châu” (Tiết tháng ba, giữa cảnh hoa trong sương khói, xuôi thuyền tới Dương Châu). “Yên hoa” cũng được dùng để chỉ kỹ nữ, gái điếm, gái lầu xanh tưởng như sống lén lút mờ ám. Thúy Kiều hai lần làm gái lầu xanh coi như nửa đời người (bán thế yên hoa).
 
(3) Chỉ việc Thúy Kiều sau khi tự trầm được Giác Duyên vớt lên cứu sống.
 
(4) “Nỗi đau đứt ruột” (nguyên văn “Đoạn trường”): nỗi đau khủng khiếp của gái lầu xanh.
 
“Căn”: rễ, gốc rễ. “Duyên”: hoàn cảnh, môi trường có thuận lợi hay không trong việc giúp cho cây hình thành (gần cùng nghĩa với nhân duyên, nhân là hạt giống. Xem: Đinh Phúc Bảo, Phật học từ điển, Đài Bắc, 1989).
 
(5) Về câu dị bản “Đoạn trường mộng tỉnh căn duyên liễu”: “Đoạn trường mộng tỉnh”: mộng đoạn trường tỉnh giấc: nỗi đau đứt ruột ví như cơn ác mộng, “tỉnh giấc” tức nỗi đau đã hết. “Căn duyên liễu”: nguyên nhân đã rõ ràng, cuộc sống đau thương đã kết thúc do món “nợ yên hoa” nói ở câu 2 đã được trả. Chữ “liễu” ở cuối câu được hiểu khác với “liễu” ở câu ghi “đoạn trường mộng lý”. Xét về nghĩa câu ở dị bản “đoạn trường mộng tinh” ăn nhập với toàn bài hơn là câu ở các bản ghi “đoạn trường mộng lý”.
 
(6) “Oán hận trường”: oán hận dài lâu. Nỗi đau đứt ruột vẫn còn với sự tồn tại của các thanh lâu trong xã hội. Oán hận dài lâu ngay đối với chính người không còn gảy khúc đàn bạc mệnh nhưng vẫn chung đau xót cùng những người lâm vào cảnh cực khổ như mình trước đây.
 
(7) “Mảnh tài tình”: “tài tình”: chỉ người nhiều tài năng, giàu tình cảm, không theo thị hiếu tầm thường nên dễ gặp những chuyện không vừa ý gây lụy vào thân. Gọi là “một mảnh” (nhất phiến) vì quen sống riêng lẻ nên dễ đem lại đau khổ do không hòa mình với xung quanh. Thúy Kiều từng than thân “Tài tình chi lắm cho trời đất ghen” (câu 2154).
 
(8) “Tiếng mới”: nguyên văn “tân thanh”, chỉ Đoạn trường tân thanh (Tiếng mới của nỗi đau đứt ruột) - tên tác phẩm do Nguyễn Du tự đặt, sau được in với tên Kim Vân Kiều tân truyện, nay thường gọi là Truyện Kiều.
 
“Đau thương cho ai?”: câu hỏi tiếp nối câu trước với nhận định bao hàm cả cảnh xót thương và nỗi oán hận kéo dài mặc dù khúc đàn bạc mệnh đã chấm dứt. Xót thương cho nhiều người, cho cả Thúy Kiều nhân vật chính trong truyện, được truyện dành cho sự xót thương sâu sắc. Ngoài ra “cuối cùng” còn có những ai?
 
Ngay ở 4 câu đầu tác phẩm đã thấy nói tới “Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau” gây nỗi đau khổ cho những người có tài không gặp mệnh thuận lợi, tức không gặp hoàn cảnh thích đáng cho phép thi thố tài năng.
 
Có thể kể hai người: Phạm Quý Thích - tác giả bài thơ và Nguyễn Du - tác giả Truyện Kiều, cả hai đều có tài văn học kiệt xuất, đều nung nấu ý chí thờ vua giúp nước nhưng gặp thời thế biến chuyển không cho phép thực hiện chí hướng của mình.
 
Dịch thơ:
 
Phải đâu gái đẹp đến Tiền Đường(1)
 
Nửa kiếp lầu xanh nợ vẫn vương(2)
 
Mặt ngọc sao đang vùi sóng nước
 
Lòng son tự thấy xứng Kim lang
 
Đoạn trường mộng báo căn duyên hết
 
Bạc mệnh đàn ngưng oán hận trường
 
Một mảnh tài tình muôn thuở lụy
 
Cuối cùng tiếng mới vị ai thương?
 
Chú thích:
 
(1) Bản Đoạn trường tân thanh ở đầu sách ghi bài Đề từ kèm tên tác giả Phạm Quý Thích, tiếp theo in bài thơ dịch viết chữ Nôm. Cuối bài ghi “Hoa Đường Lập Trai” Phạm Quý Thích đề:
 
“Giọt nước Tiền Đường chẳng rửa oan
 
Phong hoa bao trắng nợ hồng nhan
 
Lòng tơ còn vướng chàng Kim Trọng
 
Gót ngọc không tiêu chốn thùy quan
 
Nửa giấc đoạn trường tan gối điệp
 
Một dây bạc mệnh dứt cầm loan
 
Cho hay những kẻ tài tình lắm
 
Trời bắt làm gương để thế gian”.
 
Hợp tuyển thơ văn Việt Nam, tập 3, tr.506 cho rằng “ý tứ trong bài không được sát với bản dịch chữ Hán cho lắm”. Nhận xét rất đúng, trừ vế hai câu đầu coi như cũng nắm được ý nguyên tác. Việc ghi tên tác giả bản dịch hoàn toàn không thể tin. Về câu 1 và cả bài dịch thơ xin xem thêm chú thích ở phần dịch xuôi.
 
(2) “Nửa kiếp lầu xanh” (nguyên văn “Bán thế yên hoa”): có thể nói là bao hàm ý chủ chốt của toàn bài, cho phép hiểu nghĩa câu đầu và hiểu sâu những câu sau. Nó đưa ra một quan niệm đặc biệt về nguyên nhân nỗi khổ nhục đoạn trường của gái lầu xanh thường được cho là hậu quả của tội lỗi dâm loạn từ kiếp trước, khiến phải ghi tên vào “sổ đoạn trường”. Những nỗi khổ nhục hiện tại được coi là do số mệnh gây nên như một món nợ, nay số mệnh phải trả bằng cách chấm dứt đau khổ, ban tặng yên vui.
 
Quan điểm này khác hẳn cách nhìn nhận trong truyện qua lời của Tam Hợp Đạo Cô nói với Giác Duyên và lời của Đạm Tiên hiện lên nói với Thúy Kiều khi vừa tự trầm ở sông Tiền Đường, coi việc Kiều bán mình cứu cha thể hiện đạo hiếu, khuyên Từ Hải quy thuận chấm dứt bạo loạn việc thể hiện đức nhân đã “động tới trời” để được hưởng hạnh phúc gia đình đoàn tụ (xem các đoạn câu 2601-2610 và 2715-2720 trong Truyện Kiều).
 
Rất có thể coi Phạm Quý Thích không đồng ý với lý luận của Tam Hợp Đạo Cô và của Đạm Tiên vì việc bán mình cứu cha thuộc đạo hiếu tác động tạo phúc hạn hẹp trong một gia đình, và việc khuyên Từ Hải quy thuận có động cơ chính là mong được “phu quý phụ vinh”.
 
 
Theo Tảo Trang/honvietquochoc.com.vn
 

Nghiên cứu thảo luận

Tham quan ảo 3D

nguyendu.d.webcom.vn

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website