nguyendu.d.webcom.vn
Loading...

Thành Thăng Long trước thế kỷ 19 trong thơ Nguyễn Du


I. Thành Thăng Long do Lý Thái Tổ (974- 1028) cho xây dựng năm 1010, được làm đi làm lại nhiều lần suốt các vương triều Lý- Trần- Hồ - Lê- Mạc, và bị phế bỏ hoàn toàn vào cuối thế kỉ XVIII, để sau đó vào năm 1805 nhà Nguyễn cho xây lên đó tòa thành vô băng cũng gọi là thành Thăng Long (với nghĩa là Hưng Thịnh thay cho Thăng Long là Rồng lên) làm trụ sở cho tổng trấn Bắc Thành, rồi thủ phủ cho tỉnh Hà Nội (từ năm 1831) và đến lượt cũng bị phá hủy hoàn toàn vào những năm 90 của thế kỉ XX; thành Hà Nội để lại một số dấu tích như: cửa Chính Bắc, Tháp Cảnh (tức cột cờ Hà Nội), nền điện chính có cặp rồng đá chạm khắc ở bậc thềm, Đoan Môn, Hậu lâu.

 

Toàn cảnh Hoàng thành Thăng Long nhìn từ Đoan Môn.


Thành Thăng Long biến hẳn hình hài và dấu tích trên đất Hà Nội đương đại, thành Hà Nội cổ với những dấu tích và ký ức có thể cho phép tìm lại vị trí chính xác của Thành Thăng Long cũ?

Đó là bài toán mà các nhà nghiên cứu về Thăng Long cũ trăn trở lâu nay. Và cho đến nay, giới nghiên cứu đã có những hiểu biết cần thiết về thành Thăng Long, có nhiều tiếp cận về Thăng Long, đã đưa ra hai mô hình – vị trí về Thăng Long. Ý thứ nhất, vị trí Hoàng Thành Thăng Long trùng khớp với thành Hà Nội cũ, trục thần đạo của thành Hà Nội (cột cờ - Đoan Môn- Điện chính (Kính Thiên?)- Hậu Lâu- Cửa Bắc) cũng chính là thần đạo của Thăng Long xưa (cố GS Trần Quốc Vượng đưa ra chủ thuyết này và được nhiều người đồng ý). Ý thứ hai, Thành Hà Nội cũ nằm chệch về hướng đông của Hoàng Thành Thăng Long, trục chính tâm của Hoàng Thành Thăng Long, có giới hạn từ phía đông đường Hoàng Diệu quá về phía tây phố Chu Văn An, lấy Văn Miếu Quốc Tử Giám làm tiền án và hậu chẩm là khu quán Trấn Vũ cũ, các tòa điện chính của Hoàng Thành chạy từ phố Trần Phú đến đường Phan Đình Phùng, mà khu khai quậ Khảo cổ học ở 18 Hoàng Diệu- số 1 Hoàng Văn Thụ là hậu cung trong Tử Cấm Thành, từ đường Bắc Sơn đến Trần Phú là các điện chính của Thăng Long (Bùi Thiết là chủ thuyết: xem Đối thoại Thăng Long- Hà Nội, TN, H: 2009, 500tr).


II. Trong tất cả các tài liệu có liên quan đến Thăng Long và riêng về tòa thành Thăng Long trước thế kỉ XIX có rất nhiều, như các bộ sử biên niên và các văn thơ của người đương thời viết về Thăng Long và chứng kiến sự hoang phế của Thăng Long rồi sự hiện hữu một tòa thành mới, của những người lớn lên với tòa thành xây năm 1805 và nhớ về Thăng Long cũ qua ký ức truyền lại, và cả của những người sống sau khi thành Hà Nội bị phá hoại.


Có một thực trạng là người của Thăng Long xưa viết về Thăng Long như: Thượng kinh ký sự của Lê Hữu Trác (1720- 1792), nói rất nhiều về Thăng Long và vương phủ, nhưng sau này khi Thăng Long và vương phủ bị phá, chúng ta rất khó tìm vị trí hay tọa độ chính xác của Hoàng Thành và vương phủ ở  trên thực địa mới. Các tác giả từng gắn bó với Thăng Long và cả Hà Nội đầu thế kỉ XIX như Phạm Đình Hổ 91768-1839), Nguyễn Án (1770- 1815) có các tác phẩm tiêu biểu về Thăng Long, song trong trứ tác của các ông chưa có mối liên hệ tọa độ địa lý chính xác giữa toà thành mới phản cảm … Dường như các bậc tài cao học rộng sống giao thời giữa hai thế kỉ XVIII- XIX, chưa ý thức được sẽ có ngày con cháu bới tìm dấu vết Thăng Long một cách nhọc nhằn thiếu những chỉ dẫn đến tọa độ chính xác của người xưa.


Trong khi đó, thì sự nuối tiếc về Thăng Long xưa tràn đầy trong văn thế thế kỉ XIX và cả sau này, chỉ đọc đầu đề các tập sách, các bài thơ đã thấy một khối lượng rất lớn như: Thăng Long cổ tích vịnh; Thăng Long hoài cổ, Thăng Long tam thập vịnh… Nhưng cũng chưa ai chỉ ra được tọa độ địa lý của tòa thành mới: so với Thăng Long cũ.

 

Nhìn từ góc khác của Hoàng thành Thăng Long


Người có tuổi thơ gắn chặt với Thăng Long là Nguyễn Du, am hiểu Thăng Long hơn những văn nhân đương thời cũng không viết gì về Thăng Long trước thế kỉ XIX, ông có vài bài thơ nói về nơi nọ nơi kia ở Thăng Long, chứ không nói gì nhiều về tòa thành mà ông từng sống, tương truyền vì phải qua lại bến đò sông Cái nối Đông Ngàn với Thăng Long, khi từ quê mẹ sang Thăng Long nơi cha và anh làm việc, nên có lần Nguyễn Du phải lụy đò, hứa hẹn với cô lái để được sang sông:


Ai ơi chèo chống cho sang

Kẻo trời trưa trật lỡ làng đôi ta

Còn nhiều qua lại lại qua

Giúp cho nhau nữa để mà... quen nhau


Cũng như nhiều văn nhân khác, Nguyễn Du vẫn tin sự trường tồn của Thăng Long, tuy có này có khác, nhưng mãi mãi vẫn còn đó, Thăng Long đã ngót 800 năm tuổi, đã Bát Bách niên như ông Bành Tổ khó có gì làm phương hại, không ai ngờ được cái gì sẽ xảy ra đối với Thăng Long để mà làm một cái gì đó lưu lại cho đời sau.

Nguyễn Du rời Thăng Long và trong khoảng thời gian đó Thăng Long nhanh chóng lụi tàn, hơn 15 năm sau, khi ra làm quan cho vương triều Nguyễn ông có dịp trở lại Thăng Long, khi này không còn thành Thăng Long nữa, mà là một tòa thành mới xây vào năm 1805. Nguyễn Du ngơ ngác trên đất cõi thành xưa, ông làm hai bài thơ về Thăng Long.


Thăng Long (I)

Tân lĩnh lô giang tuế tuế đồng

Bạch đầu do đắc kiến Thăng Long

Thiên  niên cự thất thành quan đạo

Nhất phiến tân thành một cố cung,

Tương thức mỹ nhân khan bão tử

Đồng du hiệp thiếu tẫn thành ông

Quan tâm nhất dạ khổ vô thụy


Doãn địch thanh thanh minh nguyệt trung.

Có thể diễn nôm như sau:  Núi Tản và sông Lô (tức sông Hồng) đời đời vẫn thế, ta đầu bạc rồi còn được thấy Thăng Long, nhưng dinh thự đồ sộ ngàn xưa nay đã bị san phẳng làm lối đi, một mẫu thành cỏn con (phiến) mới xây trên nền cố cung xưa, các co gái xinh đẹp quen biết nay đã con bế con bồng, các bạn hào hiệp lúc trẻ nay đã thành các ông lão, suốt đêm thao thức không ngủ được, văng vẳng nghe tiếng sáo giữa đêm thanh vắng.

Tạm dịch:

Còn đây núi Tản với sông Hồng

Bạc đầu còn được thấy Thăng Long

Ngàn năm dinh thự trơ đường cái

Một mẫu thành con xóa cố cung

Gái đẹp từng quen đầy con cháu

Bạn trai niên thiếu đã thành ông

Suốt đêm trằn trọc không ngủ được

Tiếng sáo vi vu bong nguyệt lồng.


Thăng Long (II)


Cổ thời minh nguyệt chiếu tân thành

Đô thị Thăng Long cựu đế kinh

Cù hạng tứ khai mê cựu tích

Quản huyền nhất biến tạp tân thanh

Thiên niên phú quý cùng tranh đoạt

Tảo tuế than bằng bán tử sinh

Thế sự phù trầm hưu thán túc

Tự gia đầu bạch việc tinh tinh.


Có thể diễn nghĩa như sau: mảnh trăng sáng xưa kia rọi xuống tòa thành mới, đây vẫn là Thăng Long kinh đô của các triều vua trước; đường sá ngang dọc làm mất các dấu tích cũ, tiếng đàn sáo mới khác xưa âm thanh hỗ tạp, phú quý ngàn xưa như miếng mồi để tranh cướp, bạn bè thời trẻ nay nửa mất nửa còn, thôi cho qua đi sự đời chìm nổi, ngẫm nhìn mái tóc trên đầu đã lốm đốm bạc.

Tạm dịch thơ:

Thành mới trăng soi bóng hững hờ

Thăng Long đô cũ các triều xưa

Đường phố xóa đi bao dấu tích

Âm thanh pha tạp thực hay mơ

Phú quý ngàn năm mồi hành cướp

Bạn bè thân hữu đã lơ thơ

Sự đời chìm nổi đành nhắm mắt

Mái tóc trên đầu đã bạc phơ.


Ngoài hai bài về Thăng Long, Nguyễn Du còn có bài: Thăng Long cầm giả ca, gồm một bài phi lộ và 50 câu thơ, nói về việc sau 20 năm trở lại Thăng Long, được nghe lại tiếng đàn của một cô đàn (mà ông đã từng nghe ở nhà Nguyễn Nễ). Bài thơ nói về tâm sự là chính, chỉ có bốn câu nói về tòa thành đã thay đổi.


Thành quách suy di nhiều sự cai

Kỷ xứ tang điền biến thương hải

Tây sơn cơ nghiệp tận tiêu vong

Ca vũ không di nhất nhân tại


Tạm dịch:

Thành quách đổi người nay khác cả

Bao nương dâu giờ hóa biển xanh

Tây Sơn sự nghiệp tan tành

Mà làng ca hát một mình còn suông.


III. Hầu hết các nhà nghiên cứu về Thăng Long cho đến nay, dựa vào nhiều nguồn tư liệu, song mấy câu thơ chỉ tọa độ của thành Hà Nội so với Thăng Long cũ không được ai chú ý và xử lý thấu đáo.


Thông tin thu được từ mấy câu thơ của Nguyễn Du xác nhận thành năm 1805 là nhỏ hơn thành Thăng Long trước đó rất nhiều, Nguyễn Du không cung cấp số liệu về hai toà thành đó, nhưng câu: Nhất phiến tân thành một cố cung, chữ “phiến” ở đây hàm ý rất rõ vì trong hán tự chữ phiến là nhỏ, mỏng… khi dịch ra tiếng Việt, phiến là phiến đá, phiến là phiến diện, không đầy đủ, không hoành tráng, thường thì phải nói là tòa thành… hay một lượng từ nào đó tôn kính trang trọng cho một kinh thành. Nguyễn Du không những chê tòa thành bé cỏn con (phiến) mà còn không tôn trọng tòa thành nữa là đằng khác. Tòa thành nhỏ đó được xây lên trên nền tảng của các cung điện lầu gác kếch sù của Thăng Long xưa kia. Chúng ta biết thành xây năm 1805 là theo kiểu vô băng, trong thành chia lô để xây cất các dinh thự, giữa các khu dinh thự là đường ngang – dọc dài và rộng, chính các con đường đó được thiết kế lên khu đất các cung điện và dinht hực dã bị phá hoại của kinh thành cũ.

Từ đó có thể xác định rằng:

-  Thành xây năm 1805 nằm trên đất của Hoàng Thành Thăng Long trước thế kỉ XIX.

- Nhưng đó là một thành nhỏ hơn Hoàng thành

-  Vị trí- tọa độ của thành Hà Nội lùi về phía đông của Hoàng Thành cũ, bởi số đo phong thủy (đường chính tâm- thần đạo của thành Thăng Long và thành Hà Nội khác nhau, không trùng khớp nhau) của hai thành khác nhau.

-  Khác với chỉ định Hoàng thành Thăng Long và trục chính tâm của nó, trước đây có ý kiến chỉ định vị trí Hoàng Thành lùi về phía Ngọc Hà, và ý kiến không trùng khít thành Hà Nội lên Hoàng thành Thăng Long như đã nói ở trên, bởi cả hai ý kiến này chưa xử lý được thông tin về tọa độ hai tòa thành trong mấy câu thơ về Thăng Long của Tố Như.

 

Toàn cảnh bên trong Hoàng thành


Đến đây, chúng ta có thể đánh giá về độ chính xác cao cho tọa độ địa lý – vị trí của hai tòa thành Thăng Long và Hà Nội trong thơ của Nguyễn Du. Dù là thế, viết bằng cảm xúc mất còn, tùy thiếu số liệu đo đếm, nhưng cho chúng ta một cái nhìn tổng thể - bao quát về vị trí của các tòa thành đắp nổi theo thời gian thăng trầm của lịch sử.


Vậy thì vị trí – tọa độ chính xác của Hoàng thành Thăng Long trước thế kỉ XIX là ở đâu so với thành xây năm 1805? Vấn đề đã rõ ràng hơn bởi các thông tin được xử lý từ các nguồn khác nhau đã thu thập được. Việc làm rõ tọa độ địa lý của thành xây năm 1805 là cơ sở để xác định tọa độ và giới hạn của Hoàng Thành trước thế kỉ XIX. Với trục chính tâm của Hoàng Thành nằm giữa hai con phố Hoàng Diệu – Chu Văn An, có giới hạn bắc là quán Trấn Võ và giới hạn nam là Văn Miếu- Quốc Tử Giám; đến lượt xác định giới hạn đông- tây của Hoàng thành là không mấy khó khăn. Nếu thành Hà Nội có hình vuông: mặt bắc là đường Phan Đình Phùng, mặt nam là phố Nguyễn Thái Học, mặt đông là phố Đường Thành, mặt tây là đường Hùng Vương, thần đạo là cột cờ - cửa Bắc; thì Hoàng Thành Thăng Long có hình chữ nhật, chiều nam – bắc gần với chiều nam – bắc của thành Hà Nội, và trục chính tâm là khoảng giữa đường Hoàng Diệu và phố Chu Văn An, thì giới hạn đông cũng là Đường Thành và giới hạn tây sẽ là phố Ngọc Hà, nếu thành Hà Nội là 1,5 km² thì Hoàng thành Thăng Long sẽ là 2-2 km² ?


Nhân đây xin cung cấp một thông tin liên quan đến điện Kính Thiên và hệ thống các tòa điện chính trong Hoàng Thành trước thế kỉ XIX. Có lẽ các sứ thần của phương Bắc mang về Bắc nhiều tư liệu và bản đồ chính xác của Hoàng Thành Thăng Long nên nhiều người phương Bắc rất am hiểu vị thế các huyệt đất ở Thăng Long, người Hoa thường chọn cho mình những nơi ở đắc địa tại đây. Năm 1954 – 1955 Đại sứ quán nước CHND Trung Hoa nài cho bằng được để đặt Đại sứ quán tại khu dinh thự của Tổng đốc Hoàng Trọng Phi, tức tòa đại sứ hiện tại nằm ở lô đất góc phố Trần Phú (nam) và Hoàng Diệu (đông), mảnh đất mà chúng tôi chỉ định là khu các tòa điện chính của Hoàng Thành Thăng Long trước thế kỉ XIX, mạch đất này chạy về bắc, gặp khu khai quật khảo cổ học số 1 Hoàng Văn Thụ, 18 Hoàng Diệu sẽ là Hoàng Thành và Tử Cấm Thành Thăng Long xa xưa.


Nghiên cứu thảo luận

Tham quan ảo 3D

nguyendu.d.webcom.vn

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website