nguyendu.d.webcom.vn
Loading...

Thêm một ý kiến về thời gian sáng tác Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du


Cho đến thời điểm hiện tại, khi mà ngày lễ kỷ niệm 250 năm sinh Đại thi hào Nguyễn Du sẽ được tổ chức, vẫn còn tồn tại nhiều ý kiến khác nhau về thời gian và địa điểm ông viết Truyện Kiều, với nhiều cách tìm tòi nghiên cứu khác nhau. Với cách khảo sát thực địa, đã từng gặp hậu duệ của Đại thi hào là Tiến sĩ Nguyễn Mai (1876 - 1954), PGS Nguyễn Thạch Giang cho rằng thời gian Nguyễn Du viết Truyện Kiều là lúc ông 14-15 tuổi (theo năm dương lịch không tính tuổi mụ), quãng năm 1779-1780 [8]. Theo hướng nghiên cứu chữ húy trong Truyện Kiều, GS Nguyễn Tài Cẩn, PGS Ngô Đức Thọ, Đào Thái Tôn, Lê Thành Lân [8, 9] kết luận: Nguyễn Du sáng tác Truyện Kiều quãng thời gian từ năm 1785-1790, lúc ông 20-25 tuổi. Nhiều ý kiến khác nhau nữa cho rằng Nguyễn Du viết Truyện Kiều vào thời gian gió bụi đi lánh nạn, hoặc sau thời gian đi sứ về, sau năm 1814, lúc ông đã lớn tuổi.

Với những suy nghĩ qua các chuyện kể, tập tục trong dòng họ, quan hệ thơ văn giữa Đại thi hào với văn sĩ Trường Lưu và các ý kiến khác về thời gian sáng tác Truyện Kiều…, báo cáo góp thêm một ý kiến về khả năng Nguyễn Du sáng tác Truyện Kiều quãng từ năm 1781 tới 1783, lúc ông 16 tới 18 tuổi, tại Tiên Điền -  Trường Lưu.

Báo cáo tóm lược những ý kiến đã giới thiệu của chúng tôi từ năm 1985 tới nay [1 - 6] , cũng là theo gợi ý của GS Hoàng Xuân Hãn “Cần chú ý đến những tục truyền…xung quanh người Nguyễn Du, về làng nước bạn bè…” [7], qua một số tư liệu kể cả giai thoại, truyền ngôn, ít nhiều liên quan đến Nguyễn Du và các văn sĩ giữa hai dòng họ Nguyễn ở Tiên Điền và Trường Lưu. 

Vấn đề liên quan.

Vào những năm cuối của thập niên 80 thế kỷ trước, trong những lần tiếp xúc với PGS Nguyễn Thạch Giang, và cũng là theo sự gợi ý của ông, chúng tôi đã có bài viết đăng ở Tạp chí Hán Nôm [1] số 2, năm 1990. Thời đó có ba ý kiến về các bài thơ Văn tế sống hai cô gái Trường Lưu Thác lời gái phường vải của Nguyễn Du và bài Thác lời trai phường nón của Nguyễn Huy Quýnh. Cụ Trương Chính cho là câu chuyện hát ví của Nguyễn Du không có và chỉ là thơ văn; Hoàng Hữu Yên và Nguyễn Lộc cho rằng câu chuyện hát ví là có thực và ba bài trên được làm khi Nguyễn Du đã lớn tuổi và GS Hoàng Xuân Hãn cũng cho rằng câu chuyện hát ví là có thực và khác ở chỗ Nguyễn Du làm các bài trên lúc còn trẻ.

Qua phân tích các câu thơ, các câu chuyện truyền ngôn, chúng tôi cho rằng câu chuyện Nguyễn Du thường qua lại Trường Lưu tham gia hát ví là có thực, khác biệt ở chỗ là bài Thác lời trai phường nón được sáng tác lúc ông còn trẻ quãng năm 1780-1783, còn bài Văn tế sống Trường Lưu nhị nữ được sáng tác mãi mười mấy năm sau, lúc ông đã lớn tuổi.

Những phân tích, suy nghĩ đó vẫn còn có ý nghĩa để tìm hiểu về thời gian sáng tác Truyện Kiều của Đại thi hào.

Một số chuyện kể về Nguyễn Du với Trường Lưu.

1. Chuyện kể rằng, sau khi bài Văn tế sống Trường Lưu nhị nữ, được truyền tụng, thanh niên làng Trường Lưu dọa và hẹn nhau rằng, nếu Nguyễn Du còn đến Trường Lưu thì sẽ đón đánh, vì trong bài văn có câu:

Trai trong làng rình bốn mặt chan chan,

Chó hàng xóm sủa năm canh xa xả.

Cụ đã đưa trai đối với chó, gây sự bất bình, nhưng rồi sau này khi:

Tiếng tăm ta cũng rửa sạch như đá,

 thì việc gây sự của trai làng cũng không còn.

2. Nhiều người ở Trường Lưu như Nguyễn Huy Lạp (đã mất năm 1993), ông Vinh Lạc (Nguyễn Huy Lạc, thuộc dòng Nguyễn Huy Cự, đã mất năm 2012)… là những người có học chữ Hán và biết nhiều thơ văn trong dòng họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu (NHTL), thường kể rằng, lúc Nguyễn Du làm xong Truyện Kiều, đã đưa lên cho các văn sĩ Trường Lưu xem và Nguyễn Huy Tự đã xem kỹ và khuyên lại  bằng son đỏ. Một số người đã từng thấy quyển sách này từ lâu.

3. Cũng ông Lạc thường kể về tính cách ngang tàng và giỏi thơ văn của Nguyễn Huy Hào, Nguyễn Huy Lạng… và ông luôn nói Cụ Tiên Lữ (chỉ Nguyễn Huy Hào- vì năm 1802 ông tụ tập thân binh đi đón vua Gia Long và được vua cho làm Tri huyện huyện Tiên Lữ) chơi rất thân với Nguyễn Du và là người có tham gia làm đoạn Hậu Kim Trọng (đoạn trong Truyện Kiều từ sau khi Thúy Kiều trầm mình xuống sông Tiền Đường) với Nguyễn Du. Nguyễn Huy Lạng là con thứ 3 của Nguyễn Huy Oánh, chưa rõ năm mất và năm sinh, chỉ biết ông đỗ Hương cống năm 1783 khoa Quý Mão (cùng khoa thi Nguyễn Du dự thi Hương ở Sơn Nam), sau dự thi Hội, trúng Tam trường, nên thường gọi là Hầu Tam tràng, làm quan với chức Tự thừa Thái thường tự, cũng là người ngang tàng phóng khoáng, theo lời kể cũng chơi khá thân với Nguyễn Du.

Các ông cũng thường kể tới con cháu những người mà Nguyễn Du đã làm văn tế (con cháu hai cô gái hát phường vải: O Uy và O Sạ), cũng như tên người đàn ông lấy áo trùm đầu trong câu văn ở bài Văn tế sống Trường Lưu nhị nữ.

Cũng qua các câu chuyện kể về Nguyễn Du với Trường Lưu, mà trong các cuộc trình diễn về Ví giặm Nghệ Tĩnh, thường lấy câu chuyện Nguyễn Du tới Trường Lưu tham gia hát phường vải?

Về đường Nguyễn Du thường tới Trường Lưu.

Ngày nay từ Tiên Điền để tới Trường Lưu, ta thường đi từ Tiên Điền tới Thị trấn Gia Lách, rồi theo đường quốc lộ 1A tới Thị xã Hồng Lĩnh theo đường Phan Kính, qua xã Song Lộc rồi tới Trường Lưu. Thời xưa, thường đi theo đường khác, từ Tiên Điền theo Truông Hôống rồi qua Thị xã Hồng Lĩnh, ngang qua đền Bùi Cầm Hổ, qua Đò Cài, qua xã Thanh Lộc rồi vượt núi Nhạc Sạc bằng cách trèo qua Eo Cao hoặc Eo Thấp, dọc theo sườn núi Phượng Lĩnh, tới trung tâm làng Trường Lưu. Các địa danh Truông Hôống, Đò Cài thường được nhắc đến trong thơ văn đối đáp:

Hồng Sơn cao ngất mấy tầng,

Đò Cài mấy trượng thì lòng bấy nhiêu

hay

Trông theo Truông Hôống, Đò Cài biết đâu

hay

Đường Cửa Trẹm mỗi ngày một ngái

hay

Lên Chùa Giằng toan tu với sư Viên.

Ngày nay, Đò Cài đã có cầu, nhưng ít ai đi bộ theo đường mà thời xưa từng ghi dấu chân thi nhân. Cũng chưa rõ Nguyễn Du và con em quan họ qua lại giữa Trường Lưu và Tiên Điền bằng ngựa, võng hay đi bộ… nếu đi bộ với quãng đường này chắc phải mất gần hơn nửa ngày.

Phải là người hiểu rõ và đi lại nhiều lần ở vùng này mới đưa các từ, chữ trên vào thơ văn. Ở đây muốn nhấn mạnh ý kiến là qua một số chuyện kể và cách Nguyễn Du thể hiện tên địa phương trong thơ văn để rõ việc Nguyễn Du từng tới Trường Lưu nhiều lần.

Những quãng thời gian Nguyễn Du có thể qua lại Trường Lưu.

Lược qua tiểu sử Nguyễn Du ta thấy quãng thời gian mà ông có thể qua lại Trường Lưu là: Sau khi Nguyễn Nghiễm về trí sĩ năm 1770, lúc đó Nguyễn Du đã hơn 5 tuổi (ở đây tính theo năm dương lịch). Hai năm sau đó Nguyễn Du mới gần 7 tuổi, khi Nguyễn Nghiễm khởi phục từ năm 1772, không rõ bà Tần cùng các con ở quê hay ra kinh thành sinh sống? Khả năng lớn là khi ra khởi phục, các cụ không đưa toàn gia quyến ra kinh thành vì thường chưa rõ thời gian trở lại làm việc là bao lâu. Nguyễn Du lúc này đã 7 tuổi, trước đấy chắc Nguyễn Nghiễm hoặc người nhà, đã dạy Nguyễn Du học, vì thời bấy giờ trước kỳ thi Hương các cụ thường học ở nhà, từ lúc 5, 6 tuổi. Năm 1774-1775 Nguyễn Nghiễm cùng nhiều người trong gia tộc tham gia cuộc Nam chinh cho tới khi ông ốm nặng và mất ở quê. Nguyễn Nghiễm mất năm 1775 và an táng ở quê nhà, và hai năm (1775-1777) kế tiếp chắc chắn Nguyễn Du chịu tang cha ở Tiên Điền.  Tháng Tám năm 1778, bà Trần Thị Tần mất, trước đó một năm anh Nguyễn Du là Nguyễn Trụ (cũng con bà Tần) mất, Nguyễn Du chắc cũng chịu tang mẹ cũng 2 năm theo lệ thời bấy giờ: 1778-1780. Như vậy ở giai đoạn này từ 1770 tới 1780, Nguyễn Du ở Tiên Điền quê nhà, nhất là các năm 1775-1780, và vì có tang nên ít có điều kiện đi xa, giao lưu, chơi bời... Từ cuối năm 1780, lúc đã mãn tang mẹ, Nguyễn Du mới có điều kiện tham gia các hoạt động văn hóa vui chơi, giao lưu cùng mọi người cho tới năm 1783, ra dự kỳ thi Hương ở Sơn Nam và nhận chức kế tập của cha nuôi. Năm 1786-1789 về quê vợ, cuối năm 1793 mới về lại Tiên Điền, sau đó năm 1794 Nguyễn Du trốn vào Gia Định không thành nên phải về ở quê cho tới năm 1802, khi vua Gia Long ra Bắc, Ông được triệu ra làm quan. Trong thời gian làm quan với triều Nguyễn, Nguyễn Du có về quê chăng cũng ít thời gian, Nguyễn Huy Vinh viết “Nhớ ngày trước chàng là Trường Lưu hiệp khách, Nay là bậc quý cách Trường An”.

Quãng thời gian Nguyễn Du ở Tiên Điền lâu và có thể dành nhiều thời gian để qua lại với Trường Lưu có thể là vào quãng các năm từ 1775-1783 và 1796-1802. Đặc biệt các năm 1781-1783, là thời gian Nguyễn Du  có thể tham gia các lễ hội như Hát phường vải ở Trường Lưu “đêm đêm thường hát ví xôn xao, hai năm được mấy lần chung chạ“ Vào quãng thời gian này Trường Lưu là làng khá nổi tiếng về các hoạt động văn hóa, thu hút nhiều người đến. Còn các năm 1796 tới 1802, ông ở quê nhà, nhưng trong cảnh anh em ly tán, điều kiện giao lưu gặp gỡ vui chơi ít hơn nhiều.

Thật vậy, quãng những năm mà Nguyễn Du, có thể qua lại nhiều ở Trường Lưu từ 1770-1783, đặc biệt từ 1781-1783, ở Trường Lưu, ta thấy ngoài Nguyễn Huy Oánh, còn có Nguyễn Huy Tự (về chịu tang mẹ vợ và ở lại quê nhà), Nguyễn Huy Quýnh (về chịu tang mẹ là bà Trần Thị Cung), bà Nguyễn Thị Đài là cháu của Nguyễn Du, lại là người giỏi thơ văn từ năm 1781 cũng về Trường Lưu, lại có nhiều người trong họ NHTL tham gia học tập để thi cử (khoa năm Quý Mão-1783 có nhiều người họ NHTL cùng đỗ Hương cống như Giải nguyên Nguyễn Huy Phó, Nguyễn Huy Tá, Nguyễn Huy Lạng..), như vậy môi trường đọc sách và rèn luyện thi cử ở Trường Lưu, các cuộc thi thử do Phúc Giang thư viện tổ chức với các mảnh đất còn lại đến bây giờ như Cồn Đề, Cồn Bảng, Cồn Yết.. chắc rất lôi cuốn Nguyễn Du. Đây là môi trường tốt cho việc sáng tác và học hành, đặc biệt các chuyện tình cảm của lứa tuổi thanh niên như hát phường vải, hội làng, hát phường chèo…

Với các hoạt động văn hóa như Phường chèo, hát phường vải, Nguyễn Du đã qua lại hai năm được mấy lần chung chạ, đó là những năm 1781-1783, rồi bẵng đi một quãng thời gian dài, người xưa đã lên mụ nọ mụ kia, các tiếng tăm về những chuyện xưa cũng đã sạch như đá, Nguyễn Du lại về Trường Lưu, đó là những năm 1796-1802, lúc này Nguyễn Huy Tự đã mất, là những lúc Đại thi hào cũng qua lại Trường Lưu khá nhiều. Đây là thời gian gần như bị triều Tây Sơn theo dõi nên Nguyễn Du có thể dành cho việc sáng tác và thăm viếng các nơi. Đây chính là giai đoạn mà Ông viết bài Văn tế sống Trường Lưu nhị nữ. Sau này với công việc quan trường, đi sứ…Nguyễn Du có về Trường Lưu, có lẽ cũng ngắn ngày mà thôi, không được như vào hai quãng thời gian trên [4].

Với một số ý kiến khác về thời gian sáng tác Truyện Kiều.

Có nhiều kiến giải về thời gian Đại thi hào sáng tác Truyện Kiều, ở phần này trình bày một số ý kiến về các lập luận này:     

- Có ý kiến cho rằng Nguyễn Du sau khi bố mất ở với Nguyễn Khản ở kinh thành; Trong các gia đình thường ít khi các cụ để các bà thiếp ở với con trai lớn để tránh ..., sau lúc Nguyễn Nghiễm mất chắc bà Trần Thị Tần (1740-1778) ở quê chồng nuôi các con, bà Tần kém Nguyễn Nghiễm 32 tuổi và ít tuổi hơn các con của Nguyễn Nghiễm như Nguyễn Khản, Nguyễn Điểu...;

- Theo một trong gợi ý về văn bản và về chữ húy, GS Nguyễn Tài Cẩn, PGS Ngô Đức Thọ, Đào Thái Tôn, Lê Thành Lân [2] kết luận: Nguyễn Du sáng tác Truyện Kiều quãng thời gian từ năm 1785-1790, lúc ông 20-25 tuổi; Quãng thời gian này có quá nhiều biến động để Nguyễn Du yên tâm với sáng tác. Năm 1786 Tây Sơn ra Bắc, Nguyễn Khản và Nguyễn Điều tham gia chống và đều mất. Nhiều người trong lứa tuổi Nguyễn Du ở Trường Lưu và Tiên Điền đều cách này hay cách khác tham gia chống Tây Sơn, ít có thời gian đàm đạo, giao lưu, và Nguyễn Du cũng không ngoại lệ. Nếu theo chữ húy và với mốc thời gian trên nên lùi lại trước năm 1786?; Hơn nữa các bản mà các ông khảo sát không phải là nguyên bản của Nguyễn Du.

- Trước khi GS Hoàng Xuân Hãn gợi ý, từ năm 1953, Nguyễn Thạch Giang đã về Tiên Điền khảo sát và đã từng gặp cụ nghè Nguyễn Mai, năm 1960-1961 ông cũng về Trường Lưu và gặp khá nhiều người họ Nguyễn Huy như Nguyễn Huy Tường (1887-1967)..., sau 2 đợt khảo sát này, ông có 2 ý kiến, có thể Nguyễn Du sau khi đọc Truyện Kiều của Thanh Tâm Tài nhân ở Trường Lưu, là sách Nguyễn Huy Oánh mang về từ chuyến đi sứ năm 1766-1767 và đã sáng tác Truyện Kiều lúc ông khoảng 14, 15 tuổi, tức năm 1779-1780. Rất tiếc là sau này Nguyễn Thạch Giang không nghiên cứu theo hướng này tiếp và ông cũng về Tiên Điền -Trường Lưu có 2 lần đấy thôi [4], trong tài liệu [3] này Lê Thành Lân ghi “thậm chí còn có người cho rằng vào năm Cụ 14, 15 tuổi, tức là vào khoảng 1780. Tất nhiên ý kiến này hầu như chẳng thuyết phục được ai”; Năm Nguyễn Du 14, 15 tuổi tức là quãng năm 1779 và 1780 (theo tuổi dương lịch), lúc này ông đang cư tang mẹ và chắc là ít đi xa. Nên chăng lùi lại khoảng vài năm sau?;

- Nếu Truyện Kiều được sáng tác quãng từ năm 1781 đến 1783, lúc Nguyễn Du 16-18 tuổi, có người cho rằng Nguyễn Du lúc đó quá trẻ (vì Truyện Kiều là tiếng răn đời) để viết Truyện Kiều, điều này hoàn toàn đúng với điều kiện thời gian hiện tại thì một học sinh lớp 8, 9 khó có thể viết được một tập thơ như vậy. Cũng như, hiện nay khó có người mới 11, 15 tuổi đã là Thạc sĩ, Tiến sĩ? Nhưng với thời xưa có thể hoàn toàn khác, Nguyễn Hiền (1235-?), người xã Dương A huyện Thượng Hiền, nay là thôn Dương A, xã Nam Thắng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, 13 tuổi đỗ Trạng nguyên, khoa thi Thái học sinh năm Đinh Mùi niên hiệu Thuận Ứng Chính Bình thứ 16 (1247) đời Trần Thái Tông. Thời Hồng Đức có Nguyễn Nhân Thiếp (1452-?), người xã Kim Đôi, huyện Vũ Ninh, nay là thôn Kim Đôi xã Kim Chân, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, 15 tuổi đỗ Hoàng giáp, khoa Bính Tuất niên hiệu Quang Thuận thứ 7 (1466) đời Lê Thánh Tông, và ngay ở Tiên Điền, Nguyễn Khản (1734-1786), 11 tuổi đã dự thi  và 12 tuổi đỗ Tam trường thi Hương (Tú tài). Ở Trường Lưu, Nguyễn Huy Cự (1717-1785) 12 tuổi đỗ Tam trường thi Hương, con ông là Nguyễn Huy Dật 10 cũng tuổi đỗ Tam trường thi Hương (Tú tài). Mà các cụ thời xưa để đi thi Hương thì đã thông thạo kinh nghĩa, thơ, phú v.v. Hiện còn lưu lại bài thơ Nguyễn Huy Vinh (1770-1819) làm lúc ông mới 9 tuổi. Ngày nay nói ai đó 13, 14 đỗ Tú tài, Cử nhân, 14, 15 tuổi đỗ Thạc sĩ, Tiến sĩ thì thực là khó tin.

Về thời gian sáng tác Truyện Kiều.

Ngoài các chuyện kể về quan hệ của Nguyễn Du với làng Trường Lưu và với con em họ NHTl và các bài thơ như Thác lời trai phường nón, Thác lời gái phường vải, Văn tế sống Trường Lưu nhị nữ còn thư Ký Tố Như tử dữ Bá Hưng và bài Nghĩ cổ „Trường tương tư „ trình Tố Như công của Nguyễn Huy Vinh là các nhiều tư liệu cho biết rõ thêm về quan hệ của Nguyễn Du với các văn sĩ Trường Lưu, đặc biệt 2 bài đầu theo thể lục bát.

Với các sách vở mà Nguyễn Huy Oánh đã mang về từ dịp đi sứ năm 1766-1767, chắc là nguồn tư liệu quý cho Nguyễn Du và nhiều người khác. Nhất là tác phẩm Phụng sứ Yên Đài tổng ca, là tập thơ lục bát bằng chữ Hán của Nguyễn Huy Oánh. Cũng như Nguyễn Huy Tự đã đọc Truyện Hoa Tiên do cha mình mang về, và cũng chịu ảnh hưởng từ việc làm thơ lục bát của cha mình, để viết Truyện Hoa tiên, Nguyễn Du cũng đọc Kim Vân Kiều Truyện và chịu ảnh hưởng làm thơ lục bát của Nguyễn Huy Oánh để sáng tác Truyện Kiều.

Và chắc cũng như Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Du sáng tác Truyện Kiều khi còn trẻ, vì sau này Nguyễn Huy Tự thường dặn Nguyễn Huy Vinh là, xưa ta đọc lầm làm di hại đến tính tình, anh cùng con cháu thì chớ nên, lúc dặn con điều này, Nguyễn Huy Tự mới xấp xỉ 40 tuổi. Các cụ coi Truyện Hoa Tiên, Truyện Kiều là truyện phong tình, lúc còn trẻ.

Đặc biệt với tập sách Phụng sứ Yên Đài tổng ca là tập thơ lục bát chữ Hán về đi sứ được Nguyễn Huy Oánh cho khắc in (hiện còn cả bản chép tay và bản in ở Thư viện Quốc gia-bản in ký hiệu R. 1375 và Thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm ký hiệu A 373), mà theo nhận xét của nhiều nhà nghiên cứu là có ảnh hưởng lớn đến sự ra đời của Truyện KiềuĐiều đặc sắc khác của tập sách là sử dụng chữ Hán trong sáng tác thơ lục bát. Nói đến thơ Lục bát là nói đến một sản phẩm văn hoá tinh thần độc đáo của dân tộc Việt, bởi  nó thường được sử dụng để sáng tác bằng tiếng Việt, xưa kia được ghi bằng chữ Nôm, sau này dùng chữ Quốc ngữ, nhưng đều là những thứ văn tự ghi chép ngôn ngữ Việt. Nhờ đó mà đã có không ít tác gia người Việt trở thành nổi tiếng với những tác phẩm thơ lục bát mà tiêu biểu nhất là Nguyễn Du với kiệt tác Truyện Kiều ‘’, Lời giới thiệu sách Phụng Sứ Yên đài tổng ca của Nguyễn Huy Oánh, của PGS TS Đinh Khắc Thuân [10].

Kết luận.

Đại thi hào Nguyễn Du (1766-1820) lúc còn trẻ, khoảng những năm 1780- 1783, nhiều lần tới Trường Lưu, nơi ông thường “đêm đêm thường hát ví xôn xao” với quãng thời gian “hai năm được mấy lần chung chạ”. Tới khi đã luống tuổi, Ông vẫn thường “viếng cảnh cũ” nơi người xưa đã “mụ nọ mụ kia” và “tiếng tăm” của thi nhân “cũng sạch như đá”.

Vào quãng năm 1781-1783, lúc Đại thi hào 16-18 tuổi (tính tuổi theo dương lịch) là thời gian Nguyễn Du luyện tập thơ văn để chuẩn bị dự thi sau tang cha và tang mẹ, mà Trường học Phúc Giang là nơi mà ông, ngoài tham gia hát ví, thực hiện việc học hành thi cử của mình là nơi ông có thể vừa học hành vừa giao lưu văn hóa vừa sáng tác thơ văn.

Kể từ khi GS Hoàng Xuân Hãn, GS Đào Duy Anh về khảo sát ở Trường Lưu và giới thiệu về Nguyễn Huy Tự cùng truyện Hoa Tiên từ năm 1943, mãi tới 50 năm sau, 1993, Hoa Tiên nguyên tác của Nguyễn Huy Tự mới được công bố. Cho tới nay vẫ chưa có được nguyên tác Truyện Kiều của Nguyễn Du, và thời gian ông viết Truyên Kiều vẫn là câu hỏi lớn.

Với những suy nghĩ qua các chuyện kể, tập tục trong dòng họ, quan hệ thơ văn giữa Đại thi hào với văn sĩ Trường Lưu và các ý kiến khác về thời gian sáng tác Truyện Kiều…, bài viết nêu một vài suy nghĩ về khả năng Nguyễn Du sáng tác Truyện Kiều quãng từ năm 1781 tới 1783, lúc ông 16 tới 18 tuổi, tại Tiên Điền Trường Lưu, mong được sự trao đổi của bạn đọc.

Tài liệu tham khảo

  1. 1. Nguyễn Thạch Giang, Nguyễn Huy Mỹ, Một số ý kiến về hai bài thơ “Văn tế sống hai cô gái Trường Lưu, Thác lời gái phường vải” của Nguyễn Du và bài “Thác lời trai phường nón” của Nguyễn Huy Quýnh. Kỷ yếu Hội thảo khoa học, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, 1985-1986, tr.3. In toàn văn trong Tạp chí Hán Nôm, số 2 năm 1990, tr. 63-69.
  2.  
  3. 2. Nguyễn Huy Mỹ, Giao lưu văn hóa giữa hai họ Nguyễn Tiên Điền và Nguyễn Trường Lưu, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Đại thi hào Nguyễn Du – Danh Nhân văn hóa 1765-2005, Hà Nội, ngày 1 tháng 12 năm 2005.
  4.  
  5. 3. Nguyễn Huy Mỹ, Về hai người con gái của Nguyễn Khản, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học “Đại thi hào Nguyễn Du và các danh nhân dòng họ Nguyễn Tiên Điền với Thăng Long – Hà Nội”, NXB VHTT, Hà Nội năm 2011, tr.362-374.
  6.  
  7. 4. Nguyễn Huy Mỹ, Nguyễn Du với làng Trường Lưu, Kỷ yếu Hội thảo Dòng chảy văn hóa xứ Nghệ từ Truyện Kiều đến phong trào thơ mới, NXB Văn học, 2012, tr. 29-33.
  8.  
  9. 5. Nguyễn Huy Mỹ, Về quan hệ giữa hai họ Nguyễn Tiên Điền và Trường Lưu, Kỷ yếu Hội thảo Đại thi hào Nguyễn Du và không gian văn hóa Hồng Lam, Trường Đại học KHXHNV, ĐHQGHN, tr.28.
  10.  
  11. Nguyễn Huy Mỹ, Một vài suy nghĩ về thời gian sáng tác Truyện Kiều của Nguyễn Du, Bài gửi Hội thảo Khoa học Ngữ văn năm 2014 “Nghiên cứu văn học từ hướng tiếp cận văn hóa”, Hà Nội, 29 tháng 1 năm 2015.
  12.  
  13. 6. Hoàng Xuân Hãn, Học giả Hoàng Xuân Hãn nói về Truyện Kiều, in trong cuốn Đào Thái Tôn: Văn bản Truyện Kiều-Nghiên cứu và thảo luận, Ban quản lý di tích Nguyễn Du, Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây trang 243-274.
  14.  
  15. 7. Lê Thành Lân, Một chặng đường nghiên văn bản truyện Kiều, Kỷ yếu Hội nghị khoa học mừng GS Nguyễn Tài Cẩn 80 tuổi xuân, tp. HCM, ngày 17.12.2005, trang 87-95.
  16.  
  17. Lê Thành Lân, Văn bản Truyện Kiều bản kinh và bản phường, Tạp chí Khoa học và Tổ quốc, số 3+4 năm 2005, trang 10-15.
  18. 8. Nguyễn Huy Oánh, Phụng sứ Yên Đài tổng ca, NXB KHXH, Hà Nội, 2014, 416 tr.

Nguyễn Huy Mỹ

Tham luận dự Hội thảo Quốc tế

"Đại thi hào dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du- Di sản và các giá trị xuyên thời đại"


Nghiên cứu thảo luận

Tham quan ảo 3D

nguyendu.d.webcom.vn

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website