LOẠI HÌNH NGÔN NGỮ THƠ CA TRUYỆN KIỀU TỪ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU - ĐI TÌM MỘT VÀI ĐẶC ĐIỂM CÓ TÍNH CHẤT LOẠI HÌNH CỦA NGÔN NGỮ THƠ CA TRUYỆN KIỀU.
Loại hình học văn học có một đối tượng rộng lớn trên phạm vi toàn thế giới bao gồm các nền văn học dân tộc đông tây kim cổ. Tuy nhiên, cần lưu ý đến những mảnh đất còn ít được khai phá vì "nhiều nền văn học phương Đông và thậm chí nhiều khu vực như Đông Nam Á chưa được nghiên cứu một cách đầy đủ".
Với tư cách là một nền văn học dân tộc của vùng Đông Nam Á, lịch sử văn học Việt Nam sẽ là một « mẫu» đóng góp vào việc nghiên cứu lịch sử văn học toàn nhân loại. Từ vị trí ý nghĩa của một khu vực văn học, một nền văn học dân tộc, chúng tôi hướng về đề tài : nghiên cứu những đặc điểm có tính chất loại hình của một tác giả văn học và trong bài báo này, chúng tôi giới hạn ở việc trình bày một vài đặc điểm có tính chất loại hình trong ngôn ngữ thơ ca tác phẩm Truyện Kiều.
1.Về vị trí ngôn ngữ dân tộc ,ngôn ngữ nôm trong kiệt tác của Nguyễn Du.
Theo Vik-to-ria Yar-tse-va , giới ngôn ngữ học Xô-viết hiện đại đặc biệt quan tâm đến mối quan hệ giữa khái niệm ngôn ngữ dân tộc và ngôn ngữ văn học dân tộc (với tư cách là ngôn ngữ văn bản viết). Trong quá trình xây dựng một quốc gia sự hình thành và phát triển của ngôn ngữ văn học dân tộc là một bước hoàn chỉnh lịch sử của dân tộc đó. Các nhà nghiên cứu đặc biệt chú ý đến thực tiễn «trong nhiều xứ sở, văn học hình thành ở một hệ thống chuẩn tắc duy nhất của ngôn ngữ văn học, có hiện tượng song ngữ (nói hai thứ tiếng, tiếng nước ngoài và tiếng mẹ đẻ), song ngữ rất phổ biến ở châu Âu trung đại "
Với văn học trung đại Việt Nam và Truyện Kiều của Nguyễn Du, chúng ta đã có thể thấy vấn đề vị trí của ngôn ngữ dân tộc, chữ Nôm trong mối quan hệ với ngôn ngữ Hán. Trên cơ sở những tiền đề xã hội và văn hóa nhất định, ngôn ngữ dân tộc, trong thời gian đầu, chưa giữ địa vị chính thống trong văn bản viết nói chung và trong văn bản viết văn học nói riêng. Nhưng từ Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi đến sáng tác của Nguyễn Du và những người đồng thời với Nguyễn Du, chúng ta đã thấy rõ một quả trình và những giai đoạn đặc biệt cho sự phát triển ngôn ngữ văn học dân tộc. Với Truyện Kiêu, chúng ta có thể nói rằng những câu thơ hay nhất của Nguyễn Du là những câu thơ thuần Nôm, những đoạn thơ hay nhất là những đoạn thơ ngôn ngữ dân tộc giữ vị trí ý nghĩa lớn.
Như trên đã nói, ở thời kỳ đầu xây dựng quốc gia phong kiến, ngôn ngữ Nôm chưa có địa vị chính thống trong ngôn ngữ viết. Nhưng khác với một số các dân tộc khác ở thời kỳ trung, cận và cả hiện đại—ở Việt Nam trung đại — cũng như ở Nhật Bản trung đại — ngôn ngữ vay mượn nước ngoài không có vị trí trong ngôn ngữ nói, không hành chức giao tiếp hàng ngày mà là ngôn ngữ của văn bản viết và ngược lại, ngôn ngữ Nôm giữ vị trí của văn bản nói mà không có địa vị chính thống trong văn bản viết.
Nhưng, như chúng ta đã biết, ngôn ngữ Hán đã không bao giờ có thể hoàn chỉnh địa vị của nó, Và ngay ở văn bản viết, mặc dầu đã tiến đến những tác phẩm văn xuôi dài hơn kiểu Hoàng Lê nhất thống chí, đã từng sản sinh ra Ức trai thi tập của Nguyễn Trãi, Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn, thơ chữ Hán Nguyễn Du, nó sẽ đi theo một quá trình tàn lụi tất yếu trong trường kỳ lịch sử ngôn ngữ văn học dân tộc Việt Nam.
Và ngược lại, ngôn ngữ dân tộc đã phát triển thực hiện vị trí phải có của nó .Trong quá trình đó, những trường hợp mở đường như Nguyễn Trãi và kết tinh đỉnh cao ngôn ngữ như Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du — là những cái mốc đặc biệt .Và chính từ ở đây, người ta sẽ thấy nảy sinh một vấn đề đặc sắc, vấn đề mối quan hệ giữa ngôn ngữ đời sống và ngôn ngữ văn học mà chúng tôi sẽ trình bày ở điểm thứ hai trong phần này. Ở đây chúng tôi chỉ muốn nêu lên vấn đề ngôn ngữ dân tộc đã hoàn chỉnh vận mệnh của nó đồng thời góp phần hoàn chỉnh một thời đại lịch sử của dân tộc. Với Nguyễn Du và văn học thế kỷ thứ XVIII, ngôn ngữ dân tộc đã làm tròn sứ mệnh đẹp đẽ của nó với tư cách là công cụ hàng đầu của những «thông điệp thẩm mỹ». Đó là một ngôn ngữ về căn bản có tính chất hiện đại. Nó là hệ quả của một quá trình đấu tranh trên mọi lĩnh vực chính trị xã hội văn hóa của một dân tộc. Măt khác, nó là một minh chứng làm sáng tỏ mối quan hệ giữa nội dung và hình thức trong tác phẩm văn học trung đại. Chức năng chính thống (chức năng tôn giáo và " chức năng chính trị" đã được khu biệt với chức năng thẩm mỹ của văn học hình tượng. Văn học không còn giữ vị trí làm sáng tỏ chân lý thần quyền, sáng tỏ chân lý cường quyền (văn dĩ tải đạo) nên ngôn ngữ công cụ phải dần dần thoát ly nguyên tắc và khuynh hướng "trang nhã, cao quý " như Luận ngữ đã nói về phong cách ngôn ngữ của Khổng Tử: "Tử sở nhã ngôn, Thi Thư chấp lễ giai nhã ngôn dấ " và trong trường hợp các nhà thơ Việt Nam thời trung đại, thứ ngôn ngữ trang trọng, thanh nhã kia chính là ngôn ngữ Hán và phong cách ngôn ngữ văn học Trung Quốc. Khi bước đến ngưỡng cửa học đường phong kiến họ đã bị choáng ngợp bởi Sở từ, Hán phú, Đường thi, Tống từ , Minh Thanh truyện... và bị nhồi sọ bởi tư tưởng sùng thượng, sùng ngoại. Và quá trình dân chủ hóa nội dung cũng như hình thức tác phẩm văn học —; một quy luật phát triển để chuyển hóa từ văn học trung đại sang văn học cận, hiện đại — ở-đây đã được gắn bó hữu cơ với quá trình dân tộc hóa. Hiện tượng này không chỉ đóng góp vào việc nghiên cứu quá trình chuyển biến của văn học từ chức năng chính thống sang chức năng nghệ thuật. Nó còn đóng góp vào việc nghiên cứu hiện tượng song ngữ xung quanh sự hình thành và xây dựng các quốc gia trung đại. Nó có thể nói lên " một cái gì đó » tương đồng và khác biệt của vị trí trung tâm cổ đại Hy-lạp đối với châu Âu và vị trí " trung tâm Hoa Hạ» của Trung Quốc đối với một số nước như Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên trên các phương diện lịch sử, xã hội, văn hóa, văn học và ngôn ngữ .
2. Bên cạnh vấn đề chữ Nôm, vấn đề vị trí của ngôn ngữ đời sống, của thành phần hàng ngày trong quan hệ với ngôn ngữ thành phần sách vở trong Truyện Kiều, cũng có ý nghĩa đặc biệt thể hiện sự phát triển văn học trung đại Việt Nam. Do quan điểm « văn dĩ tải đạo» mà đây là cái đạo của tiên thánh như trên đã trình bày, sùng cổ và sùng thưởng trong phong cách ngôn ngữ văn học gắn liền với sùng ngoại. Tìm nguồn thi liệu từ văn học Trung Quốc trở thành một khuynh hướng phong cách ngôn ngữ văn học khá đậm nét. Ngay trong đời sống hàng ngày « nói nôm » và « nói chữ » cũng là những cặp phạm trù, và tất yếu sẽ nảy sinh trận tuyến—Ngôn ngữ đời sống hoặc trực tiếp hoặc qua ngọn nguồn phong cách ngôn ngữ văn học dân gian—đã đi vào văn học viết— cũng với Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du và nhiều tác giả khác. Từ vựng và cú pháp, văn phong, kể cả văn phong thông tục của ngôn ngữ đời sống đã góp phần quan trọng trong việc biến hóa «thể loại trữ tình" sang «thể loại kịch» của ca dao như:
Chuột chù chê khỉ rằng hôi,
Khỉ mới trả lời : " Cả họ mày thơm! "
... Bồng bống bông
Một đàn vợ lính trảy ra thăm chồng .
Khi đi gánh gánh gồng gồng
Tới nơi thăm chồng bảy chị còn ba !
Ai về nhắn nhủ mi ra,
Mà mi kể lể con cà con kê,
Muốn sống thì đem nhau về,
Việc quan anh chịu một bề cho xong
Củi mục bà để trong rương.
Hễ ai sờ đến- "Trầm hương của bà !
cũng đã góp phần tạo nên nhiều đặc sắc trong phong cách ngôn ngữ thơ ca trung đại Việt Nam.
Với Truyện Kiều và thơ Xuân Hương khẩu ngữ giữ một vị trí đặc biệt lớn lao trước hết ở liều lượng sử dụng và sau đó, ở thành tựu nghệ thuật tuyệt diệu, kỳ lạ của những lời ăn tiếng nói tươi mát, góc cạnh, nóng hồi cuộc sống thường ngày như bài thơ Mời trầu, hệ thống các bài Riễu học trò của Hồ Xuân Hương và những câu Kiều mà chúng ta có thể kể ra trên rất nhiều trang giấy.
Trong quá trình dân chủ hóa ngôn ngữ, văn học một số nước châu Âu đã tìm thấy sức sống từ thành phần hàng ngày của ngôn ngữ nông dân và của ngôn ngữ thị dân, của cả ngôn ngữ thân mật trong giới quý tộc mà theo Ji-mun-ski tiếng nói của hai tầng lớp này có tính chất liên vùng hơn tiếng nói của nông dân (6). Ở trường hợp Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương, ngôn ngữ đời sống chủ yếu là ngôn ngữ dân gian, ngôn ngữ nông dân. Tuy nhiên, như chúng ta đã thấy tính chất ngôn ngữ đời sống trong thơ hai tác giả nói trên đã có tính toàn xã hội, toàn dân cao hơn chứ không biểu hiện tính chất ít phổ cập của ngôn ngữ địa phương. Quá trình dân chủ hóa ngôn ngữ văn học trong đó có sự tiếp thu thành phần hàng ngày của ngôn ngữ vào văn học viết như vậy ở Âu Á cũng có nét khác biệt, bên cạnh nét tương đồng — ngọn nguồn nông dân ở cả hai vùng và ngọn nguồn tư bản, thị dân xuất hiện khá sớm ở châu Âu.... đều là một cơ sở đặt ra nhiều vấn đề cho giới nghiên cứu văn học chúng ta.
Về sự phát triển của ngôn ngữ văn học trong quan hệ tác động đó với ngôn ngữ xã hội vi-nô-gra-đốp có ý kiến : « Trong phong cách nhà văn, phù hợp với quan niệm nghệ thuật của tác giả, đã gắn bó một cách chặt chẽ và xác định một cách nghệ thuật, tất cả những phương tiện ngôn ngữ được sử dụng bởi tác giả và đồng thời trong phong cách nghệ thuật của tác phẩm cá nhân, những thành phần của hệ thống tương lai của ngôn ngữ văn học dân tộc có khi được bộc lộ rỗ rệt và sâu sắc hơn những dư âm chức năng của ngôn ngữ quá khứ được phổ biến với nhiều hào quang hơn. Luôn luôn, người ta nhận biết được tiếng nói của toàn dân chúng trong tiếng nói của một nghệ sĩ lớn .
Như vậy, việc nghiên cứu một đặc điểm trong phong cách ngôn ngữ nghệ thuật của một tác giả lớn, ý nghĩa đóng góp vào việc nghiên cứu quy luật phát triển, đặc điểm chung toàn thế giới và đặc thù dân tộc trong loại hình ngôn ngữ văn học có thể đưa chúng ta đi đến với một vấn đề cơ bản sau đây.
MỘT VÀI SUY NGHĨ VỀ QUAN ĐIỂM NHÌN NHẬN MỘT NỀN VĂN HỌC DÂN TỘC MỘT KHU VỰC VĂN HỌC ĐÔNG NAM Á
Phương pháp luận nghiên cứu đã có nhiều định nghĩa có giá trị về phương pháp nghiên cứu. Định nghĩa «Phương pháp là tư thái trí tuệ của con người đứng trước đối tượng nghiên cứu » đã kèm theo một " liên hợp " rất chính xác: trong tư thái trí tuệ đó,tư thái triết học là vấn đề hàng đầu cơ bản.
Vấn đề tưởng là hai năm rõ mười đó thực ra không đơn giản. Đối với mảnh đất văn học dân tộc, mảnh đất phương Đông, không phải lúc nào người nào cũng có một nhìn nhận đúng đắn để hướng tâm tư trí tuệ nào đó.
Ngày nay, người ta đã có thể nhìn nhận lại những thái độ, quan điểm tư sản đối với phương Đông. Như chủ nghĩa trung tâm châu Âu — và chủ nghĩa " độc tôn bá quyền" trong văn hóa văn học của chủ nghĩa nước lớn. Cái nhìn miệt thị của gió Tây đến với gió Đông. Luận điểm Văn học Việt Nam là bản Sao mờ nhạt của văn học Trung Quốc " là những dẫn chứng.
Tuy nhiên, khuynh hướng nghiên cứu và đánh giá đúng đắn bản chất nội dung, giá trị ý nghĩa của những nền văn học ngoài châu Âu, những nền văn học của các dân tộc Phi, Mỹ la-tinh, As... đax và sẽ là xu thế phát triển chính.
Trong giới sáng tác, chúng ta đã thấy đại văn hào Pháp Von-te thế kỷ XVIII ỵêu mến nền văn học cổ, trung đại Trung Hoa như thế nào. Chương « Cái mũi» trong truyện dài Za-đích của Von-te là một; sự tập cổ Trang tử rất đặc sắc. Mác-xim Gor-ki đã nói về những cuộc "tập hợp" văn nhân, nghệ sĩ, chính khách ở phòng khách của Tôn-xtôi và tất cả đều nhìn ông bằng những ánh mắt yêu đương tha thiết còn ông «trình bày cho họ nghe học thuyết Lão tử». Lúc đó theo Gor-ki, Tôn-xtôi còn hấp dẫn hơn một người phụ nữ thông minh và đẹp.
Những nhà nghiên cứu cả ngành khoa học xã hội cũng đã từng đánh giá cao một số học thuyết và tác gia triết học phương Đông. Vấn đề nghiền cứu lịch sử văn học dân tộc theo phương pháp loại hình đặt ra hiện nay cũng như việc lựa chọn đối tượng văn bản văn học, tác gia, thời đại văn học, nền văn học dân tộc cụ thể trong văn học so sánh và trong nhiều phương pháp nghiên cứu văn học khác đã cho chúng ta thấy, rõ phương pháp luận nghiên cứu văn học là một vấn đề hết sức phong phú, thậm chí phức tạp, nhưng một quan điểm đúng đắn, một đối tượng nghiên cứu có ý nghĩa, một con đường tiếp cận phù hợp tối ưu cho mỗi đối tượng... là cả một hệ thống hữu cơ, liên hoàn cần thiết đảm bảo kết quả nghiên cứu.