Ngày 31 tháng 12 năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2408/QĐ-TTg về việc xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Trong đợt xếp hạng này, có 14 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Theo đó, tính đến thời điểm hiện nay, trên cả nước đã có 62 di tích được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt. Sau đây là danh sách (kèm theo giới thiệu tóm tắt) 14 di tích quốc gia đặc biệt vừa được xếp hạng.

 

Đền Bà Triệu (huyện Hậu Lộc - Thanh Hóa)

 

1. Di tích lịch sử Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Lý (thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh).

 

Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Lý là những di tích hiện còn trên vùng đất tôn miếu, đất phát tích và là nơi thờ các vị vua triều Lý, mở đầu là vua Lý Thái Tổ, dựng nền văn minh Đại Việt. Tại Khu di tích còn lưu giữ nhiều công trình kiến trúc đặc sắc, có giá trị về nghệ thuật điêu khắc đá, gỗ…và nhiều giá trị di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu.

 

2. Di tích lịch sử Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần (huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình).

 

Phủ Long Hưng xưa (Hưng Hà, Thái Bình) là vùng đất phát tích của họ Trần, gắn với nhiều sự kiện lịch sử thời Trần và lịch sử dân tộc. Tên tuổi của Đức vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông gắn liền với những chiến công oanh liệt của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông lần thứ nhất (1258), lần thứ hai (1285) và lần thứ ba (1288). Tại Long Hưng hiện còn lưu giữ di tích lăng mộ và đền thờ các vị vua Trần. Những cuộc khai quật khảo cổ học trong thời gian qua đã cung cấp nhiều tư liệu quý giá phục vụ việc nghiên cứu về lịch sử - văn hóa thời Trần.

 

3. Di tích lịch sử Khu đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định).

 

Cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn cuối thế kỷ XVIII là sự kiện lịch sử đặc biệt, đánh dấu bước chuyển biến quan trọng của lịch sử dân tộc ta, do Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ, mà tiêu biểu là người anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ lãnh đạo. Sau khi nhà Tây Sơn mất, nhân dân đã xây dựng Điện Tây Sơn (Đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt) trên nền nhà cũ của gia đình Tây Sơn, nơi các thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn ra đời và trở thành người lãnh đạo kiệt xuất, đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cuối thế kỷ XVIII. Cùng với cây me cổ thụ, giếng nước trong khuôn viên Đền thờ, là bến Trường Trầu bên bờ sông Côn, tất cả các di tích này đều gắn bó với gia đình Tây Sơn Tam Kiệt.

 

4. Di tích lịch sử Địa điểm Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang).

 

Rạch Gầm - Xoài Mút là di tích lịch sử ghi dấu chiến công hiển hách, trận thủy chiến lớn nhất ở miền Nam trong lịch sử nước ta, trận quyết chiến kết thúc cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Xiêm của dân tộc ta vào nửa cuối thế kỷ XVIII, khẳng định tài thao lược của người anh hùng Nguyễn Huệ và sức mạnh của phong trào nông dân Tây Sơn.

 

5. Di tích lịch sử Nhà tù Sơn La (thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La).

 

Nhà tù Sơn La nằm trong hệ thống nhà tù quan trọng của chính quyền thực dân Pháp ở đầu thế kỷ XX - nơi chứng kiến sự tàn ác của chế độ thực dân, sự hy sinh cao cả của các chiến sĩ cộng sản và là trường học rèn luyện, đào tạo  chiến sĩ cách mạng, trong đó có nhiều đồng chí nổi tiếng như Tô Hiệu, Lê Duẩn, Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Văn Tiến Dũng v.v…Sự ra đời của Chi bộ Nhà tù Sơn La tháng 12 năm 1939 là dấu mốc quan trọng về sinh hoạt Đảng trong nhà tù.

 

6. Di tích lịch sử Trại giam Phú Quốc (huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang).

 

So với nhiều nhà tù khác do thực dân Pháp và đế quốc Mỹ lập ra ở nước ta, Trại giam Phú Quốc có số lượng người bị giam cầm nhiều nhất (40.000 tù binh) và số người bị giết hại lên đến 4.000 người, là bằng chứng tố cáo tội ác của Mỹ - Ngụy đối với các chiến sĩ cách mạng. Nơi đây đã chứng kiến tinh thần hy sinh quả cảm, ý chí cách mạng, kiên trung, tính tổ chức, tinh thần đồng đội, là trường học đào tạo chiến sĩ cách mạng, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của dân tộc vì độc lập, thống nhất đất nước.

 

7. Di tích lịch sử Địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị).

 

Địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh thể hiện tài năng sáng tạo, bám trụ chiến đấu của quân và dân Vĩnh Linh trước sức mạnh hủy diệt của bom đạn Mỹ. Không chỉ có Vịnh Mốc, mà quân dân Vĩnh Linh đã tạo ra một hệ thống làng hầm liên hoàn, cơ động chiến đấu trong lòng đất với nghị lực phi thường trong cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước.

 

8. Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Khu di tích Bà Triệu (huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa).

 

Nối tiếp truyền thống Hai Bà Trưng, một cuộc khởi nghĩa do phụ nữ lãnh đạo - Bà Triệu - vào thế kỷ thứ III, là hiện tượng lịch sử hiếm thấy trên thế giới, và là sự kiện lịch sử có nhiều ý nghĩa trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Khu di tích Bà Triệu là một quần thể các công trình có giá trị kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, đậm yếu tố tâm linh, gồm đền thờ, khu lăng mộ Bà Triệu, đình, miếu… để tưởng niệm và suy tôn người phụ nữ anh hùng Triệu Thị Trinh (Bà Triệu) đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống lại ách thống trị của quân Ngô, rạng danh cho truyền thống yêu nước, chống xâm lược của phụ nữ Việt Nam.

 

9. Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Chùa Thầy và khu vực núi đá Sài Sơn, Hoàng Xá, Phượng Cách (huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội).

 

Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Chùa Thầy là một phức thể kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng, gồm chùa, đình… in đậm dấu ấn của Mật Tông, gắn liền với Thiền sư Từ Đạo Hạnh; đồng thời còn là nơi hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều đồng chí lãnh đạo khác. Phức thể kiến trúc Chùa Thầy có giá trị kiến trúc nghệ thuật độc đáo, đặc biệt là nghệ thuật chạm khắc và hệ thống tượng pháp có giá trị cao, giàu biểu cảm và kỹ thuật điêu luyện.

 

10. Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Chùa Phật Tích (huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh).

 

Chùa Phật tích được xây dựng từ thời Lý là một trung tâm sinh hoạt Phật giáo, cũng là một trung tâm Nho giáo thời Trần - nơi đã từng tổ chức thi Thái học sinh. Về mặt kiến trúc nghệ thuật, Chùa Phật Tích có sự kết hợp hài hòa giữa các loại vật liệu xây dựng, xử lý hợp lý giữa các đơn nguyên công trình, chặt chẽ ở khu trung tâm, nhưng lại rất hài hòa, tự nhiên ở khu vực xung quanh, tạo sự hoàn chỉnh cho tổng thể công trình. Chùa hiện còn lưu giữ nhiều cổ vật quý giá, trong đó có pho tượng Phật nổi tiếng – một kiệt tác về điêu khắc nghệ thuật.

 

11. Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Khu di tích Phố Hiến (thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên).

 

Vào thế kỷ XVII - XVIII, Phố Hiến là một thương cảng nổi tiếng của nước ta (sau Kinh đô Thăng Long - Hà Nội - Kẻ Chợ), gắn liền với thời kỳ hưng thịnh của đô thị cổ Việt Nam, giao lưu với nước ngoài (người Hoa,  Nhật, Xiêm La, Mã Lai, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Pháp). Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, Phố Hiến sau đó bị suy tàn. Những dấu vết thương cảng nổi tiếng không còn nhiều trên mặt đất. Giá trị chủ yếu hiện còn là quần thể di tích khá phong phú (như đền, đình, chùa, văn miếu, võ miếu…), có giá trị lịch sử - văn hóa, phản ánh quá trình phát triển của vùng đất này trong lịch sử.

 

12. Di tích kiến trúc nghệ thuật Đền Sóc (huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội).

 

Khu di tích Đền Sóc là nơi thờ phụng và tưởng niệm người anh hùng huyền thoại Thánh Gióng – biểu tượng cho khí phách Việt Nam, đã ghi sâu vào ký ức của nhân dân ta, là sức mạnh tinh thần trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các công trình kiến trúc nghệ thuật tại Khu di tích Đền Sóc hội tụ nét đẹp của nghệ thuật điêu khắc dân gian truyền thống thể hiện thông qua các đề tài trang trí trên các bộ phận kiến trúc, hoành phi, câu đối,…tạo sự lộng lẫy của điện thờ. Bộ di vật ở Đền Sóc phong phú về chủng loại và đa dạng về chất liệu, mang giá trị thẩm mỹ cao; đặc biệt tấm bia sau Đền Thượng có niên hiệu thời Lê là nguồn sử liệu quý góp phần tìm hiểu về huyền thoại Ông Gióng, về địa danh, phong tục tập quán của địa phương qua các thời kỳ lịch sử.

 

13. Di tích kiến trúc nghệ thuật Chùa Tây Phương (huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội).

 

Chùa Tây Phương là một di tích kiến trúc Phật giáo, một tuyệt tác kiến trúc gỗ, với tổ chức hình khối, không gian và ngôn ngữ kiến trúc chặt chẽ đứng hàng đầu trong số các quần thể chùa khác ở nước ta. Kiến trúc của Chùa Tây Phương hoàn hảo về mọi phương diện: về bố cục mặt bằng và hình khối kiến trúc, là sự hòa đồng giữa kiến trúc, trang trí và kỹ tthuật thể hiện… Bộ tượng Phật ở Chùa Tây Phương, đặc biệt là hệ thống tượng thời Tây Sơn, là một tuyệt đỉnh của nghệ thuật điêu khắc cuối thế kỷ XVIII.

 

14. Di tích khảo cổ Cát Tiên (huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng).

 

Di tích khảo cổ Cát Tiên có quy mô rất rộng lớn. Kết quả các cuộc khai quật khảo cổ trong nhiều năm qua đã phát lộ hàng loạt các loại hình di chỉ khác nhau với khối lượng hiện vật phong phú, có giá trị đặc biệt cho công tác nghiên cứu về nền văn hóa đặc sắc này. Tư liệu khai quật được cho thấy, Văn hóa Cát Tiên đã trải qua các giai đoạn phát triển khác nhau: Giai đoạn sớm vào thế kỷ IV - VI và giai đoạn muộn có niên đại thế kỷ VII - IX. Đặc biệt, quá trình phát triển của nền văn hóa này có mối quan hệ gần gũi với Văn hóa Óc Eo - hậu Óc Eo của đồng bằng Nam Bộ và Văn hóa Champa ở Nam Trung Bộ nước ta.