Trong khi nhiều quốc gia không có hồ sơ nào được xem xét hoặc chỉ được 3/24 phiếu đồng thuận thì dân ca ví giặm Việt Nam được 100% phiếu bầu vinh danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

 

Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và các thành viên trong đoàn Việt Nam tham dự kỳ họp của Ủy ban Liên chính phủ công ước UNESCO đều cho biết, dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh được các quốc gia khác đánh giá rất cao. Ảnh: Quỳnh Trang.

 

Ngày 25/12, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức họp báo vinh danh dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

 

Vừa tham dự kỳ họp thứ 9 của Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (diễn ra từ ngày 24 đến 28/11 tại Paris, Pháp), Thứ trưởng Bộ Văn hóa Đặng Thị Bích Liên cho biết, dân ca ví giặm của Việt Nam được bạn bè các nước đánh giá cao, 100% thành viên Hội đồng Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO bỏ phiếu đồng ý vinh danh. Trong khi đó có nhiều nước toàn bộ hồ sơ đều không được xét, hoặc chỉ được 3/24 phiếu đồng thuận, như Trung Quốc. "Đó là minh chứng cho giá trị của di sản Việt Nam được đánh giá cao như thế nào", Thứ trưởng Liên nói.

 

Là trưởng ban xây dựng đề án hồ sơ vinh danh dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh, Giáo sư Nguyễn Chí Bền, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia chia sẻ, quá trình thực hiện đã trải qua nhiều khó khăn. Để có được báo cáo kiểm kê (một trong 5 yêu cầu của hồ sơ, gồm: phim, ảnh, báo cáo khoa học, báo cáo kiểm kê, ý kiến đồng thuận của cộng đồng và các tài liệu phụ trợ), ban xây dựng đã phải lặn lội đến từng làng, xã của hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh tìm kiếm và có được họ tên đầy đủ, chữ ký của 803 nghệ nhân dân ca ví giặm.

 

Loại hình văn hóa này gắn bó mật thiết với phương ngữ của người dân Nghệ Tĩnh nên khi thực hiện, thay vì chỉ chuyển ngữ một lần, ban xây dựng phải chuyển từ ngôn ngữ địa phương sang tiếng phổ thông rồi mới dịch sang tiếng Anh, tiếng Pháp. "Để có được 200 chữ báo cáo khoa học, chúng tôi cũng phải nghiên cứu, tổng hợp từ rất nhiều tài liệu", Giáo sư Bền nói.

 

Hồ sơ đề cử di sản văn hóa phi vật thể dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh sau đó được đánh giá, đáp ứng đủ 5 tiêu chí để đăng ký vào danh sách đại diện.

 

Nhấn mạnh tính trường tồn, sáng tạo và giá trị to lớn của dân ca ví giặm trong đời sống văn hóa tinh thần người Nghệ Tĩnh cũng như giá trị di sản đại diện của nhân loại, Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên yêu cầu cần có trách nhiệm bảo tồn. Trong kế hoạch của Bộ Văn hóa, năm 2015 có 30-40% tổng số xã trên địa bàn hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh sẽ có câu lạc bộ dân ca ví giặm để truyền dạy. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng sẽ mở rộng, phát triển chương trình giảng dạy dân ca ví giặm trong trường phổ thông và trên phương tiện thông tin đại chúng, xuất bản các ấn phẩm, băng đĩa... để quảng bá. Một số điệu hát truyền thống đã bị mai một, sẽ được phục dựng, bảo tồn.

 

Thời gian vừa qua, hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đã lập hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian cho 12 nghệ nhân dân ca ví giặm và đang tiếp tục đề nghị 12 nghệ nhân khác. Theo kế hoạch, tối 31/1/2015, lễ đón Bằng công nhận dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, sẽ diễn ra tại quảng trường Hồ Chí Minh, TP Vinh, Nghệ An.