nguyendu.d.webcom.vn
Loading...

Phim 'Đại thi hào Nguyễn Du' - tiên phong thể loại tài liệu truyện


Nhân bộ phim tài liệu Đại thi hào Nguyễn Du được Cục Điện ảnh (Bộ VH,TT&DL) cấp phép phát hành, PGS-TS - nhà văn Lê Thị Bích Hồng, Phó Chủ tịch Chi hội Kiều học Hà Nội (Hội Kiều học Việt Nam) đã có cuộc trò chuyện với TS Phạm Xuân Mừng- nhà sản xuất bộ phim.
 
*Chúc mừng bộ phim tài liệu “Đại thi hào Nguyễn Du” đã được cấp phép phát hành và tham gia Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXII tại TP Huế vào cuối năm nay. Ý tưởng nàokhiến anhthực hiện thành công bộ phim tài liệu này?
 
- Tôi là người con của quê hương Hà Tĩnh. Người dân quê tôi đều có chung niềm tự hào đã sinh ra danh nhân văn hóa thế giới. Cha tôi một người nông dân thuần hậu yêu và thuộc 3.254 câu Truyện Kiều. Ông thường lấy những câu Kiều phù hợp để răn dạy con cháu. Chính tình cảm của ông đã dẫn truyền cảm xúc cho tôi với Nguyễn Du và Truyện Kiều ngay từ tấm bé. Như mưa dầm thấm đất, những câu Kiều đã thấm đẫm tâm hồn tôi không biết tự lúc nào.
 
TS Phạm Xuân Mừng (trái) và diễn viên đóng vai Đại thi hào Nguyễn Du
 
Từ quê hương Hà Tĩnh lập nghiệp tại Thủ đô, có điều kiện đi nhiều nơi trong và ngoài nước, tôi tự hào và khắc ghi những câu thơ của Chế Lan Viên “Xa nước 30 năm, một câu Kiều, Người vẫn nhớ”, “Đi đường dài, em giữ Truyện Kiều theo”...Mỗi lần từ Hà Nội về thăm quê, gia đình tôi thường ghé Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du tại thị trấn Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh dâng hương cụ Nguyễn Tiên Điền.
 
Cuối năm 2017, tôi gặp anh Hồ Bách Khoa - Trưởng ban Quản lý Di tích quốc gia đặc biệt tại Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du. Anh Khoa có gợi ý tôi làm bộ phim về Nguyễn Du nhân kỷ niệm 255 năm ngày sinh và tưởng niệm 200 năm ngày mất của cụ.
 
Sau khi nghe anh Hồ Bách Khoa nói, tôi hiểu đây là cơ duyên, là một việc vô cùng hệ trọng mang tính tâm linh. Tôi vào thắp hương khấn cụ và thầm hứa sẽ làm một việc gì đó tri ân với tiền nhân. Sau 3 năm (2018- 5/2021), chúng tôi đã hoàn thành bộ phim gửi gắm bao thiện tâm. Không thể nói hết cảm xúc của chúng tôi khi ước mơ đã được hiện thực hóa. Thông điệp quan trọng lan tỏa từ bộ phim là giá trị văn hóa dân tộc như nền tảng, cốt lõi, gốc rễ…
 
Nguyễn Du và nữ sĩ Hồ Xuân Hương trong phim “Đại thi hào Nguyễn Du”
 
*Là người “ngoại đạo” với nghệ thuật thứ 7, anh đã “liên tài” thế nào để làm nên một ê-kíp sáng tạo cho bộ phim? Từ ý tưởng đến thực hiện có phát sinh gì so với dự định ban đầu?
 
- Chị nói đúng. Tôi là dân ngoại đạo với nghệ thuật điện ảnh, nhưng không có nghĩa lại ngoại đạo với thưởng thức điện ảnh. Nghệ thuật không của riêng ai. Là nhà sản xuất, lại “ngoại đạo” với lĩnh vực này, nên ngay từ đầu tôi đã chú trọng chọn tìm một ê-kíp thực hiện có chuyên môn sâu về lĩnh vực điện ảnh và văn học.
 
Ý đồ làm bộ phim này, tôi bàn đầu tiên với nhà báo Lương Xuân Trường. Anh ấy dự kiến kinh phí khoảng 80 triệu đồng. Nghe thế, tôi nói sẵn sàng đầu tư khoảng 200 triệu đồng với mong muốn là có bộ phim chất lượng về Đại thi hào Nguyễn Du. Anh ấy bắt tay xây dựng kịch bản. Khi đưa tôi xem, dù không có chuyên môn ở lĩnh vực điện ảnh, tôi vẫn muốn kịch bản cần được đầu tư tốt hơn và quy mô hơn nữa.
 
Lương Xuân Trường mời Trần Đình Tuấn tham gia. Cùng các nguồn tư liệu đáng tin cậy, cả nhóm bắt tay vào xây dựng lại kịch bản…Cứ nối kết thiện tâm như thế, cuối cùng chúng tôi đã tập hợp được một ê-kíp sáng tạo cho phim tài liệu Đại thi hào Nguyễn Du tâm huyết, trách nhiệm. Tham gia kịch bản có tôi, Trần Đình Tuấn, Nguyễn Văn Đức và Lương Xuân Trường. Vị trí đạo diễn giao cho Nguyễn Văn Đức. Quay phim gồm có Nguyễn Việt Hùng, Nguyễn Thanh Bình, Hoàng Phan Quý, Nguyễn Hoàng Long...
 
Chú trọng chuyên môn sâu, tôi mời nhà thơ Vương Trọng, Nguyễn Huy Hoàng, nhà văn Hoàng Khôi tham gia Ban cố vấn; mời họa sĩ phục dựng bối cảnh lịch sử; mời chuyên gia thời trang tư vấn trang phục...
 
Khi thống nhất hình thức thể hiện phim, kinh phí đầu tư đã vượt 200 triệu so với dự tính ban đầu. Dự tính hòm hòm phải đến 15 tỷ mới có thể làm phim theo hình thức tài liệu truyện. Đây là một thách thức không nhỏ với tôi. Tôi nát óc nghĩ suy bài toán “đầu tiên”. Nếu chỉ vì kinh phí mà chùn bước là có tội với tiền nhân. Và tôi quyết định thực hiện bộ phim này bằng mọi giá như đã hứa trước hương linh Đại thi hào Nguyễn Du. Cả ê-kíp cùng đồng tâm, đồng sức làm hết sức mình, bằng khả năng hiện có. Thành quả của bộ phim là công sức chung của tập thể.
 
Phạm Xuân Mừng - nhà sản xuất - vào vai ông ngoại Nguyễn Du
 
*Ê-kíp làm phim đã sử dụng thể loại phim tài liệu truyện thế nào?
 
- Sau khi có trong tay kịch bản được đầu tư khá công phu, mỗi thành viên trong đoàn đau đáu làm mới bộ phim tài liệu. Nếu đi theo cách thức làm phim tài liệu truyền thống, theo khuôn mẫu định sẵn thì rất khó hấp dẫn, khó mang đến cảm xúc cho công chúng vốn yêu mến Nguyễn Du và Truyện Kiều.
 
Sau khi đọc kịch bản, đạo diễn Nguyễn Văn Đức rốt ráo đề xuất đổi mới thể loại phim tài liệu. Vốn được đào tạo bài bản tại Trường Đại học Điện ảnh Quốc gia Nga (VGIK), công tác ở Hãng phim truyện I, từng đồng quay chính bộ phim Thái sư Trần Thủ Độ, Huyền sử thiên đô, Nguyễn Văn Đức ít nhiều đã có kinh nghiệm làm phim lịch sử. Đó là lý do chúng tôi tin cậy, mời nhà quay phim làm đạo diễn bộ phim này.
 
Đề xuất làm phim Đại thi hào Nguyễn Du theo thể loại tài liệu truyện mà anh đã được học và trải nghiệm ở VGIK đã được ê-kíp thống nhất chốt. Thể loại mới kết hợp 2 cách thức thể hiện phim tài liệu và phim truyện. Phim được kể chuyện bằng hình ảnh, có cốt truyện, có diễn viên diễn xuất như phim truyện… Hình thức làm phim này không còn xa lạ trên thế giới, nhưng còn khá mới mẻ ở Việt Nam.
 
Cảnh Nguyễn Du và con trai Nguyễn Tứ ở Thái Bình
 
Tính đến thời điểm này có khoảng 5 đến 6 phim tài liệu của các Đài truyền hình Trung ương/ địa phương làm về Đại thi hào Nguyễn Du. Về nguyên tắc, thể loại phim tài liệu là phải đảm bảo tính khách quan, trung thực như nó vốn có. Một mặt, phim tuân thủ theo thể loại tài liệu quen thuộc là có lời bình, phỏng vấn, hình ảnh minh họa…Mặt khác, phim sáng tạo ngay trên nền cốt sự thật, có cốt truyện, nhân vật…với mục đích cao nhất là tạo nên hiệu quả thẩm mỹ, sức hấp dẫn, chạm đến trái tim người xem. Các thước phim được dựng lại một cách sáng tạo hoàn toàn mới, tư liệu nghệ thuật (tư liệu truyện). Đảm bảo nguyên tắc của phim tài liệu là tôn trọng sự thật.
 
Trong quá trình thực hiện, đoàn làm phim đã bám sát những tư liệu từ gia phả dòng họ Nguyễn Tiên Điền, niên biểu cuộc đời Nguyễn Du đã được công bố chính thức. Kịch bản phim xây dựng 2 hệ thống nhân vật gắn với Nguyễn Du và Truyện Kiều. Hệ thống nhân vật thứ nhất là những người trong đời thực có quan hệ trực tiếp với Nguyễn Du. Việc tạo hình, xây dựng nhân vật như đã được ghi chép trong gia phả và niên biểu.
 
Thông qua những lát cắt lịch sử qua 3 triều đại: Lê - Trịnh, Tây Sơn và thời kỳ đầu nhà Nguyễn, phim tài liệu truyện đã tái hiện lại cuộc đời và sự nghiệp của Đại thi hào Nguyễn Du từ lúc sinh ra ở phường Bích Câu (Thăng Long) năm 1765 cho tới khi ra làm quan tới chức Tham tri Bộ Lễ thời Gia Long và mất tại Huế năm 1820. Kết cấu bộ phim gồm 3 phần: Gia thế và tuổi thơ, Mười năm gió bụi  Nghiệp văn và quan trường.
 
Trịnh Sâm và 2 anh em Nguyễn Khản, Nguyễn Du
 
Hệ thống nhân vật thứ 2 là những nhân vật sáng tạo của Nguyễn Du trong Truyện Kiều. Theo đó, tạo hình nhân vật, tính cách, ngoại hình phải trung thành với nguyên mẫu của tác phẩm.
 
Trong phim, dựa trên tác phẩm văn chương, chúng tôi có khắc họa mối tình văn chương giữa Nguyễn Du và nữ sĩ Hồ Xuân Hương…
 
Cả ê-kíp làm phim đã nỗ lực, trăn trở, tìm cái mới, tiên phong, vượt qua tiền lệ, định hình về phim tài liệu thường thấy. Chúng tôi có thêm động lực khi có các chuyên gia, nhà nghiên cứu điện ảnh ủng hộ. Thiển nghĩ, nếu thể loại phim tài liệu truyện còn xa lạ, thì sự dấn thân tiên phong của đoàn cho bộ phim Đại thi hào Nguyễn Du biết đâu sẽ khai mở một con đường, khai phá hướng đi vượt qua những tiền lệ thông thường cho phim tài liệu (cười)…Tất nhiên, chấp nhận tiên phong cũng đồng thời sẽ đối mặt với nhiều luồng ý kiến khác nhau.
 
* Từng công tác ở lĩnh vực văn nghệ, nghe Tiến sĩ Phạm Xuân Mừng nói, tôi đã hình dung ra những thách thức cho đoàn làm phim. Để có thành quả hôm nay, ê-kíp đã phải vượt qua nhiều khó khăn?
 
- Như đã nói bài toán kinh phí là thách thức lớn đối với tôi với tư cách là nhà sản xuất. Chúng tôi thực hiện phương châm xã hội hóa. Thật may, chúng tôi đã không đơn độc. Đoàn làm phim nhận được sự đầu tư, ủng hộ của các tỉnh Hà Tĩnh, Bắc Ninh, Thái Bình, Hà Nội... Mỗi người trong đoàn xác định góp tiền, góp sức, góp công bằng chuyên môn...Để có 15 tỷ làm phim, nghĩ lại tôi cũng choáng.
 
Khó khăn thứ 2 là xây dựng bối cảnh, phục trang. Việc hồi cố tư liệu, bối cảnh, trang phục, ngôn ngữ...là chuyện rất khó. Bối cảnh thực hiện bộ phim ở nhiều không gian từ Bích Câu - Thăng Long (Hà Nội) nơi Nguyễn Du sinh, đến quê nội (Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh), quê mẹ (Từ Sơn, Bắc Ninh), quê vợ (Quỳnh Côi, Thái Bình), nơi làm quan (Hưng Yên, Quảng Bình, cố đô Huế…). Tất cả những nơi gắn bó với Nguyễn Du đã thay đổi theo thời gian. Theo tư vấn chuyên môn, đoàn quyết tâm phục dựng lại các bối cảnh phim.
 
Tiếp theo là phục trang sao cho phù hợp. Chúng tôi nhờ sự giúp đỡ của đội ngũ tư vấn có uy tín về trang phục phim cổ trang. Cuộc đời, sự nghiệp Nguyễn Du (1765-1820) gắn với 3 triều đại phong kiến: Thời kỳ cuối Lê - Trịnh, Tây Sơn và đầu triều Nguyễn. Theo một số nhà nghiên cứu, về cơ bản phục trang vẫn gần như của thời kỳ cuối Lê - Trịnh. Đoàn làm phim đã căn cứ vào những tư liệu lịch sử tin cậyđể làm trang phục.
 
Khó khăn thứ 3 là tìm diễn viên. Yêu cầu nghiêm ngặt đầu tiên của chúng tôi là khuôn mặt diễn viên không có sự can thiệp thẩm mỹ. Chúng tôi ưu tiên những gương mặt mới hồn hậu. Tạo hình diễn viên cố gắng cao nhất đảm bảo phù hợp với các tầng lớp, đẳng cấp mà nhân vật thể hiện.
 
Đoàn làm phim dâng hương tại Khu di tích Nguyễn Du
 
* Ông và ê-kíp làm phim muốn gửi thông điệp gì đến công chúng?
 
- Tôi và cả ê-kíp làm phim đều có chung mong muốn là phim Đại thi hào Nguyễn Du được công chiếu đúng như dự kiến trong tháng 7 này và đoàn có cơ hội được tham gia LHP Việt Nam Nam lần thứ XXII.
 
Trước hết, Đoàn làm phim mong muốn khán giả đón nhận bộ phim. Với tinh thần cầu thị, chúng tôi sẽ đón nhận mọi ý kiến đóng góp để bộ phim sẽ được hoàn thiện hơn. Bộ phim mang ý nghĩa giáo dục truyền thống;là tư liệu tham khảo quý cho học sinh, sinh viên các trường đại học, trung học phổ thông và công chúng yêu Nguyễn Du và Truyện Kiều trong và ngoài nước. Bởi vậy, trên hết đoàn làm phim đều chung mong muốn bộ phim tài liệu truyện sẽ được lan tỏa trên các phương tiện thông tin đại chúng…
 
* Cảm ơn anh!
 
 
Theo PGS.TS Lê Thị Bích Hồng/thethaovanhoa

Tin tức sự kiện
Trung Quốc khai quật mộ bà của Tần Thủy Hoàng Sáng nay (12-9), UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức góp ý Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo Di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du. Đồng chí Nguyễn Thiện - Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh chủ trì cuộc họp. Quyết định số 2542/QĐ-TTg ngày 20/12/2013 của Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo Khu lưu niệm Nguyễn Du với mục tiêu trọng tâm là xây dựng Khu lưu niệm Nguyễn Du thành trung tâm văn hóa du lịch quốc gia. Công ty cổ phần mỹ thuật và xây dựng Việt Nam là đơn vị tư vấn nghiên cứu, xây dựng quy hoạch. Phạm vị nghiên cứu quy hoạch gồm 340 ha thuộc địa phận xã Tiên Điền, một phần thị trấn Nghi Xuân. trong đó diện tích bảo tồn, phát huy giá trị của khu di tích quốc gia đặc biệt có khoảng 50ha. Quy hoạch hình thành 4 khu chức năng chính: 1. Khu lưu niệm, quảng trường Tố Như, không gian thơ ca Nguyễn Du: là khu vực không gian quảng trường lễ hội, không gian trưng bày, diễn xướng ngữ văn dân gian làng Tiên Điền, không gian tham quan và du lịch chủ đề. 2. Không gian văn hóa truyền thống Tiên Điền, Nghi Xuân và Trung tâm diễn giải du lịch văn hóa lịch sử gắn với giá trị thơ ca và cuộc đời Đại thi hào Nguyễn Du; 3. Không gian Nguyễn Du: giới thiệu minh họa, thuyết minh về cuộc đời của Đại thi hào, gia tộc, thân thế, sự nghiệp và tha m quan tìm hiểu về lịch sử thời đại Nguyễn Du (150 năm cuối thời kỳ trung đại lịch sử Việt Nam từ Nguyễn Nghiễm đến Nguyễn Công Trứ) 4. Không gian phong cảnh tưởng niệm và mộ Đại thi hào Nguyễn Du. Ngoài ra quy hoạch còn có 2 trung tâm dịch vụ du lịch văn hóa: Trung tâm dịch vụ du lịch - điều hành; Trung tâm giới thiệu sản vật địa phương và nghề truyền thống “Tiểu triều đình”. Sau khi đơn vị tư vấn báo cáo nội dung quy hoạch đã có nhiều ý kiến góp ý làm đề nghị rõ về chức năng của các khu chính, sự liên hoàn giữa các phân khu với nhau, tính thực tế và khoa học, diện tich nghiên cứu quy hoạch và diện tích triển khai thực hiện... cần quan tâm đến môi trường sinh thái, tính dân sinh, giao thông, thoát nước phù hợp với điều kiện thức tế của địa phương. Chú trọng tới khu vườn cũ của Đại thi hào Nguyễn Du, Nhà bảo tàng Nguyễn Du, phục dựng một số điểm di tích liên quan văn hóa cộng đồng làng. Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Thiện - PCT thường trực UBND tỉnh chủ trì cuộc họp cơ bản thống nhất với quy hoạch được báo cáo và đê hoàn thiện quy hoạch đ/c PCT tỉnh đề nghị đơn vị tư vấn tiếp thu các ý kiến, tiếp tục nghiên cứu để quy hoạch đảm bảo tính khoa học, tính khả thi xứng tầm với Đại thi hào Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa Thế giới, sớm hoàn thiện trình lấy ý kiến của các ngành liên quan trước khi hoàn chỉnh quy hoạch trình chính phủ phê duyệt. Bách Khoa

Tham quan ảo 3D

nguyendu.d.webcom.vn

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website