Có thể gọi gian phòng nho nhỏ ấy là “bảo tàng nông nghiệp mi ni” mà chủ nhân của nó - anh Nguyễn Hữu Ngôn (thị trấn Bút Sơn, Hoằng Hóa) đã dày công tạo lập. Qua hàng nghìn hiện vật sưu tầm được, hồn quê - hồn dân tộc trong tâm tưởng một thời được tái hiện lại.

 

Một góc “bảo tàng nông nghiệp” của anh Nguyễn Hữu Ngôn.

 

Thấm đẫm tình đất, tình người

 

Nhìn từ phía ngoài, ngôi nhà đã nhuốm màu rêu phong. Anh Ngôn - chủ nhân của ngôi nhà ấy trông  chất phác, giản dị, mái tóc hoa râm và “vài vết chân chim” đã hằn trên khuôn mặt. Ấy vậy mà ẩn chứa đằng sau vẻ bề ngoài ấy là sự hiểu biết sâu sắc văn hóa dân gian thể hiện qua những thú chơi để đời.   

 

“Tuổi thơ tôi sinh ra đã gắn bó sâu nặng với những tên đất, tên làng. Hồi nhỏ theo mẹ, theo bà ra đồng, hạt lúa, củ khoai... nuôi tôi lớn khôn. Đó là chất xúc tác để tôi đến với ý tưởng có một bảo tàng nông nghiệp nho nhỏ để lưu giữ những ký ức tuổi thơ và cũng là để cho thế hệ sau này hiểu được cuộc sống vất vả của người nông dân ở nhiều vùng nông thôn những thế kỷ trước, để không quên cội nguồn gốc rễ và bản sắc riêng của mình...”. Anh Ngôn tâm sự. Vì thế, anh chắt chiu những ký ức tuổi thơ nuôi dưỡng thành ý tưởng, gom góp những vật dụng như cái cào, cái cuốc... từ thời ông bà, cha mẹ anh để lại để thiết kế nền móng xây “bảo tàng”. Mấy chục năm qua, bước chân anh đã in dấu trên khắp các nẻo đường quê hương, từ các làng nghề, các vùng miền nông thôn: vùng núi, đồng bằng, vùng biển trong cả nước, nhặt nhạnh những thứ mà người ta bỏ đi nhưng với mình lại thấy hữu ích. Những lần đi công tác, biết nơi nào có “đồ cổ” là anh tìm mua bằng được. Có người thấy anh tâm huyết như vậy, liền đem đồ vật đến nhờ anh bảo quản giúp. Gần đây, anh sưu tầm thường xuyên hơn, ngoài đồng lương hiện có, anh còn chăm chỉ viết sách, viết báo để có thêm tiền mua sắm hiện vật và để có một “bảo tàng mi ni” như anh từng mong ước. Cứ thế, từ vài vật dụng sẵn có, qua mấy chục năm bỏ công sức sưu tầm, “bảo tàng nông nghiệp” của anh giờ đã lên tới hơn 3.000 hiện vật. 

 

Có lẽ, không có một món nợ ân tình với quê hương thì không thể có những suy nghĩ và việc làm đáng trân trọng và ý nghĩa như vậy. Tâm niệm của anh Ngôn cũng giống như mong muốn của bao người, muốn lưu giữ những giá trị truyền thống, ấy là nét quê – hồn dân tộc. Đó còn là sự tôn vinh  trí tuệ, sáng tạo của người nông dân kết tinh trong những vật phẩm rất đỗi bình thường.  

 

Mỗi hiện vật - một nét hồn quê - hồn dân tộc

 

Mỗi hiện vật từ tận đâu trên khắp các vùng quê nay đã tề tựu về “bảo tàng” trong một mái nhà chung. Trong ấy, mỗi hiện vật đều có đời sống riêng, góp nên tính đa dạng và bản sắc mỗi vùng miền nông thôn của đất nước. Ở “bảo tàng” này, hiện vật được phân loại thành nhiều nhóm: nhóm công cụ làm đất gồm cuốc, cày, bừa, vồ, cào...; nhóm công cụ làm mộc gồm cưa, đục, chàng...; nhóm công cụ làm cỏ gồm liềm, hái, quang gánh...; nhóm công cụ chế biến gồm cối xay, thớt...; nhóm công cụ sinh hoạt gồm nồi, mâm, rổ rá, chum, vại... Có những đồ vật có số lượng lớn như đĩa, mâm, nồi, cối..., và hầu hết các vật dụng đều phát huy công dụng đối với nhà nông, như: cây sào mực gác ngang nhà, bên trên có ghi các kích thước khác nhau của ngôi nhà, nếu mất sào mực coi như không có căn cứ để sửa hay làm nhà; quạt thùng quay tay (còn gọi là quạt hòm) để tạo ra gió lớn, tuyển loại thóc lép, đỡ được công đoạn “rê thóc”; những cái nong rộng gần 2m để đựng chia thịt; những nồi 5, nồi 7, 10, 30 để nấu bánh chưng, nấu cỗ cho cả làng... Ngoài công dụng, mỗi đồ vật còn có lịch sử, có đời sống riêng và được nhân cách hóa, hình tượng hóa qua những câu ca dao, tục ngữ ví dụ, nói về cái mai có câu “Muốn ăn khoai phải vác mai đi đào”. Nói về hộp mực trong công cụ làm mộc có câu “Thẳng mực tàu, đau lòng gỗ”...

 

Mỗi vật dụng còn có cả đời sống gắn với quan niệm, mong ước của con người: ví dụ, trên mâm đồng có khắc họa hình ảnh “ngư tiều canh mục”, “tứ linh tứ quý”, chữ “phúc”, “lộc”, “thọ” hay bức tranh đồng quê... thể hiện khát vọng no ấm đủ đầy, hạnh phúc, thành đạt, bình yên của con người; hay nói đến cối xay thóc gồm có 2 thớt: thớt trên và thớt dưới, biểu tượng cho âm dương hòa hợp, ý nghĩa phồn thực; nói đến chum, kiệu, vò, vại dùng để đựng nước, thóc, quần áo, tiền bạc... biểu tượng cho sự khá giả, giàu có, no ấm đủ đầy hoặc quyền lực của một số gia đình khá giả...

 

Những vật dụng nông nghiệp được anh Ngôn mang về từ những vùng miền khác nhau: cối đá làng Nhồi (Đông Sơn); máy tuốt lúa của một gia đình quê tỉnh Nam Hà cũ; xe thồ Kiến An (Hải Phòng)... Đặc biệt, có những vật dụng có giá trị về mặt lịch sử, như: Đĩa cành trúc, bình vôi, sắc phong, hoành phi, câu đối, bản khắc gỗ... đời Lý, Trần, Lê, Nguyễn đều có cả. Ngoài ra, còn có những văn bản, tài liệu nói về nông nghiệp, như: trích lục đất thời phong kiến, thời Pháp (ngày nay là sổ đỏ); sổ tay điều lệ HTX nông nghiệp Việt Nam thời bao cấp; sổ HTX mua bán, những chính sách, những tác phẩm văn học về nông thôn; sách viết về dụng cụ đánh bắt, văn hóa làng, hương ước... Bên cạnh những vật dụng phong phú của người nông dân còn có cả những vật dụng của người trí thức, thương nhân, như: tráp, hộp đựng quần áo, níp sách, kẹp sách của thầy giáo làng; bàn tính, cân tiểu li của thương nhân; quân trang của người nông dân đi lính...

 

Trong cái “bảo tàng mi ni” ấy còn rất nhiều hiện vật mà bài viết không thể kể hết. Từ những công cụ đơn sơ, mộc mạc cộng với sự lao động cần cù của người nông dân, đã chứng tỏ người nông dân trước và nay luôn là lực lượng vĩ đại trong lịch sử của dân tộc. Đó còn là sự kết tinh giá trị tinh thần, bản sắc văn hóa làng quê qua sự góp mặt phong phú của các nông cụ mà người nông dân là chủ thể sáng tạo. Và, trong cuộc sống hiện đại, họ vẫn luôn giữ vai trò chính làm ra nguồn lương thực cho xã hội, thúc đẩy xã hội phát triển, mà theo anh Ngôn: “không có vòng quay thóc lúa sẽ không thể có vòng quay công nghiệp hiện đại”. Mặc dù, hiện nay, quá trình đô thị hóa đã và đang làm mất đi những nét văn hóa truyền thống vốn có, nhưng với những gì đã và đang nỗ lực bảo lưu, càng trân trọng hơn khi “bảo tàng nông nghiệp mi ni” của anh Nguyễn Hữu Ngôn luôn là một “địa chỉ đỏ” để mỗi người tìm về dội mát tâm hồn...