Về những người phụ nữ trong gia tộc họ Nguyễn - Tiên Điền.

 
Họ Nguyễn - Tiên Điền là một trong những dòng họ “Trâm anh thế phiệt” của đất nước ta ở thế kỷ XVIII. Con cháu họ Nguyễn - Tiên Điền thành danh bởi họ trưởng thành trong môi trường gia giáo, được cha ông dìu dắt, dạy dỗ. Bên cạnh những quyền lợi được thừa hưởng như chế độ tập ấm và những luật lệ ưu ái như lệ bổ dụng con các quan...còn phải kể đến vai trò, đóng góp thầm lặng của những người được xem là phái “yếu”. Họ là những người phụ nữ tảo tần, chịu thương chịu khó, một mình gánh vác công việc gia đình, hy sinh hạnh phúc riêng nuôi dạy con cháu để trở thành những người có tài, có đức, là rường cột của nước nhà và làm rạng danh cho quê hương, đất nước.
 
Người đầu tiên là bà Lê Thị La, con gái thứ 4 của Võ uý Ngọc tài bá, là vợ chính thất của Bảo Lộc công Nguyễn Thể và là mẹ của Lĩnh Nam công Nguyễn Quỳnh. Bà sinh năm Quý Tỵ Thịnh Đức 1 (1653), người thôn Võ Phấn, xã Tiên Điền. Bà là người ngay thẳng, lo việc nhà có phép tắc. Sau khi ông mất, bà ở goá giữ khí tiết, lo làm ăn, giúp đỡ dân nghèo và chu tất việc tế bần, mời thầy về dạy con cháu, họ hàng làm xóm được nhờ. Bà tạ thế ngày 3 tháng 3 năm Bính Ngọ (1726), thọ 74 tuổi, hiệu Tinh Khiết. Năm Bính Dần Cảnh Hưng thứ 7 (1746), cháu nội là Nghị Hiên công quý di tặng: Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu Đông các đại học sĩ Phú Hưng hầu. Bà được phong Tự phu nhân. Năm Canh Thìn (1760) bà được gia phong Quận phu nhân.
 
Chính thất của Lĩnh Nam công Nguyễn Quỳnh là Phan Thị Minh. Bà sinh năm Quý Sửu (1673), là con gái trưởng của Tăng Lộc Bá ở xã Uy Viễn. Bà sinh hạ được ba người con trai (Nguyễn Huệ, Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Trọng) và hai người con gái. Bà là người cần kiệm, nết na, nhân hậu, sửa sang việc nhà chu đáo. Vì thế ba người con trai đều đỗ đạt thành danh như: Nguyễn Huệ đậu Tiến sĩ năm 1733, Nguyễn Nghiễm đậu Tiễn sĩ năm 1731 và giữ nhiều chực vụ quan trọng trong triều đình và Nguyễn Trọng đậu Cử nhân làm quan đến tam phẩm là sự đền đáp xứng đáng đối với sự hy sinh của bà. Năm 1735, Nguyễn Quỳnh mất, bà đau xót cảm bệnh hai tháng sau thì mất. Năm 1741, bà được phong là Tự phu nhân. Năm 1760, bà được gia tặng là Quận phu nhân.
 
Chính thất của Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm là Đặng Thị Dương, người làng Uy Viễn, con gái Tri phủ Đặng Sỹ Vinh. Bà là người tài sắc vẹn toàn công - dung - ngôn - hạnh, rất sành về đồ nữ công, xử lý việc nhà có phép tắc, tếp đãi tân khách rất phong hậu, yêu thương con cái, coi con thiếp như con đẻ của mình (Á thất, cũng là em ruột là bà Đặng Thị Tuyết sau khi sinh hạ được Nguyễn Điều không bao lâu thì mất, bà đã mang Nguyễn Điều về nuôi nấng, dạy dỗ). Sau khi chồng mất, bà rước thầy về dạy cho các con đến lúc thành người, trong làng trong họ đều ca tụng đức tốt của bà. Những lúc Nguyễn Khản và Nguyễn Điều bận quân công ở xa, Chúa đích thân đến an ủi, ban tiền bạc rất hậu. Khi bà cảm bệnh, Chúa sai mang thuốc tới nhà điều trị và thường xuyên thăm hỏi. Bà mất tại kinh thành Thăng Long, được tin Chúa ban tiền bạc, gấm đoạn, sai quân chế y phục và đồ khâm liệm, coi sóc lễ nhập quan, cấp tiền làm tế khí. Về sau Nguyễn Khản xin đưa bà về an táng ở quê nhà, Chúa ban tên thụy là Trang Đôn, được cấp quan thuyền cùng quan binh quản thắng trung ngũ đội theo đường thuỷ hộ linh về an táng. Ngày đưa linh cữu xuống thuyền, trong thì từ các phi tần, ngoài thì tới văn võ quan binh 13 đạo, đều đặt lễ phúng viếng. Ngày ấy, được vua ban tế phẩm thái tể theo vinh điển (cấp nhà nước), mà đương thời chưa có lệ ấy. Năm Quý Mão (1783) đặc tứ bao phong Ôn thục từ dụ quận phu nhân, được tế lễ bậc Trung đẳng phúc thần - Đây là một đặc ân. Bà là người hai lần được phong là phu nhân và sau gia phong Quận phu nhân. 
 
Trắc thất của Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm là bà Trần Thị Tần (thân mẫu Đại thi hào Nguyễn Du) là con gái của một người làm chức câu kế, người làng Hoa Thiều, xã Minh Đức, huyện Tiên Du (Đông Ngàn), xứ Kinh Bắc (nay là Bắc Ninh). Bà là người phụ nữ tài sắc vẹn toàn, nết na hiền thục. Khi Nguyễn Nghiễm bận công việc triều đình hay ngoài trấn, bà là người thay chồng dạy dỗ, chăm sóc cho các con và những lúc có điều kiện bà thường cho các con về Bắc Ninh để xem các lễ hội, hiểu hơn về văn hóa, con người Kinh Bắc. Sau hai cái tang liên tiếp (Nguyễn Trụ qua đời năm Ất Mùi (1775) rồi đến năm Bính Thân (1776) Trung Cần công qua đời) bà ngày đêm thương xót bổ bệnh và qua đời vào ngày 06 tháng 7 năm Mậu Tuất (1778), tại Kinh thành, thọ 39 tuổi. Bà được tặng Đoan nhân (tòng nhất phẩm). Năm Đinh Mùi (1787), bà được gia tặng Liệt phu nhân (chánh nhất phẩm). 
 
Chính thất của Toản Quận công Nguyễn Khản là bà Đặng Thị Vệ. Bà sinh năm Bính Thìn, Vĩnh Hữu (1736), con gái thứ hai của Thái bộc tự khanh Đặng công, Uy Viễn. Là người phụ nữ thông minh, hết lòng chăm lo cho chồng con ăn học thành tài và nuôi dưỡng Đại thi hào Nguyễn Du khi Nguyễn Nghiễm và bà Trần Thị Tần qua đời….
 
Chắc rằng sẽ còn nhiều người phụ nữ với những công lao, đóng góp cho gia tộc họ Nguyễn - Tiên Điền, cho quê hương đất nước. Tuy nhiên do nguồn tư liệu bị lưu tán, chưa thực sự đầy đủ do vậy cần có sự chắp nối, khảo cứu để có một tư liệu hoàn chỉnh hơn về họ - những người phụ nữ đã góp phần làm rạng danh cho một gia tộc “Trâm anh thế phiệt” của đất nước ta ở thế kỷ XVIII - gia tộc họ Nguyễn - Tiên Điền.
 
Tiếp nối truyền thống, ngày nay những người phụ nữ trong gia tộc họ Nguyễn vẫn giữ gìn và phát huy được những phẩm hạnh của người phụ nữ: công - dung - ngôn - hạnh. Đó là những người phụ nữ tài trí, giàu nghị lực, biết quán xuyến mọi việc gia đình và nuôi dạy con cái từ tuổi bé đến lúc trưởng thành, sống có tình có nghĩa với xóm làng. Họ luôn sát cánh và âm thầm đóng góp vào sự thành công trên con đường công danh của chồng, con. Những cống hiến thầm lặng đó đã góp phần làm rạng danh truyền thống văn hóa của dòng họ - văn hóa Nguyễn Tiên Điền.