nguyendu.d.webcom.vn
Chủ nhật, ngày 22-12-2024

Nguyễn Du - Truyện Kiều trong đời sống văn hóa đất Nghi Xuân


Đại thi hào Nguyễn Du (1765 - 16 / 9 / 1820), tự Tố Như, hiệu Thanh Hiên, quê ở xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, sinh ở kinh thành Thăng Long và lớn lên giữa một thời tao loạn, chứng kiến biết bao cuộc đổi thay. Ngay chính gia đình ông, bản thân ông cũng là cả một tấn bi kịch. Bản thân ông bị xô đẩy, phiêu bạt, khi về quê vợ ở Thái Bình, khi về lại núi Hồng sông Lam, rồi sau này ra làm quan nhà Nguyễn... Nguyễn Du để lại một sự nghiệp văn học đồ sộ, có cả thơ chữa Hán và chữ Nôm, có cả Đường thi và lục bát dân tộc, có cả thơ trường thiên và đoản thiên. Ông có ba tập thơ chữ Hán (Thanh Hiên thi tập, Nam trung tạp ngâm, Bắc hành tạp lục) tổng cộng 250 bài; có những bài ca đối đáp đậm chất phiêu du của một thời tuổi trẻ (Thác lời trai phường nón, Văn tế sống hai cô gái Trường Lưu); có Văn tế thập loại chúng sinh sâu thẳm lòng người; và nhất là kiệt tác Truyện Kiều nổi tiếng khắp thế giới.
 
Với những đóng góp lớn lao cho văn hóa nhân loại, năm 1965, Hội đồng hòa bình thế giới và Việt Nam đã long trọng tổ chức kỉ niệm Nguyễn Du nhân 200 năm sinh của ông. Vào ngày 25 / 10 / 2013, tại phiên họp lần thứ 37, Đại hội đồng Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) đã có nghị quyết về việc tổ chức lễ kỉ niệm lần thứ 250 năm ngày sinh Nguyễn Du vào năm 2015. Trong không khí chào mừng lễ kỉ niệm, với lòng ngưỡng mộ và tri âm sâu sắc của một người con đất Nghi Xuân với đại thi hào, chúng tôi muốn gửi lòng mình tới cụ qua một công trình nhỏ: Nguyễn Du, Truyện Kiều với đời sống văn hóa đất Nghi Xuân. Vẫn biết ảnh hưởng của Nguyễn Du đã vươn ra tầm quốc tế, nhưng trong lúc các nhà nghiên cứu đang bỏ ngõ ảnh hưởng của Nguyễn Du với chính quê hương sinh thành ra ông, chúng tôi mạo muội trình bày ý kiến riêng của mình. Có thể ý kiến của chúng tôi còn mang tính chủ quan, vì thời gian nghiên cứu có hạn, vì nguồn tư liệu nghèo nàn, vì cả năng lực hạn chế, song tình cảm của chúng tôi với Nguyễn Du, với Truyện Kiều và với quê hương Nghi Xuân là rất sâu nặng và chân thành.
 
1. Nguyễn Du, Truyện Kiều với văn học quê hương.
 
1.1. Ảnh hưởng của Nguyễn Du, Truyện Kiều với văn học là một tất yếu.
 
Trong văn học, có một hiện tượng rất đặc biệt đó là văn học diễn ra như một quá trình, trong đó có sự tiếp biến và ảnh hưởng. Văn học thời kì sau luôn tiếp thu những tinh hoa của thời kì đi trước, và những tác giả tác phẩm nổi tiếng luôn có tầm ảnh hưởng sâu rộng không chỉ với công chúng tiếp nhận, mà còn với cả người sáng tạo.
 
Nguyễn Du, với sự nghiệp đồ sộ của mình, và nhất là với kiệt tác Truyện Kiều đã khẳng định được vị trí số một của mình trong nền văn học Việt Nam và từng bước chiếm lĩnh văn đàn thế giới.
 
Như vậy, ảnh hưởng của Nguyễn Du, Truyện Kiều tới văn học nước nhà là không thể phủ nhận. Tuy nhiên trong bài viết nhỏ này, chúng tôi chỉ tập trung vào vấn đề ảnh hưởng đó tới chính quê hương Nguyễn Du - vùng đất Nghi Xuân.
 
1.2 Nguyễn Du, Truyện Kiều với văn học dân gian Nghi Xuân
 
Ảnh hưởng qua lại giữa văn học dân gian và văn học viết là một chuyện tất yếu. Trong văn học, ảnh hưởng đó có tính chất hai chiều. Các tác giả văn học viết tiếp thu tinh hoa từ văn học dân gian, đến lượt mình, văn học dân gian lại tiếp nhận ảnh hưởng từ văn học viết.
 
Nguyễn Du từng viết: "Thôn ca sơ học tang ma ngữ" (Tiếng hát nơi tôn dã giúp ta biết ngôn ngữ trong nghề trồng dâu trồng gai). Tâm sự của Nguyễn Du đã nói lên sự gắn bó giữa văn chương nghệ thuật với lời ăn tiếng nói của nhân dân lao động. Với Nguyễn Du, nhân dân ở đây trước hết là những con người ở chính quê hương ông, ở làng nón Tiên Điền Nghi Xuân, ở làng Trường Lưu thuộc huyện Can Lộc... Truyền thông gia đình, văn hóa thôn xóm, ví dặm dân ca, ca dao tục ngữ,... của quê hương đã đi vào thơ văn Nguyễn Du một cách tự nhiên như vậy.
 
Không khó để có thể nói tới sự tiếp nhận văn học dân gian, văn hóa dân gian trong sáng tác của Nguyễn Du, nhất là trong Truyện Kiều: đó là thể thơ lục bát, là tình điệu ví dặm trong âm điệu thơ Kiều, là ngôn ngữ dân gian (cả ngôn ngữ thanh nhã lẫn thông tục), là những câu thơ Kiều ảnh hưởng ca dao. Ví như câu Kiều: Vầng trăng ai xẻ làm đôi / Nửa in gối chiếc nửa soi dặm đường (1525, 1526)  gợi nhớ câu ca dao:  Vầng trăng ai xẻ làm đôi / Đường trần ai vẽ ngược xuôi hỡi chàng... Câu Kiều: Một nhà sum họp trúc mai/ Càng sâu nghĩa bể, càng dài tình sông (1381, 1382)... Các từ và cụm từ trúc mai, trong ấm ngoài êm,... trong Truyện Kiều được lấy từ kho tàng thơ ca dân gian người Việt.
 
Đến lượt mình, văn học dân gian đất Nghi Xuân lại tiếp nhận ảnh hưởng từ gia thế, sáng tác của Nguyễn Du. Nguyễn Du và sáng tác của ông đã trở thành một đề tài của văn học dân gian đất Nghi Xuân. Chỉ người Nghi Xuân mới hiểu rõ gia thế của Nguyễn Du, mới viết được những câu ca như:
 
                                    Bao giờ Ngàn Hống hết cây
                                    Sông Rum hết nước họ này hết quan
 
Những đôi lứa yêu nhau họ mượn chuyện tình Thúy Kiều Kim Trọng để nói hộ lòng mình:    
        
                                                Sen xa hồ, sen khô hồ cạn,
                                    Liễu xa đào liễu ngả liễu nghiêng
                                                 Anh xa em nhơ bến xa thuyền
                                Như Thúy Kiều xa Kim Trọng biết mấy niên cho tái hồi.
 
1.3 Nguyễn Du, Truyện Kiều với văn học viết ở Nghi Xuân
 
Ảnh hưởng của Nguyễn Du tới văn học viết không chỉ là ở một vùng đất nhỏ. Nguyễn Du và Truyện Kiều chiếm lĩnh cả văn đàn trong nước và thế giới. Rất nhiều nhà văn nhà thơ Việt Nam đã viết về Nguyễn Du. Có những bài thơ của các tác giả nổi tiếng như: Kính gửi cụ Nguyễn Du của Tố Hữu; Nhớ Tố Như của Huy Cần; Gửi Kiều cho em năm đánh Mĩ của Chế Lan Viên; Bài học nhỏ về nhà thơ lớn của Tế Hanh; Bên mộ cụ Nguyễn Du của Vương Trọng,... Ngoài ra còn có rất nhiều truyện ngắn và tiểu thuyết viết về Nguyễn Du.
 
Trên thế giới, nhiều nhà văn nhà thơ ngưỡng mộ Nguyễn Du và viết về ông. Đơn cử mấy câu thơ trong bài Từ những điều Nguyễn Du dạy của nhà thơ Hungari H. Andrasơ :    
                         
                                                 Anh đừng nói: Trời cao
                                                Xin hãy nói: Màu xanh trùm bể khổ
                                                ... Anh đừng nói: Suối vàng
                                                Xin hãy nói: Tơ đời không thể dứt...
 
Chúng tôi muốn nhấn mạnh đến tấm lòng của những người con đất Nghi Xuân đối với Nguyễn Du. Phải chăng vì Nghi Xuân là một vùng "Địa linh nhân kiệt" nên thời nào cũng có nhiều anh tài. Hiện nay trong Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Tĩnh, hội viên của hội là người Nghi Xuân chiếm số lượng khá nhiều và có ở cả các lĩnh vực: Văn xuôi, Thơ, Sân khấu, Âm nhạc, Kiến trúc, Hội họa, Nhiếp ảnh... Những người đang đi trên con đường Nguyễn Du đã đi, bước tiếp chặng đường Nguyễn Du đã bước. Trong sáng tác của họ, Nguyễn Du, Truyện Kiều vẫn là một đề tài quen thuộc. Nguyễn Du và Truyện Kiều có mặt trong tranh của các họa sĩ, trong ảnh nghệ thuật của các nghệ sĩ nhiếp ảnh, trong kịch bản sân khấu, trong các ca khúc của các nhạc sĩ...
 
Nói riêng trong văn học, Nguyễn Du, Truyện Kiều luôn là một đề tài hấp dẫn và tươi mới. Cuối thể kỉ 19, danh nhân Nguyễn Công Trứ - một người con đất Nghi Xuân làm thơ Vịnh Thúy Kiều:
 
                                    Đã biết má hồng thời phận bạc 
                                    Trách Kiều nhi chưa vẹn tấm lòng vàng 
                                    Chiếc quạt thoa đành phụ nghĩa Kim lang 
                                    Nặng vì hiếu, nhẹ vì tình thời cũng phải 
                                    Từ Mã Giám Sinh cho đến chàng Từ Hải 
                                    Cánh hoa tàn đem bán lại chốn thanh lâu 
                                    Bấy giờ Kiều còn hiếu vào đâu 
                                    Mà bướm chán ong chường cho đến thế? 
                                    Bạc mệnh chẳng lầm người tiết nghĩa 
                                    Đoạn trường cho đáng kiếp tà dâm! 
                                    Bán mình trong bấy nhiêu năm 
                                    Đố đem chữ hiếu mà lầm được ai! 
                                    Nghĩ đời mà ngán cho đời!
 
Những người viết văn ở đất Nghi Xuân vẫn tiếp tục đề tài về Nguyễn Du, Truyện Kiều, họ đã viết và in thành các tập như: "Bóng thi nhân", "Danh sĩ vịnh Kiều" (Đặng Thanh Quê chủ biên) "Theo bước Thanh Hiên" (CLB UNESCO thơ Đường Nghi Xuân)...
 
Điều đó một lần nữa khẳng định ảnh hưởng của Nguyễn Du, Truyện Kiều với văn học trên đất Nghi Xuân là có thực.
 
2. Trò Kiều, một hình thức sinh hoạt văn hóa độc đáo trên đất Nghi Xuân.
 
Trong sinh hoạt văn hóa của người dân Nghi Xuân, có một hình thức sinh hoạt văn hóa hết sức độc đáo, đó là Trò Kiều.
 
2.1 Trò Kiều.
 
Trò Kiều là loại hình nghệ thuật được chuyển tác từ Truyện Kiều, bao gồm hát, diễn xuất và làm trò, trong đó lời ca được pha trộn giữa ca Huế, tuồng, chèo, ngâm, lẩy Kiều,.. với ca trù, dân ca Nghệ Tĩnh. Tuy trò Kiều được kết hợp từ nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau nhưng nội dung cốt lõi vẫn xoay quanh Truyện Kiều.
 
Trò Kiều có không gian diễn xướng ở cả 3 miền của đất nước, nhưng đối với người dân huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh – Nơi chôn nhau cắt rốn của Nguyễn Du thì trò Kiều luôn sống trong lòng họ không phải vì thiếu cái đễ diễn, để hát, cũng không phải diễn để kiếm tiền, mà vì lòng đam mê nghệ thuật trò Kiều.
 
2.2 Nguồn gốc xuất hiện trò Kiều ở Nghi Xuân.
 
Khoảng cuối thế kỷ XIX, ở vùng Bắc Nghệ An, Truyện Kiều được chuyển thể sang trò Kiều. Trò Kiều về quê hương tác giả Truyện Kiều vào khoảng những năm 1920, tức 100 năm sau khi cụ Nguyễn Du qua đời, do người Đằng ngoài vào làm ăn rồi lập phường hát (người Hà Tĩnh gọi cư dân vùng Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu (Nghệ An) là người Đằng ngoài). Hát trò nghĩa là có hát, có diễn và có làm trò vui. Kịch bản của một vở trò Kiều được xây dựng dựa trên cốt Truyện Kiều và hầu như không thay đổi. 
 
Trò Kiều phát triển mạnh mẽ nhất ở Nghi Xuân có lẽ là vào khoảng những năm 1957, toàn huyện Nghi Xuân có 6 xã có đội hát diễn trò Kim Vân Kiều: Tiên Điền, Xuân Thành, Cổ Đạm, Xuân Lĩnh, Xuân Liên... Trải qua hai cuộc chiến tranh, phong trào hát trò Kiều rời rạc rồi tan rã dần. Đến nay chỉ còn Tiên Điền và Xuân Liên là hai địa phương có đội diễn trò Kiều còn tồn tại và phát triển đến bây giờ. Song, với nhiều thể loại âm nhạc hiện đại đan xen vào cuộc sống nên trò Kiều ít nhiều bị mai một và gần như lãng quên.
 
2.3 Ý nghĩa của Trò Kiều với đời sống văn hóa người dân Nghi Xuân
 
Trò Kiều trước hết giải quyết nhu cầu giải trí của người dân Nghi Xuân, nhất là trong lúc các phương tiện thông tin và văn hóa giải trí chưa phát triển. Thời đó, những đêm diễn ra Trò Kiều, dù bận rộn mấy người ta cũng thu xếp công việc để đến sân diễn xem diễn trò. Khán giả xem trò Kiều không chỉ người trong xã, mà đông đảo người dân các xã lân cận đều nô nước đến xem. Ngày diễn trò Kiều thực sự trở thành ngày hội sinh hoạt văn hóa của người dân Nghi Xuân.
 
Trò Kiều là một cách để người dân Nghi Xuân thể hiện lòng tôn kính đối với đại thi hào Nguyễn Du, cũng là biểu hiện của tiếng nói tri âm đối với ND, người từng băn khoăn "Bất tri tam bách dư niên hậu / Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như" (Độc Tiểu Thanh kí).
 
Nhưng hơn hết, đến với Trò Kiều, người dân Nghi Xuân ngoài việc thưởng thức, còn được tiếp nhận nhiều bài học giá trị để vận dụng vào cuộc sống của mình: đó là bài học về đạo hiếu, về tình yêu say đắm, về khát vọng tự do...
 
Rất tiếc, cho đến bây giờ, trò Kiều đang bị mai một trong đời sống văn hóa đất Nghi Xuân. Hy vọng rằng với sự quan tâm của chính quyền, với nhiệt tâm phục hồi của các nghệ nhân dân gian, trò Kiều lại sớm được khôi phục, tiếng trống trò lại nổi lên trong đêm, thu hút người dân Nghi Xuân về với đất Xuân Liên, Tiên Điền...
 
3 Truyện Kiều với đời sống văn hóa tâm linh người dân Nghi Xuân.
 
3.1 Văn hóa tâm linh. Trong sách Văn hóa gia đình Việt nam và sự phát triển viết: "Trong đời sống con người, ngoài mặt hiện hữu còn có mặt tâm linh. Về mặt cá nhân đã như vậy, mà mặt cộng đồng (gia đình, làng xã, dân tộc) cũng như vậy. Nếu mặt hiện hữu của đời sống con người có thể nhận thức qua những tiêu chuẩn cụ thể sờ mó được, có thể đánh giá qua những cụ thể nhất định, thì về mặt tâm linh bao giờ cũng gắn với cái gì đó rất trừu tượng, rất mông lung, nhưng lại không thể thiếu được ở con người. Con người sở dĩ trở thành con người, một phần căn bản là do nó có đời sống tâm linh. Nghĩa là tuân theo những giá trị bắt nguồn từ cái thiêng liêng, cái bí ẩn, những giá trị tạo thành đời sống tâm linh của nó" (Lê Minh chủ biên, Văn hóa gia đình Việt nam và sự phát triển, NXB Lao động, H- 1994, tr 36). Như vậy, trong đời sống tinh thần của con người thực sự có khía cạnh tâm linh. Tâm linh là cái thiêng liêng cao cả trong cuộc sống đời thường, là niềm tin thiêng liêng trong cuộc sống tín ngưỡng tôn giáo.
 
3.2 Bói Kiều là nét văn hóa tâm linh lâu đời của người Việt. Truyện Kiều trở thành sách bói vì trong 3254 câu thơ lục bát đã gói ghém hầu hết mọi cảnh ngộ của cuộc đời. Mọi người, bất kể là ai, có thể tìm ra trong những câu Kiều những ý thơ hợp với hoàn cảnh của mình.
 
Ông Đỗ Ngọc Trang, cựu giáo sư Việt văn Trung học Kiến Tường, Elk Grove, Kalifornia từng nhận định: "Nếu có những tác phẩm nghệ thuật gây ra mối cảm xúc trong tâm hồn độc giả cũng là điều dễ hiểu. Nhưng tin những nhân vật trong truyện có thật, mà mình có thể cầu nguyện với họ, là một chuyển hóa tâm linh. Đó là trường hợp khác thường của Truyện Kiều. Niềm tin này đã tác động tới lãnh vực bói toán và tạo nên phong tục bói Kiều ".
 
Theo học giả Phan Kế Bính (1875 - 1921): "Bói Kiều là mình có việc gì muốn được biết hay dở đường nào thì khấn với Thúy Kiều, Kim Trọng xin cho mấy câu dòng nào, gặp chỗ nào thì lấy mấy câu thơ ở trang ấy mà đoán. Cách này là một cách bói chơi, nhưng cũng nhiều khi, nhiều người cho là nghiệm" (Việt Nam phong tục, chương XXI).
 
Các học giả xác định bói Kiều có từ lâu đời. Trong tác phẩm Lều chõng của Ngô Tất Tố có miêu tả cảnh bói Kiều. Như vậy, có thể nói bói Kiều đã có từ thời mà các Nho sinh ì ạch vác lều chõng đi thi, tức từ thế kỉ XIX. Sau đó, khi ấn phẩm bản chữ Nôm và sau đó là bản chữ quốc ngữ Truyện Kiều phát hành, bói Kiều càng phổ biến rộng hơn.
 
Bói Kiều là cách dùng các quẻ bói theo thơ Kiều để đoán tương lai, mang tính cảnh báo, răn đe, nhắc nhở mọi người suy nghĩ, tự vấn về những việc đã làm hay sẽ làm. Câu thơ dùng để bói hoàn toàn độc lập với nội dung Truyện Kiều. Nghĩa là người bói chỉ căn cứ vào biểu tượng mà câu thơ nêu ra chứ không phụ thuộc vào xuất xứ hay sự tích của câu thơ đó. Chẳng hạn, bói nhằm câu về Sở Khanh không có nghĩa là xấu, bói nhằm câu Thúy Kiều, Thúy Vân chưa hẳn đã gặp điều tốt.
 
Thuở trước bói Kiều là một trong những tục lệ của ngày Tết. Người ta bói Kiều để xem vận hạn cả năm ra sao (niên hạn). Đó là nghi lễ nghiêm chỉnh. Sau này người ta xem bói Kiều như một thú chơi tao nhã của bản thân, hoặc với bạn bè, người thân bất kể vào thời điểm nào trong năm. Và những khi gặp khó khăn, hay trước lúc làm việc lớn, trước lúc đi xa... người ta lại mở sách Kiều ra để tìm nguồn động viên an ủi.
 
Điều đặc biệt trong đời sống văn hóa tâm linh người Việt là thích xem bói toán. Nhưng khác với những cách bói thuộc về mê tín dị đoan từng bị xã hội lên án, bói Kiều lại là một thú chơi văn hóa tâm linh lành mạnh của người Việt, nó không mang màu sắc dị đoan.
 
Trong thực tế, tồn tại ba cách bói Kiều: bói Kiều theo sách bói toán (hiện nay trên thị trường có sách bói Kiều như: Bói Kiều, bình Kiều, vịnh Kiều của Đan Quế); bói Kiều theo giáo lí Phật giáo; và bói Kiều theo kiểu dân dã, đây cũng là cách bói Kiều phổ biến nhất.
 
Theo kiểu dân dã, trước khi bói Kiều, người bói thường chắp tay tụng câu: "lạy vua Từ Hải, lạy vãi Giác Duyên, lạy tiên Thúy Kiều, lạy thầy Kim Trọng, Thúc Sinh..., con tên là..., ngày tháng năm sinh, hiện trú tại..., Con xin một quẻ về đường (công danh, nhân duyên, tiền tài...)...". Khấn xong, người bói nhắm mắt lại (hoặc mở mắt nhưng không có ý nhìn), mở cuốn Truyện Kiều ra, lấy tay đặt vào một điểm trên trang sách, rồi mở mắt ra đọc câu thơ mà ngón tay mình đặt vào, đó chính là câu ứng với việc mình xin, sau đó tùy ý của câu thơ mà luận giải. Trong đó có chú ý: người nam chỉ sách bằng tay trái , người nữ bằng tay phải. Ví dụ bắt được câu: Đã nguyền hai chữ đồng tâm (555)/ Ai lay chẳng chuyển ai rung chẳng rời (2522),  luận là nói về sự chung thủy trong tình duyên; nếu trúng câu: Song thu đã khép cánh ngoài (1073)/ Hay là khổ tận đến ngày cam lai? (3210), luận là: khó khăn đã qua rồi và tương lai có vẻ khả quan hơn.
 
Người dân Nghi Xuân tiếp nhận nét văn hóa tâm linh này như một thú chơi tao nhã, chứ không vì mê tín. Điều đó thêm một lần nữa khẳng định Truyện Kiều có một chổ đứng nhất định trong đời sống văn hóa tâm linh của người dân Nghi Xuân.
 
4. Nguyễn Du với ngành du lịch Nghi Xuân.
 
4.1 Tiềm năng du lịch của Nghi Xuân
 
Nghi Xuân là huyện nằm ở phía Bắc tỉnh Hà Tĩnh, là một vùng đất giàu tiềm năng du lịch, và là điểm đến của nhiều du khách gần xa. Chảy dài theo hướng Bắc huyện Nghi Xuân là dòng sông Lam êm đềm thơ mộng, dòng sông ngăn cách giữa thành phố Vinh tỉnh Nghệ An với Nghi Xuân, có chiều dài 18 km. Phía Tây có dòng sông La ngăn cách giữa huyện Nghi Xuân với huyện Đức Thọ. Phía đông Nam và phía Nam huyện Nghi Xuân là dãy núi Hồng Lĩnh vững chãi gắn với nhiều truyền thuyết cổ xưa với chiều dài đến 25 km. Phía Đông là biển Đông, với 32 km bờ biển, nơi đây có những bãi tắm nổi tiếng như bãi tắm Xuân Thành, Xuân Yên... Nghi Xuân còn có những cánh đồng bát ngát, thẳng cánh cò bay, có những "cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia" (Truyện Kiều (1036), Nguyễn Du), có nhiều di tích lịch sử văn hóa, đền đài miếu mạo, "Hồng Sơn liệt chướng - Đan Nhai qui phàm"...
 
Nghi Xuân còn là nơi có nhiều địa chỉ du lịch tâm linh như đền Chợ củi (thờ công chúa Liễu Hạnh và thờ Quan Hoàng Mười) với nhiều huyền thoại được lưu truyền trong dân gian; Cây đa Gia Lách, nơi chứng tích của thời kỳ Xô- viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931; chùa Thanh Lương, Đền Huyện...
 
Đến Nghi Xuân, du khách còn được nghe hát ví đò đưa, hoặc nghe hát ca trù Cổ Đạm, hát trò Kiều ở Tiên Điền, Xuân Liên...
Nghi Xuân còn là vùng đất "Địa linh nhân kiệt", nơi đã sinh thành và nuôi dưỡng nhiều bậc hiền tài, nhiều danh nhân khoa bảng cho đất nước qua bao thế hệ, như Nguyễn Du, Nguyễn Khản, Nguyễn Công Trứ, Thánh địa lý Tả Ao và nhiều nghệ sĩ, giáo sư, tướng lĩnh...
 
Nghi Xuân còn có những món ăn đặc sản như rươi Xuân Giang, Xuân Hồng; cá thu, mực khô Xuân Hội, Cương Gián; dưa đỏ Xuân Hoa, Xuân Thành, Xuân Hồng; bánh kê, bánh đúc Xuân Giang, Tiên Điền...
 
Nghi Xuân là huyện có nhiều tiềm năng du lịch. Du khách qua Nghệ An, Hà Tĩnh không thể bỏ lỡ dịp thăm thú cảnh sắc và thưởng ngoạn đặc sản của quê hương Nghi Xuân. Nghi Xuân không chỉ là miền đất du lịch hấp dẫn trong tỉnh, còn là bước dừng chân đầy lí thú của du khách thập phương
 
4.2 Đóng góp của Nguyễn Du với ngành du lịch Nghi Xuân.
 
Trong sự hấp dẫn du khách của vùng đất Nghi Xuân, không thể không nói tới đóng góp của Khu lưu niệm Nguyễn Du.
Khu lưu niệm Nguyễn Du hiện nay có tổng diện tích khoảng 28.562m2, thuộc địa bàn thôn Hồng Lam, xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân.
 
Khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du là một quần thể công trình kiến trúc thờ tự, tưởng niệm Nguyễn Du cùng những bậc tài danh kiệt xuất của dòng họ Nguyễn ở Tiên Điền, như Giới hiên công Nguyễn Huệ, Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm, Lam Khê hầu Nguyễn Trọng, Địch Hiên công Nguyễn Điều, Quế Hiên công Nguyễn Nễ... Những di sản văn hóa trong Khu di tích còn được bảo tồn có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học..., giúp chúng ta tìm hiểu về nguồn gốc, quá trình hình thành, phát triển, truyền thống văn hóa, khoa bảng... của dòng họ Nguyễn ở Tiên Điền cũng như việc nhìn nhận về cuộc đời, sự nghiệp, những đóng góp của Đại thi hào Nguyễn Du và dòng họ Nguyễn ở Tiên Điền cho nền văn học Việt Nam. Đây cũng là nguồn tư liệu đáng tin cậy để tìm hiểu về tín ngưỡng, phong tục tập quán, đời sống văn hóa tinh thần của làng quê Tiên Điền nói riêng, văn hóa làng xã Việt Nam nói chung trong sự phát triển của lịch sử dân tộc.
 
Nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa mà Đại thi hào Nguyễn Du cùng dòng họ Nguyễn Tiên Điền đã để lại cho quê hương, dân tộc và văn hóa thế giới, hàng năm tại Khu di tích thường tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, như:  Kỷ niệm năm sinh, năm mất của Đại thi hào; tổ chức các cuộc bình thơ, bình Kiều, diễn Kiều; tọa đàm văn chương; trao đổi về điển tích Truyện Kiều; sinh hoạt Câu lạc bộ Thơ và Ngày thơ Việt Nam… Đặc biệt, tháng 12 năm 1964, Hội đồng Hoà Bình thế giới đã Khuyến nghị lấy năm 1965 là năm Kỷ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Du trên toàn thế giới (cùng với 8 danh nhân khác đã có công đóng góp lớn cho nền văn hoá nhân loại). Nhân dịp Kỷ niệm 240 năm ngày sinh của Đại thi hào Nguyễn Du (1765 - 2005), Chính phủ đã đồng ý cho lập và triển khai Dự án Quy hoạch tổng thể khu văn hoá - du lịch Nguyễn Du; ngày 27/9/2012, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du thuộc xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh là Di tích quốc gia đặc biệt (Quyết định số 1419/QĐ-TTg).
 
Hằng năm, Khu lưu niệm Nguyễn Du đón hàng ngàn du khách trong nước và quốc tế. Đây là một địa chỉ văn hóa thu hút du khách thập phương. Nhờ vậy, nhiều người đến với vùng đất Nghi Xuân, góp phần quảng bá hình ảnh đất và người Nghi Xuân ra mọi niền đất nước.
 
Không chỉ thu hút du khách thập phương, Khu lưu niệm Nguyễn Du cũng là một địa chỉ hấp dẫn thu hút người dân Nghi Xuân đến với khu Lưu niệm để thưởng ngoạn, song còn đến để tự hào và để thể hiện niềm tri âm đối với Nguyễn Du - Đại thi hào dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới.
 
 
Phan Thế Toàn- Trường THPT Nguyễn Du (Nghi Xuân - Hà Tĩnh)
 (Tham luận Hội thảo khoa học  Nguyễn Du - Truyện Kiếu với quê hương Nghi Xuân)

Nghiên cứu thảo luận

Audio Guide

nguyendu.d.webcom.vn

Tham quan ảo 3D

nguyendu.d.webcom.vn

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website