Thứ hai, ngày 13-1-2025
|
Hành trình sáng tạo vở rối “Thân phận nàng Kiều” của NSND Tiến DũngNgày 29 tháng 03 năm 2020
NSND Tiến Dũng mong muốn đưa vở rối “Thân phận nàng Kiều” đi lưu diễn cả nước nhân dịp kỷ niệm 200 năm mất đại thi hào Nguyễn Du.
Dân trong nghề rối không lạ gì đạo diễn - NSND Nguyễn Tiến Dũng! Anh được coi là một trong những nghệ sĩ có nhiều đóng góp sáng tạo nhất cho nghệ thuật múa rối nước nhà. Không được đào tạo bài bản về rối, nhưng Nguyễn Tiến Dũng là con nhà nòi của nghệ thuật múa rối (cha anh là NSƯT Hoàng Luận, một trong 7 nghệ sĩ đầu tiên đặt nền móng xây dựng Nhà hát Múa rối Việt Nam).
Đạo diễn Nguyễn Tiến Dũng tâm sự, anh đã ấp ủ làm vở Kiều từ cách đây 10 năm: “Khi đó tôi đang học đạo diễn tại trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, thầy tôi là NSND Ngọc Phương. Lúc thi tốt nghiệp, tôi có nói với thầy Phương là tôi muốn làm tác phẩm Kiều của cụ Nguyễn Du. Sau đó tôi về nghĩ đi nghĩ lại thì không dám làm bởi thứ nhất là chưa hiểu lắm về Truyện Kiều, chưa cảm thấy tự tin để làm; thứ hai là vốn nghề và kinh nghiệm chưa nhiều khiến mình mất tự tin. Đến phút cuối cùng đăng ký bài tốt nghiệp tôi không làm Kiều mà làm một tác phẩm khác”.
Rối “Thân phận nàng Kiều”
Trong suốt 10 năm sau đó, hình ảnh nàng Kiều cứ lẩn khuất trong tâm trí NSND Nguyễn Tiến Dũng. Đến giữa năm 2019, khi hay tin về việc chuẩn bị có một liên hoan sân khấu có yếu tố thử nghiệm khuyến khích các nghệ sĩ tìm tòi, sáng tạo cái mới, Nguyễn Tiến Dũng mới nghĩ "không phải lúc này thì còn lúc nào". Nhưng đến lúc bắt tay vào làm thì khó khăn thử thách cứ liên tiếp hiện ra.
Khó khăn đầu tiên là phần kịch bản. Nguyễn Tiến Dũng cho biết, anh đã nghiên cứu kịch bản Truyện Kiều chuyển thể sang cải lương, chèo… nhưng chuyển thể sang rối thì bó tay! Anh bèn cầu cứu đến NSƯT Lê Chức! Và chỉ trong một thời gian ngắn thì kịch bản vở rối “Thân phận Nàng Kiều” ra đời, do NSƯT Lê Chức và nhà văn Nguyễn Hiếu chấp bút. Đến lúc này lại xuất hiện khó khăn thứ 2: tạo hình con rối.
Là người lăn lộn lâu năm với loại hình nghệ thuật truyền thống này, bản thân NSND Nguyễn Tiến Dũng ý thức rất rõ những ưu điểm và hạn chế của múa rối khi thể hiện một tác phẩm kinh điển như Truyện Kiều: “Điểm yếu lớn nhất là con rối rất khó diễn thân phận, vì mặt con rối vô tri vô giác. Họa sỹ giỏi sẽ tạo nên hồn cốt cái mặt ấy bằng nét vẽ. Còn để thể hiện khóc, cười, tâm trạng, rồi vui vẻ, sung sướng, đau khổ… thì rối không có cơ mặt”.
Đối với công đoạn tạo hình con rối, một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định thành công, đạo diễn Nguyễn Tiến Dũng quyết định gửi gắm cho người bạn, người anh lâu năm là họa sĩ Lê Đình Nguyên, người có 30 năm kinh nghiệm trong công việc này.
Thông thường, với một vở diễn múa rối phải mất ít nhất 6 tháng để tạo hình con rối, từ khâu vẽ ma-két trên giấy đến hoàn thiện con rối bằng gỗ. Nhưng với vở “Thân phận Nàng Kiều”, họa sĩ Lê Đình Nguyên chỉ có 1/3 thời gian để thực hiện công việc của mình.
Họa sĩ Lê Đình Nguyên chia sẻ: “Ở vở Kiều này, do lịch của Liên hoan Sân khấu thử nghiệm Quốc tế quá gấp, khi tôi vẽ xong ma-két thì đạo diễn Nguyễn Tiến Dũng nói là ‘chúng ta chỉ còn 20 ngày nữa để làm con rối thôi’. Với số lượng gần 30 nhân vật của vở Kiều đồ sộ như thế tôi bảo ‘bó tay, không làm được’. Thế nhưng rồi vì đam mê thì chỉ có 22 ngày thôi mà tôi đã hoàn thành tất cả. Trong 22 ngày đó tôi hầu như không ngủ. Mệt đến mức chỉ ăn sâm mà làm, có những đêm làm trắng đêm luôn”.
Thời gian gấp rút như thế nhưng con rối tạo hình ra vẫn phải đẹp, ấn tượng với người xem. Họa sĩ Lê Đình Nguyên cho biết, áp lực lớn nhất với ông là làm sao để có những nhân vật mà vừa bước ra sân khấu “khán giả phải ồ lên, a đó là Thúy Kiều, a đó là Từ Hải, là Hồ Tôn Hiến, là Sở Khanh” nhưng cũng lại phải mang vẻ độc đáo sáng tạo riêng, không lẫn với những tác phẩm của các họa sĩ đi trước như Nguyễn Tư Nghiêm, Thành Chương…
Theo họa sĩ Lê Đình Nguyên, việc tạo hình con rối trong vở này có dấu ấn lớn của đạo diễn Nguyễn Tiến Dũng: “Nếu như vở này tôi không làm việc với đạo diễn Nguyễn Tiến Dũng thì không ra được tạo hình các nhân vật Kiều như thế. Ví dụ đầu tiên tôi vẽ nhân vật Thằng bán tơ. Đây là một nhân vật gian giảo, mặt lưỡi cày, thế là tôi biến nó thành lưỡi cày luôn. Trang phục Thằng bán tơ cũng là một miếng giẻ rách. Hay Sở Khanh, nó là 2 mặt, một mặt là cực đểu của một thằng lừa gái, một mặt là thư sinh nho nhã. Trong tạo hình đấy, đạo diễn Nguyễn Tiến Dũng nói rằng nên làm 2 mặt để lật mặt. Chính những trao đổi với một đạo diễn có tài như thế góp sức cho tạo hình của tôi rất nhiều”.
Với một vở diễn xoay quanh cuộc đời nàng Kiều thì nhân vật này là quan trọng nhất, khiến họa sĩ Lê Đình Nguyên trăn trở suy nghĩ rất lâu, để rồi ý tưởng đến với ông rất tình cờ:
“Xây dựng nhân vật Nàng Kiều thì tôi thất bại rất nhiều, vẽ ra mấy chục lần nhưng bản thân mình không ưng ý. 2 đêm liền tôi trăn trở mà không vẽ được. Sáng hôm sau đến nhà hát, tôi nói với đạo diễn cho diễn viên tập lớp cảnh của Kiều. Nhạc lên, diễn viên ra, tôi nhắm mắt lại, lúc bấy giờ một ý nghĩ chợt lóe lên: đầu Nàng Kiều phải như một cây đàn tỳ bà. Bởi vì những trường đoạn cuộc đời Kiều đền gắn liền với cây đàn. Lúc gặp mối tình Kim Trọng cũng là Kiều chơi đàn. Rồi khi cuộc đời Kiều bị đẩy đến tình cảnh khốn cùng của thân phận người đàn bà lúc phải chơi đàn trong cơn ghen cuồng nộ của Hoạn Thư. Thế rồi đến đoạn chết đứng của Từ Hải cũng là Kiều đánh đàn. Điều thú vị của vở diễn này là tất cả các nhân vật ra sân khấu là khán giả nhận ra ngay”.
Có kịch bản, có con rối, thêm phần âm nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến và Đức Minh, đạo diễn Nguyễn Tiến Dũng và ê-kíp hơn 30 nghệ sĩ Nhà hát múa rối Việt Nam lao vào tập luyện ngày đêm để kịp trình diễn tại Liên hoan Sân khấu thử nghiệm Quốc tế lần thứ 4. Ngày nào họ cũng tập 3 ca: sáng, chiều, tối. Tập mệt đến nỗi cơm chẳng buồn ăn; buổi trưa nằm lăn ra sàn tập mà ngủ. Cá nhân đạo diễn Nguyễn Tiến Dũng hô hào khản cả tiếng, nhiều bữa chỉ uống sữa để lấy sức đốc thúc anh em tập luyện.
“Chúng tôi phải mò, mò về hình thức biểu diễn, cách thức thể hiện, mò về âm nhạc, mò về trang trí mỹ thuật. Trong một tháng trời tất cả đều chạy hết tốc độ. Diễn viên ngơ ngác lắm, ban đầu không biết thế nào vì vở diễn chỉ là hình dung của tôi thôi, các bạn ấy không biết hình dung thế nào vì vở này cũng không giống những vở các bạn từng làm. Các bạn ấy cứ đi trong đường hầm, tôi bảo gì các bạn làm nấy. Phải nói tôi rất cám ơn các nghệ sĩ ở đây! Các bạn rất thông minh, rất có trách nhiệm với vai diễn” - đạo diễn Nguyễn Tiến Dũng cho biết.
Đạo diễn Nguyễn Tiến Dũng tâm sự, những lúc khó quá không biết làm sao, anh lại chắp tay cầu xin cụ Nguyễn Du "mong Cụ phù hộ cho chúng con tái hiện thành công nàng Kiều, duy trì sức sống cho tác phẩm kinh điển của cụ". Cuối cùng, công sức của các nghệ sĩ Nhà hát Múa rối Việt Nam đã được tưởng thưởng xứng đáng.
“Thân phận Nàng Kiều” giành 4 giải thưởng tại Liên hoan Sân khấu thử nghiệm Quốc tế lần thứ 4 gồm: Đạo diễn xuất sắc nhất, Họa sĩ tạo hình xuất sắc nhất và 2 giải vàng dành cho các diễn viên.
Diễn viên NSƯT Nguyễn Thế Long, vai Thúc Sinh nói: “Tôi rất tự hào vì ngành rối lần đầu tiên thể hiện được một tác phẩm lớn, kinh điển của Việt Nam. Khó như thế mà chúng tôi đã vượt qua được. Phải nói là vở diễn này đã nâng tầm múa rối Việt Nam”.
Sau khi “Thân phận Nàng Kiều” được giới chuyên môn đánh giá cao, mong mỏi lớn nhất của đạo diễn Nguyễn Tiến Dũng là có thể đem vở diễn này đi lưu diễn cả nước trong năm nay nhân kỷ niệm 200 năm mất đại thi hào Nguyễn Du: “Tôi vô cùng mong muốn được giới thiệu tác phẩm của cụ Nguyễn Du bằng nghệ thuật múa rối đến khán giả cả nước. Điểm diễn đầu tiên tôi muốn đặt chân đến sẽ là Hà Tĩnh, quê hương của cụ. Sau đó có thể là các thành phố khác, vào đến TP.HCM”.
Theo Anh Tuấn/VOV.Vn
Tin tức sự kiện
| Audio GuideTham quan ảo 3D
Thư viện phim tư liệu
Bộ đếm lượt truy cậpLiên kết Website |