Theo gia phả họ Nguyễn - Tiên Điền: Nguyễn Nễ húy là Nễ, tự Nhất Quế, hiệu Quế Hiên, sau đổi là Đề, hiệu Tỉnh Hiên, biệt Văn thôn cư sĩ. Nguyễn Nễ sinh ngày 13 tháng 2 năm Tân Tỵ (1761) tại phường Bích Câu (Thăng Long - Hà Nội). Lên 5 tuổi được tập ấm Hoằng tín đại phu, Trung thành môn vệ úy xuất thân, tước Khuê nhạc bá. Thiếu thời ông học giỏi nổi tiếng, kết bạn cùng 9 người trong đó có anh vợ Đại thi hào Nguyễn Du là Đoàn Nguyễn Tuấn hợp thành nhóm mười người cùng dự giảng.

 


Năm Kỷ Hợi (1779) đứng đầu bảng trong kỳ thi vào Quốc Tử Giám. Năm 23 tuổi, Nguyễn Nễ thi khảo hạch đứng đầu huyện Thọ Xương, lại đứng đầu huyện Đông Ngạn, tháng 9 năm 1783 ứng tuyển đạo Phụng Thiên, hai kỳ đều đứng đầu. Tháng 10 thi Hương trường Phụng Thiên trúng Tứ trường, phúc thí hợp cách đậu cùng khoa với em là Nguyễn Nhưng và cháu là Nguyễn Thiện. Thời bấy giờ có người làm thơ mừng ông: “Danh tiếng ở kinh đô ba năm liền đầu bảng/ Bằng cứ ở gia đình mỗi năm là một mới”.


Năm Bính Ngọ (1786), Nguyễn Nễ được triều đình Lê -Trịnh sung Thị nội Văn chức khâm thị nhật giảng, sau thăng Hàn lâm viện cung phụng sứ, làm nhiệm vụ tiếp đón sứ thần nhà Thanh. Tiếp đó giữ chức Phó tri thị nội thư tả lại phiên, gia thăng Thiêm thư Khu mật viện, tước Đức phái hầu, quản phẩm nhất đội. Khi Tây Sơn khởi binh kéo ra Bắc Hà giương cao cờ khởi nghĩa “hò Lê diệt Trịnh” Nguyễn Nễ được Chúa Trịnh giao làm Hiệp tán quân cơ đạo Sơn Tây, chặn bước chân của đoàn “quân áo vải cờ đào”. Không cản nổi đại quân bách chiến bách thắng dưới sự chỉ huy của thiên tài quân sự Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ, quân đội họ Trịnh sụp đổ nhanh chóng. Quân Tây Sơn đem ngai vàng trả lại nhà Lê rồi rút về Phú Xuân. Khi vua Lê Chiêu Thống chạy sang Bắc quốc, Nguyễn Nễ chạy theo xa giá nhưng không kịp đành về quê ngoại lánh ẩn.


Năm Mậu Thân (1788) Quang Trung lên ngôi vua, nhờ có các bậc thức giả tiến cử Nguyễn Nễ được vua mời ra giúp việc, ông “miễn cưỡng” (nguyên văn trong gia phả) theo Tây Sơn được bổ làm Hàn lâm viện thị thư, sung vào đoàn tuế cống nhà Thanh nhằm giữ mối bang giao Nam - Bắc. Theo gia phả đúng Nguyên đán đoàn sứ bộ Tây Sơn đến Yên Kinh. Vua Càn Long mở yến tiệc tại gác Tử Quang để tiếp đãi sứ thần, sứ giả nước Nam họa thơ theo âm vần, Nguyễn Nễ họa thơ ngự chế dâng lên được vua khen và ban thưởng cho ông một súc đoạn lớn, hai hộp bút mực của vua dùng, hai cuộn giấy quyển. Sự kiện này sách Nghi Xuân địa chí của Đông hồ Lê Văn Diễn có chép: “..Ông là người đầu tiên đi sứ nhà Thanh của dòng họ Nguyễn - Tiên Điền. Ông được cử đi sứ nhà Thanh hai lần. Các bài thơ ứng chế ông làm được vua nhà Thanh khen và ban thưởng vì vậy người “thượng quốc” đều biết tên ông.


Sau khi đi sứ trở về, Nguyễn Nễ được vua Quang Trung thắng chức Đông các Đại học học sĩ, gia thăng Thái sử thự Tả nghi lang tước Tuyên thành hầu. Năm Quý Sửu (1793) niên hiệu Cảnh Thịnh được sung cơ mật viện, chuyên soạn thảo văn thư công vụ. Năm Giáp Dần (1794) ông được thăng Tả phụng nghị bộ binh, thứ bậc Chánh tam phẩm, vua Cảnh Thịnh sai đến thành Quy Nhơn nhậm chức Hiệp tán quân vụ, cai quản tinh binh hiệu An nghĩa về xuất thân từ xã Tiên Điền. Năm Ất Mão (1795) Hoàng đế nhà Thanh truyền ngôi cho con, Nguyễn Nễ được sung vào Hành Khánh sứ sang tuế cống dâng lễ chúc mừng. Cuối mùa đông năm ấy, đoàn sứ bộ đến Yên Kinh (Bắc Kinh) được vào chầu dự yến trừ tịch tại điện Thái Hòa. Ngày Nguyên Đán (mồng một) năm Bính Thìn (1796) nhận lễ của Hoàng đế nhà Thanh, ông ứng chế dâng lên hai bài thơ được thưởng 10 xấp gấm đoạn và 3 đôi “ngự dụng hà bao”(túi lá sen của vua dùng). Ngày mồng 4 tết dự yến Thiên tẩu tại điện Hoàng Cực, ông ứng chế một bài thơ dâng vua được thưởng một cái chuôi “Thọ trượng”, một cái chuôi “Như ý”, 6 xấp gấm đoạn và “Văn phòng tứ bảo”. Ngày mồng 5 tết, ông dự yến tại gác Tử Quang được vua ban thưởng. Ngày rằm tháng giêng (tết Nguyên tiêu) dự yến Nguyên tiêu tại gác Sơn cao Thủy trường, ông lại làm thơ ứng chế dâng vua Gia Khánh được ban thưởng một xấp đoạn lớn và “Văn phòng tứ bảo”.


Trong thời gian đoàn sứ bộ nước ta lưu lại kinh đô nhà Thanh, Nguyễn Nễ được nhiều sứ thần các nước chư hầu mến mộ, kính trọng. Họ cùng ông đàm đạo văn chương kim cổ. Sự uyên bác của Nguyễn Nễ đã làm trí thức nhà Thanh kinh ngạc và thán phục. Sách Nghi Xuân địa chí chép: Vương Sĩ Cơ, quan trung hiến đại phu người Thanh viết tặng ông bốn chữ: “Hoan Châu danh gia”. Hoàng Phủ Lục tặng bức đại tự “Hồng Sơn thế phổ”. Chu Lễ tri phủ Tứ Thành tặng bức đại tự “Thiên môn tái đăng”. Theo gia phả họ Nguyễn - Tiên Điền thì Trung tiến đại phu Vương Sĩ Cơ tặng bức đại tự “Hoan quận danh gia”. Một vị hàn lâm không rõ tên gì tặng Nguyễn Nễ bức đại tự “Tinh Sà lưỡng phiếm”, sứ thần Cao Ly (Triều Tiên) cũng có thơ chúc mừng. Hiện nay hai bức đại tự “Hồng Sơn thế phổ” và “Thiên môn tái đăng” hiện đang trưng bày tại Khu di tích Nguyễn Du. Ngày 19, Nguyễn Nễ cùng đoàn sứ bộ từ giã vua Gia Khánh về nước, được dự buổi xem kịch và rước đèn, lại được thuyền rồng hộ giá tới vườn Phong Khánh.


Mùa thu năm Bính Thìn (1796) Nguyễn Nễ về nước được vua Cảnh Thịnh ban thưởng 40 mẫu “ruộng sứ”, thăng Trung thư tỉnh tả đồng nghị. Sau đó ông được vua cho về quê, rồi được vua Cảnh Thịnh sai quan trong triều đưa sắc ấn tới Nghệ An ban tặng, giao cho chức Hiệp trấn cùng quan Đồng tri trấn Nghệ An thi hành công vụ. Mùa đông năm Tân Dậu (1801) ông được giao nhiệm vụ hộ tống La sơn phu tử Nguyễn Thiếp vào kinh bàn bạc chống lại quân Gia Định. Khi Nguyễn Ánh đem đại binh đánh chiếm Phú Xuân, vua Cảnh Thịnh chạy ra Bắc Hà, Nguyễn Nễ bị kẹt lại kinh thành, phải chạy ra trình diện quy thuận quân Gia Định. Sách Nghi Xuân địa chí chép: “...Năm đầu Gia Long (1802) ông quy thuận được cho đem gia quyến về quê nhà”. Sự kiện Nguyễn Nễ quy thuận vua Gia Long, gia phả chép khác chút ít: ...tới kinh đô Phú Xuân, gặp lúc Cao hoàng đế - Gia Long giành được Phú Xuân, ông được yết kiến, lấy làm cố vấn vâng lệnh soạn Quốc âm khúc và biểu văn, được hoàng đế khen và ban thưởng tiền, y phục. Mùa hè năm Nhân Tuất (1802) ông làm người phát ngôn và chỉ đường hộ giá vua Gia Long đi thăm phương Bắc, rồi lưu lại Bắc thành dưới quyền quan tổng soái Nguyễn Văn Thành sai khiến thực hiện công vụ. Mùa hè năm Giáp Tý (1804) cho về quê nhưng được hơn một tháng ông lại được triệu về kinh lĩnh thưởng. Tháng 5 năm Ất Sửu (1805) vợ thiếp mất, ông được triều đình cho về quê, ba tháng sau vào kinh bị Đồng tri phủ Nguyễn Văn Chiêu bức ép, phẫn chí mà chết vào ngày 11 tháng 7, hưởng dương 45 tuổi.


Nguyễn Nễ là người hào hiệp, thích uống rượu làm thơ, trọng nghĩa khinh tài, nếu được bổng lộc thì phân phát cho người thân quen. Sau cơn binh hỏa xóm làng tiêu điều, ông dốc sức tu sửa Văn từ (thờ Khổng Tử), chùa chiền, đình làng và cầu chợ. Sách Nghi Xuân địa chí chép: “...Năm Tân Hợi (1791) quan hiệp trân Nguyễn Quang Dụ cho quân về vây ráp làng Tiên Điền phóng hỏa đốt cháy cả đình Tư văn này, may sao trước đó đã xây gạch đá nên ba mặt tường vẫn còn. Sau đó Nguyễn Đề (Nguyễn Nễ) con thứ Xuân nhạc công cho sửa chữa lại”. Công lao của ông đối với Nghi Xuân vô cùng to lớn, những đóng góp của Nguyễn Nễ từ việc khôi phục truyền thồng hiếu học của sĩ tử ở Nghi Xuân, tu bổ hội sở Tư văn hàng huyện và chùa chiền phục vụ tín ngưỡng cho các tầng lớp thiện nam, tín nữ trên quê hương. Ngoài ra ông còn bỏ tiền, công sức trong việc sửa chữa cầu cống giúp nhân dân trong vùng đi lại được thuận tiện.


Bên cạnh những đóng góp cho quê hương, Nguyễn Nễ còn có những đóng góp to lớn cho đất nước đặc biệt trong lĩnh vực ngoại giao được sử sách ghi nhận. Ông là người họ Nguyễn - Tiên Điền đầu tiên đi sứ nước ngoài (nhà Thanh) được vua Quang Trung giao nhiệm vụ dàn xếp hận thù dân tộc sau chiến trận. Bằng tài ngoại giao khéo léo, ông cùng các đồng sự đã bình thường được mối bang giao với nhà Thanh sau chiến thắng Kỷ Dậu, bước đầu xây dựng mối bang giao hòa bình, hữu hảo giữa hai dân tộc Việt -Trung và buộc nhà Thanh phải sai sứ giả vào Phú Xuân phong Vương cho người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ.


Những đòng góp về lĩnh vực ngoại giao của Nguyễn Nễ được triều Tây Sơn ghi nhận và đánh giá cao. Sau khi triều Tây Sơn sụp đổ, những công lao đóng góp của ông cho quê hương, đất nước không được các sử gia triều Nguyễn ghi chép nhiều và đánh giá không công bằng khách quan. Vì vậy đến nay những đóng góp của ông cho dân tộc Việt Nam trên lĩnh vực ngoại giao vẫn rất ít người biết đến và quan tâm nghiên cứu.