Nguyễn Điều anh là anh cùng cha khác mẹ của Đại thi hào Nguyễn Du. Ông sinh ngày 18 tháng 5 năm Ất Sửu dưới triều vua Lê Hiển Tông, niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 6 (1745) và mất vào ngày 31 tháng 7 năm 1786. Ông chính là người lập nên chi phái họ Nguyễn -Tiên Điền tại xã Sơn An, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh).

 


Trong cuốn “Xuân Tiên Nguyễn tộc thế phổ" do tiến sỹ Nguyễn Mai tục biên vào năm Canh Thìn (1940) ghi:  Nguyễn Điều có tên tục là Hi, hiệu Địch Hiên, mẹ là á thất Đặng Thị Thuyết. Sinh ra được ít tháng thì mẹ qua đời, ông được bà chính thất Đặng Thị Dương nuôi dạy. Hai tuổi được tập ấm Hiển cung đại phu. Sáu tuổi, đi học. Năm Kỷ Mão (1759), 15 tuổi, thi Hương trúng Tứ trường. Năm Cảnh Thìn (1760) thi Hội trúng Tam trường. Sung Thị nội văn chức. Lại được giữ chức Đại lý tự thừa. Năm Mậu Tý (1768) đổi viên quan Lại bộ Năm Kỷ Sửu (1769) thi Hội tái trúng Tam trường thăng Lại bộ lang trung, có công đánh giặc giữ trấn được quản Hãn trung hữu thuyền. Năm Giáp Ngọ (1774) nam chinh, đốc xuất nghĩa binh - lệ tả hữu quân có công - gia "ngũ tư" (?). Mùa đông năm ất Mùi (1775) có trở, từ việc quân về chịu tang.


Năm Mậu Tuất (1778) thi Hội lại trúng Tam trường, gặp dịp bọn hải phỉ quấy nhiễu, lấn vào đất Vị Hoàng, Hoằng Mẫn công tiến cử ông là người có thể đương đầu, tức thi từ nhà đã được phong là Điền Nhạc hầu lĩnh chức Đô chỉ huy sứ quản Nhất hùng cơ ra giữ đồn Bồng Hải, bảo vệ Trường An. Giặc lui. Bệ kiến, tường trần cơ tuyên phụng chỉ theo đường Hải Dương ra biển chiêu vụ giặc hàng. Dịp ấy, khoảng 10 tên ra thú.


Nhờ có công, ông được trấn thủ Hưng Hoá. Thời ấy, Hoàng Văn Đồng, phụ đạo Tụ Long làm phản, vây bức Tuyên Quang. Trấn sở Hưng Hoá cùng các nơi từ xa hưởng ứng. Ông trấn quân vào Bách Lẫm, công phá đồn luỹ giặc, khai thông - tướng suất quy mệnh.


Mùa đông năm Kỷ Hợi (1779) Hoằng Mẫn công kiêm 4 đạo thống lĩnh: Cao - Lạng - Tuyên - Hưng. Ông vâng lệnh hành binh đốc lĩnh tướng quân dẹp giặc. Xuất các đội: Nhất hùng thị trung, Tiền thị trung, Hậu hữu duệ thiện trung, Tả tính tiền duệ.. tiến vào đồn Bảo thắng, giả theo đường Khai Hoá, chuyên ra đằng sau lưng giặc, nhân đêm tối kết thành thế trận "trường xà" (rắn dài). Mỗi cờ dùng một bó đuốc, trống vỗ, quân reo ầm ĩ che bớt, ánh lửa, nghìn mũi liên lạc với nhau tập kích vào đồn Cốc Thọ đại phá. Bọn Tụ Long, Văn Đồng thấy vậy chạy trốn xa. Bọn Lý Đệ chốt cửa phủ Khai Hoá làm lễ đón mừng dâng 4 chữ: "Công cao lân các" và cặp câu đối viết lên tấm lụa vàng: "Phụ quốc công nghiệp thuỳ trúc bạch. An nhưỡng tính tự bá hà sơn" và phụng thưởng mỗi người một lá Kim bài. Ông và Hoằng Mẫn công đều từ chối không nhận.


Mùa xuân Canh Tý (1780) cùng Hoằng Mẫn công phụng chỉ ban sư, lại vì việc chưa ổn nên được lệnh, đổi giữ chức Trấn thủ Tuyên Quang. Đổi quản Tiền dực cơ. Được ban ấm "Thảo tặc tướng quân" (Tướng đánh giặc). Trở về làm việc như cũ, ông lại được giao Kinh lý Tụ Long. Xin nghỉ, về triều- Hội Vương phủ phế lập nghi khởi, Hoằng Mẫn công bị khiển trách, ông cùng từ trấn, giải ngũ, giáng chức quản thắng trung Trung hữu thuyền.


Mùa đông Nhâm Dân (1782) Đoan Nam vương nối ngôi Hoằng Mẫn công được phục hồi, giữ chức Lại bộ thượng thư. Ông phụng mệnh án trẩn thủ Hưng Hoá, quản Tiền thắng cơ, chiêu dụ bọn Sầm Trọng đồn Hạ Lỗ lai quy.


Mùa xuân Quý Mão (1783), có công, ông được thăng Trấn thủ xứ Hưng Hoá, quyền phủ sự vương phủ, kiêm Trưng vũ phủ Kiến Xương, được đặc mệnh: "Hữu sự tại trấn, vô sự tại triều" (được phép: có việc thì ở trấn, không việc về triều). Ông xin từ việc trấn. Mấy lần viết giấy, được chấp nhận.


Năm ấy, triều đình luận công. Ông được ban: Công thần. Ông từ, không nhận. Được gia 5 cấp, thăng Đồng tri Đô đốc Đô đốc phủ. Được tặng cho sinh mẫu là Tự phu nhân, Đích mẫu Liệt phu nhân; Bùi thị Chánh phu nhân. Ấm phong: Tiểu di, Nguyễn thị, Tự phu nhân; Trưởng tử, Nguyễn Thiện, Hoằng Tín đại phu;Thứ tử, Nguyễn Viêm, Hiển cung đại phu.  Cả hai đều tước bá.


Tháng 9, Hoằng Mẫn công  hồi nhập thị tham tụng.

Anh em ông cùng tham chính, lực cầu ngoại bổ, được chuẩn cho giữ chức trấn thủ xứ Sơn Tây, trưng vũ phủ Đoan Hùng.

Tháng 3 năm Giáp Thìn (1784) Kiêu binh đấu loạn, ông cùng Hoằng Mẫn công đều xin hồi quán.


Có bài tự phú rằng "Lãng độ cư chư tử thập niên/Cổ nhân cưỡng sĩ ngã quy điền" (Lang bạt đã ngót bốn mươi năm/ Như người xưa, cưỡng sĩ, ta về với ruộng).


Ông tuy ra khỏi cửa khuyết đã về nghỉ, mà sự quyến luyến của chúa thượng đối với ông không hề suy giảm. Ông vẫn thường nhận được ngự bút (thư của chúa) thăm hỏi và biếu các thức quý hiếm như sâm, quế, bắc trà. Lại có lệnh vời trở lại làm việc nhưng ông lấy cớ ốm yếu xin từ chối. Được thăng Đô hiệu điểm Điện tiền.


Tháng 5 năm Bính Ngọ (1786) Thuận Châu khởi binh, Hoằng Mẫn công nghe cảnh báo, đưa thuyền biển nhập vệ, dặn ông xem xét sự tình. Tới Thanh Giang (Thanh Chương, Nghệ An) nghe tin kinh thành thất thủ, không chịu nổi, buồn uất, bệnh thêm nguy kịch. Ông mất vào ngày 31 tháng 7 năm 1786.


Quá trình khảo cứu được biết, khi  hồi quán ông không về quê Tiên Điền mà về vùng Kẻ Trùa, Thanh Chương (nay là xã Sơn An, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) sinh sống và lập nên chi phái họ Nguyễn -Tiên Điền tại đây. Khi qua đời, mộ ông được táng tại xã xã Đại Đồng, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Thời gian sau, con cháu cải táng  về xứ An Trì, xã Sơn An, huyện Hương Sơn.


Họ Nguyễn gốcTiên Điền ở Sơn An, Hương Sơn có 7 tiểu chi, với trên 500 đinh, đã có một số gia đình chuyển đến sinh sống tại xã Sơn Lễ, Sơn Tiến (Hương Sơn), Thanh Chương, Nam Đàn.. (Nghệ An). Tại nhà thờ ông ở xã Sơn An còn lưu giữ đạo sắc Cảnh Hưng năm thứ 43 (1782) và đạo sắc Bảo Đại năm thứ 16 (1940) phong công và phong thần cho ông.


Nhà thờ Địch Hiên công Nguyễn Điều (nhà thờ Nguyễn Văn đại tôn) tại xã Sơn An, huyện Hương Sơn được UBND tỉnh Hà Tĩnh công  nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2007.