nguyendu.d.webcom.vn
Loading...

Độc đáo truyện Kiều bằng tiếng Rumani


Cuốn truyện Kiều được gìn giữ cẩn thận suốt gần 50 năm bởi một cựu lưu học sinh tại Rumani kể từ ngày xuất bản bản dịch Truyện Kiều bằng tiếng Rumani đầu tiên.
 
Cuốn Truyện Kiều bằng tiếng Rumani
 
Ông Đào Duy Nhân (Thanh Xuân - Hà Nội), cựu sinh viên trường Bách khoa Bucarest (Rumani) 1965 - 1971 chính là chủ nhân của cuốn Truyện Kiều "hàng hiếm" này.
 
Ông kể: "Năm 1967, nghe tin Truyện Kiều được xuất bản bằng tiếng Rumani tôi phải tìm mua ngay, một tác phẩm văn học của nước mình được dịch và xuất bản giới thiệu ở nước bạn, tự hào lắm chứ".
 
Ông Nhân cho biết, thời điểm ấy, người Rumani am hiểu văn hóa Việt Nam chưa nhiều và người Việt Nam am hiểu văn hóa Rumani cũng ít, chưa có nhiều tác phẩm tiếng Việt được dịch ra tiếng Rumani. Trước Truyện Kiều, cuốn Dế mèn phiêu lưu kí của Tô Hoài cũng đã được dịch và khá được yêu thích tại Rumani.
 
Ông Đào Duy Nhân cùng cuốn Truyện Kiều ông đã gìn giữ suốt 50 năm.
 
Cuốn Truyện Kiều bằng tiếng Rumani nhà xuất bản năm 1967 bởi nhà xuất bản Văn học Bucuresti (Rumani), được dịch giả Radu Moureanu dịch từ bản dịch tiếng Pháp của Nguyễn Văn Vĩnh. Theo đánh giá ông Nhân, bản dịch Truyện Kiều bằng tiếng Rumani dẫu chưa thoát hết nghĩa, bản thân ông cũng không thể đọc hết được vì chuyên ngành của ông là kỹ thuật, tuy nhiên đối với ông đó là một kỉ niệm đáng tự hào.
 
"Thực sự mà nói, chúng tôi trình độ để mà am hiểu Truyện Kiều, đọc được Truyện Kiều bằng tiếng Rumani cũng còn hạn chế nhưng thấy nước bạn đã hâm mộ, đã dịch tác phẩm lớn, tầm cỡ quốc tế của Việt Nam ra tiếng Rumani và xuất bản với số lượng lớn (5.000 cuốn) thì tôi cảm thấy rất tự hào và cảm thấy nền văn hóa của mình đã được thế giới, được bạn bè đánh giá cao. Chính vì thế, tuy chưa có điều kiện hiểu biết nhiều, đọc được hết Truyện Kiều bằng tiếng Rumani nhưng tôi vẫn tìm mua, giữ, coi như một kỷ niệm, một niềm tự hào..." - ông Nhân chia sẻ.
 
Là một người yêu Truyện Kiều và có một sự quan tâm nhất định tới các tác phẩm lớn của Việt Nam nói riêng và sự phát triển của văn học, văn hoá Việt Nam nói chung, ông Nhân cho rằng, Truyện Kiều của Nguyễn Du là tác phẩm văn học lớn nhất và giá trị nhất của văn học Việt Nam. Chính vì thế Nguyễn Du cũng đã được UNESCO tôn vinh là danh nhân văn hóa thế giới và Truyện Kiều cũng là tác phẩm được dịch ra nhiều thứ tiếng, được nhiều nước trên thế giới quan tâm nghiên cứu. Không nghi ngờ gì Truyện Kiều là tác phẩm số 1 của Việt Nam. Ông đồng tình với quan điểm, Truyện Kiều còn thì dân ta còn, đất nước ta còn, nền văn hóa của chúng ta còn...
 
Theo ông Nhân, Truyện Kiều không chỉ có giá trị về mặt văn học mà nó còn có giá trị rất lớn mang tính văn hóa xã hội, ông Nhân cho rằng Truyện Kiều sẽ sống mãi với thời gian, không chỉ với người Việt Nam mà các quốc gia khác trên thế giới cũng quan tâm, đánh giá rất sâu sắc, rất cao Truyện Kiều. Chúng ta thấy có những chính khách trên thế giới trong những buổi diễn thuyết, trong những buổi nói chuyện, thơ Kiều cũng được sử dụng, hình thức mà người dân Việt Nam gọi là lẩy Kiều, tạo nên những phát biểu rất sinh động, rất có ý nghĩa. Nổi tiếng nhất là khi cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton sang thăm Việt Nam và khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang thăm Mỹ, Phó Tổng thống của Mỹ trong bài diễn văn đón tiếp cũng đã dùng câu Kiều để nói lên tình cảm, nói lên quan hệ xã hội trong bối cảnh lịch sử của quan hệ 2 nước, và cũng nói lên hy vọng phát triển mối quan hệ này...
 
"Chúng ta đang kỷ niệm 250 năm ngày sinh Nguyễn Du, việc đó càng có ý nghĩa, càng có giá trị và càng phải truyền bá giá trị Truyện Kiều với người dân trong nước và ra thế giới nhiều hơn nữa" - chủ nhân của cuốn Truyện Kiều bằng tiếng Rumani được gìn giữ suốt gần 50 năm qua nói.
 
Truyện Kiều của Nguyễn Du đã được dịch ra 20 thứ tiếng
 
Tại hội thảo “Nguyễn Du và những vấn đề lý luận văn học nghệ thuật trung đại Việt Nam” do Trung tâm Nghiên cứu quốc học tổ chức hôm 24/10 vừa qua, dịch giả Nguyễn Minh Hoàng dẫn số liệu từ thư mục của GS Nguyễn Văn Hoàn cho biết Truyện Kiều đã được dịch ra 16 thứ tiếng, “từ tiếng Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đến những thứ tiếng khác mà chúng ta không bao giờ ngờ đến như tiếng Hi Lạp, tiếng Mông Cổ, tiếng Ả Rập... Các bản dịch này lên đến con số 48 bản”.
 
Tuy nhiên, theo ghi nhận (chưa đầy đủ) của PGS.TS Đoàn Lê Giang thì Truyện Kiều được dịch ra “hơn 20 thứ tiếng với trên 60 bản dịch khác nhau” - Nguồn: Tuổi trẻ
 
5 kỷ lục thế giới của Truyện Kiều:
 
Thi phẩm duy nhất chắp nhặt những câu thơ thành nhiều bài thơ mới: đây gọi là hiện tượng Tập Kiều. Có hàng trăm thi phẩm đủ loại từ lục bát, ngũ ngôn, tứ tự, thất ngôn, đến văn tế, hoặc Tập Kiều để dịch Hán thi…
 
Thi phẩm dài có nhiều bản dịch nhất ra cùng một ngoại ngữ: có tới 10 bản dịch dịch khác nhau ra tiếng Pháp...
 
Thi phẩm có nhiều người viết phần tiếp theo nhất: các tác phẩm viết tiếp có thể kể đến như Đào Hoa Mộng ký của Mộng Liên Đình với khoảng 3.000 câu lục bát, Đào Hoa Mộng ký diễn ca của Hà Đạm Hiên với 1.190 câu lục bát (Hà Nội 1917), Đoạn trường vô thanh của Phạm Thiên Thư với 3.296 câu (Sài Gòn 1972)….
 
Thi phẩm duy nhất đọc ngược từ cuối lên đầu về cuộc đời nàng Kiều theo chiều thời gian ngược: Nhà nghiên cứu Phạm Đan Quế đã làm một việc khá kỳ công là gỡ ra và sắp xếp lại toàn bộ các câu thơ trong truyện mà “tập Kiều” với cả 3.254 câu Kiều để có cuốn Truyện Kiều đọc ngược mà những câu thơ lục bát của Nguyễn Du vẫn hợp vần, người đọc vẫn thấy thú vị.
 
Thi phẩm duy nhất tạo ra loại hình văn hóa Kiều: ví dụ bình Kiều, vịnh Kiều, bói Kiều, tập Kiều, đố Kiều, câu đối Kiều, hát nói tập Kiều, phú - văn tế Kiều, án Kim Vân Kiều, giai thoại quanh Truyện Kiều…
 
 
 
Theo Lê Hường/ngaynay.vn

Tin tức sự kiện

Audio Guide

nguyendu.d.webcom.vn

Tham quan ảo 3D

nguyendu.d.webcom.vn

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website