1.Nhã nhạc Cung đình Huế (2003)


Nhã nhạc – cung đình Việt Nam - một loại hình âm nhạc mang tính bác học của các triều đại quân chủ trong xã hội Việt Nam có tuổi đời gần 1000 năm. Đây là loại hình âm nhạc chính thống mang 3 yếu tố: nhạc, múa và hát, trong đó nhạc và múa chiếm tỉ lệ cao hơn, được xem là quốc nhạc, sử dụng trong các cuộc tế, lễ của triều đình. Nhã nhạc có hệ thống bài bản rất phong phú, với hàng trăm nhạc chương (lời ca bằng chữ Hán). Các nhạc chương đều do Bộ Lễ biên soạn phù hợp với từng cuộc lễ của triều đình. Trải qua nhiều biến cố lịch sử, một sô bài bản đã bị mất đi tuy nhiên số chương và bài bản giữ được đến nay vẫn khá nhiều. Có thể nói âm nhạc cung đình Huế là sự kế thừa và phát triển lên một đỉnh cao mới những thành tựu của dòng nhạc cung đình Thăng Long đã được xây dựng từ nhiều thế kỉ trước, và là một loại hình nghệ thuật độc đáo, bác học của Việt Nam.


2.Không gian văn hóa Công chiêng Tây nguyên (2005)


Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trải rộng suốt 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng và chủ nhân của loại hình văn hóa đặc sắc này là cư dân các dân tộc Tây Nguyên: Bana, Xêđăng, Mnông, Cơho, Rơmăm, Êđê, Giarai... Từ chủng loại, phương pháp kích âm, biên chế và thang âm cho đến hệ thống bài bản và nghệ thuật diễn tấu, chúng ta sẽ bắt gặp những gì của một dải nghệ thuật đa diện từ đơn giản đến phức tạp, từ ít đến nhiều, từ đơn tuyến đến đa tuyến... Cồng chiêng gắn bó mật thiết với cuộc sống của người Tây Nguyên, là tiếng nói của tâm linh, tâm hồn con người, để diễn tả niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, trong lao động và sinh hoạt hàng ngày. Với người Tây Nguyên, cồng chiêng và văn hóa cồng chiêng là tài sản vô giá. Âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên không những là một giá trị nghệ thuật đã từ lâu được khẳng định trong đời sống xã hội mà còn là kết tinh của hồn thiêng sông núi qua bao thế hệ.


3.Quan họ (2009)


Dân ca quan họ Bắc Ninh được hình thành khá lâu đời, do cộng đồng người Việt (Kinh) ở 49 làng quan họ và một số làng lân cận thuộc hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang sáng tạo nên. Đây là một trong những loại hình dân ca đặc trưng của Việt Nam, bắt nguồn từ tục kết chạ giữa các làng xóm. Quá trình hình thành lời ca, làn điệu Quan họ gắn liền với quá trình phát triển của đời sống xã hội nhằm nâng cao và tôn vinh các mối quan hệ cộng đồng và giao lưu văn hóa. Nét đặc trưng của Quan họ chính là ở hình thức hát đối đáp. Những liền anh trong trang phục truyền thống khăn xếp, áo the và những liền chị duyên dáng trong bộ áo mớ ba, mớ bẩy, đầu đội nón thúng quai thao, cùng nhau hát đối những câu ca mộc mạc, đằm thắm, cách hát theo lối truyền thống không cần nhạc đệm mà vẫn đầy chất nhạc, thể hiện nét văn hóa tinh tế của người Quan họ.


4.Ca trù (2010)


Cũng giống như Nhã nhạc Cung đình Huế, Ca trù được coi là dòng nhạc bác học tại Việt Nam. Xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ XV, ca trù thể hiện một ý thức về bản sắc và sự kế tục trong nghệ thuật biểu diễn, có tính sáng tạo, được chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác thông qua các tổ chức giáo phường. Mặc dù trải qua nhiều biến động lịch sử, xã hội nhưng ca trù vẫn có một sức sống riêng bởi giá trị của nghệ thuật đối với văn hóa Việt Nam. Trong ca trù thanh nhạc và khí nhạc luôn đi song song với nhau và mỗi loại đều có nét đặc thù. Về thanh nhạc, ngoài hát tuồng có những kỹ thuật phong phú và độc đáo, còn các bộ môn ca nhạc cổ truyền khác đều không có kỹ thuật thanh nhạc phức tạp, tinh vi như ca trù. Thể hiện rõ nhất là khi đào nương cất tiếng hát, kỹ thuật hát rất điêu luyện, không cần há to miệng, không đẩy mạnh hơi từ buồng phổi mà ém hơi trong cổ, ậm ự mà lời ca vẫn rõ ràng, tròn vành rõ chữ. Hát trong cửa đình không cần ngân nga. Hát chơi có cách đổ hột, đổ con kiến làm cho tiếng hát thêm duyên, có khi như tiếng nức nở, thở than quyện vào lòng người. Về khí nhạc, ca trù sử dụng ba nhạc khí đặc biệt, đó là: Đàn đáy, phách và trống chầu. Ba nhạc cụ cơ bản này gắn liền với ba nhân vật quan trọng trong một cuộc hát, đó là: Kép (nam giới) - nhạc công chuyên chơi đàn đáy; đào nương - ả đào (nữ giới) - hát và gõ phách và quan viên cầm chầu là người đánh trống. Ở đây, trong nghệ thuật hát ca trù, đào nương chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng, quyết định sự tồn tại của loại hình nghệ thuật độc đáo này. Bởi chính họ là người chuyền tải và thể hiện những cái hay, cái đẹp, cái độc đáo của ca trù, giúp ca trù tồn tại cho đến ngày nay.


5.Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc (2010)


Hội Gióng - một lễ hội truyền thống được tổ chức hàng năm ở nhiều nơi tại Hà Nội để tưởng niệm và ca ngợi chiến công lẫy lừng của người anh hùng truyền thuyết Thánh Gióng - một trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam - tiêu diệt giặc Ân hung hãn, mở đầu trang sử vàng son chống ngoại xâm từ thời tiền sử đời vua Hùng Vương thứ VI. Hội Gióng mô phỏng một cách sinh động và khoa học diễn biến các trận đấu của thánh Gióng và nhân dân Văn Lang với giặc Ân. Thông qua đó có thể nâng cao nhận thức cộng đồng về các hình thức chiến tranh bộ lạc thời cổ xưa và liên tưởng tới bản chất tất thắng của cuộc chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện trong sự nghiệp giải phóng và bảo vệ Tổ quốc. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, Hội Gióng ở đền Phù Đổng, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm (tương truyền đây là nơi Thánh Gióng sinh ra) và Hội Gióng Đền Sóc, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn (nơi Thánh Gióng bay về trời) là lễ hội có ý nghĩa và hoàn chỉnh hơn những nơi khác, từ ý tứ truyền thuyết đến nghệ thuật diễn xướng. Những nghi thức được quan tâm, chứa đựng trong nó sự huyền bí và sức sống của một huyền thoại gắn liền với lòng tự chủ dân tộc của người Việt Nam.


6. Hát Xoan (2011)


Hát Xoan – một loại hình dân ca lễ nghi phong tục hội tụ đa yếu tố nghệ thuật: nhạc, hát, múa... của vùng đất Tổ Hùng Vương. Hát Xoan là tên gọi khác (nói chệch) của hai từ Hát Xuân hay Ca Xuân; là lối hát dùng trong nghi lễ, phong tục, lễ hội diễn ra vào mùa xuân. Nghệ thuật trình diễn hát Xoan được trình diễn theo một trình tự nhất định (lề lối). Mở đầu là hát múa mời vua về dự hội đình với dân làng; tiếp theo là hát quả cách - hát những bài hát chúc vua, những bài hát kể về lịch tiết, lịch sử và nghề nghiệp của cư dân lúa nước; cuối cùng là hát giao duyên nam nữ giữa đào Xoan và trai làng. Tùy theo hoàn cảnh kinh tế và tục thờ của mỗi làng, mà phường Xoan phục vụ 1 đêm, 2 đêm hay 3 đêm. Nếu là 3 đêm thì trình diễn đủ chương trình gồm các vũ điệu và gần 2 nghìn câu hát.


7.Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương (2012)


Thờ cúng vua Hùng mặc dù là một hình thức tín ngưỡng song không phải là gốc của một tôn giáo. Khác với Thiên chúa giáo hay Phật giáo có Giáo chủ, có Cao tăng. Người Việt thờ cúng các vua Hùng không có học thuyết, cũng không có giáo hội đi truyền bá nhưng suốt từ này sang đời khác tục thờ cúng đã được lưu truyền. Cho đến tận hôm nay cứ đến ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm hàng trăm nghìn người Việt vẫn hành hương về đền Hùng để tri ân công đức các vua Hùng, những người đã có công dựng nước, đạt nền móng cho dân tộc Việt Nam trường tồn. Từ thực tế đó, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã tồn tại và phát triển trong cuộc sống cộng đồng của người Việt và trở thành một hình thức sinh hoạt tín ngưỡng đặc sắc của dân tộc Việt Nam.


8.Đờn ca tài tử (2013)


Theo tài liệu lịch sử ghi lại thì Đờn ca tài tử là loại hình nghệ thuật có nguồn gốc từ nhạc cung đình Huế. Trong đó chữ tài tử có nghĩa là người chơi nhạc có tài, có năng khiếu, có hiểu biết về nhạc cổ. Đờn ca tài tử được du nhập vào miền Nam từ cuối thế kỷ XIX do ba nhạc sư gốc Trung Bộ là Nguyễn Quang Đại (Ba Đợi – Nhạc quan triều đình nhà Nguyễn), Trần Quang Quờn ( thầy ký Quờn) và Lê Tài Khị ( biệt danh Nhạc Khị) sáng tạo nên. Đầu tiên ba nhạc sư sáng tạo nghệ thuật này chỉ để phục vụ việc giải trí nghe chơi với nhau trong một cộng đồng nhỏ. Sau đó, nghệ thuật này ngày càng lan rộng và thu hút thêm nhiều đối tượng khác tham gia hơn. Ban đầu chỉ có đờn, về sau này mới xuất hiện thêm hình thức ca dần dần gọi thành đờn ca. Đờn ca tài tử đặc biệt ở chỗ thường được biểu diễn ngẫu hứng, dựa trên bản nhạc gốc truyền thống, người hát cải biên đi theo cách riêng của mình. Sự khác biệt này khiến cho người nghe luôn cảm thấy mới lạ dù nghe cùng một bài.