Vào sáng ngày 11/8, Công ty trách nhiệm hữu hạn khách sạn du lịch Thiên Cầm (CTTNHHKSDLTC) thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Tĩnh đã cho máy móc đến san ủi lấp mặt bằng ở phía Đông chân núi Thiên Cầm.

 

Di tích lịch sử núi Thiên Cầm thuộc thị trấn Thiên Cầm (Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh) đã bị một công ty ngang nhiên xâm hại.


Ngay sau khi phát hiện, UBND thị trấn Thiên Cầm (huyện Cẩm Xuyên) đã tổ chức lực lượng đến hiện trường để ngăn chặn sự việc.

Ông Nguyễn Hữu Lộc, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thiên Cầm cho biết: "Năm 2004, núi Thiên Cầm và chùa Cầm Sơn được công nhận là khu di tích lịch sử cấp tỉnh. Vùng đất mà họ tiến hành san ủi thuộc chân núi này, đồng thời đây là nơi nằm trong quy hoạch chung của Khu du lịch Thiên Cầm. Khi sự việc xẩy ra, chúng tôi đã tiến hành lập biên bản đình chỉ hoạt động trái phép đối với CTTNHHKSDLTC".

Tuy nhiên, trả lời qua điện thoại với PV, ông Nguyễn Hữu Thăng, Giám đốc công ty này lại khẳng định, chúng tôi làm như vậy là đúng?

Được biết, trước đó vào năm 2009, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã tiến hành thu hồi 2400m2 đất tại Khu du lich Thiên Cầm của CTTNHHKSDLTC do không đưa vào sử dụng.

Theo người dân phản ánh thì công ty này cho tiến hành san lấp ủi là để làm mặt bằng để xe cho khách sạn Thiên Cầm.

Núi Thiên Cầm thuộc Kẻ La, theo truyền thuyết địa phương, đây là nơi tiên xuống trần thế đánh đàn và chơi cờ. Trên núi có một tảng đá bằng phẳng và có vẽ hình các ô cờ gọi là bàn cờ tiên. Thiên cầm có nghĩa là đàn trời. Phía dưới chân núi có hang đá ăn thông ra biển.

Năm 1407, giặc Minh xâm lược nước ta, hai cha con Hồ Quý Ly đã lánh nạn trong hang này khi bị quân Minh truy sát. Hồ Quý Ly bị bắt tại đây. Khi biết đây là núi Thiên Cầm bọn giặc giải thích rằng Thiên Cầm là trời giam nên Hồ Quý Ly bị bắt ở đây là do ý trời.

Do đó, hiện nay trong dân gian vẫn hiểu Thiên Cầm theo hai nghĩa.

Núi cách thành phố Hà Tĩnh khoảng 20km. Núi không cao, lại nằm kề biển, tạo thành một nơi sơn thủy hữu tình. Cách chân núi một trảng cát là chùa Yên Lạc xây dựng từ thế kỷ 13, một di tích đã được Nhà nước xếp hạng, nơi có bộ tranh "Thập điện Diên Vương" nổi tiếng.

Từ đầu thế kỷ 20, người Pháp đã xây dựng ở Thiên Cầm một khu nghỉ mát, nhưng do chiến tranh, các công trình ấy đã bị phá hủy. Ngày nay, Thiên Cầm đã trở thành điểm du lịch được nhiều người chú ý.