Nói đến Truyện Kiều, người Việt Nam ta không mấy ai mà không biết. Có những nhân vật điển hình trong đó từ lâu đã ăn sâu vào tiềm thức dân gian. Như trong cuộc sống hằng ngày chỉ cần nói đến mụ Tú Bà, gã Sở Khanh là người ta đã hình dung đầy đủ ra bộ mặt của hạng người nào. Rồi bao nhiêu câu hát lời ru, bao nhiêu câu ví von cũng đều lấy trừ trongTruyện Kiều ra… Tuy vậy, không phải ai cũng hiểu được tường tận mỗi câu trong Truyện Kiều mà Nguyễn Du đã viết ra.

 

 

Tôi cũng vậy, ngay từ khi còn nhỏ, hằng ngày đã được nghe cha tôi ngâm nga Truyện Kiều, nên có nhiều câu, nhiều đoạn nhập tâm không biết tự lúc nào, lúc bấy giờ chỉ thấy hay hay chứ nhiều chỗ còn chưa hiểu hết. Rồi đến khi học phổ thông, trong giáo trình văn học cổ cũng trích giảng Truyện Kiều. Lúc này, nhờ cô giáo phân tích giảng giải cộng với nhận thức của mình đã được nâng lên một chút nên phần nào đã thực sự cảm thấy cái hay trong mỗi câu thơ. Tuy nhiên có những trường hợp cô thì chỉ giảng một chiều theo cách hiểu của mình, học trò như tôi lúc ấy thì không dám hỏi lại, nên thắc mắc cũng đành bỏ đấy, nếu có làm bài cũng cứ làm và hiểu theo lời giảng của cô mà thôi. Chẳng hạn tả thông điệp của mùa xuân với tâm trạng phập phồng thấp thỏm của Kim Trọng sau lần gặp gỡ Thúy Kiều trong tiết thanh minh, Nguyễn Du đã viết hai câu mà cô giáo nói là rất hay và tôi cũng thấy quả là hay:

 

Ngoài song thỏ thẻ oanh vàng

Nách tường bông liễu bay ngang trước mành

 

Cô giáo bảo câu thơ hay ở chỗ tả cảnh mùa xuân như thế là sinh động, có cảnh lại có cả vật v.v… nhưng bông liễu là cái gì thì cô lại lướt đi không nói mà tôi cũng không dám hỏi.

 

Sau này, có lần đọc trong một cuốn Truyện Kiều chú giải, đến đoạn này tôi thấy vị học giả khá uyên thâm này còn bình một câu:Bông liễu có sai không vì cây liễu chỉ có lá nhỏ và dài trông thướt tha chứ làm gì có bông liễu”.

 

Thế là tôi lại càng u u minh minh, thắc mắc ấy cũng đành giữ lại một mình rồi lâu dần lãng quên đi cùng bao nhiêu thứ lãng quên khác.

 

Cho đến tận mùa xuân năm 1972 tôi mới lại có dịp tình cờ trở lại với câu thơ này. Năm ấy nhân một chuyến công tác, tôi đã ở thành phố Phủ Thuận - tỉnh Liêu Ninh (vùng Đông Bắc Trung Quốc) suốt mùa đông năm trước đến mùa xuân năm sau, đã từng nếm cái lạnh của thời tiết luôn luôn dưới độ “0” có khi tới hơn chục độ và chứng kiến cảnh xuân sang ở vùng đất băng giá này. Điều thú vị là thành phố tôi ở lúc đó chỉ cách Liêu Dương cũng thuộc tỉnh Liêu Ninh chừng hơn trăm cây số, ngày nghỉ chúng tôi thường được đưa đến đây tắm suối nước nóng, chỉ hơn một giờ xe chạy là tới nơi, mà Liêu Dương như trong Truyện Kiều có nhắc đến là nơi Kim Trọng từ Vô Tích thuộc tỉnh Giang Tô ngày nay (tôi cũng đã từng ở đây hơn một năm), tạm xa nàng Kiều, vượt hơn ba ngàn cây số lên phía bắc để về chịu tang cha.

 

Mùa đông ở xứ này từ trận tuyết rơi đầu tiên trở đi, mọi thứ cây cỏ ở đây trong đó có cả liễu đều trút lá chỉ còn trơ lại cành xám trên nền tuyết trắng. Đến khi sắp sang xuân, tuyết vừa ngừng rơi, hơi ấm lên một chút, trời đất ở đây xuất hiện một cảnh sắc thật kỳ diệu. Sớm mai mở cửa sổ ra, ta thấy trên bầu trời cơ man nào là một thứ bông rất nhẹ, trắng muốt tản mát lững lờ bay trong gió nhẹ. Lúc đầu ngỡ là tuyết, nhưng nhìn kỹ thì không phải. Mở cửa bước ra ngoài nhà, bỗng thấy cái thứ bông rất nhẹ như không nhìn thấy ấy vương vào da mặt, vương vướng, bần bận khiến người ta phải bất giác đưa tay lên xoa mặt. Hỏi người ở đây thì được trả lời rằng đó là bông ở búp cây liễu bay ra. Lúc này tôi mới để ý nhìn ra cây liễu trong sân. Trên những cành cây khô cằn xám xịt mấy hôm trước đây, bây giờ đã nhú ra những búp lá nho nhỏ giống như búp đa, bên ngoài phủ một lớp lông rất mịn và trắng toát đang dần bung ra khi chồi lá nhú lên. Lớp bông đã làm xong sứ mạng giữ ấm cho chồi cây cả mùa đông giờ này được nhởn nhơ bay đi theo gió. A! Bông liễu là thứ bông này đây! Chỉ sáng hôm sau thôi, trong khi bông liễu vẫn còn tản mát bay, trên nền xám của thân cành, ta đã thấy xuất hiện màu xanh mạ non. Rồi lại chỉ một hai đêm nữa, trời ấm dần và trên cây lá đã xanh, liễu đã có thể đu đưa trong gió với những chồi xanh nhạt và ở trong vườn, hoa tầm xuân trên giậu cũng đua nhau bừng nở rộ. Mùa xuân ở xứ lạnh này chuyển rõ nét hơn vùng nhiệt đới bốn mùa xanh tươi như đất nước ta nhiều. Trời đã ấm lên đôi chút, nên thảng hoặc đã nghe thấy tiếng chim hót. Tôi bất chợt nhớ tới câu thơ nói trên của Nguyễn Du, càng cảm phục nét bút tinh tế trên bức tranh xuân mà thi sĩ đã vẽ bằng thơ.

 

Ngoài một điều hiểu ra về bông liễu, càng thấu cảnh thấu tình, càng thấm thía từng ngôn từ trong câu “Ngoài song thỏ thẻ oanh vàng”. Vâng! Thời tiết lúc sang xuân ở miền đất băng giá này tuy vậy cũng còn lạnh lắm, nên chim oanh có mừng xuân cũng mới chỉ có thể “thỏ thẻ” được thôi chứ chưa thể “líu lo” như trong nắng ấm được. Ôi! Thế là đi bao nhiêu dặm đường mới hiểu được một câu Kiều!

 

Nhớ lại lời bình của vị học giả mà tôi vừa nói trên, tôi muốn nhắn một lời rằng Nguyễn Du viết “bông liễu” không sai chút nào, mà phải nói là rất chính xác, chỉ tại chúng ta không có dịp đến tận nơi nên không cảm nhận được mà thôi.