Việc khai thác giá trị của di sản cũng cần gắn với trách nhiệm bảo tồn thì du lịch di sản mới có thể phát triển bền vững.

 

Ảnh: VGP/Nguyệt Hà

 

Đây là quan điểm nhận được nhiều sự quan tâm các nhà quản lý du lịch, DN, chuyên gia tại Hội thảo “Du lịch có trách nhiệm và Di sản văn hóa” trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam (VITM) 2015.

 

Tại phiên thảo luận thứ nhất, bà Dương Bích Hạnh – đại diện của Văn phòng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) tại Việt Nam đã trình bày bức tranh tổng quan về di sản văn hóa thế giới ở Việt Nam cùng những khó khăn và thách thức trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong hoạt động du lịch.

 

Đại diện cho du lịch các tỉnh Phú Thọ và Thừa Thiên Huế cũng đã chia sẻ kinh nghiệm cũng như vướng mắc, khó khăn của địa phương trong việc thực hiện bảo tồn và khai thác di sản để phát triển du lịc. Đây thực sự là một thách thức không chỉ của Việt Nam và thế giới.

 

Với chủ đề này, ông Kai Partale, chuyên gia của Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội do Liên minh châu Âu tài trợ (Dự án EU-ESRT), đã nhấn mạnh sự cần thiết phải kết nối chặt chẽ công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa với các nguyên tắc và hoạt động du lịch có trách nhiệm. Theo ông, để các di sản văn hóa hấp dẫn khách du lịch thì cần phải xây dựng các tuyến du lịch theo chủ đề, mang đậm tính văn hóa, tăng cường thông tin cho du khách, đặc biệt là các công cụ thông tin trực tuyến.

 

Phiên thảo luận thứ hai của Hội thảo đã cập nhật cho đại biểu tham dự những thông tin và ví dụ thực tế về phát triển du lịch có trách nhiệm tại các địa phương có những di sản thế giới và quốc gia như: quy hoạch khu di sản văn hóa theo hướng bền vững; phương pháp tiếp cận du lịch có trách nhiệm trong công tác quản lý du khách tại các khu di sản văn hóa; hoạt động cung cấp thông tin và diễn giải cho du khách trong khu di sản văn hóa; tối ưu hóa chiến lược và hoạt động phát triển sản phẩm du lịch về di sản văn hóa gắn kết với thị trường.

 

Các ý kiến đều nhất trí cho rằng việc kết nối các di sản là cần thiết. Bởi lẽ chỉ có kết nối các di sản thành 1 sản phẩm tour liên tuyến thì mới phát huy được giá trị thực sự của di sản. Mỗi di sản mang bản sắc, đặc trưng riêng của lịch sử, con người từng mảnh đất. Nhưng khi kết hợp các di sản này lại với nhau ta sẽ có một bức tranh toàn cảnh về di sản Việt Nam và đó mới chính là thứ để chúng ta quảng bá với khách du lịch quốc tế.

 

Hiện nay nhiều tỉnh thành đã ý thức được tầm quan trọng của việc liên kết các di sản để phát triển du lịch, song liên kết như thế nào để ra tấm ra món, để phát huy hiệu quả trong việc thu hút và mang lại nhiều sự trải nhiệm cho du khách thì vẫn là một bài toán khó.