Trước nay, các nhà nghiên cứu Truyện Kiều và văn bản Truyện Kiều đều dành một sự chú ý đặc biệt và những đánh giá cao đối với bản Kiều do Kiều Oánh Mậu khảo đính, chú giải và đưa in năm Nhâm Dần, niên hiệu Thành Thái 14 (1902). Một số nhà nghiên cứu đã có viết về cuộc đời và tác phẩm của Kiều Oánh Mậu, song chúng tôi thấy cần phải bổ sung thêm một số tư liệu để giúp cho việc nghiên cứu được đầy đủ hơn. Bài viết này bước đầu cung cấp một số tư liệu mới về cuộc đời, tác phẩm và những đóng góp để bạn đọc tham khảo thêm.

 

Kiều Oánh Mậu (1854-1911)(1) người làng Đông Sàng, huyện Phúc Thọ, tỉnh Sơn Tây (nay là xã Đương Lâm, thị xã Sơn Tây, tỉnh Hà Tây). Lúc nhỏ Kiều Oánh Mậu tên là Kiều Dực (hoặc Kiều Hữu Dực), sau lại đổi là Kiều Cung, tự Tử Yến, hiệu Giá Sơn. Năm 1883, vua Tự Đức chết, đặt miếu hiệu là Dực Tông, ông mới đổi tên là Kiều Oánh Mậu. Theo Kiều thị gia phả (do chính Kiều Oánh Mậu biên soạn(2) thì cụ tổ của ông là Kiều Phúc, đỗ Hoàng giáp khoa Kỷ sửu, niên hiệu Hồng Đức thứ 24 (1493). Tiếp sau đó là các cụ Kiều Văn Bá đỗ Tiến sĩ khoa Kỷ Tỵ, niên hiệu Hồng Thuận 1 (1509)(3); Kiều Bá Nghiễm, Kiều Trọng Dương đều đỗ Hương cống năm Ất Mùi (1775) đời Lê Cảnh Hưng.

 

Cha của Kiều Oánh Mậu là Kiều Huy Tùng (1834 - 1917), đỗ Tú tài khoa Đinh Mão (1867), đỗ Cử nhân Ân khoa Mậu Thìn (1868); thời Tự Đức, nhiều năm làm Tri huyện các huyện Chân Định, Quỳnh Côi, Phù Dực tỉnh Thái Bình.

 

Kiều Oánh Mậu đỗ Cử nhân khoa Kỷ Mão (1879); năm ấy ông 25 tuổi. Hai năm sau ông lại đậu Phó bảng, khoa Canh Thìn, niên hiệu Tự Đức thứ 33 (1880). Khoa này lấy đỗ 5 Phó bảng. Năm ấy, cha ông cáo quan về quê dạy học sau 12 năm làm Tri huyện.

 

Sau khi đỗ Phó bảng, Kiều Oánh Mậu được bổ làm tập sự ở Bộ Công trong triều đình Huế. Năm Nhâm Ngọ (1882), ông được cử ra Bắc là Tri phủ Xuân Trường (Nam Định). Tháng 12 năm 1883, thực dân Pháp cho quân đánh phá thành Sơn Tây. Kiều Oánh Mậu đã sáng tác bài Ai Sơn thành (Cảm thương thành Sơn Tây) bằng chữ Hán(4) và ngay sau đó, bài này được phổ biến rộng rãi. Bài thơ đã tố cáo tội ác của thực dân Pháp phơi bày nỗi khổ của nhân dân, kích thích lòng yêu nước và ý chí đánh đuổi thực dân Pháp. Đặc biệt nó còn lên án sự nhu nhược của triều đình phong kiến triều Nguyễn trước sự xâm lược của thực dân Pháp. Kiều Oánh Mậu lập tức bị cách chức và bị buộc phải trở về quê nhà ở Sơn Tây. Năm ấy ông 31 tuổi.

 

Năm Bính Tuất (1886), Kiều Oánh Mậu lại được phục chức cho làm Tri phủ Lý Nhân (Hà Nam). Vài năm sau, năm 1891, lại bị giáng làm Tri huyện Vũ Giàng, sau đó giữ chức Bố chính Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh). Những năm cuối thế 19, đầu thế kỷ 20, thực dân Pháp nhận thấy nhân dân ta vẫn còn tin mến các văn thân, sĩ phu yêu nước, chúng muốn mua chuộc lòng dân đồng thời cũng định lôi kéo cả tầng lớp văn thân sĩ phu vào bộ máy thống trị. Phó bảng Kiều Oánh Mậu là người sở trường về văn học, lại có uy tín trong nhân dân và hàng ngũ quan lại đương thời, nên năm 1895, họ Kiều được cử làm Đốc biện (quản biện sự vụ) tờĐại Nam đồng văn nhật báo. Đây là tờ báo viết bằng chữ Hán và là tờ báo đầu tiên tại Hà Nội, do tòa Thống sứ Pháp tổ chức và kiểm duyệt. Chức vụ Đốc biện (Chú bút), thường được giao cho những nhà khoa bảng có danh vọng (Đốc biện trước đó là Hoàng giáp Đào Nguyên Phổ)(5).

 

Đại Nam đồng văn nhật báo thường đăng những thông tư nghị định của bộ máy thống trị như một loạt công báo. Đối tượng chủ yếu của tờ báo này là các quan lại và các nhà nho, lớp trí thức Nho học ở miền Bắc. Tuy vậy báo cũng có những mục luận, thời đàm và các mục về sinh hoạt xã hội Kiều Oánh Mậu đã viết một số bài bình luận cho báo này(6). Họ Kiều đã lợi dụng phương tiện hợp pháp này để kín đáo tuyên truyền cổ động cho các phong trào như: giáo dục quần chúng, hô hào tân học, kêu gọi phát triển nền kinh tế quốc dân, chấn hưng công nghiệp, nông nghiệp và thực nghiệp, các ngành thủ công, các hội buôn, các công ty thương nghiệp,…

 

Trong thời gian này, Kiều Oánh Mậu có quen biết và giao du với Bạch Thái Bưởi. Họ Kiều còn làm thơ và câu đối tặng cho nhà tư sản dân tộc này.

 

Do những hoạt động yêu nước của Phó bảng Kiều Oánh Mậu ở báo quán, nên năm 1902, ông đã bị chuyển sang làm Đốc học tỉnh Vĩnh Yên (Vĩnh Phú ngày nay). Thám hoa Vũ Phạm Hàm thay ông làm Đốc biện Đại Nam đồng văn nhật báo.

 

Thời gian này, ông ra sức cổ động, ủng hộ việc sáng lập trường tư thục, khuyến khích người đi học, và sáng tác nhiều thơ văn kêu gọi, tổ chức các buổi nói chuyện về việc học, rất được bạn bè hưởng ứng.

 

Năm năm sau, năm 1907, ông lại đổi sang làm Đốc học tỉnh Bắc Giang (Hà Bắc ngày nay). Ở Bắc Giang, Giá Sơn có lập một trại ấp để mộ dân kiến điền, đặt tên là ấp Sơn Kiều và do chính ông đứng tên trong sổ địa bạ.

 

Khi làm đốc học Bắc Giang, Kiều Oánh Mậu thường xuống Hà Nội, cùng ông Cử Lẫm (Phan Văn Lẫm - Bố Chính Hải Dương) tham gia giảng dạy ở trường Đông Kinh nghĩa thục. Kiều Oánh Mậu và Phan Văn Lẫm rất tận tâm với Đông Kinh nghĩa thục; đến kỳ giảng bài, hai ông đều về Hà Nội đúng hẹn, được bạn bè và học trò mến trọng.

 

Cuối thu năm 1908, Đông Kinh nghĩa thục bị đóng cửa. Cụ Lương Văn can(7) và các thành viên trong Ban trị sự bị bọn thực dân Pháp bắt tù và đày ra Côn Đảo, một số giảng sư là quan chức bị tình nghi và bị giải chức, trong số đó có Kiều Oánh Mậu. Đây là lần thứ hai ông bị giải chức và buộc phải về quê quán, không được cư trú tại Bắc Giang và Hà Nội nữa.

 

Ngày 3-11-1908, Kiều Oánh Mậu gửi thư lên Thống sứ Bắc kỳ đòi được ở lại Yên Việt (một huyện thuộc tỉnh Bắc Giang) để quản lý trại ấp với số ruộng đất hơn 50 mẫu.

 

Cuối năm 1910, kết thúc thời hạn bị giải chức, Kiều Oánh Mậu không xin phục chức mà thường đi thăm thú những nơi danh lam thắng cảnh ở Bắc Kỳ và liên lạc theo lời hẹn ước với các bạn đồng tâm, các văn thân, sĩ phu yêu nước để cổ động cho các phong trào yêu nước.

 

Sau một thời gian lâm bệnh, Giá Sơn Kiều Oánh Mậu qua đời ngày 26 tháng 8 năm Tân Hợi, niên hiệu Duy Tân thứ 5 (tức ngày 28 tháng 10 năm 1911), thọ 58 tuổi.

 

Các tác phẩm do Kiều Oánh Mậu trước thuật, biên soạn, diễn Nôm, khảo đính, chú giải, đề tựa, duyệt đọc mà chúng tôi được biết gồm:

 

Trước thuật:

Bản triều bạn nghịch liệt truyện (A.997, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm).

- Giá Sơn di cảo(8)

Biên soạn:

- Kiều thị gia phả.

Diễn Nôm:

- Hương Sơn Quan Thế Âm chân kinh tân dịch (AB.271, Viện NCHN).

- Tiên phả dịch lục (AB.289, Viện NCHN).

- Tỳ bà Quốc âm tân truyện (AB.272, Viện NCHN).

Khảo đính, chú giải, chỉnh lý:

- Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du (AB.12, Viện NCHN).

- Nam nữ giao hợp phụ luận của Phau-Rô (R.393, Thư viện Quốc gia Hà Nội).

Đề tựa:

- Tang thương ngẫu lục của Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án (A.218, Viện NCHN).

Duyệt độc:

- Bút toán chỉ nam của Nguyễn Cẩn (A.1031, Viện NCHN).

- Toán pháp của Nguyễn Cẩn (VHv.495, Viện NCHN).

 

Sách do Kiều Oánh Mậu trước thuật, diễn Nôm, khảo đính, chú giải, đề tựa và duyệt đọc tuy không nhiều, song cũng chứng tỏ ông đã có sự hiểu biết trên nhiều lĩnh vực khác nhau như: về chính trị xã hội (Bản triều bạn nghịch liệt truyện); về văn học và văn bản học (Đoạn trường tân thanh, Tang thương ngẫu lục, Hương Sơn Quan Thế Âm chân linh tân dịch, Tỳ bà Quốc âm tân truyện, Tiên phả dịch lục) ; về toán học (Bút toán chỉ nam, Toán pháp)…

 

Nổi bật nhất trong sự nghiệp của Kiều Oánh Mậu là ở công tác văn bản học. Những sách như: Đoạn trường tân thanh, Hương Sơn Quan Thế Âm chân kinh tân dịch, Tiên phả dịch lục đều cho thấy sơ trường này.

 

Trong khi khảo đính, chú giải và nhuận sắc Truyện Kiều cũng như khi diễn Nôm các tác phẩm chữ Hán, Kiều Oánh Mậu luôn để tâm coi trọng công việc khảo cứu các văn bản. Trong “mười điều lệ ngôn Đoạn trường tân thanh, Kiều Oánh Mậu có mô tả tình trạng các bản Kiều mà ông sưu tầm được; có so sánh phê bình và chọn ra bản nền để làm chỗ dựa chính cho việc khảo đính, chú giải, nhuận sắc(9). Ông viết: “Tôi nhân việc mà tra cứu tìm tòi, tùy nơi mà tham khảo, đính chính lại, một câu một chữ phàm có ý nghĩa thì mong cho được sáng rõ hơn để biết chỗ khổ tâm của tác giả, tất cả bốn năm lần thay đổi bản thảo mới dám cho ra vấn thế” (bản dịch của Lê Thước - Sđd).

 

Khi diễn Nôm Tiên phả dịch lục, một cuốn kể về lai lịch hàng trang của Bà Chúa Liễu Hạnh, Kiều Oánh Mậu có tham khảo các sách: Truyền kỳ tân phả (Đoàn Thị Điểm); Thoái thực ký văn (Trương Quốc Dụng); Tịnh Nội đạo tràng pháp môn lục, Nam sử tập biên và một số sách báo khác, có so sánh để thấy chỗ giống và khác nhau, đồng thời đưa ra những nhận xét của mình về các sách đó.

 

Về sáng tác và nghiên cứu văn học, Giá Sơn Kiều Oánh Mậu là tác giả của ba cuốn truyện thơ Nôm (còn gọi là truyện diễn Nôm); viết theo thể lục bát, mỗi truyện dài hàng nghìn câu. Đáng chú ý, trong bài Tựa cuốn Tỳ bà Quốc âm tân truyện, dựa theo nguyên bản truyện chữ Hán Tỳ bà ký của Cao Đông Gia (đời Nguyên - Trung Quốc), đề năm Bính Thân, niên hiệu Thành Thái thứ 8 (1896) ông có đưa ra nhiều nhận xét thú vị về lịch sử phát triển của thơ văn Nôm, của thơ lục bát và các truyện ký chữ Hán được đem diễn Nôm. Trong ba cuốn diễn Nôm, thể thơ lục bát được Kiều Oánh Mậu sử dụng thành thạo, nhiều đoạn khá điêu luyện.

 

Về sử học, Kiều Oánh Mậu để lại duy nhất một tác phẩm viết về lịch sử. Đó là cuốn Bản triều bạn nghịch liệt truyện. Cuốn này đã được Bộ Quốc Gia giáo dục Sài Gòn dịch và xuất bản năm 1963(10).

 

Bản triều bạn nghịch liệt truyện kể lại tất cả các cuộc loạn lạc, các vụ phản nghịch chống lại triều đình, các cuộc khởi nghĩa trong thời Nguyễn từ Gia Long đến Hàm Nghi (tức là từ đầu cho đến cuối thể kỷ XIX). Tài liệu chính mà Kiều Oánh Mậu tham khảo để viết là cuốn Đại Nam hội điển sự lệ và bộ Liệt truyện. Ngoài ra, ông cho biết còn lấy từ “các tập thi văn của những tác giả có tiếng hoặc tham khảo những văn kiện thông tư của các tỉnh, hoặchỏi nơi các vị kỳ mục, bô lão, hoặcnh điều nghe thấy mà viết” (sách dịch đã dẫn, tr.8-9). Cuốn sử này, chắc chắn còn phải bàn luận nhiều song chúng ta cũng ghi nhận ở đây sự đóng góp của ông đối với nền sử học nước nhà, ở phương diện sử liệu.

 

Trên đây là những tìm hiểu bước đầu của chúng tôi về cuộc đời và tác phẩm của Kiều Oánh Mậu - một nhà khoa bảng yêu nước, một tác giả Hán Nôm đáng chú ý cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Hy vọng trong thời gian tới, những đóng góp của ông sẽ được nghiên cứu, phát hiện và đánh giá ngày càng đầy đủ hơn.

 

Chú thích:

 

(1) Về năm sinh của Kiều Oánh Mậu, các sách Tìm hiểu kho sách Hán Nô m (Tập 2), Truyện Kiều (do Nguyễn Thạch Giang khảo đính, chú giải); Thư mục tác giả (bản in Rônêô, Thư viện Viện Hán Nôm) và Kiều thị gia phả (gia phả) đều chép là năm 1854. Về năm mất của ông thì gia phả chép là 1911, còn các sách kể trên đều chép là 1912.

(2) Kiều thị gia phả viết bằng chữ Hán, hiện chỉ còn được 4 trang lưu giữ lại tại gia đình ông Kiều Vĩnh Khánh, giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội. Ông Khánh là cháu 4 đời của Kiều Oánh Mậu.

(3) Lịch triều đăng khoa lục chép Kiều Văn Bá đỗ Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Tân Mùi niên hiệu Hồng Thuận thứ 3 (1511).

(4) Xem báo Tri tân số 194 (năm 1946) bản dịch ra tiếng Việt của Thiết Chi (tức Kiều Tường - con trai cả của Kiều Oánh Mậu).

(5) Đào Nguyên Phổ (1860-1907) tự Hoành Hải, hiệu Tảo Bi, người làng Thượng Phan, huyện Quỳnh Côi, tỉnh Thái Bình. Đỗ Hoàng giáp khoa Mậu Tuất, niên hiệu Thành Thái 10 (1898). Đào Nguyên Phổ là người đề tựa cuốn 4 Đoạn trường tân thanh do Kiều Oánh Mậu khảo định, chú giải và đưa in năm Nhâm Dần (1902). Ông cũng là một trong những người sáng lập Đông Kinh nghĩa thục.

(6) Xem Hồng Chương, Tìm hiểu lịch sử báo chí Việt Nam, Nxb. Sách giáo khoa Mac - Lênin. H, 1987, tr.34.

(7) Cử nhân Lương Văn Can là Hiệu trưởng trường Đông Kinh nghĩa thục.

(8) Bản chữ Hán hiện nay không còn, chỉ còn bản phiên âm và dịch nghĩa tiếng Việt do gia đình ông Kiều Vĩnh Khánh giữ. Cuốn này gồm các bài ký và các bài bàn về hát ả đào của Kiều Oánh Mậu.

(9) Xem Truyện Kiều - Nguyễn Thạch Giang khảo đính và chú giải. Nxb. Đại học và Trung học chuyên nghiệp; H, 1976.

(10) Do Trần Khải Văn dịch, Bửu Cầm, Nguyễn Đình Diệm, Tạ Quang Phát và Trương Bửu Lâm sửa chữa, bổ túc và chú thích.