Loading...
|
Bàn thêm về câu chuyện Nguyễn Du đi hát phường vải và các bài thơ, văn liên quanNgày 16 tháng 11 năm 2015
Xung quanh câu chuyện Nguyễn Du đi hát phường vải ở Trường Lưu, Can Lộc và tác giả các bài thơThác lời trai phường nón..., Văn tế sống hai cô gái Trường Lưu gần đây có nhiều bàn cãi, đặc biệt bài viết của tác giả Phạm Quang Aí tại Hội thảo Kỷ niệm 250 năm năm sinh Nguyễn Du do Viện HLKHXH Việt Nam tổ chức và giới thiệu trên tạp chí Hồn Việt (1).
Bài viết gây sự chú ý cho bạn đọc vì đã lật lại một vấn đề hầu như đã trở thành một “hằng số” trong các ghi chép về cuộc đời và sáng tác của Nguyễn, đi cả vào Sách Giáo khoa phổ thông, đặc biệt có liên quan đến một số học giả mà tác giả xem là các bậc “cao minh” như Phan Sĩ Bàng, Lê Thước, Hoàng Xuân Hãn, Trương Chính…Tác giả viết:
“Theo chúng tôi, tư cách sáng tác các bài văn nôm đó của Nguyễn Du ( các bàiThác lời trai phường nón..., Văn tế sống hai cô gái Trường Lưu – YN lưu ý) chỉ là là một giai thoại văn nghệ dân gian . Ngoài việc làm căn cứ để lập thuyết về một văn phái, nhiều bậc cao minh vì thấy cuộc đời Nguyễn Du có khá nhiều khuất khúc nên đã cố tình biến giai thoại này thành sự thật để lấp khoảng trống. Và thế là từ giai thoại câu chuyện đi hát phường vải của đại thi hào nghiễm nhiên trở thành một “huyền thoại” khoa học [...] góp phần tạo một tiền lệ xấu trong nền học thuật nước nhà, chấp nhận tình trạng làm khoa học cẩu thả, không chịu khảo cứu một cách nghiêm túc chỉ nói theo nhau kiểu dĩ hư truyền hư!” ( những chổ gạch chân do YNnhấn mạnh). Thấy vấn đề không đơn giản, chúng tôiđọc lại các bài liên quan suy ngẫm, chúng tôi thấy có một số vấn đề muốn trao đổi cùng tác giả bài viết và bạn đọc.
Tác giả PQA cho rằng Nguyễn Du không có cơ hội đi hát phường vải ở Trường Lưu và cũng không là tác giả các bài Văn tế sống hai cô gái Trường Lưu cũng như bài Thác lời trai phường nón, đó chỉ là một giai thoại văn học dân gian, không thể có thực. Lập luận chính của PQA là, Nguyễn Du không hề đi hát ở Trường Lưu nên không thể viết bài Thác lời trai phường nón trả lời bài Thác lời gái phường vải của Nguyễn Huy Phó ( chứ không phải của Nguyễn Huy Quýnh) như bấy lâu nay đã lầm tưởng, vì lúc này hai ông đã luống tuổi “ không còn cái tuổi để có thể hát hò vui chơi với cánh trẻ”. Tác giả viện dẫn câu thơ “ Tảng mai hầu trở ra về / Hồn tương tư hãy còn mê giấc nồng” của bài Thác lời gái phường vải, cho rằng “hầu” đây là ám chỉ Nguyễn Du thì “ lúc này ông đã ngoài 50 tuổi, đang giữ chức Hữu Tham tri bộ lễ, bận làm quan ở kinh đô cho đến năm 1820, chuẩn bị đi sứ thì mất, chắc chắn đại thi hào không có thời gian về quê để tham gia hát xướng và làm những bài văn như thế” (2)
Đối chiếu hành trạng thực của Nguyễn Du, thời gian Nguyễn có thể đi hát phường vải ở Trường Lưu là thời gian ông từ Thái bình sau “10 năm gió bụi” về quê ẩn cư. Lúc này mộng khôi phục Lê triều đã tắt, nhàn rỗi, ông khi thì gia nhập phường săn Hồng Lĩnh (Hồng sơn liệp hộ), lúc đi câu ở biển Nam ( Nam hải điếu đồ) , khi vui bè bạn rủ nhau vượt Truông Cài qua Trường Lưu tham dự các cuộc hát đối đáp. Xứ Nghệ từ Nguyễn Công Trứ đến Phan Bội Châu sau này đều ưa tham gia các cuộc hát đối đáp dân gian, Trường Lưu phường vải có nhiều cô người đẹp hát hay. Đây là một cái thú các nhà nho xứ này sùng mộ mà Nguyễn cũng không ngoài, đặc biệt ở Trường Lưu ông có nhiều bạn, lại có gia đình thông gia họ Nguyễn Huy. Thời gian này vào khoảng 1795-1800 ông mới ngoài 30 tuổi ( 1795-1765), không phải ngoài 50 tuổi như PQA tính. Từ “hầu” trong câu thơ trích dẫn không phải chỉ người có tước hầu mà như nhà văn hoá địa phương Thái Kim Đỉnh giải thích, đó chỉ là tiếng tôn xưng một người được quí trọng. Ông Thái Kim Đỉnh viết “ Đầu năm Bính Thìn (1796) Nguyễn Du về quê Tiên Điền và ở lại đây cho đến năm 1802 , hồi ấy ở Tiên Điền rất thịnh hành hát ví, hát phường nón, phường vải, có những thời gian Hầu đánh đàng sang Tràng Lưu cùng các ông bạn hát phường vải.”(3) […] “ Các cô gái Trường Lưu đều quen biết và quí trọng Hầu. Hầu cũng rất mến các cô và tôn trọng mọi qui ước trong lúc hát” (4). Trong chú thích bài viết của mình về quan hệ Nguyễn Du và các cô gái phường vải Tràng Lưu ông Thái Kim Đỉnh ghi “hầu”: tiếng tôn xưng (5), có ý nghĩa như là “tôn ông”, không liên quan gì đến tước hầu của Nguyễn Du sau này. Vả lại ở xứ này không có thói quen xưng danh bằng phẩm tước, nhất là ở nông thôn, ít ai biết các phẩm tước “ công”, “hầu” dù là các quan lớn khi nhắc đến.
Vấn đề Nguyễn Du có phải là tác giả hai bài Thác lời trai phường nón và Văn tê hay không , ông Trương Chính có cho rằng : Nguyễn Du có thể không có cơ hội đi hát phường vải , nhưng Nguyễn Du đã hư cấu nên câu chuyện tình dân dã đó trong bài văn tế của mình ( dẫn theo lời PQA trong bài viết trên). Và trước đây các nhà nghiên cứu như Lê Thước, Hoàng Xuân Hãn , Đào Duy Anh cũng như nhiều người sau này đều cho Nguyễn là tác giả dù không chắc Nguyễn có quan hệ với các cô gái phường vải Trường Lưu hay không. Tác giả Hà Quảng trong một bài viết có cho rằng: “ Bài văn tế viết bằng chữ nôm có tính chất vui đùa.Tác giả đã bịa ra mối tình của mình và hai cô gái phường vải bị lỡ làng ở Trường Lưu...Bài văn mang tính bỡn cợt trào lộng, cuộc tình dựng lên như một cuộc vui đùa tao nhã.” (6) Như vậy, nếu xét về hành trạng, tuổi tác để phủ định tác giả các bài Văn tế và Thác lời trai phường nón là Nguyễn Du qủa không thuyết phục.
Tác giả còn viện dẫn thêm là ngôn ngữ và tâm lý trong bài Thác lời trai phường nón cũng như bài Văn tế không phải ngôn ngữ Nguyễn Du vì, Nguyễn sống nhiều ở Thăng Long lại theo dòng mẹ quê Bắc Ninh, ngôn ngữ ít lệ thuộc tiếng Nghệ, khác với Văn tế vàThác lời trai phường nón tiếng Nghệ xử dụng nhiều vả rất thuần thục. Ngoài “câu vụng, chữ dại”, ngôn ngữ thô thiển, tác giả cho rằng ở các bài văn tâm lý trần tục “bộc lộ sự tầm thường về đạo đức tư cách” thiếu tính nhân văn, không tương hợp với bậc đại thi hào “con mắt trông sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt ngàn đời”.
Ở đây tác giả nhầm lẫn giữa hai khái niệm nhân vật trữ tình và chủ thể trữ tình trong một bài thơ . Trong hai tác phẩm trên Nguyễn Du - chủ thể trữ tình, các chàng trai phường nón và người bạn hát trong bài văn tế - nhân vật trữ tình. Tâm lý và ngôn ngữ nhân vật trữ tình trong hai tác phẩm không phải của Nguyễn Du như PQA lầm tưởng để phê phán . Trong các bài văn này Nguyễn Du đã hoá thân thành các chàng trai phường nón, các bạn hát , bỡn cợt các cô gái phường vải. Ngôn ngữ nhân vật trữ tình mà tác giả hoá thân không thể thanh lịch và tâm lý không thể cao nhã được, ngôn ngữ và tâm lý phải thích hợp như của chính các trai đó trong đời sống. Theo tác giả Thái Kim Đỉnh, với sáu năm ở quê, nhiều lần sang nhà các bạn thông gia họ Nguyễn Huy thù tạc, “đi hát có khi ở lại hàng tháng” , chắc chắn cái vốn ngôn ngữ xứ này Nguyễn nắm vững và có thừa để xử dụng chứ không phải như anh PQA suy luận “…một anh dân kinh kì chính hiệu đã gần nửa cuộc đời như Nguyễn Du mới chân ướt chân ráo về quê mà đã viết được một bài văn tế đậm đạc thổ ngữ như vậy là một điều không tưởng”. Nhưng đây chính là biểu hiện cái tài sớm có, của bậc thâỳ ngôn ngữ Nguyễn Du. Xin trích một vài câu:
“Yếm nhuộm điều che trước ngực đỏ lòm lom/ Câu huê tình đọc bên tai nghe xa xả”, “Ả nọ o này đông đúc, gái một thì sắp tuổi sang xuân/ Anh kia chú nọ rình mò , trai ba phủ quyết chơi mãn hạ.” ( Văn tế Trường Lưu…)
Hay :
“Quê nhà nắng sớm mưa mai/ Đã buồn giở đến lịp tơi càng buồn/ Thờ ơ bó vọt đống sườn/ Đã nhàm bẹ móc, lại hờn nắm dang ( Thác lời trai phường nón ….)
Rất dân dã và đằm thắm, gợi cảm, lại chen vào những từ nghề nghiệp lịp tơi ,bó vọt ,đống sườn, bẹ móc, nắm dang , câu thơ đúng là ngôn ngữ và tâm trạng của những trai phường nón, bạn hát trong các cuộc đối đáp giao duyên. Hiểu như vậy sẽ thấy vô lý khi tác giả PQA hạ bút: “ Câu vụng chữ dại là dấu hiệu của một thứ phẩm không phải của bậc thi hào nhưng cái tình người, lòng nhân ái mới là vấn đề quan trọng…bộc lộ sự tầm thường về đạo đức.”
Như trên đã phân tích những lý lẽ anh PQA nêu lên tuy có vài điều suy ngẫm nhưng nhìn chung ít thuyết phục , cái chưa thoả đáng là cách bàn luận của tác giả, phóng chiếu lên màn hình một vấn đề nhỏ thành một sự kiện lớn, mỉa mai người đi trước “làm khoa học cẩu thả, không chịu khảo cứu một cách nghiêm túc chỉ nói theo nhau kiểu dĩ hư truyền hư”. Chúng tôi không nói về kiến văn mà chỉ nói đến cái sự chủ quan của tác giả.
----
(1) Phạm Quang Ái - Câu chuyện Nguyễn Du đi hát phường vải-Từ giai thoại dân gian đến huyền thoại khoa học - Hồn Việt số 98, 11-2015
(2) PQA - bài đã dẫn
(3),(4),(5) Thái Kim Đỉnh- Truyện Kiều và Thơ văn quanh Truyện Kiều, NXB Đại Học Vinh 2015, tr 521,523- tr 536, 538.
(6)Hà Quảng- Sổ tay văn hoá Hà Tĩnh, NXB Văn hoá Thông tin 1995, trang 272.
Theo Yến Nhi/Tạp chí Văn hóa Nghệ An
Nghiên cứu thảo luận
| Tham quan ảo 3D
Thư viện phim tư liệu
Bộ đếm lượt truy cậpLiên kết Website |