Loading...
|
Không gian siêu hình trong Truyện KiềuNgày 06 tháng 09 năm 2015
Khảo sát không gian Truyện Kiều, các nhà nghiên cứu đã khảo sát các không gian nhà chứa, tu hành, không gian họ Hoạn danh gia(1)... cũng như các tính chất, đặc điểm của các không gian trong tác phẩm như không gian lưu lạc, không gian giam hãm, không gian tha hương(2)... Điều này có nghĩa là các không gian được khảo sát là các không gian hiện thực, có thể quan sát được bằng giác quan.
Kiều mơ Đạm Tiên - Ảnh: Tranh lụa của Trương Đình Quế Trong khi đó, Truyện Kiều cũng như nhiều tác phẩm văn học trung đại khác không chỉ có các không gian hiện thực, hữu hình, trần thế mà còn có các không gian siêu hình (metaphysical setting) đầy trừu tượng, không rõ ràng, không thể quan sát được hình thể. Có sự tồn tại của không gian siêu hình trong các tác phẩm văn học trung đại là do cách nhìn, tư duy về thế giới của con người trung đại. Bên cạnh những con người hiện thực, trần thế và thế giới của họ, còn có các thế lực thuộc “những thế giới khác do ý thức tôn giáo và tín ngưỡng sinh ra”(3). Các thế giới hữu hình và vô hình này tương liên nhau. Thế giới tâm linh “chi phối”(4) con người trong thế giới hiện thực. Theo đó,Không gian siêu hình tiếp đến trong Truyện Kiều là cõi chiêm bao. Kiều có lúc nói về chiêm bao, cõi mộng:
- Bây giờ rõ mặt đôi ta
- Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao
- Tưởng bây giờ là bao giờ
- Rõ ràng mở mắt còn ngờ chiêm bao
Chiêm bao đối với Kiều một mặt là ảo ảnh, dễ tan biến nhưng mặt khác những gì thấy trong chiêm bao thật quý giá, đáng để suy nghĩ. Trong Truyện Kiều, có 4 lần Nguyễn Du mô tả giấc mộng và tất cả những gì được báo mộng đều linh ứng. Môtif báo mộng rất hay thường gặp trong văn học trung đại, đặc biệt là trong truyện truyền kỳ và tiểu thuyết chương hồi. Người trung đại tin vào điềm triệu, mộng triệu. Có khi họ xuất quân, đăng quang, khởi hành, xây cất... đều theo những điều được báo mộng. Người ta suy đoán cát hung, lành dữ từ mộng triệu. Thường thì trước những sự kiện lớn xảy ra cho một cá nhân, dòng họ sẽ có điều báo trước trong chiêm bao. Cũng thế, trong văn học trung đại, các nhà văn thường mô tả giấc mơ, lấy những điềm triệu trong mơ để thông báo tương lai của nhân vật, chứ không dựa vào các sự kiện, lôgic xã hội. Miêu tả giấc mộng do đó trở thành một phương tiện nghệ thuật phổ biến. Chiêm bao, giấc mơ không chỉ là hệ quả của một ám ảnh mà trong Truyện Kiều, đó còn là hệ quả của linh cảm. Một khi con người mang linh cảm về một điều gì đó chẳng lành, sẽ thấy điều đó trong chiêm bao. Kiều là nhân vật mang linh cảm, hay nói về những điều không chắc chắn, về sự bất an, hư vô của tương lai:
- Thấy người nằm đó biết sau thế nào - Một dày một mỏng biết là có nên
- Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao
Những linh tính về sự bất an đó được gia cố bằng giấc chiêm bao gặp Đạm Tiên lần thứ nhất. Giấc mơ này chứng thực bước đầu cho linh cảm về sự đau khổ của đời mình. Cõi chiêm bao, sự báo mộng ở đây có giá trị như những chứng lý cho linh tính về tương lai. Cõi mộng vô thức trở thành không gian chứa những điều tiên tri. Kiều đã giải đoán điều đó sau giấc mơ lần thứ nhất gặp Đạm Tiên: Cứ trong mộng triệu mà suy/ Phận con thôi có ra gì mai sau. Ở lần thứ hai, Kiều gặp Đạm Tiên trong mơ sau khi tự vẫn ở lầu xanh (Trong mê dường đã đứng bên một nàng/ Rỉ rằng: “Nhân quả dở dang/ Đã toan trốn nợ đoạn tràng được sao/ Số còn nặng nghiệp má đào/ Người dù muốn quyết trời nào đã cho/ Hãy xin hết kiếp liễu bồ/ Sông Tiền Đường sẽ hẹn hò về sau). Kiều gọi giấc mơ này là “thần mộng” (Và trong thần mộng lấy lời) và tin vào lập luận về duyên kiếp, duyên nghiệp của Đạm Tiên. Ở đây lại xuất hiện môtif “đoán mộng”, “giải mộng”. Sau giấc mơ này, Kiều chấp nhận làm kỹ nữ. Quan niệm về nhân duyên, sự tiền định và số phận trở thành phương tiện hóa giải cho tình huống lúc đó. Giấc mơ lần thứ ba Kiều thấy Đạm Tiên có lời giải thích về thân phận hiện kiếp và tiên báo về một tương lai “phúc dày” và sau này, Kiều có cuộc đời như lời trong mộng (Mơ màng phách quế, hồn mai/ Đạm Tiên thoắt đã thấy người ngày xưa/ Rằng: “Tôi đã có lòng chờ/ Mất công mười mấy năm thừa ở đây/ Chị sao phận mỏng phúc dày/ Kiếp xưa đã vậy, lòng này dễ ai/ Tâm thành đã thấu đến trời/ Bán mình là hiếu, cứu người là nhân/ Một niềm vì nước vì dân/ Âm công cất một đồng cân đã già/ Đoạn trường sổ rút tên ra/ Đoạn trường thơ phải đưa mà trả nhau/ Còn nhiều hưởng thụ về sau/ Duyên xưa tròn trặn, phúc sau dồi dào). Tác động trực tiếp của giấc mơ này đến Kiều là làm nhân vật bâng khuâng, “ngơ ngẩn biết sao” và gián tiếp, tiếp thêm niềm hạnh phúc làm cho Kiều “mừng rỡ trăm bề” khi gặp lại sư Giác Duyên. Nhân vật hồn ma Đạm Tiên và những gì thấy trong ba giấc mơ ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý nhân vật. Lần thứ nhất, làm Kiều “rền rỉ trướng loan”, âu lo; lần thứ hai, góp phần đưa đến quyết định tồn tại ở lầu xanh và lần thứ ba, như đã nói, góp phần làm nàng “mừng rỡ”. Đây là vài ba lần mừng vui hiếm hoi của Kiều. Đạm Tiên chỉ hoạt động vào lúc chiều tà (ở bãi tha ma) (Tà tà bóng ngả về tây) và ban đêm, có trăng (lần thứ hai, Chênh chênh bóng nguyệt xế mành và lần thứ ba, ở sông Tiền Đường, lúc Mảnh trăng đã gác non đoài). Hồn ma này thông suốt mọi sự, có thể di chuyển tới mọi không gian, đeo bám, ám ảnh Kiều. Trong khi đó, Kiều gặp Đạm Tiên trong những trạng thái vừa tỉnh vừa mê, vừa có ý thức vừa vô thức. Ở giấc mơ lần thứ nhất là khi đang “thiu thiu” (Tựa ngồi bên triện một mình thiu thiu), lần thứ hai, gặp “trong mê” (Trong mê dường đã đứng bên một nàng), còn lần cuối cùng, Đạm Tiên đến lúc Kiều “thiêm thiếp giấc vàng” (Nàng còn thiêm thiếp giấc vàng chưa phai). Giấc mơ đã trở thành một môtif trong truyện. Giấc mơ thứ tư trong Truyện Kiều (Thúy Vân nằm mơ thấy chị) cũng nằm trong kiểu thức của môtif này. Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân có tới 5 giấc mơ(5) nhưng Nguyễn Du đã lược bỏ đi giấc mơ Kiều gặp Kim Trọng. Đối với Nguyễn Du, giấc mơ mang tính thần bí, luôn gợi ra linh cảm, linh tính nào đó, là mộng triệu, do đó, giấc mơ đơn thuần, thông thường không có tính huyền bí như giấc mơ Kiều gặp Kim Trọng chưa đáp ứng được quan niệm của ông về sự siêu việt, khác lạ của cõi mộng nên đã bị lược bỏ. Cũng khác với Kim Vân Kiều truyện, Nguyễn Du đã không nói đến chi tiết nói Kiều sẽ gặp Đạm Tiên ở sông Tiền Đường trong giấc mơ lần thứ nhất, sau lễ tảo mộ mà dời chi tiết đó đến giấc mơ lần thứ hai ở lầu xanh Tú Bà. Sự di chuyển này thuyết phục hơn vì ở lần thứ nhất, Kiều vẫn đang sống trong không gian “êm đềm trướng rủ màn che”, chưa có dấu hiệu của sự lưu lạc, trong khi đó, ở giấc mơ gặp Đạm Tiên lần thứ hai, Kiều đã nổi nênh, việc di chuyển nơi chốn là khó tránh khỏi. Môtif giấc mơ cho thấy Nguyễn Du không chỉ mô tả ý thức mà còn đề cập đến linh cảm, linh thức, những trạng thái tâm lý thuộc về tiềm thức. Ông cũng mô tả cả ảo giác, một điều rất mới mẻ thời ấy, trong đoạn Kiều trao duyên. Giấc mơ là một mẫn gốc mà văn bản thuộc hàng đầu tiên đề cập đến là Kinh Thánh. Điều này mở ra một hướng tiếp cận nữa cho Truyện Kiều.
Ngoài cõi ma, cõi chiêm bao, Truyện Kiều còn có không gian các kiếp. Nguyễn Du hay nói đến kiếp, các kiếp: kiếp tu xưa, kiếp người, kiếp oan gia, kiếp phong trần, kiếp liễu bồ, kiếp này... Nguyễn Du và các nhân vật của ông tin vào sự tiền định, sự sắp đặt của một kiếp trước, của không gian tiền thân. Kim Trọng suy tư về duyên tiền định với Kiều ngay sau khi gặp gỡ (Ví chăng duyên nợ ba sinh/ Làm chi đem thói khuynh thành trêu ngươi). Khi đến hiên Lãm Thúy, Kim Trọng cũng tin đó là do duyên ở kiếp trước (Ba sinh âu hẳn duyên trời chi đây). Theo đó, nhân vật tin rằng ở tiền kiếp đã có những bàn tay dàn xếp các quan hệ của con người. Kiếp trước là siêu hình nhưng có sức mạnh, có công năng quyết định. Đối với Kiều, kiếp này cũng đã được ấn định từ kiếp trước, do nhân quả, nghiệp duyên. Lời của Đạm Tiên trong các giấc mơ lần thứ nhất và thứ hai cho thấy điều đó. Ở đó, Đạm Tiên đều giải thích thân phận Kiều bằng ngôn ngữ Phật học (quả kiếp nhân duyên, nghiệp...). Kiều cho rằng kiếp này của mình còn nặng nợ, tức là tin vào nhân quả, quả kiếp. Do đó, Kiều đã tồn tại ở kiếp trước và đã có những hành động nào đó gây tai họa cho kiếp này, cần phải trả (Kiếp này trả nợ chưa xong). Ngay cả tài năng của Kiều cũng đã được hình thành từ kiếp trước, nhờ tu tề ở đó, như lời Kim Trọng ca ngợi tài thơ của Kiều (Kiếp tu xưa ví chưa dày/ Phúc nào đổi được giá này cho ngang). Đối với Kiều, kiếp này, theo dòng luân hồi, là kiếp đau khổ (Kiếp phong trần biết bao giờ cho thôi và Kiếp người đã đến thế này thì thôi). Do “vụng đường tu” ở kiếp trước, nên Kiều đã chấp nhận và phải bù đền (Kiếp xưa đã vụng đường tu/ Kiếp này chẳng kẻo đền bù mới xuôi). Đối với hầu như tất cả các đau đớn trong đời, Kiều đều giải thích, đều cho đó là do nghiệp duyên tiền kiếp (Đã đành túc trái tiền oan/ Cũng liều ngọc nát hoa tàn mà chi). Không gian tiền kiếp, các hành động ở đó do vậy có vị trí lớn trong cách phân tích, giải thích số phận ở hiện kiếp. Tất nhiên, bên cạnh đó còn có “mệnh”, “số” của Nho giáo và các yếu tố khác của tín ngưỡng dân gian có nguồn gốc Lão giáo phù thủy. Không chỉ có tiền kiếp, hiện kiếp, nhân vật còn tin vào một hậu kiếp. Kiều nghĩ đến tái sinh, đến kiếp lai sinh mai sau, ở đó được sống lại, dù bằng một hình tướng khác (Tái sinh chưa dứt hương thề/ Làm thân trâu ngựa đền nghì trúc mai). Kiếp sau đối với Kiều lại là quả của kiếp này (Kiếp này trả nợ chưa xong/ Làm chi thêm một nợ chồng kiếp sau). Giữa các kiếp do đó có quan hệ tương liên, không tách rời nhau. Do nghiệp báo, kiếp này Kiều tai ương nhưng cũng ở kiếp này, nhờ hiếu mục, cứu người, tình nghĩa cao sâu (Bán mình là hiếu, cứu người là nhân (lời Đạm Tiên) và Hại một người cứu muôn người/ Biết đường khinh trọng, biết lời phải chăng (lời Tam Hợp đạo cô) nên Kiều được “nhẹ nhàng nợ trước, đền bồi duyên sau” và “phúc sau dồi dào”. Điều này có nghĩa là Kiều được sống một kiếp khác, mới mẻ, hạnh phúc ngay trong kiếp này. Ở đây, chủ nghĩa nhân đạo của Nguyễn Du được phát lộ. Ông để cho nhân vật trung tâm của mình viên mãn ngay lúc này mà không phải chờ một kiếp sau xa vời nào khác. Do đó, Kiều được đoàn viên, là phu nhân của một ông quan.
Một không gian siêu hình nữa trong Truyện Kiều là không gian âm phủ. Nguyễn Du còn gọi không gian này là tuyền đài, suối vàng, chín suối, địa ngục, cửu tuyền. Theo quan niệm của người trung đại, sau khi chết, người ta xuống âm phủ. Ở đó, vị vua cai quản có tên là Diêm Vương, có phán quan xét xử, có những kẻ thừa hành mệnh lệnh là ngưu đầu và mã diện (đầu trâu, mặt ngựa) và các thứ ngạ quỷ khác. Ở âm phủ cũng có sổ sinh tử ghi quê quán, hành tung, tội lỗi của kẻ chết, có lửa, vạc dầu, xiềng xích để trừng trị kẻ phạm tội. Cơ hồ như ở âm phủ, dù là cõi âm nhưng con người hình như vẫn còn sống và phải chịu các phán quyết, các hình thức trừng phạt. Trong Truyện Kiều, nhân vật Kiều nói giả như mình đã xuống âm phủ, vẫn mang trong lòng những tình cảm lúc còn tại thế (Nợ tình chưa trả cho ai/ Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan). Ở đó Kiều vẫn ôm ấp, nặng nợ, suy tư và mang theo những gì còn dang dở trên dương thế. Ở cõi âm, Kiều vẫn thấy được hả hê, mãn nguyện, hài lòng, nếu như Thúy Vân và Kim Trọng được hạnh phúc (Chị dù thịt nát xương tan/ Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây). Những điều này có nghĩa là các mối liên hệ với con người ở dương gian, với kẻ sống của kẻ ở âm phủ dường như không bị đứt đoạn, các âm vọng của các hành động, tình cảm ở trần thế vẫn được tiếp tục, vẫn còn dư vang. Ở âm phủ, kẻ chết vẫn còn cần đến sự cảm thông, hóa độ, an ủi, như lời Kiều nói với Vân: Dạ đài cách mặt khuất lời/ Rảy xin chén nước cho người thác oan. Tuy nhiên, dù xuống âm ty nhưng linh hồn kẻ chết vẫn không mất đi (Thác là thể phách, còn là tinh anh). Như thế, linh hồn, theo Nguyễn Du, là bất tử, vẫn luôn mang theo nó những ký ức, hoài niệm, vẫn còn có thể trở về với trần gian, như lời Kiều nói:Mai sau dù có bao giờ/ Đốt lò hương ấy, so tơ phím này/ Trông ra ngọn cỏ lá cây/ Thấy hiu hiu gió thì hay chị về/ Hồn còn mang nặng lời thề/ Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai. Kẻ làm trung gian giữa cõi người và âm phủ trong Truyện Kiều là nhân vật đạo nhân. Vị này được nói là có khả năng thông huyền, phi phù trí quỷ, có thể xuất thần, đến được với cõi âm và cõi tiên: Gần miền nghe có một thầy/ Phi phù trí quỷ, cao tay thông huyền/ Trên tam đảo, dưới cửu tuyền/ Tìm đâu thì cũng biết tin rõ ràng. Quả thật, ông ta đã đến được âm phủ khi “chưa tàn nén hương”: Đạo nhân phục trước tĩnh đàn/ Xuất thần giây phút, chưa tàn nén hương. Ở âm phủ, vị đạo sĩ này có một hành động đúng theo niềm tin dân gian là tra cứu sổ tử sinh. Sổ này là một danh sách có ghi tên kẻ tử sinh và hành trạng của họ. Việc họ không có mặt ở âm phủ, được rút tên ra hoặc không có trong đó nghĩa là họ vẫn còn sống. Khi trở về, vị đạo nhân này “minh bạch nói tường” là “Mặt nàng chẳng thấy, việc nàng đã tra”. Sự xuất hiện của nhân vật đạo sĩ với việc đốt hương, lập tĩnh đàn, “sắm sanh lễ vật” có liên quan đến tín ngưỡng lên đồng, nhập đồng và các thuật chú của dân gian và Lão giáo phù thủy. Lời vị đạo nhân sau khi vào âm phủ, cho biết Kiều chưa chết chỉ mắc nạn, Kiều và Thúc Sinh sẽ lại gặp nhau trong oái ăm sau đó đều chân xác.
Không gian siêu hình cuối cùng trong Truyện Kiều là cõi trời, với đấng ngự trị là ông trời. Trời trong Truyện Kiều còn được gọi bằng hóa công, con tạo, ông tơ... Thượng đế (tức trời) và do đó là cõi trời “là định đề của toàn bộ nhãn quan của con người trung đại về thế giới”(6). Trời trong Truyện Kiều có tính cách, có quyền uy vô lượng, sắp đặt và điều khiển mọi điều ở trần gian. Trời có thể cho tác hợp hay phân li (Ông tơ ghét bỏ chi nhau/ Chưa vui sum họp đã sầu chia phôi), có thể ganh ghét (Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen), phũ phàng, vô tâm (Phũ phàng chi bất hóa công), ban phát tư chất (Thông minh vốn sẵn tính trời), tùy hứng, tùy ý (Khuôn thiêng dù phụ tấc thành/ Cũng liều bỏ quá xuân xanh một đời)... Trời là đối tượng để con người kêu than nỗi oan khốc (Oan này còn một kêu trời nhưng xa), là thế lực ấn định vận rủi may (Rủi may âu cũng sự trời). Thuộc về cõi trời còn có các tinh tú khác và chúng cũng chiếu ứng tới thân phận con người như trăng chẳng hạn: Trăng già độc địa làm sao/ Cầm dây chẳng lựa, buộc vào tự nhiên. Trăng ở đây là “nguyệt lão”, “nguyệt quái”. Trong Truyện Kiều, cõi trời với thế lực chính là ông trời và hành tung của ông ấy là “mệnh trời” chi phối phần lớn chủ đề, giọng điệu, số phận nhân vật, cách thức Nguyễn Du giải thích về cuộc đời. Dưới mệnh của trời, con người trở nên cực kỳ bé nhỏ, mong manh:
- Rằng tôi bèo bọt chút thân - Rằng tôi chút phận đàn bà
- Thiếp như hoa đã lìa cành
- Nàng rằng chiếc bách sóng đào
- Nổi chìm cũng mặc lúc nào rủi may.
- Nàng rằng: “Chút phận ngây thơ”.
Vì thế, con người trong Truyện Kiều không còn quyền tự quyết, mà bị định đoạt. Nguyễn Du khuyên người ta đừng “trách lẫn trời gần, trời xa” nhưng ông cũng không thôi tin vào khả năng của con người (Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều), bởi vì theo ông, con người có “thiện căn” (Thiện căn ở tại lòng ta).
Như vậy, Truyện Kiều không chỉ có thế giới hiện thực mà còn có các không gian siêu hình và các thế lực cư ngụ ở đó. Các thế lực này lập trình các sự kiện trong không gian hiện thực và các sự kiện này phải diễn ra theo những gì đã được ấn định. Do đó, con người và số phận của nó bị điều khiển bởi các thế lực siêu hình, không có quyền, có khả năng tự quyết. Ở đây đã xuất hiện tư tưởng tiền định và chủ đề về sự bất lực, bất túc của con người thời trung đại. Tất cả đều do “có trời”, do “con tạo”, duyên nghiệp... Các thế giới siêu hình và thế giới hiện thực không có sự tách bạch, biện biệt rõ ràng mà hòa lẫn, pha trộn vào nhau, tương tác nhau. Điều này cho thấy tư duy nguyên hợp, đa nguyên về thế giới của người trung đại. Cuộc đời do đó vừa hiện thực vừa thần bí, âm dương đan xen nhau. Các thế lực thuộc các không gian siêu hình đều hướng về thế giới hiện thực của con người để phán quyết, định đoạt, hành hạ nó. Con người do đó phải không ngừng tranh chấp với các thế lực đó để hiện hữu, để đòi quyền được hạnh phúc. Trong cuộc tranh chấp này, các giá trị nhân bản của Truyện Kiều đã được phát lộ ra. Trong quan hệ giữa cõi trần và các không gian siêu hình đều có các nhân vật trung gian. Đạm Tiên là trung gian giữa cõi người với cõi ma; đạo nhân nối âm phủ và dương gian; “mệnh trời” là gạch nối giữa cõi trời và trần thế còn giữa các kiếp lại có quan hệ tương liên chặt chẽ, trong đó nghiệp duyên, nghiệp báo, nhân quả có vai trò quan trọng. Lời nói, hành động của các nhân vật thuộc các không gian siêu hình có tác động quan trọng đến tâm lý, sự lựa chọn, hành động của các nhân vật thuộc thế giới hiện thực. Chúng là một trong các căn cứ để giải thích số phận, nội tâm nhân vật, đặc biệt là Kiều, chứ không chỉ có các yếu tố hiện thực, các nguyên nhân xã hội. Truyện Kiều như thế không chỉ là chuyện kể về trần gian mà còn là câu chuyện về các thế giới siêu hình vô ảnh.
…………..
(1) Lê Đình Kỵ, Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực, Hội nhà văn Tp. Hồ Chí Minh, 1992, tr 288 - 308.
(2) Trần Đình Sử, Không gian nghệ thuật Truyện Kiều/ Trong sách Những thế giới nghệ thuật thơ, Nxb. Giáo dục, H.,1997, tr 372 - 390.
(3) A. JA. Gurêvich, Những phạm trù văn hóa trung cổ, Hoàng Ngọc Hiến dịch, Nxb. Giáo dục, H.,1996, tr 73.
(4) Trần Nho Thìn, Văn học trung đại Việt Nam dưới góc nhìn văn hóa, Nxb. Giáo dục, H.,2003, tr 52.
(5) Thanh Tâm Tài Nhân, Kim Vân Kiều truyện, Nguyễn Đức Vân, Nguyễn Khắc Khanh dịch, Nxb. Đại học quốc gia Hà Nội, 1999.
(6) A. JA. Gurêvich, sđd, tr 7.
Theo Trần Ngọc Hồ Trường/Tạp chí Sông Hương
Nghiên cứu thảo luận
| Tham quan ảo 3D
Thư viện phim tư liệu
Bộ đếm lượt truy cậpLiên kết Website |