Trong Hồn Việt, tập 4, Anh Nguyễn Quảng Tuân vừa có bài Những chữ kỵ huý trong văn bản Liễu Văn Đường đã giúp tìm ra thời điểm Nguyễn Du viết Truyện Kiều vào năm 1814. Bài Anh nhằm bác lại bài của chúng tôi (Nguyễn Tài Cẩn, Đào Thái Tôn: Sự đóng góp của bản Liễu Văn Đường trong việc tìm ra niên đại Truyện Kiều. Tạp chí Hán Nôm, số 3 (70) - 2005, tr.17), tuy thật ra Anh đọc bài của chúng tôi cũng chưa được thực kỹ. Tranh luận đầy đủ về từng chi tiết thì quá dài, vì vậy chúng tôi chỉ xin ,nêu một số điểm chính trao đổi lại cùng Anh .

Như mọi người đều biết, chữ kị húy của triều đại này sang triều đại khác đều thường phải xóa bỏ. Riêng đối với một người có tâm lí sợ sệt đã được sử sách ghi nhận như cụ Nguyễn Du, thì khi Gia Long lên ngôi, Cụ càng phải cố gắng hết sức để không còn lưu lại bóng dáng gì về những chỗ kị húy thời Lê - Trịnh nữa. Cho nên việc tìm ra được một số vết tích may mắn còn sót lại là một việc hết sức quý, hết sức đáng suy gẫm về mặt khoa học. Còn việc Anh Nguyễn Quảng Tuân dẫn ra khoảng 40 câu có chữ khắc in bình thường, không kị húy (7 câu về chữ NINH, 9 câu về chữ THANH, 6 đến 10 câu về chữ UY, 8 câu về chữ TÂY, v.v...) lại trở thành một việc không còn ý nghĩa gì nữa: đó phần lớn là những câu đã xỏa bỏ các dạng kị húy, phục hồi lại cách viết thông thường nên không thề sử dụng để làm phản chứng.

Kị húy là một việc rất phức tạp: không những phải kiêng đúng cái chữ ghi tên húy mà còn phải kiêng cả những chữ đồng âm, đồng thiên bàng; phái né tránh làm sao để bộ THỊ và bộ Mộc không thể lầm lẫn với nhau, v.v...

Những điều đó đều đã được quy định rõ ràng thành mệnh lệnh. Tiếc rằng Anh Tuân không lưu ý đến các chi tiết đó nên Anh mới nảy sinh nhiều thắc mác: như thắc mắc vì sao để kị húy tên Lê Thần Tông (có bộ ,THỊ) mà chữ KÌ với nghĩa là “cờ tướng” lại phải đổi bộ Mộc thành bộ khác ở cả bốn câu 1246, 1473, 3110, 3223 trong bản Duy Minh Thị (DMT), và ở hai câu 1246, 3110 trong cả bốn bản miền Bắc; hoặc như thắc mắc vì sao cách viết chữ TRỌNG bộ KIM mà lại có thể liên quan đến chữ TRỌNG bộ NHÂN trong tên húy ông chú của cụ Nguyễn Du, v.v...

Quy tắc cơ bản của việc kị húy trong văn tự là không được sử dụng đúng nguyên xi cái dạng chữ vốn dùng để ghi tên húy. Các trọng húy gặp ở các văn bản Hán thì dứt khoát phải thay bằng những chữ khác, như theo lệnh 1803, LAN phải thay bằng HƯƠNG, CHỦNG phải thay bàng THỰC chẳng hạn. Các trường hợp khác thì có thể thay từ mà cũng có thể chỉ thêm bớt nét hay đảo bộ để thay đổi tự dạng cho khác đi. Cũng có khi dùng lối thêm ba bốn dấu «« trên đầu chữ để kị húy, gọi là lối “gia dạng”. Căn cứ theo truyền thống đó, các dẫn chứng chúng tôi đã nêu ra đều hoàn toàn phù hợp. Anh Tuân nhất nhất đều bác bẻ lại. Nhưng những lúc Anh bác bẻ dựa vào ý nghĩa, dựa vào tự điển thực ra Anh đều đã đi xa nguyên tắc cơ bản trên đây nên đâm ra lúng túng: giữa hai cách viết ĐINH NINH cùng nghĩa sao chỉ chọn cách viết có bộ KHÂU mà không chọn cách viết kia? Nếu quan tâm đến nghĩa sao lại chọn cả cách viết có bộ NHÂN không cùng nghĩa? Chuyện có trong tự điển Khang Hi cũng đâu phải là một giải đáp! Thực ra cái lí do cơ bản là: chọn chữ NINH có bộ KHÂU và chữ NINH có bộ NHÂN thì mới tránh được tên húy của Lê Trang Tông!

Còn những khi Anh dựa vào lập luận các bản chép, bản khắc đã in sai thì anh quên tự hỏi:

-           Vì sao cứ tập trung vào các tên húy Lê - Trịnh mà sai?

-           Vì sao cùng một chữ mà lắm khi đồng thời có đến vài ba cách sai khác nhau song song tồn tại?

Và vì sao sai nhiều đến như thế? (Sai là một chuyện ngẫu nhiên, tỉ lệ thường thấp, chúng tôi đã có chứng minh điều này mấy lần, ví dụ trong bài về hai giả thuyết trong các văn bản Kiều nôm cổ đang còn lưu lại một số vết tích kỵ huý đời Lê - Trịnh, và chắc Truyện Kiều đã được cơ bản hoàn thành trong khoảng 1786-1790 đăng ở Ngôn ngữ số 7 (194) - 2005, tr. 1) chẳng hạn(1)

Trong một bài báo ngắn chúng tôi không thể dẫn nhiều ví dụ, có thể có ví dụ Anh chưa tin, như ví dụ về chữ MINH viết thiếu nét giữa bộ NHẬT, câu 1510. Vậy mong Anh xem thêm bộ NHẬT ở câu 29 bản 1866 và câu 150 bản 1871. Anh cũng không tin là họ Trịnh có kị húy chữ KIM: mong Anh xem 5 lần kị húy chữ đó ở thơ chúa Trịnh Cương in năm 1736(2). Chữ TỪNG ở câu 398 chúng tôi nêu chuyện bộ MỘC chuyển thành bộ THỦ ở bản Liễu Văn Đường và chuyển thành bộ HÒA ở bản VNB.60: Anh giải thích Mộc, THỦ có khi viết như nhau, vậy Mộc HÒA có thế viết như nhau được không? Tóm lại chúng tôi đã nghiên cứu một cách rất có hệ thống 23 chỗ có cách viết bất thường, chúng tôi đã kiểm tra đi kiểm tra lại cẩn thận, đã dè chừng cả những trường hợp chưa thực đáng tin cậy rồi chúng tôi mới dám đi đến kết luận có khoảng trên 10 vết tích chắc chắn là có kị húy Lê -Trịnh.

Anh có nêu một câu hỏi hết sức quan trọng: nếu Truyện Kiều đã hoàn thành cuối thời Lê - Trịnh, sao trong khoảng 1802-1820 lại có quá ít người đề cập, bàn bạc đến nó như thế? Câu chất vấn này quả thật là một câu đáng được suy ngẫm, đáng được nghiên cứu với một thái độ thực sự cầu thị. Chúng tôi đã dằn vặt, đã cân nhấc đi, cân nhấc lại rất nhiều, và tạm thời chúng tôi xin nêu giả thuyết như sau để thử giải thích.

Khi cụ Nguyễn Du vừa hoàn thành bản phác thảo đầu tay, chắc Cụ và gia đình Cụ cũng có cho sao chép lại cẩn thận thành một bản gia bảo, có gia húy, lưu lại trong gia đình để làm kỉ niệm. Một đôi bản sao lại từ bản gốc này - tạm gọi là bản sao thuộc thế hệ A - chắc cũng chỉ một vài anh em bà con và bạn bè chí thiết là có được. Sau đó chắc Cụ vẫn tiếp tục tự nhuận sắc, vẫn tiếp tục trao đổi với anh em, bạn bè, hình thành thêm một số bản sao mới, tạm gọi là thuộc thế hệ B. Vũ Trinh, Nguyễn Lượng bình luận về Truyện Kiều chắc là dựa trên các bản sao thế hệ A hoặc B ấy. Có thể nói, cho đến tận cuối thế kỉ XVIII, cả nhà thơ, cả gia đình, cả anh em bạn bè nhà thơ đều chi quan tâm đến một mặt: mặt văn chương của tác phẩm.

Nhưng năm 1802 Gia Long toàn thắng. Năm 1803 Gia Long ra các điều lệnh nghiêm ngặt về kị húy. Thế là bên cạnh mặt văn chương, Cụ và gia đình Cụ lại còn phải lo thêm mặt ứng phó với thời thế, ít nhất là phải làm hai việc tối thiết: a) phải xóa bỏ những chỗ kị húy Lê-Trịnh, phải lôi các tên tục Tây Sơn như HUỆ, BINH ra dùng; b) và phải kị hủy triệt để nhà Nguyễn theo lệnh năm 1803. Làm xong hai việc ấy, chắc gia đinh Cụ đều có gửi cho các bà con bạn bè chí thân biết để họ chữa lại các bản sao cũ cho hợp pháp. Do đó hình thành thêm các bản sao các thế hệ C, D, về sau. phải là Nguyễn Lượng đi nữa - cũng phải là một người đã viết lời bình về Truyện Kiều trước khi Gia Long lên ngôi. Chuyện đảo bộ HÒA sang bên phải chỉ là chuyện không đúng luật. Nhưng đó chỉ là chuyện người chép đời sau do sợ quá mà phải thay đổi tự dạng. Tất cả những điều này, trong báo Văn hóa Nghệ An mới ra gần đây, cũng đã có hai nhà nghiên cứu trẻ phát hiện và viết bài đề cập đến. Hơn nữa, trước kia tất cả những điều này cũng đã được Cụ Hoàng Xuân Hãn củng cố thêm bằng cứ liệu của Cụ Phạm Quí Thích bằng bài thơ Phạm Lập Trai làm trên đường đi vào Huế năm 1811.