Ngày 06 tháng 08 năm 2015
Ban bí thư Trung ương Đảng đã ra chỉ thị số 112-CT/TW về việc kỷ niệm Nguyễn Du. Bản chỉ thị cho biết: đầu năm 1964, Bộ chính trị Trung ương Đảng đã thông qua chủ trương kỷ niệm trọng thể lần thứ 200 năm sinh của nhà thơ dân tộc Nguyễn Du (1765 — 1965) ở trong nước và giới thiệu rộng rãi Nguyễn Du ra nước ngoài. Sau đó, Chủ tịch đoàn Hội đồng hòa bình thế giới, trong phiên họp tháng 12 năm 1964 tại Bá-linh (Cộng hòa dân chủ Đức) đã tán thành đề nghị của ủy ban bảo vệ hòa bình thế giới nước ta và quyết định ghi Nguyễn Du vào danh sách các nhà văn hóa được toàn thề giới kỷ niệm trong năm 1965.
Về mục đích và ý nghĩa của việc kỷ niệm, bản chỉ thị vạch rõ : " Việc kỷ niệm lần thứ 200 năm sinh của Nguyễn Du trong năm nay, cũng như việc kỷ niệm 520 năm ngày mất của Nguyễn Trãi trong năm 1962, kỷ niệm lần thứ 75 ngày mất của Nguyễn Đình Chiểu trong năm 1963 và việc kỷ niệm các anh hùng dân tộc, các liệt sĩ cách mạng đều nhằm mục đích chung là biểu dương những thành tựu rực rỡ của nhân dân ta trên các mặt chinh trị, quân sự và văn hóa, giáo dục các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh niên về truyền thống lịch sử vẻ vang của nước ta, do đó nâng cao thềm lòng tự tin và tự hào dân tộc để tiến lên hoàn thành những nhiệm vụ cách mạng trước mắt".
Đánh giá Nguyễn Du, bản chỉ thị khẳng định rằng : "Mặc dù nhà thơ có bị hạn chế trong ý thức hệ phong kiến mà biểu hiện tập trung nhất là tư tưởng định mệnh, toàn bộ tác phẩm của ông đã mô tả một cách sâu sắc xã hội phong kiến thối nát của thời đại ông, đã tố cáo, phản kháng và phê phán những thủ đoạn tàn nhẫn, bất công chà đạp lên vận mệnh con người, đồng thời nói lên lòng xót thương vô hạn của ông đối với những lớp người bị áp bức, đau khổ...
Chính vì vậy, toàn bộ tác phẩm của Nguyễn Du, đặc biệt là Truyện Kiều, được đông đảo nhân dân ta, từ thế hệ này qua thế hệ khác, hết sức yêu mến.
Ngày nay, dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác — Lê-nin, chúng ta càng phải phát huy tác dụng tích cực của thơ Nguyễn Du; đối với thời đại ngày nay tác phẩm của Nguyễn Du nói chung và Truyện Kiều nói riêng vẫn có sức gây căm thù sâu sắc đối với những lực lượng tàn bạo của xã hội cũ, khêu gợi cho nhân dân ta suy nghĩ và thêm thấm thía rằng: dưới chế độ phong kiến và những chế độ áp bức, bóc lột nói chung (bao gồm cả chế độ của Mỹ và tay sai ở miền Nam hiện nay), những người lương thiện, những người lao động thường bị đàn áp hắt hủi, xô đẩy đến chỗ cùng cực, do đó mà càng biết trân trọng phẩm giá con người, càng yêu quý chế độ tốt đẹp của ta hiện nay và quyết tầm đấu tranh đề giải phóng miền Nam, xây dựng và bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, thực hiện một nước Việt-nam hòa bình thống nhất độc lập, dân chủ và giàu mạnh.
Về mặt nghệ thuật, Truyện Kiều của Nguyễn Du là một đỉnh cao của thơ ca cổ điển của dân tộc, trong tác phẩm đó chúng ta có thể rút ra nhiều bài học kinh nghiêm bổ ích cho việc sáng tạo nghệ thuật ngày nay ».
Trên cơ sở nhận định đó bản chỉ thị đã nhấn mạnh nhiệm vụ đấu tranh chống mọi khuynh hướng lệch lạc đối với những di sản văn hóa dân tộc đặc biệt là chống lại âm mưu xuyên tạc những di sản đó để phục vụ cho mục đích chính trị đen tối của đế quốc Mỹ, và tay sai ở miền Nam hiện nay.
Về công tác tuyên truyền, giới thiệu Nguyễn Du ra nước ngoài, bản chỉ thị vạch rõ rằng: đây là lần đầu tiên Hội đồng hòa bình thế giới và nhân dân thế giới chính thức kỷ niệm một danh nhân văn hóa của nước ta. Việc kỷ niệm lại tổ chức đúng vào năm nước Việt-nam dân chủ cộng hòa vừa tròn 20 tuổi, lúc phong trào chống Mỹ, của nước đang dâng cao ở cả hai miền nước ta và đang thu được những thắng lợi to lớn, do đó dư luận rộng rãi trên thế giới đang ngày càng quan tâm sâu sắc đến tình hình nước ta và tích cực ủng hộ cuộc đấu tranh chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta. Đó là một dịp hết sức thuận lợi để giới thiệu Nguyễn Du ra nước ngoài, thông qua việc kỷ niệm Nguyễn Du mà làm cho nhân dân thế giới hiểu rằng: nước Việt-nam ta vốn có một nền văn học lâu đời và có tính dân tộc độc đáo, vốn có một truyền thống văn học phong phú và lành mạnh, trên cơ sở đó mà tranh thủ thêm cảm tình của nhân dân thế giới đối với dân tộc ta và cuộc đấu tranh chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta.
Về thời gian kỷ niệm, bản chỉ thị chỉ rõ: trước đây hàng năm ta vẫn kỷ niệm Nguyễn Du vào ngày mùng 10 tháng 8 âm lịch là ngày Nguyễn Du mất. Năm nay chúng ta lại kỷ niệm năm sinh của Nguyễn Du, nhưng tài liệu cũ không ghi rõ ngày tháng sinh của Nguyễn Du, vì vậy căn cứ vào tình hình công tác chung ở trong nước năm nay, chúng ta ấn định thời gian kỷ niệm lần thứ 200 năm sinh của Nguyễn Du vào tháng 11 năm 1965.
Về các hoạt động kỷ niệm cụ thể, bản chỉ thị đặc biệt nhấn mạnh đến việc nghiên cứu và đánh giá lại Nguyễn Du cho đúng, việc tái bản lại các tác phẩm của Nguyễn Du như Truyện Kiều, văn tế thập loại chúng sinh, Thơ chữ Hán và các hình thức nói chuyện, sinh hoạt câu lạc bộ để làm cho công chúng hiểu rõ phần cống hiến tích cực của Nguyễn Du đối với lịch sử văn học dân tộc ta.
Trong tình hình khẩn trương hiện nay do đế quốc Mỹ tăng cường chiến tranh xâm lược miền Nam và phá hoại miền Bắc gây ra, việc Ban bí thư Trung ương Đảng trang trọng ra chỉ thị về việc kỷ niệm Nguyễn Du, và việc nhân dân nước ta trong tháng 11 sắp tới sẽ trọng thể kỷ niệm lần thứ 200 năm sinh của Nguyễn Du là một việc rất có ý nghĩa. Nó chứng tỏ rằng: Đảng ta rất quý trọng những giá trị của văn hóa dân tộc, tích cực kế thừa có phê phán các di sản văn hóa, nghệ thuật của các thời đại trước để sử dụng chúng vào sự nghiệp giáo dục tư tưởng, tình cảm cho nhân dân và sáng tạo một nền văn nghệ mới phong phú, lành mạnh.