nguyendu.d.webcom.vn
Loading...

Cuộc đời sự nghiệp

Bộ đếm lượt truy cập

web counter html code

Ảnh hưởng của Điền Nhạc hầu Nguyễn Điều Đối với Đại thi hào Nguyễn Du


Tại làng Xuân Trì, tổng Yên Ấp xưa, nay là xóm Quán, xã Sơn An, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh là nơi còn lưu giữ Di tích lịch sử văn hóa nhà thờ Điền nhạc hầu Nguyễn Điều – Người đã có ảnh hưởng lớn đến nhân cách đối với Đại thi hào Nguyễn Du.
Nguyễn Điều sinh năm Ất Sửu niên hiệu Cảnh Hưng thứ 6 (1745) là anh trai cùng cha khác mẹ với Đại thi hào Nguyễn Du. Sinh ra trong một gia đình khoa bảng, văn chương, ngoại giao, quân sự. Cha của ông là Nguyễn Nghiễm (1708 -1775), sinh ra ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ông đậu tiến sỹ năm 1731 và có hơn 10 năm giữ chức tể tướng trong Triều đình Lê - Trịnh. Nguyễn Nghiễm có 8 người vợ và 21 người con. Mẹ của Nguyễn Điều là bà Đặng Thị Thuyết (vợ thứ 2 của Nguyễn Nghiễm) người làng Uy Viễn, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, bà là người con gái nết na, thông minh, xinh đẹp, giỏi về kinh sử. Sau khi sinh ra Nguyễn Điều được ít tháng thì bà lâm bệnh qua đời, Nguyễn Điều được dì ruột cũng là vợ cả của Nguyễn Nghiễm nuôi nấng và chăm sóc.
 
Sớm mô côi mẹ nên Nguyễn Điều chịu nhiều ảnh hưởng về tư chất khảng khái, trung quân mà đầy nghĩa tình của người cha. Vì vậy, ông sớm nhận rõ được những điều hay, lẽ phải ở đời và hình thành nên nhân cách sống sau này.
 
Nguyễn Điều thuở nhỏ nổi tiếng là thông minh và tài giỏi, 15 tuổi ông đi thi Hương và đậu tứ trường. Năm Canh Thìn (1760) ông tham gia dự kỳ thi Hội và đậu tam trường và được cử chức Thị nội văn chức, sau đó đổi sang chức Tự thừa đại lý tự, Viên ngoại Bộ lại, Lang trung bộ lại.
 
Lớn lên trong giai đoạn đất nước có nhiều biến cố, triều đình lộn xộn, hạn hán, lũ lụt mất mùa, đói rét, cuộc sống người dân lầm than, các cuộc khởi nghĩa của nhân dân diễn ra khắp nơi. Để lập lại trật tự xã hội, triều đình ban bố nhiều chính sách và quy tập người tài giỏi để dẹp yên các cuộc khởi nghĩa. Do sớm bộc lộ tài năng về quân sự, Nguyễn Điều được cử giữ chức Quản hữu thuyền đội Hãn trung quân cầm quân dẹp loạn. Với tài chỉ huy và cầm quân, cánh quân của Nguyễn Điều trở thành một đội quân hùng mạnh.
 
Năm 1774, ở vùng Quảng Nam có biến loạn, Trịnh Sâm đã chọn Nguyễn Điều - một tướng quân được đánh giá là ngoan cường đầy mưu lược cùng với các tướng lĩnh của triều đình (Trong đó có cha ông là Nguyễn Nghiễm) đã dẫn quân vào Đàng trong. Chỉ trong một thời gian ngắn nghĩa quân đã làm chủ được ba phủ Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Phú Yên. Năm 1775,  tướng Nguyễn Nghiễm - thân phụ của Nguyễn Điều đang trên đường hành quân thì bị ốm nặng đã về quê chữa bệnh và mất vào ngày 7/1/1775. Lúc này Nguyễn Điều đang ở chiến trường đã cáo quan về quê chịu tang cha.
 
Tuy được đảm nhiệm những chức vụ quan trọng trong triều đình nhưng ông luôn trăn trở về con đường khoa bảng, ước muốn của ông chưa được thực hiện thì năm 1778 các cuộc khởi nghĩa ở các vùng ven biển Bắc bộ lại nổi lên uy hiếp thành Thăng Long. Trước tình hình đó, Triều đình liền phong cho Nguyễn Điều giữ chức Đô chỉ huy sứ, tước Điền nhạc hầu trấn giữ đồn Bồng Hải (Ninh Bình) và bảo vệ xứ Tràng An. Bằng các mưu lược và kinh nghiệm trận mạc, Nguyễn Điều đã chiêu dụ được địch ra hàng, phong trào khởi nghĩa tạm lắng và ông được triều đình phong giữ chức Trấn thủ Hưng hóa.
 
Năm 1779 các Tù trưởng vùng núi Tuyên Quang lại làm phản, Nguyễn Điều được cử giữ chức Đốc lĩnh thảo tặc tướng quân chỉ huy đánh địch, trước thế mạnh của nghĩa quân, quân địch không chống lại được quân triều đình, tướng giặc đã bỏ trốn và sau xin ra đầu hàng. Sau khi trấn giữ được phủ Tuyên Quang, Nguyễn Điều đã tiến hành ổn định chính trị, kinh tế, đưa cuộc sống người dân trở lại thái bình.
 
Năm 1782 chúa Trịnh Sâm mất, quân Tam phủ nổi dậy giết Hoàng Đình Bảo, phế truất Trịnh Cán, tôn Trịnh Khải lên ngôi chúa. Mặc dù Trịnh Khải đã tiến hành củng cố lại triều chính nhưng tình hình chính trị ngày càng trở nên rối ren. Trước tình hình đó Nguyễn Điều đã vạch ra kế hoạch trừ loạn kiêu binh nhưng sự việc bị bại lộ kế hoạch không thành, Nguyễn Điều đã cáo quan trở về quê hương. Trên đường về quê, ông không về Tiên Điền mà lên vùng Kẻ Trùa nay thuộc xã Sơn An, huyện Hương Sơn để sinh sống và lập nên chi nhánh dòng tộc họ Nguyễn tại nơi đây .
 
Năm 1786 khi Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc, ông không những không theo Tây Sơn mà định sang Trấn Ninh tập hợp lực lượng chống lại Tây Sơn, khôi phục lại triều Lê - Trịnh, nhưng khi đến đoạn sông ở Thanh Giang, Thanh Chương Nghệ An thì nghe tin kinh thành bị quân Tây Sơn chiếm giữ, quá đau lòng ông lâm bệnh và qua đời vào ngày 31/7/1786 (tức 07/7Al).
 
Trong suốt cuộc đời của mình, Nguyễn Điều luôn giữ trọn đạo “Trung, hiếu, nghĩa” với đất nước, với gia đình và quê hương. Điều đặc biệt Ông là người có ảnh hưởng lớn đến nhân cách của Đại thi hào Nguyễn Du.
 
Khi Nguyễn Du lên 13 tuổi thì người cha là Nguyễn Nghiễm đã mất được ba năm, mẹ của Nguyễn Du cũng qua đời, Nguyễn Điều đã cùng Nguyễn Khản là anh cùng cha khác mẹ đã nuôi nấng chăm lo cho Nguyễn Du được học hành đầy đủ. Được tiếp nhận tính cách từ một người anh là cầm, kỳ, thi, họa nổi tiếng ở đất kinh thành của Nguyễn Khản và một người anh mạnh mẽ, quyết đoán, trung thành đầy nghĩa tình của Nguyễn Điều đã hình thành nên một nhân cách, lối sống đối với thiên tài Nguyễn Du.
 
 
Theo Lê Nhật Tân/huongson.hatinh.gov.vn