nguyendu.d.webcom.vn
Loading...

"Cảm hứng tự thương" của Nguyễn Du qua một số trích đoạn trong Truyện Kiều.


Nguyễn Du từng cất lên tiếng kêu đứt ruột:
 
“Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”
....
“Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung!”
                             (Trích Truyện Kiều –Nguyễn Du).
 
Lời thơ Nguyễn Du chan chứa niềm cảm thương sâu sắc với con người, đặc biệt là với những người phụ nữ tài hoa bạc mệnh. Những vần thơ của ông thấm đẫm tình người, tình đời, làm rung động trái tim người đọc đã tôn vinh ông là nhà thơ nhân đạo chủ nghĩa.
 
Tinh thần nhân đạo là một nội dung lớn, một cảm hứng lớn trong dòng văn học Việt Nam. Tinh thần ấy bắt nguồn từ truyền thống nhân đạo của người Việt, từ cội nguồn văn học dân gian, từ sự ảnh hưởng tích cực tư tưởng nhân văn của Nho, Phật, Đạo. Đến thời trung đại, cảm hứng nhân đạo đã trở thành chủ nghĩa nhân đạo và đạt đến đỉnh cao như một trào lưu ở thế kỷ 18. Biểu hiện của tinh thần nhân đạo trong thời kỳ này rất phong phú. Đó là tiếng nói xót thương, đồng cảm với số phận bất hạnh của con người, trân trọng phẩm chất, nâng niu khát vọng, lên án tố cáo những thế lực vùi dập, chà đạp con người, đặc biệt là người phụ nữ...
 
Vượt lên tầm tư tưởng của những sáng tác cùng thời, Nguyễn Du đã thể hiện  tiếng nói nhân đạo mới mẻ, sâu sắc qua thơ văn của mình. Tác giả đề cao tiếng nói cá nhân, ý thức của con người cá nhân về khát vọng tình yêu, hạnh phúc, tự do, nhất là tiếng nói thương người – thương thân. Đó chính là “cảm hứng tự thương” được Nguyễn Du trực tiếp hoặc gián tiếp bộc lộ trong tác phẩm của mình
 
Nguyễn Du đã từng khóc thương, đau đớn, xót xa, nuối tiếc về số phận của nàng Tiểu Thanh tài hoa bạc mệnh trong Độc Tiểu Thanh ký.  Từ cái chết oan khuất của nàng, nhà thơ đề cập giá trị tinh thần và số phận oan nghiệt của những người làm nên giá trị tinh thần. Nguyễn Du muốn hướng đến lý giải những bất trắc của cuộc đời, lý giải những nỗi bất hạnh của con người và khao khát đi tìm tri âm thấu hiểu mình, thương mình, khóc mình:
 
“ Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”
 
 Nguyễn Du đã khóc thương cho nàng Tiểu Thanh của ba trăm năm trước và mong muốn ba trăm năm sau sẽ có người đồng cảm, khóc thương cho số phận của mình. Đó cũng là tấm lòng “biệt nhỡn liên tài”, “tài tình thông lụy” và trái tim đa cảm  giàu lòng thương yêu của Nguyễn Du. Như Mộng Liên Đường chủ nhân đánh giá “ Thúy Kiều khóc Đạm Tiên, Tố Như tử làm Truyện Kiều. Chuyện tuy hai mà một...”. Nguyễn Du khóc cho Tiểu Thanh, hậu thế khóc Nguyễn Du là mối tương liên sâu đậm tạo nên dòng chảy nhân đạo không bao giờ dứt. Câu thơ còn thể hiện ý thức của cái tôi cá nhân và cá tính sáng tạo nhằm mang lại nội dung nhân đạo sâu sắc, mới mẻ cho thơ ca.
 
Những người tài hoa bạc mệnh xưa khiến Nguyễn Du suy nghĩ nhiều, day dứt, trăn trở, băn khoăn về định mệnh, số phận nghiệt ngã của những người có tài văn chương, thơ phú và trở thành ý niệm ám ảnh trong thơ ông. Trong Truyện Kiều, rất nhiều lần Nguyễn Du đề cập đến số mệnh con người theo thuyết thiên mệnh của người xưa:
 
...“Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen”...
... “Tài tình chi lắm cho trời đất ghen”...
... “Chữ tài liền với chữ tai một vần”...
... “Chữ tài, chữ mệnh khéo là ghét nhau”
 
Ý thơ thể hiện nỗi đau và sự bất bình trước quan niệm của chế độ phong kiến “xướng ca vô loài”, chà đạp, hủy hoại giá trị tinh thần của văn chương và đối xử bất công với con người làm nên giá trị tinh thần ấy.
 
Truyện Kiều là một “tập đại thành của văn học Việt Nam”,  một kiệt tác văn chương nổi tiếng thế giới. Truyện Kiều không chỉ đạt đến đỉnh cao nghệ thuật mà còn đỉnh cao trong trào lưu nhân đạo của văn học trung đại. Tác phẩm là sự biểu hiện phong phú nhất của chủ nghĩa nhân đạo ở thế kỷ 18 chứa đựng tinh thần nhân đạo sâu sắc mới mẻ của Nguyễn Du tiêu biểu là đoạn trích Trao duyên, Nỗi thương mình.
 
Đoạn trích Trao duyên được xem là tiếng kêu đứt ruột trong Đoạn trường tân thanh (Truyện Kiều), là tiếng khóc của Kiều khi nàng phải hi sinh chữ tình để làm tròn chữ hiếu. Kiều đành cậy Vân thay mình trả nghĩa cho Kim Trọng. Kiều chọn chữ hiếu là hợp lẽ đạo đức theo “ Trung – hiếu – lễ - nghĩa- trí – tín”. Nhưng lựa chọn ấy đẩy Kiều đến vô vàn nỗi bất hạnh sau này trong suốt 15 năm lưu lạc. Trao duyên không chỉ làm ngời lên vẻ đẹp nhân cách bao dung, vị tha, đức hi sinh của Kiều mà còn thể hiện niềm xót xa, thương cảm, đồng cảm của Nguyễn Du với nỗi đau trước bi kịch tình yêu tan vỡ của nàng.
 
Nguyễn Du đã thấu hiểu nỗi đau đớn cực điểm, cực độ của Kiều khi trao duyên. Với Kiều đó là một quyết định chủ quan, đau đớn khi phải tự tay cắt đứt mối duyên tình đẹp đẽ với chàng Kim. Tâm trạng của Kiều khi thuyết phục Vân không được Nguyễn Du tập trung miêu tả bằng ngôn ngữ nhưng nỗi đau của nàng như ẩn chứa trong lời. Kiều đã cố kìm nén nỗi đau, nuốt nước mắt vào trong để đủ tỉnh táo thuyết phục Vân chấp nhận thỉnh cầu. Màn thuyết phục của Kiều cũng là tài nghệ sử dụng ngôn ngữ, xây dựng tính cách nhân vật tuyệt vời và thể hiện khả năng hiểu người kỳ diệu của Nguyễn Du.
 
Nguyễn Du thấu hiểu tâm trạng đau đớn của Kiều khi đi vào diễn tả tâm lí phức tạp, đầy mâu thuẫn trong việc trao duyên cho Thuý Vân và khát vọng tình yêu của nàng. Thuý Kiều vừa cố gắng thuyết phục em nhận lời thay mình trả nghĩa cho Kim Trọng vừa nuối tiếc, đau khổ muốn giữ lại cho mình mối duyên tình đẹp đẽ, lãng mạn:  
 
“Chiếc vành với bức tờ mây
Duyên này thì giữ vật này của chung”
 
Tâm trạng chứa đầy mâu thuẫn ấy chứng tỏ tình yêu nồng nàn, sâu đậm của Kiều đối với Kim Trọng. Kiều trao duyên là cách để giữ chữ tín với người yêu, là việc làm chứng tỏ Kiều tôn trọng tình yêu và đặt hạnh phúc người yêu lên trên nỗi đau của bản thân.
 
Hơn ai hết, Nguyễn thấu hiểu nỗi đau đớn, tuyệt vọng của Kiều khi mất người yêu. Sau khi trao duyên Kiều thấy cuộc sống như chấm dứt. Nàng thấy mình như sắp lìa đời, nàng chỉ nghĩ đến cái chết và cõi hư vô khiến lời trao duyên đọng lại nỗi đau quặn thắt và chua xót như lời trăn trối:
 
“Dù em nên vợ nên chồng
Xót người mệnh bạc ắt lòng chẳng quên
Mất người còn chút của tin
Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa.
Mai sau dù có bao giờ
Đốt lò hương ấy so tơ phím này
Trông ra ngọn cỏ lá cây
Thấy hiu hiu gió thì hay chị về
Hồn còn mang nặng lời thề
Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai
Dạ đài cách mặt khuất lời
Rưới xin giọt nước cho người thác oan”
 
Tác giả để cho Kiều dặn dò, nhắc nhở Vân và Kim Trọng hãy thương xót và tưởng nhớ đến mình. Đó là cách để cho nhân vật trực tiếp cất lên tiếng nói “tự thương”. Nguyễn Du dành một đoạn dài cho nàng Kiều trải lòng. Lời Kiều dặn dò Vân nghe nức nở, nghẹn ngào. Với nàng, đánh mất tình yêu như đánh mất tất cả. Nàng vừa chết đi trong nỗi đau của hiện tại, vừa sống lại những kỉ niệm tình yêu của quá khứ, vừa tưởng tượng ra viễn cảnh tương lai của mình. Kiều thấy mình là người “thác oan”, là oan hồn ở cõi hư vô, vật vờ ở “ngọn cỏ lá cây”. Lời Kiều dặn dò Vân mà như lời trăn trối, trong tâm hồn nàng hiện hữu viễn cảnh tương lai là “dạ đài” (âm phủ), là “nát thân bồ liễu”. Cái viễn cảnh tương lai ấy khiền Kiều đau đớn tột cùng. Cảm xúc của Kiều đan xen giữa hiện tại với quá khứ. Kiều càng đau xót hơn khi những kỉ niệm tình yêu nồng nàn, say đắm “Phím đàn, mảnh hương huyền, lò hương tơ phím” trong đêm thề nguyền với Kim Trọng dội về. Quá khứ đẹp với hiện tại nghiệt ngã giằng xé trong tâm hồn Kiều khiến nàng đau đớn, Kiều vẫn luôn nghĩ rằng mình phải trả nghĩa cho Kim Trọng. Dù là oan hồn, dù nát thân bồ liễu vẫn “mang nặng lời thề”, vẫn muốn “đền nghì trúc mai”. Lời Kiều khẳng định tình yêu mãnh liệt thủy chung, son sắc với chàng Kim dù cái chết chia lìa, dù đã là người của thế giới bên kia. Cái chết có thể chia cách âm dương nhưng không thể chia cắt tình yêu mãnh liệt, sâu nặng của nàng. Điều đó thể hiện sâu sắc khát vọng tình yêu và niềm khao khát hạnh phúc lứa đôi của nàng Kiều mà Nguyễn Du gửi gắm trong tác phẩm.  Nguyễn Du đã vượt lên tư tưởng của thời đại ông thường ru ngủ con người tìm kiếm hạnh phúc trong thế giới siêu hình ở kiếp sau, ông đã thể hiện niềm khao khát hạnh phúc tình yêu của Kiều ở trần thế. Lời dặn dò cũng là tiếng khóc, khóc cho mình, khóc cho người yêu, khóc cho tình duyên dang dở, đổ vỡ trong lòng. Đó là tiếng khóc cho số phận, tiếng khóc cho một mối tình nghiệt ngã. Kiều thương mình và nhắc nhở Vân và Kim Trọng thương mình là tiếng nói thể hiện sự ý thức của con người cá nhân về bản thân. Nguyễn Du viết với cảm hứng “tự thương” là một biểu hiện của tiếng nói nhân đạo sâu sắc, mới mẻ. 
 
Nguyễn Du miêu tả nỗi đau xé lòng dâng lên tột đỉnh với tiếng kêu gào, khóc than thảm thiết của Thuý Kiều hướng đến Kim Trọng. Tác giả để Kiều vừa chìm đắm trong nỗi đau và viễn cảnh tương lai rồi chợt đối mặt với hiện tại phũ phàng. Lời nhắn gửi  đến chàng Kim là những câu cảm thán, bộc lộ cảm xúc đau đớn tột cùng của Kiều:
 
“Bây giờ trâm gãy gương tan
Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân
Trăm nghìn gửi lạy tình quân
Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi!
Phận sao phận bạc như vôi
Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng
Ôi Kim Lang! Hỡi Kim Lang!
Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây!
 
Kiều đã khóc than như tạ lỗi với chàng Kim vì mình đã phụ tình chàng, nỗi đau đớn nhất của Kiều cũng là của chàng Kim. Nỗi đau đã thốt thành tiếng kêu đứt ruột, tiếng khóc thảm thiết cho số phận, cho tình yêu, cho mình  và cả người mình yêu. Nỗi đau như dồn nén đến hồi đột phá thành tiếng gào, tiếng kêu xé lòng, đứt ruột. Các cung bậc của nỗi đau như cứ tăng lên mãi trong từng lời Kiều. Kiều khóc thương cho “tơ duyên ngắn ngủi”, khóc thương cho “phận bạc như vôi”, khóc cho tình yêu tan vỡ như “ nước chảy hoa trôi”, khóc cho muôn vàn những kỉ niệm ái ân đã đến phút đoạn tình bật lên thành tiếng kêu gào thảm thiết “Ôi Kim lang! Hỡi Kim lang!”.
 
Tác giả đã sử dụng hàng loạt câu cảm thán, thán từ “ôi”, vần ôi để diễn tả nỗi đau đớn tột cùng, tột đỉnh tâm trạng của Kiều khi đoạn tuyệt tình yêu. Kiều vật vã, quằn quại khóc thương để tiễn biệt một mối tình. Hai chữ “thôi thôi” như là dấu chấm hết số kiếp của tình yêu và số mệnh bất hạnh cuả Kiều. Đêm trao duyên như tiếng đàn lâm li, bi đát trở thành tiếng kêu đứt ruột, não nùng nhất trong “Đoạn trường tân thanh”. Thông qua tiếng khóc đó, Nguyễn Du đề cao khát vọng tình yêu hạnh phúc lứa đôi và thể hiện năng lực hiểu người kì diệu của ông.
 
Một lần nữa, Nguyễn Du tiếp tục để Kiều trực tiếp bộc lộ tiếng nói “tự thương” trong đoạn trích “Nỗi thương mình”. Đó là lúc Kiều phải sống trong cảnh tủi nhục, ê chề, trớ trêu, bị ép buộc thành ca nhi, kỹ nữ, thành gái làng chơi ở chốn lầu xanh. Kiều phải tiếp khách đủ mọi hạng người, từ bọn phàm phu tục tử, vãng lai, đến khách văn nhân, phong lưu đây đó.  Sau bao cuộc say triền miên, những cuộc mây mưa hoan lạc đêm ngày chỉ còn những khoảnh khắc “Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh” là lúc Kiều giành cho mình. Nhưng chút thời gian ít ỏi đó không phải để nghỉ ngơi, thư giản mà đó là lúc Kiều đối diện với chính mình, nghĩ về mình:
 
 “ Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh
Giật mình, mình lại thương mình xót xa
 
Nghĩ về mình, Kiều càng thương thân, xót phận, nàng cảm nhận thức được hoàn cảnh sống nhơ nhớp của mình. Cái “giật mình” hoảng hốt đó chính là sự đánh thức lương tri, là sự thức ngộ về giá trị nhân phẩm của mình bị chà đạp, vùi dập phũ phàng. Điệp từ “mình” lặp lại ba lần trong câu thơ tạo cảm giác nặng nề như diễn tả sự trăn trở, dằn vặt, dày vò, cắn rứt lương tâm Kiều vì cảnh sống nhơ bẩn hiện tại. Giật mình là trạng thái tâm lí bị đánh thức bởi yếu tố khách quan và sự thức tỉnh của chủ quan để thương xót cho thân phận mình. Cái giật mình ấy thể hiện nhân cách và sự tự trọng của Kiều. Nguyễn Du đã để Kiều trực tiếp bộc lộ tiếng nói “thương mình”. Đó là tiếng nói thể hiện ý thức cá nhân về quyền sống, ý thức về giá trị sống giữa quá khứ và hiện tại:
 
“ Khi sao phong gấm rủ là
Giờ sao tan tác như hoa giữa đường
Mặt sao dày gió dạn sương
Thân sao bướm chán ong chường bấy thân” .
 
Bốn câu thơ được thể hiện dưới dạng câu hỏi với điệp từ “sao”; “khi sao”, “giờ sao”, “thân sao”, “mặt sao”. Đó là những câu hỏi Kiều tự chất vấn mình, thể hiện sự dằn vặt, sự tự ý thức về cảnh sống tủi nhục của gái lầu xanh. Những câu hỏi ấy như xoáy sâu vào hoàn cảnh éo le, nhục nhã, bế tắc, vô vọng không lối thoát của Kiều. Những câu hỏi ấy cũng là lời oán thán số phận. Thông qua những câu hỏi ấy, Nguyễn Du cảm thông thương xót cho số phận của Kiều và là câu hỏi đặt ra  để gián tiếp lên án chế độ phong kiến chà đạp lên những giá trị nhân phẩm tốt đẹp của con người. Những câu hỏi Kiều tự đặt ra cho mình thể hiện sự đối lập nghiệt ngã, phũ phàng giữa quá khứ sang trọng, quý phái “phong gấm rủ là” với hiện tại là sự vùi hoa dập liễu không thương tiếc. Sự xót xa, nuối tiếc về giá trị, nhân phẩm, nỗi niềm thương thân, xót phận của Kiều là một cách thể hiện “ cảm hứng tự thương” của Nguyễn Du – một nét mới về tinh thần nhân đạo của ông.
 
Góp phần tạo nên đỉnh cao chủ nghĩa nhân đạo trong văn học trung đại, Đặng Trần Côn đã cất lên tiếng nói cảm thông sâu sắc với tâm trạng nhớ thương sầu muộn, cô đơn, lẻ loi đau khổ của người chinh phụ và thể hiện niềm khát khao hạnh phúc ái ân lứa đôi, tố cáo chiến tranh phong kiến phi nghĩa trong Chinh phụ ngâm. Nguyễn Gia Thiều thể hiện nỗi đau, sự oán hận của người cung nữ bị bỏ rơi nhưng không được buông tha và cất lên tiếng nói đòi quyền sống, quyền tự do yêu thương và khát vọng hạnh phúc trong Cung oán ngâm. Nguyễn Du đề cập đến tiếng nói thương người thương mình, thương những người “cùng hội cùng thuyền”, đề cao giá trị tinh thần và con người làm nên giá trị tinh thần trong Độc Tiểu Thanh kí . Tác phẩm là “nỗi đau trước cái đẹp bị vùi dập và niềm khao khát tri âm”, “Nguyễn Du khóc người và cũng tự khóc mình”. “ Cái ông cần là chúng ta hiểu được những tâm sự của ông về cuộc đời và đồng tình với ông trong tiếng kêu thương về một sự bất công lớn của  xã hội mà ông sống” ( Phan Huy Dũng, Tác phẩm văn học trong nhà trường phổ thông, NXB GD, 200, tr 57). Với Truyện Kiều, ông đã đề cao ca ngợi tình yêu, thể hiện khát vọng tình yêu tự do,  thấu hiểu nỗi đau của con người, thể hiện năng lực hiểu người, hiểu đời kỳ diệu của ông, để Kiều tự ý thức về quyền sống, nhân phẩm và cất lên tiếng nói thương mình”.
 
Nổi lên trong những sáng tác của Nguyễn Du là “cảm hứng tự thương” là nỗi đau nhân tình của con người “có đôi mắt nhìn sáu cõi”, “có tấm lòng nghĩ suốt nghìn đời” (Mộng Liên Đường chủ nhân). Đó là tinh thần  nhân đạo sâu sắc, mới mẻ tôn vinh Nguyễn Du là nhà thơ nhân đạo chủ nghĩa và  góp phần làm nên giá trị đặc sắc của tác phẩm, làm phong phú nội dung nhân đạo trong văn học trung đại nói riêng và văn học Việt Nam nói chung.
                   
Nguyễn Thị Bình -Trường THPT Nguyễn Công Trứ(Nghi Xuân - Hà Tĩnh)
(Tham luận Hội thảo Nguyễn  Du - Truyện Kiều với quê hương Nghi Xuân)

Audio Guide

nguyendu.d.webcom.vn

Tham quan ảo 3D

nguyendu.d.webcom.vn

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website