nguyendu.d.webcom.vn
Loading...

Xung đột Đại Việt - Chiêm Thành cuối thời Trần *


Chiêm Thành còn có những tên gọi khác là Champa, Chiêm. Sử cũ thường gọi là Chiêm Thành. Trong bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ, nước nhỏ thường thần phục nước lớn hơn. Trong mối quan hệ với Đại Việt, Chiêm Thành chịu sự thần phục Đại Việt và thường mang sản vật tiến cống. 

 

Ngay từ khi triều Trần mới được thiết lập, mặc dù Chiêm Thành vẫn thần phục Đại Việt, vẫn tiến cống nhưng lại vẫn sang cướp phá đòi lại đất cũ đã mất từ thời Lý. Điều đó khiến cho vị vua đầu triều Trần- Trần Thái Tông rất tức giận. Năm Nhâm Tý (1252) vua tự làm tướng cầm quân tiến đánh Chiêm Thành và giành thắng lợi, bắt được vợ vua nước Chiêm là Bố Da La và các thần thiếp cùng nhân dân rất nhiều. Và từ đó, những cuộc gây rối của Chiêm Thành đã nhường chỗ cho những chuyến triều cống thường xuyên.

 

Từ nửa cuối thế kỷ XIII đến nửa đầu thế kỷ XIV, sử cũ ghi chép khá nhiều sự kiện tiến cống của Chiêm Thành cho Đại Việt. Niên đại đầu tiên chép việc tiến cống của Chiêm Thành là 1242, niên đại sau cùng là 1352. Tất cả 15 lần[1]. Đó là bức tranh khá đẹp trong quan hệ giữa Đại Việt và Chiêm Thành đầu thời Trần. Nhưng từ cuối thời Trần, Chiêm Thành liên tục tấn công Đại Việt. Bài viết này xem xét chủ yếu dưới góc độ xung đột giữa hai nước Đại Việt và Chiêm Thành trong khoảng thời gian từ năm 1361 cho đến 1390.

 

Như trên đã nêu có thể thấy, sự thần phục của Chiêm Thành đối với Đại Việt chủ yếu tồn tại trong thế kỷ XIII và nửa đầu thế kỷ XIV khi triều Trần đang mạnh, nhất là sau ba lần đánh thắng quân xâm lượng Mông - Nguyên. Tuy nhiên, từ giữa thế kỷ XIV, Chiêm Thành bắt đầu sao nhãng việc tiến cống, nên đã bị vua Trần sai sứ sang hỏi tội “Tháng 2 (1346), sai Phạm Nguyên Hằng sang sứ Chiêm Thành, trách hỏi về việc thiếu lễ triều cống hàng năm”. Tiếp thu sự trách hỏi của Đại Việt, ngay tháng 10 năm đó Chiêm Thành mang lễ vật sang cống nhưng số lễ vật rất ít “Chiêm Thành sai sứ sang cống, lễ vật rất ít[2]. Đây là dấu hiệu Champa chuẩn bị tấn công Đại Việt như thực tế lịch sử diễn ra trong những thập niên cuối thế kỷ XIV.

 

Mặc dù có dấu hiệu không mặn mà trong quan hệ với Đại Việt, nhưng có lúc cần cầu viện thì Chiêm Thành vẫn sang nhờ Đại Việt. Nguyên là, Chế Mỗ, con trai của vua Chế A Nan bị tể tướng Trà Hòa Bố Để đuổi đi, tự lập làm vua. Chế Mỗ liền chạy sang cầu cứu Đại Việt đem quân tiến đánh Bố Để để lập Chế Mỗ lên làm vua. “Tháng 3- 1352, Chế Mỗ nước Chiêm Thành chạy sang nước ta, dâng voi trắng, ngựa trắng mỗi thứ một con, một con kiến lớn (dài 1 thước 9 tấc) và các cống vật, xin nước ta đem quân đánh Trà Hòa Bố Để mà lập y làm quốc vương. Trước kia khi vua Chiêm Thành là Chế A Nan còn sống thì con là Chế Mỗ làm Bố điền (tức Đại vương); con rể là Trà Hòa Bố Để làm Bố đề (tức Tể tướng), nói gì cũng nghe, bàn gì cũng theo, vì thế mới lập bè đảng với Chế Mỗ. Chế Mỗ có khi bị vua quở trách, Bố Để thường cứu giải cho. Người trong nước thấy thế chia lòng, không chuyên theo về Chế Mỗ. Đến khi A Nan chết, Bố Để đuổi Chế Mỗ đi mà tự lập làm vua. Thế mới biết kẻ làm tôi mà lập bè đảng tất có mưu khác mà Chế Mỗ không biết là mình bị sa vào thuật của họ[3].

 

Nhận lời giúp Chế Mỗ, Đại Việt tích cực chuẩn bị lực lượng. Ngay sau đó (tháng 3 năm 1352), nhà vua xuống Chiếu ra lệnh “cho các vương hầu đóng chiến thuyền, chế khí giới, luyện tập binh sĩ [4]. Đến tháng 6 cùng năm, đại quân cử binh đánh Chiêm Thành, để đưa Chế Mỗ về nước. Tuy nhiên, việc tiến đánh không thành công do đoàn quân chuyển lương bị quân Chiêm ngăn chặn phải trở về. Chế Mỗ ở lại Đại Việt được một thời gian rồi từ trần. Chỉ 3 tháng sau - vào tháng 9 -1352, Chiêm Thành đem quân đến cướp châu Hóa. Quân Đại Việt đánh đuổi nhưng bị thua. Nhà Trần cử Trương Hán Siêu đem quân Thần Sách đến trấn giữ châu Hóa và ổn định được tình hình ở đó. Trương Hán Siêu từ châu Hoá về triều đình. Được một thời gian thì quân Chiêm lại liên tục tấn công Đại Việt. Lúc đầu là nhằm vào địa bàn gần biên giới như Dĩ Lý, châu Hóa. Từ đây cho đến năm 1390, khi vua Chiêm Thành là Chế Bồng Nga bị chết trận trong lần tấn công cuối năm 1389 - đầu 1390, Chiêm Thành liên tục tổ chức tấn công Đại Việt. Và, thời gian này, quan hệ giữa hai nước thực chất là những cuộc chiến tương tàn.

 

Đại Việt những thập niên cuối thế kỷ XIV, tình hình kinh tế, chính trị của đất nước có nhiều biến động. Kinh tế khủng hoảng đã tác động không nhỏ trên bình diện xã hội. Từ thời điểm 1343 trở đi, triều đình phải lo lắng và dồn sức vào dẹp nhiều thứ tệ nạn xã hội, trong đó có nạn trộm cướp và các cuộc nổi dậy của dân chúng do đói kém. Nếu như từ năm 1225, khi triều Trần lên nắm chính quyền đến năm 1343, trong khoảng 118 năm chỉ có một cuộc làm phản của Trịnh Giác Mật ở đạo Đà Giang vào năm 1280, thì từ năm 1343-1400, trong vòng 57 năm ấy đã có tới 8 cuộc nổi dậy của nhân dân mà sử chép là giặc cướp. Trong đó, trong thời gian trị vì của vua Trần Dụ Tông (1341-1369) xảy ra nhiều hơn cả: 4 vụ, vào các năm 1343, 1344, 1351, 1354 và điển hình là cuộc nổi dậy của Ngô Bệ ở núi Yên Phụ (nay thuộc tỉnh Quảng Ninh) kéo dài từ 1344-1360. “Bấy giờ (1354) vì đói kém, nhân dân gian khổ về giặc cướp[5]. Trong đó, cuộc nổi dậy của Ngô Bệ là một cuộc nổi dậy kéo dài nhất (16 năm). Chỉ tính riêng năm 1389 đã có tới 3 cuộc nổi dậy của dân chúng nhưng cả ba cuộc này cũng không có sự tham gia của gia nô. Trong đó có cuộc nổi dậy của nhà sư là Thiên nhiên tăng Phạm Sư Ôn tiến đánh kinh sư vào tháng 12 năm 1389. Sư Ôn ở kinh sư ba ngày rồi ra đóng ở Nộn Châu[6].

 

Địa bàn xảy ra 8 cuộc nổi dậy trải rộng trên nhiều nơi: Giáp Sơn (Hải Dương), Lạng Giang, Nam Sách, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang, Thanh Hóa (2 cuộc), Quốc Oai thượng và các xứ Lập Thạch, Đáy Giang, Lịch Sơn, Đà Giang, Tân Viên[7].

 

Trong nước đói kém, quốc khố trống rỗng, kho tàng cạn kiệt, Nhà nước không còn khả năng chẩn cấp thóc gạo cho dân, phải kêu gọi sự hỗ trợ của nhà giàu. Đói kém dân chúng nổi dậy trộm cướp ở nhiều nơi. Nhà nước đã phải lập hẳn một đội quân chuyên đi bắt cướp - Phong đoàn quân. Đôi khi còn điều cả Cấm  quân nữa. Nhiều lần Nhà nước phải ra Chiếu kêu gọi các nhà giàu cấp thóc, phát chẩn cho dân nghèo, cứu đói, bán thóc gạo với giá phải chăng cho dân hoặc cho Nhà nước, hoặc nộp thóc vào kho để cung cấp cho quân đội. Đổi lại, Nhà nước sẽ thưởng chức tước cho những người nào thực hiện lệnh trên. Tình hình này đượcĐVSKTT chép như sau:

 

Mùa thu, tháng 8 (1358), xuống chiếu khuyên các nhà giàu ở các lộ bỏ thóc ra chẩn cấp cho dân nghèo, quan tư sở tại tính xem số thóc đã quyên ra bao nhiêu trả lại bằng tiền[8].

 

Tháng 8 (1362)... Đói to, xuống chiếu các nhà giàu dâng thóc để phát chẩn cho dân nghèo, ban cho tước phẩm theo thứ bậc khác nhau[9]. “Mùa thu, tháng 8 (1373), hạ lệnh cho quân và dân quyên thóc cho Nhà nước, thưởng cho tước phẩm theo thứ bậc khác nhau[10].

 

Mùa thu, tháng 8 (1375), xuống chiếu cho những người giàu ở các lộ đem dâng thóc, ban tước phẩm theo thứ bậc khác nhau[11].

 

Mùa thu, tháng 8 (1378), bấy giờ đương có việc dụng binhkho tàng hết kiệt[12].

 

Về phía Chiêm Thành, năm 1360, Trà Hoa Bố Để từ trần, em là Chế Bồng Nga lên thay. Chế Bồng Nga là vị vua thứ 3 của vương triều thứ 12 (tức là vị vua đời thứ 39) của nhà nước Chiêm Thành. Trong thời kỳ ông cầm quyền, nhà nước Chiêm Thành đã được củng cố và xây dựng hùng mạnh. Chế Bồng Nga từng nhiều lần đem quân xâm phạm Đại Việt của nhà Trần. Chỉ đến khi Chế Bồng Nga thực hiện tấn công Thăng Long lần thứ 4 - năm 1390, rồi chết trận thì xung đột Đại Việt- Chiêm Thành mới kết thúc.

 

Như trên đã nêu, nhân lúc Đại Việt suy yếu, Chiêm Thành dưới sự lãnh đạo của vua Chế Bồng Nga đã liên tục đem quân tiến đánh, nhiều sự kiện được chép trong sử cũ chứng minh điều đó.

 

Tháng 3-1361, quân Chiêm Thành theo đường biển đến cướp ở cửa biển Dĩ Lý (Cương Mục chú là cửa Lý Hòa, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình). Nhưng bị quân nhà Trần và dân sở tại đánh tan. Ngay sau đó, nhà Trần đã cử Phạm A Song vào cai quản Lâm Bình (tức là Dĩ Lý) với chức tri phủ, nhằm tăng cường kiểm soát hơn nữa vùng cửa biển này.

 

Tháng 3-1362, người Chiêm Thành đến cướp của bắt người ở châu Hóa. Cũng giống như ở Dĩ Lý, ngay sau đó (tháng 4 cùng năm) nhà Trần cử Đỗ Tử Bình đi tuyển thêm quân ở châu Hóa và tăng cường sửa chữa, tu bổ thành Hóa châu cho vững chắc[13].

 

Năm 1365, Chiêm Thành tiếp tục tấn công Đại Việt ở châu Hóa. “Mùa Xuân, tháng Giêng, người Chiêm Thành đến bắt dân ở châu Hóa. Hằng năm cứ đến mùa Xuân tháng Giêng, con trai con gái họp nhau đánh đu ở Bà Dương. Người Chiêm khoảng tháng 12 năm trước, nấp sẵn ở nơi đầu nguồn của châu Hóa, đến khi ấy úp đến cướp bắt lấy người đem về”[14].

 

Tháng 3-1366, người Chiêm Thành đến cướp phủ Lâm Bình nhưng bị quân của quan phủ nhà Trần là Phạm A Song đánh bại. Sau đó, nhà Trần đã thăng chức cho Phạm A Song làm Đại tri phủ Lâm Bình hành quân thủ ngữ sứ[15].

Năm 1367, nhà Trần cử Minh tự Trần Thế Hưng làm thống quân hành khiển, Đỗ Tử Bình làm phó, đi đánh Chiêm Thành. Nhưng khi đi đến Chiêm Động thì bị người Chiêm tấn công bất ngờ, quân Đại Việt tan vỡ. Thế Hưng bị quân Chiêm bắt, Tử Bình bèn rút quân về.

Tháng 2-1368, Chiêm Thành sai Mục Bà Ma sang đòi lại đất Hóa châu. 

 

Nhà Minh vừa thay thế nhà Nguyên, vào năm Hồng Vũ thứ 2 (1369) triều Minh Thái Tổ, vua Chiêm là Chế Bồng Nga sai sứ sang Minh dâng lễ vật và yêu cầu Chu Nguyên Chương công nhận hợp pháp Chế Bồng Nga là vua Chiêm Thành.

 

Năm 1371, Chiêm Thành tấn công Đại Việt, tiến thẳng đến Kinh đô Thăng Long. Quân Chiêm lấy lý do mẹ của Dương Nhật Lễ đang trốn ở Chiêm xui giục quân Chiêm tấn công Đại Việt. Chế Bồng Nga dựa vào uy thế của nhà Minh kèm theo lý do xúi dục của mẹ Dương Nhật Lễ liền tổ chức cuộc tấn công quy mô vào Đại Việt. Quân Chiêm vào Thăng Long đốt trụi cung điện, đồ thư, cướp bóc con gái, đồ vật quý đem về. Vua Trần phải lánh nạn sang Đông Ngàn[16]. Sử chép: "Tháng 3 nhuận (1371), người Chiêm Thành sang cướp do cửa biển Đại An tiến thẳng đến kinh sư. Du binh của giặc đến bến Thái Tổ (nay là phường Phục Cổ). Vua đi thuyền sang sông Đông Ngàn để tránh. Ngày 27, quân giặc vào thành, đốt phá cung điện, cướp lấy con gái, ngọc lụa đem về. Chiêm Thành sở dĩ đến cướp là vì mẹ của Nhật Lễ chạy trốn sang nước ấy, xui giục sang cướp để báo thù cho Nhật Lễ…Giặc đốt cung điện đồ thư trụi cả…"[17].

 

Tiếc rằng khí thế “sát Thát” trước đây của nhà Trần đã nguội lạnh, “Bấy giờ thái bình đã lâu, biên thành không có phòng bị, giặc đến không có quân để chống lại…Trong nước từ đấy sinh ra nhiều chuyện”[18].

 

Nhà Trần cũng tích cực chuẩn bị để thực hiện cuộc tấn công Chiêm Thành. Năm 1372, nhà Trần đã lấy Đỗ Tử Bình làm Hành khiển tham mưu quân sự và sửa soạn binh lương. Cho người châu Hóa là Hồ Long là Tri châu Hóa châu.

 

Ở phía Nam, đường sá, sông ngòi được xây mới và nạo vét nhằm đảm bảo cho việc chuyển quân bằng đường thuỷ. Nhà nước lệnh cho các nhà giàu phải cung cấp lương thục và sẽ được trả bằng tước vị. Các địa phương phía Nam lập ra các kho dự trữ lương thực và vũ khí cung cấp cho quân đội. "Tháng 8 năm Bính Thìn (1376), xuống chiếu cho quân dân Thanh Hóa, Nghệ An, Diễn Châu tải 5 vạn hộc lương đến châu Hóa"[19].

 

Cuối năm 1376, vua Trần Duệ tông thân chinh tiến đánh Chiêm Thành nhưng bị trúng kế của Chế Bồng Nga nên bị chết trận, quân Đại Việt thất bại nặng nề.

Năm 1377 (ngày 6 tháng 11), nhân lúc quân Đại Việt bị thua, Chế Bồng Nga kéo quân ra Thăng Long nhưng chỉ ở lại vài ngày rồi dẫn quân về. Trên đường về gặp bão, quân lính chết rất nhiều. “Đầu tiên, Thượng hoàng nghe tin có giặc đến, sai Trấn quốc tướng quân là Cung chính vương Sư Hiền giữ cửa biển Đại An. Giặc biết là có phòng bị, mới do cửa biển Thiên Phù tiến vào thẳng đến Kinh sư. Ngày 12 giặc lại dẫn quân về, ra cửa biển Đại An, bị bão chết đuối rất nhiều”[20].

 

Năm sau, tháng 5- 1378, Chế Bồng Nga lại tổ chức tấn công Kinh đô Đại Việt lần thứ ba[21]. Lúc này, có lẽ quân Chế Bồng Nga đã chiếm lại được những vùng đất trước đây đã dâng cho Đại Việt. Tháng 6, quân Chiêm Thành đánh vào sông Đại Hoàng, vua sai hành khiển Đỗ Tử Bình chống giữ nhưng không giữ nổi, tan vỡ. Quân Chiêm tiến đánh Kinh sư, bắt người, cướp của về nước. Trong trận này, Lê Giác bị quân Chiêm bắt, “giặc bức Giác phải lạy, Giác nói: ta là quan của nước lớn, sao lại lạy mày !. Giặc giận giết chết. Giác chửi giặc luôn mồm không thôi. Việc tâu lên, truy phong Giác làm Mạ tặc Trung vũ hầu, cho con là Nhuế làm Chánh chưởng bốn cục Cận thị chi hậu. Giác là con của cố  nhập nội hành khiển thượng thư hữu bật Lê Quát”[22].

 

Năm 1380, binh của Chế Bồng Nga tấn công cướp phá bờ biển Nghệ An và Thanh Hóa. Vua Trần Nghệ Tông sai Hồ Quý Ly đem thủy binh ngăn chặn, Đỗ Tử Bình quản lãnh bộ binh và giữ Ngu Giang, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa). Quân thủy của Hồ Quý Ly đánh đuổi được quân Chiêm.

 

Năm 1383, quân Đại Việt do Hồ Quý Ly tổ chức tấn công Chiêm Thành nhưng giữa đường gặp bão, thuyền chiến phần nhiều bị đắm nên phải quay về.

 

Tháng 5 năm Quý Hợi (1383), Chế Bồng Nga cùng tướng La Khải đem quân tấn công Đại Việt. Quân Chiêm tiến đến Quảng Oai. Tướng Mật Ôn được lệnh đem binh ngăn chặn nhưng bị quân Chiêm bắt sống. Thượng hoàng phải lánh sang Đông Ngàn. Tướng Nguyễn Đa Phương ở lại giữa Thăng Long. Quân Chế Bồng Nga cuối cùng chiếm được Thăng Long và ở đó nhiều tháng[23].

 

Năm 1389, tháng 10, quân Chiêm Thành tiến đánh Đại Việt, ở hương Cổ Vô - Thanh Hoá. Trận này, quân nhà Trần do Hồ Quý Ly chỉ huy đã bị trúng kế mai phục của quân Chiêm Thành nên bị thua. Hồ Quy Ly phải trốn về Thăng Long xin Thượng hoàng điều thêm quân. Thượng hoàng không cho nên Ông giải quyền cầm quân. “Giặc (quân Chiêm Thành- N.T.P.C. chú) đắp ngăn dòng sông ở thượng lưu, quan quân đóng nhiều cọc để đối địch. Ngày 20, giặc mai phục quân và voi giả bỏ trại mà về. Quý Ly chọn những quân tinh khoẻ gọi là quân cảm tử, đuổi theo để đánh. Quân thuỷ nhổ cọc ra đánh. Giặc bèn phá đập chắn nước, cho voi xông ra. Bấy giờ quân tinh khoẻ đã đi xa rồi, quân thuỷ không thể ngược dòng tiến được, vì thế bị thua. Tướng coi quân Hữu Thánh dực là Nguyễn Chí (có sách chép là Trần Đình Quý) bị giặc bắt được; còn các quân tướng khác 70 người đều chết. Quý Ly để tỳ tướng là Phạm Khả Vĩnh ở lại cầm cự với giặc, còn mình thì trốn về. Nguyễn Đa Phương tạm coi quân Thánh Dực. Đêm ấy Đa Phương bàn nhau với Khả Vĩnh rằng: Thế giặc như thế, bọn ta thế cô, khó lòng cầm cự được lâu; nếu muốn rút quân về, thì giặc tất thừa cơ đuổi theo. Bèn hạ lệnh cho các quân giăng nhiều cờ xí, buộc thuyền lớn vào cọc, sai người canh giữ, rồi lấy thuyền nhẹ trốn đi ban đêm. Quý Ly về đến kinh sư, xin phái thêm thuyền chiến Châu Kiều, Thượng hoàng không cho. Quý Ly vì thế xin giải quyền cầm quân, không đi đánh nữa”[24].

 

Tháng 11 năm 1389, Thượng hoàng sai Trần Khát Chân làm tướng chỉ huy quân Long Tiệp đi đánh Chiêm Thành. Quân đi từ sông Lô đến sông Hoàng thì gặp quân Chiêm Thành. Thấy địa thế bất lợi cho trận đánh, Trần Khát Chân lui về giữ sông Hải Triều[25].

 

Năm 1390, tháng Giêng, ngày 23, quân Đại Việt do Thượng tướng Trần Khát Chân tấn công Chế Bồng Nga trên sông Hải Triều (tức sông Luộc). Trong toán quân Chiêm có tiểu thần của Chế Bồng Nga đã đầu hàng quân Đại Việt[26]. Quân Đại Việt biết được thuyền của Chế Bồng Nga nên ra sức bắn súng vào. Chế Bồng Nga, người luôn thúc đẩy các cuộc tấn công Đại Việt trúng đạn chết. Quân Chiêm thấy vậy, lập tức lui quân. La Khải về đến Chiêm Thành tự xưng vương. Hai người con trai của Chế Bồng Nga phải trốn sang Đại Việt. Đại Việt lấy lại được các vùng đất thuộc Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam ngày nay. 

 

Sau khi thắng trận, tháng 2-1390,  vua ngự đến Long Hưng, Kiến Xương, Yên Sinh làm lễ bái yết các lăng. Triều đình thực hiện phong thưởng cho những người lập công và trị tội những người hàng giặc: “Lấy Trần Khát Chân làm Long tiệp bổng thần nội vệ Thượng tướng quân, phong tước Vũ Tiết quan nội hầu, Phạm Khả Vĩnh (người Tây Chân) làm Xa kỵ vệ thượng tướng quân, phong tước Quan Phục hầu; Phạm Lặc và Dương Ngang thưởng tước 5 tư, thăng Lặc làm giám Cấm vệ đô, cho Ngang 30 mẫu ruộng. Còn các người khác được thăng chức tước theo thứ bậc khác nhau” ; “Xuống chiếu bắt bọn đảng giặc là Nguyên Đĩnh, Nguyễn Động, Nguyễn Doãn, Nguyễn Khang (Cương mục chép là Trần Khang); những người bị hiếp theo thì không trị. Nguyên Đĩnh và Trần Tôn đều nhảy xuống nước chết. Khang chạy sang nước Minh, nói dối là con cháu họ Trần, đổi tên là Thiêm Bình”[27]Sau khi Chế Bồng Nga mất, quân Chiêm Thành không dám tấn công Đại Việt nữa.

 

Mùa Xuân, tháng Hai (1391) Hồ Quý Ly đem quân đi tuần châu Hóa, xét định quân ngũ, sửa xây thành trì, ổn định tình hình ở châu Hóa. Sau đó, Hồ Quý Ly có cơ hội tiến hành một cố cải cách trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội vào những năm trước và sau 1400.

 

Nhận xét

 

1. Tính từ năm 1361 đến 1391 đã có tới 14 lần xung đột bằng quân sự diễn ra giữa quân Chiêm Thành và Đại Việt. Quân Chiêm Thành tấn công Đại Việt 11 lần[28], trong đó 5 trận đầu vào các năm 1361, 1362, 1365, 1366, 1368 quân Chiêm Thành chỉ đánh vào châu Hoá - biên giới Đại Việt- Chiêm Thành hoặc vùng ven biển. Nhưng có đến 3 lần bị quân Đại Việt đánh tan (1361, 1362, 1366). Có 4 lần tiến thẳng vào kinh đô Thăng Long[29]. Trong đó, thiệt hại nặng nhất là năm 1371, quân Chiêm Thành đốt trụi cung điện, đồ thư, cướp của đem về nước. Ở lại kinh đô lâu nhất (vài tháng) là năm 1383. Về phía Đại Việt, vua tôi nhà Trần đã 3 lần xuất quân tiến đánh Chiêm Thành vào các năm 1367, 1376, 1383 nhưng đều bị thất bại. Trong hai lần thất bại (1367; 1376) đau buồn và nặng nhất là năm 1376, quan quân Đại Việt thua to, vua Trần Duệ Tông đã tử trận do trúng kế của Chế Bồng Nga. Một lần vào năm 1383 quan quân trên đường đi đánh Chiêm Thành thì gặp bão, phần nhiều thuyền chiến bị đắm nên phải quay về. 31 năm xung đột Đại Việt - Chiêm Thành (1361- 1390) chỉ đến trận cuối cùng (cuối 1389 đầu 1390) khi vua Chiêm - Chế Bồng Nga - người khởi xướng và chỉ huy các cuộc tấn công Đại Việt tử trận thì xung đột giữa Đại Việt với Chiêm Thành mới chấm dứt.

 

2. Nguyên nhân của những cuộc chiến là nhằm tái chiếm những phần lãnh thổ đã từng dâng cho nhà Trần. Trước đó, như chúng ta đã biết, năm 1306 vua Chiêm Thành là Chế Mân dâng hai châu Ô, Lý cho Đại Việt làm sính lễ. Năm 1307 vua Chế Mân qua đời, trong các năm 1311, 1312,1317-1318, 1326 và 1353, Chiêm Thành đã liên tục tấn công Đại Việt nhằm lấy lại hai châu Ô, Lý nhưng không thành công.

 

3. Từ đó có thể thấy, độc lập dân tộc luôn gắn liền với việc củng cố, xây dựng quốc phòng. Đất nước suy yếu là nguy cơ xâm lược của nước ngoài. Nhìn lại lịch sử chúng ta thấy, nếu như đất nước Đại Việt trong thế kỷ XIII đến nửa đầu thế kỷ XIV khi đang trên đà thắng lợi của ba cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông - Nguyên, khi Đại Việt có các tướng lĩnh quân đội tài giỏi, có những vương hầu quý tộc danh tiếng từng xây dựng quân đội Đại Việt hùng mạnh thì lúc đó chính Hốt Tất Liệt cũng phải dặn các tướng lĩnh rằng: chớ thấy nước nhỏ mà coi thường. Nước Chiêm Thành thì một niềm cống tiến, không dám thường xuyên quấy nhiễu. Thế nhưng từ 1360 trở đi, nhất là từ năm 1371, tình hình trong nước suy yếu trên nhiều phương diện, quân Chiêm Thành thừa cơ tấn công vào tận Thăng Long nhiều lần, đốt phá, cướp bóc. Sử thần Ngô Sĩ Liên nhận xét: “Không có nước đối địch làm mối lo ở ngoài thì nước thường mất, xưa nay vẫn răn về điều ấy. Chiêm Thành với nước ta là thế thù, triều Trần há chẳng biết thế mà phòng bị ư? Chỉ vì lòng người yên rỗi sinh càn, pháp độ xếp bỏ, năm tháng đã lâu, việc giữ gìn bờ cõi mất đi cho nên thế. Giặc vào cõi mà biên thành không giữ được, giặc đến kinh mà cấm binh không chống lại, còn gọi là nước thế nào được! Dụ Tôn chỉ quen vui chơi, cố nhiên không đáng kể, còn Nghệ Tôn đã trải qua biến cố mà không nghĩ đến việc ấy, há chẳng phải là chỉ tập văn nghệ mà không trông nom gì đến vũ lược ư?”[30].

 

Chú thích:

1. Vào các năm 1242, 1262, 1265, 1266, 1267, 1269, 1270, 1279, 1282, 1293, 1301, 1305, 1307, 1346, 1352. Cống phẩm của Chiêm Thành phần lớn là voi trắng, sư tử, ngoài ra còn có hoa bằng vàng, trân châu và các sản vật địa phương (Theo Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1971). Xem thêm: Nguyễn Thị Phương Chi- Nguyễn Tiến Dũng, Về các mối giao thương của quốc gia Đại Việt thời Lý, Trần (Thế kỷ XI-XV), Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 7-2007, tr.23-37.

2. ĐVSKTT, tập II, sđd, tr.151.

3. ĐVSKTT, tập II, sđd, tr.154.

4. ĐVSKTT, tập II, sđd, tr.154.

5. ĐVSKTT, tập II, sđd, tr.156.

6. Nộn Châu : thuộc lộ Quốc Oai, nay thuộc Phú Thọ gần đền Hùng- ở đó có núi Nỏn (Nộn sơn).

7. ĐVSKTT, tập II, sđd, tr.323 có chép: “ở địa phận huyện Sơn Dương tỉnh Tuyên Quang ngày nay - huyện Lập Thạch và huyện Đáy Giang thuộc trấn Tuyên Quang bấy giờ. Nay, huyện Lập Thạch thuộc tỉnh Vĩnh Phúc, còn huyện Đáy Giang là một phần huyện Sơn Dương ngày nay”.

8.ĐVSKTT, tập II, sđd, tr.162; 165; 183; 184; 191.

9. ĐVSKTT, tập II, sđd, tr.164-165.

10. ĐVSKTT, tập II, sđd, tr.166-167

11  ĐVSKTT, tập II, sđd, tr.164-165.

12. ĐVSKTT, tập II, sđd, tr.166-167

13. ĐVSKTT, tập II, sđd, tr.164-165.

14.ĐVSKTT, tập II, sđd, tr.166-167.

15.ĐVSKTT, tập II, sđd, tr.168.

16 Đông Ngàn: nay là huyện Đông Anh, Hà Nội

17. ĐVSKTT, tập II, sđd, tr.179.

18. ĐVSKTT, tập II, sđd, tr.179

19.VSKTT, tập II, sđd, tr.186.

20. ĐVSKTT, tập II, sđd, tr.188.

21.Xem thêm: Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, tập I, tr.153.

22. ĐVSKTT, tập II, sđd, tr.191.

23 Xem thêm: Phù Lang Trương Bá Quát, Lịch sử cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam, Tạp san Sử - Địa, số 19-20, Nhà sách Khai trí, Sài Gòn, 1970, tr.86-87.

24. ĐVSKTT, tập II, sđd, tr. 205.

25. Sông Hải Triều tức sông Luộc. An Nam chí gọi là sông Phổ Đà, còn gọi là sông Đà Lỗ, ở phía Tây Bắc huyện Hưng Nhân, từ sông Hồng chia chảy về Đông, qua phía Bắc huyện Hưng Nhân, phía Nam huyện Tiên Lữ, qua sông Hải Triều gọi là cửa Hải Triều, hợp chảy xuống sông Nông.

26.Trận đánh này được ĐVSKTT, tập II, sđd, tr.207-208 chép như sau:“Canh Ngọ (1390), mùa Xuân, tháng Giêng, ngày 23, đô tướng Trần Khát Chân đại thắng quân Chiêm Thành ở Hải Triều, giết được vua nước ấy là Chế Bồng Nga. Bấy giờ Bồng Nga cùng với Nguyên Diệu đem hơn 100 chiến thuyền đến xem tình hình của quan quân. Các thuyền khác chưa đến hội. Ba Lậu Kê là tiểu thần của Bồng Nga, bị Bồng Nga trách phạt sợ phải giết, chạy trốn sang quân ta, trò vào thuyền sơn lục bào rằng đó là thuyền của Quốc vương. Khát Chân sai các súng đều bắn vào, Bồng Nga bị trúng suốt đến ván thuyền mà chết. Người trong thuyền kêu khóc ầm lên. Nguyên Diệu cắt lấy đầu của Bồng Nga chạy về với quan quân. Đại đội phó Thương đô quân Long Tiệp là Phạm Nhữ Lặc và đầu ngũ là Dương Ngang bèn giết Nguyên Diệu và lấy cả đầu Bồng Nga. Quân giặc chạy tan. Khát Chân sai quân giám là Lê Khắc Khiêm bỏ thủ cấp của Bồng Nga vào hòm chở thuyền về báo tin thắng trận ở hành tại Bình Than. Bấy giờ đồng hồ đã điểm canh ba, Thượng hoàng đương ngủ say, bị kinh động thức giấc, cho là giặc đã đánh đến ngự dinh. Đến khi nghe tin báo thắng trận nói rằng đã lấy được thủ cấp của Bồng Nga thì mừng lắm, cho gọi các quan đến xem. Các quan mặc triều phục hô “muôn năm”. Thượng hoàng nói: “Ta với Bồng Nga cầm cự với nhau đã lâu, ngày nay mới được thấy mặt, khác gì Hán Cao tổ thấy đầu Hạng Vũ. Thiên hạn yên rồi. La Ngai đem các quân còn lại đến phía trên bờ sông Lô làm hoả táng cho Bồng Nga, rồi đêm ngày đi bộ men theo chân núi, gác đường sàn mà nấu cơn ở trên, vừa đi vừa ăn, đem cả quân về... ”.

27. ĐVSKTT, tập II, sđd, tr.208-209.

28.  11 lần vào các năm 1361, 1362, 1365, 1366, 1368, 1371, 1377, 1378, 1380, 1383, 1389.

29. 4 lần vào các năm 1371, 1377, 1378, 1383.

30 ĐVSKTT, tập II, sđd, tr.179.

 

 *(Tham luận Hội thảo: "Một số nhân vật lịch sử tiêu biểu họ Hà - Nghệ Tĩnh thời kỳ trung và cận đại Việt Nam")

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Phương Chi (Viện Sử học)


Tin tức sự kiện
Trung Quốc khai quật mộ bà của Tần Thủy Hoàng Sáng nay (12-9), UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức góp ý Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo Di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du. Đồng chí Nguyễn Thiện - Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh chủ trì cuộc họp. Quyết định số 2542/QĐ-TTg ngày 20/12/2013 của Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo Khu lưu niệm Nguyễn Du với mục tiêu trọng tâm là xây dựng Khu lưu niệm Nguyễn Du thành trung tâm văn hóa du lịch quốc gia. Công ty cổ phần mỹ thuật và xây dựng Việt Nam là đơn vị tư vấn nghiên cứu, xây dựng quy hoạch. Phạm vị nghiên cứu quy hoạch gồm 340 ha thuộc địa phận xã Tiên Điền, một phần thị trấn Nghi Xuân. trong đó diện tích bảo tồn, phát huy giá trị của khu di tích quốc gia đặc biệt có khoảng 50ha. Quy hoạch hình thành 4 khu chức năng chính: 1. Khu lưu niệm, quảng trường Tố Như, không gian thơ ca Nguyễn Du: là khu vực không gian quảng trường lễ hội, không gian trưng bày, diễn xướng ngữ văn dân gian làng Tiên Điền, không gian tham quan và du lịch chủ đề. 2. Không gian văn hóa truyền thống Tiên Điền, Nghi Xuân và Trung tâm diễn giải du lịch văn hóa lịch sử gắn với giá trị thơ ca và cuộc đời Đại thi hào Nguyễn Du; 3. Không gian Nguyễn Du: giới thiệu minh họa, thuyết minh về cuộc đời của Đại thi hào, gia tộc, thân thế, sự nghiệp và tha m quan tìm hiểu về lịch sử thời đại Nguyễn Du (150 năm cuối thời kỳ trung đại lịch sử Việt Nam từ Nguyễn Nghiễm đến Nguyễn Công Trứ) 4. Không gian phong cảnh tưởng niệm và mộ Đại thi hào Nguyễn Du. Ngoài ra quy hoạch còn có 2 trung tâm dịch vụ du lịch văn hóa: Trung tâm dịch vụ du lịch - điều hành; Trung tâm giới thiệu sản vật địa phương và nghề truyền thống “Tiểu triều đình”. Sau khi đơn vị tư vấn báo cáo nội dung quy hoạch đã có nhiều ý kiến góp ý làm đề nghị rõ về chức năng của các khu chính, sự liên hoàn giữa các phân khu với nhau, tính thực tế và khoa học, diện tich nghiên cứu quy hoạch và diện tích triển khai thực hiện... cần quan tâm đến môi trường sinh thái, tính dân sinh, giao thông, thoát nước phù hợp với điều kiện thức tế của địa phương. Chú trọng tới khu vườn cũ của Đại thi hào Nguyễn Du, Nhà bảo tàng Nguyễn Du, phục dựng một số điểm di tích liên quan văn hóa cộng đồng làng. Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Thiện - PCT thường trực UBND tỉnh chủ trì cuộc họp cơ bản thống nhất với quy hoạch được báo cáo và đê hoàn thiện quy hoạch đ/c PCT tỉnh đề nghị đơn vị tư vấn tiếp thu các ý kiến, tiếp tục nghiên cứu để quy hoạch đảm bảo tính khoa học, tính khả thi xứng tầm với Đại thi hào Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa Thế giới, sớm hoàn thiện trình lấy ý kiến của các ngành liên quan trước khi hoàn chỉnh quy hoạch trình chính phủ phê duyệt. Bách Khoa

Audio Guide

nguyendu.d.webcom.vn

Tham quan ảo 3D

nguyendu.d.webcom.vn

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website