nguyendu.d.webcom.vn
Loading...

Về các bản dịch “Truyện Kiều” ra Trung văn


“Truyện Kiều” là một hiện tượng độc đáo trên nhiều phương diện, trong đó có phương diện tiếp nhận văn học. Từ một tiểu thuyết chương hồi bằng chữ Hán, Nguyễn Du đã vay mượn cốt truyện để sáng tạo nên kiệt tác thơ Nôm, rồi sau đó lại được người Trung Quốc tiếp nhận lại bằng việc dịch ra chữ Hán. Trong quá trình “tiếp nhận ngược” này lại nảy sinh nhiều vấn đề, chẳng hạn việc học giả Trung Quốc do nghiên cứu “Truyện Kiều” qua bản dịch thiếu chất lượng mà đưa ra những đánh giá sai lệch hoặc hạ thấp giá trị “Truyện Kiều” và sáng tạo của Nguyễn Du. Bài viết điểm lại các bản dịch “Truyện Kiều” ra tiếng Trung như là cách ghi nhận đóng góp của các dịch giả Trung Quốc trong việc truyền bá kiệt tác văn học Việt Nam ra thế giới, đồng thời chỉ ra một số vấn đề còn bất cập trong dịch thuật ngõ hầu có sự nhìn nhận đúng đắn hơn về thực trạng các bản dịch, để thấy được rằng vẫn cần “những cuộc chinh phục không ngừng nghỉ” để có một bản dịch “Truyện Kiều” chất lượng hơn trong tương lai.
 
Vốn là một tác phẩm truyện thơ Nôm được Nguyễn Du sáng tác trên cơ sở vay mượn cốt truyện của một tiểu thuyết chương hồi Trung Quốc ra đời khoảng cuối Minh đầu Thanh - Kim Vân Kiều truyện”, trong quá trình lưu truyền với tư cách một kiệt tác thuộc hàng kinh điển, “Truyện Kiều” đã làm nên một hiện tượng thú vị mà độc đáo trong lĩnh vực tiếp nhận văn học: đó là sự “tiếp nhận ngược” qua việc dịch “Truyện Kiều” ra chữ Hán, tức là “trở về” với ngôn ngữ và quê hương của câu chuyện mà nó thoát thai. Tính đến nay, đã có ít nhất 11 bản dịch ngược “Truyện Kiều” ra thơ chữ Hán do cả người Việt, Việt Kiều, Hoa Kiều và người Trung Quốc thực hiện. Các bản dịch này có thể chia làm hai hệ thống: Một là hệ thống các bản dịch theo lối văn ngôn (Hán cổ) mang đậm dư vị “cổ học” của các văn nhân Việt Nam và nhân sĩ Hoa kiều ở Việt Nam dịch trong vòng khoảng nửa đầu thế kỷ XX, gồm 6 bản: Vương Kim diễn tự truyện” của Nguyễn Kiên, được Lê Doãn Khôi chép lại năm 1915; “Thúy Kiều quốc âm dịch xuất Hán tự” của Lê Mạnh Điểm; “Kim Vân Kiều Hán tự lục bát ca” của Lê Dụ; “Việt Nam âm Kim Vân Kiều ca khúc dịch thành Hán tự cổ thi” của Từ Nguyên Mạc; “Kim Vân Kiều truyện bình giảng” của Lý Văn Hùng; Kim Vân Kiều Nam âm thi tập Hán văn dịch bản” của Trương Cam Vũ (hai dịch giả sau đều là người Hoa ở Chợ Lớn) và một bản gần nhất nữa thuộc hệ thống này là bản dịch của cụ Thái Hanh - một Việt Kiều định cư tại Úc, mang tên “Kim Vân Kiều Hán Việt truyện” được hoàn thành năm 1993. Trong đó ba bản của Nguyễn Kiên, Lê Dụ và Thái Hanh vẫn giữ nguyên thể lục bát khi dịch, các bản còn lại dùng thể thơ thất ngôn để dịch. Hệ thống thứ hai, là bốn bản “Kim Vân Kiều truyện” do các dịch giả người Trung Quốc dịch, bắt đầu từ Hoàng Dật Cầu (1959) đến La Trường Sơn (2006), Kỳ Quảng Mưu (2011) và gần đây nhất là Triệu Ngọc Lan (2013). Đây là những bản dịch ra Trung văn nhằm phục vụ đối tượng độc giả Trung Quốc hiện đại. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi tập trung khảo sát các bản dịch thuộc hệ thống thứ 2 - bản dịch “Truyện Kiều” sang tiếng Trung hiện đại của các dịch giả người Trung Quốc.
 
 Vài nét về các dịch giả và các bản dịch tiếng Trung
  1.  
Hoàng Dật Cầu (1906 - 1990) là người Trung Quốc đầu tiên dịch “Truyện Kiều” ra chữ Hán. Ông sinh ra đúng thời điểm Trung Quốc vừa kết thúc chế độ khoa cử kéo dài hàng thế kỷ nhưng dư âm của nền cựu học vẫn còn vang vọng nhiều chục năm sau, nên ông thuộc lớp người được tiếp thu cả nền giáo dục tân học lẫn cựu học, hơn nữa lại từng là nghiên cứu sinh Đại học Paris (Pháp) những năm 30 thế kỷ XX, bởi thế ông nổi tiếng là người thông kim bác cổ, am hiểu Đông Tây; được đánh giá là người đi tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu văn học so sánh và là chuyên gia nổi tiếng về văn học Việt Nam ở Trung Quốc, đặc biệt chuyên nghiên cứu sâu ở mảng thơ từ cổ điển. Trước khi dịch “Truyện Kiều”, ông đã có các công trình nghiên cứu về văn học Việt Nam như “Việt Nam Hán thi lược” (Sơ lược về thơ chữ Hán Việt Nam), “Việt Nam điển tịch khảo” (Khảo về thư tịch cổ Việt Nam)…
 
Những nền tảng này là tiền đề giúp ích rất lớn cho ông trong việc phiên dịch “Truyện Kiều” và tạo nên nét đặc trưng trong bản dịch của ông: “nửa cổ nửa kim”. Bản dịch “Kim Vân Kiều truyện” của ông do Nhà xuất bản Văn học Nhân dân Bắc Kinh xuất bản năm 1959, được Bộ Giáo dục Trung Quốc quy định dùng làm sách tham khảo cho khoa Ngữ văn các trường đại học cao đẳng trong cả nước. Có lẽ đây cũng là lý do khiến cho đến nay mặc dù có các bản dịch ngày càng ưu việt hơn nhưng nhiều người Trung Quốc khi nghiên cứu “Truyện Kiều” hoặc so sánh “Truyện Kiều” với tiều thuyết “Kim Vân Kiều truyện” vẫn dựa vào bản dịch đầy tranh cãi này, dẫn đến những đánh giá thiên lệch, thậm chí sai lầm về “Truyện Kiều”.
 
Văn bản mà Hoàng Dật Cầu dựa vào để dịch được ghi rõ ngay đầu sách là bản “Kim Vân Kiều” của Éditons Alexandre de Rhodes, Hà Nội, 1942. Sách dày 161 trang, ngoài phần chính văn bản dịch, đầu sách có lời tựa của Bùi Kỷ, cuối sách có phần “Dịch hậu ký” (lời cuối sách). Việc dựa vào bản dịch tiếng Pháp để dịch “Truyện Kiều” cùng những vấn đề tồn tại trong bản dịch chứng tỏ ông không am hiểu tiếng Việt, thậm chí có thể là không biết tiếng Việt. Trên thực tế, dù được coi là chuyên gia văn học Việt Nam nhưng mảng chuyên môn của ông chỉ giới hạn trong việc nghiên cứu văn học Trung đại viết bằng chữ Hán. Với kiến thức cổ học uyên bác của dịch giả, bản dịch của Hoàng Dật Cầu mang hơi hướng cổ điển, phần nào giữ được sự điển nhã vốn có của thơ ca. Dù lựa chọn thể thơ tự do với lối văn bạch thoại hiện đại để dịch, nhưng bản dịch của ông vẫn xen lẫn nhiều văn ngôn. Đặc biệt, với những chỗ Nguyễn Du dùng thi liệu, điển tích, thành ngữ từ văn học Trung Quốc, Hoàng Dật Cầu thường chủ trương “hoàn nguyên” bản gốc. Chẳng hạn hai câu “Cỏ non xanh tận chân trời/ Cành lê trắng điểm một vài bông hoa” là lấy thi liệu từ hai câu thơ cổ “Phương thảo liên thiên bích/ Lê chi sổ điểm hoa” (Cỏ thơm xanh biếc nối liền chân trời/ Trên cành lê lấm tấm điểm hoa), Hoàng Dật Cầu đã “phục nguyên” hoàn toàn hai câu này trong bản dịch của mình; hay câu “Tiếng gà điếm nguyệt, dấu giày cầu sương” được Nguyễn Du mượn ý từ hai câu thơ của Ôn Đình Quân: “Kê thanh mao điếm nguyệt/ Nhân tích bản kiều sương” (Tiếng gà gáy dưới trăng ở điếm cỏ/ Dấu người hằn trên sương ở cầu gỗ) cũng được dịch giả lấy lại hoàn toàn cả hai câu để dịch một câu của Nguyễn Du… Đó cũng là một đặc điểm nổi bật của bản dịch này, việc hay dở của lối dịch này chúng tôi xin chưa bàn đến ở đây.
 
Phải nói rằng, trong suốt nửa thế kỷ sau của thế kỷ XX, bản dịch của Hoàng Dật Cầu đã tạo cơ hội và điều kiện cho độc giả Trung Quốc tìm hiểu và thưởng thức kiệt tác văn học cổ điển này của chúng ta, góp phần không nhỏ cho việc truyền bá văn học Việt Nam ra thế giới, tăng cường giao lưu văn hóa Trung - Việt. Chúng ta trân trọng đóng góp đó của ông. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng đây là bản dịch chưa thực sự thành công và còn để lại nhiều sai sót. Và đó cũng chính là nguyên nhân sâu xa dẫn đến cuộc tranh luận gay gắt của giới học thuật vào những năm 80 thế kỷ XX khi mà một số nhà nghiên cứu Trung Quốc dựa vào bản dịch còn nhiều bất ổn này đưa ra những ý kiến phê bình chủ quan có phần hạ thấp “Truyện Kiều”. Những sai sót trong bản dịch của Hoàng Dật Cầu trong bối cảnh thời đại bấy giờ là có thể hiểu và thông cảm được, tuy nhiên vẫn phải khẳng định rằng, sẽ là sai lầm nếu chỉ dựa vào bản dịch này để đánh giá giá trị nội dung, nghệ thuật của “Truyện Kiều” cũng như tài năng sáng tạo của Nguyễn Du.
 
La Trường Sơn (1938 - 2003) là dịch giả Trung Quốc sinh ra và lớn lên ở thành phố Huế, 17 tuổi mới về Trung Quốc, nên ông không những thông thạo tiếng Việt mà còn rất am hiểu nền văn hóa, văn học Việt Nam. Ông là tác giả cuốn “Văn học dân gian và văn hóa truyền thống Việt Nam” (NXB Nhân dân Vân Nam, tháng 4-2004) cũng như nhiều công trình nghiên cứu, dịch thuật thơ Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan… Điều đặc biệt ở La Trường Sơn là ông làm được điều mà có lẽ hiếm người Trung Quốc nào làm được đó là làm thơ lục bát, ông từng sáng tác tập thơ “Mơ và tỉnh” gồm 67 bài thơ viết bằng tiếng Việt, trong đó nhiều bài được làm theo thể lục bát; từng dịch bài thơ chữ Hán của Phạm Quý Thích “Vịnh Đoạn trường tân thanh” ra thể lục bát. Nói vậy để thấy phần nào sự thấm nhuần văn hóa Việt Nam, cái “chất Việt Nam” trong con người dịch giả này.
 
Bản dịch “Kim Vân Kiều truyện” của La Trường Sơn do Công ty Văn hóa Phương Nam và Nhà xuất bản Văn nghệ Việt Nam xuất bản năm 2006. Ðây là bản song ngữ Việt - Trung gồm tổng cộng 338 trang, phần đầu sách có hai bài viết, một của giáo sư Nguyễn Khắc Phi viết “Thay lời giới thiệu”, hai là bài “Ðại thi hào Nguyễn Du và Kim Vân Kiều truyện” của dịch giả, có in kèm bản dịch tiếng Việt của nhà nghiên cứu Phạm Tú Châu. Hai bài viết cung cấp cho chúng ta nhiều thông tin về dịch giả cũng như lòng yêu mến, sự am hiểu đối tượng dịch của dịch giả La Trường Sơn. Tiếp theo là bản dịch và nguyên tác “Truyện Kiều” được trình bày theo hình thức song ngữ, mặt bên trái tiếng Trung, mặt bên phải tiếng Việt, các câu tương ứng với nhau theo từng trang. Cách làm này giúp độc giả dễ dàng theo dõi, đối chiếu bản dịch và bản gốc. Phần chú thích để ở cuối sách, có cả bản tiếng Trung lẫn tiếng Việt. Bản dịch này đã thoát khỏi cách dịch nặng về cổ thể của Hoàng Dật Cầu, dùng thơ tự do để diễn đạt nội dung và phần nào nhạc tính của “Truyện Kiều”, được đánh giá là sát nghĩa hơn so với bản dịch năm 1959.
 
Kỳ Quảng Mưu là chuyên gia tiếng Việt, giáo sư Học viện Ngoại ngữ Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, là tác giả của cuốn “Ngôn ngữ học văn hóa tiếng Việt” (Công ty xuất bản sách Thế giới, 9/2011), “Đông Nam Á khái luận” (Công ty xuất bản sách Thế giới, 7/2013) cùng nhiều sách dạy tiếng Việt và nghiên cứu về chữ Hán, chữ Nôm Việt Nam. Ông là người đánh giá rất cao và dành nhiều tình cảm cho “Truyện Kiều”. Trong bài “Thay lời tựa của bản dịch”, ông cho rằng tác phẩm là một viên ngọc trong văn học cổ điển Việt Nam, cũng là một bông hoa tuyệt đẹp trong mối giao lưu văn học Trung Việt, xứng đáng để chúng ta tìm hiểu, nhận thức và nghiên cứu toàn diện”. Trước khi dịch “Truyện Kiều”, từ năm 1997, ông đã có bài nghiên cứu về truyền thống tiểu thuyết chữ Nôm của Việt Nam và thành tựu nghệ thuật “Truyện Kiều” đăng trên Học báo Học viện ngoại ngữ Quân giải phóng số 6 năm 1997 với tựa đề “Bàn về truyền thống văn học và giá trị nghệ thuật của truyện Nôm - kiêm bàn về thành tựu nghệ thuật Kim Vân Kiều truyện của Nguyễn Du”.
 
Bản của Kỳ Quảng Mưu được Công ty xuất bản sách Thế giới xuất bản năm 2011 trên cơ sở kế thừa có phê phán những thành quả dịch thuật và nghiên cứu của những người đi trước, kết hợp với kiến giải riêng của dịch giả, tạo nên một bản dịch khác cũng với thể thơ tự do cho độc giả tham khảo. Đặc biệt đầu sách có bài viết khá dài thay lời tựa của dịch giả với tiêu đề “Tác phẩm đỉnh cao của văn học cổ đại Việt Nam, bông hoa lạ trong giao lưu văn hóa Trung - Việt”. Bài viết cho chúng ta thấy rõ lý do thôi thúc ông dịch “Truyện Kiều”, cũng như quan niệm dịch thuật, phương pháp dịch mà dịch giả này lựa chọn. Nhìn chung bản dịch này, cũng giống như bản của La Trường Sơn, được thực hiện trên tinh thần “hiện đại hóa”, cố gắng diễn đạt một cách đơn giản, dễ hiểu nhất nhằm phục vụ thế hệ độc giả đương đại, vì thế có nhiều chỗ dịch giả diễn giải theo lối “tự sự hóa”, phần nào làm giảm tính điển nhã vốn có của thơ ca.
 
Triệu Ngọc Lan là giáo sư Học viện Ngoại ngữ thuộc Đại học Bắc Kinh, là một giảng viên tiếng Việt và văn học Việt Nam kỳ cựu, một người rất yêu Việt Nam và đóng vai trò là một nhịp cầu nối quan trọng trong việc giao lưu văn hóa giữa hai nước Trung - Việt nhiều năm qua. Bà là tác giả của “Giáo trình dịch Việt Hán” (Nhà xuất bản Đại học Bắc Kinh, tháng 1/2002), “Tuyển tập văn Việt Nam hiện đại” (Nhà xuất bản Đại học Bắc Kinh, 2004) và nhiều công trình nghiên cứu khác về văn học Việt Nam, đặc biệt là về “Truyện Kiều”.
 
“Kim Vân Kiều truyện - phiên dịch và nghiên cứu” của Triệu Ngọc Lan do Nhà xuất bản Đại học Bắc Kinh xuất bản năm 2013 là một bước tiến lớn về nghiên cứu và dịch thuật “Truyện Kiều”. Ngoài bản dịch “Truyện Kiều”, công trình này còn tập hợp ba bài viết thể hiện quan điểm, ý kiến đánh giá khá mới mẻ của bà về “Truyện Kiều” so với các nhà nghiên cứu khác của Trung Quốc: “Nguyên nhân dịch lại Kim Vân Kiều truyện và suy ngẫm về một số vấn đề, Bàn về dịch Kim Vân Kiều truyện ra Trung văn, Phân tích thi học văn hóa Kim Vân Kiều truyện và Chinh phụ ngâm khúc”.  Qua đó chúng ta thấy được tinh thần khoa học nghiêm túc và sự cần mẫn, cẩn trọng trong nghiên cứu của tác giả khi tra cứu và khảo chứng lại rất nhiều tư liệu, đồng thời nghiên cứu và phân tích tác phẩm dưới góc độ văn học so sánh. 
 
Bản dịch của Triệu Ngọc Lan là sự kế thừa và phát huy có hiệu quả các bản dịch của những người đi trước và có thể nói là bản thành công hơn cả. Nếu như bản dịch của Hoàng Dật Cầu dù giữ được hơi hướng cổ điển và tính điển nhã của thơ ca nhưng lại tồn tại nhiều sai sót, bản của La Trường Sơn và Kỳ Quảng Mưu do chú trọng lối diễn đạt gần gũi, dễ hiểu nhằm thỏa mãn độc giả hiện đại mà vô tình “thông tục hóa” tác phẩm; thì bản dịch của Triệu Ngọc Lan đã dung hòa được hai cách dịch trên, vừa giữ được cả cái “cao nhã” và cái “thông tục”, lại khắc phục được nhiều sai sót của các bản dịch trước, cho nên, dù chưa thể nói là hoàn hảo, nhưng có thể khẳng định đây là bản dịch sang tiếng Trung có chất lượng nhất cho đến thời điểm này.
 
2. Một số vấn đề dịch thuật
 
2.1. Về cách dịch tên tác phẩm
 
Cả 4 dịch giả Trung Quốc từng dịch “Truyện Kiều” đều dịch tên tác phẩm của Nguyễn Du theo tên nguyên truyện của Thanh Tâm Tài Nhân là “Kim Vân Kiều truyện”, chứ không dịch là “Truyện Kiều” - cách gọi tên được định hình vào những năm 20 của thế kỷ XX và trở thành tên gọi phổ biến nhất của tác phẩm này cho đến nay, cũng không dịch nguyên tên tác giả đặt cho tác phẩm là “Đoạn trường tân thanh”. Điều đáng nói là, mặc dù các văn bản mà các dịch giả lựa chọn để dịch trừ bản đầu tiên Hoàng Dật Cầu dựa vào mang tên “Kim Vân Kiều” của Éditons Alexandre de Rhodes, Hà Nội, 1942, còn các văn bản sau đều mang tên “Truyện Kiều” (thể hiện ngay trong chính bản tiếng Việt kèm theo trong các bản dịch này), nhưng các dịch giả vẫn đều dịch sang tiếng Trung là “Kim Vân Kiều truyện”. Điều này phần nào phản ánh “tâm thái” của các dịch giả, dường như họ vẫn luôn muốn gắn “Truyện Kiều” với nguyên truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Chúng tôi cho rằng cách chọn dịch tiêu đề như vậy là chưa khách quan, thỏa đáng, chưa đúng với tiêu chí “tôn trọng nguyên tác” trong nguyên tắc dịch thuật khi mà ngay chính bản dịch họ lựa chọn đã mang tên “Truyện Kiều”. Cách dịch này chính là một trong những nguyên nhân gây cảm giác “Truyện Kiều” chỉ là bản dịch tiếng Việt của tiểu thuyết “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân, tạo ra thành kiến của nhiều nhà nghiên cứu Trung Quốc, đồng thời cũng gây khó khăn cho người nghiên cứu khi muốn sàng lọc tư liệu liên quan đến “Truyện Kiều” hay “Kim Vân Kiều truyện”.
 
2.2. Về thể loại chọn dịch
 
Chúng ta điều biết, một trong những yếu tố làm nên cái hay cái đẹp và đưa “Truyện Kiều” lên hàng tuyệt tác là việc sử dụng thể thơ lục bát mang đặc sắc văn hóa dân tộc. Việc làm sao giữ được cách luật, vần điệu, nhạc tính khi dịch “Truyện Kiều” sang một ngôn ngữ khác là một thách thức to lớn, thậm chí là không thể vượt qua đối với bất kỳ dịch giả nào. Trong 11 bản dịch “Truyện Kiều” ra thơ chữ Hán thuộc cả hai hệ thống như đã nói ở trên, may mắn thay đã có ba dịch giả làm được điều này khi họ dịch ra thơ chữ Hán theo thể lục bát, tất nhiên đó đều là các dịch giả người Việt và ngôn ngữ họ dịch là chữ Hán cổ. Việc giữ nguyên thể thơ lục bát khi dịch “Truyện Kiều” đối với người Việt Nam đã là vô cùng khó và rất ít người làm được, thì đối với người nước ngoài nói chung, người Trung Quốc nói riêng, có thể khẳng định đó là điều bất khả. Ngay cả dịch giả La Trường Sơn, dù từng làm nhiều thơ lục bát bằng tiếng Việt, nhưng chắc chắn ông cũng không thể dùng thể thơ này dịch “Truyện Kiều” ra tiếng Trung hiện đại. Bởi thế, thể loại mà cả 4 dịch giả của bản dịch tiếng Trung lựa chọn đều là thể thơ tự do, trong đó bản của Hoàng Dật Cầu và Triệu Ngọc Lan có những đoạn xen vảo thể thất ngôn, ngũ ngôn…, giữ được nhiều “chất thơ”; hai bản còn lại, đặc biệt là bản của La Trường Sơn có nhiều chỗ được “tự sự hóa”, chỉ là sự diễn giải bằng văn xuôi, khó có thể gọi là thơ được.
 
Để dễ hình dung về sự được mất của vần điệu, nhạc tính trong khi dịch, xin được dẫn ra phần phiên âm Hán Việt của một số bản dịch mấy câu trong đoạn tả Kim Trọng: “Đề huề lưng túi gió trăng/ Sau chân theo một vài thằng con con/ Tuyết in sắc ngựa câu dòn/ Cỏ pha màu áo nhuộm non da trời”.
 
Bản dịch theo thể lục bát của Nguyễn Kiên: “Nang trung phong nguyệt bán sừ/ Quan đồng lục thất tiếp dư vĩ tùy/ Bạch câu tuyết sắc y hi/ Liễu y tiếu tự thiên bì nhất ban”; bản của Lê Dụ: “Đề huề phong nguyệt bán nang/ Quán đồng ngũ lục mã bàng tương truy/ Lương câu bạch tự tuyết ti/ Ngoại y nhan sắc nhiễm kỳ thanh thiên”.
 
Rõ ràng chúng ta vẫn dễ dàng cảm nhận được cái hay về mặt âm thanh từ việc tuân thủ luật bằng trắc, hiệp vần của thể lục bát của các bản dịch này. Còn đây là bản của các dịch giả Trung Quốc: Bản Hoàng (xin được gọi tắt theo họ tác giả): “Bối trước phong nguyệt hành nang/ Hoàn bạn tùy trước kỷ cá hậu sinh/ Khán tha bạch câu tự tuyết/ Bào phục sắc nhiễm thanh thiên”. Bản La: “Tha đề khiết trước bán nang phong nguyệt, mã hậu hoàn hữu kỷ cá tiểu thý đồng tương bạn/ Ta ná kiện tráng tiêu trí đích câu tử, tượng tuyết nhất dạng đích bạch/ Tha ná bích thảo ánh sấn đích bào phục, tượng thiên nhất dạng đích lam”. Bản Kỳ: “Mã bối thượng quải đích thị phong nguyệt hành nang/ Mã hậu biên ngân tùy trước kỷ cá thư đồng hậu sinh/ Văn nhân khóa hạ bạch câu tự tuyết/ Thân thượng bào phục nhiễm sắc thanh thiên”. …
 
Ở đây ta chưa bàn đến nghĩa của bản dịch, chỉ xét riêng về mặt ngữ âm và số câu chữ thì chắc chắn các bản dịch đã đánh mất hầu hết vẻ đẹp âm thanh và tạo hình của “Truyện Kiều” (xin lưu ý là kể cả khi đọc bằng âm tiếng Trung Quốc thì cũng không khác quá xa so với âm Hán Việt). Trong trường hợp này thì quan niệm “dịch là phản”, “dịch là diệt” quả là chính xác! Đây cũng là điều mà những độc giả khi tiếp nhận “Truyện Kiều” thông qua bản dịch cần tỉnh táo nhận thức để không mắc phải sai lầm khi đánh giá tác phẩm.
 
2.3. Về việc lựa chọn phương pháp dịch
 
“Truyện Kiều” là sự dung hợp giữa nhã và tục, giữa văn chương bác học và văn chương bình dân, vừa giàu nội hàm văn hóa khi chứa đựng trong nó vô vàn điển tích điển cố, thi liệu, văn liệu văn học cổ Trung Quốc, vừa hấp thu nguồn dinh dưỡng phong phú từ thành ngữ, tục ngữ, ca dao… trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam với lối nói ví von, giàu hình ảnh, giàu sắc thái biểu cảm, mang tính đa nghĩa…, để rồi hòa lẫn chúng vào những dòng thơ lục bát đặc trưng của dân tộc. Để hiểu được “Truyện Kiều” không dễ, nhất là đối với thế hệ độc giả mới đang ngày càng ít hiểu biết hơn về văn hóa truyền thống cũng như nền ngữ văn cổ hiện nay. Sẽ có rất nhiều điển tích, từ ngữ chứa điển mà người hiện đại (dù là Trung Quốc hay Việt Nam) không thể hiểu được nếu không có chú giải; chưa kể những cách dùng ẩn dụ, chơi chữ, song quan ẩn ngữ, hay nhiều cách hiểu khác nhau trong cùng một câu chữ… cũng sẽ là những trở ngại cho việc đọc hiểu “Truyện Kiều”. Điều đó khiến chúng tôi cho rằng, một bản dịch có sự chú giải tỉ mỉ sẽ là điều cần thiết để có thể đáp ứng nhu cầu đọc hiểu “Truyện Kiều” của thế hệ độc giả vốn đang ngày càng xa dần với văn hóa truyền thống này. Và như vậy, trong nhiều phương pháp của dịch thuật, phương pháp “dịch + chú” sẽ là lựa chọn tối ưu cho trường hợp dịch “Truyện Kiều”.
 
Tuy nhiên, khảo sát 4 bản dịch trên, chúng tôi thấy các dịch giả dường như đang xem nhẹ điều này. Theo thống kê của chúng tôi, số lần chú thích trong các bản dịch nằm ở còn số rất khiêm tốn: Bản Hoàng: 74 chú thích, bản La là 68, bản Triệu là 120, và đặc biệt, bản Kỳ chỉ có vẻn vẹn 9 chú thích cho toàn bộ 137 trang bản dịch “Truyện Kiều”. Đó có lẽ là con số “bất thường” đối với việc chú thích một văn bản như “Truyện Kiều”.
 
Xin nêu một vài ví dụ để thấy những bất cập trong phương pháp dịch này:
 
Câu 37-38: “Êm đềm trướng rủ màn che/ Tường đông ong bướm đi về mặc ai” ý nói chị em Kiều là con nhà gia giáo, sống nề nếp, khuôn phép, không biết gì đến chuyện nam nữ bên ngoài. Chữ “tường đông” xuất xứ từ sách Mạnh Tử: “Du đông gia tường nhi lâu kỳ xử tử” (Trèo qua tường nhà phía đông mà ôm ấp con gái trinh nhà người ta). “Truyện Kiều” mấy lần dùng từ “tường đông” với ý chỉ nhà hàng xóm hoặc nhà có con gái đẹp (câu 284, 1093). Câu 38 bản Hoàng dịch là “Mặc kệ phía đông tường ong bướm uổng công tìm nhau”, bản La: “Mặc cho ong bướm ngoài tường đông uổng phí tìm hương”, bản Kỳ: “Ngoài tường phía đông ong bướm ân cần tìm nhau”, bản Triệu: “Mặc cho ngoài tường, bướm lượn ong bay huyên náo trời”. Chưa kể việc các bản đều dịch thiếu chính xác câu này, mà chỉ với lối dịch không chú thích, đã khiến độc giả không biết được ở đây có dùng điển, càng không hiểu nghĩa ẩn dụ của từ “ong bướm” là chỉ quan hệ nam nữ, từ đó hiểu sai ý, thậm chí là cảm thấy đây cũng chỉ là câu thơ  vô nghĩa, tầm thường.
 
Câu 66: “Nửa chừng xuân, thoắt gãy cành thiên hương”. Câu này nói về Đạm Tiên. “Thiên hương” (hương trời) vốn trích từ “quốc sắc thiên hương” (sắc nước hương trời) được ghi trong Trích dị ký của Lý Tuần đời Đường. “Cành thiên hương” chỉ cành hoa mẫu đơn là loài hoa có hương thơm quý phái trong câu chuyện. Các dịch giả dịch câu này là: “Đang thanh xuân, hoa trời rơi xuống” (Bản Hoàng), “Cuộc đời mới quá nửa, vẻ đẹp hương trời của nàng đã bị hủy hoại” (Bản La), “Đang phơi phới thanh xuân bỗng nhiên một ngày hương tiêu ngọc tán” (Bản Kỳ), “Tuổi đang thanh xuân, mà hương trời bỗng mất” (Bản Triệu). Các bản dịch có bản đánh mất chữ “thiên hương” có bản giữ được nhưng tất cả đều không chú điển. Thực ra, cụm từ “quốc sắc thiên hương” đã trở nên quá quen thuộc, nên việc các dịch giả không chú thích cũng có phần hợp lý, tuy nhiên, vì không dẫn giải nên độc giả sẽ vừa không biết điển, vừa không không thấy được thâm ý tài tình của Nguyễn Du là dùng “thiên hương” để tả Đạm Tiên và đến câu 163 lại dùng từ “quốc sắc” để nói về Thúy Kiều như một cặp đối sánh, và đây là chỗ “phục bút” tác giả báo trước rằng hai nàng đều xinh đẹp và có số mệnh giống nhau. Phải chăng chính các dịch giả cũng chưa nhìn thấy điểm này?
 
Hay từ “nhà huyên” trong câu “Nhà huyên chợt tỉnh hỏi cơn cớ gì?” là một từ chứa điển chỉ người mẹ có xuất xứ “Kinh thi”, các bản dịch đã “hiện đại hóa” từ này bằng cách dùng từ “mẫu thân” (mẹ), “Vương mẫu” (bà mẹ nhà họ Vương) và “từ mẫu” (mẹ hiền). Không thể nói dịch như vậy là sai, nhưng rõ ràng nó đã làm mất đi tính điển tích cũng như nội hàm văn hóa của từ này.
 
Hay câu 226 miêu tả nước mắt của Thúy Kiều: “Màu hoa lê hãy dầm dề giọt mưa” được dịch là: “Nước mắt đầy mặt, như hoa lê dưới mưa vậy” (Bản Hoàng), “Sao trên mặt đầy những giọt nước mắt long lanh/Giống như cành hoa lê trắng mang theo những giọt mưa xuân trong suốt vậy” (Bản La), “Nước mắt đầm đìa như là hoa lê gặp mưa vậy” (Bản Kỳ), “Mặt tựa hoa lê dưới mưa, tự rơi nước mắt” (Bản Triệu). Trong “Truyện Kiều”, Nguyễn Du nhiều lần dùng hỉnh ảnh hoa lê để tả Thúy Kiều (xem câu 42, 438) và khi Kiều khóc thì giọt nước mắt của Kiều sẽ “giọt mưa” đọng trên hoa lê - hình ảnh đầy tính ẩn dụ với lối ví von cực kỳ cao nhã. Thế nhưng các dịch giả, người thì diễn đạt theo lối “minh dụ” khi đưa cả 2 vế so sánh  là “nước mắt” và “hoa lê dưới mưa” vào câu thơ, người thì phải dùng đến hai câu văn xuôi  để  tự sự hóa “tuyệt cú” giàu hình ảnh này. Thật chẳng còn gì sức gợi, sự tao nhã của thơ ca trong những câu từ này. E rằng nếu chỉ dựa vào những lời dịch thế này thì biết đâu có người sẽ đặt câu hỏi nghi vấn vì sao đây lại có thể là một kiệt tác văn chương được?
 
Như vậy, việc dịch các điển tích, điển cố, thi liệu, từ ngữ chứa nội hàm văn hóa… được các dịch giả xử lý theo hai cách: “dịch thoát” hoặc “dịch sát”, và đều có điểm chung là ít khi chú thích. Việc dịch thoát bằng cách hiện đại hóa ngôn từ hoặc tự sự hóa câu thơ có thể giúp độc giả hiện đại dễ dàng tiếp nhận tác phẩm, nhưng vô hình trung lại làm mất đi tính điển nhã vốn có của thơ ca và cái hay, cái đẹp riêng có của “Truyện Kiều”, vô tình “tầm thường hóa” tác phẩm và hạ thấp tài năng của Nguyễn Du. Còn việc dịch sát mà không chú thích thì trong nhiều trường hợp độc giả sẽ cảm thấy khó hiểu và khó tiếp nhận, mà đã không hiểu thì sao còn cảm nhận được cái hay, cái đẹp của “Truyện Kiều”?
 
3. Kết luận
 
Nhìn chung, cả bốn dịch giả Trung Quốc dịch “Truyện Kiều” ra tiếng Trung đều là những “người dịch lý tưởng” khi mà họ đều yêu thích “Truyện Kiều”, có bề dày về nghiên cứu và giảng dạy văn học cổ Việt Nam, am hiểu văn hóa Việt Nam, thông thạo tiếng Việt (hoặc giỏi ngoại ngữ khác để tiếp cận đối tượng dịch như trường hợp Hoàng Dật Cầu)… Các bản dịch thể hiện sự trăn trở, cân nhắc, đắn đo và dụng công rất nhiều của các dịch giả trong quá trình thực hiện công việc gian nan này. Và trên thực tế, với tinh thần gạn đục khơi trong và nỗ lực không mệt mỏi của từng dịch giả, các bản dịch đã ngày càng hoàn thiện hơn, bản sau luôn là bước tiến so với bản trước. Chúng ta trân trọng và biết ơn những đóng góp của họ cho việc truyền bá thành tựu văn học Việt Nam ra thế giới. Tuy nhiên, dịch “Truyện Kiều” không bao giờ là chuyện dễ dàng, dù đã đổ nhiều công sức và tâm huyết, nhưng do đặc thù của công việc và đối tượng, nên kết quả vẫn còn nhiều hạn chế. Hành trình để có một bản dịch “Truyện Kiều” hoàn hảo vẫn còn lắm gian nan và chưa biết bao giờ tới đích, chúng ta vẫn đang cần những “cuộc chinh phục” không ngừng nghỉ để có thể tiệm cận một bản dịch “Truyện Kiều” tốt hơn trong tương lai.
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
 
1. Hoàng Dật Cầu, dịch (1959), Kim Vân Kiều truyện (Nguyễn Du), Nxb Văn học Nhân dân Bắc Kinh.
2. Triệu Ngọc Lan, (2013), Kim Vân Kiều truyện - phiên dịch và nghiên cứu, Nxb Đại học Bắc Kinh. 
3. Kỳ Quảng Mưu, dịch, (2011), Kim Vân Kiều truyện (Nguyễn Du), Công ty xuất bản sách Thế giới.
4. La Trường Sơn, dịch (2006), Kim Vân Kiều truyện (Nguyễn Du), Nxb Văn nghệ.
 
 
Theo Nguyễn Thanh Diên (T.S Trường Đại học KHXH&NV- ĐHQGHN)/spnttw.edu.vn

Nghiên cứu thảo luận

Tham quan ảo 3D

nguyendu.d.webcom.vn

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website