nguyendu.d.webcom.vn
Loading...

Văn bia tưởng niệm Đại thi hào Nguyễn Du ở Hà Nội


Năm 1929, Hội Khai trí Tiến Đức khởi tạo văn bia Tưởng niệm Đại thi hào Nguyễn Du và năm 1930 hoàn thành. Bia được đặt trang trọng trong sân khuôn viên  của trụ sở Hội Khai trí Tiến Đức, nay là địa chỉ số 16, Lê Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
 
 

Văn bia tưởng niệm Đại thi hào Nguyễn Du ở Hà Nội

 
Bia được tạo trên chất liệu đá thanh (cao 2,2m, rộng 1,2m), theo kiểu chồng diêm 3 tầng mái, các góc mái đều tạo dáng đầu đao uốn cong. Mái trên cùng 2 đầu được kết bởi vân xoắn chữ triện. Đề tài hoa cúc, dây leo được khắc chìm xung quanh mặt bia. Hai mặt thân bia khắc bài ký chữ Nôm và chữ Quốc ngữ về thân thế, sự nghiệp Đại thi hào Nguyễn Du - Tác giả Truyện Kiều.
 
Ngày mồng 10 tháng 8 năm Giáp tý (ngày 8-12-1924), Hội Khai Trí Tiến Đức tổ chức ngày giỗ lần thứ 104 Đại thi hào Nguyễn Du Nguyễn Du. Lễ kỷ niệm và tri ân Đại thi hào lần đầu tiên được tổ chức một cách trang trọng tại Trụ sở Hội Khai trí Tiến Đức. Năm 1929, Hội tạo tác bia đá ghi công, học giả Bùi Kỷ (1888 - 1960) là người soạn thảo nội dung văn bia và năm 1930 hoàn thành. Tấm bia được đặt trang trọng trong sân của khuôn viên trụ sở Hội.
 
Về bố cục nội dung trên bia: Trán đỉnh bia khắc dòng chữ “Bài bia kỷ niệm Tiên Điền Nguyễn tiên sinh”, nội dung văn bia được khắc trên hai hai mặt của thân bia, một mặt chữ Nôm, một mặt chữ Quốc ngữ. Nội dung chữ Quốc ngữ như sau:
 
Tiếng nào đã làm được văn không phải là tiếng tầm thường, người nào đã hay về văn cũng không phải là người tầm thường, đất nào đã có người hay văn lại không phải là đất tầm thường. 
 
Tiếng ta phần nhiều căn cứ ở chữ Tàu, tư tưởng cũng hấp thụ ở văn Tàu, song vẫn tự có một thể tài riêng, một tinh thần riêng, xem những ca dao ngạn ngữ truyền đến ngày nay nhiều câu thật thà mộc mạc mà ý vị sâu xa, chắc rằng cái mầm sống văn ta đã nảy nở từ thời kỳ tối cổ. Đến đời Trần, ông Nguyễn Thuyên, ông Nguyễn Sĩ Cố đem lối thi phú làm bằng tiếng nôm, văn ta một ngày một thịnh, dù học hiệu chưa giảng, khoa cử chưa dùng, song Hán học thịnh lên bao nhiêu thì cái kho văn liệu của tiếng ta càng giàu thêm bấy nhiêu, cho nên các bậc tiền bối thâm về Hán học, như ông Tiều Ấu, ông Ức Trai, ông Bạch Vân Am, ông La Sơn đều nổi tiếng về quốc văn cả. Nay thử kể qua những tập văn nôm cũ, chất phác như Trê Cóc, nghiêm chỉnh như Trinh Thử, lâm ly như Cung Oán, diễm lệ như Hoa Tiên đều là cái lịch sử rực rỡ vẻ vang của văn chương tiếng Việt. Ai bảo rằng một giải đất con con ở dưới ánh sáng lập lòe sao Dực Chẩn lại không đủ tinh hoa linh tú để chung đúc được bao nhiêu Lý, Đỗ, Hàn, Tô hay sao.
 
Song xét cho kỹ, quốc văn từ Lê về trước thì chất thắng, từ Lê về sau thì văn thắng, tìm một nhà chiết trung cả chất văn, để làm tiêu biểu cho Hán học, thì Tiên Điền Nguyễn Tiên sinh là bậc đệ nhất vậy.Tiên sinh huý là Du, tự là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên, biệt hiệu là Hồng sơn Liệp hộ, sinh năm Ất Dậu niên hiệu Cảnh Hưng thứ 26 (1765), mất ngày mồng mười tháng Tám, năm đầu niên hiệu Minh Mệnh (1820), con thứ bảy ông Hoàng Giáp Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm, người làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, trấn Nghệ An.
 
Tiên sinh vốn thiên bẩm cao, hậu về tình, hào về khí, hùng và tài lại bác thâm về học vấn, ma chiết về cảnh ngộ, nên văn chương dung hoá, thấu lý nhập thần không kể những tập viết bằng chữ Hán như Bắc hành thi tập, Nam trung tập ngâm, Thanh Hiên tiền hậu tập, còn ngâm vịnh trứ thuật bằng quốc, âm cũng nhiều, mà thứ nhất tập Đoạn trường tân thanh (tức là Truyện Kiều) thật là một cuộc văn kiệt tác trước sau chưa có bao giờ.
 
Hội ta nghĩ rằng: Hán văn đã một ngày một lui để nhường cái đặc vị chính đáng cho quốc văn, thì quốc văn tất có cái tương lai, rất quan hệ, rất mật thiết với nước ta, mà một bậc sở trường về quốc văn không ai bằng tiên sinh, giá trị quốc văn nay tôn lên cũng nhờ ngọn bút tiên sinh. Nay quốc dân đương cổ vũ về quốc văn há lại quên một bậc đã có công với quốc văn hay sao? Đã hay những bậc huân nghiệp đời trước, không phải một mình tiên sinh, song Hội ta sùng bái tiên sinh, chủ ý chuyên trọng về quốc văn, mong sau này quốc văn có một ngày hưng thịnh; mà cả tư tưởng học thuật đều bởi đó đằng tiến mãi lên, vậy thì một bậc đã có công to với quốc văn tức là có công to với nước vậy.
 
Tiên sinh lúc lâm chung có khẩu chiếm một câu rằng: “Bất tri tam bách dư niên hậu, thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”, dẫu danh nhân tâm sự giãi với giang sơn, lời đổng khốc để đợi người thức giả, song nay vì tiếng vì đất mà nhớ đến người thì bài bia này dù không dám đương được chữ “khấp” cũng gọ là chữ “truyện” hay chữ “ký” để thay một nén hương chung của quốc dân vậy.
 
Minh rằng:
 
Đất đục, trời trong, hoà tan làm mực.
Nước biếc non xanh, tả nên đây bức.
Đã sẵn tài tình quản gì phong sắc?
Hồn văn đi về, cho thơm sực nức
Kiếm gác bên đền, gió mưa vẫn sắc.
Bút tựa mặt hồ, trăng sao vằng vặc.
Cảnh ấy bia này nghìn thu dằng dặc.
 
Ngày rằm tháng hai năm Kỷ Tỵ (15/2/1930), Hội Khai Trí Tiến Đức cẩn chi.
 
Hiện nay, do quá trình phát triển của xã hội không gian đô thị ngày càng chật hẹp, trụ sở và khuôn viên sân của Hội Khai trí Tiến Đức trước đây không còn nhưng văn bia Kỷ niệm Tiên Điền Nguyễn Tiên Sinh vẫn được bảo lưu và giữ nguyên ở vị trí ban đầu - nay chính là địa chỉ là số 16, Lê Thánh Tông, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Mặc dù không gian chật hẹp nhưng chủ nhân của địa chỉ này vẫn tạo khoảng cách nhỏ với những cọc tiêu giới hạn để hạn chế làm ảnh hưởng tới văn bia.
 
Vừa qua, trong chuyên đề khảo sát hệ thống văn bia, bút tích liên quan đến Đại thi hào Nguyễn Du và các Danh nhân họ Nguyễn - Tiên Điền tại một số tỉnh trên trên toàn quốc, đội ngũ cán bộ chuyên môn Ban Quản lý Di tích Nguyễn Du tiếp tục khảo sát, nghiên cứu và phối hợp xây dựng kế hoạch, đề xuất phương án với các cơ quan chuyên môn nhằm thực hiện tốt công tác phối hợp bảo lưu, giới thiệu với với nhân dân, những người yêu mến Đại thi hào Nguyễn Du và tác phẩm Truyện Kiều hiểu hơn về lịch sử, nội dung và ý nghĩa của Văn bia giá trị này.
Trần Vinh

Tham quan ảo 3D

nguyendu.d.webcom.vn

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website