nguyendu.d.webcom.vn
Loading...

Truyện Kiều và vấn đề kinh doanh


Việt Nam là một quốc gia đang phát triển với nền kinh tế thị trường trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hoá và thế giới đang hướng đến Xã hội tri thức (Báo cáo Thế giới 2005 của UNESCO đã lấy nhan đề là Hướng tới các Xã hội tri thức). Doanh nghiệp Việt Nam buộc phải khẳng định mình trước các vấn đề lớn: Anh là ai (quốc gia, dân tộc)? Có trách nhiệm gì với xã hội? Sứ mệnh của anh đóng góp được gì cho lợi ích cộng đồng. Và anh có thể sử dụng tri thức trong mọi lĩnh vực để phục vụ, phát triển con người một cách công bằng, an sinh và bền vững?...
 
Nhà Kiều học Trần Đình Tuấn phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: Thái Văn Sinh)
 
Do đó, dù là một doanh nghiệp nhỏ, vừa, lớn; dù chỉ hoạt động trong phạm vi hẹp như địa phương, quốc gia nhưng cũng phải thực hiện toàn bộ các vấn đề trên bởi các hàng rào thuế quan giữa các nước được xoá bỏ và phải cạnh tranh với hàng hoá các doanh nghiệp nước ngoài ngay trên địa phương, quốc gia của mình.
 
Vì thế, việc xây dựng Văn hoá doanh nghiệp Việt là yếu tố quan trọng hàng đầu, bức thiết và là nhiệm vụ chính trị hiện nay của doanh nhân. Trước xu thế đó, ngày 7.11. 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu tại lễ công bố Ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam - 10/11 và phát động cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam”.
 
Hội Kiều học được thành lập và chính thức hoạt động từ 3-11-2011, đánh dấu bước ngoặt lớn trong việc nghiên cứu và ứng dụng giá trị Truyện Kiều vào đời sống xã hội, góp phần nâng cao dân trí, thúc đẩy một xã hội học tập - một yếu tố căn bản để xây dựng Xã hội tri thức. Việc Hội Kiều học tổ chức Hội thảo: “Doanh nhân với Truyện Kiều & Truyện Kiều với doanh nhân” là một bước đi quan trọng, hợp xu thế thời đại để góp phần thực hiện “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam”. Đồng thời mở ra vấn đề nghiên cứu mới nhằm ứng dụng giá trị Truyện Kiều vào đời sống xã hội, cụ thể với vấn đề kinh doanh trong xã hội hiện nay là hoàn toàn khoa học. Điều đó có nghĩa là cần phải đánh giá và chỉ ra mối quan hệ giữa Truyện Kiều với việc kinh doanh và Doanh nhân có thể học hỏi, vận dụng giá trị Truyện Kiều như thế nào?
 
1. Truyện Kiều - như một đối tượng trực tiếp được khai thác kinh doanh.
 
+ Truyện Kiều, tác phẩm được xuất bản nhiều nhất: Truyện Kiều ra đời trở thành một tác phẩm được lưu truyền và ăn khách nhất. Năm 1866, ấn bản Truyện Kiều chữ Nôm (khắc gỗ) là bản Truyện Kiều cổ nhất được tìm thấy do Liễu Văn đường phát hành và tái bản 1871. Có thế thấy các nhà in thời cổ nổi tiếng như Thịnh Mỹ đường, Quan Văn đường, Phúc Văn đường, Quảng Thịnh đường, Bảo Hoa các, các nhà in ở Hà Nội, Sài Gòn... đều không thể không tham gia xuất bản Truyện Kiều. Điều đó có thể hiểu nhu cầu xuất bản Truyện Kiều quá lớn và ngược lại, Truyện Kiều đã góp phần làm nên thương hiệu của các nhà in đó. Ngày nay, hầu hết các nhà xuất bản trên toàn quốc và các nhà sách tư nhân đều đã tham dự việc xuất bản và phát hành Truyện Kiều. Không thể thống kê nổi một con số chính xác bởi việc đó là khó có thể, và nó nằm ngoài sức tưởng tượng, nhưng có thể khẳng định đó là siêu lợi nhuận ở thể loại truyện thơ có thể mang lại từ một tác phẩm.
 
+ Tranh vẽ chủ đề Kiều, nhân vật Truyện Kiều, câu đối Kiều được khai thác tối đa trên các vật dụng đời sống: trên nhiều loại hình nghệ thuật dân gian như tranh tứ bình, tranh Đông Hồ, tranh in trên gốm sứ với các vật dụng như bình phong, khảm trai, lọ bình, ấm chén, bát đĩa... Nhiều tranh dân gian, vật phẩm trở thành đồ cổ đắt giá của các nhà sưu tập.
 
+ Truyện Kiều, chủ đề ăn khách của nghệ thuật sân khấu, âm nhạc, điện ảnh:
 
Có lẽ xuất hiện sớm nhất trên sân khấu nghệ thuật do gánh hát Cải lương Châu Văn Tú (Năm Tú) trình diễn lần đầu tiên năm 1920 ở Mỹ Tho với vở Kim Vân Kiều 1 cùng các liên ca Kim Kiều hạnh ngộ, Viên Ngoại hàm oan, Kiều mộng Đạm Tiên, Từ Hải của của Trương Duy Toản soạn. Năm 1958 vở Kiều - Hoạn Thư (Hoạn Thư ghen) được Đoàn cải lương Hoa Mai dựng và diễn nhân lễ kỷ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Du. Vở Thúy Kiều của Việt Dung và Sĩ Tiến được Đoàn chuông vàng ở Hà Nội trình diễn hơn 1.000 đêm. Vở Kiều của nhà hát cải lương Hà Nội công diễn ở Thụy Sĩ 12 đêm liền năm 1995. Các vở Kim Kiều tái hợp của Sĩ Tiến, vở Kiều tái hồi Kim Trọng là các vở diễn thành công của đoàn Cải lương Quyết Tiến (Bắc Thái) diễn trong những năm 1960. Năm 1993, Kiều lại tái sinh trên sân khấu thủ đô qua vở diễn Kiều của Nhà hát Cải lương Hà Nội (với sự hợp nhất của hai đoàn Cải lương nổi tiếng là Kim Phụng và Chuông Vàng), tác giả Việt Dung, đạo diễn NSND Ngọc Dư.
 
Về ca kịch bài chòi, có hai vở là Kiều - Từ Hải của tác giả Nguyễn Tường Nhẫn chuyển thể, và Ngàn thu vọng mãi của cố nhà thơ Lưu Trọng Lư. Cả hai vở đều do Đoàn ca kịch Liên khu 5 biểu diễn.
 
Sân khấu chèo vẫn còn lưu giữ được những băng hình trích đoạn như Tú Bà đánh Kiều diễn ở miền Bắc những năm 1950. Gần đây, năm 2015, vở Hoạn Thư ghen do nhà biên kịch Phương Văn soạn, được chuyển thể chèo diễn ở chiếu chèo làng Chuông (Ninh Giang – Hải Dương) do Hội Kiều học đồng tổ chức.
 
Truyện Kiều cũng đã bước vào điện ảnh rất sớm. Bộ phim Kim Vân Kiều do hãng phim và chiếu bóng Đông Dương (Indochine films et cinémas) của Pháp quay tại Hà Nội và làm hậu kỳ ở Pháp. Diễn viên do Đoàn tuồng Quảng Lạc ở Hà Nội thực hiện. Chúng ta biết rằng, điện ảnh thế giới ra đời năm 1885, nhưng phim truyện trên thế giới cũng chỉ mới xuất hiện sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914-1918) Ngày 19-9-1924 phim Kim Vân Kiều được công chiếu buổi đầu tiên tại rạp Casino ở Sài Gòn.
 
Năm 2016, phim tài liệu “Trăm năm trong cõi Truyện Kiều” của Đạo diễn Nguyễn Anh Tuấn, do Hội Kiều học tổ chức xây dựng đã phát sóng toàn quốc.
 
Vở kịch Hình thể Nguyễn Du với Kiều do NSND Lan Hương biên kịch, đạo diễn vừa được Nhà hát Tuổi Trẻ phục dựng và lựa chọn tham gia Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm tại Hà Nội năm 2012.
 
Vở kịch “Kiều” do NSND Phạm Anh Tú làm đạo diễn, nhà văn Nguyễn Hiếu chuyển thể kịch bản, do Nhà hát Kịch Việt Nam dàn dựng sẽ thể nghiệm nhiều loại hình nghệ thuật mới công diễn tháng 3/2017.
 
Vở Hợp xướng Truyện Kiều dài 65 phút của nhạc sĩ Vũ Đình Ân được biểu diễn bởi dàn hợp xướng nhạc hàn lâm kết hợp với nhạc dân ca đã xuất hiện lần đầu trên sân khấu ca múa nhạc hiện đại Việt Nam năm 2009.
 
Kiều ca - tác phẩm minh hoạ âm nhạc của Phạm Duy đã rất thành công. Tạp chí "Xưa và Nay" và Hiệp hội UNESCO Hà Nội đã tổ chức tại Bảo tàng Cách mạng VN năm 2009, do chính Phạm Duy dẫn chuyện. Kiều ca đã được in đĩa CD và phát hành tại hải ngoại gây được tiếng vang lớn.
 
+ TK, điểm tựa cho thú chơi và loại hình kinh doanh mới.
 
Câu lạc bộ Café Kiều ở Vinh, Vườn Kiều và Đại lộ Kim Vân Kiều ở Đồng Nai của ông Phạm Văn Khoát thu hút nhiều lượt người đến thăm quan và sinh hoạt. Hoặc như Bài bói Kiều (được thiết kế dưới dạng 52 tấm thẻ thơ Kiều giống như bộ tú lơ khơ với 52 quân) của ông Phạm Đan Quế chế tác đã được xuất bản năm 2012... Tết năm 2017, Công ty TNHH An Hảo đã đưa ra thị trường Bộ lịch Truyện Kiều đặc biệt gồm 365 tranh minh hoạ TK cùng thơ Kiều đã được đông đảo người tiêu dùng đón nhận.
Và còn nhiều hoạt động kinh doanh, sáng tạo nghệ thuật khác dựa trên Truyện Kiều mà chúng tôi không thể thống kê và mô tả hết ở đây.
 
Thống kê trên cho thấy sức ảnh hưởng Truyện Kiều đến mọi lĩnh vực cuộc sống từ xưa cho đến nay. Điều đó có ý nghĩa rằng, Truyện Kiều vẫn là một chủ đề nóng được toàn dân Việt quan tâm tạo nên một thị trường mở, đầy tiềm năng để các doanh nhân chủ động sáng tạo khai thác.
 
2. Nghiên cứu Truyện Kiều, thực hiện các tác phẩm chủ đề Kiều, Nguyễn Du như một chứng chỉ nghề nghiệp trường đời, làm nên tên tuổi nhà nghiên cứu, các văn nghệ sĩ và thương hiệu Doanh Nghiệp.
 
+ Giới bình dân coi thơ Kiều là thước đo là người yêu thơ, sính thơ và sành thơ.
 
Trong TK, Khi Từ Hải và Kiều gặp gỡ nhau có đoạn:
 
Nàng rằng: “Người dạy quá lời,
 
Thân này còn dám xem ai làm thường!
 
Chút riêng chọn đá thử vàng,
 
2188. Biết đâu mà gởi can tràng vào đâu?
 
Còn như vào trước ra sau,
 
Ai cho kén chọn vàng thau tại mình?”
 
Từ rằng: “Lời nói hữu tình,
 
2192. Khiến người lại nhớ câu Bình Nguyên quân.
 
Bình Nguyên quân tên Triệu Thắng, đời Chiến quốc, biết nhìn người, hào hiệp, nuôi đến ba ngàn thực khách. Câu thơ của Cao Thích nói về ông: "Chẳng biết gan mật hướng vào ai, Khiến người ta lại nhớ đến Bình Nguyên quân". Câu 2188. Kiều nói: "Biết đâu mà gửi càn tràng (gan ruột)... " là Kiều nói cái tứ thơ của Cao Thích mà bỏ lửng vế sau (Ngụ ý liệu có thể trông dựa vào Từ Hải và cũng có cái ý thử đo cái hiểu biết văn chương của Từ Hải). Từ Hải trả lời ở câu 2192: "Khiến người lại nhớ câu Bình Nguyên quân" tức là đọc nốt vế sau của câu thơ Cao Thích mà đáp lại, vừa thể hiện sự hiểu biết văn chương, vừa ví mình với Bình Nguyên quân, tức là Kiều có thể trông dựa, gửi gan ruột được.
 
Đó chính là cái thú ứng đối thơ, thú chơi chữ tao nhã của người xưa mà Nguyễn Du đã khéo léo phán ánh trong Truyện Kiều. Người Việt là một dân tôc yêu thơ, sành thơ và sính thơ. Bất kì người dân Việt nào dù mù chữ cũng thuộc dăm ba câu thơ Kiều. Và thơ Kiều trở thành những câu thơ điển hình để mọi người có thể tỏ ra là người yêu văn chương, thơ ca qua các sinh hoạt như lẩy Kiều, đố Kiều, đối Kiều và chua Kiều... không phân biệt kẻ bình dân với các bậc túc Nho.
 
+ Các nhà Nho, học giả, dịch giả, nhà văn, nhà thơ, các nhà khoa học là người Việt dường như ai cũng có thơ phú về Kiều, có các công trình lớn nhỏ hoặc các bài nghiên cứu về TK như một chứng chỉ nghề nghiệp trong trường đời. Những tên tuổi lớn có thể kể như: Kiều Oánh Mậu, Trương Vĩnh Ký, Chu Mạnh Trinh, Bùi Kỷ, Trần Trọng Kim, Hoàng Xuân Hãn, Dương Quảng Hàm, Tản Đà, Đào Duy Anh, Nguyễn Bính, Tố Hữu... Và gần đây nhất là tác giả Phạm Đan Quế với 4 bằng kỷ lục nghiên cứu về Truyện Kiều.
 
+ Minh hoạ Truyện Kiều, Nguyễn Du làm nên tên tuổi các hoạ sĩ, nhà điêu khắc...
 
Tranh minh hoạ Truyện Kiều (tranh tác phẩm, tranh minh hoạ, tranh dân gian) nhiều thể loại được giới hoạ sĩ, các nhà điêu khắc khai thác tối đa. Có nhiều tranh dân gian, nhiều tranh quý hiếm khuyết danh (do không tìm được tác giả). Nhiều tranh minh hoạ đã làm nên tên tuổi các hoạ sĩ như Tạ Thúc Bình, Mạnh Quỳnh, Lê Lam, Tú Duyên, Mai Hoa, Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Gia Trí, Lê Văn Đệ, Lưu Văn Sìn, Nguyễn Đỗ Cung... Đặc biệt tranh sơn dầu khổ lớn “Chàng Vương quen mặt ra chào / Hai kiều e lệ nép vào dưới hoa” của họa sĩ Lê Chánh được trưng bày ở phòng khách Dinh Độc Lập, nay là Hội trường Thống nhất Tp. HCM. Độc đáo hơn cả là bộ tranh lụa về Kiều được ra mắt năm 2011 của họa sĩ Ngọc Mai. Bà đã mất 12 năm để hoàn thành 28 bức tranh và đã xuất bản thành sách Tranh lụa Kiều (NXB Văn học).
 
Tượng Nguyễn Du đặt tại Trung tâm lưu niệm Nguyễn Du tại Tiên Điền, Hà Tĩnh đã trở thành hình ảnh kinh điển trong tâm trí mọi người trong và ngoài nước và đã được đưa vào con tem dịp kỉ niệm 250 năm năm sinh Nguyễn Du của nhà điêu khắc Lê Đình Bảo.
 
Tem về Nguyễn Du & Truyện Kiều cũng đã được Bưu chính Việt Nam phát hành vào năm 1965. Bộ tem đầu tiên là bộ tem Kỷ niệm 200 năm sinh Đại thi hào Nguyễn Du do hoạ sĩ Nguyễn Hiệp thiết kế, in tại nhà in Tiến Bộ, gồm 4 mẫu: 1 – Sông Lam, núi Hồng Lĩnh; 2- Khu lưu niệm Nguyễn Du; 3- Cảo thơm trước đèn; 4 – Kiều báo ân, báo oán.
 
Đến năm 2015, Quyết định bổ sung bộ tem “Kỷ niệm 250 năm sinh Nguyễn Du (1765 - 1820)” gồm 1 mẫu tem vào Chương trình phát hành tem bưu chính năm 2015 đã được Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng ký ban hành ngày 21/7/2014. Quyết định nêu trên được Bộ TT&TT ban hành trên cơ sở xem xét đề xuất của Hội Kiều học Việt Nam. Hội Kiều học Việt Nam là đơn vị tư vấn (tôi - Trần Đình Tuấn là tư vấn chính cho nội dung) cho Bộ tem “Kỷ niệm 250 năm sinh Nguyễn Du (1765 - 1820)” phát hành 05/12/2015 gồm 01 mẫu tem và 01 blốc do hoạ sỹ Nguyễn Du (Tổng công ty Bưu điện Việt Nam) thiết kế với khuôn khổ tem 32 x 43 mm, blốc 90 x 90 mm.
 
+ Nghiên cứu Truyện Kiều, thực hiện các tác phẩm chủ đề Kiều thúc đẩy thương hiệu doanh nghiệp.
 
Các tổ chức xuất bản các nhà nước và tư nhân, các đoàn nghệ thuật biểu diễn, công ty sản xuất chương trình, các tổ chức đấu giá nghệ thuật ... rất chú trọng thực hiện các chương trình kinh doanh hoặc tổ chức sự kiện liên quan đến Truyện Kiều vì nó dường như đảm bảo chắc chắn lợi nhuận và là cơ hội quảng bá thương hiệu tốt.
 
3. Lẩy Kiều thường được các chính khách sử dụng để biểu đạt nỗi lòng, trách nhiệm hay thông điệp ngoại giao. Lẩy kiều đầy đủ tính năng của Slogan, Motto - một loại tài sản vô hình của doanh nghiệp, giúp các công ty củng cố, định vị thương hiệu và thể hiện rõ sự khác biệt.
 
Vì mỗi câu thơ Kiều có sức khả năng biểu đạt trọn vẹn một bối cảnh, một tâm trạng dưới dạng câu hoàn chỉnh nên nó có khả năng độc lập ngoài ngữ cảnh và hoà nhập vào bối cảnh mới. Do tính năng đó các chính khách thường lẩy Kiều nhằm gửi gắm nỗi lòng hay một thông điệp ngoại giao gây thiện cảm với hàng triệu người Việt.
 
Ở Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người lẩy Kiều nhiều nhất. Đến ngay trong Di chúc thiêng liêng, Bác Hồ căn dặn đồng chí, đồng bào: Còn non, còn nước, còn người/ Thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay. Năm 2011, ông Nguyễn Phú Trọng kết thúc nhiệm kỳ Chủ tịch Quốc hội. Sau khi nhận bó hoa từ tân Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, ông Nguyễn Phú Trọng đã nán lại trên diễn đàn ít phút để chia sẻ cảm giác của mình 4 năm về trước, vào một hoàn cảnh tương tự, tức ngày ông chính thức nhận trọng trách Chủ tịch Quốc hội (năm 2017). Ông nhắc lại chuyện ông đã lẩy hai câu Kiều vào thời điểm đó là "Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn / Khuôn xanh biết có vuông tròn mà hay". Đó cũng là lời chia sẻ của vị nguyên Chủ tịch Quốc hội về trách nhiệm lớn lao trước đất nước, trước nhân dân mà ông phải đón nhận khi đảm đương vị trí quan trọng vào thời điểm đó.
 
Chính trị gia Mỹ cũng có truyền thống lẩy Kiều trong ngoại giao với Việt Nam.
 
Năm 1995 khi Tổng thống Mỹ Bill Clinton và Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt đã tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước, gác lại quá khứ và mở ra một chương mới trong lịch sử hai nước. Tháng 11/2000, chuyến thăm đầu tiên tới Việt Nam trên cương vị Tổng thống Mỹ, ông Bill Clinton cũng đã lẩy Kiều trong tiệc chiêu đãi trọng thể do Chủ tịch nước Trần Đức Lương chủ trì: “Sen tàn cúc lại nở hoa / Sầu dài ngày ngắn, Đông đà sang Xuân” để chuyển tải thông điệp về phát triển tất yếu quan hệ Việt - Mỹ: Khép lại quá khứ, hướng tới tương lai tươi sáng mà cả hai nước đều có trách nhiệm xây dựng.
 
Ông Joe Biden, Phó Tổng thống Mỹ, trong cuối phần phát biểu tại buổi tiệc tiếp ông TBT Nguyễn Phú Trọng ngày 7.7.2015, cũng đã Lẩy 2 câu Kiều: “Trời còn để có hôm nay / Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời” nhằm bày tỏ hy vọng vào tương lai tươi sáng của quan hệ song phương sau một giai đoạn lịch sử khó khăn.
 
Obama - Tổng thống Mỹ thăm Việt Nam tháng 5/2016, ông lẩy Kiều như một cam kết lòng tin trước hàng ngàn người ở Hà Nội: "Rằng trăm năm cũng từ đây / Của tin gọi một chút này làm ghi”.
 
Bên cạnh xu hướng các chính khách lẩy Kiều, các văn nghệ sĩ cũng thường đưa câu Kiều có giá trị như một slogan cho thông điệp trang Web cá nhân của mình.
 
Thực tế hiện nay chưa thấy có Slogan, Motto nổi tiếng của doanh nghiệp nào áp dụng các hình thức lẩy Kiều hoặc khai thác ý tưởng từ Truyện Kiều. Có lẽ, các doanh nhân chưa ý thức được mối liên hệ thơ Kiều với cấu trúc các Slogan, Motto, vì vậy vấn đề này cũng là nhiệm vụ của toạ đàm cần làm rõ.
 
Ở đây, tôi có thể đơn cử một vị dụ có thể khai thác Slogan hay Motto từ thơ Kiều. Trong Truyện Kiều, nói về vẻ đẹp tự nhiên, tuyệt sắc, Nguyễn Du thường dùng hai màu sắc “lục – hồng” để nói về vẻ đẹp con gái, phụ nữ nói riêng hoặc của tuổi trẻ nói chung. Điều đó có nghĩa là biểu tượng “lục – hồng” là cái đẹp kinh điển đã ăn sâu vào tiềm thức người Việt được Nguyễn Du phản ánh cô đọng lại mà thôi. Có rất nhiều câu như: Câu 26: Hoa ghen thua thắm (đỏ, hồng), liễu hờn kém xanh; Câu 90: Nào người tiếc lục tham hồng là ai; Câu 1218: Dường chau nét nguyệt dường phai vẻ hồng; Câu 1305: Mụ càng tô lục chuốt hồng...
 
Các công ty mỹ phẩm, làm đẹp... đều có thể lựa chọn các mẫu câu trên đây để sử dụng cho Slogan, Motto ở dạng nguyên bản câu thơ hay sửa đổi như: Hoa ghen thua thắm (đỏ, hồng), liễu hờn kém xanh hoặc sửa đổi như: Ngày ngày tô lục chuốt hồng; Sáng tô lục, chiều chuốt hồng...
 
4. Khai thác ý tưởng từ Truyện Kiều, vận dung giá trị Truyện Kiều
 
+ Sơ lược giá trị Truyện Kiều
 
Nói đến giá trị của Truyện Kiều, không thể không nhắc đến câu nói nổi tiếng của Phạm Quỳnh: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn...”. Ông cho rằng: “Một nước không thể không có quốc hoa, Truyện Kiều là quốc hoa của ta; một nước không thể không có quốc túy, Truyện Kiều là quốc túy của ta; một nước không thể không có quốc hồn, Truyện Kiều là quốc hồn của ta. Truyện Kiều là cái « văn tự » của giống Việt Nam ta đã «trước bạ» với non sông đất nước này... Đấng quốc sĩ ấy là ai? Là Cụ Tiên Điền ta vậy. Thiên văn khế ấy là gì? Là quyển Truyện Kiều ta vậy.
 
Như vậy, Truyện Kiều kết tinh cái đẹp Việt (quốc hoa), mang đậm đà bản sắc dân tộc (quốc tuý), phản ánh tinh thần, sức sống của dân tộc (quốc hồn)... Ngày nay, nhiều người coi Truyện Kiều là cuốn kinh của tình thương, là kinh thánh của tâm hồn.
 
Thực tế, Truyện Kiều cũng đã bước vào vũ đài chính trị như là tiêu biểu cho nền văn hóa Việt Nam. Năm 1968 sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân, nhân sự kiện phía địch tìm thấy một cuốn Truyện Kiều cũ kỹ và xơ xác trong hành trang ra trận ở túi áo của tử thi một chiến sỹ trẻ của ta[1], tạp chí The Washingtonian của Mỹ số tháng 4 có đăng bài viết về Truyện Kiều dài 2 trang với dòng tít hấp dẫn “Một tài liệu ly kỳ vừa bắt được tiết lộ tinh thần của địch”. Trong bài viết có hình minh họa Tổng thống Johnson với lời chú thích “Giá như Tổng thống Johnson đã đọc Truyện Kiều thì chắc đã không phải lâm vào tình trạng rắc rối như ngày nay”.
 
Dạy Truyện Kiều ở Đại học De Anza bang California, Giáo sư John Swensson (thời chiến tranh là Đại tá Mỹ đóng quân ở Củ Chi năm 1966, ở Sài Gòn năm 1968, 1969) nói: “Muốn tìm hiểu con người Việt Nam thì hãy tìm hiểu Truyện Kiều. Có hiểu câu chuyện về sự chịu đựng đằng đẵng 15 năm trời, chịu đủ mọi nỗi đau của Thúy Kiều thì mới hiểu được sự kiên trì cùng sức chịu đựng ghê gớm của người Việt Nam, mới hiểu được tại sao du kích Củ Chi lại có thể đào được hệ thống địa đạo Củ Chi, sống ở dưới đó để rồi cuối cùng vươn lên giành thắng lợi. Tôi thấy ở Truyện Kiều một giá trị để hoàn thiện con người”.
 
Trong khi đó, Kuroda Yoshiko là nữ thi sĩ sinh tại Kyoto, Nhật bản dịch TK sang tiếng Nhật, bà cho rằng cốt lõi tốt đẹp của tinh thần Việt Nam, và cũng là của Nhật Bản được xây dựng trên những “Lời thề” và đó cũng là lý do bà chọn đặt tên cho Lời bạt cho bản dịch “Truyện Thúy Kiều” là “Thế giới của lời thề”. Bà xem xét “lời hứa” của Thúy Kiều với nhiều nhân vật khác nhau trong tác phẩm và xem việc không thể giữ lời thề nguyền đã chỉ phối như thế nào đến suy nghĩ, hành động, cuộc đời của từng nhân vật trong câu chuyện.
 
Chúng ta biết rằng, lời hứa, lời thề là nguyên tắc chi phối mọi quan hệ xã hội trong Truyện Kiều. Vì thế, lời hứa lời thề trở thành căn cứ cho luật pháp được thực thi: “Thề sao thì lại cứa sao gia hình”. Điều mà vẫn rất giá trị trong cuộc sông hiện đại hôm nay, đặc biệt với doanh nghiệp và doanh nhân.
 
Vài nét nhận xét trên cho chúng ta thấy những giá trị cốt lõi tinh thần mà chúng ta đã có qua giá trị của Truyện Kiều. Như vậy, Truyện Kiều có thể được coi như một cẩm nang văn hoá Việt để doanh nhân có thể vận dụng, xây dựng Văn hoá doanh nghiệp Việt cho mình. Mặt khác, cộng đồng hàng triệu người Việt yêu mến Truyện Kiều, Nguyễn Du một lần nữa trở thành lực lượng ủng hộ cho các doanh nghiệp biết khai thác và vận dụng giá trị Truyện Kiều.
 
+ Khai thác ý tưởng từ Truyện Kiều
 
Truyện Kiều không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật đơn thuần mà đã trở thành một “công cụ” để phục vụ cuộc sống. Vì vậy, việc làm sáng tỏ giá trị Truyện Kiều là công việc của quá khứ, hiện tại, tương lai và không có hồi kết.
 
Chúng tôi xin đơn cử một ví dụ thực tế, sinh động sau:
 
Lấy ý tưởng từ Truyện Kiều, khai thác ứng dụng giá trị Truyện Kiều vào cuộc sống một cách rõ ràng nhất phải kể đến việc thiết kế xây dựng chùa Quán Sứ (Hà Nội) của cố Kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Ngoạn (1912-1990). Ông có nhiều công trình kiến trúc được lấy ý tưởng từ Truyện Kiều. Những công trình cụ thể như: Phòng thu thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam ở phố Quán Sứ; nhà giải khát công viên Thống Nhất và đặc biệt là chùa Quán Sứ.
 
Chùa Quán Sứ được xây dựng vào thế kỷ 15. Năm 1934, Tổng hội Phật giáo Bắc Kỳ thành lập, chùa Quán Sứ được chọn làm trụ sở trung ương. Năm 1942 chùa đã được xây dựng lại theo bản thiết kế của hai kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Ngoạn và Nguyễn Xuân Tùng do chính Tổ Vĩnh Nghiêm duyệt.
 
KTS Nguyễn Ngọc Ngoạn tâm sự: “Chùa thấp, dáng dấp, các chùa thông thường, cửu phẩm liên đài vươn lên cao... Chúng tôi nghiêng đầu, ngẹo cổ ngắm... Chúng tôi đến thực địa, đi bên này đường, sang bên kia phố của phần liên đài cao, cao quá, tầm nhìn quá gần lại còn làm chướng mắt chùa. Bỏ đi, chùa thấp, bình thường... không được. Làm ra sao? Chúng tôi băn khoăn, suy nghĩ...
 
"Chùa đâu trông thấy nẻo xa..." Tôi nghĩ tới câu thơ đó một cách ngẫu nhiên và đặt vấn đề phải làm sao cho trông thấy chùa từ đầu phố... Đưa chùa lên cao: lênh khênh, mất tỷ lệ, vẽ đi vẽ lại không đạt... "Sẵn Quan Âm Các vườn ta", không hiểu sao chữ "Các" nhắc tôi đến "Khuê Văn Các" ở Văn Miếu. Chúng tôi hình dung ngôi chùa hai tầng...
 
Táo bạo! Lạ kiểu! Quái gở! Đó là những "tiếng bấc, tiếng chì", chúng tôi kiên trì chịu đựng. Như một gáo nước lạnh dội vào: quan điểm của tôn giáo buộc Phật phải "tọa liền với đất...". Ở đây, chúng tôi vấp phải tất cả những cái gì đã ăn sâu vào con người, đã quen thuộc với các ngôi chùa thấp lè tè với chín, mười một gian chi đó... với ấn tượng hai tầng là các nhà Tây mới được nhập cảng...
 
Tôi chùng tay... Kiến trúc sư Nguyễn Xuân Tùng động viên "phải kiên trì" và chúng tôi mải miết tiếp tục nghiên cứu... Cuối cùng phương án được chấp nhận. Những ấn tượng ban đầu hình như tiêu tan hết và chùa Quán Sứ hai tầng đã được xây dựng... Chúng tôi những người thiết kế - tự nhủ rằng không biết có quá đáng không - đã dám nghĩ, dám làm, đã viết một dòng nhỏ trong trang sử kiến trúc tôn giáo Việt Nam.
 
Đánh giá đúng mức chùa Quán Sứ phải đặt chùa trong bối cảnh lịch sử của thời đại, trong giai đoạn bao trùm bởi một nền văn hóa nô dịch, trong giai đoạn mà số kiến trúc sư đầu tiên chỉ là đếm trên đầu ngón tay. Còn nó chưa hoàn toàn Việt Nam, nó còn... và còn cái này, cái khác... Thì đó lại là chuyện khác”.
 
Thay lời kết!
 
Giá trị Truyện Kiều có thể được nhận định cụ thể, sâu sắc hơn ở từng lĩnh vực cuộc sống tuỳ thuộc vào sự tìm hiểu của các doanh nhân trong từng lĩnh vực đặc thù của doanh nghiệp. Trong bối cảnh các doanh nghiệp cần khẳng định Văn hoá doanh nghiệp Việt Nam thì việc tìm ý tưởng sang tạo từ Truyện Kiều, vận dụng các giá trị Truyện Kiều là con đường ngắn nhất, đúng đắn nhất và có thể chinh phục hàng triệu người Việt vốn yêu mến Truyện Kiều, yêu mến Nguyễn Du cũng như tạo nên sự khác biệt, tạo nên giá trị Việt để có thể khẳng định mình trong thế giới phẳng, trong xu hướng kinh tế toàn cầu hoá và có thể xây dựng Xã hội tri thức.
 
Chúng tôi hy vọng rằng, Hội Kiều học sẽ là đơn vị tư vấn tốt cho các doanh nhân muốn xây dựng Văn hoá doanh nghiệp Việt Nam từ những giá trị Truyện Kiều.
 
Tài liệu tham khảo:
 
1. Truyện Kiều, Khảo – Chú – Bình, NXB Lao Động, TS Phan Tử Phùng chủ biên, Phan Văn Các, Thế Anh, Nguyễn Khắc Bảo, Trần Đình Tuấn.
2. Truyện Kiều bản UNESCO – Nôm, Quốc ngữ đối chiếu. NXB Lao Động, TS Phan Tử Phùng chủ biên, Phan Văn Các, Thế Anh, Nguyễn Khắc Bảo, Trần Đình Tuấn.
3. Tìm hiểu kiến trúc qua Truyện Kiều, KTS Nguyễn Ngọc Ngoạn, Hội Kiến trúc sư xuất bản.
4. Và một số bài báo, tạp chí khác....
 
 
Theo Trần Đình Tuấn/kieuhoc.com

Nghiên cứu thảo luận
Tìm hiểu Kim Vân Kiều tân truyện ở Thư viện Vương quốc Anh Trước đây 20 năm, Kim Vân Kiều tân truyện (còn gọi là Kim Vân Kiều hội bản) đã được giáo sư Nguyễn Văn Hoàn(1) và giáo sư Trần Nghĩa(2) giới thiệu sơ qua hoặc kỹ hơn chút ít. Bản này được đánh giá là “bản Kiều quý”, “chưa có ở nước ta”, tuy nhiên chưa ai đi sâu tìm hiểu. Điều đặc biệt ở bản này là có 146 trang thì trang nào cũng có một tranh minh họa chiếm nửa dưới trang, nửa trên dành in lời Tiểu dẫn (trang 2), một đoạn Truyện Kiều, chú thích bằng chữ Hán và lời tóm tắt bằng chữ Nôm nội dung đoạn Truyện Kiều đó. Sách không ghi tên tác giả cùng năm, nơi ra đời, chỉ thấy “trang bìa trong của sách có ghi mấy chữ tiếng Ý, viết bằng bút sắt ‘Anno 1894’; trang cuối sách ghi dòng chữ tiếng Pháp, cũng viết bằng bút sắt: ‘Paul Pelliot, acheté 432 Fr, Porte Sully, Juin 1929, No 518’. Nếu những ghi chép trên đây là chính xác thì các bản vẽ được hoàn thành vào năm 1894; đến năm 1929, Paul Pelliot, một học giả người Pháp mua được và cuối cùng, sách được nhập vào kho Thư viện Vương quốc Anh”(3). Có điều, tranh minh họa thì tôi cảm thấy có phần ngờ do người Trung Quốc vẽ.

Tham quan ảo 3D

nguyendu.d.webcom.vn

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website